Đánh giá chương trình trải nghiệm cho học sinh

Ở mỗi độ tuổi, học sinh có thể tham gia chương trình học trải nghiệm tương ứng với các cấp khác nhau. Những hoạt động này cung cấp trải nghiệm học tập, kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy cho các em. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về chương trình này.

Xem thêm:

  • Tổng hợp 8 lớp học trải nghiệm xu thế hiện nay

1. Mục tiêu của chương trình học trải nghiệm

Mỗi cấp học, học sinh có thể chất, tâm lý và nhu cầu về kiến thức, kỹ năng khác nhau. Để thực sự đáp ứng nhu cầu của các bạn, các chương trình học trải nghiệm thường đặt ra mục tiêu khác nhau khi triển khai ở Tiểu học, THCS, THPT.

1.1 Bậc tiểu học

Chương trình học trải nghiệm có thể bắt đầu từ cấp tiểu học với các hoạt động khám phá bản thân, cuộc sống cơ bản.

Điều kiện thể chất, tâm lý của học sinh tiểu học

  • Lứa tuổi tiểu học đang làm quen với môi trường học đường. Các em đang bước chập chững trên hành trình trang bị kiến thức cơ bản, thiết lập mối quan hệ xã hội và rèn luyện kỹ năng mới. 

  • Thể chất của các em học sinh tiểu học đang phát triển ở mức độ vừa đủ để có thể tham gia hoạt động trải nghiệm. Tâm lý lứa tuổi này bắt đầu tò mò, ham thích khám phá. 

Mục tiêu chính của chương trình học trải nghiệm ở Tiểu học

  • Tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động ở mức độ cơ bản đầu tiên. 

  • Phát triển cá nhân và các kỹ năng sống cơ bản như tự chăm sóc bản thân, tự học, ứng xử trong tập thể,…. 

  • Mở rộng mối quan hệ bạn bè

1.2 Bậc THCS

Ở bậc THCS, học sinh có thể trải nghiệm các hoạt động phức tạp hơn về kỹ năng xã hội, hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp.

Điều kiện thể chất, tâm lý của học sinh THCS

  • Lứa tuổi THCS đã có một số trải nghiệm cơ bản về học tập, mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, các em cần được trang bị những kỹ năng phức tạp hơn, có sự định hình nhất định về bản thân và các xu hướng xã hội. 

  • Các em đang phát triển mạnh về thể chất, có khả năng trải nghiệm nhiều hoạt động thiên về vận động, tư duy phức tạp hơn. Lứa tuổi này cũng rất hào hứng, nhiệt tình trong việc thử nghiệm cái mới, chứng tỏ cái tôi cá nhân.

Mục tiêu chính của chương trình học trải nghiệm ở THCS

  • Tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm đa dạng, đòi hỏi tư duy và kỹ năng phức tạp hơn. 

  • Nâng cao nhận thức về thế giới bên ngoài, phát triển kỹ năng xã hội như giao tiếp, ứng xử, tự vệ,…

  • Tạo cơ hội cho học sinh phát huy năng lực cá nhân. 

1.3 Bậc THPT

Thông qua các trải nghiệm học tập, học sinh THPT có thể đánh giá năng lực bản thân, hiểu thêm về sở thích, đam mê, điểm mạnh, điểm yếu của mình.

Điều kiện thể chất, tâm lý của học sinh THPT

  • Học sinh bậc THPT đã có vốn trải nghiệm học tập, kỹ năng xã hội tương đối phong phú. Các bạn cũng có nhận thức rõ ràng về bản thân, môi trường xung quanh. Lúc này, các em cần tham gia hoạt động trải nghiệm giúp định hình rõ ràng về mục tiêu, nghề nghiệp tương lai. Bởi vì, các bạn đang đứng trước ngưỡng cửa chọn trường cao đẳng, đại học hay học nghề. 

  • Thể chất lứa tuổi này tương đương người trưởng thành, có thể tham gia hầu hết chương trình trải nghiệm phức tạp. Các bạn cũng có hứng thú trong việc thử thách, khám phá bản thân và xã hội.

Mục tiêu chính của chương trình học trải nghiệm ở THPT

  • Tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động đa dạng, sáng tạo, giúp định hình hướng nghiệp, đánh giá năng lực bản thân. Từ đó, học sinh có thể phát huy kỹ năng, kinh nghiệm để lựa chọn, theo đuổi, thích nghi với nghề nghiệp tương lai.

  •  Hướng học sinh đến giá trị sống tích cực cho cộng đồng như tính tiết kiệm, tinh thần tương trợ người khó khăn, lòng vị tha, bao dung,...

2. Nội dung cơ bản của chương trình học trải nghiệm

2.1. Nội dung cơ bản của chương trình học trải nghiệm

Chương trình học trải nghiệm gồm nhiều nội dung khác nhau, tương ứng với đối tượng học sinh từng cấp học. Tuy nhiên, tựu trung lại, nội dung cơ bản của chương trình này là các hoạt động phát triển cá nhân, hoạt động lao động, hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng, hoạt động hướng nghiệp.

2.2. Các hoạt động chính của nội dung chương trình học trải nghiệm

Nội dung chương trình học trải nghiệm được thể hiện qua các hoạt động chính gồm phát triển cá nhân, lao động, hoạt động xã hội,...

HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN CÁ NHÂN

Mục đích: 

  • Giúp học sinh phát triển tối đa khả năng của bản thân, trang bị kỹ năng sống, kiến thức văn hóa xã hội trong thời đại toàn cầu hóa. 

  • Hoạt động phát triển cá nhân còn hướng tới việc vun đắp tư duy thẩm mỹ, tâm hồn cũng như khả năng tư duy logic, óc quan sát và kiểm soát cảm xúc. 

  • Rèn cho học sinh năng lực tự đánh giá và hoàn thiện bản thân.

Nội dung: Các hoạt động phát triển cá nhân tập trung vào nội dung rèn luyện, bồi đắp tư duy, kỹ năng và nâng cao thể chất học sinh. 

  • Về tư duy, các em được học cách khám phá điểm mạnh, điểm yếu, tiềm năng của mình. Đây là cơ sở để học sinh phát huy ưu điểm và khắc phục hạn chế thông qua việc tìm tòi tri thức, cải thiện kỹ năng. 

  • Các hoạt động này cũng cung cấp kiến thức, kỹ năng nhìn nhận, đánh giá bản thân trong mối quan hệ với môi trường xã hội cho học sinh. Các em có thể tích lũy được những điều này khi tham gia lớp học kỹ năng mềm, workshop giao lưu với chuyên gia về chủ đề tâm lý, lối sống,...

  • Về thể chất, tham gia các hoạt động phát triển cá nhân giúp học sinh học cách giải phóng cảm xúc, giải tỏa căng thẳng và hình thành thói quen vận động lành mạnh. Các bạn có thể tham gia lớp học nghệ thuật hoặc sinh hoạt CLB dễ nhận thấy sự phát triển thể chất này. 

Học sinh tiểu học được học kỹ năng cá nhân như đi xe đạp trong chương trình trải nghiệm.

HOẠT ĐỘNG LAO ĐỘNG

Mục đích: Hoạt động lao động giúp phát triển kỹ năng làm việc, nhận thức về công việc và giá trị của sức lao động cho học sinh. Các em được tạo điều kiện thực hành lao động phù hợp với độ tuổi của mình.

Nội dung: Hoạt động lao động bao gồm các hoạt động tự phục vụ, lao động trong sinh hoạt, lao động trong thiên nhiên,... Ở đó, học sinh có điều kiện nâng cao thể chất, rèn luyện tính kỷ luật, nhanh nhẹn, tính tự lập. 

  • Lao động tự phục vụ: Đây là hình thức tự chăm sóc, phục vụ các nhu cầu của cá nhân như tắm rửa, mặc quần áo, dọn phòng riêng, sắp xếp sách vở,… Ở hoạt động này, học sinh phải học cách tự sắp xếp, tổ chức đời sống cá nhân để thỏa mãn những nhu cầu của mình theo ý muốn.

  • Lao động trong sinh hoạt: Đây là hình thức lao động trong đời sống hàng ngày ở trường và gia đình như trực nhật, quét dọn, vệ sinh nhà cửa,… Hoạt động này buộc các em phải phát huy tính kỷ luật, sự nhanh nhẹn. Học sinh phải có thái độ quan tâm, giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo vệ đồ dùng hàng ngày. Qua đây, mỗi bạn sẽ có ý thức tự lập và lao động đóng góp vào tập thể. 

  • Lao động trong thiên nhiên: Đây được hiểu là các hoạt động gắn với thiên nhiên như trồng cây, trồng hoa, chăm sóc động vật,… Ở đó, học sinh học cách quý trọng động thực vật và tự hoàn thành các công việc như chăm bón cây, hoa, cho động vật ăn,... Các em cũng có dịp hòa mình, gần gũi hơn với thiên nhiên. 

  • Lao động thủ công: Đây là hình thức lao động tạo nên những món đồ thủ công từ nguyên vật liệu sẵn có. Hoạt động này có thể tích hợp trong giờ học của các em. Tại đây, các bạn học được cách tái chế nguyên vật liệu, rèn luyện kỹ năng may vá, thêu thùa, lắp ráp,... cùng sự tỉ mỉ, khéo léo. Hoạt động này giúp phát triển trí tưởng tượng, óc sáng tạo cùng thái độ yêu môi trường cho học sinh. 

Học sinh THCS bắt đầu làm quen với các công việc lao động vừa sức như trồng cây trong khuôn viên trường.

HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI VÀ PHỤC VỤ CỘNG ĐỒNG

Mục đích: 

  •  Nâng cao nhận thức của học sinh về các giá trị sống như lòng nhân ái, tinh thần tương trợ, yêu thương đồng bào...
  • Giúp học sinh thấu hiểu vai trò, trách nhiệm của mình trong xã hội, biết sống có ý nghĩa và quan tâm đến cộng đồng.
  • Bồi đắp tâm hồn, nhân cách cho thế hệ trẻ, hướng các bạn đến tương lai trở thành công dân toàn cầu.

Nội dung: Các hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng thường hướng đến nội dung giúp học sinh phát huy tính tích cực và trách nhiệm công dân. Đây là nơi tạo điều kiện cho các bạn trực tiếp đóng góp công sức, trí tuệ của mình vào sự phát triển của xã hội. Các dạng hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng với nội dung tương ứng thường thấy trong chương trình học trải nghiệm là:

  • Hoạt động định hình nhân cách: Đây là dạng hoạt động nhằm mục tiêu định hướng cho học sinh có hành vi, ứng xử phù hợp với chuẩn mực xã hội. Đến với hoạt động này, các bạn được cung cấp kiến thức về chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, từ đó nhìn nhận và điều chỉnh hành vi, suy nghĩ của mình. Hoạt động đó có thể tổ chức dưới hình thức các buổi giáo dục, tư vấn về chủ đề giới tính, an toàn giao thông, tâm lý học đường,...

  • Cuộc thi sáng tạo, dự án kỹ thuật, tuyên truyền lối sống đẹp cho cộng đồng: Nhà trường kết hợp với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp có thể khởi xướng cuộc thi chế tạo máy móc, tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả làm việc cho một số ngành nghề, tuyên truyền lối sống có ích và lành mạnh,... Ở đây, học sinh sẽ vận dụng kiến thức để tạo ra các sản phẩm, sáng kiến hữu ích phục vụ cộng đồng. Đó có thể là cuộc thi Sáng kiến vì cộng đồng, Dự án kỹ thuật vì cộng đồng, Hội thi Tuyên truyền, phòng chống tệ nạn ma túy, bạo lực học đường,...

  • Hoạt động tình nguyện: Học sinh có thể tham gia các chuyến đi thiện nguyện đến vùng sâu, vùng xa hoặc tổ chức quyên góp vật phẩm, dọn vệ sinh cộng đồng, dạy học miễn phí,… Hoạt động này được nhiều bạn trẻ hưởng ứng vì tính tích cực và giá trị nhân văn. Mỗi học sinh có thể học cách sống tình cảm hơn, biết quan tâm, sẻ chia, biết đem lại giá trị cho cộng đồng thông qua các dự án thiện nguyện. 

Hoạt động tình nguyện cũng là một trải nghiệm đem lại nhiều hiểu biết xã hội, thích hợp với học sinh từ cấp THCS, THPT.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG NGHIỆP

Mục đích: Các hoạt động hướng nghiệp giúp học sinh tìm hiểu nghề nghiệp, trải nghiệm thực tế công việc để có định hướng nghề rõ ràng, phù hợp với năng lực, sở thích bản thân.

Nội dung: Hoạt động hướng nghiệp hướng tới cung cấp kiến thức và kỹ năng để học sinh nhận biết, hiểu rõ mong muốn, thực lực của bản thân và thị trường lao động hiện nay. Các dạng hoạt động hướng nghiệp kèm nội dung tương ứng nằm trong chương trình học trải nghiệm gồm:

  • Talkshow, workshop hướng nghiệp: Với sự tham gia của các chuyên gia hoặc nhân vật thành đạt, hoạt động này giúp học sinh có thêm kiến thức, kinh nghiệm, bài học và kỹ năng về ngành nghề cụ thể. Chuyên gia sẽ đem đến những chia sẻ mang tính chuyên môn về lĩnh vực mà họ hiểu rõ. Theo đó, học sinh có thể trao đổi, đặt câu hỏi cho chuyên gia để khai thác thông tin về ngành nghề tương lai và tình hình thị trường lao động. 

  • Tư vấn trực tiếp: Tại hoạt động này, học sinh sẽ trực tiếp chia sẻ nhu cầu nghề nghiệp, định hướng cho sự nghiệp tương lai của mình với tư vấn viên. Tư vấn viên là những người có hiểu biết, kinh nghiệm về một số ngành nghề nhất định. Họ sẽ cung cấp tài liệu kèm chia sẻ thực tế liên quan đến ngành nghề đó để học sinh cân nhắc, tự đánh giá và chọn nghề phù hợp với mong muốn của mình.

  • Trải nghiệm nghề nghiệp: Đây là hoạt động cho phép học sinh trực tiếp thử sức với công việc mình thích hoặc muốn theo đuổi trong một khoảng thời gian nhất định. Các bạn được tự làm, tự cảm nhận, đúc rút bài học và tiếp nhận đánh giá từ người quản lý, dẫn dắt mình. Đây là phép thử giúp học sinh xác định được liệu bản thân có phù hợp với ngành nghề đó hay không để tiếp tục theo đuổi hoặc đưa ra một lựa chọn khác. 

Học sinh THPT rất cần trải nghiệm hướng nghiệp để có căn cứ chọn ngành, chọn trường khi bước vào ĐH.

2.3 Nội dung chương trình học trải nghiệm ở các cấp

2.3.1 Nội dung chương trình học trải nghiệm Tiểu học

Chương trình học trải nghiệm Tiểu học tập trung vào một số nội dung giúp các em có được kỹ năng học tập, làm quen với môi trường học đường và xã hội, tìm hiểu một số ngành nghề cơ bản. 

Các hoạt động phát triển bản thân, kỹ năng sống, mối quan hệ gia đình, thầy cô và bè bạn

Lứa tuổi tiểu học mới bước vào môi trường học đường, đang tìm cách thích nghi với thay đổi trong đời sống học tập, xã hội. Các bạn cần có những kỹ năng mới như kỹ năng học tập, kỹ năng sống, ứng xử trong các mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè. 

Lứa tuổi này cũng đang trong quá trình tự tìm hiểu, khám phá bản thân, định hình tính cách. Bởi vậy, các hoạt động phát triển bản thân, kỹ năng sống, mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè sẽ giúp học sinh tiểu học trải nghiệm thực tế, vun đắp kỹ năng cần thiết, giúp làm quen với môi trường học đường và xã hội.

Trải nghiệm giúp học sinh tiểu học làm quen với môi trường học tập, vun đắp các mối quan hệ xã hội: thầy trò, bạn bè,...

Các hoạt động lao động

Bước từ lứa tuổi mầm non sang tiểu học, ngoài phát triển bản thân, học sinh bắt đầu cần quan tâm đến đời sống xung quanh, trong đó có những hoạt động lao động. 

Học sinh tiểu học đang ở độ tuổi phát triển mạnh về thể chất, đủ để tham gia các hoạt động lao động vừa tầm. Các em có kỹ năng làm việc nhưng hầu hết còn thiếu khả năng phối hợp thể chất trong lao động. Do đó, tham gia các hoạt động lao động sẽ giúp học sinh cải thiện kỹ năng này, tác động tốt đến thể lực các em. 

Độ tuổi tiểu học cũng bắt đầu tự lập về một số khía cạnh như tự học, tự sinh hoạt cá nhân,… Tham gia hoạt động lao động khiến học sinh tiểu học thúc đẩy  quá trình này, bồi đắp thêm các kỹ năng sinh hoạt cá nhân và trong gia đình, trường học cho các em.

Các hoạt động này còn giúp học sinh hiểu về ý nghĩa, giá trị của sức lao động. Từ đó, các em trân trọng, yêu quý những người lao động xung quanh mình, gần nhất là bố mẹ, anh chị em,… Ở lứa tuổi nhỏ như tiểu học, hình thành được suy nghĩ tích cực như vậy là điều cần thiết trong hành trình hoàn thiện nhân cách sau này. 

Các hoạt động tìm hiểu ngành nghề cơ bản

Trong đời sống hằng ngày, học sinh tiểu học đã có cơ hội tiếp xúc với các ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, hiểu biết của các em về vấn đề này còn hạn chế. 

Học sinh ở độ tuổi này chưa có ý niệm đầy đủ và rõ ràng về nghề nghiệp trong xã hội. Đa số các bạn mới chỉ biết tới “giáo viên, bác sĩ, bộ đội”,... trong khi xã hội hiện nay phát triển đa dạng ngành, nghề. Do đó, hoạt động tìm hiểu ngành nghề là điều cần thiết để học sinh có hiểu biết đúng và đủ về vấn đề nêu trên.  

Khi tham gia các hoạt động tìm hiểu ngành nghề cơ bản, học sinh tiểu học sớm có thêm kiến thức, kỹ năng kèm tư duy ban đầu về các ngành nghề phổ biến trong xã hội như kinh doanh, tài chính, giáo dục, dịch vụ,...

Tạo điều kiện cho học sinh tiểu học tiếp cận, tìm hiểu ngành nghề cơ bản sớm cũng là một định hướng của Bộ Giáo dục - Đào tạo nhằm thực hiện phân luồng học sinh ngay từ các cấp học đầu tiên của bậc phổ thông. 

2.3.2 Nội dung chương trình học trải nghiệm ở THCS

Chương trình học trải nghiệm ở THCS bắt đầu đa dạng, tập trung vào những hoạt động có độ phức tạp hơn. Trong đó, đa số chương trình đẩy mạnh hoạt động xã hội, phát triển cá nhân và hướng nghiệp. 

Các hoạt động xã hội

Lứa tuổi THCS đã có những hiểu biết nhất định về bản thân, môi trường học tập. Các em bắt đầu có xu hướng hướng tới các hoạt động, mối quan hệ xã hội rộng lớn hơn. 

Những hoạt động trải nghiệm xã hội đem tới cho học sinh THCS cơ hội rèn luyện kỹ năng, tích lũy vốn sống, tiếp cận với các xu thế mới trong xã hội hiện nay. Qua đó, các bạn có bước chuẩn bị tốt trước khi bước vào những hoạt động thực tế. 

Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp có thể được tổ chức cho lứa tuổi từ cấp 2 trở lên khi các em đã có nhận thức nhất định về xã hội, nghề nghiệp.

Hoạt động phục vụ cộng đồng, bắt đầu đẩy mạnh hướng nghiệp

Sau khi đã có những nhận thức nhất định về bản thân, gia đình, cộng đồng, lứa tuổi THCS thường mong muốn có nhiều trải nghiệm ngoài xã hội hơn. Lúc này, các bạn cần được trang bị kỹ năng, vốn sống và định hướng những giá trị tích cực thông qua các hoạt động phục vụ cộng đồng. 

Các hoạt động này còn giúp học sinh THCS hiểu được giá trị vật chất, tinh thần, có cảm xúc tích cực, có mong muốn đóng góp cho cộng đồng.

Ở bậc THCS, các bạn đang trong giai đoạn chuẩn bị cho việc chọn trường THPT hay là chọn nghề bởi xu hướng vừa học nghề vừa học văn hóa đang dần trở nên phổ biến. 

Lúc này, học sinh cần có kiến thức, trải nghiệm nghề nghiệp nhất định. Bắt đầu tổ chức các hoạt động hướng nghiệp là điều cần thiết cho học sinh THCS. Qua đây, các bạn có được hình dung cơ bản về nghề nghiệp, xu thế nghề trong xã hội, được định hướng nghề để có lựa chọn đúng đắn trong tương lai.

Vẫn tập trung hoạt động phát triển cá nhân, hoạt động lao động

Lứa tuổi THCS bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì với nhiều biến đổi trong tâm sinh lý. Các bạn thường có nhu cầu được thấu hiểu, chia sẻ, định hướng các vấn đề tâm lý và cá tính cá nhân. 

Do đó, cần có các hoạt động phát triển cá nhân trong giai đoạn này để hỗ trợ học sinh THCS ổn định tâm lý, định hình bản thân một cách rõ ràng. Các em cần học cách phát huy cá tính tính cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý từ môi trường sống.

Hoạt động lao động vệ sinh lớp học do các học sinh THCS tự đảm nhiệm.

Các hoạt động lao động cần thiết với lứa tuổi này bởi các em đã có ý thức nhận thức giá trị sức lao động, trân trọng những người làm việc xung quanh mình. Trải nghiệm hoạt động lao động cũng góp phần giúp học sinh trang bị kiến thức, kỹ năng sống, hiểu biết xu thế ngành nghề. Lao động thường xuyên cũng hỗ trợ học sinh phát triển thể lực, tầm vóc toàn diện.

2.3.3. Nội dung chương trình học trải nghiệm ở THPT

Lứa tuổi THPT có sự phát triển tương đối hoàn thiện về thể chất, nhận thức phù hợp với học trải nghiệm. Bản thân các em cũng có nhu cầu trải nghiệm để nâng cao hiểu biết, vốn sống, kỹ năng. Từ đó, học sinh có thể đưa ra những quyết định đúng đắn khi chọn ngành, chọn nghề trong tương lai. 

