Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới

Sức mạnh liên minh công - nông

Sau khi ra đời, để có thể đảm đương vai trò lãnh đạo phong trào đấu tranh giành độc lập, Đảng đã phát triển hệ thống tổ chức cũng như các tổ chức quần chúng ở khắp các nhà máy, xí nghiệp, khu mỏ, đồn điền, ở thành phố và các vùng nông thôn trên phạm vi cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh bùng lên mạnh mẽ khắp Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Trên cơ sở các tầng lớp nhân dân ngày càng hăng hái, tích cực tham gia phong trào đấu tranh, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương phát động một cao trào cách mạng rộng lớn trong cả nước nhân Ngày Quốc tế Lao động 1.5.1930.

Xô viết Nghệ - Tĩnh khẳng định sức mạnh của khối liên minh công - nông dưới sự lãnh đạo của Đảng

Dưới sự tổ chức chỉ đạo trực tiếp của các đảng bộ lâm thời ở Nghệ An, sáng ngày 1.5.1930, hàng nghìn nông dân Hưng Nguyên, Vinh, Nghi Lộc đã biểu tình kéo vào thị xã Vinh, phối hợp với công nhân các nhà máy đấu tranh đòi thực dân Pháp phải thực hiện các yêu sách như tăng lương, giảm sưu thuế, ngày làm tám giờ, chống khủng bố, ủng hộ Liên bang Xô viết. Cuộc biểu tình ngày 1.5.1930 ở Vinh - Bến Thủy được Đảng đánh giá “lần đầu trong lịch sử cách mạng xứ ta, công - nông - binh bắt tay nhau giữa trận tiền”. Cùng ngày, trên địa bàn huyện Thanh Chương còn có hơn 100 học sinh trường Tiểu học Pháp - Việt tổ chức bãi khóa để phản đối chính sách giáo dục của thực dân, phong kiến và gần 3.000 nông dân thuộc các làng La Mạc, Đức Nhuận, Hạnh Lâm... đấu tranh đòi lại ruộng đất. Ở Hà Tĩnh, cờ đỏ được treo trước cửa Tòa sứ [thị xã Hà Tĩnh], trên nóc nhà thờ ở huyện Nghi Xuân, cầu Đò Trai [Đức Thọ]…

Những cuộc đấu tranh ngày 1.5.1930 diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnhđã khẳng định sức mạnh của khối liên minh công - nông dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là sự chỉ đạo của Tỉnh bộ Vinh - Bến Thủy và Tỉnh bộ Nghệ An. Điểm nổi bật của phong trào đấu tranh quần chúng này là có sự kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa phong trào đấu tranh của công nhân và phong trào đấu tranh của nông dân, tạo nên sự tác động tương hỗ, thúc đẩy lẫn nhau. Trong từng cuộc đấu tranh đã có sự kết hợp khéo léo các khẩu hiệu đấu tranh kinh tế với đấu tranh chính trị, càng về sau tính chất đấu tranh ngày càng được thể hiện rõ nét. Ý thức giác ngộ cách mạng của quần chúng được nâng lên rõ rệt.

Sự ra đời của chính quyền Xô viết ở Nghệ - Tĩnh

Theo Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, PGS, TS Nguyễn Danh Tiên, cuộc đấu tranh ở Nghệ - Tĩnh ngày 1.5.1930 gây tiếng vang mạnh mẽ, cổ vũ tinh thần đấu tranh của quần chúng lao động. Bởi lẽ, sau ngày 1.5.1930, phong trào đấu tranh đã lan rộng ra phạm vi cả nước. Tính chung trong tháng 5.1930, toàn quốc đã nổ ra 21 cuộc đấu tranh ở Bắc Kỳ, 21 cuộc ở Trung Kỳ và 12 cuộc ở Nam Kỳ… Chính quyền thuộc địa buộc phải thi hành một số chính sách đối với người lao động như tăng lương, giảm giờ làm, hoãn thuế cho nông dân, trả tự do cho một số người bị bắt trong các cuộc mít tinh, biểu tình.

Đánh giá về vị trí, vai trò của cao trào cách mạng 1930 - 1931 đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đồng chí Lê Duẩn từng khẳng định: cao trào “là bước thắng lợi đầu tiên có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ tiến trình phát triển về sau của cách mạng […], không có những trận chiến đấu giai cấp rung trời chuyển đất những năm 1930 - 1931, trong đó, công nông đã vung ra nghị lực phi thường của mình, thì không thể có cao trào trong những năm 1936 - 1939”.

Đồng chí Trường Chinh thì nhấn mạnh: “Thắng lợi lớn nhất của Đảng ta trong cao trào cách mạng năm 1930 - 1931 là Đảng đã thực hiện được khối liên minh công nông, do đó đã giành được quyền lãnh đạo cho giai cấp công nhân”.

