Hướng dẫn lập dự toán công đoàn 2023 năm 2024

Căn cứ Quyết định số 1912/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc ban hành Quy chế quản lý vốn của công đoàn đầu tư tài chính, hoạt động kinh tế;

Căn cứ Kế hoạch số 48/KH-TLĐ ngày 30/10/2017 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện thu kinh phí công đoàn khu vực sản xuất kinh doanh qua tài khoản của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 1764/QĐ-TLĐ ngày 28/12/2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về tài chính công đoàn;

Căn cứ Hướng dẫn số 47/HD-TLĐ ngày 30/12/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về thực hiện quy chế quản lý tài chính, tài sản công đoàn và chế độ kế toán đối với công đoàn cơ sở;

Căn cứ Quyết định số 4290/QĐ-TLĐ ngày 01/3/2022 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc ban hành quy định thu, chi, quản lý tài chính, tài sản tại công đoàn cơ sở (viết tắt là Quyết định số 4290/QĐ-TLĐ ngày 01/3/2022 của Tổng Liên đoàn);

Căn cứ Quyết định số 4407/QĐ-TLĐ ngày 25/3/2022 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc chia số dư tài chính công đoàn tích lũy tại thời điểm 31/12/2021;

Căn cứ Quyết định 5692/QĐ-TLĐ ngày 08/12/2022 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về ban hành Quy định chế độ phụ cấp cán bộ công đoàn các cấp;

Căn cứ Quyết định số 7201/QĐ-TLĐ ngày, 18/5/2023 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc sửa đổi Quyết định số 4290/QĐ-TLĐ ngày 01 tháng 3 năm 2022 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về thu, chi, quản lý tài chính công đoàn cơ sở; Quyết định số 4301/QĐ-TLĐ ngày 04 tháng 3 năm 2022 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về tổ chức bộ máy quản lý tài chính công đoàn; tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm Trưởng ban Tài chính, Trưởng phòng kế toán; phân công Chánh Văn phòng, Phó chánh Văn phòng phụ trách bộ phận Tài chính; phân công người làm công tác kế toán tại công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở; chế độ phụ cấp trách nhiệm làm nhiệm vụ kế toán trưởng trong các đơn vị kế toán công đoàn;

Căn cứ kết quả thực hiện tài chính công đoàn năm 2022 và ước thực hiện năm 2023, Công đoàn Ngành Giáo dục TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn các công đoàn cơ sở trực thuộc đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính công đoàn năm 2023 và xây dựng dự toán tài chính công đoàn năm 2024, như sau:

  1. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THựC HIỆN TÀI CHÍNH CÔNG ĐOÀN NĂM 2023

Căn cứ kết quả thực hiện tài chính công đoàn của 8 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2023, các công đoàn cơ sở tập trung đánh giá một số nội dung chủ yếu như sau:

- Những thuận lợi, khó khăn trong việc đôn đốc cơ quan, tổ chức doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn và thu đoàn phí công đoàn theo quy định hiện hành; phân tích việc thực hiện về cơ chế thu, phân cấp tài chính tác động đến kết quả thu tài chính công đoàn.

Trên cơ sở kết quả đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính công đoàn năm 2023 và các quy định hiện hành của Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các công đoàn cơ sở chủ động đề xuất với Công đoàn Ngành Giáo dục những nội dung có liên quan đến các chỉ tiêu xây dựng dự toán năm 2024 trong phần thuyết minh.

II. XÂY DỰNG DỰ TOÁN TÀI CHÍNH CÔNG ĐOÀN NĂM 2024

1. Mục tiêu, nguyên tắc

- Mục tiêu: Dự toán thu tài chính công đoàn năm 2024 được xây dựng có tính khả thi cao. Căn cứ tình hình thực tế, đơn vị xây dựng dự toán thu đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời theo quy định hiện hành từ đó đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ chi hoạt động.

- Nguyên tắc:

+ Chấp hành nghiêm các quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Liên đoàn Lao động Thành phố và Công đoàn Ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh về công tác tài chính công đoàn.

+ Nguyên tắc xây dựng và giao dự toán tài chính công đoàn năm 2024 phải đảm bảo đúng theo hướng dẫn của Công đoàn Ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh; phải xác định được số phải thu tài chính công đoàn trong năm 2024.

+ Dự toán chi tài chính công đoàn cần đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí, tiết giảm tối đa chi phí tiếp khách, hội nghị, sự kiện,...và các khoản chi phí chưa thật sự cần thiết. Nội dung chi tập trung cho các hoạt động chăm lo trực tiếp, bảo vệ và đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động; đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công đoàn, phát triển đoàn viên và tổ chức công đoàn.

+ Trong năm 2024, khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh ban hành các văn bản mới liên quan đến việc thực hiện dự toán thì các công đoàn cơ sở thực hiện theo hiệu lực của văn bản mới ban hành.

