Từ chối nhận di sản thừa kế khi nào?

Người nhận thừa kế có quyền được từ chối hưởng di sản. Năm 2019, thời gian từ chối còn bắt buộc trong 06 tháng nữa không?

Bắt buộc phải từ chối di sản trong vòng 6 tháng?

Trước đây, Điều 642 Bộ luật Dân sự 2005 quy định, thời hạn từ chối nhận di sản thừa kế là 06 tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Nếu quá thời hạn trên thì được coi là đồng ý nhận di sản. Trong đó, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết.

Như vậy, theo quy định cũ, bắt buộc phải từ chối trong vòng 6 tháng kể từ ngày người để lại di sản thừa kế chết. Nếu sau thời gian đó thì việc từ chối này sẽ không được pháp luật công nhận.

Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định “mở” hơn trong vấn đề này để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nhận thừa kế và các cá nhân, tổ chức liên quan. Theo đó, khoản 3, Điều 620 quy định: “Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản”.

Như vậy, việc từ chối không bắt buộc phải thực hiện trong thời hạn 06 tháng như trước đây nữa mà chỉ cần trước thời điểm phân chia di sản thừa kế là được.

Từ chối nhận di sản thừa kế khi nào?

Thời hạn từ chối nhận di sản thừa kế không còn là 6 tháng? (Ảnh minh họa)

Thủ tục từ chối thừa kế tại tổ chức hành nghề Công chứng

Mặc dù không giới hạn thời gian như trước đây nhưng việc từ chối phải được lập thành văn bản và có thể được công chứng, chứng thực. Trong đó, thủ tục được thực hiện như sau:

Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ:

- Phiếu yêu cầu công chứng

- Dự thảo Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế (nếu có)

- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản

- Di chúc (nếu có)

- Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người từ chối di sản

- Giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết

- Giấy tờ nhân thân của người từ chối nhận di sản

(Điều 59 Luật Công chứng 2014)

Bước 2: Liên hệ và nộp các giấy tờ đã chuẩn bị cho Phòng/Văn phòng công chứng

Bước 3: Công chứng viên kiểm tra tính pháp lý của các giấy tờ và điều kiện từ chối di sản của người yêu cầu:

- Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp pháp thì tiếp nhận và xử lý

- Nếu hồ sơ thiếu, sai sót, Công chứng viên sẽ yêu cầu và hướng dẫn bổ sung, sửa chữa

- Nếu thấy không đủ cơ sở để giải quyết, Công chứng viên từ chối tiếp nhận và xử lý

Bước 4: Nếu đã có dự thảo văn bản thì Công chứng viên kiểm tra dự thảo, đề nghị sửa chữa nếu phát hiện có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Nếu chưa có dự thảo văn bản thì Công chứng viên tự soạn thảo theo yêu cầu của người từ chối thừa kế. Sau đó, người yêu cầu sẽ tự đọc lại hoặc được Công chứng viên đọc cho nghe nội dung.

Sau khi đồng ý mọi nội dung trong dự thảo thì người từ chối di sản được Công chứng viên hướng dẫn ký, điểm chỉ vào Văn bản. Sau đó, Công chứng viên ghi lời chứng và ký vào các trang của văn bản, đóng dấu, thu phí công chứng và trả kết quả cho người yêu cầu.

Trên đây là quy định về thời hạn từ chối nhận di sản thừa kế theo quy định mới nhất. Để tìm hiểu thêm các thông tin về thừa kế, đón đọc tại đây.

Nguyễn Hương

  • Pháp luật
  • Tư vấn

Thứ bảy, 22/10/2022, 00:00 (GMT+7)

Bố mẹ mất để lại tài sản cho hai anh em tôi. Lúc đó tôi có công ty riêng, kinh tế ổn định nên đã làm văn bản "từ chối nhận thừa kế" đưa cho em gái giữ.

Vì tôi muốn nhường toàn bộ tài sản cha mẹ để lại cho em có chi phí du học và lo cuộc sống sau này. Tuy nhiên, một năm qua tôi làm ăn thua lỗ, nợ ngân hàng gần 10 tỷ đồng không còn khả năng trả.

Hiện, phần di sản của bố mẹ tôi em gái vẫn chưa xác lập quyền sở hữu. Tôi cần tiền để trả bớt nợ nên muốn rút lại việc từ chối nhận di sản, đồng thời tiến hành thực hiện chia thừa kế với em gái có được không?

Luật sư tư vấn

Theo khoản 2, 3 Điều 620 Bộ luật Dân sự, việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết; đồng thời phải thể hiện việc từ chối này trước thời điểm phân chia di sản.

Ngoài ra, Điều 59 Luật Công chứng cũng quy định, người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản. Việc từ chối nhận di sản có hiệu lực pháp luật kể từ khi được lập thành văn bản và gửi cho người quản lý di sản, các đồng thừa kế, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản biết. Nếu bạn muốn rút lại việc từ chối nhận di sản, thì phải thuộc các trường hợp sau:

- Việc từ chối nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác (khoản 1 Điều 620 Bộ luật Dân sự).

- Chưa được lập thành văn bản và chưa được gửi đến những người liên quan.

- Từ chối sau thời điểm phân chia di sản.

Bộ luật Dân sự không có quy định cho phép người thừa kế thay đổi ý chí sau khi đã làm thủ tục từ chối nhận di sản. Trong trường hợp của bạn, việc từ chối đã được lập thành văn bản, trước thời điểm phân chia di sản thừa kế và đã được gửi đến những người liên quan, tức là đã phát sinh hiệu lực pháp luật nên bạn không thể rút lại được.

Tuy nhiên, bạn nên trao đổi với em gái về điều kiện, hoàn cảnh hiện tại của bạn. Nếu em gái bạn đồng ý chia sẻ và nhường lại một phần di sản của cha mẹ để lại cho bạn trả nợ thì hai bên có thể thực hiện các thủ tục cho tặng theo quy định của pháp luật.

Luật sư Võ Đan Mạch

Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha