Tại sao có đảo chính ở myanmar

Chính quyền quân sự một lần nữa được áp đặt đối với Myanmar thông qua cuộc đảo chính do quân đội lãnh đạo vào ngày 1/2 với cáo buộc chính phủ dân sự gian lận bầu cử, không được truyền thông phương Tây ủng hộ. Sau cuộc đảo chính, Bangladesh đang tìm câu trả lời cho một câu hỏi - liệu 1,1 triệu người Rohingya ở Bangladesh có thể trở về nhà?

Aung San Suu Kyi vẫn cực kỳ nổi tiếng ở Myanmar, nhưng đã mất ưu ái ở phương Tây [Ảnh: www.bbc.com]

Là một biểu tượng của nền dân chủ, người đoạt giải Nobel bà Suu Kyi đã cho thế giới thấy bộ mặt thật của mình là một người phân biệt chủng tộc. Do đó, vấn đề hồi hương của người Rohingya không liên quan đến việc bà Suu Kyi không nắm quyền hay ngồi tù. Trao đổi với chính quyền quân sự ở Myanmar, Bangladesh đã có kinh nghiệm và đã hồi hương khoảng 300.000 người Rohingya tị nạn ở Bangladesh vào năm 1991 và 1992. Myanmar đã nằm dưới sự cai trị của quân đội từ năm 1962 và với quân đội đứng đằng sau chính quyền dân chủ trong 10 năm qua. Quân đội chưa bao giờ mất quyền kiểm soát một chính phủ do dân sự lãnh đạo.

Aung San Suu Kyi được bầu lại để thành lập chính phủ NLD trong cuộc tổng tuyển cử ở Myanmar vào ngày 8/11/2020 nhưng quân đội đã nắm toàn quyền kiểm soát vào ngày 1/2/2021 - ngày đầu tiên kỳ họp quốc hội mới dự kiến diễn ra. Cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và tư pháp - ba cơ quan quyền lực chính của đất nước - nằm trong tay Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing. Lời buộc tội là bà Suu Kyi gian lận phiếu bầu trong cuộc bầu cử. Suu Kyi bị quân đội bắt vào nửa đêm chỉ vài giờ trước khi nhiệm kỳ thứ hai của bà bắt đầu. 24 bộ trưởng trong nội các của bà đã bị sa thải và các bộ trưởng mới chủ yếu là các sĩ quan cấp cao của quân đội, một số là thành viên của Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên minh [USDP] do quân đội hậu thuẫn. Una Mong Loon, một trong những lãnh đạo của USPD, người thua trong cuộc bầu cử tháng 11, đã được bổ nhiệm làm ngoại trưởng. Kể từ cuộc bầu cử quốc hội vừa qua, đất nước gặp khó khăn khi phe đối lập do quân đội hậu thuẫn không chấp nhận kết quả.

Chỉ huy quân đội Min Aung Hlaing đã ra tuyên bố chỉ trích ủy ban bầu cử về những bất thường khác nhau trong cuộc bầu cử. Ông cũng đổ lỗi cho NLD và nói rằng ông không thể chấp nhận kết quả bầu cử vì "sai lầm không thể chấp nhận được" của chính phủ. Tuy nhiên, các nhà quan sát quốc tế và ủy ban bầu cử Myanmar cho biết đây là một cuộc bầu cử hòa bình. Trong suốt 50 năm dài cầm quyền của quân đội, chỉ có 3 cuộc bầu cử được tổ chức. Đảng của bà Suu Kyi đã không tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử năm 2010. Bà lên nắm quyền sau khi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015. Aung San Suu Kyi, người có chức danh chính thức là cố vấn nhà nước của Myanmar, không thể bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai sau khi giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tháng 11.

Hiến pháp mới của Myanmar, được thông qua vào năm 2008, quy định 75% số ghế quốc hội được bầu bằng phổ thông đầu phiếu, 25% còn lại dành cho quân đội. Quân đội đã thiết kế một hiến pháp để NLD không bao giờ có thể lên nắm quyền ở một quốc gia đa sắc tộc, đa dạng về chính trị. Nếu Aung San Suu Kyi trở lại nắm quyền, liệu bà có bãi bỏ hiến pháp không? Không, điều đó là không thể vì bà ấy không thể có được 75% sự ủng hộ cho việc thay đổi hiến pháp. Vì vậy, câu hỏi lớn hiện nay là tại sao quân đội lại tức giận với Suu Kyi. Trong 10 năm qua, quân đội đã dần nhường quyền lực cho chính quyền dân sự nhưng họ không muốn bà Suu Kyi tiếp tục nắm quyền. Họ không thể tiêu hóa được thất bại thảm hại của USPD mà họ ủng hộ trong cuộc bầu cử vừa qua. Đó là lý do tại sao họ gọi cuộc bầu cử là một gian lận và sử dụng nó như một công cụ để loại bỏ Suu Kyi. Tổng tư lệnh quân đội sẽ nghỉ hưu trong vài tháng nữa. Khi đó tình trạng của ông ấy sẽ như thế nào? Nếu Myanmar bị kết án tại Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague [ICC] vì tội diệt chủng người Rohingya, thì hình phạt đầu tiên sẽ là đối với ông ta khi làm tổng tư lệnh quân đội, mà lúc đó lại là một tướng về hưu.

