Cơ hội và thách thức đối với ngành tài chính - ngân hàng trong ứng dụng chuyển đổi số

[Tác giả: Lý Xuân Hải]

-----

McKinsey mới có một bài viết khá hay về những thay đổi và thách thức đối với vị thế của ngành ngân hàng toàn cầu dưới ảnh hưởng của công nghệ và các tay chơi mới, vẽ ra xu thế phát triển và gợi ý các định hướng chiến lược cho ngành ngân hàng trong tương lai gần.

[Phần trong ngoặc kép là tôi dịch từ bài của McKinsey].

1. McKinsey nhận định về xu hướng ngành ngân hàng:

“Những thay đổi này sẽ dẫn đến đâu? Quan điểm của chúng tôi là hệ thống trung gian tài chính phức tạp và lồng ghép chồng chéo hiện tại sẽ được sắp xếp lại hợp lý hơn bởi tác động của công nghệ và các quy định của cơ quan quản lý thành một hệ thống đơn giản hơn với ba lớp đường dẫn. Theo cách mà nước sẽ luôn tìm thấy con đường ngắn nhất đến chỗ trũng, các nguồn vốn toàn cầu sẽ chảy qua lớp đường dẫn trung gian phù hợp nhất để tới đích của chúng. Một hệ thống các tầng lớp đường dẫn đơn giản hơn có lẽ sẽ thay thế cho hệ thống phức tạp hiện tại trong vai trò là đường dẫn cho dòng vốn toàn cầu.

Tầng lớp đường dẫn đầu tiên sẽ bao gồm các hoạt động thương mại và giao dịch hàng ngày [ví dụ: tiền gửi, thanh toán và các khoản vay tiêu dùng nhỏ lẻ]. Các trung gian tài chính ở đây sẽ hầu như vô hình và cuối cùng sẽ được hoà quyện vào cuộc sống số của khách hàng.

Lớp thứ hai và thứ ba sẽ dựa trên hiệu ứng Quả Tạ đôi [Hình ảnh tương tự của tạ đôi dùng trong tập thể hình: sức nặng, trọng lượng nằm ở 2 bên. Chiến lược kinh doanh Tạ đôi này các nhà kinh doanh trái phiếu hay sử dụng khi đầu tư đồng thời vào các kỳ hạn dài và ngắn, bỏ qua các kỳ hạn trung bình. Khác với chiến lược “Viên đạn” là tập trung vào 1 kỳ hạn -ND] của Công nghệ và Dữ liệu. Điều ấy một mặt sẽ cho phép tương tác của người với người hiệu quả hơn, mặt khác sẽ tự động hóa hoàn toàn. Lớp thứ hai cũng bao gồm các sản phẩm và dịch vụ trong đó Mối quan hệ và Sự thấu hiểu là những điểm tạo nên sự khác biệt chủ yếu [ví dụ: M&A, sản phẩm phái sinh, quản lý tài sản, cho vay doanh nghiệp lớn]. Các ngân hàng đi đầu sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo để tăng cường một cách triệt để, nhưng không hoàn toàn thay thế, sự tương tác của con người. Lớp thứ ba sẽ chủ yếu là B2B, chẳng hạn như bán hàng và kinh doanh theo quy mô, các nghiệp vụ được chuẩn hoá trong hoạt động quản lý tài sản, và một phần của quá trình khởi tạo các khoản vay. Trong các lớp này, các nghiệp vụ của định chế trung gian sẽ được tự động hóa mạnh mẽ và được cung cấp bởi các nền tảng hạ tầng công nghệ hiệu quả với chi phí thấp.

Hệ thống trung gian tài chính bị thu gọn đến cô đặc này nhìn có vẻ như rất xa xôi, nhưng có những ví dụ hiển hiện về các thay đổi cấu trúc đáng kể trong các ngành khác ngoài ngành ngân hàng [dưới tác động của hiệu ứng Quả Tạ đôi - ND]. Hãy nhìn lên tác động của việc đặt vé trực tuyến và các nền tảng chia sẻ như Airbnb đối với việc kinh doanh của các đại lý du lịch và khách sạn; hoặc cách các ứng dụng công nghệ như Netflix đối với ngành phân phối phim ảnh.”

PS: Ảnh hưởng của Uber và Grab đối với ngành taxi có lẽ là gần gũi nhất với người Việt.

