Vẻ đẹp người phụ nữ việt nam trong văn học

“Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp ngọn sóng dữ, chém cá tràng kình ở ngoài biển Đông, đánh đuổi quân Ngô (Trung Quốc), cởi ách nô lệ cho dân chứ quyết không chịu làm tì thiếp cho người ta”. Đó là lời của bà Triệu Thị Trinh (226-248), quê ở quận Cửu Chân, làng Cẩm Trướng, thuộc xã Cẩm Trướng, huyện Yên Định, Thanh Hoá.

Hai Bà Trưng khởi binh chống lại ách đô hộ của quân Đông Hán (Trung Quốc) vào năm 40-43 sau công nguyên, lập ra quốc gia đóng đô ở Mê Linh (Hà Nội).

Chị em nặng một lời nguyền,

Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân

Mặc dù quân giặc đã bắt được Thi Sách, chồng của bà Trưng Trắc và chúng đưa lên giàn thiêu hòng buộc bà phải lui quân nhưng bà Trưng Trắc đã để tang và tế sống chồng rồi thúc trống giục quân xông lên đánh giặc...

Nhắc lại vài nét về các vị nữ anh hùng của dân tộc để thấy được hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam không chỉ “công, dung, ngôn hạnh” theo “chuẩn mực” đạo đức của chế độ phong kiến xưa mà còn là những anh hùng dân tộc, cứu nước, cứu dân…làm rạng danh trang sử vàng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

Hình ảnh người phụ nữ đã được khắc hoạ trong văn, thơ, nhạc với những nét rất đa dạng, phong phú…Trước hết là hình ảnh cần cù, chịu thương, chịu khó làm lụng nuôi chồng, nuôi con:

Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng,

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước lúc đò đông

(“Thương vợ”, Trần Tế Xương)

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã khắc hoạ hình ảnh người mẹ thật là cần cù, luôn làm lụng trên ruộng đồng bất kể thời tiết khắc nghiệt qua bài thơ “Hạt gạo làng ta” (khi viết bài thơ này Trần Đăng Khoa còn là một cậu thiếu nhi 13, 14 tuổi). Bài thơ đã được nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ nhạc thành bài hát cùng tên cho thiếu nhi rất hay:

Những trưa tháng sáu,

Nước như ai nấu,

Chết cả cá cờ,

Cua ngoi lên bờ

Mẹ em xuống cấy.

(“Hạt gạo làng ta”, Trần Đăng Khoa)

Nhà thơ Cách mạng nổi tiếng Tố Hữu sáng tác nhiều bài thơ về người phụ nữ với hình ảnh những bà mẹ trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, như Hậu Giang những ngày chống Pháp:

Trời Hậu Giang, tù và dậy rúc,

Phèng la kêu, trống dục vang đồng,

Đường quê đỏ rực cờ hồng,

Giáo gươm sáng đất, tầm vông nhọn trời,

Quyết một trận, quét đời nô lệ,

Quăng máu xương, phá bẻ xiềng gông !

Hỡi ôi ! Việc chửa thành công,

Hôm nay máu chảy đỏ đồng Hậu Giang…

Giữa những đau thương, tang tóc đó, hình ảnh một má già hiện lên:

Có ai biết trong tro còn lửa,

Một má già lần lữa không đi

Ở đây sóng gió bất kỳ,

Má ơi, má ở làm chi một mình ?

Rừng một dải U Minh tối sớm,

Má lom khom đi lượm củi khô,

Ngày đêm củi chất bên lò,

Ai hay má cất củi khô làm gì ?

…………….

Má già trong túp lều tranh,

Ngồi bên bếp lửa, đun cành củi khô,

Một mình má một nồi to,

Cơm vừa chín tớí vùi tro, má cười…

Thì ra má ở lại để nấu cơm cho anh em du kích, quân giặc đã phát hiện ra má, chúng đã tra tấn, giết hại má nhưng má quyết không khai nơi anh em du kích ở:

Khai mau, du kích ra vào nơi đâu ?

Khai mau ! Tao chém mất đầu

Má già lẩy bẩy như tàu chuối khô,

Má ngã xuống bên lò bếp đỏ…

Má già nhắm mắt rưng rưng

Các con ơi, ở trong rừng U Minh,

Má có chết một mình má chết

(“Bà má Hậu Giang”, Tố Hữu)

Hình ảnh “Bà Bủ”, “Bầm” vô cùng thân thương trong lòng những người con của các “Bà Bủ”, “Bầm” khi các anh đi ra chiến trường:

Bà Bủ nằm ổ chuổi khô

Bà Bủ không ngủ bà lo bời bời…

Đêm nay tháng chạp mồng mười,

Vài mươi bữa nữa tết rồi hết năm

Bà Bủ không ngủ bà nằm,

Bao giờ thằng út về thăm một kỳ ?

Từ ngày nó bước ra đi

Nó đi giải phóng đến khi nào về ?...

(“Bà Bủ”, Tố hữu)

Ai về thăm mẹ quê ta

Chiều nay có đứa con xa nhớ bầm…

Bầm ơi có rét không bầm ?

Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn,

Bầm ra ruộng cấy bầm run,

Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non…

(“Bầm ơi”, Tố Hữu)

Và đây, hình ảnh Mẹ Tơm, người mẹ đã nuôi nấng cán bộ hoạt động Cách mạng. Khi hòa bình lập lại, nhà thơ Tố Hữu về thăm lại mẹ:

Tôi lại về quê mẹ nuôi xưa,

Một buổi trưa, nắng dài bãi cát,

Gió lộng xôn xao, sóng biển đu đưa

Mát rượi lòng ta ngân nga tiếng hát…

Con đã về đây, ơi mẹ Tơm,

Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm.

Cho con, cho Đảng ngày xưa đó,

Không sợ tù gông, chấp súng gươm…

(“Mẹ Tơm”, Tố Hữu)

Hình ảnh Mẹ Suốt, người lái đò trên sông Nhật Lệ, Quảng Bình đưa cán bộ, thương binh và vũ khí qua sông đi đánh giặc (Mẹ đã được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động” trong kháng chiến chống Mỹ và sau khi mất được dựng tượng bên bờ sông Nhật Lệ) được nhà thơ miêu tả rất sinh động:

Một tay lái chiếc đò ngang

Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày

Sợ chi sóng gió tàu bay

Tây kia mình đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua !

Kể chi tuổi tác già nua

Chống chèo xin cứ thi đua đến cùng !

Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung

Gió lay như sóng biển tung, trắng bờ...

Gan chi gan rứa, mẹ nờ ?

Mẹ rằng: Cứu nước, mình chờ chi ai Chẳng bằng con gái, con trai Sáu mươi còn một chút tài đò đưa Tàu bay hắn bắn sớm trưa Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò...

(“Mẹ Suốt”, Tố Hữu)

Vẻ đẹp người phụ nữ việt nam trong văn học

Mẹ Suốt chèo đò, ảnh sưu tầm

Chị Út Tịch (1931-1968) một nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Việt Nam. Cuộc đời bà đã được nhà văn Nguyễn Thi xây dựng thành nhân vật chính trong tác phẩm "Người mẹ cầm súng", được đưa vào các giáo trình văn học phổ thông. Bà tên thật là Nguyễn Thị Út, sinh ngày 19 tháng 4 năm 1931, nguyên quán tại làng Tích Thiện, tổng Thạnh Trị, quận Cầu Kè, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh).

Vẻ đẹp người phụ nữ việt nam trong văn học

Nữ anh hùng Nguyễn Thị Út và trang bìa tác phẩm “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi, ảnh sưu tầm

Trong âm nhạc, hình ảnh người phụ nữ được nói đến nhiều là những bà mẹ “Mẹ Tổ quốc”, bài hát “Đất nước” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn có những câu:

Xin hát về người đất nước ơi ! Xin hát về mẹ Tổ quốc ơi,

Mấy mùa không ngủ Ngăn bước quân thù phía Nam, phía Bắc Vai mẹ lại gầy gánh gạo nuôi con.

Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu,

Nghe dịu nỗi đau của mẹ Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ, Các anh không về mình mẹ lặng im….

Bài hát “Huyền thoại mẹ”, Trịnh Công Sơn đã có những câu hát rất lắng đọng về người mẹ:

Đêm chong đèn ngồi nhớ lại Từng câu chuyện ngày xưa.

Mẹ về đứng dưới mưa Che đàn con nằm ngủ Canh từng bước chân thù. Mẹ ngồi dưới cơn mưa.

Mẹ lội qua con suối, Dưới mưa bom không ngại Mẹ nhẹ nhàng đưa lối, Tiễn con qua núi đồi. Mẹ chìm trong đêm tối, Gió mưa tóc che lối con đi…

Xin lấy một đoạn trong bài hát “Hai chị em” của nhạc sĩ Hoàng Vân làm lời kết cho bài viết này:

Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh Chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình Hai chị em trên hai trận tuyến Anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang Trang sử vàng chống Mỹ cứu nước Sáng ngời tên cô gái Việt Nam.

Hỡi ai đã đi năm châu bốn biển Mà hỏi có gì đẹp trong cô gái Việt Nam Đẹp lắm chứ anh hùng lắm chứ Thời đại chúng tôi thật là vẻ vang Từng cây lúa, từng cây súng Dâng tự hào cùng cô gái Việt Nam

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam được miêu tả trong văn học, âm nhạc rất phong phú, rất đẹp và trang trọng, đó chính là những người mẹ, người vợ, người chị, người em trong đời sồng thực quanh chúng ta: gần gũi, thân yêu mà trong sáng đến lạ thường, đúng như tám chữ vàng Bác Hồ tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” ./.