Lập Dàn ý kể lại kỉ niệm ngày đầu tiên đi học

Chủ đề bài viết ngày hôm nay hay quá: Kể lại những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học. Các bạn có còn ký ức nào về ngày đầu tiên đi học của mình không? Lục lọi trong tâm trí đi nhé, bởi vì đây là một chủ đề hầu như từ cấp 1 lên cấp 2 rồi cấp 3 đều được thầy cô chọn làm bài văn viết trên lớp đó. 

Kỉ niệm về ngày đầu tiên đến trường thì hầu như ai cũng có rồi, nhưng mà đôi khi đó là mảng kí ức đọng lại còn mơ màng. Vậy thì làm thế nào để những sự kiện hồi đó xâu chuỗi với nhau thành một câu chuyện mạch lạc, vừa cảm xúc lại vừa logic. Bài viết này mình sẽ hướng dẫn các bạn lập dàn ý tổng quát, dàn ý chi tiết và những bài văn mẫu kể về những kỉ niệm ngày đầu tiên đến trường. Nếu bạn chưa biết sắp xếp ý như thế nào thì dàn ý dưới đây sẽ chỉ dẫn cho bạn con đường đi đúng hướng, tránh lan man trong bài viết văn. Bắt đầu ngay nhé.

Kể lại những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học

Nhiều người nói viết văn cần có khiếu và cảm xúc thăng hoa. Nhưng với mình, văn học không chỉ là cảm xúc, văn học còn là sự logic, tinh tế và làm rung cảm. Không ai lại hứng thú với hàng tá những cảm xúc, câu chuyện không có kết nối nào với nhau. Vậy nên tạo được mạch cho bài văn là quan trọng.

Nhưng, một vấn đề mà người viết thường gặp phải khi đặt bút xuống là họ thả mình cho câu chữ “rơi” xuống rất nhiều mà quên đi rằng những câu chữ ấy thiếu tính liên kết và cuối cùng là đi lạc vấn đề, vòng vèo qua ngả này ngả kia mới đi đến kết luận.

Dàn ý là giải pháp khắc phục cho những vấn đề nói trên. Dàn ý giúp người viết vạch ra những luận điểm chính, sắp xếp luận điểm theo thứ tự, cái nào xuất hiện đầu tiên, cái nào xuất hiện cuối cùng. Rồi luận điểm nào là chủ chốt để tập trung nhấn mạnh, làm nổi bật nó lên. Từ những luận điểm đó người ta xẻ nhỏ, phát triển thành nhiều ý hơn. Giống như một cánh hoa bung nở thì luận điểm chính là nhụy hoa, còn những cánh hoa chính là những luận điểm con, ý đi theo sau, bám sát vấn đề về luận điểm chính.

Như vậy, từ những luận điểm được xây dựng, giúp cho người viết có cái nhìn tổng quát, hình thành một sơ đồ hiện hữu trên mặt giấy và trong tâm trí. Cuối cùng, bạn không giỏi văn theo khiếu, bẩm sinh thì bạn giỏi văn bằng cách học hỏi, luyện tập các xây dựng ý và phát triển ý tưởng.  

Một bài văn tuân thủ cấu trúc mở bài, thân bài và kết bài. Dàn ý tổng quát của bài viết kể lại những kỉ niệm ngày đầu tiên đến trường thông dụng nhất với cấu trúc sau đây. 

– Mở bài

– Thân bài

+ Trước ngày khai giảng

+ Trên đường đến trường

+ Vào sân trường

+ Vào lớp học

– Kết bài 

Phát triển dàn ý theo kiểu này bạn có để ý là chúng hình thành theo thứ tự thời gian từ lúc chưa đến trường đến lúc vào lớp học. Phát triển ý câu chuyện theo trình tự thời gian cũng là cách người ta hay sử dụng với thể loại văn kể để cho câu chuyện theo một mạch cụ thể. Với thể loại văn kể này, quan trọng nữa là cảm xúc, tình cảm của người viết được lồng ghép vào, vì là kỉ niệm nên cảm xúc về hồi ức của người viết khá quan trọng để đánh giá bài viết thành công hay không.

– Giới thiệu vấn đề, hồi ức lại ngày đầu tiên đi học.

– Trước ngày đi học, tôi được mẹ mua quần áo mới, tập sách mới. Lòng nôn nao không ngủ được.

– Trằn trọc, rồi lại ngồi dậy mân mê chiếc cặp mới và những quyển tập còn thơm mùi giấy

– Chỉnh tề trong bộ đồng phục áo trắng quần xanh, đội nón lúp xúp đi bên cạnh mẹ.

– Bầu trời buổi sớm mai trong xanh, cao vòi vọi, vài tia nắng xuyên qua cành cây, tán lá. Vài chú chim chuyền cành hót líu lo.

– Xe cộ đông đúc, bóp còi inh ỏi.

– Hàng quán hai bên đường đã dọn ra, buôn bán nhộn nhịp.

– Có nhiều anh chị học sinh với khăn quàng đỏ trên vai, tươi cười đi đến trường.

– Hôm ấy là ngày tổng khai giảng năm học mới nên phụ huynh đưa con đến trường thật đông.

– Tôi trông thấy vài anh chị trong xóm, các bạn học mẫu giáo chung cũng được ba mẹ đưa đến trường.

– Cảnh vật quen thuộc mọi ngày sao hôm nay thấy khác lạ.

– Lòng tôi hồi hộp pha lẫn cảm giác e ngại rụt rè khi gần đến cổng trường tiểu học.

Ngày đầu tiên đi học vui vẻ hay khóc nhè nhỉ các bạn?

– Ngôi trường bề thế, khang trang hơn trường mẫu giáo nhiều.

– Trước cổng trường được treo một tấm băng rôn màu đỏ có dòng chữ mà tôi lẩm nhẩm đánh vần được: “Chào mừng năm học mới”.

– Sân trường thật nhộn nhịp với cờ hoa, học sinh, phụ huynh, giáo viên,…trông ai cũng tươi vui rạng rỡ, áo quần tươm tất.

– Các anh chị lớp lớn vui mừng tíu tít trò chuyện với nhau sau ba tháng hè mới gặp lại.

– Các bạn rụt rè, khóc lóc.

– Một hồi trống vang lên, theo hướng dẫn của một thầy giáo các anh chị nhanh chóng xếp hàng vào lớp. Chỉ có lũ học trò lớp một bọn tôi là bối rối không biết phải làm gì.

– Chúng tôi được các cô giáo chủ nhiệm đọc tên điểm danh,tâm trạng hồi hộp khó tả.

– Thầy hiệu trưởng bước lên bục đọc lời khai giảng năm học mới.

– Sau đó giáo viên chủ nhiệm dẫn chúng tôi vào lớp. Tôi ngoái lại tìm mẹ, chân ngập ngừng không muốn bước. Mẹ phải dỗ dành an ủi.

– Ngồi vào chỗ, đón nhận giờ học đầu tiên. [Ấn tượng sâu đậm về tâm trạng vừa bỡ ngỡ vừa sợ sệt, hồi hộp, gần gũi và tự tin…].

– Mùi vôi mới, bàn ghế sạch sẽ…

– Quan sát khung cảnh lớp học: Các bạn ai cũng ngồi ngay ngắn, háo hức đón giờ học đầu tiên.

– [Cảm xúc của người viết] Nhớ mãi kỉ niệm trong sáng êm đềm của tuổi thơ.

– Có thể dẫn dắt bằng một đôi câu thơ hay bài hát “Ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt tay đến trường, …”

– Ngày đầu tiên đi học luôn là ngày để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng chúng ta.

– Cảm xúc, tâm trạng của tôi trong đêm trước khi ngày mai đi học

+ Hồi hộp, háo hức đến lạ.

+ Chuẩn bị đầy đủ quần áo, cặp sách, … sần sàng cho ngày mai đi học.

+ Lo lắng, trằn trọc, khó ngủ.

+ Đã đi ngủ sớm nhưng vẫn không chợp mắt được vì mải lo nghĩ đến ngày mai sẽ ra sao?

– Ngày đầu tiên đến trường. Trên đường đến trường

+ Sau khi mặc đồng phục, cả nhà chụp một tấm hình làm kỷ niệm “Ngày đầu tiên tôi đi học”.

+ Mẹ dắt tay tôi đi học với tất cả sự háo hức, tràn đầy niềm vui.

+ Con đường quen thuộc sao mà hôm nay bỗng nhiên thấy cái gì cũng lạ lẫm. Con đường, hàng cây, tiếng chim hót, đường phố xe cộ đông đúc qua lại… tất cả đều lạ lẫm

+ Nhìn xung quanh, tôi nhận thấy cùng cỏ nhiều bạn giống mình, cũng lần đầu tiên đến trường với biết bao điều thú vị.

– Khi tới trường

+ Đứng trước cổng trường: cổng trường to lớn, hàng cây thật đẹp, bảng tên trường rất to và nghe sao thật hay… tôi như bị choáng ngợp.

+ Mẹ dắt tôi vào trường, còn tôi trong lòng xiết bao hồi hộp, lo lắng.

+ Bước vào sân trường: sàn trường thật rộng lớn, từng dãy phòng học khang trang, đẹp đẽ khiển tôi thật thích thú.

+ Xếp hàng: mẹ buông tay tỏi và bao tôi vào xếp hàng với các bạn theo sự điều động của nhà trường.

+ Cảm xúc của tôi lúc này mắt rơm rớm nước mắt vì lo sự mẹ sẽ bỏ mình, bấu

víu lấy áo mẹ không rời… 

+ Mẹ tôi dịu dàng khuyên tôi phải mạnh dạn hơn.

– Trong giờ học

+ Cô chủ nhiệm dắt cả lớp lên phòng học. Tôi vẫn cố ngoái nhìn xem mẹ có còn đứng trong sân trường không? Tôi không thấy, lòng lại càng hồi hộp hơn nhưng tự nhủ sẽ mạnh mẽ hơn.

+ Bước lên phòng học, tôi và các bạn rất ngạc nhiên vì phòng học quá đẹp.

+ Phòng học đẹp là vì: sơn phết màu sắc rất đẹp đẽ, từng cái bàn cái ghế được xếp gọn gàng, ngăn nắp. Trên các bức tường được trang trí hình ảnh dễ thương bắt mắt.

+ Chúng tôi bước vào bài học đầu tiên trong cuộc đời mình.

+ Cô giảng bài thật hay. Lời giảng du dương, trong treo, ngọt ngào đưa chúng tôi đến với sự thú vị của từng bài học.

+ Sau tiết học, tôi cảm thấy thật thích thú và hạnh phúc khi được đi học. Được cô giáo yêu thương, được làm quen bạn bè mới. Ôi thích thú làm sao!

– Giờ ra về

+ Vừa bước chân xuống cầu thang, tôi đã nhìn thấy mẹ mình.

+ Tôi vui mừng chạy đến, hôn lên má mẹ.

+ Mẹ hỏi tôi nhiều điều về lớp học, về cô giáo, về bài học ngày hôm nay. Tôi kể mẹ nghe mọi việc.

+ Thấy tôi vui khi đi học về, mẹ cũng thấy hạnh phúc.

– Kỉ niệm ngày đầu tiên đi học của tôi là thế đó.

– Biết bao cảm xúc xen lẫn vào nhau khiến tôi nhớ mãi.

– Giới thiệu về kỉ niệm ngày đầu tiên đi học: Trong quãng đời của mỗi con người, có lẽ khoảng thời gian khiến ta đáng nhớ nhất đó là ngày đầu tiên đi học – ngày ta chập chững bước những bước đi đầu tiên của cuộc đời. Tôi cũng vậy, những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học luôn hằn sâu trong tâm trí, không thể nào quên được.

  1. Thân bài
  2. Những kỉ niệm về cảnh vật

– Khung cảnh trong buổi sáng đầu tiên đi học:

+ Cây cối, hoa cỏ vẫn còn vương những hạt sương long lanh, rung rinh như đang chào đón chúng tôi tới trường.

+ Chim chóc hót líu lo trong các tán cây, khu vườn tạo thành một giai điệu vui tươi, kích thích sự háo hức, hồi hộp trong lòng mỗi cậu học sinh.

+ Con đường làng sạch sẽ, tấp nập người đi lại trong buổi tựu trường.

+ Bầu trời trong xanh, gió thổi nhè nhẹ, khoan khoái.

+ Kỉ niệm đặc biệt: đám mây trắng muốt có hình gần giống như quyển vở đang mở ra nổi bật trên nền trời xanh thẳm.

  1. Những kỉ niệm của bản thân

– Được mẹ mua cho một bộ quần áo mới tinh, chiếc cặp nhỏ, sách giáo khoa, vở ô li, bút, thước…

– Trên con đường đến trường, tôi thích thú ngắm nhìn cảnh vật, đôi chân bước nhanh theo tiếng chim kêu khiến mẹ phải rảo bước theo cùng.

– Nhưng khi đến gần cổng trường, đôi chân như khựng lại vài nhịp, bước chậm hơn và dần nép sau lưng mẹ. Bao nhiêu vui tươi, hứng khởi như kìm lại cho nỗi e sợ, ngại ngùng khi đứng trước cổng trường cao, to và đẹp.

– Lúc này bàn tay mẹ nắm lấy đôi tay nhỏ bé của tôi, hơi ấm từ tay mẹ như thấm đến cả vào trái tim non nớt trong tôi, tiếp thêm dũng khí cho tôi bước chân vào cánh cổng trường tiểu học.

– Quang cảnh sân trường:

+ Sân trường to và rộng, trường có 2 tòa nhà 3 tầng khang trang, sạch sẽ.

+ Lối đi từ cổng vào đến sân chính được trồng 2 hàng hoa 2 bên, sau hàng hoa là khu vườn trường.

+ Sân trường đông đúc, nhộn nhịp, nhìn ai ai cũng lạ, cũng mới, các anh chị lớp trên cười đùa vui vẻ, chúng tôi thì ai nấy đều bấu chân bố, mẹ không rời.

– Trong màn nghi lễ và diễn văn khai giảng, tôi chú tâm nhất vào bức thư chủ tịch nước gửi cho các cháu học sinh nhân ngày khai giảng. Từng lời như thấm thía vào trái tim, tạo ra niềm hy vọng lớn vào một tương lai của chính mình.

