Bài hát Tiến về Hà Nội được viết ở nhịp máy

Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về 

“Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân tiến về/Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng/Cờ ngày nào tung bay trên phố; Trùng trùng say trong câu hát/Lấp lánh lưỡi lê sáng ngời/Chúng ta đem vinh quang/ Sức dân tộc trở về/Cả cuộc đời tươi vui từ đây; Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào chảy dòng sương sớm long lanh/Chúng ta ươm lài hoa sắc hương phai ngày xa/Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu/Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay/Những xuân đời mỉm cười vui hát lên; Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần/Như mùa xuân xuống cành đường nghe gió về/Hà Nội bừng tiến quân ca”. Được biết, “Tiến về Hà Nội” được Văn Cao viết khi hoạt động ở khu vực chợ Đại, làng Hoà Xá, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông, tháng 10 năm 1949. 

Như nhạc sĩ kể lại, để phục vụ cho công tác chuẩn bị tổng phản công quân Pháp, cần có những ca khúc động viên bộ đội và nhân dân chiến đấu. Văn Cao đã hứa với lãnh đạo sẽ làm một ca khúc về Hà Nội và tại đây, sau nhiều ngày thai nghén, trong một đêm, đi dọc đường làng trăng sáng lung linh, bên những bụi tre xanh, những nét nhạc đầu tiên của “Tiến về Hà Nội” đã đến với ông: “Trùng trùng quân đi như sóng…” và chỉ hai tuần lễ sau đó, ông đã viết xong ca khúc. 

Nhạc sĩ Văn Cao 

Bài hát được đồng chí Khuất Duy Tiến, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến Khu Đặc biệt Hà Nội; Phó Bí thư Thành ủy kiêm Trưởng ban Tuyên huấn - Ủy viên Thường vụ Đặc khu ủy Hà Nội cho in vào tờ báo Thủ Đô, được lưu truyền trong cán bộ, chiến sĩ nhân dân Liên khu 3 và được rất nhiều người yêu thích. Văn Cao đã lấy cảm hứng sáng tác “Tiến về Hà Nội” với tinh thần lạc quan, tin tưởng ngày giải phóng Thủ đô đang đến gần.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng bài hát hào hùng được mọi người dân yêu mến này từng trải qua những quãng thăng, giáng... Khi bài hát ra đời, bên cạnh sự háo hức chào đón thì cũng có ý kiến cho rằng nội dung chưa hợp với thời cuộc, “lạc quan tếu”. Phải đến ngày Thủ đô chính thức được giải phóng, lời ca “Tiến về Hà Nội” mới được khơi dậy và vang mọi ngõ ngách Hà Nội. Hình ảnh “Trùng trùng quân đi như sóng… rồi “năm cửa ô đón chào… Mỗi dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô, hoà trong điệp khúc giai điệu lời ca này, nhiều người vẫn nghẹn ngào, xúc động. 

“Tiến về Hà Nội” được nhạc sĩ Văn Cao miêu tả sinh động bằng âm nhạc, cảnh tượng tưng bừng của đoàn quân giải phóng tiến về Thủ đô ngày chiến thắng. Điều đáng nói là thời điểm bài hát ra đời trước ngày giải phóng Hà Nội đến 5 năm mà nhạc sĩ tài hoa đã vẽ được hình ảnh đầy xúc động ấy. 

Những bức ảnh, những đoạn băng hình và cả trong ký ức bao người Hà Nội ghi lại và được chứng kiến thời khắc lịch sử đoàn quân từ chiến khu trở về tiếp quản Hà Nội trong rừng cờ hoa, trong sự chào đón của người dân Hà Nội còn sống mãi… và ngạc nhiên hơn là những hình ảnh trong ca từ của “Tiến về Hà Nội” do nhạc sĩ vẽ nên trùng khớp với hình ảnh trong ngày giải phóng Thủ đô 5 năm sau; đặc biệt là các đơn vị tiếp quản Thủ đô đều từ các cửa ô tiến vào nội thành hùng dũng, oai nghiêm, trùng trùng, lớp lớp, bước chân rầm rập tương tự như lời bài hát mà nhạc sĩ đã vẽ lên. 

