Bác luôn luôn trăn trở một điều, và cái mà bác luôn đặt trong tim mình là gì?

Năm 1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, Bác đã ra đi tìm đường cứu nước nhưng chưa về lại được Sài Gòn, Bác nói: “Bác đi đến nơi nhưng chưa về đến chốn”. Thương đồng bào và chiến sĩ miền Nam “đi trước về sau”, “cố gắng giải phóng nhanh để Bác được vào thăm đồng bào miền Nam”, đó là niềm mong ước, nỗi khát khao và cũng là điều trăn trở cho tới lúc Người đi xa. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tháng 9/1954, trong thư gửi bộ đội, cán bộ và gia đình cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đến ngày hòa bình đã được củng cố, thống nhất được thực hiện, độc lập, dân chủ đã hoàn thành, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ. Lúc đó, rất có thể tôi sẽ cùng đồng bào vào thăm miền Nam yêu quý của chúng ta”.

     Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Bác càng nung nấu một ý muốn cháy bỏng là phải vào bằng được Nam Bộ với đồng bào, đồng chí miền Nam đang chiến đấu. Nhưng những năm sau này, khi sức khỏe của Bác có phần giảm sút đi nhiều, lo lắng ý định không thể thực hiện được, một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đề nghị được vào miền Nam để gặp gỡ đồng bào, động viên chiến sĩ. Ngày 10/3/1968, trong “Bức thư gửi đồng chí Lê Duẩn” Bác đã đề nghị ý định của mình, để thuyết phục các đồng chí trong Bộ Chính trị, Bác đã chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng từ hình thức đi cho tới thời gian, lịch trình cụ thể.
     Ngay đầu bức thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại câu chuyện “Hồi Noel năm ngoái, chú có ý khuyên Bác đi thăm miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn, nhưng nay Bác muốn đổi chữ sau thành chữ trước”. Ý định đã có từ lâu, cũng nhiều lần Bác đề nghị Bộ Chính trị bố trí để Bác vào thăm đồng bào, nhưng các đồng chí phụ trách luôn tìm cách trì hoãn và báo cáo lý do đường đi khó khăn vất vả, lo lắng sức khỏe của Người không đảm bảo cho chuyến đi xa, những lúc như vậy Bác luôn khẳng định: “Nếu không có đường nào khác thì tổ chức cho Bác đi bộ, các chú đi được thì Bác đi được”. Cho tới những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, Bác vẫn luôn âm thầm, bền bỉ rèn luyện sức khỏe, tích cực đi bộ, có khi tập leo núi để chuẩn bị cho chuyến đi đặc biệt này. Trong vườn hoa Phủ Chủ tịch, từ Nhà sàn của Bác đến đình Hội Đồng có con đường nhỏ đã trở thành con đường mòn Bác đi bộ hàng ngày sau khi đi chữa bệnh về, và Người đặt tên là đường Trường Sơn. Khi Người qua đời mọi người mới hiểu Bác dùng con đường này tập luyện hàng ngày để có thể vượt Trường Sơn vào Nam thăm đồng bào, đồng chí.

     Nhớ lại năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh có hành trình về thăm Liên Khu IV - chặng đường vào Nam xa nhất kể từ khi Người trở về quê hương. Lúc đó, hiểu được tâm nguyện và trái tim Bác luôn hướng về miền Nam nhưng vì hoàn cảnh không cho phép, lại lo lắng an toàn cho Người nên các đồng chí phụ trách không thể để Bác vượt qua vĩ tuyến 17 đang chia cách hai miền Nam - Bắc mà chỉ có thể dùng máy phóng thanh để Bác nói chuyện với đồng bào bên kia giới tuyến. Nhưng khi đó, Bác có nói: “Bộ Chính trị để Bác vào Quảng Bình. Thế là được rồi. Còn muốn qua máy phóng thanh nói chuyện với đồng bào cũng như với tất cả bà con miền Nam thì tại Hà Nội đây Bác cũng nói được”. Nói vậy, nhưng các đồng chí cũng hiểu một lần nữa Bác lại chấp nhận cất giữ hình ảnh một phần đất nước đang chịu nhiều hy sinh gian khổ vào lòng.

     Nói về những tình cảm của Bác đối với đồng bào miền Nam đó là sự quan tâm, chăm sóc, là tình yêu thương được hình thành và bồi đắp qua năm tháng. Từ những ngày đầu tiên bắt đầu hành trình ra đi tìm đường cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã mang theo trong mình hình ảnh một nửa đất nước còn đang bị thực dân cai trị, nơi đồng bào vẫn đang ngày đêm chịu đựng sự tàn ác của kẻ thù. Cho tới ngày Bác trở về, cho tới những năm tháng sau kháng chiến chống Pháp, miền Bắc đã được tự do, nhưng Tổ quốc vẫn chịu nỗi đau chia cắt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở làm sao để giải phóng miền Nam. Mà để thực hiện điều đó, trước tiên cán bộ, nhân dân miền Nam phải nắm bắt kịp thời những chỉ đạo từ Trung ương. Bởi vậy, khi chuẩn bị Quốc dân đại hội họp tại Tân trào [7/1945], Bác đã đề nghị bằng mọi cách phải mời đại biểu Nam Bộ và Nam Trung Bộ tới tham gia. Theo lời kể của đồng chí Hà Huy Giáp, khi các đại biểu Nam Bộ và Nam Trung Bộ vừa đến nơi, Bác đã hỏi tình hình sau cuộc khởi nghĩa Nam Bộ, lo lắng đồng bào bị thực dân Pháp khủng bố dã man, các cơ sở cách mạng không kịp khôi phục. Phải tới khi được sự khẳng định miền Nam chắc chắn sẽ theo kịp tiến trình cả nước Người mới yên lòng.

      Với nhận định thống nhất đất nước là nhu cầu tất yếu của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đấu tranh cho thống nhất là con đường sống của nhân dân Việt Nam”. Và trên con đường đấu tranh giành độc lập tự do ấy, đồng bào và chiến sĩ miền Nam là những người phải chịu nhiều đau khổ, hy sinh mất mát. Để động viên tinh thần chiến sĩ và nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi tới miền Nam hàng ngàn bức thư, bức điện, bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn… Trong những bức thư ấy luôn là những lời động viên, thăm hỏi đầy tha thiết để ca ngợi tinh thần bất khuất, kiên cường, lòng yêu nước sâu sắc của đồng bào, chiến sĩ.

     Suốt mấy chục năm, không một phút nào là Bác không nghĩ đến đồng bào miền Nam ruột thịt. Đến khi từ biệt thế giới này, Bác cũng mang theo trong mình hơi ấm của miền Nam. Trước khi đi xa, Người đã để lại bản Di chúc với những dòng thiết tha, thương nhớ hướng về miền Nam và khẳng định cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi hoàn toàn: “Dù khó khăn, gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi… Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà… Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam, Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ chiến sĩ”. Trong cuốn sổ tay của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ghi lại diễn biến những ngày cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết: “Từ 24/8/1969 trở đi, Bác mệt nặng… Ngày 26/8/1969: Hàng ngày, Bác vẫn hỏi: Hôm nay miền Nam đánh thắng ở đâu?”.

     Hiểu được nỗi lòng của những người dân đang chiến đấu trên tuyến đầu chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng nhân dân miền Nam danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”, tặng phụ nữ miền Nam tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”… Chính từ sự quan tâm động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng chiến đấu gian khổ, đầy hy sinh ấy đã trở thành động lực để nhân dân miền Nam kiên cường chiến đấu làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Người.

BTGQU

Chủ Đề