Lợi ích của việc dạy học tích hợp

Từ VLOS

Chủ đề liên môn được hiểu là các nội dung dạy học gần giống nhau hoặc có liên quan chặt chẽ với nhau trong các môn học của chương trình hiện hành. Đó còn là nội dung giáo dục liên quan đến các vấn đề thời sự của địa phương, đất nước…

Khi đó các chủ đề liên môn này được bổ sung vào kế hoạch dạy học và hoạt động giáo dục của nhà trường. Có như vậy mới hướng đến được mục đích xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên. Ngoài lý do các vấn đề của cuộc sống ngày nay không thể chỉ giải quyết bằng tri thức của một ngành học còn có yêu cầu của đổi mới kiểm tra, đánh giá đòi hỏi học sinh phải biết vận dụng kiến thức nhiều lĩnh vực. Dạy học tích hợp - liên môn ở một mục đích khác còn giúp giáo viên và học sinh khắc phục được các bất cập trong nội dung chương trình và phương pháp dạy học thời gian qua.

Theo định hướng chung, tích hợp cao được thực hiện ở các lớp dưới và phân hóa dần ở các lớp trên. Tích hợp trong bài dạy đối với các môn gần có liên đới nhất và tích hợp theo chủ đề đối với các môn khác ít liên quan hơn. Tích hợp trong một môn học là tích hợp nội dung có liên quan của các phân môn, có thể lồng ghép các chủ đề như môi trường, năng lượng, biển đảo… vào hẳn nội dung luôn. Tích hợp dạng này phù hợp với tiểu học và THCS.

Trong tích hợp nhiều lĩnh vực thành một môn học có tích hợp kiến thức các môn lý - hóa - sinh thành khoa học tự nhiên; tích hợp kiến thức sử - địa thành môn khoa học xã hội [tích hợp cao] giữa môn riêng và lồng ghép kiến thức các môn khác; thiết kế chủ đề dạy học liên môn [tích hợp thấp]. Tùy theo từng cấp để lồng ghép các vấn đề như: môi trường, khí hậu, dân số [tiểu học], kỹ năng sống, môi trường, dân số [THCS]…

Xây dựng kế hoạch dạy học tích hợp - liên môn cần theo mẫu chia ra các cột như: Tên bài, địa chỉ [tích hợp vào nội dung nào của bài], nội dung tích hợp [những kiến thức, kỹ năng, chủ đề có thể tích hợp, lồng ghép], mức độ tích hợp… Bảng mô tả quan hệ của nội dung chủ đề với các môn học có các cột: Nội dung chủ đề, môn 1, 2, 3, 4 [lớp nào, nội dung tích hợp gì].

Thực tế cho thấy giảng dạy tích hợp - liên môn đem lại lợi ích là kích thích giáo viên tư duy và không ngừng trau dồi kiến thức ở nhiều lĩnh vực, bộ môn khác nhau để có một phông kiến thức sâu, rộng đủ để đáp ứng với những đòi hỏi ngày càng cao của dạy học hiện nay. Bên cạnh đó học sinh hứng thú với những tiết học hơn, dễ hiểu và hiểu sâu nội dung bài học. Đặc biệt các em sẽ có những chuyển biến rõ rệt trong khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn.

Chúng ta cần tích cực dạy học theo hướng tích hợp - liên môn nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Từ đó khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức của các môn học khác nhau để giải quyết các tình huống thực tiễn, tăng cường khả năng vận dụng tổng hợp, khả năng tự học, tự nghiên cứu. Đó là tính ứng dụng và thực tế của phương pháp dạy học tích hợp - liên môn.

Tác giả, nguồn[sửa]

  • Nguyễn Tấn Khiêm [Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp Hóc Môn, TP.HCM]
  • Giáo dục Online

     Dạy học tích hợp là định hướng dạy học giúp học sinh phát triển khả năng huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng… thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống, được thực hiện ngay trong quá trình lĩnh hội tri thức và rèn luyện kĩ năng; phát triển được năng lực cần thiết, nhất là năng lực giải quyết vấn đề. Tính tích hợp thể hiện qua sự huy động, kết hợp, liên hệ các yếu tố có liên quan với nhau của nhiều lĩnh vực để giải quyết có hiệu quả một vấn đề và thường đạt được nhiều mục tiêu khác nhau.

     Cần phải dạy học tích hợp vì các lí do sau:

- Đổi mới giáo dục tập trung phát triển phẩm chất và năng lực người học. Kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn Việt Nam đã cho thấy dạy học tích hợp giúp cho việc học tập của học sinh gắn liền với thực tiễn hơn, giúp học sinh phát triển các phẩm chất và năng lực cần thiết.

