điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là gì ?

Trong bảo hiểm nhân thọ thường hay nhắc đến các điều khoản loại trừ bảo hiểm. Vậy loại trừ bảo hiểm là gì và các trường hợp loại trừ bảo hiểm?

Loại trừ bảo hiểm [hay còn gọi là loại trừ trách nhiệm bảo hiểm] là những trường hợp xảy ra sẽ không được công ty bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm và được ghi nhận trong điều khoản sản phẩm, thư chấp nhận bảo hiểm có điều kiện [nếu có]. Loại trừ bảo hiểm là một trong những điều khoản trong luật đền bù bảo hiểm nhân thọ mà khách hàng cần quan tâm khi tham gia.

Quy định của pháp luật về điều khoản loại trừ bảo hiểm

Điều 16, Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 quy định về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm như sau:

“Điều 16. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

1. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường hoặc không phải trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

2. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng.

3. Không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong các trường hợp sau đây:

A] Bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý;

B] Bên mua bảo hiểm có lý do chính đáng trong việc chậm thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm.”

Như vậy, khi tham gia bảo hiểm nhân thọ, không phải rủi ro nào cũng được bảo hiểm. Khách hàng nên đọc kỹ điều khoản sản phẩm trước khi tham gia để đảm bảo quyền lợi cho mình. 

Bạn có thể tham khảo thêm những trường hợp không được bảo hiểm chi trả để nắm rõ hơn các quy định khi mua bảo hiểm.

Loại trừ bảo hiểm được quy định trong điều khoản hợp đồng

Đặc điểm của các điều khoản loại trừ trong sản phẩm bảo hiểm nhân thọ

  • Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là một trong những điều khoản bắt buộc phải có của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
  • Loại trừ bảo hiểm bao gồm điều khoản loại trừ chung và điều khoản loại trừ riêng. Điều khoản loại trừ chung áp dụng chung cho tất cả các quyền lợi bảo hiểm, ví dụ chiến tranh, bạo loạn hay các hoạt động leo núi, đua xe.... Điều khoản loại trừ riêng được áp dụng riêng cho từng quyền lợi được bảo hiểm ví dụ loại trừ quyền lợi bệnh hiểm nghèo trong trường hợp hiến tặng gan hay hiến tặng thận... hoặc áp dụng riêng với từng cá nhân ví dụ khách hàng đã bị u tuyến giáp trước khi tham gia sẽ bị loại trừ.
  • Việc quy định các điểm khoản loại trừ để bảo vệ doanh nghiệp bảo hiểm trước việc mất khả năng thanh toán do những rủi ro gây thiệt hại lớn, rủi ro xảy ra trên diện rộng và không có quy luật rõ ràng. Đó cũng là cách để bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
  • Việc quy định các điều khoản loại trừ là điều cần thiết để đảm bảo sự công bằng giữa mức phí bảo hiểm mà khách hàng bỏ ra với quyền lợi bảo hiểm mà khách hàng nhận được. Từ đó đảm bảo chi phí tham gia hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều người.

Các điều khoản loại trừ được quy định trong điều khoản sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều người lại thường chỉ quan tâm đến quyền lợi bảo hiểm mà bỏ qua thông tin quan trọng này dẫn đến trường hợp tranh chấp khi rủi ro xảy ra. Để tránh trường hợp này xảy ra, bạn nên đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng, có thắc mắc nào cần hỏi lại tư vấn viên để được giải đáp.

Xem thêm bài viết quyền lợi bảo hiểm nhân thọ để dễ dàng đưa ra quyết định.

Đặc điểm của các điều khoản loại trừ

Các trường hợp loại trừ bảo hiểm trong bảo hiểm nhân thọ

Mỗi sản phẩm bảo hiểm sẽ có quy định riêng về các điều khoản loại trừ nhưng nhìn chung công ty bảo hiểm sẽ không thanh toán bất kỳ quyền lợi bảo hiểm nào là kết quả trực tiếp của những trường hợp sau. 

