Bài thơ từ cuba nhà thơ sáng tác năm nào năm 2024

Bài thơ không dài lắm nhưng chứa đựng một dung lượng hình tượng và cảm xúc rất lớn, mang dáng dấp của một trường ca về Hồ Chí Minh. Mỗi câu thơ ở đây là một nét khắc họa đẹp về Bác, một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng. Đó là cái đẹp cao cả, kỳ vĩ nhưng không hề bị thần thoại hóa, trái lại vô cùng thân thuộc gần gụi với con người. Bác là con người viết hoa của hiện tại và của cả tương lai, con người của dân tộc, đồng thời là con người của nhân loại.

Chính vì thế, mà tên tuổi Hồ Chí Minh đã trở thành nguồn cảm hứng bao la của thi ca, hay nói như Felix Pita Rodriguez “tên Người là cả một niềm thơ”.Và, bằng thơ, anh đã lý giải đầy thuyết phục và rất xúc động điều ấy.

Trong cái nhìn của nhà thơ Cuba anh em, Hồ Chí Minh không chỉ là một lãnh tụ vĩ đại mà ở Bác còn hội đủ phẩm chất, tài năng của một thi nhân lớn và cũng là người nông dân Việt Nam trong sáng:

“Bởi vì Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhà thơ Hồ Chí Minh

Người nông dân Việt Nam trong sáng Hồ Chí Minh”

Đó là cách nói khái quát, giản dị và dễ hiểu về Bác Hồ của chúng ta. Trong đó câu thơ thứ ba thật tuyệt vời. Phải thấu hiểu, kính yêu dân tộc Việt Nam và Bác Hồ đến độ máu thịt ruột rà mới viết được câu: “Người nông dân Việt Nam trong sáng Hồ Chí Minh”. Dân tộc, nhân dân, Hồ Chí Minh đã hòa làm một. Trong Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể không có phẩm chất trong sáng của người nông dân Việt Nam và điều ấy cũng có nghĩa Người “là đất nước, là máu xương Tổ quốc”.

Từ sự khởi đầu giàu chất chính luận - trữ tình nhuần nhuyễn như thế nhà thơ tiếp tục “lý giải” cụ thể và khắc họa sâu sắc đầy đủ hơn về con người Hồ Chí Minh vĩ đại mà cái tên gọi đã là cả một niềm thơ. Trước hết, Bác là người cùng chịu, cùng gánh nỗi đau thương mất mát lớn lao, triền miên của dân tộc, của nhân dân. Bắt đầu từ hiện tại cuộc chiến tranh chống giặc Mỹ xâm lược: “…Người đau nỗi đau của những vết thương trên mình mỗi em bé Việt Nam bị quỷ “Yanki” giết chết/ Khi giặc lái của Lầu Năm Góc phá đổ mỗi ngôi nhà/ Thì lòng người bỗng nhiên như sụp mái/ Bởi vì trong mỗi xóm nhỏ tan hoang vì bom napan Mỹ/ Một mảnh tim Người tự cháy xót xa!”.

Sự liên tưởng trở lui về quá khứ tối tăm thời Pháp thuộc: “Bởi vì Người đã đói mọi cơn đói ngày xưa/ Vì Người đã chết hai triệu lần năm đói bốn nhăm khủng khiếp/ Bởi vì Người đã mặc lên mọi tấm áo xác xơ/ Đã đi chân đất với mỗi đôi chân trần của người dân đất nước/ Bởi vì Người đã chứa chất nỗi tủi nhục của mọi người cùng cực/ Bởi vì Người đã từng chịu đau nỗi roi vọt đánh vào dân tộc”.

Theo tôi, với những câu thơ này khó phân tích bình giảng cho thấu đáo được. Bởi lẽ trong từng câu từng chữ thăm thẳm, đau đáu nỗi thương nước, thương dân. Mỗi câu thơ như mỗi dòng chảy buốt siết quặn thắt. Đau nỗi đau quá khứ, đau nỗi đau hiện tại, số phận của dân tộc, của nhân dân gắn liền với số phận của Người. Thời đại chọn Hồ Chí Minh làm lãnh tụ anh minh của nhân dân trong bước ngoặt lịch sử mới mẻ, dữ dội của dân tộc. Qua Người, dân tộc đã được hồi tỉnh, được phục sinh:

“Bởi vì lòng Người héo hon khi nắng hạn

Với ruộng đồng chết khát năm lại qua năm

Và Người mang cấy lại trong lòng mình

Mỗi cây lúa chết ngạt vì lụt nước trắng bờ!”

Hồ Chí Minh đứng về phía những người cùng khổ trên thế gian này. Tấm lòng nhân ái ấy, tình cảm cao thượng ấy được biểu hiện bằng những hình ảnh sinh động và gây ấn tượng mạnh: “Bởi vì Người đã sống cùng người phu Quảng Châu, Thượng Hải/ Và đo được mức tận cùng đói rách/ Và ở Nam Phi, Người cũng được rách đói tận cùng/ Của những người Âu cùng đinh sang đó/ Tìm miếng cơm nuôi sống qua ngày/ Bởi vì Người đã đến với dân lao động/ Tự đào huyệt chôn mình khi vét dòng kênh Panama”.

Có những vấn đề chính trị tưởng chừng khô khan và rất khó diễn đạt bằng thơ như tư duy về giai cấp, về bóc lột hay con đường đấu tranh giải phóng cũng đã được tác giả trình bày khúc chiết, sáng rõ: “Và như thế, Người đã nhận ra rằng/ Bất cứ ở đâu, con người cũng chỉ là một và đói khổ cũng chỉ là một/ Và Người cũng biết: ở đâu cũng một lòng căm uất/ Và đường đi chỉ có một mà thôi”.

Trong Hồ Chí Minh có con người Việt Nam và con người nhân loại; hội tụ những tinh hoa truyền thống, lương tâm của thời đại và phẩm giá của tương lai. Nói về Người, ca ngợi Người là nói tới và ca ngợi đất nước Việt Nam, nơi có sông Cửu Long, Hồng Hà, có Vịnh Hạ Long, Điện Biên Phủ, chùa Một Cột… Hồ Chí Minh đồng nghĩa với đất nước Việt Nam tươi đẹp và anh hùng, rộng lớn hoành tráng nhưng thân thuộc như “cây nhãn và cây tre xứ sở”.

Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà thơ Hồ Chí Minh và Người nông dân Việt Nam trong sáng Hồ Chí Minh lại được nhắc lại ở khổ cuối của bài thơ như một điệp khúc đẹp, nhằm khẳng định những giá trị vĩnh hằng có ở Bác. Và thêm một lần nữa hình ảnh Hồ Chí Minh lại được lồng trong hình ảnh Việt Nam, nhưng đây là Việt Nam của Ngày Mai đã được dự báo qua Người:

"Bởi vì ca ngợi Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhà thơ Hồ Chí Minh

Người nông dân Việt Nam trong sáng Hồ Chí Minh

Là ca ngợi đất nước Việt Nam tươi đẹp và đau thương

Ca ngợi nước Việt Nam mà dáng dấp không còn

Là chiếc đòn tre gánh mỗi đầu một thúng

Mà là một hình dáng vinh quang của cửa ngõ có một không hai

Để đi vào thế giới tương lai".

Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng dồi dào của sáng tạo văn học nghệ thuật. Trong và ngoài nước đã có nhiều tác phẩm hay về Bác Hồ - người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá của nhân loại. Trong đó, “Hồ Chí Minh- tên Người là cả một niềm thơ” là một tác phẩm xuất sắc. Theo cảm nhận của tôi, đây là một bài thơ chính luận - trữ tình mẫu mực, một tác phẩm có giá trị mà Felix Pita Rodriguez đã dành tặng cho nhân dân Việt Nam chúng ta