- Mỗi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và con người là một thể thống nhất, ít nhiều đều có mối liên hệ với các sự vật, hiện tượng khác; nhiều sự vật, hiện tượng có những điểm tương đồng và cùng một nguồn cội… Vì vậy, để nhận biết hoặc giải quyết mỗi sự vật, hiện tượng ấy, cần huy động tổng hợp các kiến thức và kĩ năng từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Dạy học tích hợp phù hợp với yêu cầu đó.

- CT hiện hành chưa quán triệt tốt quan điểm tích hợp nên có nhiều môn học và các môn học khó tránh khỏi trùng lặp về nội dung. Theo quan điểm tích hợp, các kiến thức liên quan với nhau sẽ được lồng ghép vào cùng một môn học nên tránh được sự trùng lặp không cần thiết về nội dung giữa các môn học và vì vậy số lượng môn học và thời lượng học tập sẽ giảm bớt…

- Do quá trình phát triển của thực tiễn nên nhiều kiến thức, kĩ năng chưa có trong các môn học, nhưng lại rất cần chuẩn bị cho học sinh để có thể đối mặt với những thách thức của cuộc sống; do đó cần tích hợp giáo dục các kiến thức và kĩ năng đó thông qua các môn học.

     Chủ trương dạy học tích hợp trong CT mới có một số điểm khác so với CT hiện hành như: tăng cường tích hợp nhiều nội dung trong cùng một môn học, xây dựng một số môn học tích hợp mới ở các cấp học, tinh thần chung là tích hợp mạnh ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên; yêu cầu tích hợp được thể hiện cả trong mục tiêu, nội dung, phương pháp và thi, kiểm tra, đánh giá giáo dục.

- Ở cấp tiểu học: Xây dựng một số môn học tích hợp mới trên cơ sở phát triển các môn học tích hợp đã có như: Cuộc sống quanh ta [được phát triển từ môn Tự nhiên và Xã hội ở các lớp 1, 2, 3 trong CT hiện hành], Tìm hiểu xã hội và Tìm hiểu tự nhiên [được phát triển từ các môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý ở các lớp 4, 5 trong CT hiện hành].

- Ở cấp THCS: Xây dựng hai môn học tích hợp mới là Khoa học tự nhiên [được hình thành chủ yếu từ các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học trong CT hiện hành] và Khoa học xã hội [được hình thành chủ yếu từ các môn Lịch sử, Địa lý trong CT hiện hành].

- Ở cấp THPT: Xây dựng ba môn học tích hợp mới là Công dân với Tổ quốc [được hình thành chủ yếu từ các môn Giáo dục công dân, Giáo dục Quốc phòng - An ninh và một số nội dung Lịch sử, Địa lý trong CT hiện hành]; Khoa học tự nhiên là môn học tự chọn ở lớp 10 và lớp 11 nhằm hình thành những tri thức khái quát nhất của giới tự nhiên [dành cho học sinh định hướng KHXH, không học các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học]; Khoa học xã hội là môn học tự chọn ở lớp 10 và lớp 11 nhằm hình thành những tri thức khái quát nhất về xã hội [dành cho học sinh định hướng KHTN, không học các môn Lịch sử, Địa lý].

     Thuận lợi cơ bản trong việc dạy học tích hợp: đây không phải là vấn đề xa lạ trong GDPT, giáo viên đã ít nhiều dạy học tích hợp trong CT hiện hành, giáo viên đều đã được học, được dạy các kiến thức tích hợp trong CT GDPT; nội dung giáo dục và phương án tích hợp trong CT mới về cơ bản không làm thay đổi số lượng giáo viên hiện hành.

     Khó khăn, thách thức khi thực hiện chủ trương dạy học tích hợp trong CT mới là chúng ta còn hạn chế về kinh nghiệm xây dựng CT, biên soạn SGK và hướng dẫn dạy học theo hướng tích hợp [đặc biệt là phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo yêu cầu tích hợp]; cần có sự thay đổi nhận thức của giáo viên, cán bộ quản lý về ý nghĩa của dạy học tích hợp, vận dụng một số kỹ thuật và phương pháp dạy học để bảo đảm yêu cầu của dạy học tích hợp.

     Để có thể khắc phục khó khăn trên, cần xây dựng CT môn học, biên soạn SGK và các tài liệu dạy học theo yêu cầu tích hợp phù hợp với tình hình thực tế Việt Nam; tổ chức trao đổi, học hỏi và vận dụng kinh nghiệm dạy học tích hợp của một số nước có nền giáo dục phát triển; bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý hiện nay, đào tạo giáo viên mới đáp ứng yêu cầu dạy học tích hợp.

Ít môn học

Theo Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục thì sau năm 2015, số môn bắt buộc của học sinh sẽ chỉ còn 3-8 môn, thay vì 11-13 môn như hiện nay. Chương trình giáo dục phổ thông sẽ dạy theo phương án tích hợp và phân hóa. Cụ thể, ở tiểu học tăng cường tích hợp trong nội bộ môn học Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội [các lớp 1, 2, 3] và lồng ghép các vấn đề như môi trường, biến đổi khí hậu, kĩ năng sống, dân số, sức khỏe sinh sản,… vào các môn học và hoạt động giáo dục. Lớp 4 và lớp 5, thực hiện điều chỉnh và hình thành hai môn: Khoa học và Công nghệ Tìm hiểu xã hội.

Ở THCS, tăng cường tích hợp trong nội bộ môn học Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Công nghệ, Giáo dục công dân,… và lồng ghép các vấn đề như môi trường, biến đổi khí hậu, kĩ năng sống, dân số, sức khỏe sinh sản,…vào các môn học và hoạt động giáo dục. Xây dựng hai môn học mới là Môn Khoa học tự nhiên [trên cơ sở các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học hiện hành] và môn Khoa học xã hội [trên cơ sở các môn Lịch sử, Địa lý hiện hành và một số vấn đề xã hội].

Ở THPT, tiếp tục thực hiện tích hợp một số nội dung chưa thành môn học nhưng cần thiết giáo dục cho HS vào các môn học và hoạt động như đã làm trong chương trình hiện hành.

Sau năm 2015, giảm các môn học chỉ từ 3 - 8 môn ở bậc phổ thông.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: "Dạy học tích hợp sẽ mang lại nhiều lợi ích như giúp học sinh áp dụng được nhiều kỹ năng, nền tảng kiến thức tích hợp giúp việc tìm kiếm thông tin nhanh hơn, khuyến khích việc học sâu và rộng, thúc đẩy thái độ học tập tích cực đối với học sinh. Thay đổi cách dạy này không gây ra sự xáo trộn về số lượng và cơ cấu giáo viên, không nhất thiết phải đào tạo lại mà chỉ cần bồi dưỡng một số chuyên đề dạy học tích hợp. Không đòi hỏi phải tăng cường quá nhiều về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học".

Tăng cường vai trò người thầy!

Tán thành với phương án đổi mới này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ trước khi áp dụng.

PGS.TS Trần Trung Ninh cho rằng, đối với môn hóa, không nên tích hợp ba môn vật lý - hóa học - sinh học thành một môn học mới, vì kiến thức chuyên sâu trong nội bộ mỗi môn học là rất lớn và không phải hoàn toàn tương đồng. Môn hóa có thể tích hợp với các bộ môn khác cũng có nhiều sự liên hệ nhất định như toán, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ, giáo dục công dân. Đồng thời phải tăng cường hoạt động tự nghiên cứu của học sinh, tăng cường các giờ thực hành, hoạt động ngoại khóa theo chủ đề, giảm giờ dạy lý thuyết, xây dựng hệ thống bài tập mở, bài tập gắn với thực tiễn có nội dung vận dụng kiến thức liên môn.

Với SGK lịch sử, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng: “Ở tiểu học, trước hết là tích hợp trong nội bộ môn học và tích hợp các vấn đề xã hội như môi trường, năng lượng, biến đổi khí hậu, toàn cầu hóa… nên chuyển từ học theo thông sử thành kể chuyện lịch sử, chủ yếu là lịch sử Việt Nam nhưng có kết hợp với những câu chuyện tiêu biểu của thế giới. Ví dụ: kể về Quốc kì, Quốc ca, về tên gọi của nước ta qua các thời kì, về các nhân vật lịch sử, về phong tục, tập quán dân tộc… ở mức đơn giản dễ hiểu, dễ nhớ.

Đối với môn Lịch sử THCS, cấp học này cần học đầy đủ quá trình phát triển của lịch sử… Toàn bộ chương trình lịch sử ở cấp THCS sẽ thiết kế theo đường thẳng, từ lịch sử cổ - trung đến lịch sử cận - hiện đại. Đối với lịch sử THPT, cần viết dưới dạng chủ đề. Đây là sự kết hợp giữa việc truyền thụ kiến thức là chủ yếu với định hướng phát triển năng lực của người học, khi vai trò của người dạy và người học có sự thay đổi.

“Với cách dạy này, người thầy không chỉ đơn thuần là truyền thụ kiến thức mà giữ vai trò điều hành các hoạt động của các lớp học, tức là có nhiệm vụ tổ chức, hướng dẫn học sinh học tập, giúp các em tự tìm kiếm thông tin theo chủ đề có tính chất khái quát và chuyên sâu; tích cực, chủ động thu nhận kiến thức để có thể vận dụng vào thực tiễn” - PGS Vỳ cho hay.

Hồng Hạnh

Video liên quan

Chủ Đề