Hoạt động trải nghiệm tập trung

Học sinh THPT đã có vốn kiến thức khoa học và xã hội nhất định. Nhiều em đã thể hiện sự yêu thích với một hoặc một vài lĩnh vực nào đó. Tuy nhiên, hầu hết các bạn chưa có đủ kinh nghiệm, vốn sống còn hạn chế nên những hoạt động sinh hoạt tập thể, trải nghiệm tập trung theo chủ đề là điều cần thiết. 

Các hoạt động trải nghiệm tập trung, sinh hoạt theo chủ đề tạo ra không gian để học sinh THPT chia sẻ, trao đổi mối quan tâm về một chủ đề nào đó. Thông thường, những chủ đề đó liên quan mật thiết đến đời sống học sinh như thi cử, lập nghiệp, khởi nghiệp, sống tích cực,...

Hoạt động hướng nghiệp

Học sinh THPT đang tiệm cận tuổi lao động “vàng” và đang đứng trước những lựa chọn quan trọng trong đời như chọn trường, chọn ngành ở CĐ - ĐH hay học nghề. Tuy nhiên, các bạn chưa có đủ trải nghiệm nghề nghiệp và chưa có cái nhìn chính xác về tình hình thị trường lao động hiện tại. 

Chỉ khi tham gia hoạt động hướng nghiệp, các em mới phần nào được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng liên quan đến vấn đề nói trên. Qua hoạt động này, học sinh sẽ nhận được những lời khuyên cùng kinh nghiệm hữu ích để xác định ngành muốn theo học và nghề nghiệp muốn theo đuổi. 

Học sinh lớp 12 trao đổi cùng chuyên gia trong tọa đàm hướng nghiệp.

Các hoạt động hướng nghiệp sẽ cung cấp kiến thức, giải đáp thắc mắc, tư vấn chọn nghề, chọn ngành học ở CĐ - ĐH. Ngoài ra, học sinh có thể tìm được cơ hội thử sức với ngành nghề mình thích thông qua hoạt động đó. Nhờ việc thấu hiểu bản thân và hiểu rõ về một số nghề nhất định, các bạn có thể chọn được ngành học, công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp.

Các hoạt động định hướng nghề nghiệp khác

Học sinh THPT có hiểu biết nhất định về nghề nghiệp tuy nhiên chưa hiểu sâu và có kinh nghiệm thực tế với đa số ngành nghề. Một số em tham gia các CLB hướng nghiệp hoặc talkshow, workshop chia sẻ về nghề nhưng vẫn chưa định hướng được bản thân. Bởi vậy, việc phối hợp các hoạt động định hướng nghề nghiệp khác là cần thiết để hỗ trợ học sinh trong việc quyết định mục tiêu sự nghiệp tương lai. 

Hoạt động thực hành nghề nghiệp có tác dụng hỗ trợ cung cấp kiến thức, kỹ năng cho học sinh nhất là học sinh THPT trước khi bước vào CĐ - ĐH.

Các hoạt động định hướng nghề nghiệp khác như giáo viên trực tiếp tư vấn, trải nghiệm thực tế nghề, tổ chức cuộc thi hiểu biết ngành nghề,… đem đến hình thức tiếp cận thông tin mới, tin cậy. Qua đó, học sinh có thêm cơ hội tự tìm tòi hoặc được cung cấp kiến thức, kinh nghiệm để đánh giá đúng bản thân, lựa chọn ngành nghề phù hợp. 

Các chương trình học trải nghiệm dành cho học sinh các cấp có tác dụng hỗ trợ cung cấp kỹ năng, vốn sống, hiểu biết về các mối quan hệ xã hội và xu hướng nghề nghiệp, định hình nhân cách. Đây đều là những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên một cá nhân hoàn thiện, có thể đóng góp tích cực vào sự phát triển của cộng đồng. 

Để tìm hiểu thêm về chương trình học trải nghiệm tại các cấp, học sinh, phụ huynh và giáo viên có thể xem tại đây.

[Nguồn ảnh: Internet, FPT Edu]

Chủ Đề