Tiếng nói chung là gì

Trịnh Huỳnh : Lớn hơn Mưa Thư 6 tuổi, tôi xin như một người chị mà chia sẻ nỗi băn khoăn, bức bối trong em. Theo tôi, em nên có một lần nói chuyện thật rành rọt với chồng. Chồng em, theo tôi nghĩ, không hẳn là người xấu nhưng anh ấy có tính gia trưởng và phần nào hơi... chủ quan. Em cứ nói hết những gì em nghĩ, chẳng hạn: Nếu không may mà có gì xảy ra cho một trong hai người thì với tình hình như hiện tại mọi chuyện sẽ ra sao? Nếu cứ tiếp tục như hiện tại thì em sẽ ngày càng lún sâu vào u uất và trầm cảm nặng mất. Hãy mạnh dạn cho chồng em biết cả điều này. Chúc vợ chồng em nhanh chóng tìm được tiếng nói chung.

Văn Châu [Hà Nội]: Tôi là một nam giới, đọc qua những dòng tâm sự của bạn, tôi có sự nghi ngờ: Chồng bạn đang có ''phòng nhì'' chăng? Có nhiều trường hợp người đàn ông trong hoàn cảnh như vậy nhưng lại không nói thật và không đề cập đến chuyện li dị chỉ vì họ sợ dư luận, sợ mang tiếng và chịu sự lên án của xã hội mà vô tình biến người vợ thành người ''tù chung thân''. Nhưng trước hết bạn hãy bình tĩnh, cố gắng tìm hiểu quy luật đi về của anh ta, và truy đến ngọn ngành xem thực hư thế nào. Bên cạnh đó, bạn hãy cố gắng thể hiện vai trò người vợ bằng những món ăn hợp khẩu vị với anh ấy; bằng những cuộc đi dạo riêng hai người, ôn về những kỷ niệm về một thời yêu nhau... Khi đã thực hiện được những việc ấy, bạn sẽ biết đâu là bản chất vấn đề: hai người có thể tìm được tiếng nói chung hay không.

dinhvantu [Hà Nội]: Hình như hầu hết phụ nữ đều có ý nghĩ và ý muốn như chị. Nhưng những thông tin đưa ra trong thư chưa đủ để cắt nghĩa tại sao chồng chị lại như vậy. Đàn ông cần có sự chủ động và tự do riêng của mình, họ có những khoản chi tiêu không cần “thông qua” vợ. Chúc chị tìm được tiếng nói chung và có thể chia sẻ được với chồng tình huống trong thư.

Dieu Linh : Tôi có hoàn cảnh gần gống như bạn, hình như có phần bi đát hơn. Nhưng đó là chuyện cách đây 1 năm. Xin chia sẻ với bạn xem có giúp bạn cải thiện được tình hình hay không. Khi mới có một cô con gái, do thu nhập của tôi khá cao nên chồng tôi [thu nhập khá ổn định] không quan tâm gì đến chuyện gia đình, chi tiêu mặc dù bố mẹ chồng tôi sống chung với chúng tôi và không có lương hưu. Bố mẹ, con cái ốm đau tôi đều gọi taxi đi viện và lo chu tất. Tôi cảm thấy tự hào vì một tay lo hết được cả gia đình mà không khiến chồng phải bận tâm. Không ngờ chính chuyện đó đã “biến” chồng tôi thành người thờ ơ trước việc gia đình.  Khi đã nhận thấy sự vô tâm của chồng, tôi quyết định “lập lại trật tự”. Trước tiên, tôi viện lý do mệt và "nhờ" chồng đi mua thuốc cho mẹ chồng, việc mà trước đây tôi vẫn làm. Mỗi ngày tôi lại dấn thêm một bước, khi thì em chưa kịp rút tiền, anh mua giúp gạo, gas; rồi khi thì anh đưa con đi học và nộp tiền học giúp em... Dần dà, chồng tôi đã chi tiêu khá nhiều tiền cho việc chung của gia đình và đến lúc anh ấy muốn khẳng định và cho mọi người biết việc đó - chắc anh cũng muốn tự hào như tôi trước đây. Hiện giờ, tôi quản lý tiền chi tiêu chung của gia đình. Chồng tôi rất phấn khởi vì tôi "cần" đến sự hỗ trợ của anh ấy. Bạn thử cách này xem. Tất nhiên phải kiên trì và mất thời gian. Hãy vì con cái, đừng nghĩ đến chuyện ly hôn.

Hoang Bich Phuong [Vũng Tàu]: Tôi rất thông cảm khi đọc những dòng tâm sự của chị. Hạnh phúc là một cái gì đó thật trừu tượng, mỗi người cảm nhận theo một cách riêng khác nhau. Tôi từng trải qua thời thơ ấu trong tiếng khóc nức nở của mẹ mỗi khi ba tôi đi nhậu về và nhà không có gì cho con ăn. Ba mẹ tôi cũng đã từng tiền ai nấy xài và cũng tương tự gia đình chị bây giờ. Rồi, có một biến cố, là sự không may của ba tôi nhưng lại là may mắn cho mẹ: ba tôi thất nghiệp và phải sống bằng những đồng tiền do mẹ buôn bán ra và hình như ông đã “thấm”, nên sau này gia đình tôi đã tìm lại được hạnh phúc khi ba mẹ hòa thuận. Tôi hy vọng chị sẽ tìm ra cách hòa hợp với chồng trong vấn đề tế nhị này. Hãy thẳng thắn nói ra những suy nghĩ cũng như yêu cầu phải minh bạch trong kinh tế. Chị đừng im lặng, chịu đựng một mình. Hãy cởi mở với anh ấy về các khoản thu nhập của mình và đối xử với anh ấy bằng tất cả tình yêu còn lại trong mình. Tôi nghĩ mưa dầm thấm lâu, rồi anh ấy sẽ hiểu và đồng cảm với chị. Chúc gia đình chị mọi sự tốt lành.

Hiền Thu : Cho phép tôi được bày tỏ sự cảm thông và tình thương đối với chị. Cuộc sống vợ chồng, điều cần nhất vẫn là sự sẻ chia và cùng nhau trải qua mọi gian nan cũng như hạnh phúc phải không chị. Nhưng chị ạ, chị đừng nghĩ vội đến giải pháp ly hôn mà trước tiên hãy tự nhìn nhận lại toàn bộ cuộc sống của mình. Ly hôn không phải là giải pháp tốt, rồi đời chị dở dang, con chị thế nào? Chị nhìn nhận lại mọi việc. Chị đã từng nói chuyện với chồng về tiền lương của mình chưa? Chị đã từng làm mọi việc vì chồng chưa? Bây giờ chị hãy lựa chọn một thời điểm thích hợp để tâm sự với chồng, nói với anh ấy rằng chị là vợ của anh ấy, là người sẽ cùng anh trải qua mọi khó nhọc hay gian truân, chị sẽ mãi ở cạnh anh cho dù anh có giàu sang hay thất bại. Chị cần ở anh tình cảm và cuộc sống của một người chồng thực sự chứ không phải là một cuộc sống hợp tác lâu ngày. Chị hỏi xem anh có muốn là người chồng thật sự của chị hay anh đang xem chị là gì? Nếu thấy khó nói, chị có thể viết ra giấy những tâm tư, ước muốn của mình. Hãy “cảm hóa” chồng bằng lòng chân thành và tình yêu chân thật. Tin rằng anh ấy sẽ nhận ra là anh cần làm gì để bảo vệ hạnh phúc của chính mình. Chị biết không, đàn ông dù có trăng hoa thế nào họ vẫn muốn một mái ấm hạnh phúc để họ trở về sau lúc mệt mỏi. Vì thế, phụ nữ mình luôn có cách để giữ hạnh phúc lại bên mình. Biết cảm thông, sống đơn giản một chút thì sẽ được thoải mái và hạnh phúc thôi chị ạ!

forme : Chuyện tiền ai nấy xài có lẽ không chỉ có ở gia đình chị. Cảm giác như chị em cũng từng trải qua, nhưng sớm hơn - khoảng 2 năm sau khi kết hôn. Lúc mới lấy nhau, vì muốn được tự do lo cho cha mẹ mình [không cần thông qua ý kiến chồng] nên em đã chấp nhận mỗi người một tài khoản và tự chủ trong chi tiêu. Nhưng khi có con, bao nhiêu nhu cầu, một mình em không thể lo hết được, mà chồng em thì đã quen thích gì mua nấy, chỉ đưa tiền cho vợ khi em yêu cầu, em thấy không ổn. Rất nhiều lần tụi em tranh luận về vấn đề này. Anh cho rằng nếu đưa hết tiền cho vợ thì đến khi cần mua gì thì chẳng lẽ ngửa tay xin, thế thì chẳng còn là đàn ông nữa... Em đề nghị anh phải có một khoản đóng góp nhất định hàng tháng chứ không phải đợi đến lúc vợ hết tiền mới đưa. "Cò kè bớt một thêm hai", cuối cùng anh ấy cũng bằng lòng mỗi tháng đưa cho em hơn 2/3 lương. Em thấy khoản đóng góp này cũng hợp lý. Để đi đến được thống nhất như thế cũng mất hơn nửa năm và tốn không biết bao nhiêu là nước mắt... Một hành trình chiến đấu gian khổ lắm! Với kinh nghiệm của mình, em nghĩ chị phải kiên quyết, nhưng cũng không căng thẳng quá. Không "đánh nhanh thắng nhanh" được mà phải "trường kỳ kháng chiến” chị ạ. Mình là phụ nữ, việc chi tiêu trong gia đình rất nhiều. Giữ tiền của chồng theo em cũng là giữ niềm tin của anh ấy. Đừng bao giờ gây khó cho anh ấy khi anh ấy có một nhu cầu chi chính đáng. Giữ tiền của chồng cũng là để mình chăm sóc gia đình mình, gia đình hai bên được tốt hơn. Phụ nữ chính là nhịp cầu nối giữa hai gia đình nội ngoại, đàn ông họ ít quan tâm lắm. Có lẻ do bất mãn về điều này nên chị cảm thấy chán nản, ít quan tâm đến anh ấy, để khoảng cách giữa 2 người ngày càng xa. Chị phải kiên quyết, cứng rắn hơn nữa chị ạ. Đừng bao giờ "đành im lặng trong nghẹn ngào". Chuyện này càng để lâu thì càng bất lợi cho cuộc sống của anh chị. Chị nên nói cho anh hiểu cảm giác, tình cảm của chị, chị cần anh như thế nào... Trước tiên, chị nên kéo gần khoảng cách về tình cảm, sau đó đến kinh tế. Đừng chần chừ nữa chị à, nếu như chị muốn giữ hạnh phúc. Chúc chị sớm tìm lại hạnh phúc.

Phương Mai : Gia đình bạn cũng giống nhiều gia đình khác, chồng bạn cũng đã lo mua sắm cho đủ tiện nghi, vì thế bạn không nên có suy nghĩ tiêu cực mà ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc. Tiền bạc rất cần, nhưng mình làm ra nó, nếu cùng nhau sử dụng thì hay, còn độc lập với nhau cũng không đến nỗi như bạn nghĩ đâu. Đôi khi bản tính mỗi người mỗi khác, bạn nên cố gắng dung hòa, hãy nghĩ đến các con mà cố bảo vệ hanh phúc gia đình. Có thể chồng bạn cũng có nhiều vướng mắc chưa thể nói ra, nếu được thì bạn hãy tạo điều kiện để anh ấy chia sẻ. Bạn đừng quá cầu toàn. Đàn ông cũng có rất nhiều việc phải lo nghĩ, họ sẽ rất khổ tâm khi về nhà mình cũng không được thoải mái vì vợ hoặc “mặt như công an hình sự” hoặc luôn cằn nhằn. Người ta nói “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Coi chừng chính sự lạnh lùng của bạn làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Chúc bạn bình tâm và hạnh phúc!

Lâm Hoàng Phượng [Sóc Trăng]: Là người đã từng có hoàn cảnh giống bạn, nhưng tôi nghĩ bạn còn diễm phúc hơn khi chồng bạn còn mua sắm tiện nghi cho gia đình, còn đưa một vài khoản tiền chi tiêu cần thiết cho bạn. Tuy hơi buồn là tại sao khi mua sắm anh ấy không bàn bạc với bạn, hoặc tiền ăn uống hàng ngày bạn phải lo,... Nhưng bạn đã thử đi tìm nguyên nhân của tình hình đó hay không? Có thể đó là do tính gia trưởng của chồng bạn? Nhưng biết đâu lại chính từ phía bạn? Ví dụ như tôi, bản thân tự lập từ rất sớm. Khi lập gia đình, tôi và chồng không hề có thỏa ước gì về chuyện tiền nong ngay lúc đầu nên sau đó thì ai thấy gia đình cần gì cứ tự mua sắm. Nhiều khi tôi muốn có thứ đó mà không đủ tiền thì thỏ thẻ với ông xã, vậy là chắc chắn sẽ có món đồ ưng ý. Tôi không quan tâm đến việc chồng có bao nhiêu tài sản, đi nhậu ở đâu, với ai, thời gian dành cho gia đình ít hay nhiều... mà chỉ cảm nhận được hạnh phúc khi nhìn anh ấy đút cơm cho con ăn khi chúng còn nhỏ, hoặc thay thế tôi làm mẹ chúng khi tôi đi công tác xa nhà, và cả những câu ngợi khen vợ [dù rất hiếm hoi]. Với tôi như vậy là đủ để có một mái ấm gia đình, vì vấn đề tôi quan tâm là khi ở nhà anh ấy như thế nào mà thôi. Tôi cũng vậy, ra ngoài làm việc thì tùy ý, nhưng về nhà thì cố gắng lo tròn phận sự người mẹ, người vợ. Tôi thường kể cho chồng nghe những chuyện vui buồn trong công việc, đi công tác thì điện thoại về hàng ngày để hỏi về các con...

Mưa Thu thân mến, có lẽ tôi lớn tuổi hơn bạn nhiều nên bằng kinh nghiệm của chính mình tôi mong bạn bình tĩnh nhìn lại vấn đề của bản thân. Bạn đừng tự nên tạo stress cho mình bằng những suy nghĩ tiêu cực, mà nên chủ động thay đổi hành vi ứng xử, biết đâu bạn sẽ tác động được để chồng bạn thay đổi thói quen. Đàn ông rất sợ khi về nhà mà "vợ không nói gì". Và sau cùng tôi mong bạn hãy nghĩ đến con của mình trước khi quyết định vấn đề gì.

Vườn tâm tư

Video liên quan

Chủ Đề