  • Tự tử hoặc có hành vi tự tử dù người được bảo hiểm có bị mất trí hay không. Thông thường hành vi tự tử có loại trừ bảo hiểm trong thời gian 2 năm kể từ ngày cấp hợp đồng hoặc ngày khôi phục hiệu lực hợp đồng gần nhất.
  • Do người được bảo hiểm tự ý sử dụng, uống, hút hoặc hít bất kỳ loại thuốc kích thích, ma túy, các chất có cồn, chất gây nghiện, chất độc hoặc thuốc không theo chỉ định của bác sĩ.
  • Do hành vi phạm tội của người thụ hưởng, người được bảo hiểm hoặc bên mua bảo hiểm.
  • Liên quan đến Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải [AIDS] và tình trạng hoặc bệnh tật nào liên quan đến AIDS [ARC], hoặc nhiễm vi rút [virus] gây suy giảm miễn dịch ở người [HIV].
  • Do chiến tranh hoặc hành động nào liên quan đến chiến tranh, dù là được tuyên bố hay không được tuyên bố, tham gia lực lượng vũ trang của bất kỳ nước nào đang có chiến tranh hay lực lượng dân phòng.
  • Bạo loạn, ẩu đả, khởi nghĩa, bạo động dân sự, biểu tình, đình công hay khủng bố, cho dù người được bảo hiểm có thực sự tham gia hay không
  • Bất kỳ tổn thương nào của người được bảo hiểm khi vi phạm pháp luật hoặc cố tình cản trở hoặc chống lại việc truy bắt của người thi hành pháp luật hoặc do hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp của các hành vi chạy xe quá tốc độ hoặc uống rượu bia vượt quá mức quy định khi tham gia giao thông theo luật giao thông hiện hành
  • Tham gia các hoạt động có tính chất nguy hiểm như nhảy dù, leo núi, săn bắn, đua xe, đua ngựa, lặn có bình khí nén…
  • Các bệnh có sẵn, ngoại trừ các bệnh đã được kê khai trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và được doanh nghiệp bảo hiểm chấp thuận bảo vệ..

Xem thêm bài viết “Những lý do khiến bảo hiểm nhân thọ từ chối bồi thường” để tránh phạm phải những sai lầm này.

Các bệnh loại trừ trong bảo hiểm nhân thọ

Khi tham gia bảo hiểm nhân thọ, mỗi sản phẩm sẽ có một bản quy tắc điều khoản riêng, trong đó có quy định rõ về điều khoản loại trừ, bao gồm cả các bệnh loại trừ. Tuy nhiên, về cơ bản bảo hiểm nhân thọ sẽ loại trừ các bệnh sau đây:

  • Sa sút trí tuệ mức độ nặng.
  • Bệnh phải phẫu thuật như động mạch vành, chấn thương sọ não, động mạch chủ...
  • Bệnh liên quan đến thần kinh.
  • Bệnh liên quan đến tim như nhồi máu cơ tim, thay thế van tim, bệnh cơ tim…
  • Ung thư ác tính, bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối.
  • Thiếu máu do rối loạn chức năng.
  • Mất khả năng sống độc lập.
  • Phẫu thuật ghép các cơ quan chính.
  • Bệnh xơ cứng gan rải rác.
  • Bệnh sốt bại liệt.
  • Bệnh đột quỵ.
  • Bệnh nang tủy thận.
  • Câm bẩm sinh.
  • Bệnh tăng áp lực phổi nguyên phát.
  • Viêm não do virus.
  • Viêm gan siêu vi tối cấp.
  • Bệnh suy thận.
  • Bệnh tế bào thần kinh vận động.

Xem thêm: Bảo hiểm bệnh hiểm nghèo Sun Life có những sản phẩm nào?