– Khái quát cảm nghĩ về ngày đầu tiên đi học: Dù đã rất nhiều năm trôi qua nhưng mỗi khi nhớ lại ngày đầu tiên đi học, tôi vẫn thấy trong mình một cảm giác xôn xao đến lạ thường!

Xem thêm cách lập dàn ý bài văn kể lại những kỉ niệm ngày đầu tiên đến trường: 

“Ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt em đến trường….”

Cứ mỗi khi thấy gió thu hanh hao thổi trên những tán cây xào xạc, nắng vàng óng trải như tơ qua kẽ lá, chiếu xuống khoảng sân trước nhà – tôi lại tự nhủ: “Mùa đi học rồi đấy!”. Năm nay tôi đã là học sinh lớp tám rồi. Đã tám lần được dự lễ khai giảng nhưng có lẽ để lại nhiều ấn tượng trong tôi nhất vẫn là ngày khai trường đầu tiên vào lớp một.

Tôi cũng như mọi người khác, cũng có một ngày đầu tiên đi học. Và những kỉ niệm ngày ấy đã luôn theo tôi cho đến tận bây giờ. Các bạn có biết không? Những hình ảnh thân thương, trìu mến, những tấm lòng yêu con, lo lắng chăm sóc cho con của những người mẹ trong ngày đầu tiên đi học, đối với tôi, là những gì thiêng liêng nhất, tuyệt vời nhất.

Tôi vẫn còn nhớ, suốt mấy ngày liền, tôi sống trong tâm trạng nôn nao và háo hức. Bài hát quen thuộc mọi khi tôi vẫn hát sao hôm nay nghe xúc động: “Tạm biệt búp bê thân yêu, tạm biệt gấu Misa nhé, tạm biệt thỏ trắng xinh xinh, mai ta vào lớp một rồi. Nhớ lắm, thương nhiều, trường Mầm Non thân yêu!”.

Dường như có một điều gì đó lạ lẫm đang xảy ra trong căn nhà nhỏ bé của gia đình tôi. Ông bà, cha mẹ chuẩn bị đầy đủ những thứ cần thiết cho tôi như chiếc cặp xinh xắn có in hình chú Mickey; bộ sách giáo khoa, những cuốn vở long lanh, đẹp đẽ. Rồi hộp bút, hộp màu, chiếc bảng nhỏ, phấn viết, bút chì, bút mực,… đủ cả. Tôi thích thú giở từng thứ, nhìn mãi không chán.

Đêm trước ngày khai trường, cả nhà tôi thức rất khuya để chuyện trò. Nhân vật chính trong câu chuyện là tôi. Mẹ mặc thử cho tôi bộ đồng phục của học sinh Tiểu học. Chiếc áo trắng cổ lá sen, tay bồng, rất hợp với chiếc váy màu xanh da trời và đôi xăng đan trắng. Nhận ra bóng mình trong gương, tôi bật cười khanh khách sung sướng. Bà ngoại khen: “Cháu gái bà trông chững chạc ghê! Ngày mai cháu đã trở thành học sinh lớp một rồi! Cố gắng chăm ngoan và học giỏi nhé!”. Tôi vừa gật gật cái đầu, vừa nói: “Dạ, vâng ạ!”. Sau đó, mọi người đều ôn lại những kỉ niệm khó quên thời đi học của mình. Và có lẽ đêm hôm ấy quả thực là một đêm khó ngủ với tôi. Tôi trằn trọc mãi mà không ngủ được. Tôi cứ luôn nghĩ đến buổi khai giảng ngày mai sẽ thế nào, vừa lo lắng vừa hồi hộp, trong lòng tôi rộn lên cảm xúc khó tả. Nhưng khi mẹ bước vào phòng, khi nghe mẹ kể một câu chuyện về tình thầy trò, tình cảm bạn bè nơi trường lớp, tôi tự nhiên thiếp đi lúc nào không biết.

Sáng hôm sau, tôi dậy sớm lắm! Mặc dù trường tôi khai giảng buổi chiều nhưng dường như có điều gì đó đã thúc giục tôi hãy dậy thật sớm để còn chuẩn bị cho ngày đầu tiên được bước vào cánh cổng tri thức. Đầu giờ chiều, trên con đường quen thuộc, mẹ đưa tôi đến trường. Con đường này hằng ngày tôi vẫn đi nhưng sao hôm nay lạ quá! Mọi thứ bỗng trở nên vô cùng đẹp đẽ, tươi sáng đến một cách lạ thường. Bầu trời trong xanh cao vời vợi, hàng cây xanh mát, chim chóc hót líu lo. Và đây, ngôi trường Tiểu học Nguyễn Du của tôi đây rồi. Cánh cổng trường rộng mở như đang dang tay đón chúng tôi vào trường. Tôi cảm thấy ấm áp vô cùng! Cảm giác như đây là một gia đình, một gia đình rộng lớn với biết bao bạn bè như anh em, thầy cô như cha mẹ nuôi dưỡng chúng tôi vào đời. Trước cánh cổng trường là tấm băng rôn đỏ nổi bật dòng chữ vàng tươi: “Chúc mừng năm học mới”. Niềm vui tràn ngập nơi nơi, từ bầu trời trong xanh, quang đãng, từ màu nắng tinh khôi, từ tiếng chim hót trong những vòm lá, từ những gương mặt ngời ngời hạnh phúc và tin tưởng.

Trong sân trường, người đông dần. Các bạn đều đứng rụt rè bên người thân, tôi cũng vậy. Tôi đứng dựa lưng vào gốc cây phượng vĩ trong sân trường, đưa mắt nhìn lên những chú chim nho nhỏ đang ríu rít bên những chùm hoa đỏ rực. Tôi thấy trên khoảng trời xanh mênh mông, có những đám mây nhỏ trôi chầm chậm, rồi tan biến mất. Tôi chợt nghĩ: “Không hiểu mình có như những đám mây ấy không nhỉ?”. Một ý nghĩ vẩn vơ không có nghĩa lý gì, không có câu trả lời. Nghĩ lại, tôi bật cười. Nhìn ngôi trường rộng lớn làm sao, tôi cảm thấy mình sao bé nhỏ quá!

Bất chợt, một hồi trống vang lên giục giã. Giờ khai giảng sắp bắt đầu. Các bậc phụ huynh đang chuẩn bị ra về. Đây đó có tiếng khóc thút thít, tiếng gọi “Mẹ ơi!”. Tôi cũng rơm rớm nước mắt. Nhưng có lẽ tôi phải mạnh mẽ hơn vì tôi là một lớp trưởng cơ mà! Tôi nghĩ vậy và không còn theo mẹ nữa, tôi nói nhỏ với mẹ rằng mẹ cứ về và hãy yên tâm, tôi không lo sợ gì đâu! Sau đó, cô giáo cho chúng tôi xếp hàng và ra khỏi trường để diễu hành. Tôi cầm biển lớp trong tay mà thấy vui sướng quá, hãnh diện quá! Lần đầu tiên trong đời, tôi có nhiệm vụ cao quý này!

Buổi khai giảng mới long trọng làm sao! Tiếng trống trường giòn giã, thôi thúc, náo nức lòng người. Lá cờ Tổ quốc bay phần phật trước gió. Đội diễu hành đi đều tăm tắp và ngay ngắn. Học sinh từng khối đứng ngay ngắn, nghiêm chỉnh hướng về lá Quốc kỳ. Tiếng Quốc ca trầm hùng trong tiếng trống vang lên trên sân trường rực nắng.

Mở đầu buổi lễ, cô hiệu trưởng đọc lời khai giảng và dặn dò, khuyên nhủ chúng tôi bao điều. Cô chúc chúng tôi học tốt, lễ phép và mang về thật nhiều thành tích. Những tràng vỗ tay vang lên không ngớt.

Buổi lễ kết thúc, chúng tôi theo cô Vũ Oanh vào lớp. Cô Oanh rất tận tình, chúc chúng tôi học giỏi và tổ chức liên hoan cho cả lớp. Tôi đã làm quen với các bạn. Mỗi bạn một tính nết, một sở thích. Và một điều tuyệt vời là tất cả chúng tôi đều đoàn kết ngay buổi đầu tiên.

Tan học, mẹ đợi sẵn ở cổng trường. Tôi chạy ra và kể cho mẹ chuyện ở trường, ở lớp. Tôi thích lắm! Và từ đó, càng ngày tôi càng muốn đến lớp học! Cũng như bao bà mẹ khác, mẹ tôi cũng nói rằng: “Mẹ cũng yêu trường học. Bởi vì đó là cái nôi của tri thức, bởi vì phía sau cánh cửa cổng trường là những điều hay, là những niềm vui, là những thử thách dành cho con, là những trải nghiệm cuộc sống để con có kinh nghiệm bước vào đời!”. Tôi luôn ghi nhớ câu nói này của mẹ. Và buổi khai trường đầu tiên ấy đã để lại trong tôi bao kỉ niệm khó quên.

Ai mà chẳng có những ngày ấu thơ nhỉ? Những ngày ấy, dù hạnh phúc, dù cực khổ, dù đắng cay, nhưng đó cũng chính là những kỉ niệm không bao giờ quên được. Sau này khi bạn nhớ lại, nhìn lại nó, sẽ cảm thấy “sao ngày ấy mình hồn nhiên quá”, hồn nhiên ở cái tuổi chưa hiểu đời. Và đó cũng là những niềm vui nho nhỏ an ủi bạn trong cuộc sống hiện giờ.

Nguyễn Quỳnh Hoa

[Trường THCS Thăng Long]

Ai là người chở bạn vào ngày đầu đến trường?

