Thái độ của Hồn Trương Ba trước vấn đề Tôi muốn được là tôi toàn vẹn được thể hiện như thế nào

I. Tiểu dẫn

- Lưu Quang Vũ [1948 - 1988], quê ở Đà Nẵng, là một nghệ sĩ đa tài trong nhiều lĩnh vực như làm thơ, viết kịch, sáng tác truyện ngắn, vẽ tranh…

- Năm 2000, ông được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

- Tác phẩm tiêu biểu: Kịch [Lời nói dối cuối cùng, Lời thề thứ 9, Tôi và chúng ta…], thơ [Và anh tồn tại, Vườn trong phố, Bầy ong trong đêm sâu...].

- Vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt được viết năm 1981 và ra mắt công chúng năm 1984, đoạn trích [SGK] nằm ở cảnh VII và đoạn kết của vở kịch.

II. Văn bản [SGK]

1. Hàm ý qua đoạn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt

- Trước khi diễn ra cuộc đối thoại giữa hồn và xác, nhà viết kịch đã để cho hồn Trương Ba "ngồi ôm đầu một hồi lâu rồi vụt đứng dậy" với một lời độc thoại khẩn thiết:

"Tôi không muốn sống như thế này mãi! Tôi chán cái chỗ ở không phải là của tôi lắm rồi! Cái thân kềnh càng, thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi, ta muốn rời xa mi tức khắc!".

- Hồn Trương Ba đang ở trong tâm trạng vô cùng bức bối, đau khổ, những câu cảm thán ngắn, dồn dập cùng với ước nguyện khắc khoải, bồn chồn đã nói lên điều đó. Hồn bức bối bởi không thể nào thoát ra khỏi thân xác mà hồn ghê tởm. Trương Ba bây giờ đâu còn là một người làm vườn chăm chỉ, hết lòng thương yêu vợ con, quan tâm tới hàng xóm láng giềng như ngày trước. Ông Trương Ba được mọi người kính trọng đã chết rồi. Trương Ba bây giờ vụng về, thô lỗ, phũ phàm.

- Trong cuộc đối thoại với xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba ở vào thế yếu, đuối lí, bởi xác nói những điều mà dù muốn hay không thì hồn vẫn phải thừa nhận. Đó là cái đêm khi ông đứng cạnh vợ anh hàng thịt với "tay chân run rẩy", "hơi thở nóng rực", "cố nghẹn lại" và "suýt nữa thì...". Đó là cái lần ông tát thằng con ông "tóe máu mồm máu mũi...”. Xác anh hàng thịt gợi lại tất cả sự thật ấy khiến hồn càng cảm thấy xấu hổ, cảm thấy mình ti tiện. Trong cuộc đối thoại này, cái xác thắng nên rất hả hê với giọng điệu mỉa mai, lên mặt dạy đời, chỉ trích, châm chọc. Hồn chỉ buông những lời thoại ngắn với giọng nhát gừng kèm theo tiếng than, tiếng kêu. Không chỉ đau khổ, hồn còn xấu hổ trước những lời nói công khai của xác mà trước đó hồn đã cảm thấy mà không muốn nói ra, không muốn thừa nhận.

2. Thái độ của Trương Ba trước những rắc rối

- Nỗi đau khổ, tuyệt vọng của hồn Trương Ba càng được đẩy lên khi đối thoại với những người thân. Vợ ông giờ đây buồn bã và nhất quyết đòi bỏ đi, bà đã nói ra điều mà chính ông cũng cảm nhận được "Ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa".

- Cái Gái cháu ông một mực khước từ tình thân [Ông nội tôi chết rồi]. Cái Gái yêu quý ông bao nhiêu thì bây giờ nó không thể chấp nhận cái con người có "bàn tay giết lợn", bàn chân "tò bè như cái xẻng" đã làm "gãy tiệt cái chồi non", "giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm" trong mảnh vườn của ông nội nó. Nó hận ông vì ông chữa cái diều cho cu Tị mà làm gãy nát khiến cu Tị trong sốt mê man cứ khóc, cứ tiếc, cứ bắt đền. Với nó "ông nội đời nào thô lỗ, phũ phàng như vậy". Nỗi giận dữ của cái Gái biến thành sự xua đuổi quyết liệt "Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi!".

- Người con dâu là người sâu sắc, chín chắn, hiểu điều hơn lẽ thiệt. Chị biết ông "khổ hơn xưa nhiều lắm". Nhưng nỗi buồn trước cảnh gia đình "như sắp tan hoang" khiến chị không thể bấm bụng, chị đã thốt thành lời "Thầy bảo con: Cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong, nhưng thầy ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy... mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần… có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa".

- Tất cả những người thân yêu của hồn Trương Ba đều nhận ra nghịch cảnh trớ trêu, ngày chôn xác Trương Ba xuống đất họ đau, họ khổ, nhưng "cũng không khổ bằng bây giờ".

Sau những đối thoại ấy, mỗi nhân vật bằng cách nói riêng đã khiến hồn Trương Ba không thể chịu nổi. Nỗi cay đắng với bản thân mình cứ lớn dần... lớn dần, muốn đứt tung, muốn vọt trào. Đặc biệt sau hàng loạt câu hỏi có vẻ tuyệt vọng của con dâu "Thầy ơi, làm sao giữ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ tốt lành như thầy của chúng con ngày xưa kia? Làm thế nào, thầy ơi?".

- Tác giả đã để cho hồn Trường Ba trơ trọi với nỗi đau khổ, tuyệt vọng lên đến đỉnh điểm với những lời độc thoại đầy chua chát, quyết liệt "Mày đã thắng thế rồi, cái thân xác không phải của ta ạ... Nhưng lẽ nào ta lại phải chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình?... Có thật không còn cách nào khác? Không cần đến đời sống do mày đem lại! Không cần!". Đây là lời độc thoại có tính chất quyết định tới hành động châm hương gọi Đế Thích một cách dứt khoát.

3. Ý nghĩa của màn đối thoại giữa Trương ba và Đế Thích

- Cuộc trò chuyện giữa hồn Trương Ba và Đế Thích trở thành nơi tác giả gửi gắm những quan niệm về hạnh phúc, về lẽ sống và cái chết.

+ Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn...

+ Sống nhờ vào đồ đạc, của cải của người khác đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ vào anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông không cần biết.

- Người đọc, người xem có thế nhận ra những ý nghĩa triết lí sâu sắc và thấm thía qua lời thoại.

+ Con người là một thể thống nhất, hồn và xác phải hài hòa, không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thân xác phàm tục, tội lỗi. Khi con người bị chi phối bởi những nhu cầu bản năng của thân xác thì đừng đổ tội cho thân xác.

+ Khi sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá, khi không được là chính mình thì cuộc sống ấy thật vô nghĩa. Những lời thoại của hồn Trương Ba với Đế Thích chứng tỏ nhân vật đã ý thức rõ về tình cảm trớ trêu, bi hài của mình, thấm thía nỗi đau khổ ngày càng lệch giữa hồn và xác, đồng thời càng chứng tỏ quyết tâm giải thoát của nhân vật trước lúc Đế Thích xuất hiện.

4. Trương Ba từ chối nhập vào xác cu Tị

- Quyết định dứt khoát xin Đế Thích cho cu Tị sống lại, cho mình được chết hẳn là kết quả của một quá trình diễn biến hợp lí. Quyết định này cần phải đưa ra kịp thời vì cu Tị vừa mới chết, hồn Trương Ba thử hình dung cảnh mình lại nhập vào xác của cu Tị và thấy rõ "bao nhiêu sự rắc rối" vô lí lại tiếp tục xảy ra. Nhận thức tỉnh táo ấy cùng tình thương mẹ con cu Tị càng khiến hồn Trương Ba quyết định dứt khoát. Quyết định này khiến cho thấy Trương Ba là con người nhân hậu, sáng suốt, giàu lòng tự trọng.

- Cái chết của Cu Tị có ý nghĩa đẩy nhanh diễn biến kịch, quá trình đi đến quyết định dứt khoát của nhân vật hồn Trương Ba đảm bảo được tính tự nhiên, hợp lí của tác phẩm.

