Tháp mười đẹp nhất bông sen việt nam đẹp nhất có tên bác hồ được sáng tác vào ngày tháng năm nào

Bàn tròn văn nghệ

Trả tên tác giả cho những câu thơ

Cập nhật lúc 14:55, Thứ Tư, 16/05/2012 [GMT+7]

Những câu thơ hay như những viên ngọc quý lấp lánh trong một bài thơ, bộc lộ nên “cái thần” và hồn cốt của cả bài thơ. Và trong rất nhiều trường hợp, những câu thơ hay đó, bỗng dưng bị… mất gốc và được lưu truyền trở thành “Văn học dân gian” và người ta hay gọi dưới cái tên chung là “Ca dao” thậm chí là “thành ngữ”, hoặc gán thành câu nói của lãnh tụ. Ví như câu “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”, hay câu “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, v.v… Tất cả đều đáng quý và đáng trân trọng, vì được mọi người nhớ đến, nói đến, thế nhưng tác giả dù còn sống hay đã khuất vẫn cảm thấy như một phần “máu thịt” của mình bị mất đi… vì “Của duyên còn một chút này làm tin”, được lưu danh vào “kho tàng Văn học của dân tộc”, là mong muốn chính đáng của người sáng tác. Đi tìm và “trả tên tác giả” cho những câu thơ ấy là trách nhiệm của những người viết “Văn học sử” hay những nhà lý luận phê bình, bài viết nhỏ này xin gom góp một số cơ sở, mong được chỉ giáo thêm… 1/ Câu thơ “Tháp Mười đẹp nhứt bông sen/ Nước Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ”, được mọi người quen gọi là “Ca dao Nam bộ” thực ra là 2 câu thơ trong bài thơ có tên “Đẹp nhứt” của nhà thơ Bảo Định Giang, sáng tác khoảng năm 1947, bài thơ nguyên văn như sau: “Đẹp nhứt”      Tháp Mười đẹp nhứt bông sen      Nước Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ      Bông sen dành để lễ chùa      Cụ Hồ mãi mãi tôn thờ trong tâm…       Bài thơ được nhà thơ Bảo Định Giang chép tay và gửi ra Bắc năm 1948, sau đó mọi người truyền miệng 2 câu có sửa chữa lại mấy từ là “Tháp Mười đẹp nhất hoa sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. 2/ Hai câu thơ giống như lời nói, lời dạy của những bậc hiền nhân, lãnh tụ “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong” là hai câu thơ trong bài “Dân no thì lính cũng no” sáng tác năm 1948 của nhà thơ Thanh Tịnh. Nguyên văn bài thơ như sau: “Trông lên thì thấy đầy sao/ Nhìn lên thì thấy đồng bào mến thân/ Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong/ Thóc thuế mà có dân đong/ Trăm công nghìn việc ngược dòng cũng xuôi/ Đêm nằm nghĩ lại mà coi/ Liệu còn thằng giặc đứng ngồi sao yên/ Nhân dân là bậc mẹ hiền/ Cơm gạo áo tiền thì mẹ phải lo/ Dân no thì lính cũng no/ Dân reo lập nghiệp, lính hò lập công…”. 3/ Trước năm 1975, tại Sài Gòn, bài hát “Múc ánh trăng vàng” do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sáng tác, trong đó có sử dụng hai câu “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”… do cặp vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết, Ngọc Cẩm hát rất được mọi người yêu thích. Trong các sách giáo khoa và tài liệu văn học, hai câu “Hỡi cô tát nước bên đàng….” được cho là ca dao? Song, đó lại là hai câu thơ trong bài “Trăng quê” của thi sĩ tiền chiến Bàng Bá Lân [1912- 1988], ông tên thật là Nguyễn Xuân Lân, sinh ở phố Tân Minh, phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Ông vào Sài Gòn năm 1954 làm nghề dạy học, nghiên cứu văn học và viết sách đến khi mất. Bài thơ “Trăng quê” có những câu như sau: “Trời cao, mây bạc, trăng tròn/ Dế than hiu quạnh, tre buồn nỉ non/ Diều ai gọi gió véo von/ Cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng…/ - Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?...”. 4/ Cuối cùng là hai câu thơ nằm lòng trong trí nhớ của những người xa quê, mỗi khi nhớ về quê nhà, nhớ bữa ăn mộc mạc, thanh đạm nhưng đầm ấm thương yêu của gia đình, và mọi người mặc nhiên coi đó là hai câu ca dao “quốc hồn, quốc túy”: “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương…”, nhưng theo nhiều người, đó cũng chỉ là hai câu thơ trong bài thơ 4 câu của cụ Á Nam - Trần Tuấn Khải, tác giả của tập Bút quan hoài với “Anh Khóa” của những năm 30 thế kỷ trước. Bốn câu thơ ấy là "Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương/ Nhớ ai dãi nắng dầm sương/ Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao…”. Những câu thơ ấy cũng đã theo “Anh Khóa” trong suốt dặm đường đi “xuất dương” của mình!      

Walt Whitman, một trong những thi hào của nước Mỹ đã khẳng định: “Cái gì còn mãi, là do các thi sĩ gây dựng”. Những câu thơ vắt ra từ tim óc của nhà thơ, sống và tồn tại mãi với thời gian, là do các nhà thơ gây dựng nên, tại sao lại không trả nó về nguyên vẹn cho tác giả nhỉ?...

TRẦN HOÀNG VY  

,

Các câu ca dao: Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương; Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong; Trên trời mây trắng như bông/ Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây/ Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ...  và rất nhiều câu thơ khác, từ 60 năm nay đã trở nên rất quen thuộc với mỗi người Việt Nam.

Quen thuộc đến mức trở thành câu cửa miệng, trở thành lời ăn tiếng nói của nhân dân. Nhưng rất ít người biết ai đã sáng tác ra những câu ca ấy, ai là tác giả của những câu thơ “đượm màu dân gian” ấy. Tôi cũng vậy, trước khi rời ghế nhà trường, trước lúc được vinh hạnh gặp gỡ và quan hệ công tác với những Thanh Tịnh, Ngô Văn Phú, Bảo Định Giang… cứ ngỡ đó là những câu ca dao khuyết danh, những câu do “quần chúng” nhân dân lao động làm ra.

Trở lại với câu ca: Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Nước Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ, tôi nhớ quãng năm 1976, 1977 trên báo Cứu quốc [nay là Đại đoàn kết, tôi có viết một bài nói về lòng dân các dân tộc Việt Nam với Bác Hồ qua thơ ca dân gian, nhà thơ Bảo Định Giang đọc được có nhắn lại qua một người bạn vong niên của tôi đang công tác tại Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam [cơ quan mà nhà thơ có thời là Phó Chủ tịch] rằng tôi đã trích sai chữ “bông sen” thành “hoa sen”, chữ “Cụ Hồ” thành chữ “Bác Hồ” trong câu thơ Tháp Mười đẹp nhất bông sen… của ông.

Ở sân trước Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam [từ trái sang: Bảo Định Giang, Hoàng Trung Thông, Mai Văn Hiến]. Ảnh chụp năm 1962.

Thì ra ông, nhà thơ Bảo Định Giang, tác giả của những câu thơ mà đám học sinh, sinh viên lứa cuối những năm 60, đầu những năm 70 của thế kỷ XX thường chép vào sổ tay lưu bút của nhau mỗi khi tiễn nhau ra trận, đồng thời là một ông “quan văn nghệ đỏ”, một “Tố Hữu của Nam Bộ” [Bởi ông từng giữ các trọng trách: Vụ phó Vụ Văn nghệ Ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng biên tập Báo Văn nghệ, Tổng biên tập NXB Văn nghệ giải phóng, Phó Tổng thư ký Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam…] chính là tác giả của câu ca dao bất hủ viết về Tháp Mười, về Chủ tịch Hồ Chí Minh!

