Phan anh esheep là ai

Với những người trẻ yêu thích bếp núc, blogger ẩm thực Phan Anh [còn được gọi là Esheep] là một chuyên gia nổi tiếng, một phụ nữ có khả năng truyền cảm hứng nấu nướng nhờ những “tác phẩm” đầy lãng mạn.

Cô là người đứng sau cộng đồng Yêu Bếp [Esheep Kitchen family] đình đám với hơn 2,2 triệu thành viên - nơi bất kỳ ai tham gia cũng có thể tìm thấy cho mình lý do để hứng thú và yêu thương hơn căn bếp của mình.

Cuộc tạt ngang thú vị

Phan Anh bỏ ngang công việc ổn định, sự nghiệp lâu năm để rẽ sang con đường ẩm thực chỉ vì… mê. Thời điểm đó, khái niệm “blogger ẩm thực” vẫn còn xa lạ với số đông. Không ai nghĩ rằng công việc chia sẻ niềm đam mê ẩm thực qua mạng xã hội cũng có thể trở thành một nghề nghiệp. Ít người biết rằng, việc làm ra những món ăn ngon, bản năng nấu nướng rất đàn bà cũng có thể nâng tầm nội trợ thành một công việc đầy cảm hứng. Phan Anh đã liều lĩnh chọn một cuộc chơi mới.

Cô khởi đầu từ những bộ ảnh về bánh trái, món ăn; những bài chia sẻ về ẩm thực sâu sắc, có chất riêng và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng mạng lúc bấy giờ. Đó là động lực hun đúc trong cô nỗi khát khao: “Tại sao mình không dấn thân vào thử thách mới, phá bỏ sự an toàn bấy lâu để thử sức với cuộc chơi này?”.

Phan Anh từng là họa sĩ thiết kế của Báo Hoa học trò khoảng mười năm trước. Rời bỏ công việc ổn định để đi làm blogger ở cái thuở sơ khai ấy quả là một sự liều lĩnh.

Nhìn những hình ảnh của Phan Anh, mọi trái tim đàn bà yêu bếp đều có thể rung động mãnh liệt và yêu bếp nhiều hơn. Với Phan Anh, dù có tạt ngang hay đi thẳng, ẩm thực vẫn là một cuộc chơi màu sắc và thú vị, là sân chơi mà mỗi phụ nữ đều có thể tỏa sáng. Từ một blogger ẩm thực với hàng trăm ngàn người hâm mộ đến việc trở thành người đứng đầu, quản trị một cộng đồng hơn 2,2 triệu thành viên có chung tình “yêu bếp” lại là một bước ngoặt mới.

Tôi muốn hỏi Phan Anh vì sao cộng đồng Yêu Bếp lại ra đời, trong khi công việc của một blogger ẩm thực đã quá căng thẳng, vất vả bởi tôi tò mò về những gì cô từng chia sẻ: “Hằng ngày, tôi đến Esheep Kitchen Studio - nơi chúng tôi làm việc và nghiên cứu, thực hành ẩm thực mỗi ngày.

Tôi và các cộng sự tự tay dọn bếp, chuẩn bị thực hiện các món ăn mà chúng tôi đang nghiên cứu hoặc nấu nướng gì đó, tưới cây, chăm sóc vườn, cắm hoa, uống trà, nuôi dưỡng sự sáng tạo. Tôi nghiên cứu các chuyên đề về ẩm thực, thực hiện ảnh, quay video. Bên cạnh đó là tìm hiểu về du lịch và văn hóa, về ẩm thực khắp nơi trên thế giới… Một phần trong số đó là nguồn cảm hứng mà tôi sẽ chia sẻ với mọi người để duy trì đam mê của tôi, một phần lớn chưa thể chia sẻ, lại là những dự án ẩm thực quan trọng trong quá trình thúc đẩy thương mại mà ẩm thực giữ vai trò quan trọng”.

