Làm thế nào để nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước

Với thế hệ trẻ, có rất nhiều cách để thể hiện lòng yêu nước chân chính của mình. Cố gắng học tập tốt, rèn luyện tốt, hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình hay tham gia nghiên cứu khoa học, đó là yêu nước; tự giác thực hiện chính sách, pháp luật, tôn trọng kỷ cương, đó cũng là yêu nước. Lựa chọn được một nghề nghiệp phù hợp với bản thân mình, gắn bó và cống hiến hết mình vì công việc, đó là yêu nước. Lao động tích cực, hăng hái, làm giàu chính đáng, đó là yêu nước. Có khi lại là việc nhỏ như không vứt rác bừa bãi, không tàn phá môi trường, không hủy diệt muông thú. Và thậm chí, nói một câu tiếng Việt đúng ngữ pháp, văn cảnh, thể hiện sự tự tôn với ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc mình, cũng là biểu hiện của lòng yêu nước. Những việc làm không chỉ thể hiện ý thức công dân của mỗi người, mà còn là trách nhiệm xã hội, và thông qua đó, thế hệ trẻ chúng ta thể hiện lòng yêu quê hương, xứ sở của mình một cách sinh động nhất, hiệu quả nhất.

 CHÚC BẠN HỌC TỐT

1. Trước khi nói

a. Chuẩn bị nội dung nói

- Khái quát suy nghĩ của em về tình cảm gắn bó của con người với quê hương, đó là tình cảm thiêng liêng của mỗi con người.

- Chỉ ra một số biểu hiện cụ thể tình cảm gắn bó của con người với quê hương:

+ với những người thân thiết,

+ với phong cảnh thiên nhiên,

+ với những phong tục tập quán,

+ với những món ăn gần gũi, đậm đà hương vị quê hương, …

- Ý nghĩa của tình yêu quê hương đối với mỗi con người:

+ giúp con người sống tốt hơn

+ là động lực giúp chúng ta luôn có ý thức phấn đấu hoàn thiện bản thân và không quên nguồn cội,…

b. Tập luyện

- Có thể tập luyện một mình hoặc trước bạn bè, người thân và tiếp tục những nhận xét, góp ý để phần trình bày của mình hay hơn, ấn tượng hơn.

- Tập nói rõ ràng, điều chỉnh ngữ điệu phù hợp và kiểm soát thời gian trình bày.

2. Trình bày bài nói

- Khi trình bày bài nói, cần bám sát vào mục đích nói lên suy nghĩ của em về tình cảm gắn bó của con người với quê hương nói chung, có thể liên hệ với tình cảm của em với quê hương mình.

- Để nội dung trình bày được tập trung, không bỏ sót những ý quan trọng, thỉnh thoảng em có thể nhìn lướt các ý đã được ghi ra giấy.

- Chú ý kết hợp trình bày ý kiến với việc sử dụng tranh ảnh, bài hát,... để tăng sức hấp dẫn cho bài nói. Có thể thu hút sự chú ý của người nghe bằng cách đặt câu hỏi gợi mở về tình cảm của mỗi người đối với quê hương. Trong khi nói có thể kết hợp ngâm thơ hoặc hát một hai đoạn về quê hương để bài nói thêm sinh động và ấn tượng. Tuy nhiên, cần tránh lạm dụng các phương tiện hỗ trợ để không lam loãng nội dung bài nói.

Bài mẫu số 1:

Quê hương có một vị trí quan trọng trong lòng mỗi người. Mỗi người dân Việt Nam đều có tình cảm thiêng liêng gắn bó với quê hương xứ sở của mình. Đối với những con người lao động, nhất là người nông dân, họ đã gắn bó mật thiết với quê hương. Từ lúc cất tiếng khóc chào đời, rồi tuổi thơ đẹp đẽ, những công việc lao động, rồi cuộc sống gia đình, cho tới lúc chết họ đã sống gắn liền với làng quê. Tình cảm yêu quê hương đất nước là một truyền thống tốt đẹp và đáng quý của dân tộc Việt Nam. Cho dù có ở nơi xa nhưng mỗi người vẫn luôn nhớ về quê nhà của mình. Quê hương như một người mẹ hiền ôm ta vào lòng và dành cho ta những gì tốt đẹp nhất. Quê mẹ là nơi ấp ủ tình yêu thương, nơi nuôi ta lớn, dạy dỗ, an ủi che chở cho ta. Quê hương - hai tiếng thân thương mỗi lần nghe thấy chúng ta không khỏi xúc động bồi hồi. Tình yêu quê hương đã ăn sâu vào máu thịt, đi sâu vào lòng mỗi con người. Vì vậy nếu ai chưa nhận thức chưa có tình cảm gắn bó với xứ sở của mình thì hẳn họ chưa được coi là trưởng thành. Quê hương đi vào lòng con người một cách rất tự nhiên. Người ta có thể nhớ tới quê hương đất nước của mình chỉ qua một món ăn bình dị hay một địa danh đã gắn liền với những kỷ niệm đẹp…

Bài mẫu số 2

"Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay."