Sau tháng 5.1930, phong trào đấu tranh diễn ra liên tục, quyết liệt hơn, nhiều cuộc bãi công, biểu tình có sự phối hợp của công nhân các nhà máy. Ở Nghệ An, công nhân Nhà máy Diêm Bến Thủy đấu tranh liên tục và được công nhân xe lửa Trường Thi, công nhân bốc vác và phu xe thành phố Vinh hưởng ứng, tổ chức lãn công, rải truyền đơn, căng biểu ngữ. Ngày 1.9, tại huyện Thanh Chương diễn ra cuộc biểu tình quy mô lớn. Sau cuộc biểu tình, chính quyền thực dân ở các làng, xã trong huyện bị tan rã. Các Ban Chấp hành Nông hội đỏ đứng ra nắm quyền cai quản nông thôn. Chính quyền Xô viết trong huyện được thành lập.

Đỉnh cao là cuộc biểu tình khổng lồ của 20.000 quần chúng ở Hưng Nguyên nhằm ủng hộ công nhân Vinh - Bến Thủy tranh đấu, ngày 12.9.1930. Sau đó, tại nhiều huyện ở Nghệ - Tĩnh, các hương, lý ở làng bỏ chạy, các cấp bộ nông hội đã đứng ra quản lý, điều hành công việc của làng xã, hình thành nên chính quyền theo kiểu Xô viết như ở Liên Xô. Tại đây, các ủy ban nhân dân mang tên xã bộ nông, thôn bộ nông, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã thực sự là chính quyền của nhân dân. Đến cuối năm 1930 đầu năm 1931, ở Hà Tĩnh đã có tới 170 làng và Nghệ An 200 làng Xô viết. “Có thể khẳng định, cuộc biểu tình ngày 1.9.1930 ở Thanh Chương được coi là mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xô viết ở Nghệ - Tĩnh” - PGS. TS Nguyễn Danh Tiên cho biết.

Tuy đến cuối năm 1931 thì thoái trào, nhưng như PGS. TS Nguyễn Danh Tiên khẳng định, cao trào cách mạng 1930 - 1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh có ý nghĩa lịch sử to lớn. “Thành quả lớn nhất là đã khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân thông qua chính Đảng tiên phong của mình, đoàn kết với các tầng lớp nhân dân yêu nước có đủ khả năng lật đổ nền thống trị của đế quốc, phong kiến tay sai, giải phóng dân tộc, đem lại tự do hạnh phúc cho nhân dân”.

Nhiều sử gia phương Tây cho rằng, Việt Minh thành công trong cuộc Cách mạng tháng Tám do có sự tồn tại khoảng trống quyền lực ở Việt Nam.

Lực lượng chủ động

Một bài viết trên báo Quân đội Nhân dân bình luận: “Khi Nhật Bản đã chuẩn bị đầu hàng Đồng minh [bao gồm cả Việt Minh], và thực dân Pháp đã bị đế quốc Nhật lật đổ từ cuộc đảo chính tháng 3/1945, còn Chính phủ Bảo Đại thực chất là một chính phủ phụ thuộc hoàn toàn vào Nhật Bản, nên ở Việt Nam lúc này rơi vào tình trạng vô chính phủ”.

Trên thực tế, trong luận án tiến sĩ của mình, xuất bản tại Oslo năm 1991 The Vietnamese Revolution of 1945 – Roosevelt, Ho Chi Minh and de Gaulle in a World at War, nhà sử học người Na Uy Stein Tonnesson đã nhận định rằng Việt Minh đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho tình thế này, thậm chí chính Việt Minh mới là người tạo ra khoảng trống quyền lực, chủ động tiến hành kháng chiến chống Nhật và vô hiệu hóa các lực lượng của Pháp.

Tháng 8/1945, tình thế cách mạng trực tiếp đã xuất hiện. Từ 13-15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào [Tuyên Quang] đã phân tích những điều kiện chủ quan và khách quan để cuộc tổng khởi nghĩa có thể nổ ra và thắng lợi, quyết định của Đảng phải kịp thời phát động và lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, theo Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Lời Bác Hồ nói với Đại tướng [2011].

Ngày 2/9/1945, Hồ Chủ Tịch đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam.