Yêu Bếp đã trở thành sân chơi cho hàng triệu thành viên cùng đóng góp những giá trị hữu ích tới cộng đồng

Cộng đồng Yêu Bếp ra đời từ nhu cầu giao tiếp và chia sẻ của những người có cùng đam mê mà trên hết là mong muốn của Phan Anh về một “cộng đồng mạng văn minh, hữu ích”. Đó không chỉ là nơi chia sẻ kinh nghiệm nấu nướng mà còn về phong cách sống văn minh; là sân chơi lành mạnh và an toàn cho phụ nữ được phát huy năng lực, nam giới được tự tin chia sẻ về những đam mê giao thoa trong lĩnh vực bếp núc hay nhà cửa mà trước đây người ta thường cho rằng đó là “việc của đàn bà”. 

Bản thân Phan Anh cũng bất ngờ bởi sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng Yêu Bếp với sức ảnh hưởng rộng lớn, vượt ra ngoài “chuyện nấu nướng”. Cả cô và đội ngũ chỉ đơn giản mong muốn tạo ra một cộng đồng văn minh, sống động và đầy lôi cuốn đối với những người yêu ẩm thực.

Truyền cảm hứng qua tình yêu căn bếp

Thành công và sức ảnh hưởng của cộng đồng Yêu Bếp là minh chứng cho chân lý: “Điều gì xuất phát từ tình yêu và sự chân thành sẽ nhanh chóng tìm được sự đồng cảm”. Yêu Bếp giờ đây trở thành sân chơi cho hàng triệu thành viên có cơ hội tỏa sáng, tự tin chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau đóng góp những giá trị hữu ích tới cộng đồng. Phan Anh như một nhạc trưởng đầy kinh nghiệm, đầy nội lực lan tỏa cảm hứng tích cực cho sân chơi này.

Dấu ấn đẹp mà Yêu Bếp dành cho cộng đồng chính là hàng loạt chiến dịch đã truyền cảm hứng tới cộng đồng mạng, góp phần nâng cao nhận thức về nhiều chủ đề hữu ích, như: thử thách “Việc nhà có anh” năm 2020 đã tạo ra làn sóng nam giới cùng chia sẻ việc nhà với phụ nữ; thử thách “Mặt trời trong tôi” góp phần thay đổi cách nhìn của cộng đồng về khái niệm nhà lãnh đạo nữ; chiến dịch “Gửi tim thương mến” kêu gọi mọi người thể hiện cảm xúc dành cho người thân trong bối cảnh dịch COVID-19 và giúp ổn định tâm lý xã hội, khiến cộng đồng quan tâm nhiều hơn đến việc bộc lộ yêu thương thay vì sa đà vào tin tức tiêu cực trên mạng xã hội.

Người chơi hệ tay mơ” gặt thành công chuyên nghiệp

Phan Anh của hôm nay vẫn rất tình và rất thơ với những con chữ về nấu nướng cùng những bức ảnh. Cô vẫn âm thầm với niềm yêu thích vô biên dành cho ẩm thực.

Không chỉ là một nhà báo, blogger ẩm thực hay “chị admin” của Yêu Bếp, Phan Anh còn là một tác giả với nhiều cuốn sách được yêu thích

Cát-xê hình ảnh của Phan Anh được định giá cao ngất ngưởng với các nhãn hàng. Tuy nhiên, rất hiếm khi cô đồng ý xuất hiện. Sự cân nhắc này đôi khi khiến cô bị mang tiếng là khó tính. Cô khá bối rối: “Chỉ đơn giản là tôi không muốn dùng tên tuổi của mình để kiếm tiền. Tôi mong những gì tôi đồng hành đều phải là những gì tôi thấu hiểu, thực sự muốn chia sẻ chứ không chỉ là việc nhãn hàng sử dụng hình ảnh, khai thác sự nổi tiếng của tôi để tiếp cận cộng đồng”.

Cô chấp nhận việc “lọ mọ” với con đường ẩm thực đã chọn; vẫn bền bỉ nghiên cứu, tỉ mẩn bày biện vì ở đó, cô “làm để thỏa mãn khao khát chinh phục bản thân” trong chiều sâu của chính cô, vẫn như mục đích ngày đầu. 