5. Cảm nghĩ sau khi đọc đoạn trích

- Không chỉ có ý nghĩa triết lí về nhân sinh, về hạnh phúc con người, vở kịch nói chung và đoạn kết nói riêng đã góp phần phê phán một số biểu hiện trong lối sống lúc bấy giờ.

+ Con người đang có nguy cơ chạy theo ham muốn tầm thường về vật chất, chỉ thích hưởng thụ đến nỗi trở nên phàm phu, thô thiển. 

+ Lấy cớ đời sống tinh thần là đáng quý trọng mà không chăm lo thích đáng đến sinh hoạt vật chất, không phấn đấu vì hạnh phúc toàn vẹn. Đây là biểu hiện của chủ nghĩa duy tâm chủ quan, của sự lười biếng. Cả hai quan niệm, cách sống trên đều cực đoan, đáng phê phán.

+ Ngoài ra, vở kịch còn đề cập đến một số vấn đề không kém bức xúc, đó là tình trạng con người phải sống giả, không dám, cũng không được sống với thực chất bản thân mình. Đó cũng là nguy cơ đẩy con người đến chỗ bị tha hóa do danh và lợi.

- Với những ý nghĩa đó, đoạn trích rất tiêu biểu cho phong cách viết kịch của Lưu Quang Vũ.

Page 2

SureLRN

Phóng to
Xem lại bài trước khi vào phòng thi - Ảnh: Như Hùng

Tải file đề thi và bài giải môn ngữ văn 2014

Đề thi chính thức

I. ĐỌC HIỂU [3,0 điểm]

Những ngày đầu tháng 5/2014, Trung Quốc ngang nhiên xâm nhập và hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế và quyền tài phán của Việt Nam, có những hành động hung hăng cản phá lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển [UNCLOS] năm 1982. Trước tình hình đó, trái tim của hơn 90 triệu người dân Việt Nam ở trong nước, hơn 4 triệu kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới luôn nóng bỏng hướng về Biển Đông, hướng về Hoàng Sa và Trường Sa, dõi theo từng tin tức được truyền đi từ hiện trường vụ việc.

Những ngày qua, chúng ta lại một lần nữa chứng kiến tinh thần yêu nước trong mỗi một người dân Việt Nam, kiều bào ta ở nước ngoài, thể hiện sự đoàn kết trong quyết tâm bảo vệ vùng biển, đảo, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, lên án mạnh mẽ những hành động sai trái, phi lý của Trung Quốc. Tuy nhiên, trước tình hình hiện nay chúng ta phải bình tĩnh, sáng suốt nhận định những sự kiện đang diễn ra trên Biển Đông để có hành động phù hợp.

[Bình tĩnh, sáng suốt thể hiện lòng yêu nước - Nguyễn Thế Hanh,

Báo Giáo Dục & Thời đại số 116 ra ngày 15 - 5 - 2014]

Đọc văn bản trên và thực hiện các yêu cầu sau:

1. Nêu những ý chính của văn bản

2. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản. Việc dùng các từ được gạch dưới trong câu: “Những ngày đầu tháng 5/2014, Trung Quốc ngang nhiên xâm nhập và hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế và quyền tài phán của Việt Nam, có những hành động hung hăng cản phá lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển [UNCLOS] năm 1982.” có hiệu quả diễn đạt như thế nào?

3. Viết một đoạn văn ngắn bày tỏ thái độ của anh/chị về sự kiện trên.

II. LÀM VĂN [7,0 điểm]

Trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ có đoạn:

Hồn Trương Ba: Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!

Đế Thích: Sao thế? Có gì không ổn đâu!

Hồn Trương Ba: Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.

Đế Thích: Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông. Ông đã bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào. Thân thể thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù gì của ông đâu!

Hồn Trương Ba: Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!

[Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013, tr. 149]

Phân tích khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn trích trên. Từ đó, trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề : con người cần được sống là chính mình.

Bài giải gợi ý

I. ĐỌC HIỂU [3,0 điểm]

1. Nêu những ý chính của văn bản:

- Việc hạ đặt giàn khoan HD 981 ở vùng biển Việt Nam là trái phép.