Cột cờ Hà Nội ngày 10/10/1954 

Chính vì vậy, bài hát như lời dự báo ngày chiến thắng, bởi ngày trở về tiếp quản Thủ đô trong rừng hoa, sự chào đón nô nức của người dân không khác gì bức tranh ngôn ngữ mà Văn Cao đã phác hoạ trong “Tiến về Hà Nội”. Đó chính là linh cảm, là tài năng của nhạc sĩ Văn Cao mà chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi cảm nhận điều này từng nhận xét: Trong âm nhạc, Văn Cao như một ông Hoàng”. 

Để có ngày vui tràn đầy này, quân dân Hà Nội đã qua 60 ngày đêm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, sống mái với quân thù và sau đó để lại phố phường “ngùn ngụt cháy sau lưng” ra đi kháng chiến với lời thề son sắt quyết về giải phóng Thủ đô. Và ngày chiến thắng đó đã đến. Sau gần 8 năm tạm xa, thành phố lại về ta với niềm vui dâng trào. Bao con người của Hà Nội, của nước Việt đã chiến đấu hy sinh để làm nên niềm kiêu hãnh trong ngày trọng đại này.

Thực tế đã diễn ra như lòng người mong đợi, lời dự báo không hề “lạc quan tếu” đã đến. Sáng ngày 10/10/1954, Hà Nội bừng lên, năm cửa ô rợp bóng cờ hoa, nhân dân nô nức, vui mừng ùa ra khắp phố phường chào đón “Đoàn quân về giải phóng”. Và trong nhịp bước của các đoàn quân, nghe đâu đây nhạc khúc “Tiến về Hà Nội” tưng bừng. Nhân dân Thủ đô mang cờ, ảnh Bác, mang những bó hoa tươi thắm nhất, thành đội ngũ trật tự kéo tới những con đường bộ đội hành quân qua. 

Và lúc 8 giờ sáng, lực lượng chủ yếu của Đại đoàn 308, trong đó có Trung đoàn Thủ Đô và các đơn vị phối thuộc chia làm nhiều cánh tiến vào thành phố. Đoàn xe đầu tiên của các trung đoàn 36 và 88 cùng các đơn vị pháo binh, cao xạ, có xe kéo do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính và bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính dẫn đầu xuất phát từ Việt Nam học xá “rầm rập” tiến theo đường Duy Tân, Đồng Khánh [nay là phố Huế] đến Chợ Hôm, bờ hồ Hoàn Kiếm giữa sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân Thủ đô.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội Trần Duy Hưng
 từ Việt Bắc tiến về tiếp quản Thủ đô năm 1954

Cánh thứ hai là Trung đoàn Thủ đô, do anh hùng Nguyễn Quốc Trị - Trung đoàn trưởng dẫn đầu, xuất phát từ ô Cầu Giấy, rầm rập diễu binh qua phố Hàng Đẫy, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Ngang, Hàng Đào vào Cửa Đông của Thành Hà Nội. Bộ đội ta tiến đến đâu, nhân dân đổ ra phất cờ, tung hoa reo mừng không ngớt. Cổng chào, khẩu hiệu dựng lên khắp các đường phố, cờ đỏ sao vàng rực rỡ trên khắp các tầng nhà…

Chiều 10/10/1954, còi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài. Mấy chục vạn nhân dân Hà Nội trang nghiêm dự Lễ chào cờ tại sân vận động Cột Cờ với sự tham gia của các đơn vị quân đội. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhật lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh nhân Ngày giải phóng Thủ đô. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân Thủ đô phải “cố gắng khôi phục, củng cố và phát triển đời sống tinh thần, vật chất, giữ gìn trật tự an ninh, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, thi hành đầy đủ 8 chính sách của Chính phủ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khen ngợi cán bộ và chiến sĩ tiếp quản Thủ đô. Người nhắc nhở bộ đội: “ Luôn luôn cảnh giác, giữ vững kỉ luật, thi đua học tập và công tác để cho bộ đội ta thêm hùng mạnh, chính quyền ta thêm vững chắc”.  