135 nhóm dân tộc thiểu số ở Myanmar không quan tâm đến chính quyền trung ương. Nhiều nhóm trong số này được trang bị vũ khí tốt và có sức mạnh tài chính đáng kể từ các hoạt động buôn bán bất chính khác nhau. Đó là lý do tại sao họ không sẵn sàng chấp nhận sự cai trị của chính phủ ở các khu vực. Bầu cử vào ngày 8/11 không thể được tổ chức ở nhiều nơi do lực lượng này kiểm soát. Khoảng 1,5 triệu người hồi giáo Rohingya, bao gồm cả những người sống ở bang Rakhine, không có quyền bầu cử. 4% trong số 55 triệu người Myanmar là người Hồi giáo và họ không nằm trong đời sống chính trị chính thống của nước này. Nhìn chung, cuộc bầu cử này đã có vấn đề. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng gọi cuộc bầu cử là "sai sót về cơ bản". Sau khi quân đội nắm quyền kiểm soát, có thông báo rằng một ủy ban bầu cử mới sẽ được thành lập và danh sách cử tri sẽ được xem xét kỹ lưỡng và xem xét theo các quy định; quân đội sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử sau tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm. Nhưng ai biết "một năm" có nghĩa là thời kỳ cai trị của quân đội sẽ kéo dài bao nhiêu năm!

Để tránh mọi hình thức xung đột, chính phủ Myanmar có thể tập trung vào phát triển kinh tế nhanh chóng và giải quyết các vấn đề nhân đạo. Dù kết quả của cuộc bầu cử như thế nào, cuộc bầu cử của bà Suu Kyi cũng mang lại cơ hội tập trung vào việc xây dựng hòa bình bằng cách giảm xung đột kéo dài trong xã hội Myanmar bị chia rẽ và nghèo khó. Trên hết, nó có thể cho phép giải quyết vấn đề Rohingya, để giảm áp lực quốc tế. Nhưng với tình hình hiện tại, một lần nữa Myanmar lại phải đối phó với cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Liên Hợp Quốc, dù Trung Quốc phủ quyết khi vấn đề được nêu ra tại UNSC. Hành vi của Suu Kyi đối với người Rohingya, vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, khiến cộng đồng quốc tế không hài lòng; nhưng, hiện tại, các chính phủ nước ngoài không có cách nào khác ngoài việc hỗ trợ bà ở một mức độ nào đó vì mục tiêu duy trì nền dân chủ. Cộng đồng quốc tế sẽ đứng về phía bà Suu Kyi trong cuộc khủng hoảng ở Myanmar.

Phương Tây đã không xem nhẹ cuộc đảo chính này. Diễn biến này đẩy Tổng thống Mỹ Joe Biden vào cuộc thử nghiệm đầu tiên trong chính sách đối ngoại của ông - đối mặt với người bảo vệ Myanmar là Trung Quốc. Lời hứa duy trì dân chủ và khôi phục nhân quyền là trọng tâm chính sách đối ngoại của Mỹ phải được thực hiện. Không có gì ngạc nhiên khi nói là Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung chỉ mới bắt đầu ở vấn đề Myanmar. Không dễ đối với Bangladesh khi đối phó với cuộc khủng hoảng này, vì về mặt kỹ thuật, một số đồng minh của Bangladesh ủng hộ Myanmar và một số thì chống lại. Trong bối cảnh này, giải quyết thành công vấn đề Rohingya bằng con đường ngoại giao là một thách thức lớn đối với Bangladesh. Bangladesh đã nói rõ là họ không quá quan tâm đến vấn đề nội bộ của Myanmar. Bất kể ai lãnh đạo chính phủ, mối quan hệ ngoại giao sẽ được tiếp tục như trước. Vấn đề chính là, Myanmar phải nhận lại người Rohingya vì đã có những thỏa thuận mà chính phủ nước này đã ký để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya.

Cuối cùng, Bangladesh không thể lựa chọn lùi bước, tiếp tục cùng với nỗ lực quốc tế giải quyết vấn đề người Rohingya, bảo vệ nhân quyền và chấm dứt tội ác chống lại loài người. Dhaka cần nỗ lực ngoại giao nhiều hơn để thuyết phục Trung Quốc thúc đẩy các cuộc đàm phán ba bên mà Trung Quốc làm trung gian với Myanmar và Bangladesh về vấn đề hồi hương người Rohingya./.

Sở Ngoại vụ tổng hợp tin các báo

Myanmar đang bị nhấn chìm trong cuộc khủng hoảng chính trị trong gần một tháng qua, kể từ sau cuộc đảo chính của quân đội hôm 1/2. Ba người biểu tình đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh, khi làn sóng biểu tình phản đối đảo chính sục sôi khắp cả nước.

Theo bình luận viên Toru Takahashi của Nikkei Asia, điều trớ trêu đối với Myanmar là cái chết đầu tiên của người biểu tình xảy ra ở Naypyitaw, nơi từng được mệnh danh là "thủ đô an toàn nhất thế giới" trước khi đảo chính xảy ra. Thủ đô Myanmar được chuyển từ Yangon tới Naypyitaw, khu vực nằm giữa cánh rừng, vào năm 2006, trong chế độ quân sự trước đây.

Cựu tổng thống Thein Sein [trái], lãnh đạo chính phủ dân sự Aung San Suu Kyi [giữa] và Thống tướng Min Aung Hlaing. Ảnh: Nikkei Asia.

Hầu hết người dân Myanmar không biết lý do thực sự đằng sau việc di dời thủ đô. Nhiều quan điểm khác nhau được đưa ra, như di tản chính phủ tới một khu vực nằm sâu trong đất liền để đề phòng một cuộc tấn công từ bên ngoài hoặc theo lời khuyên của một nhà chiêm tinh.

Một giả thuyết khác cho rằng chính quyền quân sự đã cố ngăn chặn biểu tình chống chính phủ bằng cách đưa cá cơ quan chính phủ tới một địa điểm mới, tách biệt khỏi sinh viên các trường đại học ở Yangon, những người thường lãnh đạo phong trào biểu tình dân chủ trong quá khứ.

"Quân đội dường như quá lạc quan về sự tách biệt này, khi các cuộc biểu tình hiện tại không chỉ bùng nổ ở Yangon mà còn lan rộng trên khắp cả nước", Takahashi cho hay.

Thống tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội Myanmar, hôm 8/2 có bài phát biểu đầu tiên trên truyền hình hậu đảo chính, nhấn mạnh rằng chính quyền quân sự hiện tại "khác" các chế độ quân sự trong quá khứ.

Takahashi cho rằng Min Aung Hlaing có thể muốn nhắc nhở công chúng về chính quyền của Thein Sein, người đã lãnh đạo Myanmar trong 5 năm kể từ 2011, chứ không phải chế độ quân sự kéo dài hơn nửa thế kỷ từ năm 1962 ở quốc gia này.

Dù cũng là một người thuộc phe quân đội, tổng thống Thein Sein đã được đánh giá cao cả trong và ngoài nước vì đã dẫn dắt quốc gia chuyển từ chế độ quân sự sang dân sự.

Trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của Myanmar trong 20 năm vào tháng 11/2010, đảng Đoàn kết Thống nhất và Phát triển [USDP], liên kết với quân đội, đã giành được 80% số ghế trong quốc hội. Cuộc bầu cử này không có sự tham gia của lãnh đạo ủng hộ dân chủ Aung San Suu Kyi, người đang bị quản thúc tại gia, cũng như đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ [NLD]. Các quan sát viên bầu cử và truyền thông nước ngoài bị cấm vào Myanmar.

Chính quyền Thein Sein nhậm chức vào tháng 3/2011 sau khi chiến thắng bầu cử. Thein Sein, tướng cấp cao thứ 4 và là thủ tướng khi đó, đảm nhận chức tổng thống.

Ông Thein Sein nói chính phủ mới được dân lựa chọn, dù có những người từ chối công nhận việc chuyển sang chế độ dân sự của quốc gia này. Nhiều chỉ trích gay gắt cho rằng "nó đơn giản chỉ là thay bộ quân phục sang trang phục công sở".

Tuy nhiên, điều bất ngờ là chính quyền Thein Sein đã thúc đẩy cải cách. Để giải quyết các vấn đề về dân chủ hóa và nhân quyền, chính quyền này đã nới lỏng kiểm soát truyền thông và tổ chức đàm phán hòa bình với các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Trong một động thái bất ngờ, Thein Sein muốn bắt tay hợp tác với Suu Kyi, khi mời bà tới phủ tổng thống và kêu gọi bà tham gia chính trường. Đưa tin về cuộc gặp này, đài truyền hình nhà nước Myanmar đã quay cảnh bức ảnh cố lãnh đạo Aung San, cha bà Suu Kyi và là người được xem như người khai sinh Myanmar hiện đại, được treo trên tường trong phòng làm việc của Thein Sein.

Thông qua nhiều cải cách dân chủ, Thein Sein đã thành công trong việc khiến Mỹ và châu Âu giảm các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar và hiện đại hóa nền kinh tế. Để thu hút đầu tư nước ngoài, cựu tổng thống Myanmar đã sửa đổi luật đầu tư nước ngoài lần đầu tiên trong 25 năm và phát triển khu liên hợp công nghiệp hiện đại đầu tiên ở Thilawa, gần thành phố Yangon, với nguồn vốn hỗ trợ từ chính phủ và tư nhân Nhật Bản.

Thay vì cải cách từng bước như nhiều quốc gia khác trong khu vực, Myanmar chọn con đường khó khăn hơn khi vừa dân chủ hóa đất nước vừa tìm cách phát triển kinh tế.

Những cải cách triệt để đó có thể diễn ra ở Myanmar nhờ "thay đổi trong cơ chế đưa ra quyết sách của chính phủ quân sự", theo Toshihiro Kudo, giáo sư tại Viện nghiên cứu chính trị quốc gia ở Tokyo, Nhật Bản.

Khi còn là thủ tướng chính phủ quân sự, Thein Sein đã tham gia nhiều sự kiện quốc tế, như hội nghị của ASEAN. Điều đó khiến ông nhận ra sự "lạc hậu" của Myanmar và thúc đẩy ông quyết định cải cách.

Thein Sein được hỗ trợ bởi 4 bộ trưởng nội các có năng lực cao đều xuất thân từ quân đội, gồm bộ trưởng công nghiệp Soe Thein, bộ trưởng kế hoạch và phát triển kinh tế quốc gia Tin Naing Thein, bộ trưởng giao thông đường sắt Aung Min, cùng bộ trưởng tài chính và doanh thu Hla Tun.

Cải cách cũng được thúc đẩy khi Schwe Mann, chủ tịch hạ viện và tướng cấp cao thứ ba trong quân đội, mở đường cho việc hợp tác với Suu Kyi, dù ông này được cho là có mâu thuẫn với tổng thống Thein Sein.

"Người dân bắt đầu tin tưởng Thein Sein như một lãnh đạo liêm khiết, trong sạch", Takahashi cho hay.

Nhưng USDP đã chịu tổn thất lớn trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015 trước sự ủng hộ áp đảo người dân dành cho bà Suu Kyi. Thein Sein chấp nhận thất bại và chúc mừng Suu Kyi, đồng thời cam kết chuyển giao quyền lực hòa bình.

Kết quả bầu cử đã cho thấy cái giá Myanmar phải trả khi theo đuổi tương lai dân chủ. Ngoài Thein Sein, người đã rút lui khỏi chính trị sau cuộc bầu cử 2015, 4 bộ trưởng theo chủ nghĩa cải cách và chủ tịch hạ viện cũng phải rút khỏi chính trường. Chính phủ mới của Myanmar không còn chính trị gia nào xuất thân từ quân đội có thể trở thành "đê chắn sóng" cho bà Suu Kyi.

Mối quan hệ Suu Kyi và Min Aung Hlaing, người vẫn giữ chức tổng tư lệnh nhờ gia hạn tuổi nghỉ hưu, nhanh chóng xấu đi liên quan tới vấn đề người Rohingya, nhóm thiểu số Hồi giáo ở Myanmar. Các cuộc gặp thường xuyên giữa họ dừng lại vào năm 2018.

Biểu tình đòi thả bà Aung San Suu Kyi ở thành phố Yangon hôm 25/2. Ảnh: AP.

Sau đó cuộc đảo chính 1/2 xảy ra. Khi các lãnh đạo có tư tưởng cải cách trong quân đội đã từ chức, "quá trình ra quyết sách bởi giới lãnh đạo từng khiến Suu Kyi thấy ngột ngạt đã hồi sinh", Kudo nói.

Trong 5 năm cầm quyền, chính quyền Thein Sein đã thành công hơn bất kỳ ai. Trong 5 năm sau đó, khó có thể nói chính quyền bà Suu Kyi đã giành được những thành tựu tốt hơn người tiền nhiệm, theo Takahashi.

Ông nhận định việc quân đội nghĩ dựa vào những gì xảy ra trong chính quyền Thein Sein, họ có khả năng điều hành đất nước tốt hơn bà Suu Kyi, cũng như thất bại đáng kinh ngạc trong hai cuộc bầu cử vừa qua, dường như là động lực thúc đẩy cho cuộc đảo chính.

"Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa nó có thể trở thành cái cớ hợp lý cho cuộc đảo chính. Và với những cuộc biểu tình không dứt, quân đội dường như không còn giải pháp nào khác cho cuộc khủng hoảng chính trị ngoại trừ việc chĩa súng về phía người dân", Takahashi viết.

Thanh Tâm [Theo Nikkei Asia]

Video liên quan

Chủ Đề