2. Để đáp ứng với tình thế, như một cách tìm giải pháp, McKinsey nêu ra 4 định hướng chiến lược cho các ngân hàng lựa chọn:

“Định hướng 1. Trở thành tổ chức dàn xếp đổi mới và từ đầu đến cuối của một hệ sinh thái.

Định hướng 2. Nhà máy sản xuất chi phí thấp.

Định hướng 3. Ngân hàng tập trung chuyên môn hoá vào một phân khúc kinh doanh đặc thù.

Định hướng 4. Ngân hàng truyền thống được tối ưu hóa toàn bộ [quá trình vận hành] và số hoá.”

3. Các bạn đang làm ngân hàng [Bankers] nên đọc bài này. Các viễn cảnh và giải pháp chiến lược McKinsey nêu ra rất đáng suy ngẫm: Cấu trúc ngành ngân hàng sẽ phải thay đổi là điều hiển nhiên và rõ ràng. Tôi chưa được đọc một bài viết nào có được dự báo về cấu trúc tương lai ngành sắc nét và hợp lý nào. Đây là bài tương đối hợp lý.

a. Với cấu trúc này, McKinsey dự báo sự cáo chung của hoạt động ngân hàng bán lẻ theo kiểu truyền thống.

b. Công nghệ và Big Data sẽ làm quá trình tự động hoá rẻ hơn và sự thấu hiểu khách hàng trong lĩnh vực bán lẻ sâu sắc hơn nhiều.

c. 4 định hướng để xây dựng chiến lược của bài viết là rất đáng để cân nhắc. Dù chưa hoàn toàn "tới" theo tôi. Nhưng rõ ràng: các nhân viên ngân hàng đến lúc cần xem lại định hướng nghề nghiệp. Các ngân hàng cần luyện tập, thay đổi căn cơ chuẩn bị cho cạnh tranh khốc liệt với các tay chơi mới.

Sau khi đọc hết bài này xin chia sẻ với các bankers một số suy nghĩ:

I. Bối cảnh chung của ngành ngân hàng toàn cầu:

1. Ngành ngân hàng toàn cầu đang chịu sức ép từ nhiều hướng: Quản lý nhà nước thắt chặt sau khủng hoảng 2008 mà ngành ngân hàng bị coi là tội đồ nhưng cũng là nạn nhân [dù nguyên nhân thì nhiều phía]. Các chính sách thắt chặt hơn, đòi hỏi về an toàn cao hơn, phạm vi hoạt động đâu đó có bị thu hẹp hơn; Cạnh tranh bởi các non-banks; Cạnh tranh bởi các Fintech kiểu Peer-To-Peer Lending hay Crowdfunding... Dẫu ngành ngân hàng toàn cầu vượt qua khủng hoảng 2008 một cách đầy đau đớn nhưng cũng rất ngoạn mục và hồi phục nhanh chóng, sự bền vững của ngành ngân hàng đã được lấy lại... Nhưng cũng không thể không thấy những thử thách đối với cả sự tồn tại của một số ngân hàng lẫn vị thế tương lai của ngành ngân hàng trong dài hạn là sống còn.

2. Nhìn chung cách ứng phó của các ngân hàng với các thử thách trên cho đến ngày hôm nay là như nhau: Chấp nhận ôm đầu chịu trận. Ngành ngân hành chưa tìm ra cho mình một chiến lược cạnh tranh ngang cơ đối với các nhan tố mới là các Fintechs và Non-banks [Các doanh nghiệp không phải ngân hàng nhưng cung cấp một/một số nghiệp vụ ngân hàng].

3. Các chính sách, hành xử ấy, căn cứ trên số liệu của 1.000 ngân hàng lớn nhất toàn cầu được đánh giá theo tổng tài sản, đã làm An toàn vốn bình quân của các ngân hàng tăng từ 9.8% năm 2007 lên 13.2% năm 2017; Hệ số đòn bẩy giảm từ 17.1% năm 2012 xuống 14% năm 2017; ROE giảm từ 17-18% năm 2007 xuống 8-9% năm 2017; Tăng trưởng doanh thu hàng năm bình quân 5 năm qua là 2% so với 5-6% của thời kỳ trước đó.