Hơn sáu mươi năm đã qua nhưng không khí hào hùng của ngày Thủ đô giải phóng như còn vang đâu đây trong lòng mỗi người Hà Nội và nhân dân cả nước cùng nhạc khúc “Tiến về Hà Nội” tưng bừng. “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao là ca khúc hay nhất, thành công nhất, bức tranh hoành tráng nhất về sự kiện giải phóng Thủ đô và là bản hùng ca chiến thắng…

Đại tá, TS Nguyễn Thành Hữu

Ra đời trước 5 năm mà trùng khớp kỳ lạ

Theo nhiều nhạc sĩ thì “Tiến về Hà Nội” được xem như một bài hát mang tính dự báo về ngày Giải phóng Thủ đô nhưng lại trùng khớp một cách kỳ lạ với những gì đã diễn ra sau đó. Vào tháng 10/1954, Hà Nội đón những đoàn quân từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản và hình ảnh những đoàn quân “đi như sóng” tiến về Hà Nội đẹp không khác gì lời bài hát mà nhạc Văn Cao đã viết từ trước đó: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…/ Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”.

Hình ảnh các đoàn quân tiến vào giải phóng Thủ đô năm 1954. Ảnh: TL.

Đặc biệt, những bức ảnh ghi lại thời khắc đoàn quân từ chiến khu trở về tiếp quản Hà Nội trong rừng cờ hoa, trong sự chào đón của người dân Hà Nội và các Trung đoàn tiếp quản Thủ đô đều đi từ 5 cửa ô tiến vào nội thành càng “đúng như in” với những gì vị nhạc sĩ tài ba đã hình dung.

Trong những tư liệu hiếm hoi còn lại, nhạc sĩ Văn Cao từng chia sẻ về hoàn cảnh ra đời ca khúc “Tiến về Hà Nội” rằng, vào cuối năm 1948, ông được lệnh điều về công tác tại Chi hội Văn nghệ Liên khu 3. Cùng đi với ông thời đó còn có nhà văn Nguyễn Đình Thi và hoạ sĩ Tô Ngọc Vân. Vì hoàn cảnh chiến tranh lúc đó là "thời kỳ cầm cự" có thể chiến tranh kéo dài không biết đến bao giờ nên ông đã mang theo vợ con vượt đường số 6 đi bộ gần một tháng mới về đến chợ Đại thuộc huyện Ứng Hòa, Sơn Tây nay là Hà Nội. Đây từng được xem là “thủ phủ” của các văn nghệ sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

“Về tới chợ Đại chúng tôi phải đến gặp ngay đồng chí Lương Xuân Nhị và đồng chí Tử Phác lúc đó là cán bộ lãnh đạo Chi hội Văn nghệ Liên khu 3. Riêng về nhiệm vụ công tác của tôi là phải sáng tác một bài hát cho Hà Nội. Tôi còn nhớ trong một buổi họp chi bộ ở Liên khu 3 tôi đã hứa với các đồng chí Khuất Duy Tiến và đồng chí Lê Quang Đạo là tôi sẽ viết một ca khúc về Hà Nội.

Tối hôm ấy, tôi đã cùng ăn cơm với anh Lê Quang Đạo. Anh Đạo đã nắm chặt tay tôi và nói: "Những ca khúc của cậu đã làm tôi rất xúc động. Nhất là bài Làng tôi và bài Trường ca Sông Lô. Nét nhạc và lời ca thơ mộng lắm. Làm mình rất nhớ Việt Bắc. Dù sao thì chất lãng mạn của cậu vẫn không thay đổi. Riêng bài sông Lô có đoạn như "Đoàn quân thời chinh chiến ca rằng: Đây Vôn-ga đây Dương Tử đây sông Lô đây sóng căm hờn vút cao...". Không những lời ca hay mà nét nhạc lại rất du dương và hùng tráng nữa chứ. Vậy nếu cậu yêu Hà Nội nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình nhé!".

Cố nhạc sĩ Văn Cao đã để lại nhiều tác phẩm âm nhạc bất hủ. Ảnh: TL.

Khi anh Đạo tiễn tôi ra về anh đã khoác tay tôi đi trên đường làng một quãng dài anh thủ thỉ nói với tôi "Khẩu hiệu của Trung ương là tất cả cho tổng phản công nhưng nếu có một bài hát cho Hà Nội đầy tình cảm cũng là mơ ước của những người dân thủ đô đấy".

Đêm hôm ấy tôi ra về đi dọc đường làng trăng sáng lung linh bên những bụi tre xanh và những nét nhạc đầu tiên của bài "Tiến về Hà Nội" đã đến với tôi "Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về..." Chỉ hai tuần lễ sau đó tôi đã viết xong ca khúc "Tiến về Hà Nội" khi ấy là mùa xuân 1949. Bài hát "Tiến về Hà Nội" của tôi đã được anh Khuất Duy Tiến cho in vào tờ báo Thủ đô hồi ấy”, cố nhạc sĩ “Tiến quân ca” đã kể lại.

Lời tiên đoán lịch sử chân xác

Theo hoạ sĩ Văn Thao – con trai trưởng của cố nhạc sĩ Văn Cao thì vào thời điểm đó nhạc sĩ còn sáng tác bài “Tổng phản công” nhưng do ca khúc “Tiến về Hà Nội” tạo tiếng vang lớn nên bài hát “Tổng phản công” ít được nhắc tới.

Hoạ sĩ Văn Thao cho biết thêm, vào cuối năm 1949, thực dân Pháp bất ngờ mở trận càn lớn ở Hà Nam Ninh [nay là Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam], đánh lên khu vực Hòa Bình. Để bảo toàn lực lượng, toàn bộ lực lượng văn nghệ khu 3 ta phải rút lui, nhạc sĩ Văn Cao cùng với một số nghệ sĩ khác di chuyển sang Thái Bình. Tại đây, đầu năm 1950, nhạc sĩ Tạ Phước đã dàn dựng bài “Tiến về Hà Nội” phục vụ bộ đội và nhân dân địa phương vì thế bài hát lan nhanh khắp nơi. Nhưng cũng ngay sau đó, ca khúc bị cất đi do quan điểm được cho là chưa hợp với thời cuộc lúc bấy giờ. Mãi tới ngày Giải phóng Thủ đô, “Tiến về Hà Nội” mới được khơi dậy và vang lên khắp nơi.

Chỉ tiếc rằng, chính trong ngày các đoàn quân từ chiến khu trở về tiếp quản Thủ đô và ca khúc của ông được vang lên “đường đường chính chính” thì tác giả lại không có mặt để chứng kiến giờ phút thiêng liêng này. Thời điểm đó, nhạc sĩ Văn Cao theo phái đoàn Văn hóa cứu quốc đầu tiên của Việt Nam sang thăm Liên Xô và Trung Quốc.

Những hình ảnh về ngày giải phóng Thủ đô đã đi vào lịch sử. Ảnh: TL.

Nhiều người cho rằng, nếu ca khúc “Người Hà Nội” là lời thề son sắt buổi lên đường thì “Tiến về Hà Nội” là lời reo vui của ngày chiến thắng. Bài hát được viết theo thể loại hành khúc đem lại không khí sôi nổi đầy khí thế, nghe trong câu hát có nhịp chân hành quân gấp gáp đầy kiêu hãnh, xôn xao, hạnh phúc giữa cả rừng cờ hoa chào đón hân hoan.

Nhạc sĩ Huy Hoàng cho rằng: "Tiến về Hà Nội" là một lời tiên đoán lịch sử thật chính xác nhưng có lẽ có một điều quan trọng hơn: đây một tác phẩm âm nhạc xuất sắc. Một lời tiên đoán đúng đến mấy thì chỉ sau khi sự việc xảy ra nó mới được kiểm chứng, còn một tác phẩm âm nhạc thì được kiểm chứng từng giây từng phút sau khi ra đời.

Ca khúc đã được yêu mến, được hát vang trên những con đường Hà Nội trong ngày giải phóng 10/10, trong những năm tháng "mịt mù bão lửa" cho đến "một thời hòa bình". "Tiến về Hà Nội"vẫn tràn sức sống cho tới tận ngày nay, bởi nó mang lại cho người nghe một cảm giác lạc quan tin tưởng và hạnh phúc khó tả”.

Từ khi ra đời đến nay, “Tiến về Hà Nội” vẫn được nhiều người yêu mến. Âm thanh của ca khúc vẫn thường xuyên vang lên, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô 10/10. Ca khúc như đã trở thành một “khúc ca khải hoàn” của người Hà Nội trong ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau.

TIẾN VỀ HÀ NỘI

Trùng trùng quân đi như sóng

Lớp lớp đoàn quân tiến về

Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng

cờ ngày nào tung bay trên phố

Trùng trùng say trong câu hát lấp lánh lưỡi lê sáng ngời

Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về

Cả cuộc đời tươi vui về đây

Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về

Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào

Chảy dòng sương sớm long lanh

Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa

Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu

Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay

Những xuân đời mỉm cười vui hát lên

Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần

Như mùa xuân xuống cành đường nghe gió về

Hà Nội bừng tiến quân ca

Hà Tùng Long

Video liên quan

Chủ Đề