Cốm xanh Tây Bắc làm món gì ngon

Vậy là mùa thu đã đến rồi, nếu như có dịp đặt chân lên Tây Bắc mùa này bạn sẽ say lòng với hương cốm Tú Lệ, từng hạt cốm thơm dẻo, xanh non, tỏa hương thơm ngát khắp núi rừng. Còn ngại ngần gì mà chưa lên Tây Bắc để trải nghiệm mùa vàng và thưởng thức những món ăn tuyệt với từ những hạt cốm xanh non nhỉ. Cùng Halotravel khám phá đặc sản này nhé!

Tú Lệ ở đâu? 

Mỗi khi nhắc đến Yên Bái chúng ta sẽ nhớ ngay đến những thửa ruộng bậc thang trải dài ở Mùa Cang Chải, nhớ đến Suối khoáng nóng Trạm Tấu. Nhưng ít ai nhớ được Yên Bái còn một địa điểm khá thu hút, khiến cho bao bạn trẻ say mê dó là Thung lũng Tú Lệ.

Thung lũng Tú Lệ rộng gần 3.000ha thuộc huyện Văn Chấn, lọt thỏm dưới 3 dãy núi Khau Phạ, Khau Song và Khau Thán như một bức tranh tươi đẹp của miền “thanh sơn, bích thủy”. Đặc biệt, mỗi khi mùa thu về, cả thung lũng Tú Lệ lại ngập tràn trong hương thơm của những hạt cốm xanh non. Nếu có dịp đi qua từng bản làng nhỏ bạn sẽ ngửi được hương thơm của món xôi nếp, cảnh sinh hoạt gia đình ấm áp và vẻ đẹp bình dị của thiên nhiên đất trời Tây Bắc.

Cốm Tú Lệ có vào tháng mấy?

Cốm Tú Lệ là món quà quê bình dị đến từ những thửa ruộng bậc thang của người dân vùng Tây Bắc. Hạt cốm xanh màu lúa, tròn mây mẩy, vị ngọt bùi và thơm nức mùi lúa non. Khách đường xa có dịp ghé chân ăn thử đặc sản cốm Tây Bắc đều không khỏi nhớ thương hương vị dẻo thơm của món cốm xanh cuốn hút này.

Ảnh: ST

Cứ tháng 9 tháng 10 hằng năm, khi thửa ruộng bậc thang xanh ngả màu vàng của lúa chín, người dân Tú Lệ, Yên Bái lại nô nức chuẩn bị cho mùa cốm mới. Do cốm phải làm từ lúa non, nên mùa thu là mùa duy nhất có cốm. Về với Tú Lệ Yên Bái mùa thu, bạn sẽ được hít hà mùi cốm non thơm dịu dàng cùng tiếng chày đập nhịp nhàng khắp thôn bản.

Cốm Tú Lệ không giống với cốm làng Vòng Hà Nội hay cốm tại nơi khác. Tuy cùng là giống nếp tan nhưng cốm có mùi vị đặc trưng khác hẳn. Nguyên nhân là do được thừa hưởng tinh hoa của đất trời. Khí hậu vùng Tây Bắc quanh năm mát mẻ, chênh lệch biên độ ngày và đêm tương đối lớn. Do đó, lúa ở đây được tích năng lượng cao, mang lại cho hạt cốm một vị thơm ngon xao xuyến lòng người.

Cốm Tú Lệ được làm ra như thế nào?

.Với dân làng, cốm Tú Lệ không chỉ là đặc sản Tây Bắc mà còn là biểu tượng văn hóa. Sống chủ yếu dựa vào nghề nông, ruộng bậc thang và hương cốm luôn ăn sâu trong ký ức của người dân Tú Lệ. Do đó, từng hạt cốm làm ra đều được nâng niu, tỉ mẩn trong từng công đoạn. 

Làm cốm không dễ. Từ sớm tinh sương, bà con người Thái đã phải ra đồng lựa lúa. Để có một mẻ cốm ngon, lúa phải còn ngậm sữa. Chưa kể lúa cắt xong phải làm ngay kẻo cốm mất tươi, mất ngon. 

@trang.inr

Lúa non sau khi tuốt thật khéo sẽ được đãi qua nước và cho vào rang. Theo dân bản, rang cốm là quan trọng nhất. Muốn cốm thơm ngon phải lựa chảo thật kỹ, bếp lò rang cốm phải dùng củi, nồi phải là nồi gang. Cốm được đảo đều trong lửa nhỏ, sao cho hạt lúa nóng đều nở bung chấu. 