Có những điều vô tình trôi đi không một chút đắn đó nhưng có những điều neo giữ mãi trong ký ức cho đến tận mai sau. Đối với một học sinh lớp 8 như em, không có quá nhiều thứ để nhớ nhưng kỉ niệm ngày đầu tiên đi học cách đây 8 năm luôn là dòng hoài niệm mãi luôn vẹn nguyên mỗi khi nghĩ về. Đó là ngày em bước vào lớp Một, mùa thu đổ vàng cả con đường tới trường…

Năm nào cũng vậy, mỗi lần lật giở từng trang sách có dòng văn lãng đãng: “Hằng năm cứ vào cuối thu, khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc…” lòng em lại rạo rực và bâng khuâng đến lạ.

Đã 8 mùa tựu trường trôi qua, 8 năm lớn lên từng ngày trên ghế nhà trường nhưng có lẽ kỉ niệm đầu tiên, mùa tựu trường đầu tiên luôn khiến em nhớ mãi không quên.

Năm ấy, đứa bé 6 tuổi sắp bước vào lớp Một, lớp mà mẹ bảo rằng rất quan trọng, vì nó đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời về sau, là điểm xuất phát cho một chặng đường rất dài nữa. Ngày đó, em ngây ngô trước những lời mẹ nói, cho đến bây giờ mới nhận ra hết ý nghĩa lời mẹ.

Cũng như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác, trước ngày khai giảng em ôm khư khư chiếc cặp mới tinh, háo hức trước quần áo mới mẹ mua và ngắm chúng thật lâu.

Sáng hôm ấy, sáng mùa thu nắng nhè nhẹ đậu lại trên vạt áo, gió lao xao vườn mái tóc bay. Con đường dẫn tới trường hôm ấy vừa lạ vừa quen, vừa có gì háo hức vừa có gì hồi hộp, bâng khuâng. Mẹ bảo rằng đây là ngày vô cùng quan trọng nên cần ăn mặc gọn gàng, sạch đẹp.

Mẹ đèo em đến trường trên chiếc xe đạp màu xanh dương đã xỉn màu của ông nội để lại, mọi lần ngồi sau em thấy đau nhưng không hiểu sao hôm ấy lại êm ái đến thế. Ngồi sau lưng mẹ, em thấy mình như chú chim nhỏ bẽn lẽn đang muốn tập bay nhưng sợ độ cao.

Khi tới ngôi trường ấy, không hẳn là lần đầu tiên em đến đó nhưng là lần đầu tiên em bước vào với danh hiệu là một học sinh của trường. Mẹ nắm tay em dắt vào trường, còn em cứ im lặng theo dõi mọi thứ trên sân trường này.

Ngày khai giảng bạn nào cũng ăn mặc thật đẹp, áo trắng quần xanh, khăn quàng đỏ mới tinh và tiếng cười rất giòn. Em chốc chốc nhìn vào các bạn, thấy nhiều bạn cũng khép nép bên cạnh mẹ như mình, có lẽ các bạn cũng mới bước vào lớp Một.

Mẹ dẫn em đến xếp hàng ở lớp 1A và bảo sẽ đợi ở ngoài cổng trường. Lúc ấy em không muốn rời tay mẹ, em sợ lạc lõng giữa sân trường này, không có ai quen biết bên cạnh. Mẹ vỗ vai: “Cố gắng lên con nhé”. Mắt rưng rưng nhìn bóng dáng của mẹ khuất xa sau cánh cổng kia.

Bỗng tiếng trống trường vang lên, cả sân trường im lặng, chỉ còn tiếng chim hót trên cao và tiếng gió lao xao. Ngước lên nhìn trời xanh, thấy cờ đỏ sao vàng bay phấp phới giữa mùa thu nắng vàng. Cô hiệu trưởng cất lời, cả trường chăm chú nghe cô theo dõi.

Có lẽ kỉ niệm đáng nhớ nhất với em trong ngày đầu tiên đến trường chính là cô chủ nhiệm. Thấy em ngồi co ro ở cuối hàng, cô nhẹ nhàng tiến đến và hỏi tên em. Cô thật hiền, thật dịu dàng và ấm áp. Nụ cười của cô giữa trời thu năm ấy nghiễm nhiên thành một kỉ niệm khó quên trong suốt quãng đời học sinh của em sau này.

Mùa thu năm ấy, em đã vào lớp Một. Những cảm xúc thật khó tả, thật khó cất thành lời từ một đứa bé lớp Một. Mỗi lần nghĩ lại khoảnh khắc ấy, lòng em lại chộn rộn bao nhớ thương và muốn đi tìm lại. Đó sẽ mãi mãi là một ngày đáng nhớ và đáng trân trọng đối với em trong suốt cuộc đời.