Khi tôi hỏi về thành công của Yêu Bếp, cô hồ hởi khoe việc tháng 12/2021, dự án “Biệt đội Yêu Bếp siêu ngầu” của nhóm admin trẻ Yêu Bếp đã giành giải nhất một cuộc thi dành cho các dự án cộng đồng về chủ đề “An toàn và bình đẳng trên mạng xã hội” do UN WOMEN tổ chức và sẽ đại diện Việt Nam tham gia hội nghị Châu Á - Thái Bình Dương về chủ đề này vào năm 2022.  

Với Esheep Kitchen và Yêu Bếp, Phan Anh thực sự đã tìm được công thức cho cuộc đời mình: nếu mạnh dạn cho đi một cách có giá trị, trung thực, văn minh thì cuộc đời sẽ trả lại cho mình thật đủ đầy: sự cân bằng, tình yêu, sự thỏa mãn đam mê. Với cô, những thứ ấy quan trọng hơn tiền bạc.

Lan Khôi

Nhắc đến các food-blogger tại Việt Nam, cái tên mà nhiều người nhớ đầu tiên chính là Phan Anh Esheep. Xuất thân là hoạ sĩ, nhưng bằng một sự tình cờ, Phan Anh đã có dịp lấn sân sang làm một food-blogger. Mở đầu bằng những recipe bánh ngọt đi kèm những bộ ảnh xinh xắn, chị Phan Anh đã đem đến một luồng gió mới với những ai yêu ẩm thực bằng chính sự tỉ mỉ, tinh tế cũng như niềm đam mê hiện rõ qua từng sản phẩm của mình. Bước vào sân chơi ẩm thực chuyên nghiệp, Phan Anh gặt được không ít thành quả nổi bật khi trở thành Quán quân cuộc thi "Global Taste of Korea - 2015" tại Việt Nam, đại diện Việt Nam tham dự vòng thi toàn cầu và lọt vào Top 5 đầu bếp xuất sắc nhất thế giới của cuộc thi này tại Seoul. Năm 2017, Phan Anh dành Top 1 "Người có sức ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực ẩm thực" của giải thưởng châu Á "Influencer Asia, 2017".

Nhưng, có lẽ nhắc tới Phan Anh, người ta sẽ nhớ ngay tới fanpage Esheep Kitchen - "lãnh địa" chị chăm chút và dày công xây dựng với hơn 324.000 người nhấn like & hơn 327.000 người theo dõi cho tới thời điểm hiện tại cũng như group Yêu Bếp [Esheep Kitchen Family] - cộng đồng ẩm thực và phong cách sống nay đã vượt mốc 1.4 triệu thành viên. Từ khởi nguồn "yêu bếp" là một sở thích, đam mê cá nhân, tới xây dựng Yêu Bếp là một cộng đồng mê đắm ẩm thực, food blogger ấy đã trải từng viên gạch, nhặt từng viên sỏi ra sao?

Theo chị, thế nào là một món ăn ngon? Khẩu vị mỗi người là khác nhau, nên nếu để tìm công thức chung về sự NGON cho tất cả mọi người là điều không thể?

Trước tiên phải thật sự hiểu được thế nào là NGON. Cách bạn định nghĩa thế nào là vị ngon với bản thân bạn sẽ giúp bạn đánh giá đâu là một món ăn ngon. Vị ngon là một trải nghiệm tích cực của vị giác kết hợp với các giác quan khác của con người khi nếm thử và tận hưởng món ăn, đồ uống. Vì vậy, trải nghiệm nào khiến bạn hạnh phúc, vui vẻ, thích thú, tích cực hoặc đáng ghi nhớ, thì với bạn, nó là ngon.