- Hành động hung hăng cản phá lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam là vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

- Trái tim hơn 90 triệu người dân Việt Nam trong nước, hơn 4 triệu kiều bào Việt kiều ở nước ngoài, và nhân dân tiến bộ của thế giới luôn hướng về Biển Đông, hướng về Hoàng Sa và Trường Sa với một tâm trạng nhiều bức xúc và âu lo.

- Một lần nữa, chúng ta được chứng kiến tinh thần yêu nước và đoàn kết trong mỗi người dân Việt Nam; chứng kiến được lòng quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc và lên án mạnh mẽ hành động sai trái, phi lí của Trung Quốc.

- Trước tình hình hiện nay chúng ta phải bình tĩnh sáng suốt để có hành động phù hợp.

2. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản:

Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận biểu hiện trong một bài bình luận trên báo về một vấn đề chính trị, thời sự.

Việc sử dụng các từ được gạch dưới trong văn bản tạo được sắc thái biểu cảm, gây được hiệu quả truyền cảm; qua đó nêu bật được thái độ hung hăng sai trái, trắng trợn của Trung Quốc khi hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trên vùng lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam.

3. Viết đoạn văn ngắn bày tỏ thái độ của anh/chị về sự kiện trên:

Đây là một yêu cầu nằm trong phần đọc hiểu [3,0 điểm]. Vì thế, thí sinh nên thực hiện đúng yêu cầu viết một đoạn văn ngắn để bày tỏ thái độ của mình về sự kiện trên.

Thí sinh có thể viết với những nội dung cụ thể khác nhau. Tuy nhiên, phải biểu hiện tập trung được thái độ của bản thân. Sau đây là một ví dụ gợi ý.

Ngay từ khi còn bé chúng ta đã được dạy về lòng yêu nước. Những câu nói như : “… thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước…”, “… Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách…” cũng như những lời thơ trong bài Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong suy nghĩ của những người dân Việt.

Tình hình nghiêm trọng đã và đang xảy ra ở Biển Đông đã đánh thức lòng yêu nước, sự căm giận và sự trăn trở đối với những con người biết yêu chuộng hòa bình. Lứa tuổi học sinh chúng em cũng không thể nào vô cảm và làm ngơ trước những biến động lớn lao của đất nước.

Chúng ta phải nhận thức rõ hành động ngang ngược của Trung Quốc là vi phạm chủ quyền thiêng liêng của đất nước, vi phạm luật pháp quốc tế. Chúng ta ủng hộ các hoạt động của chính phủ, của các cơ quan thông tấn trong và ngoài nước, của lực lượng kiểm ngư, tầm soát biển, của ngư dân… trong việc đấu tranh trên thực địa cũng như trên các mặt trận ngoại giao, chính trị… ở trong nước cũng như các diễn đàn quốc tế.

Yêu nước nhưng chúng ta phải bình tĩnh, sáng suốt trước diễn biến và tình hình không để kẻ xấu lợi dụng, kích động; không để lòng yêu nước cực đoan điều khiển, chi phối dẫn đến những hành động “giận cá chém thớt”, gây rối, phá phách… ảnh hưởng xấu đến sự ổn định và uy tín của đất nước.

Chúng ta phải yêu nước một cách chính đáng, sáng suốt; phải phân biệt nhân dân Trung Quốc với những kẻ hiếu chiến, ngạo mạn trong giới cầm quyền Trung Quốc. Trong phạm vi cụ thể, chúng ta cần tham gia những hành động thiết thực như đóng góp ủng hộ các ngư dân, lực lượng kiểm ngư, lực lượng cảnh sát biển… nơi đầu sóng ngọn gió; giúp đỡ gia đình của những người trong các lực lượng nói trên để họ yên tâm hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tổ quốc.

Chúng ta cũng cần có tinh thần và thái độ sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của tổ quốc khi cần thiết: gia nhập lực lượng vũ trang…

II. LÀM VĂN [7,0 điểm]

A. GIỚI THIỆU VẤN ĐỀ

- Vị trí của tác giả trong đời sống văn học nghệ thuật và phong cách sáng tác.

- Nêu chủ đề tác phẩm

- Yêu cầu của đề : khát vọng sống của nhân vật Hồn Trương Ba và suy nghĩ của bản thân thí sinh được sống là chính mình.