[Sưu tầm]

Ngày đầu tiên đến trường của mình,  có bố, mẹ và chiếc xe cup bon bon trên đường.

Nhân lúc soạn lại tủ sách cũ để sắp xếp góc học tập cho niên học mới khi bước vào lớp 8, em làm rơi ra một tấm ảnh kỉ niệm năm lớp một, chụp cùng bè bạn ngày lãnh thưởng cuối năm. Nhìn gương mặt ngây thơ của em và các bạn trong ngày ấy… bao kỷ niệm ngày đầu tiên nhập học trường tiểu học lại trở về trong trí óc em, rõ ràng như một cuốn phim.

Đó là một buổi sáng đầu tháng 9. Sau một đêm mưa, trời Sài Gòn nắng ấm dìu dịu. Mẹ gọi em dậy sớm, mặc vào cho em một chiếc áo trắng tinh cổ lá sen và chiếc váy màu xanh nước biển mà mẹ đã ủi kĩ đêm qua. Mẹ bảo em quay đi quay lại mấy vòng., em lúng túng làm theo lời mẹ với nỗi hồi hộp. Rồi mẹ ôm em vào lòng và bảo: – Con gái mẹ giờ đã lớn rồi, năm nay con không mặc áo đầm bông đi nhà trẻ nữa, con đến trường này học lớp một. Cô giáo sẽ thay mẹ dạy con những điều mới, điều hay con phải ngoan ngoãn nhé! Đi đường, em lo lắng tự nhủ: Không biết cô giáo có khó lắm không nhỉ? Sao mà cuốn sách “Tiếng Việt” mẹ mua nhiều chữ đến thế? Mình có học hết và nhớ hết không nhỉ? Còn cuốn sách Toán và bao nhiêu cuốn sách nữa, sao mà nó dày cộm, không như các cuốn sách tô màu của nhà trẻ!… Hai bên đường, người và xe chạy ngược xuôi, nườm nượp, em ngồi sau xe của mẹ, nghe loáng thoáng tiếng mẹ dặn dò: – Con vào trường, phải lễ phép chào các thầy, các cô con nhé, tìm xem lớp một C ở đâu, thì đứng vào xếp hàng, nếu bạn nào chen lấn thì con cứ tạm nhường nhịn bạn; nếu bạn nào bắt nạt con, phải nói khéo, nếu bạn vô lý cố tình gây chuyện thì con phải mách cô giáo, đừng gây gổ với các bạn con nhé!…

Đã đến cửa trường, nghe mẹ dặn thế, tôi càng ngại ngần bước vào sân mặt tôi ngẩn ra… nhìn mẹ lo âu như chực khóc! Mẹ tôi cười xòa, ôm tôi mà nói: – Mẹ lo xa mà dặn con thế thôi, chứ trường này, các bạn con cũng có cha mẹ, dặn dò, dạy dỗ các bạn như ba mẹ đã dạy dỗ, dặn dò con vậy mà! Này nhé: Hôm nọ xem danh sách lớp con, thấy có tên của bạn Bình Minh và bạn Anh Dũng, cùng là bạn của lớp mẫu giáo cũ, con có nhớ không? Nghe đến đó, tôi mới hết rưng rưng nước mắt, mỉm cười và gật đầu, tạm biệt mẹ. Cầm chiếc cặp nặng nề và to kềnh càng ấy, tôi lúng túng bước vào sân trường, cổng trường đầy đăc học sinh tôi ngước nhìn bốn bên xem lớp 1C của tôi ở đâu, nhưng tôi chỉ thấy loáng thoáng các anh, các chị lớp bốn, lớp năm đang chạy quanh tôi, chơi trò rượt bắt một cách vui vẻ. Những anh chị ấy làm tôi không tìm đường đến lớp mình, nhưng sau lại cho tôi cảm giác yên tâm: Ngôi trường này là một nơi vui vẻ, có lẽ ít ngày sau, tôi sẽ cùng bạn Bình Minh, Anh Dũng và các bạn mới chơi đùa nơi đây! Nghĩ vậy, tôi mỉm cười và có thêm kiên nhẫn, tìm ra lớp mình?

Vừa rảo bước trên sân tìm lớp, trong trí tôi vừa lúc vừa nhớ lại giọng đọc một bài văn hay của mẹ tôi đêm qua: “Con ơi! Hiện thời, không một đứa trẻ nào mà không đi học. Con hãy nghĩ đến những lúc người thợ làm lụng cặm cụi cả ngày, tối đến còn phải cắp sách đi học, những cô thiếu nữ suốt tuần bị giam giữ trong xưởng, chủ nhật đến, cũng rủ nhau đi học, những binh lính hết giờ luyện tập cũng đem sách vở ra học, viết. Cho đến những đứa trẻ mù, trẻ cảm, chúng cũng đều đi học cả.

Mỗi buổi sáng, lúc con ra đường, con hay nghĩ cũng vào giờ này, trong thành phố ta có thể có đến ba vạn đứa trẻ cũng như con, đi “chầu” lớp học trong ba tiếng đồng hồ để được mở mang trí tuệ. Con hãy tưởng tượng cũng vào giờ này, có những đứa trẻ lếch thếch trên những con hẻm nhà quê, rảo bước trong các thành phố phường huyên náo, dưới bầu trời oi ả hay trong cơn mưa tuyết lạnh lùng, chúng đi thuyền ở xứ chằng chịt sông ngòi, chúng phải cưỡi ngựa trên những cánh đồng không mông quạnh hay ngồi xe trượt trên những bãi bằng giá lạnh, chúng xuống lũng, lên đồi, chúng xuyên rừng, lội suối, chúng vượt qua những ngọn đồi hẻo lánh hoang vu. Ăn mặc hàng nhìn lối khác nhau, nói bằng trăm thứ tiếng khác nhau. Từ ngôi trường lấp lánh trong tuyết xứ Canada đến nóc trường hẻo lánh lẫn trong khóm hồi xứ Ả Rập, có tới hàng triệu triệu đứa trẻ cùng học một điều giống nhau bằng các thể thức khác nhau. Trong cái “tổ kiến học sinh” ấy, con được hân hạnh dự phần. Cố lên, tên lính nhỏ trong đạo quân lớn lao kia! Cố lên con ơi, lấy sách vở làm khí giới, lấy lớp học làm quân đội, lấy thế giới làm bãi chiến trường, coi sự ngu dốt là thù địch và lấy sự văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn, con phải phấn đấu luôn luôn và chớ hề làm tên lính hèn nhát!” Khi tôi đứng xếp hàng vào lớp 1C một lúc sau thì cô giáo mới của chúng tôi xuất hiện. Đó là cô Nhung, một cô giáo có dáng vẻ tận tụy và gầy gò. Cô hướng dẫn chúng tôi xếp hàng rồi dắt chúng tôi lên lớp. Buổi học ấy, cô giáo xếp chỗ ngồi, chia tổ cho chúng tôi. Điều vui nhất là tôi và bạn Bình Minh lại được xếp vào cũng một tổ. Cô còn dặn chúng tôi phải mua bao nhiêu quyển vở, bao bìa dán nhãn ra sao. Những quy định về kỷ luật, cách giơ tay phát biểu và những trường hợp sẽ được cô khen thưởng. Tôi càng ngày càng thấy có nhiều điều mới và hay… Reng… Reng… giờ ra chơi ấy, tôi đã cùng bạn Bình Minh và một bạn mới chạy chơi rượt bắt , nhưng rủi sao, khi gần bắt được bạn Minh thì tôi trượt chân ngã, máu rớm ra ở đầu gối. Các chị lớp lớn chỉ cho chúng tôi “phòng y tế”. Hai bạn cùng dìu tôi về phòng y tế. Nhìn vẻ mặt lo lắng của các bạn cũ và mới, tôi cảm động quá, nhìn các bạn mỉm cười: “Không sao, không có đau đâu mà, hay mình chơi tiếp nhé?”. Nhưng bạn Minh nói: “Thì bạn cứ vô nhờ cô y tá băng lại đi, rồi mình chơi tiếp được mà!”

Những giọt “An côn” làm tôi đau rát quá, xuýt xoa, nhăn nhó. Nhưng sau khi cô y tá lau chùi và băng bó xong, tôi lại hết đau ngay. Chúng tôi lại tiếp tục vui đùa trên những dãy hành lang lớp một. Vậy mà khi vào học tiếp hai tiết nữa, tôi thấy bụng đói và nhớ mẹ lạ lùng, tôi cố quên hình ảnh mẹ để nghe cô giảng cho đến khi trống trường báo hiệu tan học. Bỗng một giọng nói đột ngột vang lên: “Con ơi, ngồi làm gì ở đó mà lâu thế? Con dọn dẹp, sắp xếp xong chưa? Đi ăn cơm nào!” Tôi giật mình nhìn lại, thì ra mẹ đã kéo tôi về thực tại: năm học lớp tám đang chờ đón tôi. Tạm biệt mùa hè!

[Sưu tầm]

Bạn thấy đó, một bài viết văn có bố cục, những ý trong bài văn được phân chia theo trật tự thời gian hay theo tâm mắt của người viết. Từ ngoài vào trong, từ xa đến gần. Từ miêu tả cảnh vật xung quanh rồi đến cảm xúc của người viết. Tất cả mọi thứ hòa quyện với nhau tạo thành một bài văn kể lại những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học giàu tình cảm, nhung nhớ.

Các bạn hoàn toàn có thể dựa trên những dàn ý và bài văn mẫu trên đây để tham khảo và hình thành cho mình một bài viết riêng về câu chuyện ngày đầu tiên đến trường của bạn nhé.

Video liên quan

Chủ Đề