Một món ăn cực kì đơn sơ dân dã hay cực kì đẳng cấp, cầu kì, sang trọng đều có thể ngon hoặc không ngon. Một món chẳng có lợi gì cho sức khoẻ, đôi lúc lại ngon hơn món giàu dinh dưỡng. Một món với người này là ngon tuyệt vời nhưng người khác lại chán kinh. Vì vậy, một món ăn sẽ được đánh giá là ngon khi nó đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm tích cực của người ăn. Hiểu được điều này, thì ta có thể làm ra hoặc đánh giá một món ăn ngon: bằng cách lựa chọn nguyên liệu tươi ngon nhất, hài hoà, bằng những kĩ thuật chế biến phù hợp nhất. Hoặc biết cách khiến nó trở nên rung động bằng mùi hương, bằng màu sắc, bằng trải nghiệm các giác quan bổ sung. Và bằng một thứ mà nhiều người luôn tìm kiếm, hoặc ai cũng có: đó là trải nghiệm của kí ức, trải nghiệm của những "lần đầu tiên tích cực".

Food blogger Phan Anh chia sẻ về căn bếp nhỏ, chuyện nghề, hành trình theo đuổi con đường ẩm thực 

Ví dụ như một món ăn thơ bé gắn với việc cái bụng đói được vỗ về sau giờ học dài, là món mà người bạn yêu thương làm cho bạn, món gắn với một vùng đất mới mà bạn khám phá. Những trải nghiệm ẩm thực sẽ khiến trường vị giác, trường giác quan của bạn được mở rộng và sâu sắc hơn.

Đó chính là cách mà các chuyên gia ẩm thực cần phân tích để đưa ra những công thức, giải pháp phù hợp cho việc đánh giá hay tạo ta một món ăn ngon.

Vì vậy, chắc chắn không thể có công thức chung cho một món ăn thế nào là NGON, cũng như không thể có một món ăn khiến tất cả mọi người đều thấy ngon. Nhưng hoàn toàn có công thức và kiến thức để hiểu được thế nào là Vị Ngon, là Một Món Ăn Ngon.

Ẩm thực thể hiện phong cách sống của các nền văn hóa như thế nào?

Ẩm thực chính là tấm gương phản chiếu phong cách sống, tư duy lề thói của mỗi địa phương. Nó vừa giống, vừa khác các lĩnh vực nghệ thuật khác. Người ta có thể đặt tâm tư, tình cảm, niềm tự hào địa phương vào ẩm thực hệt như vào văn học, hội hoạ, âm nhạc, kịch nghệ.

Và còn thú vị hơn nữa, là ẩm thực có một sân khấu còn rộng lớn hơn, linh hoạt hơn, có sự lưu giữ và truyền lại giữa các thế hệ một cách độc đáo hơn. Vì vậy, sức sống của ẩm thực vô cùng mãnh liệt. Vừa thể hiện phong cách sống của từng cá nhân, lại vừa phản chiếu nền tảng văn hoá của cộng đồng mà nó tồn tại. Người nghệ sĩ của bộ môn nghệ thuật ẩm thực có thể các đầu bếp chuyên nghiệp, lại có thể là bất cứ ai, là người nội trợ tài hoa trong gia đình hay người nấu bếp của quán hàng rong...

Theo chị, đâu là điểm nổi bật của ẩm thực Việt?

Thật ngắn gọn thôi. Điểm nổi bật nhất của ẩm thực Việt chính là sự đa dạng và phong phú khiến ẩm thực Việt chính là một kho tàng giàu có và thú vị nguyên liệu, mùi vị, và trải nghiệm.

Điều gì làm nên niềm tự hào của ẩm thực Việt?

Tinh hoa của ẩm thực Việt, niềm tự hào của ẩm thực Việt chính là bản sắc địa phương và nguồn nguyên liệu cực kì dồi dào, phong phú, tính bản địa cao. Trời ban cho đất nước ta dải địa hình phong phú với đủ đồng bằng châu thổ, cao nguyên, núi đá, duyên hải biển. Mẹ thiên nhiên đã tặng chúng ta vô vàn sản vật tươi ngon. Việc chúng ta cần làm là bảo vệ, giữ gìn và phát triển kho báu ấy, thay vì tận diệt. Bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn gien bản địa là cốt lõi của nông nghiệp, của ẩm thực địa phương các bạn ạ.

Chưa kể niềm tự hào tiếp theo chính là con người Việt Nam, sự khéo léo, tinh tế, thú vị. Cái tính cách của con người Việt Nam lại được hun đúc qua những thăng trầm lịch sử tạo nên sự linh hoạt nhạy bén có lợi trong việc phát triển nền ẩm thực nước nhà. Dĩ nhiên, bên cạnh đó thì ẩm thực Việt Nam vẫn còn tồn tại rất nhiều những khó khăn, hạn chế cũng như còn nhiều loay hoay. Thôi hẹn bạn một ngày khác đẹp trời tôi xin trải lòng thêm về điều này nhé!

Chị đã phát triển niềm tự hào ấy như thế nào trong không gian Yêu Bếp của mình?

Nếu là một trong số 1.4 triệu thành viên Yêu Bếp, thì những ngày này, bạn sẽ được sống trong niềm tự hào ẩm thực Việt, được "du lịch ẩm thực Việt" một cách vô cùng mãn nhãn!

Đó là bởi vì, Yêu Bếp chúng tôi đang triển khai chiến dịch cộng đồng "Bản đồ ẩm thực chữ S: Yêu Nhất Việt Nam!", để kêu gọi thành viên cùng góp sức chia sẻ về các nét đặc sắc, độc đáo của ẩm thực, du lịch địa phương mình qua bài viết, hình ảnh và video. Từ đó góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống, tính kết nối vùng miền thông qua nông nghiệp và du lịch bền vững mà ẩm thực là sợi dây liên kết vô hình. Thúc đẩy du lịch văn minh, thúc đẩy tiêu thụ nông sản bền vững cho mỗi địa phương, lan toả niềm tự hào ẩm thực Việt.

Có ý kiến rằng: "Không biết nấu ăn là một thiếu sót rất lớn với phụ nữ". Chị nghĩ sao về nhận định này?

Nó không phải là thiếu sót mà hơi tiếc chút thôi. Nam giới hay phụ nữ mà biết nấu ăn, tự nấu được những món ngon thì thú vị lắm. Bạn thử đi sẽ biết.

Điều quan trọng nhất để một căn bếp luôn ấm lửa là gì?

Là phải có LỬA trước đã. Muốn căn bếp ấm lửa thì bạn phải là người yêu nó, dành tâm huyết cho nó, dành thời gian cho nó, thì nó sẽ ấm thôi.

Là người thẩm định, đánh giá món ăn, nhà hàng, rồi trực tiếp nghiên cứu sáng tạo ẩm thực, food stylist và food photographer, đủ thấy Phan Anh là một người rất đa tài. Phải chăng food blogger là một nghề cần rất nhiều kỹ năng?

Ối chà bạn đang đọc ra cả profile của tôi ra rồi đấy!

Food blogger là ngành nghề rất rộng và nhiều đất dụng võ. Vậy nên bạn càng nhiều kỹ năng, càng giỏi ở các lĩnh vực khác nhau thì nội công càng thâm hậu thôi. Sẽ rất hữu ích nếu một food blogger dày dặn kinh nghiệm sống và giỏi nhiều lĩnh vực.

Người ta bảo Food Blogger là nghề "ngồi mát ăn bát vàng". Điều này có đúng không?

Đúng! Nếu anh chị food blogger đó vừa bán quạt vừa làm nghề sơn bát. Còn không thì chả có cái nghề nào dễ dàng thu hái được thành công vậy cả đâu ạ.

Có rất nhiều Food Blogger đang hoạt động hiện nay nhưng các bạn thường có phong cách review khá giống nhau, vậy đâu là điểm khác biệt của Phan Anh?

Ấy, hình như bạn đang nhầm lẫn xíu. Food blogger có thể là một reviewer [người đi review nhà hàng, tiệm ăn, món ăn]. Nhưng nghề food blogger còn có nhiều "mảng miếng" hơn thế. Tôi là một chuyên gia thẩm định nhà hàng độc lập. Phần lớn các công việc và nhiệm vụ của tôi là thẩm định bảo mật, độc lập với nhà hàng. Nên tôi thường rất ít khi chia sẻ những thẩm định của mình trên mạng xã hội, vì cam kết bảo mật.

Những thẩm định có thể chia sẻ, thì lại thuộc hạng mục phi thương mại của Esheep Kitchen. Nghĩa là tôi không nhận bất cứ chi phí nào từ nhà hàng, khách sạn chỉ để review. Và các review của tôi về nhà hàng, món ăn đăng tải trên các nền tảng của Esheep Kitchen thì các nhà hàng đều không được phép can thiệp. Khi một nhà hàng, quán ăn, món ăn đạt tiêu chuẩn thẩm định của Esheep Kitchen, chúng tôi sẽ review để cộng đồng biết đến, không nhận bất cứ chi phí nào. 

Food blogger là một nghề thời thượng, và không dành cho những người thích một công việc ổn định – Điều này có đúng không, thưa chị?

Vừa đúng vừa không. Đúng là một nghề thời thượng, và có thể kiếm được rất nhiều tiền nếu bạn giỏi, bạn vượt trội. Nghề này rất được đánh giá cao trên thế giới nhưng ở Việt Nam còn khá mới.

Không đúng ở điểm nó hoàn toàn có thể là một công việc ổn định. Theo nghĩa ổn định để phát triển, ổn định về thu nhập. Nhưng nó không ổn định ở nghĩa "dậm chân tại chỗ". Đây là một nghề luôn đòi hỏi sáng tạo cao độ, cống hiến cao độ.

Thành công của Yêu bếp chứng tỏ sức mạnh cộng đồng rất lớn trong thời đại số. Theo chị, đâu là bí quyết thành công khi xây dựng cộng đồng hiện nay?

Ờm, khi cho rằng một ai đó thành công thì người ta hay hỏi bí quyết thành công của người đó phải không? Tôi xin nhận tôi là một người chưa "thành công", tôi vẫn còn "gà" lắm. Ha ha.

Còn về Yêu Bếp, quả thật từ khi được lập ra cách đây hơn 2 năm, thì nó chưa bao giờ hết hot, nó trở thành hiện tượng cộng đồng văn minh trên MXH, nó thực hiện được rất nhiều chuỗi hoạt động cộng đồng có ý nghĩa. Tới giờ đã gắn kết được hơn 1.4 triệu thành viên. Bí quyết để xây dựng cộng đồng ấy, với tôi không có gì ngoài sự nỗ lực trong việc thấu hiểu cộng đồng, đem lại giải pháp cho cộng đồng, dựa trên nền tảng nghiên cứu tâm lý xã hội trong thời đại số. Yêu Bếp là nơi tôi mong muốn tạo ra sân chơi nhận thức tích cực về bình đẳng giới trong cộng đồng, về ý thức bảo vệ môi trường, về kết nối địa phương – toàn những vấn đề tồn tại mật thiết hoặc là cốt lõi của ẩm thực trong cộng đồng.

Là một Admin của cộng đồng Yêu Bếp. Nhưng, đã có lúc nào chị ghét bếp chưa?

Ùi có chứ. Làm gì có thể yêu mãi một thứ! Trừ yêu chồng ra đâu [haha tranh thủ tý].

Thực ra ghét thì không phải, nhưng có những mệt mỏi, những lúc nản hoặc quá tải, cũng thấy bớt yêu đi nhiều và thường tự hỏi tại sao mình lại phải vì nó là lao tâm khổ tứ đến thế. Sau đó hết mệt lại yêu tiếp, như chưa hề có cuộc chia ly. Vì sao thì chắc vì duyên.

Trong cuốn cookbook Vị Yêu, Phan Anh có viết: "Và cũng như Yêu thôi, hãy giữ tâm hồn bạn giản dị nhất, thật thà nhất khi vào bếp". Cái giản dị, thật thà ấy Phan Anh muốn chia sẻ là gì?

Là sự giản dị và thật thà với chính bản thân. Bạn hãy để căn bếp là nơi bạn được sống thật nhất, bạn sẽ thấy nó sẽ YÊU BẠN nhiều lắm.

Nhiều người thấy chị có được nhiều thứ từ niềm đam mê ẩm thực: Danh tiếng, tiền bạc… Nhưng phía sau những cái ĐƯỢC đó, chị đã phải đánh đổi những gì?

Đổi cả thanh xuân đó bạn ơi! Đổi bằng thời gian, bằng nỗ lực không ngừng nghỉ thôi chứ biết đổi bằng gì. Hơn 30 tuổi tôi mới rời bỏ công việc lúc đó cũng đã ổn định, tốt đẹp và gặt hái nhiều thành công. Để quay lại với một lối nhỏ mà ai cũng cho là phù phiếm, thậm chí chẳng ai biết nó là cái gì, có phải là một nghề không? Đó là công việc tự nghiên cứu và chia sẻ ẩm thực trên MXH. Bản thân tôi còn chẳng biết kiếm tiền bằng cách nào khi thực sự lúc đó đơn giản là tôi chỉ thích nấu ăn, thích làm bánh, thích chia sẻ.

Nhưng rồi cái gì đến sẽ đến. Khi bạn làm tốt và không ngừng học hỏi, bạn sẽ kiếm được tiền. Tiền không phải là mục đích đầu tiên mà tôi nghĩ đến khi bước sang lĩnh vực này.

Chị có lời khuyên nào dành cho những bạn trẻ đang có dự định theo đuổi nghề Food Blogger?

Làm gì có lời khuyên nào. Nếu bạn đang dự định theo đuổi điều gì đó thúc bách, mà lại còn bị ảnh hưởng bởi lời khuyên của ai đó mà thay đổi quyết định thì là dở rồi. Bạn chưa đủ quyết tâm rồi! Còn đã quyết tâm, chả ai khuyên bạn được gì cả. 

Chỉ có cách tự trải nghiệm, thất bại thì tự gánh, thành công thì tự nhận, mới là cách bạn thực sự theo đuổi một nghề mà bạn đam mê, lúc đó bạn mới thực sự tìm được con đường riêng cho bản thân. Đừng nhìn vào ai, đường bắt chước ai, đừng dùng kinh nghiệm hay bài học của ai. Chả cứ là nghề food blogger này. Đó là lý do chưa bao giờ tôi dám mở lớp "dạy kỹ năng", "chia sẻ bí quyết thành công" dù không thiếu chán vạn lời mời.

Cảm ơn chị Phan Anh về cuộc trò chuyện thú vị ngày hôm nay. Chúc căn bếp của chị Phan Anh luôn ẤM LỬA!

CHAT NHANH với PHAN ANH

Bữa sáng hôm nay của chị có gì?

- Bún riêu

Nếu chị có thể ăn bữa tối ở bất cứ đâu trên thế giới, nó sẽ ở đâu?

- Ở nhà

5 từ liên quan đến ẩm thực mà chị yêu thích?

- Ngon, Đẹp, Vui, Esheep Kitchen, Yêu Bếp.

Công cụ/ thiết bị/ tiện ích quan trọng nhất trong nhà bếp của chị là gì?

- NCKD [không phải Nguyễn Cao Kỳ Duyên, mà là Nồi Chiên Không Dầu].

Theo chị loại thực phẩm ai cũng phải có trong bếp là gì?

- Nước sạch

Xu hướng thực phẩm nào khiến chị yêu thích?

- Đa dạng trải nghiệm thực phẩm

Xu hướng thực phẩm nào khiến chị ghét?

- Bài trừ cực đoan một số nhóm thực phẩm nhất định

Một loại thực phẩm mà chị không thể ăn được?

- Thực phẩm quá hạn

Bữa ăn đáng nhớ nhất của chị là với ai?

- Không thể nhớ hết được

Món ăn đầu tiên chị tự nấu là gì? Nó có ngon không?

- Hồi bé, làm thạch hoa quả giỏi lắm. Ngon, ngọt, mát.

Món ăn của ai nấu khiến chị nhớ nhất?

- Mẹ mình.

Chị thích uống trà, cà phê hay nước hoa quả? Vì sao?

- Cả ba, thích vậy thôi.

Bài: Trang ĐỗẢnh: Esheep Kitchen 

Video: Kingpro 

Trang Đỗ

Video liên quan

Chủ Đề