4. Trong bối cảnh như vậy không có gì lạ khi Price-To-Book Value [PBV] của cổ phiếu ngành ngân hàng giảm mạnh so với cổ phiếu của các non-bank. PBV của ngành ngân hàng vốn cao hơn non-bank đến 18% năm 2002 đã lao dốc kể từ 2008. PBV ngành ngân hàng có lúc thấp hơn đến 53% và bây giờ là 45% so với PBV của non-bank. PBV của các Fintech và các công ty công nghệ có cơ hội thành công thì ở mức khủng.

Cho đến khi các cơ quan quản lý ngành ngân hàng tiếp tục ứng xử theo cách hiện nay và các ngân hàng còn thụ động phòng ngự với các đối thủ cạnh tranh ngoài ngành như đang làm thì tình trạnh này sẽ còn tiếp tục. Thị phần Huy động - Cho vay - Thanh toán của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục bị thu hẹp.

5. Hệ quả là:

a. Việc hạn chế phạm vi hoạt động, nâng cao yêu cầu quản lý rủi ro và năng lực tài chính, một mặt sẽ trói tay các ngân hàng sẽ làm vị thế các NHTM yếu đi. Mặt khác, trong chừng mực nào đó, phạn vi các hoạt động và quy mô đòn bẩy, các công cụ tài chính phức tạp của ngành ngân hàng sẽ bị thu hẹp và các NHTM sẽ khó có khả năng gây ra các vụ khủng hoảng như 2008. Các nhà quản lý ngành ngân hàng yên tâm hơn.

b. Mặt khác phần thị phần bị thu hẹp, tầm ảnh hưởng của các ngân hàng sẽ được/bị các Fintechs, các doanh nghiệp non-bank, các loại hình hoạt động khác thay thế. Bởi nhu cầu của các hoạt động kinh tế đối với hoạt động luân chuyển tiền tệ luôn tăng cùng tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng ngành ngân hàng chậm lại tức là nó đang bị thay thế bởi các thành phần khác. Chỗ nào ấm áp dưới ánh mặt trời này chả có người thèm thuồng nhảy vào chiếm!

c. Khi ấy các công cụ chính sách tiền tệ có còn đủ hiệu quả trong quản lý vĩ mô? Vai trò các NHTW sẽ thế nào và phạm vi đối tượng quản lý có thay đổi không? Không sớm có câu trả lời trong bối cảnh mới này thì nguy cơ khủng hoảng, hỗn loạn kiểu khác sẽ xuất hiện.

Các nhà quản lý có lẽ nên dè chừng. Không phải tình cờ Cryptocurrencies, một game đầu cơ với ý đồ tạo ra phương tiện thanh toán hoàn toàn chưa có nội hàm kinh tế, lại làm cả Chủ tich World Bank và TGĐ IMF lo sợ và cùng nhau cảnh báo về nguy cơ nó tạo ta. Trong khi một số quốc gia đang nhăm nhe tìm công cụ tiếm quyền của đồng USD như Trung Quốc, Nga ngầm khuyến khích nghiên cứu. Blockchain và các ứng dụng của nó có lẽ còn cần thời gian để tìm chỗ đứng. Ít nhất từ góc độ tư duy, Blockchain là đáng gờm với cả nhà nước lẫn ngân hàng.

Mới đây nhất chính TGĐ IMF tại Singapore Fintech Festival 14/11/2018 cũng đã dành trọn bài phát biểu của mình để chỉ nói về Cryptocurrency với 3 nội dung chính:

- Nêu và định dạng vấn đề thay đổi tính chất [Nature] của tiền tệ nhằm đón bắt các sự thay đổi mà Fintech, trong đó có Cryptocurrency, mang đến.

- Đánh giá lại vi trò của các NHTW bao gồm cả kêu gọi các NHTW phát hành loại tiền Cryptocurrencies.

- Đánh giá các nhược điểm của Cryptocurrencies và cách khắc phục.

Rất nên đọc!

6. Khi tầm cỡ WB - IMF, những tổ chức chuyên theo dõi các vấn đề chính sách kinh tế và tiền tệ toàn cầu, phải nhắc nhiều lần nghĩa là sự việc đang lớn hơn nhiều người nghĩ. Và đúng là như vậy. Không thể như con đà điểu rúc đầu xuống cát mãi được.

Thời thế đã khác, nguy cơ hiển hiện và cơ hội cũng cực thú vị để các ngân hàng thay đổi chính mình. Ngành ngân hàng Việt Nam cũng không nằm ngoài hoàn cảnh này dù sự hiệu quả của Top NHTMCP hàng đầu vẫn đang rất tốt.

II. Các nhân tố mới: Các công ty công nghệ, Fintech, Non-banks... họ là ai?

1. Trong lịch sử phát triển xã hội loài người, trong cả 3 cuộc cách mạng công nghiệp, con người luôn nâng cao khả năng, năng lực của mình trong khai thác triệt để tài nguyên thiên nhiên.

Chỉ trong cái gọi là cuộc cách mạng 4.0 này, lần đầu tiên con người tạo ra tài nguyên để khai thác: Data về hành vi con người bên cạnh Data về sự vận động của Mẹ Thiên nhiên - Big Data.

Sự phát triển về Công nghệ tính toán giúp con người ghi nhận, lưu trữ và khai thác nguồn tài nguyên này theo thời gian thực và tọ ra một quái vật hay là một Vị thần mới với năng lựa tư duy và dự báo ghê gớm: Trí tuệ nhân tạo AI. Trong kỷ nguyên sắp tới, ai nắm giữ và khai thác được nguồn tài nguyên Data này, người đó làm bá chủ thiên hạ. Dẫu tài nguyên thiên nhiên vẫn đóng vai trò chiến lược nhưng sẽ dần lùi về thứ yếu sau Data. Ai khai thác [ghi nhận, xử lý] được tài nguyên Data này một cách chuẩn xác sẽ điều khiển được con người và xã hội.

Hãy sống và chiêm nghiệm xem nhận xét của tôi đúng không!

2. Tất cả các Công ty công nghệ đáng kể hầu như chỉ có 3 hướng chiến lược:

a. Tự động hoá: Máy làm thay người để đảm bảo độ chính xác cao, ổn định về chất lượng.

b. Thu thập, lưu trữ và xử lý Big Data, tạo ra AI.

c. Kết hợp Tự động hoá và AI nhằm tạo ra một tiềm lực sản xuất khủng.

Cho đến giờ này khó có thể nói sự kết hợp này sẽ dẫn dắt xã hội loài người đi về đâu. Bên cạnh những cơ hội và lợi ích rất rõ trong phục vụ con người của Tự động hoá và AI, không thể không quan ngại về tiềm năng phá huỷ mà nó mang trong mình. Không khác gì năng lượng hạt nhân nguyên tử của những ngày đầu và cả hôm nay.

Các công ty công nghệ và các doanh nghiệp sử dụng các nền tảng ứng dụng họ tạo ra đang bắt đầu tham gia tích cực vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng ngày trong tất cả các lĩnh vực và tạo nên những điều kỳ diệu: Hãng Vận tải không có xe; Khách sạn không có phòng; Hãng Hàng không không máy bay; Hãng chiếu phim không có phòng chiếu; Cơ quan truyền hình không phóng viên; Tờ báo chỉ có 1 phóng viên; Siêu thị không có một quầy hàng...

3. Các nhân tố mới đã xuất hiện trong cơ cấu nền kinh tế và cuộc sống xã hội.

a. Các nhân tố mới này có khả năng gọi vốn cao, khả năng tăng trưởng quy mô kinh doanh mạnh, ít bị ràng buộc bởi các quy định về tài chính cũng như các chuẩn mực chuyên ngành, và với bản chất ‘cá mập’ của các start-up công nghệ sẵn sàng ‘ăn vào vốn để lấy quy mô, lấy quy mô làm thước đo giá trị’, đang rất ‘gấu bể’ trong tham vọng ngoạm cắn miếng bánh thị phần béo bở của tất cả các ngành nghề có quy mô khách hàng lớn và thu nhập cao.

b. Các công ty công nghệ luôn đi đầu áp dụng các tiến bộ mới nhất của khoa học kỹ thuật, tối ưu hoá nguồn lực của họ và của xã hội, chết đi sống lại, thích ứng và thay đổi liên tục nhằm thích ứng với các biến động thị trường, tạo ra nhu cầu và đáp ứng nhu cầu khách hàng vốn thay đổi với tốc độ chóng mặt. Hơn lúc nào hết căn bệnh ‘shock vì tương lai thay đổi quá nhanh’ mà Alvin Tofler cảnh báo đang trở thành mãn tính với các doanh nghiệp.

Như con tắc kè hoa biến hoá màu da tức thì theo biến động môi trường, các công ty công nghệ thay đổi tư duy kinh doanh liên tục tức thời với các phát triển công nghệ mới và nhu cầu thị trường, tối ưu hoá và cung cấp đúng cái mà người tiêu dùng cần. Họ phá sản, họ bán doanh nghiệp và lập tức đẻ ra công ty mới với tham vọng lớn hơn, kỳ diệu hơn. Họ quản lý sự thay đổi cực kỳ hiệu quả, chết đi và sống lại ngay như con Phượng Hoàng lửa trong môi trường cạnh tranh quá khốc liệt. Lý do cũng đơn giản: Chỉ cần thay đổi dòng lệnh là họ thay đổi mô hình kinh doanh. Còn các công ty cồng kềnh là cả một quy trình ra quyết định, sản xuất kinh doanh với vô số những con người khó thay đổi thói quen và một đống máy móc thiết bị cần đổi mới. Đặc biệt với mô hình kinh tế chia sẻ và hệ thống AI phân tích Big Data, họ trở nên thật sự ghê gớm và mạnh mẽ về tiềm lực huy động nguồn vốn khổng lồ của xã hội, năng lực dự báo trong sản xuất, bán hàng và cung cấp dịch vụ.

c. Và như vậy từ hình ảnh hiền lành của công nghệ là công cụ đắc lực cho các công ty truyền thống với mô hình kinh doanh truyền thống của các ngành truyền thống, các công ty dựa trên nền tảng công nghệ mà bản chất chỉ là công nghệ đã trở thành các đối thủ cạnh tranh và nhiều khi lại chính là tác nhân làm doanh nghiệp truyền thống gục ngã. Hình ảnh và chức năng của công nghệ và các công ty ứng dụng công nghệ, ở một khía cạnh nào đó, đã được định nghĩa lại.

Nhận thức điều này không để xác định tốt hay xấu mà để biết đó là thực tế. Và là thực tế tốt của xu thế xã hội.

d. Case study: Grab/Uber là công ty gì?

Gần đây có cuộc tranh luận: Grab/Uber là công ty Taxi hay công ty công nghệ?

Theo tôi về bản chất cuộc tranh luận này tương tự tranh luận để xác định màu của con tắc kè hoa nếu chúng ta không xác định tiêu chí đánh giá một cách tường minh. Dù điều này rất khó bởi không phải mọi thứ trên đời này đều trắng đen rõ ràng.

Các công ty sử dụng nền tảng công nghệ trong nền kinh tế chia sẻ về ngành nghề, theo tôi, là một loại doanh nghiệp lưỡng tính hay đa tính cách. Họ tham gia có thể rất sâu vào hoạt động trong một lĩnh vực hoạt động kinh doanh nào đó nhưng họ không là người sản xuất hay trực tiếp cung cấpdichj vụ cho bên mua. họ không làm chủ tài sản, họ chỉ kết nối, thiết lập một số nguyên tắc quan hệ giữa bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ [ví dụ như giá cước của Grab/Uber với sự có lợi thuộc về hành khách từ góc độ thông tin giá cước và lựa chọn] một cách công khai, vận hành một phần trong quá trình khai thác tài sản là lựa chọn những xe đưa cho hành khách lựa chọn chứ họ không toàn quyền sở hữu và vận hành toàn diện tài sản ấy.

Do vậy bảo họ là gì cũng có cơ sở. Theo tôi chính yêu cầu phải đưa họ vào một ngành nghề nào đó mới không có cơ sở. Họ lưỡng tính hay đa tính cách.

Họ cần được quản lý. Hoạt động kinh doanh, vận hành và hiệu ứng xã hội họ tạo ra là mới nên cần định dạng rõ.

Với mỗi loại hình kinh doanh mới không nên ép họ vào mô hình kinh doanh cũ và khoác lên họ tấm áo cũ vì như vậy không khác gì gọt chân cho vừa giầy. hãy trả lại cho sự việc đúng tên của nó.

Nhà nước chỉ nên tập trung duy trì một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh và khuyến khích tư duy đổi mới, công nghệ mới đối với doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bởi đó là chỉ số duy nhất đo lường sức mạnh của một nền kinh tế, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo phúc lợi xã hội.