Về sau, khi đã chuyển công tác và vào định cư trong thành phố Hồ Chí Minh, nhà thơ Bảo Định Giang vẫn thường xuyên thư từ, gửi sách báo ra Hà Nội cho tôi. Khi gửi tặng tôi tập “Trong mỗi trái tim” [gồm 28 bài thơ, 4 đoạn văn viết về Đảng, về Bác Hồ và những đồng chí trung kiên của Thành đồng Tổ quốc], ông có nhắc tôi đọc kỹ “cái xuất xứ” của câu ca dao trên. Ông cho biết nguyên bài thơ có tên là bài “Đẹp nhứt”:

Tháp Mười đẹp nhứt bông sen

Việt Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ

Ảnh chụp kỷ niệm giữa hai gia đình lúc ở Hà Nội, từ trái sang: Bảo Định Giang, Vũ Thị Thường, Chế Lan Viên và các cháu nhỏ.

Và kể: Dạo ấy là mùa hè năm 1946, sau lần gặp đồng chí Lê Duẩn lúc ấy là Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, được đồng chí căn dặn nhiều điều, trong đó có việc phải nói rõ  cho đồng bào biết về Cụ Hồ mà trước đó, chính ông cũng mới hiểu được về Người rất ít, ông đã viết nhiều thơ, kịch và đi tuyên truyền nhiều nơi về Bác Hồ. Ông sinh năm 1919, lúc đó mới ngoài 20 tuổi, đang là cán bộ ban Tuyên truyền lưu động Chiến khu 8 thuộc Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Nam Bộ.

Ông kể tiếp: “Một hôm tại nhà một bà cụ nông dân, sáng dậy sớm, tôi ra ngồi trên chiếc võng, vấn thuốc lá hút, để mắt phóng ra cánh đồng sau nhà. Đã bình minh, mặt trời vừa hé mọc. Trước mắt tôi hiện ra một cánh đồng sen bát ngát. Hàng nghìn, hàng vạn đóa sen hồng đong đưa trong gió sớm sao mà đẹp khác thường. Lòng tôi bỗng rạo rực xúc động khó tả trước cảnh vật bất chợt, tình cờ, tôi ngẫu hứng se sẽ ngâm:

Tháp Mười đẹp nhứt bông sen

Việt Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ

Bông sen dành để lễ chùa

Cụ Hồ mãi mãi tôn thờ trong tâm

Bài ca này sau đó được truyền miệng, được in trên sách báo phổ biến khắp vùng Đồng Tháp Mười. Và năm sau, 1948, tôi có nhờ phái đoàn anh Trần Văn Trà đem ra Việt Bắc tặng Trung ương Đảng một tập thơ chép tay, trong đó có bài thơ này. Có điều rất thú vị là nhiều nơi hồi đó, kể cả Việt Bắc, khi đăng lên báo người ta đã bỏ hai câu thơ cuối của bài thơ. Cho đến nay, nhiều sách báo cũng chỉ in hai câu thơ đầu, coi như thế là gọn và đầy đủ ý nghĩa. Ca dao xưa nay bao giờ cũng vậy. Nó sống được, tốt thêm là nhờ đông tay chăm sóc và mỗi người đều có quyền sửa chữa, thêm bớt cho đến lúc viên mãn mới thôi”.

Đúng như lời tâm sự của nhà thơ, bài ca dao ông sáng tác trên đất Tháp Mười, ngay bên cạnh tháp Đốc binh Kiều năm ấy, trải hơn nửa thế kỷ vẫn sống “tốt thêm” và thật đã “viên mãn”. Nó không chỉ là niềm tự hào của người dân Đồng Tháp Mười, của người dân Nam Bộ mà còn là niềm tự hào của văn chương một thời. Nó đã là câu thơ vượt thời gian, đi cùng năm tháng, trở thành thơ dân gian, thuộc về nhân dân.

Nhà thơ Thanh Tịnh – một nhà thơ miền Nam tập kết ra Bắc như nhà thơ Bảo Định Giang thuở nào từng ao ước: Ước gì để lại mùa sau/ Một câu một chữ đượm màu dân gian. Câu ước ao đó hôm nay với ông đã trở thành hiện thực. Dẫu ông đã đi xa, đã về mãi cùng đất mẹ, nhưng tác phẩm của ông đã hòa vào cùng dân gian, cùng dân tộc để sống và để trường tồn. Và như vậy nơi chín suối chắc nhà thơ cũng được ngậm cười

Ngô Vĩnh Bình

Video liên quan

Chủ Đề