Ảnh: Sưu tầm

Lúa rang xong sẽ để nguội rồi đem đi giã. Tuỳ vào độ non của lúa, thời gian giã cốm sẽ khác nhau. Thông thường, khoảng 10 lần đạp chày đảo cốm là xong một mẻ cốm. Cuối cùng, dân bản sẽ dùng sàng lọc cốm và gói vào lá dong để giữ trọn vị thơm tinh hoa của đất trời trong từng hạt ngọc xanh. Làm xong mẻ cốm tươi cũng là lúc trời đã xế chiều.

Vất vả thế, lại không đem lại nhiều giá trị kinh tế. Nhưng dân Tú Lệ làm cốm vì giá trị tinh thần. Khi cốm trở nên nức tiếng gần xa, họ vui lắm. Có người dù ở Đà Nẵng cứ thu lại lặn lội lên Tây Bắc thưởng thức cốm Tú Lệ Tây Bắc. Chỉ vậy thôi là đủ làm ấm lòng người dân Tú Lệ rồi. 

Những món ăn ngon được làm từ cốm

Cốm Tú Lệ đã trở thành thương hiệu của Tây Bắc, được xem là thức quà của  nhiều người miền xuôi. Từ những hạt cốm xanh non qua bàn tay chế biến của người đồng bào miền núi chúng trở thành những món ăn ngon, nức lòng bao du khách.

Món xôi cốm Tú Lệ

Món xôi cốm dẻo thơm không còn xa lạ với  nhiều người dân miền xuôi thế nhưng thưởng thức xôi cốm Tú Lệ lại mang một hương vị hoàn toàn khác biệt. Nhờ sự ưu ái của thiên nhiên, nguồn nước chảy trong vắt của núi rừng đã tạo nên sự riêng biệt trong từng hạt gạo mà không nơi nào có được.

Món xôi cốm có màu xanh, từng hạt xôi cốm dẻo thơm, cắn một miếng bạn sẽ cảm nhận được sự hòa quyện của đậu xanh, nước dừa thơm lừng và từng sợi dừa trắng nhỏ phủ đều bên trên không chỉ ngon mà vô cùng bắt mắt.

Ảnh: Sưu tầm

Món chè cốm

Chè cốm cũng là một trong những món ăn ngon mà ta phải kể đến, Món chè được nấu từ những hạt cốm xanh non hòa quyện với hương hoa bưởi nồng vô cùng hấp dẫn. Chè cốm dược nấu cùng ngô nếp, ninh mềm, khi chín múc ra bát rắc lên một ít dừa tươi thái mỏng. Múc một muỗng bạn sẽ nhớ mãi không quên hương vị thanh mát, ngọt bùi của hương cốm đầu mùa này.

Ảnh: Sưu tầm

 Món Chả cốm

Vào những ngày trời thu mát mẻ được ngồi bên gia đình ăn món chả cốm rán vàng ươm thơm ngát thì con gì  bằng nhỉ. Những hạt cốm xanh non được người dân trộn cùng thịt xay, gia vị và mỡ. Sau đó nặn thành những miếng chả nhỏ cỡ lòng  bàn tay. Nhiều người thường cho thêm bộ năng hoặc bột mì để miếng chả có độ ngậy, bóng và thơm hơn. Miếng chả cốm sẽ được hấp qua sau đó chiên vàng trên chảo dầu nóng, khi ăn thái miếng nhỏ vừa miệng ăn cùng với cơm thì còn gì bằng nhỉ.

Ảnh: Sưu tầm

Phượt Tây Bắc mùa thu có gì

Đến với Tây Bắc mùa thu, không chỉ có đặc sản cốm Tú Lệ. Phượt miền núi phía Bắc thời gian này, bạn sẽ bị mê mệt với cánh đồng lúa chín rực rỡ khắp vùng núi đồi Tây Bắc cũng như sắc tím của hoa tam giác mạch mỗi năm chỉ nở một dịp. Hay bạn còn có cơ hội thưởng thức đủ loại của ngon vật lạ như bánh tam giác mạch, thắng cố, rêu nướng…

Ảnh: Sưu tầm

Với những thông tin trên đây bạn đã hiểu thêm về đặc sản cốm Tú Lệ rồi nhỉ. Hãy lên kế hoạch cho chuyến đi sắp tới của mình ngay thôi. Ngoài ra, phượt các tỉnh miền núi phía Bắc mùa này, còn là dịp để bạn chiêm  ngưỡng cung đường lúa chín và đồng hoa tam giác mạch nở rộ có 1-0-2. Còn ngại gì mà không xông pha nào các phượt thủ ơi!

Bài viết bạn quan tâm:

08:59, 21/11/2021

Mỗi khi đến mùa gặt vào độ cuối thu, trong tiết trời se lạnh hòa vào hương lúa thơm nồng, đồng bào Tày vùng Tây Bắc lại giã cốm để làm nên những hạt cốm xanh dẻo thơm.