Ví dụ với Grab:

i. Nghĩa vụ với nhà nước: Ai có thu nhập người ấy đóng thuế.

ii. VAT: Người tiêu dùng cuối cùng phải trả như bao loại hàng hoá dịch vụ khác.

iii. Tiêu chuẩn phương tiện, tiêu chuẩn lái xe , tiêu chuẩn thời gian lái xe liên tục phục vụ hành khách: Cần giống nhau giữa taxi và tài xế Grab bởi đó là tiêu chuẩn an toàn bảo vệ người tiêu dùng. Theo tôi không nên hạn chế đầu xe taxi cũng như bắt buộc cùng màu sơn, bắt gắn mào xe v.v mà để các công ty taxi tự quyết định trong đầu tư. Như thế mới công bằng. Các công ty taxi trước đây muốn vậy để nâng cao độ nhận biết của người dân. Gắn đồng hồ cũng vậy khi có các công cụ khác thay thế.

iv. Bảo hiểm xã hội: Hiện nay tài xế các công ty taxi là người làm thuê, không chịu trách nhiệm mua sắm tài sản, không chịu trách nhiệm nợ nần công ty. Họ được công ty đóng BHXH và họ sẽ có lương hưu, khi nghỉ làm được rút ra một cục, tài xế Grab không có chế độ này. Tài xế Grab tự đầu tư xe, tự vay mượn và tự thuê mình làm. Nếu muốn thì có cơ chế bảo hiểm tự nguyện. Nhà nước, nếu muốn, có thể yêu cầu 100% người dân có thu nhập, bao gồm những người tự doanh như tài xế Grab hay người bán bảo hiểm phải có bảo hiểm xã hội, chứ không chỉ bởi vì người ấy tham gia với Grab. Đó đã là câu chuyện khác.

v. Trong lĩnh vực kinh doanh mới này Grab đang có vị thế độc quyền và cần có các biện pháp chế tài với doanh nghiệp độc quyền trong kinh doanh.

vi. Bán phá giá: Nếu có các bằng chứng Grab bán phá giá thì phải dùng các biện pháp chế tài đối với hành vi này.

Chú ý rằng nếu không coi hoạt động kinh tế chia sẻ là loại hình kinh doanh mới mà áp vào kinh doanh taxi thì rất khó xử lý Grab nếu họ vi phạm v. và vi.

Cũng cần chú ý EU coi Uber là doanh nghiệp "Cung cấp dịch vụ vận tải"chứ không phải doanh nghiệp vận tải nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là chính.

Đây chỉ là một số gợi ý và suy nghĩ nhưng không phải là giải pháp trọn gói vì tôi không phải là chuyên gia trong lĩnh vực chính sách công hay quản lý vận tải. Nhưng cách tư duy phải là như vậy. Đừng nhầm lẫn khái niệm hay áp đặt khái niệm. Và cũng đừng chậm chân trong cuộc chơi công nghệ toàn cầu hôm nay.

e. Các doanh nghiệp cứ giành thời gian, nhưng theo tôi ít thôi, để tranh luận Uber/Grab là doanh nghiệp vận tải hay công nghệ, Airbnb là doanh nghiệp kinh doanh lưu trú hay công nghệ, Neflix là công ty chiếu bóng hay công ty công nghệ, Youtube là truyền hình hay công ty công nghệ, các trang mạng là báo chí hay nhật ký cá nhân, Alibaba hay Amazon là công ty kinh doanh siêu thị hay công ty công nghệ...

Bởi trong lúc đối thủ, cả xã hội đang tranh luận các vấn đề ngoài lề ấy thì các nền tảng công nghệ đang được tạo mới, đang điều chỉnh vị trí pháp lý, đang được mở rộng, đang được hoàn thiện và tối ưu hoá, đang chiếm lĩnh trái tim và ví tiền người tiêu dùng.

Mà người tiêu dùng thì luôn luôn đúng.

Các doanh nghiệp đừng để bị cuốn vào cuộc tranh luận 'Con tắc kè màu gì?' mà hình như quên hành động để có thể có các sản phẩm dịch vụ có tính cạnh tranh cao hơn họ, ví dụ chắc không thiếu. Các doanh nghiệp mô hình truyền thống, kinh doanh các ngành nghề truyền thống, ví dụ như kinh doanh ngân hàng, vẫn làm theo cách truyền thống, vẫn đang giữ rịt các khái niệm truyền thống và không dám bước ra ngoài comfort zone của mình.

Vận tải hay hoạt động vận tải, khách sạn hay hoạt động lưu trú, mạng xã hội hay hoạt động báo chí... và còn gì nữa... tất cả chỉ là viên gạch lát đường, không phải là đích đến của các con tắc kè hoa công nghệ.

f. Vậy đích đến của họ là gì?

Data. Họ cần Data. Đặc biệt là Data về hành vi con người.

Data họ sở hữu là xuyên biên giới địa lý, đa dân tộc bởi hoạt động của họ là trên không gian mạng Internet. Trên không gian này khái niệm biên giới địa lý đã mất đi, chỉ còn biên giới mạng. Hai biên giới này khác nhau một trời một vực. Những cố gắng kéo biên giới mạng về biên giới địa lý theo tôi là vô vọng trong dài hạn. Việc quản lý công dân mạng cần phải làm cách khác mới hiệu quả.

Đó là một tài sản, tài nguyên vô cùng giá trị mà không được nêu ra trong Bảng tổng kết tài sản và cân đối kế toán các công ty này. Mặc dù đang thua lỗ kế toán nhưng họ đang nắm giữ tài sản vô giá đang được định giá sổ sách bằng 0 nên thực tế họ không hề lỗ. Họ được các nhà đầu tư chuyên nghiệp đánh giá họ hàng chục tỷ đến cả trăm tỷ USD. Các nhà đầu tư này không dốt. Họ biết họ đang đầu tư vào đâu và họ đang kỳ vọng cái gì. Việc các công ty này đang thua lỗ mà vẫn mở rộng kinh doanh và kêu gọi đầu tư không khác gì người nông dân đang tiếp tục chăm sóc vườn cây, chăm nuôi đàn gia súc chỉ bởi vì cây chưa đến mùa thu hoạch và đàn gia súc chưa đạt trọng lượng làm thịt mà thôi.

Nhưng ngày ấy sẽ đến.

Việc Alibaba, Samsung, Google, Amazon hay Grab bắt đầu tham gia vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ tài chính là tín hiệu rõ ràng phát ra cho ngành ngân hàng toàn cầu.

III. Chiến lược nào cho ngành ngân hàng?

1. Ngân hàng truyền thống làm gì?

- Về chức năng, các Ngân hàng thương mại là trung gian tài chính có 3 chức năng chính: Huy động - Cho vay và Cung cấp dịch vụ thanh toán. Về sau này các Ngân hàng còn tham gia cung cấp các sản phẩm tài chính có bề sâu là các sản phẩm phái sinh như một công cụ bảo hiểm và đàu cơ.

- Về hoạt động NHTM có 4 loại công việc chính, nói cách khác Ngân hàng thương mại là Liên hiệp 4 các doanh nghiệp sau:

a. Viện nghiên cứu - R&D Institution: Nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng.

b. Nhà máy sản xuất - Manufacturer: Sản xuất các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng.

c. Công ty thương mại - Trading Co.: Bán sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng đến khách hàng.

d. Nhà cung cấp dịch vụ - Service provider.

2. Một vài nhận xét về 4 định hướng chiến lược của McKinsey:

Định hướng 2: Tập trung vào hoạt động 1.b. Cắt giảm chi phí vận hành.

Định hướng 3: Tập trung vào phục vụ một nhóm khách hàng chuyên biệt. Định hướng này hiệu quả nhưng sẽ hạn chế tăng trưởng và quanr lý rủi ro bởi tính tập trung của danh mục khách hàng. Nhưng đây là lự chọn không tồi trong phòng thủ.

Cả 2 định hướng này đều mang tính co cụm phòng thủ.

Định hướng 4: Các ngân hàng tự động hoá/máy hoá 1.c và 1.d, số hoá 1.a. và 1.b. Định hướng mang tính thời thượng nhưng kết quả vẫn còn phải chờ. Chủ yếu vẫn để giảm chi phí, giảm rủi ro và chế tạo sản phẩm may đo để bán hàng chủ động hơn. Hiệu quả hơn nhưng khó tăng mạnh quy mô.

Hãy nhớ rằng cắt giảm chi phí luôn có giới hạn. Tăng trưởng quy mô, doanh thu mới gần như vô hạn.

Định hướng này chủ động hơn nhưng với cách tư duy truyền thống hiện nay chắc khó làm. Đi đầu về ngân hàng trên không gian mạng như SoftBank không những không hành động bứt phá mà còn có vẻ định bỏ rơi hoạt động ngân hàng truyền thống. Nhìn vào các lĩnh vực họ đầu tư có cảm giác như họ định đi đường vòng vì nhanh đến đích hơn.

