Thai nhi trên 4kg có tốt không

Cân nặng khi sinh của trẻ không chỉ ảnh hưởng tới các vấn đề về sức khỏe mà còn có liên quan đến trí thông minh của em bé khi lớn lên. Vậy cân nặng khi sinh của trẻ bao nhiêu là tốt, và làm thế nào để kiểm soát tốt cân nặng trong thai kỳ?

Cân nặng khi sinh là một yếu tố ảnh hưởng tới chỉ số thông minh của trẻ

Cân nặng khi sinh ảnh hưởng tới chỉ số thông minh của trẻ ra sao?

Một số nghiên cứu chỉ ra những em bé có trọng lượng khi sinh lớn hơn một chút thì có lợi đáng kể về trí thông minh khi lớn lên. Giả thiết đặt ra đó là bởi trẻ sinh ra với cân nặng lớn hơn đã được nuôi dưỡng tốt hơn ở giai đoạn phát triển não bộ khi còn ở trong bụng mẹ.

Một nghiên cứu của Viện nghiên cứu Đại học Northwestern – Mỹ đã sử dụng dữ liệu của tất cả trẻ em sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1992 đến 2002 tại Florida để khám phá tác động của cân nặng khi sinh đến chỉ số IQ của trẻ. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, nếu bỏ qua các  yếu tố gia đình, chất lượng trường học thì cân nặng khi sinh có tác động đến nhận thức thông qua việc học hành.

Đó không phải là nghiên cứu duy nhất tìm ra mối liên hệ giữa những em bé có cân nặng khi sinh lớn hơn và một kết quả học tập tốt hơn. Một công trình nghiên cứu khác được đăng trên Tạp chí Y khoa Anh quốc [British Journal of Medicine], thực hiện bởi Hội đồng nghiên cứu Y khoa Anh quốc chỉ ra rằng cân nặng khi sinh có ảnh hưởng đến chỉ số IQ, ít nhất là cho đến năm 26 tuổi. Các nhà nghiên cứu đã xem xét trên 3.900 người sinh ra trong năm 1946, được theo dõi từ khi sinh ra và có các bài kiểm tra IQ vào năm 8, 11, 15, 26 và 43 tuổi. Nghiên cứu chỉ bao gồm trẻ có cân nặng trên 2,4kg, được cho là cân nặng khi sinh bình thường. Những người ở nhóm có cân nặng  lớn hơn có kết quả chỉ số IQ cao hơn, bất kể giới tính, cân nặng, giáo dục của cha mẹ hay tầng lớp xã hội.

Bảng: cân nặng khi sinh ảnh hưởng tới chỉ số thông minh của trẻ

Trẻ sinh ra có cân nặng lớn hơn thì phát triển trí thông minh tốt hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là thai nhi càng nặng thì càng tốt. Sinh con nhẹ cân hay thai quá to đều có những nguy cơ bệnh tật.

Nguy cơ khi sinh con nhẹ cân

Những em bé sinh ra với cân nặng dưới 2,5kg thì được coi là nhẹ cân. Nguyên nhân của sinh con nhẹ cân chủ yếu là do sinh non, thiếu dinh dưỡng khi mang thai, tuổi của mẹ, đa thai…Trẻ sinh ra thiếu cân có thể có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý, dưới đây là một số những vấn đề phổ biến:

  • Không có khả năng duy trì thân nhiệt do lớp mỡ không đủ.
  • Hệ thống miễn dịch yếu, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.
  • Vấn đề về thần kinh: trẻ sinh nhẹ cân không được cung cấp đủ chất để phát triển hệ thống thần kinh. Theo nghiên cứu, trẻ nhẹ cân có tỉ lệ mắc trầm cảm, tâm thần phân liệt cao hơn trẻ bình thường.
  • Khó ăn và khó tăng cân
  • Vấn đề về đường hô hấp, đặc biệt là hội chứng suy hô hấp khi sinh: thường gặp ở các bé nhẹ cân, non tháng. Các bé bị hội chứng suy hô hấp sơ sinh sẽ có nhiều nguy cơ tiến triển thành hen suyễn khi lớn lên.
  • Vấn đề về tiêu hóa: viêm ruột hoại tử [thường gặp ở trẻ sinh non, nhẹ cân]
  • Hội chứng đột tử trẻ sơ sinh [SIDS]

Hầu hết tất cả trẻ sinh nhẹ cân đều cần được chăm sóc tích cực cho đến khi đạt được cân nặng bình thường và có đủ sức khỏe mới được cho về nhà.

Nguy cơ khi thai quá to

Nếu thai có trọng lượng quá lớn thì cũng gặp nhiều vấn đề, trong đó phải kể đến:

  • Nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường và tim mạch ở cả mẹ và thai nhi.
  • Tăng nguy cơ béo phì.
  • Khó khăn khi sinh: thai quá to mẹ thường phải sinh mổ và trẻ có nguy cơ gãy xương vai, chấn thương và gặp các vấn đề hô hấp khi sinh ra.
  • Nguy cơ mắc bệnh bạch cầu: trọng lượng khi sinh cao có liên quan tới tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu lympho bào cấp tính [ALL], đặc biệt là ở trẻ sinh ra với cân nặng trên 4kg.

Theo TS.BS.Đinh Bích Thủy – Trưởng khoa khám bệnh theo yêu cầu – Bệnh viện Phụ sản trung ương, với vóc dáng của người phụ nữ Việt Nam thì cân nặng của thai nhi trong khoảng 2,8-3,8kg là tốt nhất.

Bổ sung dinh dưỡng khi mang thai để đảm bảo sự phát triển trí não cho thai nhi

Chế độ dinh dưỡng khi mang thai rất quan trọng đối với sự phát triển thể chất và trí tuệ của thai nhi

Cân nặng khi sinh chỉ là một trong số các yếu tố ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ, tuy nhiên lại là yếu tố chúng ta có thể kiểm soát được khi mang thai để em bé có một khởi đầu tốt nhất.

Dinh dưỡng trong thai kỳ có liên quan mật thiết tới sự phát triển và cân nặng khi sinh của em bé, vì vậy các mẹ bầu cần đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống trong thai kỳ. Cung cấp đủ dinh dưỡng qua chế độ ăn hàng ngày để em bé được cung cấp đủ chất, đảm bảo trọng lượng khi sinh.

Tuy nhiên, chế độ ăn hàng ngày của phụ nữ mang thai tại Việt Nam thường không cân bằng và rất dễ thiếu một số vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển thể chất cũng như trí não của em bé. Vì vậy việc bổ sung thêm các vi chất qua thuốc bổ tổng hợp chuyên dùng cho bà bầu là cần thiết.

Ngoài ra, để tránh nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân, ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ sau này, các mẹ bầu cần nói không với rượu bia, thuốc lá và các chất độc hại khác. Kết hợp với việc duy trì một chế độ vận động hợp lý để nâng cao sức khỏe, phòng tránh bệnh tật khi mang thai có thể ảnh hưởng tới thai nhi.

Xem thêm: Bà bầu ăn gì cho con thông minh | Bí quyết giúp con thông minh từ trong bụng mẹ

Tóm lại: cân nặng khi sinh là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số thông minh của trẻ khi lớn lên. Tuy không mang tính chất quyết định đến trí thông minh của trẻ nhưng đó là yếu tố chúng ta có thể kiểm soát được thông qua chế độ dinh dưỡng cân bằng và bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất qua thuốc bổ bà bầu kết hợp cùng chế độ vận động hợp lý. Vì vậy các mẹ bầu thông thái đừng bỏ qua chi tiết này để con có được một khởi đầu về trí tuệ tốt nhất nhé.

BS. Thu Phương

Tài liệu tham khảo:

1. Smithers, Lisa. “The Effects of Poor Neonatal Health on Children’s Cognitive Development.” Institute for Policy Research, Northwestern University. Web. Accessed Oct 19, 2014.

2. University of Adelaide. “IQ link to baby’s weight gain in first month.” Science Daily. 18 June 2013. Web. Accessed Oct 19, 2014.

3. Ross, Emma. “Study Links Birth Weight to Intelligence.” Los Angeles Times. Jan 21, 2001. Associated Press. Web. Accessed Oct 19, 2014.

Chủ Đề