Ai sinh ra trên đời chẳng có một nơi gọi bằng hai tiếng thân thương: quê hương. Quê hương là nơi thân thuộc nhất với mỗi con người. Nơi ấy có ông bà, mẹ cha, có bạn bè, cô thầy trường lớp... Đó là những người đã sinh ra chúng ta, nuôi dưỡng, dạy dỗ chúng ta nên người bằng tình yêu vô bờ bến. Nơi ấy còn có biết bao cảnh vật thân thương gắn bó: có con đường mỗi ngày ta đến lớp, có dòng sông tắm mát tuổi thơ ta, có lũy tre trưa hè kẽo kẹt, có cánh đồng xanh lúa thuở xuân thì... Nơi ấy còn gắn với biết bao kỉ niệm theo ta suốt hành trình khôn lớn. Ta sao quên những ngày đi học, lớp học vui tiếng nói tiếng cười. Ta sao quên những trò chơi thơ dại, lũ trẻ rủ nhau đuổi bắt trốn tìm. Ta cũng chẳng thể quên đôi lần trốn học, mắt mẹ buồn lòng ta cũng rưng rưng... Nên dù có đi đâu trên đường đời trăm ngả, chẳng bao giờ ta thôi nhớ quê hương.

Bài mẫu số 3

“Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều…”

Những lời trong bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân đã gợi ra những suy từ về tình yêu quê hương đất nước. Đầu tiên, tình yêu quê hương, đất nước là một tình cảm tình cảm yêu mến và gắn bó sâu sắc, chân thành đối với những sự vật, con người thuộc về nơi chúng ta sinh ra và lớn lên. Con người Việt Nam vốn giàu tình yêu quê hương, đất nước. Từ xưa đến nay, nhân dân ta luôn phát huy điều đó trong mọi hoàn cảnh. Từ quá khứ hào hùng của thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Cho đến những năm kháng chiến chống Pháp, Mỹ thì tinh thần đó lại càng sáng ngời. Tinh thần yêu nước không phân biệt tuổi tác, giới tính hay giai cấp. Bất kì ai, nếu đã là người Việt Nam thì đều mang trong mình lòng yêu quê hương, đất nước. Tình yêu quê hương, đất nước là một thứ tình cảm thiêng liêng. Nhưng có những người lại quên đi nguồn cội của mình. Điều đó thật đáng lên án và phê phán. Mỗi người dân Việt Nam cần ý thức nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước.

Bài mẫu số 4

Quê hương chính là nơi chôn rau cắt rốn của ta, là nơi cho ta cội nguồn, gốc rễ bền chặt. Từ ngày xưa, tình yêu quê hương – tình cảm thiêng liêng luôn là nguồn mạch quán thông kim cổ, đông tây. Là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn trí óc ta gắn với truyền thống tự hào, tinh thần tự tôn của dân tộc.

Chúng ta dễ dàng bắt gặp sự gắn bó của con người với quê hương như khoảnh khắc quây quần bên gia đình. Những người con, người cháu xa quê luôn ngóng chờ ngày quay trở về thăm gia đình, họ hàng. Họ luôn nhớ về những món ăn ông nấu mang đậm đặc sản của quê nhà. Hay là những tre hè oi bức ngồi nghe các câu chuyện cổ mà bà kể. Hay những giây phút tinh nghịch bạn bè cùng nhau vui đùa dưới gốc cây đa sân đình… Dù có đi thật xa, trải qua nhiều khung cảnh tươi đẹp thì chúng ta không bao giờ quên được cánh đồng lúa chín bát ngát, vàng rực một vùng. Những lũy tre xanh mướt từng khóm to mọc đầu làng đã trở thành dấu hiệu nhận biết khi trở về quê nhà.

Ý nghĩa của tình quê hương đối với mỗi người là rất to lớn. Nó giúp con người sống tốt hơn, lạc quan hơn, yêu thương hơn với những con người, cảnh vật xung quanh mình. Đó còn là động lực giúp con người luôn có ý thức phấn đầu hoàn thiện bản thân. Chúng ta ra sức học tập, rèn luyện bản thân để phát triển. Và từ đó tạo ra động lực đóng góp cho quê hương, xây dựng đất nước. Từng hành động tốt đẹp nhỏ đều góp phần khiến cho vùng đất yêu thương của chúng ta trở nên lớn mạnh hơn.

