Nghị định hướng dẫn thực hiện quy chế dân chủ năm 2024

Ngày 14/12/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 145/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động [Nghị định 145/NĐ-CP], Nghị định có hiệu lực từ 01/02/2021;

Nghị định này thay thế Nghị định 149/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết khoản 3, Điều 63 Bộ luật Lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Nghị định số 145/NĐ-CP gồm: 11 chương, 115 điều. Riêng phần thực hiện QCDC cơ sở tại nơi làm việc được quy định 01 chương/11 chương của Nghị định, cụ thể là Chương V: ĐỐI THOẠI TẠI NƠI LÀM VIỆC. Chương này gồm 02 mục: Mục 1. Tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; gồm: 5 điều [từ Điều 37 – 41], 20 khoản và 18 điểm; Mục 2. Thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc; gồm: 7 điều [từ Điều 42 – 48], 18 khoản và 29 điểm.

Về tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, Nghị định số 145/NĐ-CP quy định:

- Người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở [Công đoàn] để tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định tại khoản 2 Điều 63 của Bộ luật Lao động. Ở nơi làm việc có người lao động không tham gia là thành viên của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thì người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở [nếu có] hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện để những người lao động này tự lựa chọn thành viên đại diện cho họ để tham gia đối thoại với người sử dụng lao động theo quy định; Số lần, thời gian tổ chức đối thoại định kỳ hằng năm; bố trí địa điểm, thời gian và các điều kiện vật chất cần thiết khác để tổ chức các cuộc đối thoại tại nơi làm việc.

- Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở [công đoàn] và nhóm đại diện đối thoại của người lao động có trách nhiệm: Cử thành viên đại diện tham gia đối thoại theo quy định; Tham gia ý kiến với người sử dụng lao động về nội dung quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; Lấy ý kiến người lao động, tổng hợp và chuẩn bị nội dung đề nghị đối thoại; Tham gia đối thoại với người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 63 của Bộ luật Lao động, Nghị định này và quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

- Số lượng, thành phần tham gia đối thoại: Căn cứ điều kiện sản xuất, kinh doanh, tổ chức lao động, người sử dụng lao động quyết định số lượng, thành phần đại diện cho mình để tham gia đối thoại bảo đảm ít nhất 03 người, trong đó có người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động và quy định trong quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc [Ít nhất 03 người, nếu người sử dụng lao động sử dụng dưới 50 người lao động; Ít nhất từ 04 người đến 08 người, nếu người sử dụng lao động sử dụng từ 50 người lao động đến dưới 150 người lao động; Ít nhất từ 09 người đến 13 người, nếu người sử dụng lao động sử dụng từ 150 người lao động đến dưới 300 người lao động; Ít nhất từ 14 người đến 18 người, nếu người sử dụng lao động sử dụng từ 300 người lao động đến dưới 500 người lao động; Ít nhất từ 19 đến 23 người, nếu người sử dụng lao động sử dụng từ 500 đến dưới 1.000 người lao động; Ít nhất 24 người, nếu người sử dụng lao động sử dụng từ 1.000 người lao động trở lên].

- Chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đối thoại, người sử dụng lao động có trách nhiệm công bố công khai tại nơi làm việc những nội dung chính của đối thoại; tổ chức đại diện người lao động, nhóm đại diện đối thoại của người lao động [nếu có] phổ biến những nội dung chính của đối thoại đến người lao động là thành viên.

Về thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc, Nghị định 145/NĐ-CP quy định:

- Người sử dụng lao động phải công khai với người lao động những nội dung sau: Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động; Nội quy lao động, thang lương, bảng lương, định mức lao động, nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của người sử dụng lao động liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động; Các thỏa ước lao động tập thể mà người sử dụng lao động tham gia; Việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp [nếu có]; Việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động; Nội dung khác theo quy định của pháp luật.

Hình thức công khai người sử dụng lao động căn cứ vào đặc điểm sản xuất, kinh doanh, tổ chức lao động và nội dung phải công khai để lựa chọn hình thức sau đây và thể hiện trong quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc: Niêm yết công khai tại nơi làm việc; Thông báo tại các cuộc họp, các cuộc đối thoại giữa người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhóm đại diện đối thoại của người lao động; Thông báo bằng văn bản cho tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để thông báo đến người lao động; Thông báo trên hệ thống thông tin nội bộ; Hình thức khác mà pháp luật không cấm.

- Người lao động được tham gia ý kiến về những nội dung sau: Xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của người sử dụng lao động liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động; Xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động; đề xuất nội dung thương lượng tập thể; Đề xuất, thực hiện giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ; Nội dung khác liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động theo quy định của pháp luật.

Người lao tham gia ý kiến lựa chọn hình thức sau đây: Tham gia ý kiến trực tiếp hoặc thông qua tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhóm đại diện đối thoại của người lao động tại hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc; Gửi góp ý, kiến nghị trực tiếp; Hình thức khác mà pháp luật không cấm.

- Người lao động được quyết định những nội dung sau: Giao kết, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật; Gia nhập hoặc không gia nhập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; Tham gia hoặc không tham gia đình công theo quy định của pháp luật; Biểu quyết nội dung thương lượng tập thể đã đạt được để ký kết thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật; Nội dung khác theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận của các bên. Hình thức quyết định của người lao động thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Người lao động được kiểm tra, giám sát những nội dung sau: Việc thực hiện hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể; Việc thực hiện nội quy lao động, quy chế và các văn bản quy định khác của người sử dụng lao động liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động; Việc sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, các quỹ do người lao động đóng góp; Việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động; Việc thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động. Hình thức kiểm tra, giám sát của người lao động thực hiện theo quy định của pháp luật.

Hội nghị người lao động do người sử dụng lao động phối hợp với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở [nếu có] và nhóm đại diện đối thoại của người lao động [nếu có] tổ chức hằng năm theo hình thức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu.

Tại Nghệ An, ngày 06/5/2021 Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn số 2728/UBND- VX v/v tăng cường hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm theo Nhị định số 145/NĐ-CP; giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh theo dõi, đôn đốc thực hiện. Ngày 12/5/2021 Ban Dân vận Tỉnh ủy [cơ quan Thường trực BCĐ thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh] có Công văn số 189- CV/BDVTU Phối hợp tuyên truyền thực hiện nội dung chương V, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP về thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc. Qua hơn một năm thực hiện Nghị định số 145/NĐ-CP đã có nhiều chuyển biến. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là hơn 22.360 doanh nghiệp, trong đó: Có 308 doanh nghiệp có tổ chức đảng; có 516 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn; có 288 doanh nghiệp có tổ chức đoàn thanh niên. Số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã ký kết thoả ước lao động tập thể là 418/516 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 81%. Hàng năm có từ 52% đến 54% doanh nghiệp tổ chức đối thoại với người lao động theo quy định; trên 65% doanh nghệp tổ chức Hội nghị người lao động. Hiện nay trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn đã khắc phục được khó khăn để vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động./.

Chủ Đề