Các bệnh loại trừ trong bảo hiểm nhân thọ đươc quy định rõ ràng và chi tiết. Khi tham gia bảo hiểm nhân thọ, khách hàng cần nghiên cứu kỹ các điều khoản trong bản quy tắc điều khoản sản phẩm, nhất là các điều khoản loại trừ [loại trừ chung cũng như loại trừ riêng đối với từng quyền lợi]. Khi có bệnh khách hàng vẫn có thể được tham gia bảo hiểm nhân thọ với điều kiện được công ty bảo hiểm xem xét và chấp thuận. Bởi vậy mà nguyên tắc trung thực khi khai báo về tình trạng sức khỏe được đề cao. Khách hàng cần kê khai các thông tin liên quan đến sức khỏe một cách chính xác nhất để công ty bảo hiểm xem xét, đánh giá và đưa ra quyết định tham gia hay không. 

Tìm hiểu thêm: điều khoản loại trừ của bảo hiểm FWD

Như vậy tất cả các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ điều có loại trừ bảo hiểm, hãy đọc kỹ điều khoản loại trừ trước khi quyết định tham gia bảo hiểm nhân thọ.

Theo thị trường tài chính Việt Nam

Bài viết có hữu ích không?

Không

Để đảm bảo yêu cầu như đã đề cập ở trên, đối với pháp luật về hợp đồng kinh doanh bảo hiểm hiện hành phải xem xét một số quy định cụ thể mà trong đó cần có sự quan tâm đặc biệt đến những quy định tồn tại mang tính bản chất, thể hiện đặc thù của hoạt động thương mại đặc biệt này. Những quy định này mang tính cá biệt hoá nội dung pháp luật kinh doanh bảo hiểm so với nội dung pháp luật về các hoạt động thương mại “truyền thống” khác. Theo nguyên tắc bình đẳng – tự do – thoả thuận được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự qua các thời kỳ từ năm 1995 đến nay thì nội dung của hợp đồng là hoàn toàn do các bên quyết định và phụ thuộc vào ý chí của các bên, các quy định về nội dung hợp đồng trong Bộ Luật Dân sự chỉ mang tính chất khuyến nghị các bên trong quan hệ hợp đồng thoả thuận để hạn chế được phần nào những tranh chấp, bất đồng trong quá trình thực hiện hợp đồng sau này.

Trong khi đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 [được sửa đổi, bổ sung năm 2010] về nội dung của hợp đồng bảo hiểm có quy định một số nội dung như: “Tên địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, tên địa chỉ của bên mua bảo hiểm; đối tượng bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, điều kiện, phạm vi bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, thời hạn bảo hiển, mức phí bảo hiểm...”[1] là những điều khoản bắt buộc mà các bên phải ghi nhận trong hợp đồng kinh doanh bảo hiểm. Xét trong phạm vi hoạt động kinh doanh bảo hiểm với bản chất là hoạt động thương mại đặc thù có đối tượng hợp đồng đặc biệt là “lời cam kết, lời hứa sẽ thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền bảo hiểm khi có rủi ro xảy ra” của nhà bảo hiểm với bên mua bảo hiểm thì những nội dung được nêu trong Luật Kinh doanh bảo hiểm như trên thực sự là cần thiết phải được thỏa thuận trong hợp đồng kinh doanh bảo hiểm. Điều này sẽ giúp cho người mua bảo hiểm có thể nhận diện được một cách rõ ràng, chi tiết nội dung của hoạt động thương mại đặc biệt này và qua đó có thể xác định được chính xác quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, những quy định cụ thể về “Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm” trong Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2010 hiện nay chưa thực sự hợp lý và chưa bảo đảm được nguyên tắc cân bằng quyền lợi của các chủ thể tham gia quan hệ kinh doanh bảo hiểm. Bởi lẽ, không chỉ riêng trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm mà trong các hoạt động có mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận nói chung, pháp luật phải thể hiện được vai trò vừa là công cụ quản lý của nhà nước nhưng cũng đồng thời là hành lang pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên tham gia vào hoạt động.

Cụ thể, theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm được hiểu là “các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không phải trả tiền hoặc không phải bồi thường khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra”[2]. Nghĩa là khi xảy ra những trường hợp bên bán được loại trừ trách nhiệm trong hợp đồng bảo hiểm, mặc dù sự kiện bảo hiểm xảy ra nhưng bên mua bảo hiểm sẽ không nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào của bên bán bảo hiểm. Quy định này nhằm mục đích bảo đảm bản ghi nhận đúng bản chất của hoạt động kinh doanh bảo hiểm là luôn dựa trên nguyên tắc số đông bù thiểu số. Đây là loại hoạt động mà chỉ có thể được tiến hành khi số lượng người tham gia bảo hiểm lớn gấp nhiều lần số người gặp những rủi ro nhất định trong cuộc sống mà doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không rơi vào trạng thái đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh toán khi xảy ra những sự kiện bảo hiểm như động đất, sóng thần, chiến tranh… Bởi lẽ, những sự kiện bảo hiểm này sẽ gây ra hàng loạt những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của con người trên phạm vi rộng và quy mô vô cùng lớn.

Vì vậy, doanh nghiệp bảo hiểm lúc này có thể sẽ không đủ khả năng tài chính để chi trả các khoản tiền bảo hiểm và tiền bồi thường cho những tổn thất mà người mua bảo hiểm phải gánh chịu. Thậm chí, doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh toán và rơi vào tình trạng phá sản. Do đó, có thể khẳng định quy định về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải là nội dung bắt buộc hiện diện trong hợp đồng kinh doanh bảo hiểm vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, hạn chế như sau:

Thứ nhất, trong Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện nay chỉ đề cập đến khái niệm, nguyên tắc và trường hợp ngoại lệ của điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm mà không quy định giới hạn của các doanh nghiệp bảo hiểm khi xác định những trường hợp được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm của mình. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm có thể sử dụng các trường hợp “loại trừ trách nhiệm bảo hiểm” như là một trong các công cụ để giải thoát khỏi nghĩa vụ chi trả khoản tiền bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Đặc biệt trong bối cảnh các hợp đồng kinh doanh bảo hiểm trên thực tế đều là hợp đồng gia nhập [loại hợp đồng với các điều khoản được xây dựng trên cơ sở ý chí của một bên mà bên còn lại của hợp đồng không có cơ hội thoả thuận, chỉ có thể thể hiện ý chí thông qua việc tham gia hoặc không tham gia hợp đồng] thì khả năng kiểm soát của bên mua bảo hiểm đối với các trường hợp “loại trừ trách nhiệm” mà doanh nghiệp bảo hiểm đưa vào trong hợp đồng là không thể thực hiện được. Do vậy, doanh nghiệp bảo hiểm hoàn toàn có thể “lạm dụng” quy định về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm để từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm đối với bên mua bảo hiểm khi có rủi ro xảy ra. Từ đó dẫn đến tình trạng quyền và lợi ích chính đáng của bên mua bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm sẽ không được đảm bảo thực hiện trên thực tế.

Thứ hai, trong Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 [sửa đổi bổ sung năm 2010] không quy định về hậu quả pháp lý đối với những hợp đồng kinh doanh bảo hiểm thiếu điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Điều này gây lúng túng cho các chủ thể của hợp đồng và gây khó khăn cho cơ quan giải quyết tranh chấp trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của các bên khi không thoả thuận về điều khoản loại trừ và có tranh chấp xảy ra. Về vấn đề này trên thực tế tồn tại hai luồng quan điểm khác nhau: Một là có những chuyên gia cho rằng, hậu quả pháp lý của trường hợp các bên thoả thuận thiếu điều khoản bắt buộc phải có trong hợp đồng là hợp đồng có thể sẽ bị tuyên vô hiệu. Hai là một số chuyên gia cho rằng, trong trường hợp này phải xác định hậu quả pháp lý là hợp đồng chưa hình thành vì những điều khoản bắt buộc này được xem như là một trong các dấu hiệu để xác định sự tồn tại của các thoả thuận trong quan hệ kinh doanh bảo hiểm.

Thứ ba, xét trong mối tương quan với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 thì những quy định về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc phải tồn tại trong hợp đồng kinh doanh bảo hiểm theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 [sửa đổi, bổ sung năm 2010] sẽ không phát sinh hiệu lực[3]. Theo đó, để tránh tình trạng quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng bị xâm phạm bởi những quy định có tính chất loại trừ trách nhiệm của chủ thể kinh doanh hàng hoá, dịch vụ được thiết kế sẵn trong hợp đồng thì những điều khoản loại trừ này sẽ không có hiệu lực. Điều này đồng nghĩa với việc theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,  nhà bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm chi trả khoản tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra kể cả trong trường hợp thực tế nhà bảo hiểm được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo quy định của hợp đồng. Như vậy có sự mâu thuẫn giữa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Kinh doanh bảo hiểm khi cùng quy định về những điều khoản loại trừ trách nhiệm của chủ thể kinh doanh nhưng theo hai hướng hoàn toàn trái ngược nhau: Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định điều khoản loại trừ như là một điều kiện để xác định sự tồn tại của hợp đồng kinh doanh bảo hiểm. Trong khi đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lại phủ nhận sự tồn tại của điều khoản này bằng cách không thừa nhận giá trị hiệu lực của nó mặc dù điều khoản này tồn tại trong hợp đồng kinh doanh bảo hiểm. Quan trọng hơn, khi áp dụng hai quy định của hai văn bản pháp luật này dẫn đến hai hậu quả pháp lý hoàn toàn khác nhau và có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của các chủ thể của hợp đồng bảo hiểm. Cụ thể, khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra trong trường hợp được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm: [i] Nếu áp dụng quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, nhà bảo hiểm sẽ không phải thực hiện trách nhiệm bảo hiểm và bên mua bảo hiểm sẽ không nhận được tiền bảo hiểm; [ii] Nếu áp dụng quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì nhà bảo hiểm vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm và bên mua bảo hiểm sẽ nhận được toàn bộ khoản tiền bảo hiểm theo thoả thuận. Hiển nhiên, tình trạng này sẽ dẫn đến một hệ quả là hai chủ thể trong quan hệ bảo hiểm sẽ áp dụng hai quy định của hai văn bản luật khác nhau để bảo vệ quyền lợi cho mình và bên nào cũng chính đáng, hợp pháp. Trong tình huống như vậy, có thể phải vận dụng nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành [mối quan hệ giữa luật chung và luật riêng] để giải quyết vấn đề. Câu hỏi đặt ra là trong mối quan hệ giữa Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì văn bản nào là văn bản có tính chất là Luật chung và văn bản nào có tính chất là luật chuyên ngành để ưu tiên áp dụng trong hoàn cảnh này. Theo thiển ý của cá nhân tác giả, trong mối quan hệ giữa hai văn bản pháp luật trên đây thì Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là văn bản có tính chất là luật chung hướng đến bảo vệ cho đối tượng là khách hàng trong quá trình thực hiện hành vi tiêu dùng của mình với các nhà cung cấp. Trong khi đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm là luật chuyên ngành được ban hành nhằm mục đích điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình tiến hành hoạt động kinh doanh bảo hiểm, do vậy cần có những quy định mang tính đặc thù để đảm bảo thể hiện đúng bản chất của hoạt động thương mại đặc biệt này theo nguyên tắc bảo đảm quyền lợi cho cả bên bán bảo hiểm và bên mua bảo hiểm.

Do đó, để giải quyết một cách toàn diện và thấu đáo những hạn chế, tồn tại đã đề cập trên đây, tác giả có một số kiến nghị như sau:
Một là, trong Luật Kinh doanh bảo hiểm cần bổ sung quy định về giới hạn của các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm mà nhà bảo hiểm đưa vào trong hợp đồng. Quy định này một mặt giúp cho bên mua bảo hiểm có thể kiểm soát được tính hợp pháp của các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm đưa vào trong hợp đồng. Mặt khác quy định này cũng giúp cho bên bán bảo hiểm tránh được tình trạng lạm dụng các quy định “lỏng lẻo” của pháp luật về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm để giải thoát cho mình khỏi nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm với bên mua bảo hiểm. Lưu ý, giới hạn của các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm nên được thiết kế dưới dạng khái quát như sau: “Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm chỉ được thoả thuận nhằm mục đích bảo đảm cho khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm”. Điều này vừa đảm bảo đúng bản chất của hợp đồng kinh doanh bảo hiểm vừa đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp bảo hiểm. Với trường hợp này, một trong các cơ chế để kiểm soát có hiệu quả giới hạn việc xây dựng và đưa vào trong hợp đồng các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm đó là thông qua quy trình đăng ký mẫu sản phẩm bảo hiểm của Bộ Tài chính. Đây là cơ quan bằng trình độ và năng lực của mình sẽ như một “phễu lọc” loại bỏ các quy định có khả năng xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm trong hợp đồng với doanh nghiệp bảo hiểm.

Hai là, trong Luật Kinh doanh bảo hiểm cần phải bổ sung hậu quả pháp lý cụ thể đối với trường hợp thoả thuận của bên mua và bên bán bảo hiểm thiếu điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo một trong hai hướng sau: Một là quy định cụ thể trong Luật Kinh doanh bảo hiểm hậu quả pháp lý cho trường hợp này là hợp đồng sẽ vô hiệu [giống như các trường hợp vô hiệu có tính chất ngoại lệ khác mặc dù vẫn đảm bảo điều kiện có hiệu lực của hợp đồng]. Hai là, quy định nếu không có điều khoản này, hợp đồng kinh doanh bảo hiểm được xem như chưa hình thành và do đó không làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể. Ngoài ra, hệ quả tiếp theo của cả hai trường hợp trên là các bên trong quan hệ hợp đồng bảo hiểm phải khôi phục lại tình trạng tài sản ban đầu, trả lại cho nhau những gì đã nhận.

Ba là, cần phải giải quyết mâu thuẫn giữa quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo một trong hai hướng sau: Hướng thứ nhất là bổ sung thêm những trường hợp ngoại lệ trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với quy định loại trừ trách nhiệm của chủ thể kinh doanh. Nghĩa là những trường hợp loại trừ trách nhiệm của chủ thể kinh doanh đối với người tiêu dùng được xác định là ngoại lệ sẽ vẫn phát sinh hiệu lực và “những quy định loại trừ trách nhiệm bảo hiểm để đảm bảo khả năng thanh toán” của doanh nghiệp bảo hiểm là một trường hợp ngoại lệ như vậy. Hướng thứ hai là bổ sung quy định về nguyên tắc xác định hiệu lực áp dụng trong Luật Kinh doanh bảo hiểm để đảm bảo khi có mâu thuẫn giữa Luật Kinh doanh bảo hiểm với tư cách là luật chuyên ngành với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với tư cách là luật điều chỉnh chung thì Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được xem xét áp dụng trong chừng mực có thể bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của người tiêu dùng với điều kiện không xâm phạm đến lợi ích chính đáng của doanh nghiệp bảo hiểm.

Trên đây là một số kiến nghị nhằm khắc phục những điểm tồn tại, hạn chế trong Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành về các điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong hợp đồng kinh doanh bảo hiểm. Những kiến nghị này được tác giả đưa ra trên nguyên tắc tôn trọng sự thoả thuận của các bên trong mối quan hệ hợp đồng nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo sự cân bằng quyền lợi của các chủ thể tham gia cũng như nhu cầu quản lý của nhà nước đối với hoạt động thương mại đặc thù này.

Theo Tc Dân chủ – Pháp luật.

[1] Khoản 1 Điều 13 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010.

[2] Khoản 1 Điều 16 Luật Kinh doanh bảo biểm năm 2000.

[3] Điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
a] Loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; [Điểm a khoản 1 Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010].

Video liên quan

Chủ Đề