Thuốc chứa corticoid là gì

Corticoid là thuốc kháng viêm thuộc nhóm steroid, được chỉ định trong nhiều bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay corticoid còn bị lạm dụng sử dụng trong mỹ phẩm “làm trắng da” với đặc tính trắng da nhanh và rẻ - tất nhiên hệ lụy của nó là khôn lường. Liệu các bạn đã có cái nhìn đúng và đủ về Corticoid hay chưa? Bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu hơn về loại thuốc kháng viêm này nhé!

Corticoid là gì? 

Corticoid hay còn gọi là corticosteroid, glucocorticosteroid [GC].

Corticoid là một thuốc kháng viêm thuộc nhóm steroid.

Trong cơ thể Corticoid tự nhiên được cơ thể sản xuất do vùng bó ở vỏ tuyến thượng thận sản xuất ra gồm có 2 chất là Hydrocortison [Cortisol] và Cortison có tác động tới hầu hết các tế bào thông qua quá trình chuyển hóa carbohydrate, protein và chất béo.

Corticoid tổng hợp được tổng hợp theo cấu trúc và chức năng của corticoid tự nhiên, gồm rất nhiều chất khác nhau và được sử dụng rất phổ biến.

Các thuốc trong nhóm dù có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp đều có các đặc điểm tác dụng như nhau chỉ khác nhau về mức độ chống viêm, giữ muối nước và thời gian tác dụng.

Tác dụng của Corticoid

Cơ thể luôn sản xuất corticoid ở ngưỡng vừa đủ để đáp ứng nhu cầu sinh lý cho các tế bào. Ở nồng độ sinh lý, corticoid giúp duy trì cân bằng nội môi, làm tăng sức chống đỡ của cơ thể với stress và giúp duy trì các chức năng khác của cơ thể.

Trên quá trình chuyển hoá

  • Chuyển hoá lipid:  làm thay đổi sự phân bố lipid trong cơ thể, làm tăng tổng hợp mỡ ở thân, giảm tổng hợp mỡ ở chi, do đó mỡ sẽ tập trung nhiều ở mặt, nửa thân trên như vai, gáy gây hội chứng gù trâu [Cushing]. Hậu quả là làm tăng acid béo tự do trong huyết tương và tăng tạo các chất Cetonic trong cơ thể.

Hội chứng Cushing ở những người sử dụng corticoid liều cao, kéo dài.

  • Chuyển hoá Protid: corticoid gây ức chế tổng hợp protid, thúc đẩy quá trình dị hóa protid để chuyển acid amin từ cơ, xương vào gan nhằm tân tạo glucose. Nếu sử dụng corticoid lâu ngày sẽ gây teo cơ, xốp xương, tổ chức liên kết kém bền vững.
  • Chuyển hoá Glucid: corticoid làm tăng đường huyết do kích thích enzym gan tăng ly giải protein tạo glucose. Bên cạnh đó, corticoid còn làm tăng tổng hợp glucagon, làm giảm tổng hợp insulin. Khi dùng lâu dài có thể gây đái tháo đường và làm nặng thêm bệnh đái tháo đường.
  • Chuyển hóa muối nước: corticoid tăng thải kali qua nước tiểu gây giảm K + máu. Tăng thải calci qua thận, giảm tái hấp thu calci ở ruột, làm nồng độ Ca++ máu giảm, để duy trì Ca++  của máu, cơ thể sẽ tăng cường lấy Ca++  từ xương. Hậu quả là làm xương xốp, dễ gãy, còi xương, chậm lớn. Bên cạnh đó tăng tái hấp thu natri và nước do đó gây phù và tăng huyết áp.

Tác dụng trên các cơ quan

  • Trên hệ tiêu hoá: corticoid làm giảm sản xuất lớp chất nhầy có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ, ngoài ra làm tăng tiết acid dịch vị và pepsin gây kích ứng niêm mạc từ đó dễ gây loét dạ dày tá tràng.
  • Trên thần kinh trung ương: gây kích thích hệ thần kinh trung ương cảm giác bồn chồn, mất ngủ, gây ảo giác hoặc các rối loạn về tâm thần khác.
  • Ức chế miễn dịch: Corticoid làm teo các cơ quan lympho do đó làm giảm số lượng tế bào lympho. Ngoài ra gây ức chế chức năng thực bào, quá trình sản xuất kháng thể, và quá trình hóa hướng động và sự dịch chuyển của bạch cầu.
  • Tác dụng chống dị ứng: Khi dị nguyên xâm nhập vào cơ thể, nó sẽ kết hợp đặc hiệu với kháng thể IgE. Phức hợp này sẽ gắn vào bề mặt của dưỡng bào [tế bào mast] và bạch cầu làm hoạt hoá phospholipase C. Phospholipase C xúc tác cho quá trình chuyển Phosphatidyl Inositol Diphosphat thành Diacylglycerol và Inositol Triphosphat làm thay đổi tính thấm của dưỡng bào và làm vỡ bạch cầu, giải phóng ra các chất trung gian của phản ứng dị ứng như Histamin, Serotonin,..  Corticoid ức chế Phospholipase C do đó làm giảm giải phóng histamin và các chất trung gian hoá học gây dị ứng. Vì vậy thuốc có tác dụng chống dị ứng
  • Tác dụng chống viêm: Corticoid ức chế Phospholipase A2, làm giảm tổng hợp Leukotriene và Prostaglandin. Ngoài ra nó còn có tác dụng ức chế dòng bạch cầu đơn nhân, đa nhân, lympho bào đi vào mô để gây khởi phát phản ứng viêm. Từ đó gây giảm các phản ứng gây viêm.

Tác dụng phụ của corticoid

Vì cơ quan đích của corticoid là hầu hết các tế bào và corticoid ảnh hưởng đến đến rất nhiều quá trình chuyển hóa trong cơ thể nên khi dùng thuốc cũng gây ra nhiều tác dụng không mong muốn trên rất nhiều cơ quan trong cơ thể. Tùy theo hàm lượng và thời gian sử dụng thuốc mà các tác dụng phụ là khác nhau, trên cơ địa mỗi người cũng là khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung  liều càng cao, nguy cơ gặp tác dụng phụ càng lớn.

Việc sử dụng corticoid trong thời gian ngắn từ 1-2 tuần đầu thường không gây tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc gặp phải những tác dụng phụ nhẹ, dễ nhận biết như bồn chồn, khó ngủ, hay kích ứng dạ dày

Tuy nhiên khi sử dụng trong thời gian dài hoặc dùng đợt ngắn nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần dễ gặp phải các tác dụng phụ như: ban đỏ, rạn da, teo da, chậm liền sẹo, mụn trứng cá, gây đau thượng vị, loét dạ dày tá tràng, tăng nguy cơ nhiễm trùng, khởi phát nhiễm trùng tiềm tàng, ở các vị trí khác nhau.

Ban đỏ, mụn trứng cá khi sử dụng corticoid.

Tiếp đến có thể xảy ra các tác dụng phụ nguy hiểm hơn như làm rối loạn các quá trình chuyển hóa trong cơ thể như làm tăng lipid máu, mất cân bằng quá trình kiểm soát đường huyết [làm tăng đường huyết]  hoặc làm nặng thêm bệnh tiểu đường, loãng xương, xốp xương, rối loạn phân bố mỡ- hiện tượng gù trâu.

Tác dụng phụ nguy hiểm nhất khi sử dụng corticoid trong thời gian dài là có nguy cơ teo tuyến thượng thận do luôn có sự hiện diện của corticoid trong cơ thể và tuyến thượng thận quen với tình trạng có thuốc trong cơ thể. Tuyến thượng thận sẽ không bài tiết hormon như bình thường nữa và ngừng hoạt động. Diễn ra lâu dài và lâu dần làm teo tuyến thượng thận.

Sử dụng và lạm dụng mỹ phẩm chứa corticoid

Corticoid và các sản phẩm

Việc sử dụng corticoid ngày càng phổ biến qua nhiều con đường khác nhau như bôi ngoài da, uống, tiêm chích.

Bên cạnh đó với các tác dụng dược lý hữu ích của corticoid như  khả năng chống viêm và kháng dị ứng mạnh corticoid thường được bổ sung vào các chế phẩm dùng ngoài da để điều trị các bệnh như viêm da tiếp xúc, chàm, viêm da cơ địa,… Thuốc giúp giảm ngứa ngáy, phù nề, giúp giảm viêm, giảm đau do mụn trứng cá và duy trì làn da mịn màng, trắng sáng hơn với đặc tính ức chế miễn dịch. Chính vì vậy ngày càng nhiều chế phẩm trôi nổi trên thị trường đã bổ sung corticoid với ngưỡng vượt mức cho phép nhiều lần vào các sản phẩm trị mụn, làm trắng da, lột da. Chính điều này kèm với việc lạm dụng sản phẩm chứa corticoid trong thời gian dài đã gây nên những tổn thương nặng nề cho da.

Da nhiễm Corticoid

Là tình trạng tổn thương da do sử dụng sản phẩm chứa Corticoid nồng độ cao trong thời gian dài. 

Mức độ thương tổn phụ thuộc vào thời gian sử dụng, nồng độ Corticoid và cơ địa của từng người. Nếu nhiễm corticoid ở cấp độ nhẹ, tổn thương da thường không đáng kể và có thể thuyên giảm hoàn toàn và có khả năng phục hồi  nếu chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên ở những giai đoạn nặng, tế bào và cấu trúc da có thể tổn thương nghiêm trọng, không có khả năng phục hồi trở lại như ban đầu. Đặc biệt không chỉ khiến da bị tổn thương mà về lâu dài còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe toàn thân do thấm qua da vào máu

Da nhiễm corticoid là điều không ai mong muốn xảy ra, tuy nhiên luôn cần được điều trị kịp thời nếu như không may xảy ra hiện tượng này, tránh các tác hại không mong muốn ảnh hưởng đến làn da và sức khỏe của bạn . Hãy để Siêu Thị Mỹ Phẩm nơi có các chuyên gia/dược sĩ nhiều năm kinh nghiệm sẽ giúp bạn nhận biết và đưa ra những hướng xử lý phù hợp cho tình trạng này.

Dấu hiệu da nhiễm corticoid

Cấp độ 1: là cấp độ tổn thương nhẹ nhất, khi chỉ sử dụng trong thời gian ngắn với nồng độ thấp. Lúc này bề mặt da khô bong tróc, hơi sần sùi, ngứa râm ran trên vùng da thoa.

Da nhiễm corticoid cấp độ 1.

Cấp độ 2: Viêm da cấp tính: da bắt đầu bị nhiễm độc. Da nổi những bong bóng nước như khi bị bỏng và vùng tổn thương lan rộng khắp toàn mặt.

Da nhiễm corticoid cấp độ 2.

Cấp độ 3: Giãn mạch máu: khi thời gian sử dụng corticoid dài hơn thì các tổn thương đã tiến sâu đến hệ mao mạch dưới da. Sẽ thấy da luôn đỏ rực, đồng thời luôn thấy nóng ran, đặc biệt là khi tiếp xúc với nhiệt độ cao.

Da nhiễm corticoid cấp độ 3.

Cấp độ 4: Viêm da tăng tiết nhờn và nổi mụn ồ ạt: da bóng nhầy, kèm mụn sưng to, nhìn thấy những ổ viêm nhiễm lớn trên mặt, da nóng đỏ và rát.

Da nhiễm corticoid cấp độ 4.

Cấp độ 5: Viêm da kích thích: da bị nhiễm corticoid có độc cao nhất, làn da luôn đỏ kèm theo cảm giác bỏng rát, đau nhức kể cả không chạm vào. Mụn nước có thể xuất hiện kèm theo dịch vàng, cùng các dấu hiệu nhiễm trùng và hoại tử.

Cách điều trị da nhiễm corticoid

Cai nghiện corticoid cho làn da 

Đây là việc đầu tiên và khó khăn nhất cần phải làm. Việc cai nghiện cần được thực hiện từ từ bằng cách giảm dần số lần sử dụng sản phẩm chứa Corticoid đến khi ngưng hẳn. Vì nếu ngưng sử dụng đột ngột làn da của bạn sẽ phản ứng ngay bằng các hiện tượng da nổi mụn nước li ti chi chít, ửng đỏ, ngứa ngáy, do đó cần giảm từ từ qua từng ngày, từng tuần. Bên cạnh đó có thể sử dụng thêm các sản phẩm dưỡng da để chăm sóc da khỏe và cai nghiện dễ dàng hơn [không sử dụng thêm sản phẩm dưỡng da nếu nhiễm corticoid ở cấp độ nặng]

Chăm sóc da mỗi ngày

Làm sạch da 

Khi bị nhiễm corticoid thì làn da trở nên yếu và mong manh, nên việc sử dụng bất cứ sản phẩm làm sạch nào đều có thể khiến da phản ứng lại ngay bằng các biểu hiện dị ứng, nổi mẩn. Vì vậy lựa chọn tốt nhất là sử dụng nước muối sinh lý để rửa mặt hàng ngày, sử dụng khăn bông mềm hoặc bông thấm nước muối, lau nhẹ nhàng lên da tránh chà xát gây tổn thương cho da.

Chăm sóc da

Sử dụng kem dưỡng da chất lượng để thay thế dần kem chứa corticoid khi da nhiễm độc ở thể nhẹ. Lựa chọn kem từ thiên nhiên, lành tính chứa nhiều vitamin để dưỡng cho da khỏe.

Nếu tình trạng nhiễm độc nặng thì tuyệt đối không nên sử dụng bất kỳ sản phẩm dưỡng da nào trong thời kì này. Nếu tình trạng nặng thì cần có sự thăm khám và chỉ định điều trị của bác sĩ da liễu.

Bổ sung thêm dinh dưỡng cho cơ thể 

Ăn uống nhiều thực phẩm chứa nhiều vitamin như rau xanh, trái cây có màu, bổ sung cho cơ thể thêm các vitamin C, vitamin A,..Đặc biệt tránh các thực phẩm chứa nhiều chất béo, dầu mỡ, các thực phẩm có tính cay nhiều và các chất kích thích như cafein, bia , rượu,.. 

Bảo vệ da 

Da lúc này đang rất yếu , nhưng lại không thể sử dụng kem chống nắng lúc này vì vậy khi ra đường hay tiếp xúc với khói bụi, nên che chắn da cẩn thận, sử dụng khẩu trang y tế để bảo vệ da.

Tham khảo cách điều trị da nhiễm Corticoid hiệu quả tại nhà: Tại Đây

Corticoid là nhóm thuốc được ứng dụng trong điều trị rất nhiều và ngày càng phổ biến hiện nay. Tuy nhiên nó cũng là một con dao hai lưỡi bởi tác dụng điều trị rất nhiều nhưng tác dụng không mong muốn cũng song song với nó. Chính vì vậy cần trang bị cho mình những kiến thức và hiểu biết nhất định trước khi sử dụng loại thuốc này. Đặc biệt không tự ý sử dụng hay ngưng sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định và hướng dẫn từ bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ.

Trong thời đại bùng nổ về mặt thông tin như hiện nay, có rất nhiều luồng thông tin, kiến thức sai lệch xung quanh việc làm đẹp. Vì vậy, hãy trở thành một người tiêu dùng thông minh, chọn đúng nơi mua hàng chính hãng, chọn đúng sản phẩm. Muốn làm đẹp không sai, nhưng phải làm đẹp thông minh và an toàn.

Siêu Thị Mỹ Phẩm trực thuộc hệ thống Nhà thuốc Việt.

Để có thể chọn mua được các sản phẩm làm đẹp chính hãng, bạn có thể tham khảo: //sieuthimypham.vn/

Nguồn: TK

Bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị

Video liên quan

Chủ Đề