Trình bày những hiểu biết về kiểu bài tập hệ thống hóa vốn từ

CHUYÊN ĐỀ

GIÚP HỌC SINH HỌC TỐT NỘI DUNG MỞ RỘNG VỐN TỪ

Ở PHÂN MÔN LUYỆN TỪ VÀ CÂU LỚP 2

I. PHẦN MỞ ĐẦU:

Ở tiểu học môn Tiếng Việt là một môn học rất quan trọng vì giúp các em hình thành các kỹ năng như: đọc, viết, nói và nghe. Nếu như ở lớp Một các em bước đầu biết đọc, viết một số câu đơn giản thì khi lên lớp Hai các em sẽ bắt đầu hình thành cách tạo lập văn bản đó là đoạn văn. Chính vì thế đòi hỏi các em phải có vốn từ ngữ để các em sắp xếp thành câu rồi từ đó hình thành đoạn văn. Đây là giai đoạn quan trọng đối với các em. Dạy luyện từ và câu là dạy cho các em các kỹ năng ban đầu về cách dùng từ, đặt câu, diễn đạt nội dung cần chuyển tải trong giao tiếp, luyện cho học sinh các kỹ năng nói và viết, những kỹ năng quan trọng học sinh cần đạt ở môn Tiếng Việt.

Mở rộng vốn từ là một trong những nội dung quan trọng của phân môn Luyện từ và câu. Tên phân môn cũng đã thể hiện rõ đặc trưng của nó, đó chính là cung cấp cho các em vốn từ ngữ phong phú để vận dụng vào đặt câu và tạo lập văn bản, cung cấp cho các em những kiến thức sơ giản ban đầu về thế giới vật chất xung quanh và một số kiến thức trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày. Đây là khâu quan trọng giúp các em phát triển kỹ năng viết ở các lớp trên. Thực tế trong quá trình giảng dạy nội dung này, chúng tôi nhận thấy học sinh có vốn từ rất hạn chế, cách diễn đạt câu văn chưa mạch lạc, chưa rõ ràng, các em còn rụt rè chưa mạnh dạn trong học tập. Với mong muốn giúp học sinh tăng thêm vốn từ, tăng khả năng sử dụng từ, câu trong học tập và mạnh dạn hơn trong giao tiếp, chúng tôi tập thể giáo viên khối Hai đã chọn chuyên đề: “Giúp học sinh học tốt nội dung mở rộng vốn từ ở phân môn luyện từ và câu lớp 2 ” để áp dụng vào công tác giảng dạy phân môn luyện từ và câu.

II. PHẦN NỘI DUNG

1. Thực trạng:

Qua thực tế giảng dạy chúng tôi thấy việc học và giảng dạy nội dung mở rộng vốn từ ở phân môn luyện từ và câu gặp một số khó khăn:

* Học sinh:

- Vốn từ ít, hiểu biết còn hạn chế nên khi diễn đạt chưa được rõ ràng, lời nói chưa tròn câu, rõ ý.

- Kĩ năng giao tiếp còn hạn chế, rụt rè.

* Giáo viên:

- Chú trọng mở rộng vốn từ cho học sinh chủ yếu ở phân môn Luyện từ và câu chưa chú trọng nhiều vấn đề mở rộng vốn từ ở các phân môn khác và các môn học khác.

- Việc tổ chức cho học sinh trình bày giao tiếp bằng lời nói và viết trước lớp còn hạn chế.

- Hình thức tổ chức chưa phong phú.

2. Giải pháp giúp học sinh học tốt nội dung mở rộng vốn từ ở phân môn luyện từ và câu

Nội dung mở rộng vốn từ ở lớp 2 thường gắn liền với các chủ điểm. Ví dụ: ở chủ điểm Bốn mùa có nội dung mở rộng vốn từ Từ ngữ về các mùa; chủ điểm Sông biển có nội dung mở rộng vốn từ Từ ngữ về sông biển. Do đó nội dung dạy học mở rộng vốn từ luôn đóng vai trò cung cấp thêm vốn từ ngữ phong phú cho các em theo từng chủ điểm mà các em được học. Bài tập mở rộng vốn từ có nhiều dạng và với mỗi dạng bài tập giáo viến có các phương pháp dạy khác nhau. Có thể chia bài tập mở rộng vốn từ thành các nhóm bài tập như sau:

2.1. Nhóm bài tập tìm từ có cùng chủ đề

Khi dạy học nội dung này thay cho việc giảng giải, giáo viên cần gợi ý để cho học sinh tự phát hiện và có thể tìm ra được tri thức mới. Có bài tập đưa ra mẫu, giáo viên cần dựa vào các mẫu trong sách giáo khoa để hướng dẫn học sinh tìm từ, cần giúp học sinh hiểu rõ yêu cầu của bài tập, gợi ý, định hướng cho học sinh trong việc tìm từ.

Ví dụ: Kể tên các loài cây mà em biết theo nhóm:

- Cây lương thực, thực phẩm. M: lúa

- Cây ăn quả. M: cam

- Cây lấy gỗ. M: xoan

- Cây bóng mát. M: bàng

- Cây hoa. M: cúc  [TV2 - tập 2 - trang 87]

Các từ cần tìm ở đây thuộc cùng một chủ điểm. Dạng bài tập này ngoài tác dụng giúp học sinh mở rộng vốn từ còn có tác dụng giúp học sinh hình thành, phát triển tư duy hệ thống. Với bài tập này giáo viên gợi ý học sinh thế nào là cây lương thực thực phẩm hay cây ăn quả,... để học sinh tìm từ, tên các loài cây chính xác.

2.2. Nhóm bài tập tìm từ cùng lớp từ vựng

Nhóm bài tập hệ thống hoá vốn từ xuất hiện với bài tập dạng Tìm từ trái nghĩa với từ cho sẵn.

dụ: Tìm từ trái nghĩa với mỗi từ sau: tốt, ngoan, nhanh, trắng, cao, khoẻ. M: tốt – xấu [Tiếng Việt 2 – tập 1- tr. 123]

Ở dạng bài tập này bao giờ cũng có từ cho sẵn để làm chỗ dựa cho hoạt động liên tưởng tìm từ của học sinh. Với những từ cho sẵn có nghĩa trừu tượng, giáo viên cần giải thích nghĩa của từ cho sẵn và nêu các ngữ cảnh sử dụng của từ cho sẵn này. Học sinh chỉ có thể tìm từ đúng yêu cầu khi nắm được nghĩa của từ cho sẵn.

2.3. Nhóm bài tập phân loại từ

Nhóm bài tập hệ thống hoá vốn từ theo từ loại được sử dụng nhiều trong phân môn luyện từ và câu. Đó là những bài tập tìm những từ chỉ người, vật, con vật [sự vật], chỉ hoạt động, chỉ tính chất, đặc điểm. Hay những bài tập tìm từ có cùng chủ đề theo các quan hệ ngữ nghĩa. Giải các bài tập hệ thống hoá vốn từ, học sinh sẽ xây dựng được những nhóm từ khác nhau. Để hướng dẫn học sinh làm những bài tập này, giáo viên cần có vốn từ phong phú và biết phân loại các từ, giải thích cụ thể nghĩa các từ loại.

Ví dụ: Tìm những từ:

a] Nói lên tình cảm của Bác Hồ với thiếu nhi. M: thương yêu

b] Nói lên tình cảm của thiếu nhi đối với Bác Hồ. M: biết ơn

[TV2, tập 2, trang 104]

2.4. Nhóm bài tập tìm từ có cùng đặc điểm cấu tạo

Đây là nhóm bài tập mở rộng vốn từ theo đặc điểm cấu tạo. Những bài tập này có số lượng lớn trong sách giáo khoa Tiếng Việt, đó là các bài tập yêu cầu tìm các từ có tiếng đã cho hoặc dựa vào nghĩa của tiếng để phân loại các nhóm từ. Bài tập hệ thống hoá vốn từ theo đặc điểm cấu tạo từ có tác dụng lớn giúp học sinh mở rộng, phát triển vốn từ. Đó là các bài tập như:

Ví dụ 1: Tìm các từ

- Có tiếng học. M: học hành

- Có tiếng tập. M: tập đọc

[TV2 - tập 1 - trang 17]

Ví dụ 2: Ghép các tiếng sau thành những từ có hai tiếng: yêu, thương, quý, mến, kính. M: yêu mến, quý mến. [TV2 - tập 1 - trang 99]

Một trong những đặc điểm của loại bài tập này là các em tạo lập được từ có nghĩa từ các tiếng đã cho. Giáo viên cần nắm được điều này để hướng dẫn học sinh tìm từ theo yêu cầu của bài tập. Thường với bài tập này có thể cho học sinh hoạt động theo nhóm đôi, như vậy sẽ phát huy tích tích cực học tập của các em.

Với từng nhóm bài tập giáo viên sẽ lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp để phát huy hết khả năng học tập của các em. Giáo viên cần thay đổi hình thức tổ chức dạy học thường xuyên. Nếu giáo viên và học sinh chuẩn bị bài kĩ mà không có sự thay đổi hình thức tổ chức dạy học thì tiết học sẽ trở nên nhàm chán và hiệu quả tiết dạy không cao. Vì thế chúng tôi thường thay đổi các hình thức tổ chức học tập, khi thì hoạt động nhóm đôi, nhóm 4, khi hoạt động cá nhân hoặc tổ chức trò chơi học tập.

Ví dụ minh họa:

* Tổ chức cho học sinh làm việc cá nhân. Hình thức này huy động tối đa vốn hiểu biết của các em.

Ví dụ: Mở rộng vốn từ : Từ ngữ về muông thú [Tuần 23]

Hoạt động 1:

Mục tiêu: Học sinh biết phân biệt thú dữ, nguy hiểm và thú không nguy hiểm

Cách tiến hành:

+ Giáo viên khảo sát học sinh trong thực tế các em biết những con vật nào.

+ Dựa vào câu trả lời và hiểu biết của các em giáo viên giao nhiệm vụ học tập hoàn thành yêu cầu bài tập trong vở bài tập Tiếng Việt.

+ Gọi nhiều học sinh nêu ý kiến, học sinh khác nhận xét.

+ Giáo viên nhận xét và chốt câu trả lời đúng.

* Tổ chức cho học sinh làm việc theo từng nhóm. Hình thức này rất sinh động, tạo điều kiện cho học sinh hoạt động tìm tòi, khám phá.

Ví dụ: Mở rộng vốn từ: Từ ngữ về cây cối [Tuần 29]

Hoạt động 2:

Mục tiêu: Học sinh tìm được những từ có thể dùng để tả các bộ phận của cây.

Cách tiến hành:

+ Chia học sinh thành từng nhóm [mỗi nhóm từ 4 đến 6 em]

+ Học sinh tiến hành thảo luận trong nhóm

+ Gọi đại diện từng nhóm báo cáo kết quả trước lớp, các nhóm bổ sung, nhận xét. Giáo viên cùng học sinh chọn những từ ngữ thích hợp để tả các bộ phận của cây.

+ Giáo viên tuyên dương nhóm có bài làm tốt.

* Một số lưu ý khi dạy học nội dung mở rộng vốn từ trong phân môn Luyện từ và câu

- Giáo viên cần chú trọng mục tiêu, yêu cầu môn học, chuẩn bị bài tốt trước khi lên lớp. Đối với dạng bài mở rộng vốn từ theo chủ đề, chủ điểm và từ loại giáo viên cần trang bị cho bản thân mình vốn kiến thức thật phong phú. Đối với dạng bài về đặt dấu câu và đặt câu theo mẫu, giáo viên không yêu cầu các em phải nói thành câu văn hay, đúng cú pháp mà chỉ cần các em đặt được câu thể hiện được điều các em nghĩ, dần dần uốn nắn, bổ sung sửa chữa tạo cho các em sự tự tin ở bản thân mình khi học.

 - Giáo viên có thể tự làm thêm đồ dùng dạy học phục vụ cho nội dung bài học. Trong chương trình môn Tiếng việt ở lớp 2 hiện tại, bộ thiết bị dành cho giáo viên chưa có đồ dùng phục vụ cho phân môn luyện từ và câu. Vì thế  giáo viên phải sưu tầm, photo tranh ảnh, tự chuẩn bị những vật dụng có thể phục vụ cho việc dạy học. Chẳng hạn: Khi dạy các bài về mở rộng vốn từ ở các chủ đề, chủ điểm: Sông biển, cây cối, loài vật, thời tiết….giáo viên tự chuẩn bị tranh ảnh để học sinh hứng thú hơn và dễ tiếp thu kiến thức hơn.

- Giáo viên tổ chức các hoạt động học tập tích cực, phù hợp mục tiêu bài học. Tạo cho học sinh tâm lý thoải mái, thích thú khi học.

- Chú trọng xây dựng cho học sinh kỹ năng vận dụng kiến thức bài học vào thực tiễn cuộc sống, tạo thành thói quen ứng dụng thực tiễn, khắc sâu kiến thức, giáo viên phải tận dụng vốn kiến thức bản thân học sinh để chuyển tải kiến thức một cách linh hoạt.

- Giáo viên tạo điều kiện cho học sinh phát huy tối đa vốn hiểu biết cá nhân. Thường trong một lớp có nhiều học sinh với sức học khác nhau. Những em tiếp thu chậm hơn các bạn sẽ rất ngại khi nói, bởi đôi khi các em nói không đúng yêu cầu. Nên khi hướng dẫn thực hành bài tập giáo viên sẽ dành cho những em này được nói trước những gì các em nghĩ, tránh để học sinh khá giỏi nói trước, các em khác sẽ mất tự tin, sợ giống ý kiến của bạn, sợ sai. Không phải học sinh tiếp thu chậm kiến thức bao giờ cũng nói không đúng, vì vậy khi dạy phân môn luyện từ và câu giáo viên nên cho tất cả các em được tham gia hoạt động.

III. PHẦN KẾT LUẬN

Vận dụng phương pháp này vào giảng dạy mở rộng vốn từ chúng tôi nhận thấy việc giảng dạy nội dung mở rộng vốn từ đạt kết quả như sau:

+ Học sinh nắm được kiến thức gắn với thực tiễn một cách sâu sắc hơn là nghe giáo viên thuyết trình.

+ Kích thích được tính tích cực tìm tòi, trí tò mò của học sinh.

+ Tăng cường tính tích cực và tự tin của học sinh vì các em cm nhận được sự đóng góp quan trọng của mình mỗi khi chính các em [hoặc cùng nhóm, lớp] phát hiện ra tri thức mới.

+ Tạo không khí cởi mở, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa các học sinh.

Qua chuyên đề trên chúng tôi rút ra bài học kinh nghiệm: Để dạy học tốt phân môn luyện từ và câu nói chung, nội dung dạy học mở rộng vốn từ nói riêng, hiệu quả trước hết giáo viên phải nắm vững về kiến thức, kĩ năng thực hành Tiếng Việt. Giáo viên thực sự yêu nghề, tâm huyết với công việc; thường xuyên học hỏi trao dồi kiến thức; có phương pháp nghiên cứu bài, soạn bài, ghi chép giáo án một cách khoa học. Ngoài ra cần giao lưu học hỏi các bạn đồng nghiệp để có nhiều kinh nghiệm. Tạo sự giao tiếp cởi mở, thân thiện với học sinh. Giáo viên phải khơi dậy niềm say mê, hứng thú của học sinh đối với môn học Tiếng Việt và luôn phối hợp với gia đình để tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập. Có như thế chất lượng dạy học phân môn Luyện từ và câu cũng như môn Tiếng Việt sẽ đạt kết quả tốt hơn.

Với thời gian và khả năng có hạn, trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu và đúc kết kinh nghiệm không tránh khỏi những thiếu sót, tổ chuyên môn khối Hai rất mong sự đóng góp ý kiến của Ban giám hiệu, quý thầy cô và các bạn đồng nghiệp để chuyên đề hoàn thiện hơn.

                                                                            Xin chân thành cảm ơn!

                                                                                Tổ khối Hai thực hiện

Video liên quan

Chủ Đề