B. PHÂN TÍCH [Thí sinh cần làm rõ 2 luận điểm ]

1. Khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba :

a] Khái quát vở kịch :

- Đây là vở kịch nói về tấn bi kịch của con người không được sống là chính mình, được tác giả Lưu Quang Vũ xây dựng, khắc họa chân thực, sinh động và giàu tính triết lý qua điển hình nhân vật Hồn Trương Ba.

b] Vị trí đoạn trích :

- Thuộc cảnh 7 phần kết của vở kịch - viết về cuộc đối thoại giữa Hồn Trương Ba với Đế Thích

c] Sự tắc trách của thế lực cầm quyền [Nam Tào, Bắc Đẩu, Đế Thích]

- Cái chết của Trương Ba xuất phát từ sự tắc trách của Nam Tào.

- Trương Ba phải sống nhờ trong xác anh hàng thịt xuất phát từ sự tùy tiện của Đế Thích.

- Khi Trương Ba muốn rời khỏi xác anh hàng thịt, thì Đế Thích tiếp tục muốn cho ông nhập vào xác Cu Tỵ, điều đó thể hiện thế lực cầm quyền đi từ sai lầm này đến sai lầm khác.

d] Diễn biến tâm lý nhân vật và khát vọng sống:

- Đau khổ, dày vò vì phải rơi vào cảnh hồn và xác “chia lìa đôi ngã”.

- Bản thân bị gia đình xa lánh, vì từ con người thanh cao trở nên thô lỗ trong tính cách.

- Trách móc thái độ vô cảm “ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!”.

- Trăn trở và khát vọng sống cháy bỏng “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”.

Qua đó, tác giả ngợi ca trước khi chết, Hồn Trương Ba có một nhân sinh quan cao đẹp khi chấp nhận từ chối cuộc sống vay mượn giả dối.

2. Suy nghĩ của bản thân về vấn đề “con người được sống là chính mình

[Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng phải đảm bảo những ý chính sau đây. Đồng thời đây là bài nghị luận tích hợp giữa nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Vì vậy, thí sinh cần linh hoạt liên kết cho hợp lý]

- Con người là một chỉnh thể thống nhất [thể chất và tâm hồn].

- Quan niệm xưa: đề cao phần hồn.

- Quan niệm hiện đại : đặt ngang tầm giá trị của thể chất và tâm hồn [không thể có một tâm hồn lành mạnh sáng suốt khi thể chất yếu ớt đau ốm].

- Hậu quả của việc không được sống là chính mình:

+ Bị lệ thuộc vào người khác, mất quyền được sống chân chính.

+ Nhân cách có nguy cơ bị tha hóa, có thể bị những thế lực xấu sai khiến gây nguy hại cho xã hội.

+ Ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, gây đau khổ cho người thân.

- Ý nghĩa của việc được sống là chính mình:

+ Được tự do suy nghĩ, mơ ước, hành động và phát triển các năng lực.

+ Được tôn trọng.

+ Góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng bền vững.

3. Nhận định chung:

- Khát vọng sống là chính mình của Hồn Trương Ba là khát vọng chính đáng, cần được tôn trọng và phát huy.

- Tác giả Lưu Quang Vũ đã chọn được một đề tài vừa mang tính thời sự, vừa có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Từ đó tác giả đã nêu lên được một triết lý sống đẹp đẽ đối với mọi thời đại.

- Trong cuộc sống hiện nay, con người được khuyến khích phát huy mọi khả năng của bản thân. Học sinh nói riêng, tuổi trẻ nói chung cần có nhu cầu “được sống là chính mình”; cần có ý thức khẳng định “cái tôi cá nhân” – không phải tự tôn, đề cao bản thân.

III. Kết luận:

- Ngợi ca nhân sinh quan cao đẹp của Hồn Trương Ba.

- Bản thân mỗi người cần sống trung thực, tránh lối sống vay mượn, giả dối.

- Sức sống của tác phẩm đối với độc giả hiện nay.

[Trường THPT Vĩnh Viễn]

LÝ TÚ ANH  - PHAN THỊ THANH

Video liên quan

Chủ Đề