Hiện trạng rừng Việt Nam hiện nay

Hiện trạng rừng Việt Nam hiện nay
Theo kế hoạch đề ra, từ năm 2022-2025, cả nước trồng bình quân 204,5 triệu cây/năm

Ngoài ra, cả nước thu được 3.115 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng, đạt 111% kế hoạch thu năm và tăng 20% so với năm 2020.

Những năm gần đây, diện tích rừng tự nhiên ở Việt Nam ngày càng giảm nhanh, chất lượng rừng suy thoái nặng nề. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, diện tích rừng bị thiệt hại ước hơn 22.800ha, trong đó, rừng bị cháy khoảng 13.700ha, còn lại do bị chặt phá trái phép. Bình quân mỗi năm nước ta suy giảm khoảng 2.500ha rừng.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2021, cả nước phát hiện 2.653 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ rừng, giảm 13% so với năm 2020. Diện tích rừng bị thiệt hại là 1.229ha, tăng 527ha. Qua đây cho thấy, diện tích rừng bị thiệt hại đã có giảm so với những năm trước đây nhưng mỗi năm vẫn có hàng nghìn hecta biến mất.

Khu vực Tây Nguyên vẫn là trọng điểm phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật.

Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2019, tổng diện tích có rừng của khu vực này là gần 2,6 triệu hecta, chiếm 17,5% diện tích có rừng cả nước. Tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 45,9%. Trong năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện 4.863 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, tịch thu 9.898m3 gỗ các loại.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng đang tác động, làm mất một diện tích rừng rất lớn do bị cháy, sạt lở rừng ven biển. Chỉ riêng ở Cà Mau 10 năm qua đã mất gần 5.000ha rừng phòng hộ ven biển. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Cà Mau, giai đoạn 2011-2020, tỉnh này mất khoảng 4.950ha rừng ven biển.

Việt Nam hiện có khoảng 200.000ha rừng ngập mặn, đứng tốp đầu trong các quốc gia có diện tích rừng ngập mặn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, diện tích rừng ngập mặn trong nước đang có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng do thu hẹp về diện tích vì tình trạng khai thác, chặt phá rừng vẫn còn diễn ra. Ngoài ra, những cơn gió, bão, sóng biển cũng là nguyên nhân làm thu hẹp diện tích rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng ngập mặn.

Theo kế hoạch đề ra, từ năm 2022-2025, cả nước trồng bình quân 204,5 triệu cây/năm, trong đó, cây xanh phân tán 142,5 triệu cây, tăng 1,8 lần so với năm 2020. Quyết định số 524/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 1/4/2021 đã chỉ rõ, đến hết năm 2025, cả nước trồng 1 tỷ cây xanh, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Đề án 1 tỷ cây xanh (690 triệu cây phân tán ở đô thị và nông thôn, 310 triệu cây ở rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng mới rừng sản xuất…) chính là một trong những tiền đề quan trọng để Việt Nam hướng đến phát triển bền vững, mang lại lợi ích môi trường và kinh tế.

Về mặt kinh tế, 690 triệu cây xanh trồng phân tán tại khu vực đô thị và nông thôn, ngoài tác dụng cảnh quan, giải trí, các cây đa tác dụng còn cho sản phẩm là hoa, quả, thực phẩm dược liệu,... góp phần tạo thu nhập tăng thêm từ lâm sản ngoài gỗ phục vụ cho  tiêu dùng thông qua các mô hình nông lâm ngư kết hợp cho người dân tham gia trồng và bảo vệ cây xanh.

Bên cạnh đó, với 180.000 ha rừng trồng tập trung trong đó có 150.000 ha rừng trồng sản xuất, ước tính tạo ra được khoảng 15 triệu m3 gỗ, củi phục vụ cho tiêu dùng và chế biến, ngoài ra với tổng diện tích 180.000 ha rừng tập trung được trồng mới, dự kiến sẽ hấp thụ khoảng 9 triệu tấn CO2 tương đương, tương ứng với giá trị 4,5 triệu USD.

Để góp phần thực hiện mục tiêu trên, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT)  ban hành Quyết định số 60 về định hướng phát triển ngành giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng.

Sáu  mục tiêu cụ thể trong Quyết định số 60 được Tổng cục Lâm nghiệp đặt ra gồm:

- Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5,0% đến 5,5%/năm.

- Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 18 - 20 tỷ USD; tiêu thụ lâm sản thị trường trong nước đạt 5 tỷ USD vào năm 2025.

- Nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung đạt 35 triệu m3/năm vào năm 2025; đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản; chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 0,5 triệu ha giai đoạn 2021 - 2025.

  - Phát triển dịch vụ hệ sinh thái, dịch vụ môi trường rừng, đa dạng hóa và mở rộng các nguồn thu; tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm tăng 5%.

- Tỷ lệ lao động làm việc trong lâm nghiệp được đào tạo nghề khoảng 45% vào 2025; mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số làm lâm nghiệp tăng trên 2 lần so với năm 2020.

- Nâng cao chất lượng rừng nhiên, hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ của rừng; tỷ lệ che phủ rừng được duy trì ổn định ở mức 42%.

Trên cơ sở huy động tối đa các nguồn lực xã hội; ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại, ngành lâm nghiệp định hướng đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, cung cấp đa dạng các dịch vụ hệ sinh thái rừng.

Đây là tiền đề để ngành lâm nghiệp góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn miền núi, dân tộc thiểu số, giữ vững quốc phòng, an ninh và thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững.