Hướng dẫn 726 hd-tld 2014

Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị [khóa XI] về ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Tổng Liên đoàn Lao động [LĐLĐ] Việt Nam  đã ban hành Quyết định số 589/QĐ-TLĐ, ngày 22/5/2014 ban hành Quy định về việc tổ chức Công đoàn tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Hướng dẫn số 726/HD-TLĐ ngày 02/6/2014 về Công đoàn thực hiện giám sát và phản biện xã hội, trong đó chỉ rõ nội dung, phạm vi, đối tượng, phương pháp tiến hành giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Trong những năm qua, công tác giám sát, phản biện được Tổng LĐLĐ Việt Nam xác định là nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Tổng LĐLĐ Việt Nam luôn quan tâm chỉ đạo các cấp Công đoàn thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện theo chức năng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn và quy định của Bộ Chính trị, đồng thời xây dựng kế hoạch, tổ chức chỉ đạo các cấp Công đoàn thăm, nắm tình hình đời sống, lao động, việc làm và phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách có liên quan đến công nhân viên chức, người lao động [CNVCLĐ] tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, địa phương, cơ sở.

Với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Tổng LĐLĐ Việt Nam các cấp có các hình thức giám sát trên nhiều lĩnh vực, cách thức tổ chức sáng tạo, đưa ra những kiến nghị thiết thực. Từ năm 2014 đến nay, trong công tác giám sát, các cấp Công đoàn căn cứ chương trình, kế hoạch và chương trình phối hợp cùng với chính quyền đồng cấp tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động tại 13 tỉnh, thành phố và một số công đoàn ngành, 47 doanh nghiệp trên cả nước, như: Giám sát việc thực hiện quy định của Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm Xã hội và các luật khác có liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động; giám sát thực hiện các chính sách liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động như tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; kết quả 10 năm thực hiện Chương trình nhà ở Mái ấm công đoàn; giám sát 10 năm thực hiện Nghị quyết 4a của BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam [khóa IX] về nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn tham gia xây dựng, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; giám sát tổ chức và hoạt động Quỹ xã hội từ thiện, hoạt động vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm; giám sát thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng.…

Qua hoạt động kiểm tra, giám sát, Công đoàn đã nắm tình hình thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nắm thực tế đời sống, lao động, việc làm; việc thực hiện các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật lao động đối với người lao động, từ đó có ý kiến tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có biện pháp thực hiện ngày càng tốt hơn các quy định của Đảng và Nhà nước; CNVCLĐ ngày càng ý thức hơn về trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện Quy chế dân chủ và các nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Việc giải quyết chế độ chính sách cho công nhân, viên chức, lao động được các cơ quan, đơn vị, chủ sử dụng lao động quan tâm, ngày càng đi vào nền nếp, đúng quy định. Tình hình chấp hành pháp luật lao động của các doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Trong công tác phản biện xã hội, việc tổ chức triển khai ngày càng đi vào thực chất, sâu rộng và hiệu quả hơn, đặc biệt là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người lao động. Công đoàn đã tổ chức nhiều hình thức phản biện, như: thông qua hệ thống báo chí công đoàn, phản biện trực tiếp tại nghị trường để Quốc hội ban hành nghị quyết bảo hiểm xã hội một lần với người lao động sau một năm nghỉ việc; tổ chức nghiên cứu, phản biện phương án tiền lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp hàng năm; các nghị định, thông tư quy định chi tiết thi hành  Luật Công đoàn năm 2012…

Công đoàn phối hợp với chuyên môn đồng cấp trong việc tổ chức đối thoại với người lao động, thực hiện Quy chế dân chủ tại nơi làm việc, đã có khoảng 9.500 cuộc đối thoại định kỳ được thực hiện, đạt tỷ lệ 45,6%  tổng số doanh nghiệp báo cáo và có khoảng 400 cuộc đối thoại đột xuất. Tham gia sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; tham gia sắp xếp lại lao động, giải quyết chế độ cho lao động dôi dư, đảm bảo việc làm và các quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho hàng trăm ngàn lao động. Hướng dẫn, tổ chức thực hiện ký kết Thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp; đã có 64.1%  doanh nghiệp trong tổng số doanh nghiệp báo cáo hàng năm ký được Thỏa ước lao động tập  thể.

Về tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xác định đây là nhiệm vụ then chốt, quan trọng và có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh, là yếu tố quyết định để Công đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và đoàn viên, CNVCLĐ tin tưởng giao phó.

