Teo cơ delta tại sao

Ngày 5-1, tại cuộc họp đầu tiên về hiện tượng “chim sệ cánh”- một hiện tượng bệnh nhi bị teo cơ Delta tại Hà Tĩnh, các chuyên gia y tế thông báo: đã phát hiện được bệnh nhi bị “sệ cánh” ở nhiều địa phương ngoài Hà Tĩnh.

“Chim sệ cánh”: liên quan đến sau tiêm kháng sinh ở trẻ em?

Những bệnh gây biến dạng vùng cổ - vai thường gặp

Bả vai hình cánh: có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải như sốt bại liệt, chấn thương cơ hoặc tổn thương thần kinh ngực dài, cơ răng bị teo và thoái hóa.

Bệnh vẹo cổ: vẹo cổ do co rút cơ ức đòn chũm bẩm sinh; vẹo cổ Griseli do viêm đốt sống cổ 1.

Bệnh xương bả vai bị co rút lên cao: bệnh do bẩm sinh làm xương bả vai bị kéo lên cao so với bình thường 4-5cm.

Bệnh cổ hình cánh: bệnh bẩm sinh ở vùng cổ - vai nhưng không làm ảnh hưởng đến chức năng của khớp vai.

Theo TS Đặng Tự (Bệnh viện Nhi T.Ư), không chỉ ở Hà Tĩnh (đã có trên 447 bệnh nhân được xác định bị teo cơ Delta) mà trong năm 2005 này, Bệnh viện Nhi T.Ư đã tiếp nhận hơn 170 trẻ đến khám và điều trị xơ hóa cơ Delta từ nhiều địa phương như Sơn La, Hà Tĩnh, Phú Thọ...

Bệnh viện Nhi T.Ư đã giới thiệu hai trường hợp xơ hóa cơ Delta điển hình, một là em V., 18 tuổi ở Hà Nội, hai là một bệnh nhân 17 tuổi đến từ Phú Hộ, Phú Thọ. Hai bệnh nhân này đều có sáu biểu hiện: vận động khớp vai hạn chế, khó khép được cánh tay vào thành ngực; khi khép cánh tay vào nách, xương bả vai nhô ra phía sau; cơ Delta kém phát triển và khi đưa hai cánh tay ở tư thế vuông góc với thân, hai khuỷu tay không thể chạm vào nhau như người bình thường...

Theo các bác sĩ, Việt Nam chưa có tài liệu nghiên cứu hay báo cáo của các tác giả nghiên cứu hoặc mô tả về bệnh xơ hóa cơ Delta. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư đã tìm thông tin trên mạng Internet và được biết: thoái hóa cơ Delta đều xảy ra sau tiêm thuốc vào vùng cơ Delta mà các thuốc sử dụng thường gặp là peniciline, steptomycin, lincomycin, thuốc ở dạng có dầu và các thuốc giảm đau.

Khi hiện tượng “chim sệ cánh” ở Hà Tĩnh được nêu trên công luận, có ý kiến cho rằng xơ hóa cơ Delta là do hậu quả của tiêm phòng vắc xin? Tuy nhiên, TS Cao Văn Viên - Phó Viện trưởng Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, thành viên đoàn chuyên gia y tế đã tới kiểm tra thực địa tại Hà Tĩnh - cho rằng: có hai lý do khiến ông nhận định sơ bộ căn bệnh này không phải do căn nguyên tiêm chủng vắc-xin.

Thứ nhất, theo ông Viên, phần lớn (72%) bệnh nhi bị teo cơ Delta đã phát hiện đến nay đều teo ở cả hai bên tay. Thứ hai là tại một xóm ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, nơi đoàn chuyên gia đến khảo sát đã phát hiện 4-5 trường hợp 40-70 tuổi cũng bị teo cơ Delta, trong khi chương trình tiêm chủng mới được bắt đầu thực hiện tại Việt Nam từ năm 1985. Còn tại Bệnh viện Nhi T.Ư, các bác sĩ đã tìm hiểu trên 62 trẻ bị xơ hóa cơ Delta đến khám và điều trị trong năm 2005 và nhận xét sơ bộ căn bệnh này có liên quan đến sau tiêm kháng sinh trong cơ Delta ở trẻ em.

GS.TS Trương Việt Dũng, Vụ trưởng Vụ Khoa học đào tạo (Bộ Y tế), cho rằng môi trường cũng là một trong những nguyên nhân cần được xem xét. Tuy nhiên, đại diện Vụ Điều trị (Bộ Y tế) lại cho biết Bộ Y tế đã nhận được báo cáo của cơ quan môi trường, khẳng định môi trường vùng Nghi Xuân, Hà Tĩnh không có gì khác thường. Chính bởi vậy, Bộ Y tế đã nhanh chóng “đặt hàng” ba cơ quan Bệnh viện Nhi T.Ư, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và ĐH Y tế công cộng, nhằm nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này và cách thức điều trị, dự phòng bệnh.

Có thể do trẻ bị nhiễm siêu vi trùng?

Trong khi đó TS.BS Lê Đức Tố - nguyên chủ nhiệm bộ môn ngoại và chấn thương chỉnh hình Đại học Y Thái Bình - cho rằng không thể do tiêm chích khi trẻ bị bệnh, vì không phải chỉ trẻ em ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh mới có tiêm chích. Cũng không thể do ảnh hưởng của vùng khí hậu, vì rải rác ở các nơi khác cũng gặp những trẻ em bị bệnh này. Nguyên nhân do tiêm vắc-xin quá sâu vào cơ (thay vì tiêm dưới da) hoặc do vắc-xin không đảm bảo chất lượng cũng là một lý do cần được xem xét.

Tiến sĩ Tố giả thiết bệnh này là do khớp vai của trẻ em còn non nớt, rất nhạy cảm với những tác động từ bên ngoài. Nó giống như một búp chồi non dễ bị nhiều yếu tố làm cho bị cong vẹo. Bệnh sệ vai lúc này đã giống như một vụ dịch, mà đã thành dịch thì chỉ có thể do vi trùng hoặc siêu vi trùng.

Nếu khớp vai bị nhiễm vi trùng thì triệu chứng sẽ rất rầm rộ, như sốt cao, sưng tấy hoặc ápxe. Còn do siêu vi trùng thì không rõ những triệu chứng trên - trừ khi có thể sốt nhẹ thoáng qua mà bệnh nhân không để ý tới. Khi siêu vi trùng tác động vào bao khớp và sụn khớp vai ở trẻ em có thể bước đầu làm vai cử động không bình thường. Vai có thể bị nghiêng đi ở mức độ chưa nặng trong thời gian đầu. Sau đó các cơ ở vùng bả vai mới bị co rút dần, đặc biệt là cơ Delta.

Co rút càng lâu ngày vai càng sệ xuống, làm biến dạng xương bả vai, nặng hơn sẽ biến dạng cả lồng ngực. Bệnh này cũng như một số bệnh mắc phải ở vùng cổ - vai trẻ em thường thấy xuất hiện ở lúc 5 hoặc 6 tuổi. Thời gian đầu sự co rút chưa rõ ràng. Khi càng lớn, sự co rút rõ dần lên, cho đến lúc 9-10 tuổi thì càng rõ hơn.

Phòng và phát hiện bệnh sớm như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, chủ nhiệm đề tài, cho biết:

- Có thể phát hiện sớm bệnh nhi bị teo cơ Delta, bởi nếu để bệnh tiến triển sẽ ngày càng nặng. Những người bị hạn chế động tác khớp vai, đặc biệt là động tác khép cánh tay vào thành ngực nên đi khám để được phát hiện bệnh sớm và chữa trị kịp thời. Những bệnh nhân được phát hiện sớm có thể điều trị bằng phục hồi chức năng.

* Thưa ông, nếu bệnh được phát hiện muộn thì có thể điều trị như thế nào và hiệu quả ra sao?

- Cuối tháng mười hai vừa qua, các bác sĩ của chúng tôi đã về Hà Tĩnh phẫu thuật cho 100 bệnh nhi. Có nhiều phương pháp phẫu thuật để điều trị căn bệnh này, như đoàn bác sĩ ở phía Nam ra đã nêu một phương pháp phẫu thuật đơn giản, thời gian phẫu thuật ngắn và hôm sau bệnh nhân có thể ra viện, còn chúng tôi chọn phương pháp phẫu thuật “tạo hình chữ Z”, nhằm mục đích bảo vệ chức năng nhóm cơ ở giữa. Chi phí cho loại phẫu thuật này cũng không cao, chỉ 1 triệu đồng/ca. Qua theo dõi các bệnh nhi đã được phẫu thuật, chúng tôi thấy các cháu đều phục hồi rất tốt.

* Đang có nhiều nghi vấn liên quan đến căn bệnh này, thậm chí có người còn cho đó là “bệnh lạ”, các ông sẽ tập trung vào vấn đề nào trong nghiên cứu, thưa ông?

- Xuất phát của vấn đề là có nhiều cháu bị “sệ cánh” nhưng điều trị không phải là vấn đề lớn. Vấn đề là biện pháp phòng ngừa và Bộ Y tế cũng “đặt hàng” như vậy, nhưng trước hết là phải điều tra xem tỷ lệ, đặc tính phân bố và các yếu tố liên quan. Thế giới cũng đã có những chẩn đoán ban đầu về căn bệnh này là xơ hóa cơ Delta sau tiêm (tiêm vắc xin, tiêm kháng sinh...), nhưng đến nay tất cả chỉ mới là những giả thiết.