2. Các nội dung chính trong công tác xây dựng dự toán tài chính công đoàn năm 2024

2.1. Thu tài chính công đoàn

2.1.1. Thu kinh phí công đoàn

Căn cứ Điều 5 Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn, cơ sở để xác định thu kinh phí công đoàn là chỉ tiêu số lao động và quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) như sau:

a/ Chỉ tiêu số lao động

Số lao động được thống kê tại đơn vị là số lao động đang thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tại thời điểm ngày 31/8/2023 cộng (hoặc trừ) số lao động dự kiến tăng (hoặc giảm) trong năm 2024.

b/ Quỹ lương làm căn cứ thu kinh phí công đoàn

Quỹ tiền lương làm căn cứ thu kinh phí công đoàn năm 2024 tại các đơn vị được xác định là tiền lương đóng BHXH cho người lao động bình quân 8 tháng đầu năm 2023 có xác định yếu tố tăng trưởng nhân với số lao động thuộc đối tượng phải đóng kinh phí công đoàn được xác định tại mục a.

2.1.2. Thu đoàn phí công đoàn

a/ Chỉ tiêu đoàn viên

Căn cứ Điều 20 Quyết định số 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định và phân cấp cho công đoàn cơ sở thu.

Cơ sở để xác định số thu đoàn phí công đoàn là số đoàn viên công đoàn, mức đóng và tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí công đoàn theo quy định tại Điều 23 của Quyết định số 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Lưu ý:

- Số đoàn viên để xác định thu đoàn phí công đoàn năm 2024 là số đoàn viên tại thời điểm 31/8/2023, cộng (hoặc trừ) số đoàn viên dự kiến tăng (hoặc giảm) trong năm 2024.

- Mức thu đoàn phí công đoàn bình quân của 01 đoàn viên trong năm 2024 đảm bảo không thấp hơn mức thu đoàn phí bình quân của 01 đoàn viên theo báo cáo quyết toán năm 2022 đã được Công đoàn ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt.

- Công đoàn cơ sở có mức thu đoàn phí cao hơn quy định (tại Điều 23 của Quyết định 1908/QĐ-TLĐ) thì số thu đoàn phí công đoàn tăng thêm được để lại 100% cho công đoàn cơ sở sử dụng.

2.1.3. Thu khác

Trên cơ sở số thực hiện thu khác của báo cáo quyết toán tài chính công đoàn năm 2022 và số ước thực hiện thu khác năm 2023, công đoàn cơ sở xây dựng dự toán thu khác năm 2024 theo hướng ổn định và tăng nguồn thu.

2.2. Chi tài chính công đoàn

Chi tài chính tại công đoàn cơ sở căn cứ theo Quyết định số 4290/QĐ-TLĐ ngày 01/3/2022 của Tổng Liên đoàn, cụ thể:

Mục chi

Số thu ĐPCĐ phần CĐCS được sử dụng

Số thu KPCĐ phần CĐCS được sử dụng

- Chi trực tiếp chăm lo, bảo vệ, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đoàn viên và người lao động (MS 31)

Tối thiểu 40%

Tối thiểu 60%

- Chi tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động (MS 32)

Tối đa 25%

- Chi quản lý hành chính (MS 33)

Tối đa 15%

- Chi lương, phụ cấp và các khoản phải nộp theo lương (MS 34)

Tối đa 45%

- Chi khác (MS 37)

Tối đa 15%

Việc sử dụng nguồn tài chính công đoàn tích lũy phải đảm bảo đúng quy định của Quyết định số 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc Quản lý tài chính, tài sản công đoàn, thu, phân phối thu và thưởng, phạt thu, nộp tài chính công đoàn. Tài chính công đoàn cơ sở không có tổ chức bộ máy kế toán tích lũy đến thời điểm 31/12 được trích lập 100% vào quỹ hoạt động thường xuyên và chuyển sang năm sau sử dụng.

Công đoàn cơ sở được sử dụng nguồn tài chính công đoàn tích lũy đế gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng có uy tín.

a/ Nguồn tài chính công đoàn công đoàn cơ sở được sử dụng

Năm 2024, công đoàn cơ sở được sử dụng 75% tổng số thu kinh phí công đoàn, 70% tổng số thu đoàn phí công đoàn và 100% số thu khác (nguồn thu khác do công đoàn cơ sở quyết định việc phân bổ các khoản mục chi hoạt động công đoàn cho phù hợp và chi đúng quy định), khoản chi tài chính công đoàn thực hiện theo Điều 6 Quyết định số 4290/QĐ-TLĐ ngày 01/3/2022 của Tổng Liên đoàn. Trong đó:

- Chi trực tiếp chăm lo, bảo vệ, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đoàn viên và người lao động (MS 31): tối thiểu 40% nguồn thu đoàn phí công đoàn công đoàn cơ sở được sử dụng và tối thiểu 60% nguồn thu kinh phí công đoàn công đoàn cơ sở được sử dụng. Tại những đơn vị có quan hệ lao động phức tạp, công đoàn cơ sở dành tối thiểu 25% nguồn kinh phí của mục chi này để dự phòng cho hoạt động bảo vệ đoàn viên, người lao động; sau 2 năm liền kề không sử dụng có thể chuyển sang chi cho các nội dung thuộc mục chi này.

- Chi tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động (MS 32): tối đa 25% nguồn thu kinh phí công đoàn công đoàn cơ sở được sử dụng.

- Chi quản lý hành chính (MS 33): tối đa 15% nguồn thu kinh phí công đoàn công đoàn cơ sở được sử dụng.

- Chi lương, phụ cấp cán bộ công đoàn chuyên trách và phụ cấp cán bộ công đoàn (MS 34): tối đa 45% nguồn thu đoàn phí công đoàn công đoàn cơ sở được sử dụng. Trong trường hợp thiếu, công đoàn cơ sở phải xem xét giảm đối tượng, mức chi phụ cấp cán bộ công đoàn cho phù hợp với nguồn tài chính được phân bổ, chi theo Quyết định số 3226/QĐ-TLĐ ngày 20/9/2021 của Tổng Liên đoàn

- Chi khác (MS 37): tối đa 15% nguồn thu đoàn phí công đoàn công đoàn cơ sở được sử dụng.

Trong đó: các nội dung được quy định tỷ lệ chi tối đa nếu không chi hết bổ sung cho các nội dung chi có tỷ lệ tối thiểu (Mã số 32, 33, 34, 37 nếu chi không hết được chi bổ sung cho mã số 31).

* Lưu ý:

- Các CĐCS lập dự phòng tối thiểu 5%/ tổng dự toán chi thường xuyên.

- Các CĐCS chỉ được thực hiện chi các nội dung đã có thuyết minh chi tiết trong dự toán và được phê duyệt. Các trường hợp đặc biệt, bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, dịch họa, dịch bệnh... các đơn vị được chủ động thực hiện trong phạm vi dự phòng chi.

- Trường hợp khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quy định thay đổi tỷ lệ sử dụng số thu đoàn phí công đoàn, kinh phí công đoàn được sử dụng của CĐCS sau khi đơn vị đã lập dự toán năm 2024 gửi Công đoàn Ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh theo thời gian quy định tại hướng dẫn này Công đoàn Ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh sẽ căn cứ tình hình thực tế từng đơn vị để quyết định phân bổ kinh phí và giao dự toán chi theo quy định mới của Tổng Liên đoàn, các đơn vị không phải điều chỉnh dự toán chi năm 2024 đã lập.

b/ Nghĩa vụ nộp đoàn phí công đoàn về Công đoàn Ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh:

Hàng tháng, công đoàn cơ sở trích nộp 30% tổng số thu 1% đoàn phí công đoàn.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Hồ sơ báo cáo dự toán thu, chi tài chính công đoàn

Công đoàn cơ sở gửi 02 bộ hồ sơ dự toán thu, chi tài chính công đoàn năm 2024 về Công đoàn Ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm:

- Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính công đoàn năm 2023.

- Bảng thống kê số lao động, tổng quỹ tiền lương dự kiến thu kinh phí công đoàn (có xác nhận của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp) và số đoàn viên, tổng quỹ lương dự kiến thu đoàn phí công đoàn năm 2024 (Mẫu 01-DTCS đính kèm).

- Bảng kế hoạch hoạt động tài chính công đoàn cơ sở năm 2024 có xác nhận của thủ trưởng cơ quan (chủ doanh nghiệp) (Mẫu 02-DTCS đính kèm).

- Báo cáo dự toán thu, chi tài chính công đoàn năm 2024 (Mẫu B14-TLĐ).

2. Quy trình, thời hạn nộp báo cáo dự toán

- Báo cáo dự toán thu, chi tài chính công đoàn cơ sở phải thông qua Ban chấp hành công đoàn cơ sở xem xét, quyết định trước khi gửi về Công đoàn Ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh (qua Bộ phận phụ trách Tài chính).

- Thời hạn nộp báo cáo: chậm nhất ngày 18/10/2023.

Ban Thường vụ Công đoàn Ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các công đoàn cơ sở khẩn trương xây dựng dự toán thu, chi tài chính công đoàn cơ sở năm 2024 của đơn vị mình theo đúng Hướng dẫn này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các công đoàn cơ sở báo cáo về Công đoàn Ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh (qua bộ phận phụ trách Tài chính, điện thoại: 028.38299667) để được hướng dẫn và giải quyết kịp thời./.