Cả 3 định hướng chiến lược trên đều khó giúp các ngân hàng chiến thắng các nhân tố mới là Fintechs và Non-banks trong lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng là mảng thị trường màu mỡ nhất. Mảng thị trường này sẽ bị các nhân tố mới này cạnh tranh rất mạnh và chiếm lĩnh phần lớn.

Định hướng 1: Hấp dẫn hơn cả. Và cũng tiềm năng hơn cả để nâng cao năng lực cạnh tranh với các nhân tố mới. Đây là định hướng chiến lược các ngân hàng Việt Nam nên lựa chọn.

Hiện tại ở Việt Nam chưa thấy ngân hàng nào làm một cách bài bản dù manh nha đã thấy nhưng không thấy ‘tới’. Sáng sủa và đáng ghi nhận nhất có lẽ là vài thông tin gần đây từ VP Bank.

Lý do nằm trong chính tư duy truyền thống của các nhà ngân hàng và các nhà quản lý.

3. Chia sẻ với các bankers:

a. Tấn công là cách phòng thủ tốt nhất.

Trong quá trình thực hiện 3 chức năng của trung gian tài chính nêu ở trên, đặc biệt là 2 chức năng sau, các ngân hàng đang bị các Fintechs và non-banks tham gia cạnh tranh ngày càng quyết liệt.

b. Tôi vẫn chưa thấy hoàn toàn hài lòng với chỉ 4 sự lựa chọn chiến lược mà McKinsey đưa ra. Vẫn thấy chưa đủ đột phá trong tư duy chiến lược.

Các bankers có thể chọn Định hướng mang tính quyết liệt hơn: Tư duy mở, tích hợp và chia sẻ, định nghĩa lại chức năng của các ngân hàng? Trước hết ở tính năng tích hợp, chia sẻ khách hàng và các nhu cầu của họ. Nói cách khác chủ động dẫn dắt cuộc chơi, thay đổi mình để làm hạt nhân thực sự trong việc xây dựng một hệ sinh thái khách hàng nhằm đáp ứng trọn gói các nhu cầu sinh hoạt, không chỉ tài chính ngân hàng, của họ.

Sao lại không nhỉ khi chính TGĐ IMF cũng phải xem xét và nhận thấy sự thay đổi tính chất của tiền tệ, xem xét lại vai trò NHTW?

Các ngân hàng phải tự biến mình thành các con tắc kè hoa trong thoả mãn trọn gói các nhu cầu của khách hàng, với khả năng thay đổi và thích ứng nhanh chóng trên nền tảng công nghệ. Ở Việt Nam có lẽ khó làm bởi môi trường pháp lý hơi đặc thù. Nhưng ở những thị trường khác là hoàn toàn có thể.

c. Làm vậy tất nhiên sẽ gặp sự e ngại của các nhà quản lý, và lớn nhất vẫn là sự hoài nghi của các cổ đông, các lãnh đạo cấp cao trong ngân hàng.

Mọi quá trình đánh giá lại khái niệm luôn như thế. Nhưng chắc khó có thể làm khác.

Chỉ có cách này các ngân hàng mới thay đổi được cách tư duy truyền thống và giữ được vị thế của mình.

Chính các Fintech, các cái gọi là Nền tảng công nghệ sử dụng bởi các Non-banks, này trong tương lai không xa khả năng cao cũng sẽ cạnh tranh với các ngân hàng truyền thống.

Hoạt động ngân hàng sẽ là đích tiếp theo. Ngân hàng, hiện đang là đối tác, sẽ sớm thành đối thủ của họ.

Trong cạnh tranh với các Fintechs và Non-banks trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tài chính, các ngân hàng đừng hành xử như, để rồi phải đứng ở vị thế của, các công ty taxi trong cạnh tranh với các Fintechs trong hoạt động vận tải hành khách.

Cần có chiến lược sắc hơn và hành động mạnh mẽ hơn.

Hoạt động ngân hàng cũng không hẳn là đích đến của các con cá mập công nghệ.

Đích của họ còn xa nữa.

Cần tư duy lại sứ mệnh, chức năng hoạt động ngân hàng nếu các ngân hàng muốn giữ vị thế hiện nay đang lung lay của mình.

—————-

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề