Gia đình và sự nghiệp cái nào quan trọng hơn

Các cặp vợ chồng trẻ ngày nay cần có sự hài hòa giữa gia đình và sự nghiệp [ảnh mang tính minh họa]. Ảnh: I.T

Trong cuộc sống, gia đình và sự nghiệp luôn là mối quan tâm hàng đầu đối với mỗi cá nhân, nhưng thực tế không phải ai cũng biết cách tạo nên sự cân bằng giữa chúng. Vậy, làm thế nào để có sự hài hòa giữa gia đình và sự nghiệp?

Gia đình trẻ ngày càng dễ “vỡ”

Thống kê của các chuyên gia tư vấn về hôn nhân cho thấy, những người ly hôn khi còn trẻ ngày càng gia tăng. Sự phát triển của xã hội kéo theo tâm lý coi trọng sự nghiệp hơn các mối quan hệ gia đình đang diễn ra giữa các cặp vợ chồng, tạo nên sự bấp bênh, gây đổ vỡ. Thực tế có không ít ông chồng, bà vợ là những người có địa vị cao trong xã hội nhưng không hạnh phúc. Và họ thường mơ về một cuộc sống gia đình tuy vất vả, đạm bạc nhưng đầy ắp yêu thương.

Một bà vợ kể: “Gần hai tháng nay chồng và con tôi chưa gặp mặt trò chuyện với nhau nửa lời. Bé học bán trú nên phải đến trường sớm, còn chồng tôi bận rộn cả ngày và chỉ về nhà khi con đã lên giường đi ngủ. Vì thế bé thường có tâm lý thu mình và tự giải quyết các vấn đề vì không biết hỏi ai”.

Mặc dù yêu nhau từ thời phổ thông, cùng ra nước ngoài du học thế nhưng Mai và Hùng lại không hạnh phúc khi bước vào cuộc sống vợ chồng. Hôn nhân khiến họ không còn “giữ kẽ” với nhau. Mai luôn chứng tỏ mình giỏi giang, thành đạt nên khi nói chuyện với Hùng, luôn mang tâm lý mình là sếp, mình đúng và phải là người chiến thắng trong các cuộc tranh luận. Lâu dần, Hùng cảm thấy chán nản và không còn muốn nói chuyện với vợ…

Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai cho rằng, mỗi cá nhân trong cuộc hôn nhân cần dẹp bỏ cái tôi. Hàng ngày nên dành thời gian để quan tâm lo lắng đến gia đình. Có 3 vấn đề để duy trì hạnh phúc gia đình là bữa cơm, giấc ngủ và kỹ năng ăn nói của các cặp vợ chồng.

Bữa cơm thể hiện sự đầm ấm, thương yêu của người vợ dành cho các thành viên. Vì thế, bữa cơm cần duy trì đều đặn mỗi ngày và các ông chồng dù bận rộn với những bữa tiệc thì cũng nên dành phần về với bữa ăn gia đình. Và giấc ngủ phải được trọn vẹn, các bà vợ nên nhớ không được phép mang những muộn phiền, toan tính của ngày thường vào trong giấc ngủ, nó có thể phá vỡ khoảng riêng tư của đời sống vợ chồng. Còn kỹ năng ăn nói thể hiện nhiều ở những lời khen và sự lắng nghe, chia sẻ. Một bà vợ là giám đốc công ty tự hào: “Tôi chưa bao giờ để cơm cho người giúp việc nấu vì những lời ngợi khen của chồng dành cho các món ăn của mình”.

Cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp

Sự nghiệp chính là một công việc ổn định và thăng tiến theo thời gian. Các chuyên gia tư vấn cho rằng sự thành đạt của mỗi người chính là một sự nghiệp ổn định và một gia đình hạnh phúc. Người thành đạt cần phải có một công sở để đi làm và một mái ấm để quay về.

Theo bà Lý Thị Mai, để cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp, mỗi cá nhân cần phấn đấu và biết yêu quý công việc của mình để có thể mang lại sự vững bền, ổn định cho cuộc sống. Bà khuyên giữa vợ chồng nên có một sự đồng đẳng. Thực tế có không ít bà vợ chấp nhận dừng lại và đứng yên, hy sinh cho sự nghiệp của chồng. Thế nhưng, sẽ có lúc người chồng ấy đi tìm cho mình sự đồng đẳng khác ở bên ngoài gia đình. Đây là một trong những nguyên nhân gây đổ vỡ khi các cặp vợ chồng không tìm được tiếng nói chung.

Nhiều ông chồng cho biết, không bao giờ nghĩ đến việc tìm kiếm cho mình sự đồng đẳng bên ngoài khi có người vợ luôn biết trau dồi tri thức, tinh tế và khéo léo trong mọi việc. Điều này còn mang lại sự tự hào cho con cái khi cả bố mẹ đều là trụ cột, là lao động chính...

Cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình chính là sự hài hòa giữa trách nhiệm gia đình với trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, đã là vợ chồng không thể tránh khỏi những xích mích, giận hờn hay cãi vã nhau. Các chuyên gia khuyên rằng không nên quá lo lắng bởi đó chính là những thanh âm cần có của một cuộc sống gia đình. Nó giải thoát những vướng mắc và giúp mỗi cá nhân hiểu hơn đối phương mình, từ đó tự hoàn thiện và sống tốt nhau hơn.

[NCTG] “Tôi sẽ chọn cả hai và sẽ đặt sự nghiệp và gia đình ngang nhau, chỉ có điều: gia đình bên tay phải, sự nghiệp bên tay trái. Sự nghiệp sẽ hỗ trợ cho gia đình. Còn gia đình sẽ là nền tảng thúc đẩy sự nghiệp”.

Hạnh phúc cùng con

Trong xã hội ngày nay, người phụ nữ hiện đại luôn phải đứng trước sự lựa chọn: gia đình hay sự nghiệp. Không đơn giản, phải không các bạn? Vì sự lựa chọn nào cũng có cái giá đi kèm - dù muốn hay không, dù nhiều hay ít!

Xunh quanh tôi, có không ít những phụ nữ đã phải đánh đổi hạnh phúc cả đời người chỉ vì lựa chọn sai lầm trong một thời điểm không phù hợp.

Là phụ nữ, bạn sẽ đặt gia đình lên hàng đầu? Với bạn, gia đình là quan trọng nhất, và bạn có thể hy sinh tất cả vì gia đình, ngay cả việc từ bỏ sự nghiệp chứ? Đáng trân trọng! Suy nghĩ của bạn chắc chắn sẽ được nhiều phụ nữ cũng như giới mày râu đồng tình. Không ít người phụ nữ đã vì chồng, vì con mà từ bỏ sự nghiệp đấy thôi.

Như chị, một người quen của gia đình tôi chẳng hạn. Vốn dịu dàng, hiền lành, luôn nhường nhịn, cung phụng người khác, lại xinh đẹp, có công ăn việc làm ổn định, chị của mười mấy năm về trước là mẫu phụ nữ lý tưởng mà nhiều người đàn ông mơ được lấy làm vợ. Bốn năm trước tôi gặp chị, chị đang rất hạnh phúc với ba đứa con nhỏ bên người chồng hết mực yêu thương.

Lúc ấy, chị nói với tôi, rằng chị nghe theo lời anh, nên đã nghỉ làm ở nhà trẻ để ở nhà chăm sóc cho anh và cho các con. Chị nói chị mãn nguyện với cuộc sống hiện tại và hoàn toàn không cảm thấy buồn vì suốt ngày chỉ quanh quẩn bên bốn bức tường, cũng chẳng mảy may đến chuyện phải phụ thuộc tài chính vào anh. Mặc dù không có cùng quan điểm với chị, nhưng tôi cũng thấy mừng cho sự viên mãn ấy.

Tại một hội thảo tài chính ở Paris

Tuy nhiên, đời không thể hết được chữ ngờ. Chỉ một năm sau ngày tôi và chị gặp nhau lần cuối ấy, chồng chị đã bỏ mẹ con chị để chạy theo mối tình sét đánh chết trôi với cô học trò vừa tròn 18 tuổi. Tôi bàng hoàng! Vậy là chị với ba đứa con nhỏ, không nghề nghiệp, chỉ trông chờ vào tiền trợ cấp nuôi con từ chồng. Nhưng mấy tháng nay, tiền trợ cấp nuôi con cũng không có vì mọi chuyện vỡ lở, chồng chị bị nhà trường kỷ luật, buộc phải thôi việc. Tôi thương chị nhiều.

Giá như ngày ấy, chị đừng từ bỏ mà hãy phấn đấu vì sự nghiệp… Nhưng... lại là muôn vàn cái nhưng. Là phụ nữ mà chỉ đam mê sự nghiệp thôi thì xã hội này sẽ thế nào? Nhiều người phụ nữ đắm chìm với danh vọng mà quên mất mình đã quá tuổi để lập gia đình, hay nếu có lấy chồng, sinh con rồi thì cũng quên mất thiên chức của người phụ nữ làm dâu thảo, vợ hiền, người mẹ tốt. Tất cả phó mặc cho một nhân vật có tên là Osin. Có Osin rồi, phụ nữ được giải phóng, tha hồ sự nghiệp ngoài xã hội nhé.

Như chị tiến sĩ gần nhà tôi, một người phụ nữ mà ra ngoài xã hội ai cũng phải nể trọng. Khi con trai được 4 tháng tuổi, chị bàn với chồng, để con lại cho ông bà nội và chồng chăm nom để lên đường đi du học. Chồng chị khi ấy cũng đồng ý và ủng hộ vợ. Vì hoàn cảnh mà cả hai năm học, chưa một lần chị về thăm chồng con. Sau khóa học, chị lại nhận lời mời cộng tác với một công ty tầm cỡ quốc tế tại Pháp, hợp đồng ba năm.

Ngần ấy thời gian xa cách thôi đủ làm cho chồng chị tìm cho mình một người phụ nữ khác. Ngày trở về, chị đau đớn nhận ra rằng ngoài sự nghiệp ở tuổi gần 40 ra, chị không còn gì hết. Đứa con trai mà chị dứt ruột đẻ ra, sau bao năm thiếu thốn tình mẫu tử, không nhận chị là mẹ. Hai từ thiêng liêng “Mẹ ơi” đã được đứa bé dùng để gọi người mẹ kế.

Quyền cao, chức trọng mà mất đi cả gia đình, cả con cái, thì đối với một người phụ nữ còn có ý nghĩa gì nữa không? Thiết nghĩ một người phụ nữ dù giỏi giang, quyết đoán đến đâu, dù có làm bà này bà nọ ngoài xã hội, thì khi lột bỏ cái áo khoác và những đè nặng của công việc nơi công sở ra rồi, họ vẫn chỉ là một người phụ nữ rất bình thường mang vai trò “nội tướng”. Vì chính họ là những người đem lại hơi nồng cho tổ ấm.

Hơi ấm của gia đình

Mà chẳng có sự nghiệp nào, chẳng có công việc nào có thể bù đắp cho hơi ấm của một gia đình. Cũng chẳng có đồng tiền nào đánh đổi được hạnh phúc! Nhất là nụ cười, niềm vui chăm sóc cho các con, để con có một tuổi thơ thật ngọt ngào! Đó là điều mà không gì có thể đánh đổi được.

Nếu như thế thì thật là rắc rối và khó khăn cho phụ nữ chúng ta khi phải lựa chọn... Đặt cái nào lên trước, cái nào đứng sau đây? Hình như thời điểm cũng là yếu tố quan trọng trong lựa chọn. Ít ra là với cá nhân tôi.

Ngày con gái... Với tôi, sự nghiệp quan trọng lắm. Tôi có những ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ mà tôi muốn thực hiện cho bằng được: một chỗ đứng trong xã hội, một công ăn việc làm ổn định với thu nhập cao, để sau này tôi không phải phụ thuộc về vật chất vào bất kỳ ai. Tôi còn nhớ như in ngày mới ra trường, trong lần phỏng vấn tìm việc đầu tiên, khi Phòng Nhân sự đặt cho tôi câu hỏi: “Em muốn thấy mình ở vị trí nào sau 5 năm nữa?”, tôi đã mỉm cười, không suy nghĩ mà đáp rằng: “Em muốn mình là một lãnh đạo có năng lực, biết hòa đồng và lắng nghe ý kiến của nhân viên!”.

Thế nhưng ngày hôm nay... Cũng câu hỏi trên trong lần phỏng vấn qua điện thoại: “Cô muốn mình sẽ như thế nào 5 năm nữa?”, nhưng câu trả lời của tôi lại hoàn toàn khác: “Năm năm nữa tôi nghĩ tôi đã là mẹ của hai đứa trẻ xinh xắn, kháu khỉnh. Bên cạnh công việc tôi yêu thích, tôi muốn có một gia đình đông con, hạnh phúc và luôn tràn ngập những tiếng cười!”.

Vậy là tôi đang coi trọng gia đình hơn sự nghiệp? Điều đó không sai, nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Chỉ đơn giản là đến giờ, sau bao nhiêu trải nghiệm, tôi đã trưởng thành hơn, chín chắn hơn và luôn cố gắng làm thế nào để cân bằng giữa sự nghiệp với gia đình, và ngược lại.

Cùng các đồng nghiệp quốc tế

Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ sự nghiệp để quanh quẩn bên bốn bức tường chỉ vì chồng tôi muốn thế! Bởi lẽ công việc đóng vai trò quan trọng giúp tôi không bị tụt hậu và bị đào thải, khi xã hội ngày càng đi lên, tiến bộ hơn, văn minh hơn. Bởi sự nghiệp chính là công cụ để kiếm tiền, để nuôi sống gia đình. Không có sự nghiệp, gia đình vẫn có thể tồn tại, nhưng liệu có hạnh phúc?

Tôi cũng sẽ không bao giờ vì quyền cao, chức trọng mà bỏ bê hay lơ là gia đình. Không có gia đình, liệu sự nghiệp có còn ý nghĩa? Không có gia đình là hậu phương, liệu tiền tuyến là sự nghiệp có vững chắc? Không an cư trước, làm sao lập nghiệp?

Thế nên, nếu phải lựa chọn, tôi sẽ chọn cả hai và sẽ đặt sự nghiệp và gia đình ngang nhau, chỉ có điều: gia đình bên tay phải, sự nghiệp bên tay trái. Sự nghiệp sẽ hỗ trợ cho gia đình. Còn gia đình sẽ là nền tảng thúc đẩy sự nghiệp.

Chủ Đề