Hơn 3 năm qua, Công đoàn tổ chức tham gia góp ý xây dựng khoảng 278 dự thảo văn bản pháp luật, tổ chức lấy ý kiến của đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ tham gia vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tham mưu để Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 52-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân, lao động khu công nghiệp, khu chế xuất; tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 231/QĐ-TTg, ngày 13/02/2015 về việc “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020”, Đề án xây dựng các thiết chế công đoàn phục vụ công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất... Nhiều nội dung, vấn đề tham gia góp ý của Công đoàn được cơ quan chủ trì soạn thảo ghi nhận và tiếp thu. Do vậy, các chủ trương, chính sách khi ban hành đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân, tạo ra môi trường  pháp lý thuận lợi cho sự phát triển đất nước, đồng thời bảo đảm được quyền, lợi ích của người lao động và các điều kiện cho Công đoàn hoạt động, hạn chế những bất cập phát sinh thực tế.

Cùng với góp ý xây dựng các chủ trương, chính sách, trong những năm qua, Công đoàn đã tập trung thực hiện tốt các Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của BCH Trung ương Đảng [khóa XI] về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Kết luận số 80-KL/TW, ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng [khóa X] về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị [khóa VIII] về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài'' trong tình hình mới gắn với triển khai Chương trình phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở [CĐCS] và xây dựng CĐCS vững mạnh tại các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...

Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tính đến hết năm 2016, hệ thống Công đoàn cả nước hiện có 9.636.417 đoàn viên và 125.560 CĐCS; giới thiệu được hơn 270.000 đoàn viên, CNVCLĐ ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, kết nạp; tổ chức được gần 600.000  cuộc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho hàng triệu lượt đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ; đã xây dựng nhiều mô hình hiệu quả trong phong trào công nhân và hoạt động công đoàn góp phần tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, củng cố niềm tin của đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ đối với Đảng, Nhà nước. Nhiều mô hình mới, cách làm hay trong việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần người lao động được triển khai thực hiện, được đông đảo đoàn viên, người lao động đón nhận; tác động tích cực đến người sử dụng lao động, thúc đẩy doanh nghiệp cùng quan tâm chăm lo tới người lao động.

Với những kết quả nêu trên, có thể khẳng định rằng vai trò của Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp Công đoàn trong giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền hơn những năm qua đã được phát huy rõ nét, góp phần quan trọng nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cán bộ, CNVCLĐ động tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc giám sát, phản biện, tham gia xây dựng Đảng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Nhiều CĐCS chưa quan tâm đúng mức đến công tác này, việc phê bình và tự phê bình đội ngũ cán bộ, đảng viên hoạt động trong và ngoài hệ thống Công đoàn chưa cao, chưa tích cực giới thiệu quần chúng ưu tú cho Đảng kết nạp. Công tác giám sát mới thực hiện được chủ yếu ở các doanh nghiệp về việc thực hiện các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật lao động đối với người lao động, chưa mở rộng được đến tất cả các đối tượng theo quy định. Nội dung giám sát của Công đoàn rộng, thiếu cụ thể hóa những nội dung theo chức năng của công đoàn. Trong khi đó chưa có chế tài trong thi hành kết luận giám sát nên hiệu quả giám sát đang bị hạn chế...

Trong thời gian tới, để triển khai có hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Công đoàn các cấp, Tổng LĐLĐ Việt Nam rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành trong hoàn thiện quy định về việc tổ chức cuộc giám sát đối với từng loại hình cơ quan như cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xây dựng chế tài xử lý tổ chức, cá nhân cố ý không thực hiện kết luận giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, tăng cường giác ngộ, bồi dưỡng, kết nạp công nhân vào Đảng; bồi dưỡng cán bộ công đoàn trẻ, nâng cao tỷ lệ đảng viên là công nhân, thành phần công nhân trong cán bộ của Đảng và Nhà nước. Tuyển chọn, đào tạo, bố trí đội ngũ cán bộ có uy tín, có năng lực, phẩm chất tốt phụ trách công tác vận động quần chúng, hoạt động trong phong trào công nhân và trực tiếp lãnh đạo Công đoàn, coi phong trào công nhân, Công đoàn là nơi rèn luyện cán bộ của Đảng và yêu cầu các đảng viên tích cực tham gia hoạt động Công đoàn. Tạo các cơ chế đảm bảo công đoàn hoạt động hiệu quả; đầu tư xây dựng các thiết chế dành cho công nhân lao động; ban hành chính sách nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân.

Chủ Đề