Kê khai tài sản, thu nhập là gì

Luật phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14 [Luật PCTN 2018] được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2018  gồm 10 Chương,  96 Điều, quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. So với Luật PCTN 2005, Luật PCTN 2018 đã bổ sung thêm một số quy định mới về kê khai tài sản, thu nhập như sau:

1. Mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản lần đầu, thu hẹp đối tượng phải kê khai tài sản hàng năm

Trước đây, Luật PCTN 2005 chỉ quy định cán bộ từ phó trưởng phòng của Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên và tương đương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Một số cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; Người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải kê khai tài sản, thu nhập.

Tuy nhiên, Điều 34Luật PCTN 2018 đã mở rộng đối tượng có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập là cán bộ, công chức; Sĩ quan Công an nhân dân, sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Các đối tượng phải kê khai tài sản hàng năm theo Khoản 3 Điều 36 Luật PCTN 2018 thu hẹp chỉ còn: Người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở và tương đương trở lên; người không thuộc trường hợp trên, làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác.

2. Bổ sung một số loại tài sản, thu nhập phải kê khai

Ngoài việc phải kê khai tài sản, thu nhập theo quy định cũ như: Nhà, quyền sử dụng đất; Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và các loại tài sản khác mà giá trị của mỗi loại từ năm mươi triệu đồng trở lên; Tài sản, tài khoản ở nước ngoài; Thu nhập phải chịu thuế theo quy định của pháp luật thì Điều 35 Luật PCTN 2018 bổ sung thêm quy định phải kê khai cả công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; Đồng thời, các đối tượng còn phải kê khai cả tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.

          3. Kê khai bổ sung khi có biến động về tài sản, thu nhập

Khoản 2 Điều 36 Luật PCTN 2018 quy định kê khai bổ sung được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên.

Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo dõi biến động về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thông qua phân tích, đánh giá thông tin từ bản kê khai hoặc từ các nguồn thông tin khác [Điều 40].Trường hợp phát hiện tài sản, thu nhập có biến động từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai không kê khai thì Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền yêu cầu người đó cung cấp, bổ sung thông tin có liên quan; Trường hợp tài sản, thu nhập có biến động tăng thì phải giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.

Nội dung xác minh tài sản, thu nhập [Điều 43]gồm: Tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai; Tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.

Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập có quyền khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong xác minh tài sản, thu nhập khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình [Điều 47].

4. Thời điểm kê khai tài sản, thu nhập [Điều 36]

– Kê khai lần đầu: Áp dụng đối với cán bộ, công chức; Sĩ quan Công an nhân dân, sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Việc kê khai phải hoàn thành trước 31/12/2019.

– Kê khai bổ sung: Được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 của năm có biến động về tài sản, thu nhập, trừ trường hợp đã kê khai theo quy định tại khoản 3 Điều này.

– Kê khai hàng năm: Được thực hiện đối với người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên; người làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác theo quy định của Chính phủ. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12.

5. Công khai bản kê khai tài sản, thu nhập

Điều 39 của Luật PCTN năm 2018 quy định: Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc; Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm; …

          6. Công khai Kết luận xác minh tài sản, thu nhập

Điều 50 quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh tài sản, thu nhập, người ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập có trách nhiệm công khai Kết luận xác minh.Việc công khai Kết luận xác minh tài sản, thu nhập được thực hiện như việc công khai bản kê khai quy định tại Điều 39 của Luật này.

7. Xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực

Khoản 3 Điều 51quy định người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; Nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; Trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.

8. Trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách

Trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức do mình quản lý, phụ trách được quy định tại Điều 72 như sau: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ tham nhũng; Cấp phó phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do mình được giao trực tiếp phụ trách; Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới.

Luật phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019. Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành./.

Một số vấn đề đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức trong trong phòng ngừa tham nhũng.

      Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng [sửa đổi] đang được lấy ý kiến góp ý trình Kỳ họp Quốc hội thông qua, trong các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, biện pháp kê khai tài sản, thu nhập có sự thay đổi lớn so với các quy định hiện hành đó là về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập.

      Để tìm hiểu sâu hơn những vấn đề cơ bản về biện pháp kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức, xin trao đổi về đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật nước ta.

      1. Về xác định đối tượng kê khai tài sản, thu nhập

      Để xác định đối tượng kê khai tài sản, thu nhập phải xuất phát từ mục đích của việc kê khai tài sản, thu nhập, từ việc xác định kê khai tài sản để làm gì và phục vụ cho công tác nào mà đối tượng kê khai tài sản hướng đến là ai, lĩnh vực công tác nào để đạt được mục đích đã đề ra là công việc rất quan trọng trong biện pháp kê khai tài sản, thu nhập. Kê khai tài sản nhằm hướng đến việc minh bạch tài sản của công chức phục vụ công tác phòng ngừa tham nhũng là mục đích chung của các nước trên thế giới. Tuy có cùng chung mục đích, nhưng ở các quốc gia, việc xác định đối tượng kê khai tài sản, thu nhập có sự khác nhau, có nước yêu cầu tất cả công chức phải kê khai tài sản, thu nhập, cũng có nước xác định một số nhóm đối tượng phải kê khai.

      Ở Thái Lan phân làm hai nhóm đối tượng phải kiểm tra tài khoản và nợ nần: nhóm thứ nhất là những người giữ các chức vụ chính trị quan trọng; nhóm thứ hai, các quan chức nhà nước. Ở Costa Rica, mọi công dân, không phân biệt địa vị, chức danh, bình đẳng trước pháp luật, phải kê khai tất cả tài sản của mình. Tại một số nước Châu Âu như Đức, Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy, việc kê khai tài sản chỉ giới hạn trong phạm vi các đại biểu quốc hội, các thành viên nội các, và các quan chức cấp cao có quyền hạn quản lý và ảnh hưởng chính trị lớn. Tại Bồ Đào Nha, các đối tượng sau có nghĩa vụ phải kê khai tài sản: Tổng thống, Thủ tướng và các thành viên nội các, đại biểu Quốc hội, đại diện của vùng, thành viên Quốc hội Châu Âu, thẩm phán của Tòa án Hiến pháp, tất cả các người đứng đầu các văn phòng hiến pháp và tổ chức công độc lập, thành viên hội đồng quản trị các tập đoàn nhà nước.

      Ở Việt Nam, vào những thời điểm khác nhau, đối tượng kê khai tài sản cũng có những thay đổi nhất định. Nghị định số 64/1998/NĐ-CP, xác định người có nghĩa vụ kê khai nói chung là người có chức vụ, quyền hạn, bao gồm 4 nhóm: cấp huyện, cấp tỉnh, cấp trung ương và ở các doanh nghiệp nhà nước. Ở mỗi nhóm, đối tượng kê khai tài sản chỉ tập trung vào các chức danh lãnh đạo, tức là những người có chức vụ, quyền hạn, cụ thể: ở cấp huyện gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Bí thư, Phó Bí thư huyện ủy, và những người giữ các chức vụ tương đương trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị -xã hội. Ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mở rộng thêm Giám đốc sở, Phó Giám đốc sở. Đối với cơ quan trung ương, đối tượng kê khai là Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng trở lên và những người giữ các chức vụ tương đương trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị -xã hội. Đối với các doanh nghiệp nhà nước gồm: Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị, Kế toán trưởng trong các doanh nghiệp nhà nước; những người được Nhà nước cử giữ chức vụ kể trên trong doanh nghiệp có vốn nhà nước.

      Tuy nhiên, đến năm 2002, khi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 64/1998/NĐ-CP, thì Nghị định số 13/2002/NĐ-CP ngày 30/01/2002 của Chính phủ quy định đối tượng kê khai tài sản đã mở rộng rất nhiều gồm: cán bộ, công chức đang làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; những người được bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ theo nhiệm kỳ, những người được tuyển dụng vào các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp; cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp nhà nước; ở cấp xã ngoài những chức danh chủ chốt như Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân, các chức danh chuyên môn cũng phải kê khai.

      Theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005; Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09/3/2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập; Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP ngày 13/11/2007 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn một số điều của Nghị định số 37/2007/NĐ-CP, thì đối tượng phải kê khai tài sản đã mở rộng từ cán bộ địa chính cấp xã đến Bộ trưởng, Trưởng các ban ngành trung ương, từ doanh nghiệp đến các cơ quan nghiên cứu khoa học có sử dụng ngân sách nhà nước.

      Nhằm tạo sự thống nhất về xác định đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập, Nghị định số 78/2013/NĐ-CP đã quy định đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập bao gồm cán bộ, công chức giữ chức vụ có phụ cấp trách nhiệm tương đương phó trưởng phòng cấp huyện trở lên, một số công chức, viên chức, người lao động thường xuyên tiếp xúc và giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. Cụ thể đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập theo quy định hiện hành gồm:

      1. Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, người được dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

      2. Cán bộ, công chức từ Phó Trưởng phòng của Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên và người được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương [có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,2 trở lên] trong cơ quan, đơn vị của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức, đơn vị khác được giao biên chế và có sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước.