Hưởng ứng lệnh Tổng khởi nghĩa của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến, toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà giải phóng cho ta!”. Lệnh Tổng khởi nghĩa cùng lời kêu gọi của Bác Hồ như “Hịch non sông” thúc giục lòng dân ra trận. Ngày 19/8, trong khi Hồng quân Liên Xô đánh tan đạo quân Quan Đông và làm chủ Mãn Châu thì tại Hà Nội cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi. Chỉ từ 14-28/8/1945, Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đã thắng lợi hoàn toàn, chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật và chế độ phong kiến, chính quyền toàn quốc về tay nhân dân. Đây là cuộc khởi nghĩa sáng tạo tầm cỡ thời đại, vận dụng quy luật vận động phát triển của khởi nghĩa cách mạng và nghệ thuật chỉ đạo chớp thời cơ của Đảng và Bác Hồ.

Biến thuận lợi bên ngoài thành sức mạnh Việt Nam

Việc chọn đúng thời cơ Tổng khởi nghĩa cho thấy Đảng bao giờ cũng đặt Cách mạng Việt Nam nằm trong tình hình chung của thế giới, biến thuận lợi thế giới thành sức mạnh trong nước. Đúng như lời Tổng Bí thư Trường Chinh đã nói: “Mau lẹ, kịp thời nổ ra đúng lúc phải nổ - đó là một trong những ưu điểm nổi bật của Cách mạng Tháng Tám”.

Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, khi mà trên chiến hạm Missouri đang bỏ neo trong vịnh Tokyo, Nhật Bản chính thức ký các văn kiện chấp nhận đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, thì tại vườn hoa Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa [VNDCCH], Nhà nước Công Nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Điều này càng cho thấy sự lãnh đạo sáng suốt, kịp thời, nhạy bén của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.       

Tuyên ngôn Độc lập mang tầm thời đại

Vào thời điểm Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, xứ Đông Dương nói chung và nước Việt Nam nói riêng gần như chưa có tên trên bản đồ chính trị thế giới. Thậm chí, tại hội nghị giữa các nước thắng trận sau Thế chiến II, Tổng thống Pháp lúc bấy giờ De Gaulle đã yêu cầu các nước coi Việt Nam là vấn đề nội bộ của nước Pháp. Hơn nữa, lúc này, ở Việt Nam có rất nhiều lực lượng can thiệp. Phát xít Nhật đã thua trận, nhưng vẫn chưa bị giải giáp. Trong khi đó dưới danh nghĩa Đồng minh, 20 vạn quân Lư Hán ở phía Bắc đang rục rịch kéo vào, các hạm tàu của Anh, Mỹ ở phía Nam cũng sẵn sàng cập bến. Thực dân Pháp công khai dã tâm quay trở lại một lần nữa. Bản Tuyên ngôn Độc lập đã ra đời trong bối cảnh ấy.

Đối với Đảng và Bác, trước hết Tuyên ngôn Độc lập phải trực tiếp bảo vệ thành quả đầu tiên, nhưng quan trọng nhất là “vấn đề chính quyền” của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nó không những tạo ra cho Chính phủ Lâm thời vị thế chủ nhà trước khi quân đồng minh kéo vào, mà còn cảnh báo, ngăn ngừa từ xa mọi mưu đồ lợi dụng chiêu bài giải giáp quân Nhật để thủ tiêu các thành quả của cách mạng. Điều đặc biệt, bản Tuyên ngôn Độc lập lại được phát ngôn trước toàn thể thế giới bởi vị Chủ tịch của một quốc gia hoàn toàn mới, do đó tiếng vang của nó lan rộng khắp năm châu.

Từ chiều sâu trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, khát vọng tự do, độc lập đã nhiều lần được tuyên ngôn như một ý chí bất khuất của dân tộc ta. Tuyên ngôn Độc lập vì vậy cũng là lời tuyên chiến với những thế lực đã, đang và sẽ cản trở dân tộc ta hiện thực hóa khát vọng thiêng liêng từ ngàn đời. Tuyên ngôn Độc lập đã mở ra một thời đại mới, thời đại giải phóng các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn cầu. Nó đã vượt qua khuôn khổ của một định hướng chính trị đơn thuần để trở thành một văn kiện pháp lý tầm cỡ quốc tế.

Với tầm nhìn xa, trông rộng của một lãnh tụ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động dự báo chiến lược trong các quyết sách chính trị trọng đại: Dã tâm quay trở lại xâm lược nước ta của thực dân Pháp đã quá rõ và một thế lực mới nổi nhưng đã bộc lộ rất nhiều tham vọng là Mỹ.

Lịch sử cũng ghi nhận, gần như ngay sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, chính giới Pháp cũng bắt đầu phân hóa thành hai phe đối lập trong quan điểm về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Bài học này chưa bao giờ cũ trong tiến trình cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương nhằm gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc đổi mới của chúng ta hiện nay, đúng như Nghị quyết của Đại hội Đảng lần XII nêu: “…thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, theo Văn kiện ĐH Đảng lần XII.

Đỗ Nguyệt Hương

Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề