So sánh dân tộc và tộc người

Tộc người được xác định là cộng đồng người có chung ngôn ngữ, văn hóa và ý thức tự giác tộc thuộc. Năm 1979, Tổng cục Thống kê đã ra Quyết định chính thức ban hành bản Danh mục các thành phần dân tộc ở Việt Nam với 54 dân tộc, trong đó có dân tộc còn được xác định với hàng chục nhóm địa phương và nếu tính chung, có tới trên 300 nhóm địa phương thuộc các dân tộc ở nước ta. Tộc người và cộng đồng quốc gia – dân tộc có mối tương tác rất chặt chẽ, bởi sự phát triển của tộc người trong một đất nước liên quan mật thiết với cộng đồng quốc gia – dân tộc. Do vậy trong quá trình phát triển, nếu không đảm bảo nguyên tắc của mối quan hệ, nhất là bị lệch hướng, dễ dẫn tới tổn thương cho tộc người và các tiểu cộng đồng khác, gây nên sự bất ổn định trong phát triển đất nước. Đây có thể được coi là mối quan hệ then chốt trong một quốc gia đa dạng về dân tộc, tôn giáo, giai cấp và các nhóm xã hội.

Tuy nhiên ở Việt Nam, mối quan hệ này lại chưa được quan tâm đúng mức, kể cả trong ngành dân tộc học/nhân học hay các ngành khoa học khác có liên quan, thậm chí khái niệm quốc gia – dân tộc [Nation-State] cũng chưa được làm rõ và hay bị dùng lẫn với khái niệm dân tộc [Nation]. Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh đó, có một số vấn đề cần đặt ra: tộc người và cộng đồng quốc gia – dân tộc sẽ phát triển như thế nào? Mối quan hệ tộc người với cộng đồng quốc gia – dân tộc sẽ ra sao? Và làm thế nào để giải quyết tốt mối quan hệ đó?

Để giải đáp những câu hỏi trên, năm 2018, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn: “Quan hệ tộc người với cộng đồng quốc gia – dân tộc ở Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế” do Vương Xuân Tình làm chủ biên. Cuốn sách là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Bộ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về “Quan hệ tộc người với cộng đồng quốc gia – dân tộc ở Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế”do Viện Dân tộc học chủ trì, PGS.TS. Vương Xuân Tình làm chủ nhiệm, được thực hiện từ năm 2015-2016.

Ngoài phần Mở đầu, cuốn sách được kết cấu thành 6 chương:

Chương I. Tổng quan tài liệu, cách tiếp cận và giới thiệu tộc người nghiên cứu

Xem xét nghiên cứu về vấn đề tộc người, cộng đồng quốc gia – dân tộc và mối quan hệ của tộc người với cộng đồng đó kể từ năm 1986 đến nay, đồng thời tham khảo tài liệu từ các học giả trong và ngoài nước, nhóm tác giả đã làm rõ một số khái niệm và vấn đề như: Tộc người, Tộc người trong biến đổi; Dân tộc; Quốc gia; Quốc gia – dân tộc; Cộng đồng quốc gia – dân tộc Việt Nam đương đại; Xây dựng cộng đồng dân tộc; Xây dựng cộng đồng quốc gia – dân tộc. Hai lý thuyết cơ bản được nghiên cứu này áp dụng, đó là “Lý thuyết đa văn hóa” và “Lý thuyết xây dựng cộng đồng dân tộc”. Điểm thống nhất của các lý thuyết này đều cho rằng, xây dựng cộng đồng dân tộc là quá trình lâu dài với sự thống nhất về lãnh thổ, các thiết chế chính trị, kinh tế, xã hội và tư tưởng, hay nói rộng hơn đó là quá trình can thiệp văn hóa của nhà nước. Sự thống nhất đó càng trở nên cấp thiết trong điều kiện xây dựng cộng đồng dân tộc ở một nước đa tộc người và đa tôn giáo. Trong chương này, người đọc còn được tiếp cận một số thông tin sơ lược về bốn tộc người được lựa chọn nghiên cứu: dân tộc Nùng, dân tộc Hmông, dân tộc Pu Péo và dân tộc Khơ-me.

Chương II. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về quan hệ tộc người với cộng đồng quốc gia – dân tộc ở Việt Nam

Trên cơ sở tổng quan tài liệu và điểm qua những nét khái quát về các dân tộc, nhóm nghiên cứu đã trình bày những quan điểm cơ bản về vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến tộc người và cộng đồng quốc gia – dân tộc ở Việt Nam. Trong đó, các dân tộc ở Việt Nam hiện nay là kết quả của quá trình phát triển nội tộc người và mối quan hệ với các dân tộc khác. Có thể nói cho đến nay, ở nước ta không có dân tộc nào là hoàn toàn thuần nhất, kể cả khía cạnh nhân chủng và văn hóa. Đề cập đến sự phân bố và một số đặc điểm của các dân tộc ở Việt Nam, nghiên cứu chỉ ra rằng với 54 dân tộc , chỉ có 4 dân tộc là Kinh [Việt], Hoa, Chăm và Khơ-me có truyền thống sống ở vùng đồng bằng, 50 dân tộc còn lại chủ yếu sinh sống ở các vùng miền núi và trung du. Tuy có sự phân bố dân tộc như trên, song do tính chất cư trú đan xen từ lâu nên hầu như không có sự phân chia lãnh thổ tộc người. Để có cơ sơ phân tích việc xây dựng cộng đồng quốc gia – dân tộc hiện đại ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu trình bày một số vấn đề về quốc gia – dân tộc Việt Nam trong thời kỳ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trong đó nhấn mạnh đến đến ba nguyên tắc cơ bản trong xây dựng cộng đồng quốc gia – dân tộc Việt Nam: [i] Nguyên tắc đoàn kết dân tộc; [ii] Nguyên tắc bình đẳng; [iii] Nguyên tắc tôn trọng. Ba nguyên tắc này là hòn đá tảng trong quan điểm, chính sách dân tộc của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam.

Chương III. Quan hệ về chính trị của tộc người với cộng đồng quốc gia – dân tộc ở Việt Nam

Chương này tập trung tìm hiểu cấu trúc của hệ thống chính trị và sự tham gia của người dân, cộng đồng các dân tộc vào hệ thống chính trị của đất nước, từ đó, xem xét về cơ cấu tổ chức công tác dân tộc ở nước ta cũng như sự tham gia của đồng bào dân tộc thiểu số vào các cơ quan Trung ương và địa phương. Qua khảo sát và nghiên cứu tài liệu về quan hệ chính trị của tộc người với cộng đồng quốc gia - dân tộc ở Việt Nam, nhóm tác giả khẳng định, trong lịch sử đương đại – kể từ khi thành lập nước vào năm 1945, chưa bao giờ hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số và hệ thống làm công tác dân tộc lại phát triển như hiện nay. Hệ thống chính trị đã bao trùm đến cấp thôn bản và ngày càng hoàn thiện. Những cơ quan làm công tác dân tộc cũng được mở rộng và phát triển hơn so với thời gian trước khi thực hiện công cuộc Đổi mới đất nước. Tuy nhiên để tiếp tục giữ vững sự ổn định và phát triển, nghiên cứu chỉ ra rằng, cần nâng cao hơn nữa vai trò của hệ thống đó trong việc đảm bảo dân chủ và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, bởi nếu tính từ năm 1986 đến nay đã có một số cuộc bạo loạn diễn ra ở Tây Nguyên, vùng người Hmông tại tỉnh Điện Biên, xung đột đất đai tại Tây Nam Bộ. Điều đó cho thấy hệ thống chính trị cơ sở tại những nơi này khi xảy ra bạo loạn đã không đủ mạnh để góp phần ngăn ngừa hay phát hiện các âm mưu, hành động chống phá của thế lực thù địch.

Chương IV. Quan hệ về kinh tế - xã hội của tộc người với cộng đồng quốc gia – dân tộc ở Việt Nam

Thực trạng quan hệ tộc người với cộng đồng quốc gia – dân tộc ở nước ta được trình bày trên ba chiều cạnh: kinh tế, xã hội và văn hóa. Một số thành tựu nổi bật được nhóm tác giả phân tích như: việc sử dụng đồng tiền chung [VNĐ]; cơ sở hạ tầng được kết nối và thống nhất; người dân được hưởng nhiều phúc lợi công; sự thống nhất trong quản lý đất đai; giáo dục và y tế góp phần nâng cao chất lượng đời sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giảm dịch bệnh, hạn chế hữu sinh vô dưỡng; thực hiện sự thống nhất trong đa dạng về văn hóa thể hiện qua ngôn ngữ quốc gia, ý thức quốc gia – dân tộc và thiết chế văn hóa. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế được nhóm tác giả chỉ ra trong phần nghiên cứu này. Ngoài tư liệu thực địa nghiên cứu về bốn dân tộc Nùng, Hmông, Pu Péo và Khơ-me, nhóm tác giả còn dựa trên các dữ liệu của một số dân tộc khác đã công bố; xem xét quan hệ đương đại và so sánh về lịch đại để thấy sự biến đổi và phát triển trong quan hệ tộc người với cộng đồng quốc gia – dân tộc ở Việt Nam từ năm 1954 đến nay.

Chương V. Các yếu tố ảnh hưởng đến quan hệ tộc người với cộng đồng quốc gia – dân tộc ở Việt Nam

Các tác giả tập trung phân tích những yếu tố quan trọng nhất đã và đang ảnh hưởng đến mối quan hệ tộc người với cộng đồng quốc gia – dân tộc bao gồm: [i] Yếu tố lịch sử, trong đó vùng địa lý – lịch sử và cư dân là hai vấn đề quan trọng, nhạy cảm, ảnh hưởng rất sâu sắc đến mối quan hệ này; [ii] Chính sách dân tộc và toàn cầu hóa: đây là bộ phận không thể tách rời trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, có tác động mạnh mẽ đến quan hệ giữa tộc người với cộng đồng quốc gia – dân tộc. Trên cơ sở phân tích những yếu tố ảnh hưởng tới mối quan hệ trên, nhóm nghiên cứu cho rằng đa dạng văn hóa tộc người là di sán quý báu, song ở một số nơi và một số tộc người, ảnh hưởng của văn hóa quốc gia chưa sâu đậm, làm giảm sự thống nhất của văn hóa, ảnh hưởng cố kết của cộng đồng quốc gia – dân tộc. Mặt khác, việc ảnh hưởng văn hóa của dân tộc Kinh, ngoài tác động tích cực cũng có những tác động tiêu cực, đó là làm phai nhạt nhanh chóng bản sắc văn hóa của dân tộc thiểu số.

Chương VI. Dự báo xu hướng của quan hệ tộc người với cộng đồng quốc gia – dân tộc Việt Nam

Trước bối cảnh trong nước và quốc tế về quan hệ tộc người với quốc gia- dân tộc cũng như tham khảo một số mô hình quan hệ tộc người với quốc gia – dân tộc ở các nước khu vực châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, nhóm tác giả đã dự báo xu hướng trong quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của tộc người với cộng đồng quốc gia – dân tộc Việt Nam. Đó là: Thứ nhất, yêu cầu có đại diện của tộc người trong hệ thống chính trị sẽ ngày một tăng; Thứ hai, các vấn đề về dân tộc với phát triển sẽ được quan tâm toàn diện và sâu sắc hơn; Thứ ba, các tổ chức chính trị chống đối của một số phần tử ở nước ngoài vẫn tăng cường hoạt động liên quan đến một số tộc người và vùng lãnh thổ; Thứ tư, kinh tế của hộ gia đình và cộng đồng các dân tộc ngày càng gắn bó chặt chẽ với thị trường trong nước và quốc tế; Thứ năm, sự phát triển, biển đổi về chính trị và kinh tế sẽ là nền tảng cho những thay đổi về quan hệ xã hội giữa tộc người với cộng đồng quốc gia – dân tộc; Thứ sáu, dưới tác động của toàn cầu hóa và hội nhập, văn hóa tộc người sẽ tiếp thu nhiều yếu tố văn hóa mới, do đó việc định dạng lại bản sắc văn hóa sẽ diễn ra ở nhiều tộc người và nhu cầu giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người, nhất là với các dân tộc có số dân ít sẽ ngày một cấp thiết; Thứ bảy, văn hóa và tôn giáo sẽ là hai lĩnh vực được gắn kết chặt chẽ trong tương lai.

Có thể nói, đây là một công trình nghiên cứu công phu, cẩn trọng từ việc tổng quan tài liệu đến nghiên cứu điền dã và đặc biệt bằng phương pháp chuyên gia, cuốn sách đã mang đến cho người đọc những tri thức hữu ích về mối quan hệ tộc người với cộng đồng quốc gia – dân tộc ở Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Chủ Đề