Bài mẫu số 5

Quê hương có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống của con người. Quê hương, xứ sở như một mảnh tình con theo ta đến suốt cuộc đời. Dù có đi đâu thì quê hương cũng luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong tâm thức của mỗi người. Quê hương - hai tiếng đơn sơ mà cũng thật ấm áp và gần gũi vô ngần. Quê hương chính là nơi chôn nhau cắt rốn của ta, là nơi nuôi ta lớn lên với biết bao kỉ niệm chẳng thể phai nhòa. Có một điều không thể phủ nhận rằng bất kể đi tới đâu người ta cũng luôn nhớ về quê hương và hướng về mái ấm gia đình. Quê hương dạy ta biết lớn khôn và trưởng thành dần từ những ngây thơ, vụng dại của ngày bé. Quê hương cho ta những năm tháng tuổi thơ tuyệt vời mà suốt hành trình trưởng thành ta không bao giờ tìm lại được. Đó cũng chính là lí do vì sao quê hương trở nên thân thương và ấm áp đến lạ thường. Quê hương ấy, những con người quen thuộc ấy sẽ theo dấu chân ta trên suốt quãng đời của mình và rồi trở thành dòng suối mát lành tắm mát và gột rửa tâm hồn ta trước những muộn phiền, lo toan của cuộc sống.

Mẫusố 6

Mỗi người sinh ra đều có quê hương. Đó là thứ tình cảm thật đáng trân trọng, tự hào biết bao.

Trước hết, tình yêu quê hương là tình cảm yêu mến và gắn bó sâu sắc, chân thành đối với những sự vật, con người thuộc về nơi chúng ta sinh ra và lớn lên. Tình yêu quê hương luôn gắn liền với yêu đất nước. Trong trái tim mỗi con người, không phân biệt màu da, sắc tộc hay tôn giáo đều sẽ luôn tồn tại tình cảm đẹp đẽ này. Đặc biệt với dân tộc Việt Nam thì đó là một truyền thống tốt đẹp, quý giá.

Biểu hiện của tình yêu quê hương được thể hiện qua những hành động cụ thể. Từ trong quá khứ, các vị anh hùng lãnh đạo nhân dân chống lại kẻ thù phương Bắc xâm lược như Bà Trưng, Bà Triệu, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Lợi…Đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Nhiều chàng trai, cô ngại đã không ngại hy sinh tuổi thanh xuân, không ngại gian khổ hiểm nguy để cầm súng xông pha ra tiền tuyền đánh giặc, giành lại độc lập cho đất nước. Những người ở hậu phương không ngừng tăng gia sản xuất để cung cấp lương thực thực phẩm cho tiền tuyến. Đến thời bình, tình yêu quê hương gắn liền với tình yêu mến người thân trong gia đình, tình làng nghĩa xóm. Hay là sự gắn bó với làng quê nơi mình sinh ra [bờ tre, ngọn dừa, cánh đồng lúa chín...]. Cùng lòng tự hào dân tộc qua các áng thơ văn ngợi ca tinh thần ngoan cường của dân tộc. Sống trong hòa bình nhưng chúng ta không quên đi quá khứ của dân tộc. Các bảo tàng lưu giữ những kỷ vật khắc ghi chiến công của các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc. Sự phấn đấu quên mình của mỗi cá nhân biết học tập, lao động để làm giàu đẹp thêm cho quê hương đất nước. Sự bảo vệ, gìn giữ các nét đẹp truyền thống của văn hóa dân tộc. Cả ý chí quyết tâm chiến đấu bảo vệ đất nước của mỗi con người trong những lúc gian nguy… Biểu hiện của tình yêu quê hương đất nước vô cùng phong phú.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, tình yêu quê hương là một tình cảm đẹp đẽ. Mỗi người cần trân trọng, giữ gìn để thứ tình cảm đó tồn tại vĩnh cửu.

Mẫu số 7

Tình yêu quê hương vốn là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Từ quá khứ đến hiện tại, truyền thống đó vẫn được nhân dân ta giữ gìn và phát huy.

Đầu tiên, tình yêu quê hương là sự yêu mến và gắn bó sâu sắc, chân thành đối với những sự vật, con người và mảnh đất chúng ta sinh ra và lớn lên. Dù không cùng một cha mẹ sinh ra, nhưng cùng quê hương cũng có nghĩa là đã cùng chung một cội nguồn. Không chỉ nhân dân Việt Nam, mà bất kì con người nào trên thế giới đều có tình yêu quê hương. Tình cảm đó làm nên tình yêu đất nước.

Đây là một thứ tình cảm tốt đẹp, thiêng liêng mà chúng ta cần phải gìn giữ. Bởi tình yêu quê hương là một sức mạnh to lớn của con người. Chúng ta có thể nhìn thấy điều đó trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Hơn tám mươi năm chịu xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp, chúng ta đã đứng lên đấu tranh để bảo vệ nền độc lập, hòa bình của đất nước. Không có một người con Việt Nam là đứng ngoài cuộc chiến đó. Bởi họ hiểu rằng chỉ có chiến đấu mới có thể giành lại mảnh đất quê hương máu thịt của mình.

Trong cuộc sống hôm nay, tình yêu quê hương có thể đến từ những điều thật giản dị. Chúng ta yêu lời kể chuyện của bà, yêu tiếng hát ru của mẹ. Chúng ta yêu xóm làng thân thuộc, yêu cánh đồng lúa chín thơm. Hoặc ý thức trách nhiệm học tập tốt để mai này trở về xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, bảo vệ và phát huy những nét văn hóa truyền thống của quê hương và lòng quyết tâm chiến đấu bảo vệ đất nước của mỗi con người trong những lúc gian nguy rình rập như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh… Dù giản dị hay lớn lao thì tình yêu cảm đó cũng thật đáng trân trọng, tự hào.

Thế hệ trẻ hôm nay hãy ý thức được trách nhiệm của bản thân trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Tình yêu quê hương, đất nước chính là một động lực quý giá để mỗi công dân Việt Nam tiến đến thành công.

Mẫu số 8

Cuộc sống có muôn vàn đổi thay, nhưng những truyền thống tốt đẹp luôn cần được gìn giữ. Một trong số đó chính là tình yêu quê hương.

Có thể hiểu đơn giản, tình yêu quê hương là sự yêu mến, trân trọng và gắn bó với mảnh đất mà mỗi người sinh ra và lớn lên. Chúng ta luôn có một quê hương riêng, và một tổ quốc chung. Tình yêu quê hương luôn gắn liền với tình yêu đất nước, trở thành truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Bất cứ dân tộc nào trên thế giới cũng đều có một lòng yêu quê hương, đất nước nồng nàn. Nhưng có lẽ dân tộc Việt Nam thì hơn cả.

Trong lịch sử dân tộc đã có hàng nghìn năm chống lại kẻ thù phương Bắc. Sau đó, chúng ta phải kể đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Biết bao nhiêu chàng trai, cô gái - họ ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, mang trong trái tim mình tình yêu với mảnh đất quê hương, để rồi không ngại hy sinh thân mình vì chính mảnh đất ấy. Đặc biệt, chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam chính là tấm gương sáng ngời cho lòng yêu nước thương dân sâu sắc, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng đánh bại kẻ thù xâm lược. Người đã ra đi tìm đường cứu nước khi mới chỉ là một chàng trai tràn đầy nhiệt huyết, lòng căm thù giặc. Suốt ba mươi năm bôn ba nước ngoài, Bác chỉ nghĩ đến phải làm sao tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc mà không ngại những khó khăn, gian khổ. Cả cuộc đời của Bác đã cống hiến cho đất nước, cho nhân dân.

Nhà văn Nga, I-li-a Ê-ren-bua đã từng viết: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Quê hương nào không là một phần máu thịt của tổ quốc, giang sơn. Yêu quê hương là một biểu hiện của lòng yêu Tổ quốc. Thế hệ trẻ hôm nay cần giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đó của ông cha ta ngày trước. Mỗi bạn trẻ cần cố gắng học tập tốt, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy của trường, lớp cũng như biết yêu thương bạn bè, kính trọng thầy cô và những người xung quanh. Đồng thời, chúng ta cần phải xác định cho bản thân một ước mơ, một lý tưởng để cố gắng hoàn thành nó và trở thành người có ích trong tương lai.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tránh xa những việc làm gây hại cho quê hương đất nước. Đó là lối sống thực dụng, ăn chơi sa đọa, lãng phí, sống tự do, cá nhân, vô tổ chức…

Như vậy, mỗi người cần nuôi dưỡng tình yêu quê hương. Có như vậy, chúng ta mới có động lực để cố gắng xây dựng và phát triển đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.

Video liên quan

Chủ Đề