Xe ôm truyền thống là gì

X

Privacy & Cookies

This site uses cookies. By continuing, you agree to their use. Learn more, including how to control cookies.

Got It!
Advertisements

Chú Trung là người đi xe ôm hiếm hoi ở Phan Văn Trị không phải là Grab Bike. Tôi có dịp được đi cùng chú vài lần, đa phần chỉ là chạy loanh quanh phường 5 và phường 7 của Gò Vấp. Và vì thế mà chú nhớ tôi khá rõ dù rằng tôi chỉ gặp chú lần này mới chỉ là lần thứ 3.

Tôi thật sự thắc mắc tại vì sao chú không xài Grab. Chú bảo, tại chú già rồi, xe chú cũ quá. Vừa già mà xe vừa cũ, Grab nó không nhận. Thực ra, lần đầu tiên tôi hỏi chú, chú ấy bảo là không thích lắm, vì cứ đứng ở góc đường, có những khách quen, thì cứ thế mà đi thôi. Nhưng rồi, xe ôm công nghệ với nhiều lợi thế đã hầu như chiếm lĩnh thị trường, cánh xe ôm truyền thống không còn đất sống. Chú Trung là một trong những người xe ôm truyền thống còn bị kẹt lại bởi cơ chế, vừa quá tuổi vừa nghèo. Chú chạy xe ôm đã 14 năm, và có lẽ chú cũng chả biết làm gì khác ngoài nghề xe ôm. Tôi hay cho thêm chú vài chục để chú có thêm thu nhập. Cho nhiều hơn thì không thể, bởi tôi cũng chỉ là một người sống ngụ cư ở đất Sài Thành này, còn nhiều thứ để lo toan lắm.

Chú than thở, giờ cần tiền để sửa xe mà chạy, nhưng không đủ tiền. Tôi hỏi cỡ bao nhiêu, chú bảo làm lại máy chắc cỡ một triệu. Một triệu là số tiền mà một gia đình nhỏ có thể chi ra cho một buổi ăn ngon cuối tuần ở Sài Gòn, và nó chính là số tiền cứu cánh cho công cuộc mưu sinh của một người xe ôm đã luống tuổi. Tôi bảo sẽ nuôi lợn để hy vọng có thể hỗ trợ chú trong một hai tháng tới, bởi cho một số tiền lớn thì tôi không làm được, còn hy sinh mỗi ngày đôi mươi ngàn thay vì uống café cóc thì tôi có thể làm được. Nói vậy, chứ cũng chả chắc chắn được là tôi có thể để lợn như thế không, nên mới nhắc mình trong bài viết này để nhớ mà làm, người ta khó khăn hơn mình nhiều quá.

Nhìn chú mà tôi nhớ đến ba mẹ và cảm ơn ông bà nhiều lắm, bởi tôi có cuộc sống no đủ, được học hành đến nơi đến chốn, không bị rơi vào nghịch cảnh như những người khác. Nhìn những người già tự phải lo toan cuộc sống của mình mà lòng tôi hơi xốn xang, chả biết sau này ba mẹ mình rồi đến mình sẽ sống như thế nào. Xã hội thì có phát triển đấy, nhưng chưa có chính sách nào hỗ trợ cho người cao tuổi mà neo đơn. Tôi chứng kiến hàng trăm trường hợp ở Sài Gòn này phải sống cuộc sống mưu sinh vất vả khi đã quá tuổi 70. Còn chú Trung, chú chỉ mới ở độ tuổi 58, nhưng so với ba tôi, một người lớn hơn chú 4 tuổi, trong chú già hơn.

Mong là chú có sức khỏe để có thể tiếp tục cuộc sống của mình. Không giàu có, không quá vất vả, nhưng vẫn sống thanh sạch được.

Còn tôi, khi ở tuổi 36 rồi, thì phải chuẩn bị kế hoạch để không phải rơi vào cảnh khốn khổ khi về già!

T.P. Hồ Chí Minh, 19/03/2019.

Advertisements

Share this:

Related

  • Ấn tượng với Sony RX1R
  • January 29, 2020
  • In "Chân dung"
  • Âm dương hài hoà
  • January 27, 2022
  • In "bàn luận"
  • Làm thế nào để chụp được những bức hình đẹp?
  • July 16, 2017
  • In "bàn luận"

Video liên quan

Chủ Đề