      3. Sĩ quan chỉ huy từ cấp Phó tiểu đoàn trưởng, người hưởng phụ cấp chức vụ tương đương phó tiểu đoàn trưởng trở lên trong Quân đội nhân dân; sĩ quan chỉ huy từ cấp Phó tiểu đoàn trưởng, Phó trưởng công an phường, thị trấn, Phó đội trưởng trở lên trong Công an nhân dân.

      4. Người giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

      5. Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học, trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, người giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề của Nhà nước.

      6. Người làm việc trong doanh nghiệp nhà nước gồm: Thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, kiểm soát viên, người giữ chức danh quản lý tương đương từ Phó trưởng phòng trở lên; người được cử làm đại diện phần vốn của Nhà nước, phần vốn của doanh nghiệp nhà nước và người đó giữ chức danh quản lý từ Phó trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước, của doanh nghiệp nhà nước [doanh nghiệp liên doanh, liên kết].

      7. Bí thư, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó chủ tịch, uỷ viên Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; chỉ huy trưởng quân sự, công chức địa chính, xây dựng, tài chính, tư pháp - hộ tịch xã, phường, thị trấn; Trưởng công an xã.

      8. Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm tra viên, thẩm phán, thư ký tòa án, kiểm toán viên nhà nước, thanh tra viên, chấp hành viên, công chứng viên nhà nước.

      9. Công chức, viên chức không giữ chức vụ trong các cơ quan của Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập nhưng được bố trí thường xuyên làm các công việc: quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước; trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong các lĩnh vực theo danh mục quy định [kèm theo phụ lục].

      Điều 35 của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng [sửa đổi] hiện đang được lấy ý kiến góp ý trình kỳ họp Quốc hội quy định có 4 nhóm đối tượng kê khai gồm: 1] cán bộ, công chức; 2] sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân; 3] người giữ chức vụ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; 4] người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

      Như vậy, so với quy định hiện hành, thì đối tượng kê khai tài sản theo dự thảo Luật đã mở rộng đến hầu hết cán bộ, công chức, viên chức. Việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập theo chúng tôi là hợp lý, bởi pháp luật hiện hành quy định chỉ có một nhóm đối tượng cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, còn một bộ phận rất lớn cán bộ, công chức còn lại sẽ không được kiểm soát tài sản do không nằm trong diện kê khai, hoặc có kê khai nhưng không liên tục do chuyển đổi vị trí công tác. Điều này sẽ tạo lỗ hỏng trong việc hướng tới kiểm soát tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, vì việc kê khai không liên tục, không kiểm soát được quá trình hình thành tài sản khi họ còn nằm trong diện không phải kê khai. Có thể nói đây là hạn chế, vướng mắc chủ yếu trong việc thực hiện biện pháp kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức trong thời gian qua đó là không xác định được nguồn gốc xuất phát điểm của tài sản kê khai. Đồng thời, hạn chế này đã dẫn đến tình trạng: cha thuộc diện kê khai tài sản có rất nhiều tài sản nhưng không đứng tên mà chuyển cho con không thuộc diện kê khai đứng tên, qua nhiều năm người con thuộc diện kê khai tài sản, thì nghiễm nhiên tài sản đó không phải giải trình nguồn gốc vì pháp luật không cho phép truy nguyên nguồn gốc tài sản.

      2. Kiến nghị giải pháp

      Xuất phát từ mục đích của việc kê khai tài sản, thu nhập, cần mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản đến tất cả cán bộ, công chức như Điều 35 dự thảo Luật nêu, nhưng có sự phân chia thành nhóm công chức giữ chức vụ và nhóm công chức không giữ chức vụ để có quy định về kê khai tài sản cho phù hợp với từng đối tượng. Đối với nhóm có chức vụ thì thực hiện việc kê khai hàng năm. Đối với nhóm công chức không giữ chức vụ thì thực hiện kê khai theo định kỳ nâng lương. Việc kê khai tài sản được thực hiện từ khi cán bộ, công chức được tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị và trong suốt quá trình công tác.

      Nếu việc kê khai tài sản hàng năm, chỉ những người có chức vụ thực hiện kê khai thì số lượng kê khai sẽ giảm rất nhiều, sẽ giảm đi số lượng công chức chuyên môn hiện nay phải kê khai. Như vậy, việc kê khai, công khai, xác minh việc kê khai trước tiên chỉ tập trung vào nhóm các đối tượng này. Khi việc kê khai tài sản vào quy cũ sẽ tiến tới kiểm soát hoạt động kê khai tài sản của các nhóm đối tượng khác.

      Nhóm công chức chuyên môn kê khai theo kỳ nâng lương, việc kê khai tài sản gắn liền với kỳ nâng lương sẽ thuận lợi, bản kê khai tài sản sẽ đi kèm với hồ sơ xét nâng lương, và thời gian giữa các kỳ kê khai tài sản của nhóm công chức này từ 2-3 năm là hợp lý. Đối với nhóm này, cần chú trọng yêu cầu thực hiện nghiêm việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm trong khoản thời gian giữa hai kỳ kê khai liền kề, khi có yêu cầu, người kê khai phải giải trình được nguồn gốc tài sản của mình.

      Việc kiến nghị giải pháp mở rộng, tiến tới tất cả cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập, có thể được lý giải ở những khía cạnh sau:

      Thứ nhất, với suy nghĩ “kê khai tài sản khi chưa có tài sản để kê khai” nên khi mới tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, thì công chức phải kê khai, chứ không để khi có chức quyền rồi mới kê khai. Điều này sẽ khắc phục được những hạn chế vướng mắc như đã nêu trên, đồng thời sẽ rất thuận lợi trong việc kiểm soát ngay từ đầu quá trình hình thành tài sản của cán bộ, công chức, không để tình trạng khi một người nào đó sau nhiều năm làm việc mới bắt đầu kê khai tài sản, khi đó có nhiều tài sản được kê khai, rồi có sự nghi ngờ tài sản ở đâu mà công chức đó có nhiều như vậy.

      Thứ hai, người viết cho rằng không loại trừ là cán bộ, công chức không giữ chức quyền mà không tham nhũng. Trên thực tế, khi một người được tuyển dụng trở thành công chức, khi được giao nhiệm vụ thì sẽ đi kèm với quyền hạn để thực hiện nhiệm vụ đó. Tuy ít có cơ hội tham nhũng lớn, nhưng hiện tượng tham nhũng vặt thì thường xuyên xảy ra.

      Thứ ba, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân mà trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên phải là người gương mẫu đi đầu. Việc kê khai tài sản, thu nhập là một biện pháp để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, nên đây là trách nhiệm của tất cả cán bộ, công chức.

      Thứ tư, việc hướng đến tất cả công chức đều phải kê khai tài sản là phù hợp chủ trương từng bước mở rộng diện đối tượng kê khai tài sản, thu nhập theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ Ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X “tiến tới tất cả đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức đều phải kê khai tài sản” và Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI “Từng bước mở rộng diện kê khai… tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức”.

      Thứ năm, xuất phát từ mục đích của việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định hiện hành là phục vụ cho công tác quản lý cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nên tất cả công chức đều phải kê khai tài sản, thu nhập vì không có công chức nào mà không được quản lý bởi cơ quan, tổ chức.

      Vấn đề đặt ra là khi tất cả cán bộ, công chức đều phải kê khai tài sản liệu có khả thi, có thật sự mang lại hiệu quả không, hay vẫn là hình thức. Có thể thấy, với sự phân cấp quản lý cán bộ, công chức như hiện nay thì việc mỗi cán bộ, công chức thực hiện kê khai tài sản thì không có gì là phức tạp, bản kê khai tài sản được xem là thủ tục bổ sung hồ sơ công chức. Mặt khác, việc tất cả cán bộ, công chức đều kê khai không có nghĩa là hàng năm tất cả đều kê khai mà chỉ có nhóm người giữ chức vụ mới kê khai hàng năm. Còn tính hình thức, không trung thực trong kê khai tài sản trong thời gian qua không nằm ở đối tượng kê khai nhiều hay ít mà do việc kê khai không được xác minh và xử lý vi phạm trong kê khai, nên kê khai sao cũng được. Do vậy, việc mở rộng tiến tới tất cả cán bộ, công chức đều phải kê khai tài sản là giải pháp khả thi và có ý nghĩa quan trọng trong kiểm soát tài sản, thu nhập trong thời gian tới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước./.

                                                                     Phan Văn Ba - Trưởng phòng Thanh tra PCTN

Video liên quan

Chủ Đề