Để có được những mẻ cốm thơm ngon, đồng bào Tày vùng Tây Bắc đã lựa thời điểm hái bông lúa nếp lúc còn xanh vỏ, ngắt bông vào lúc sáng sớm mang về chế biến luôn bởi như thế bông lúa nếp mới giữ được hương thơm, màu xanh và độ dẻo. Sau những công đoạn chế biến cầu kỳ như: đào lò để sấy lúa, giã, sàng, sẩy…, những mẻ cốm dẻo thơm, xanh tươi hấp dẫn được hoàn thành. Khi chế biến xong, cốm hạt có thể thưởng thức ngay để cảm nhận được vị ngọt, dẻo, thơm của nếp. Song người Tày còn sáng tạo ra nhiều món ăn độc đáo, thú vị từ hạt cốm để cảm nhận vị thơm ngon của cốm ở nhiều dư vị khác nhau.

Từ những hạt cốm xanh thơm, để làm nên độ giòn, đồng bào đã cho cốm lên chảo rang. Khi rang, lửa để nhỏ, đảo đũa đều tay để hạt cốm được vàng đều. Rang chừng 10 - 15 phút, hạt cốm nở căng, vàng đều bề mặt. Cốm rang không chỉ thơm mà còn tăng độ ngọt và giòn, hấp dẫn nhất là ăn kèm cốm rang với chuối chín và uống nước chè xanh.

Những hạt cốm xanh thơm được chế biến từ bàn tay khéo léo của những phụ nữ Tày.

Cùng với cốm rang, người Tày còn chế biến món cốm lam. Cốm được gói vào lá dong theo cách cuộn tròn, dài sau đó đưa vào ống lam bằng cây bương hoặc ống nứa thân to, dùng lá dong bịt đầu ống lam để cốm không bị mất hương thơm. Ở đáy ống, đổ một chút nước cho khỏi cháy. Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu, ống lam được đưa lên bếp lửa lam chừng 30 phút là cốm chín. Khi bóc ra, cốm lam dẻo quyện vào nhau tựa như xôi cốm, hạt cốm vẫn giữa được màu xanh tự nhiên. Vị cốm có sự kết hợp giữa hương thơm của nếp với vị thơm của lá dong. Cốm lam khi ăn có độ dẻo thơm, mềm và có vị ngọt của gạo nếp. Món này càng ngon khi ăn với thịt lợn nướng, thịt trâu gác bếp hoặc lạp xưởng nướng.

Bánh cốm là món ăn không thể thiếu trong vốn ẩm thực về cốm của người Tày vùng Tây Bắc. Vẫn từ nguyên liệu cốm, kèm theo nhân đỗ xanh hoặc nhân lạc, thịt lợn, người Tày dùng lá dong hoặc lá chuối tươi gói những chiếc bánh cốm to bằng chiếc bánh chưng gù hoặc bánh dợm thường ngày. Sau khi gói xong, bánh cốm được cho lên nồi đồ chừng một giờ là chín. Cảm nhận đầu tiên khi mở nồi bánh là hương thơm tỏa ra khiến người thưởng thức chưa ăn đã cảm nhận được dư vị của bánh. Khi bóc ra, bánh cốm có màu xanh tự nhiên, hạt cốm bung nở và hòa quyện vào nhau. Bánh cốm có độ dẻo, vị thơm hương lúa mới, vị béo của nhân đỗ xanh, nhân lạc và thịt lợn. Thức bánh này có thể để được 2 - 3 ngày mà vẫn giữ được độ dẻo thơm.

Đồng bào Tày sấy chum lúa trước khi chế biến cốm.

Người Tày vùng Tây Bắc còn chế biến cốm thành món cháo cốm vịt khá độc đáo và bổ dưỡng. Sau khi chế biến cốm, những hạt cốm xanh non được cho vào nồi nấu cháo cùng với thịt vịt. Thịt vịt có thể băm ra thành miếng nhỏ hoặc để cả con sau đó cho cốm và nước vào nấu cùng nhau. Khi nấu, đun lửa vừa nhỏ, cháy âm ỉ để thịt vịt và cốm được mềm. Khi ăn, cháo cốm vịt có vị ngon riêng so với các loại cháo khác. Ngoài vị thơm của cốm, cháo cốm vịt còn có sự hòa quyện giữa vị ngọt của lúa non với thịt vịt.

Mỗi món ăn chế biến từ cốm có một vị ngon riêng, mang lại cho thực khách sự trải nghiệm đầy thú vị về ẩm thực cốm vùng Tây Bắc. Các món ăn đã thể hiện sự khéo léo, tấm lòng thơm thảo và sự sáng tạo không ngừng của đồng bào Tày khi chế biến món ăn.

Nguyễn Thế Lượng

Video liên quan

Chủ Đề