Bản chất con người thường bị bánh xe số phận che đậy

Bài làm

Trên cánh đồng văn chương Việt Nam, có nhà văn độc canh bằng một loại thể. Tiêu biểu cho khuynh hướng này phải kể đến nhà văn Kim Lân – nhà văn cả đời đi về với đất, với người, với cuộc sống nông thôn thuần hậu [nói như Nguyên Hồng]; lại có nhà văn thâm canh tăng vụ bằng nhiều loại thể. Tiêu biểu ta phải kể đến nhà văn Tô Hoài. Tính đến nay sự nghiệp của Tô Hoài đã già nửa thế kỉ. Ông là tác giả của khoảng trăm đầu sách, hàng nghìn bài báo với nhiều thể loại phong phú và đa dạng. Nhưng nhắc đến Tô Hoài trước Cách mạng tháng Tám, người yêu văn không thể không nhắc tới "Dế mèn phiêu lưu kí"; sau Cách mạng tháng Tám với tập "Truyện Tây Bắc" gồm ba truyện ngắn: "Cứu đất cứu Mường", "Mường Giơn giải phóng" và "Vợ chồng A Phủ". Những năm gần đây người ta lại xôn xao nhắc đến ông với "Cát bụi chân ai" và tiểu thuyết "Ba người khác". Đến nay "Vợ chồng A Phủ" vẫn là cái mốc thách thức của nhà văn Tô Hoài. Truyện được giải thưởng văn nghệ 1954 – 1955; là một truyện ngắn xuất sắc viết về đề tài miền núi Tây Bắc. Tác phẩm được đưa vào trong chương trình giảng dạy như một kiệt tác của Tô Hoài. Truyện xoay quanh cuộc đời của người con gái Mèo nghèo khổ, xinh đẹp nết na; được Tô Hoài phát hiện và thể hiện với sức sống tiềm tàng bất diệt. Đó là Mị – nhân vật chính trong tác phẩm này. Thông qua sức sống tiềm tàng của Mị, Tô Hoài bộc lộ là một nhà văn nhân đạo, nhân văn, sâu sắc và cao cả. Văn hào Nga Shê-khốp đã từng nói: "Một người nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy". Tô Hoài là một nhà văn như thế.

Cuộc đời con người là một chuỗi vận động liên hoàn mà chúng ta không thể chia cắt hoặc phân tách. Tuy nhiên cuộc đời ấy lại được hình thành bằng một chuỗi sự kiện và hoàn cảnh. Ở những hoàn cảnh lớn, sự kiện lớn; bản chất của con người được bộc lộ. Ban – dắc đã từng nói "Bản chất của con người thường bị bánh xe của số phận che đậy, còn một khi lao vào bão tố thì bản chất ấy dù tốt hay xấu tự nó bộc lộ". Khẳng định như vậy bởi lẽ sức sống tiềm tàng là sức sống tiềm ẩn dưới đáy sâu tâm hồn con người. Nó là toàn bộ sức mạnh về thể chất và tinh thần của con người. Ở Mị, nó biểu hiện ra là niềm khao khát, muốn sống cuộc đời hạnh phúc trong tự do. Niềm khao khát ấy cứ âm ỉ cháy dưới đáy sâu tâm hồn Mị như một ngọn lửa chưa bao giờ tắt, như một chồi cây đâm sâu trong lòng đất chờ cơ hội để phát triển. Trong cuộc sống thường nhật, sức sống tiềm tàng còn được thể hiện ở thái độ phản kháng, sự chống lại và luôn vươn lên mọi thế lực bạo tàn; lúc nào cũng muốn lăm le hòng tiêu diệt lại nó.

Câu nói bình thường, nhưng đã làm toát lên bản chất của một con người. Đó là con người có sức sống tiềm tàng bất diệt. Câu nói của Mị hàm chứa sự đánh đổi, đánh tráo: Mị thà ở nhà lao động cực nhọc trên nương rẫy, nhưng được sống một cuộc đời hạnh phúc tự do với ước mơ của một thời con gái còn hơn phải làm con dâu nhà giàu; sống kiếp trâu ngựa nô lệ mất cả quyền làm người. Sự tráo đổi này chỉ có thể có ở những con người mạnh mẽ, tự tin, biết quý trọng danh dự và nhân phẩn của bản thân. Có câu "thân gái như hạt mưa sa". Làm dâu của nhà giàu là ước mơ của nhiều người phụ nữ. Nhưng với Mị, người con gái giàu lòng tự trọng và có sức sống tiềm tàng, Mị không bao giờ chấp nhận cuộc hôn nhân gả bán này. Điều đó thể hiện rõ ở lời quả quyết của Mị với cha: "Bố đừng bán con cho nhà giàu".

Mặc dù Mị không chấp nhận làm dâu nhà thống lí, nhưng cuộc đời Mị không được yên thân. Bởi Mị đang sống trong xã hội tiền quyền và thần quyền. Đây là xã hội thổ ty, lang đạo ở miền núi, tương ứng với xã hội phong kiến ở miền xuôi. Trong xã hội ấy, cạm bẫy người giăng giăng như mắc cửi, thì những người nết na như Mị không thoát được. Mị bị bắt cóc, lừa gạt, về cúng trình ma nhà thống lí Pá Tra, đợi ngày chết rũ xương ở đây. Biết được điều này, Mị đã khóc ròng rã hàng tháng trời. Sống ở nơi đây cũng đồng nghĩa với cái chết, và Mị đã nghĩ đến cái chết. Là một cô gái nết na, hiếu thảo, Mị không thể nào chết ở nhà thống lí mà không về chào cha lần cuối. Nhưng khi về đến gia đình, Mị mới thấy rõ bi kịch của gia đình mình. Bố Mị nói như van xin: "Mày về lạy chào tao để mày đi chết đấy à? Mày chết nhưng nợ tao vẫn còn, quan lại bắt tao trả nợ. Mày chết rồi thì không lấy ai làm nương ngô giả được nợ người ta, tao thì ốm yếu quá rồi. Không được, con ơi!". Sau khi nghe người cha nói ra những lời đầy nước mắt, Mị đứng trước hoàn cảnh oái oăm, éo le và cay cực: Mị sống thì không muốn, giờ đây Mị chết lại không xong. Mặc dù vậy, ý định tự tử của Mị lại là biểu hiện của sức sống tiềm tàng, biểu hiện của một lòng ham sống. Điều này có gì là nghịch lí hay không? Mới nghe qua tưởng đó là một nghịch lí, nhưng đặt trong hoàn cảnh của Mị, đó lại là sự hợp lí sâu sắc. Bởi lẽ Mị muốn chết như một con người, còn hơn phải sống như một con vật; Mị muốn chết ngay một lần để được làm người còn hơn chết dần, chết mòn, chết khô, chết héo, chết cả về thể xác và tâm hồn. Nếu Mị chết, nghĩa là Mị đã làm theo tiếng gọi của sức sống tiềm tàng, làm theo tiếng gọi của khao khát cá nhân mình; Mị buộc phải chà đạp lên chữ hiếu, phải dày xéo lên tình phụ tử. Là một cô gái nết na, hiếu thảo, Mị không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi đau của cha mình và bi kịch của gia đình. Nghĩa là Mị không bước qua được chữ "hiếu". Chỉ vì chữ "hiếu". Mị đành gạt nước mắt, quăng nắm lá ngón, quay trở về nhà thống lí Pá Tra ở Hồng Ngài. Cái nhà thống lí ở Hồng Ngài không khác gì hang hùm nọc rắn. Dấn thân vào nhà thống lí Pá Tra là dấn thân vào địa ngục trần gian, vào nơi thiên la địa võng. Ở đó cái ác hiện lên từng ngày, từng giờ và phát triển lên cùng cực. Cái ác lúc nào cũng muốn lăm le hòng tiêu diệt bản tính tốt đẹp của con người. Nhưng không phải vì thế mà người dân vùng cao bị xói mòn tình người, bị cằn cỗi tâm hồn. Ngược lại, trong lòng của cái ác, bản tính tốt đẹp của con người vẫn thăng hoa, nổi loạn. Chữ "hiếu" vẫn ngời sáng. Điều ấy cho thấy: tất của những gì tốt đẹp nhất của cuộc đời này không hề bị tiêu diệt. Cái thiện luôn chiến thắng cái ác!

Vì tình thương cha, Mị vẫn đành chấp nhận vào nhà thống lí. Đọc đến đây, người yêu văn nhớ đến bi kịch mà hơn 200 năm về trước, Thúy Kiều từng phải gánh chịu: bán mình chuộc cha. Điều đáng nói ở đây là sự việc hãi hùng này đến với Mị khi miền Bắc nước ta tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Nhưng có lẽ ánh sáng của cách mạng chưa rọi chiếu đến cuộc sống của những người dân rẻo cao Tây Bắc. Tô Hoài – với tư cách của một anh tuyên truyền viên, thông qua tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" cũng như sức sống tiềm tàng của Mị, nhà văn đã mang ánh sáng của Đảng đến với cuộc sống của những người dân Tây Bắc để cứu đất, cứu Mường, để Mường Giơn được giải phóng. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi họa sĩ nhân triển lãnh tranh toàn quốc ở miền Bắc lần thứ nhất năm 1951, có viết: "Văn học nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Nếu đứng từ góc độ này để cảm nhận thì Tô Hoài thực sự là người chiến sĩ đi đầu trên mặt trận văn chương.

Chấp nhận vào nhà thống lí Pá Tra, nên từ đây Mị đã không khóc nữa, Mị hoàn toàn thay đổi. Mị đành đào sâu chôn chặt mọi ước mơ của một thời con gái với quãng đời thiếu nữ tự do, với hạnh phúc trong mối tình đầu. Cô Mị tự trọng xinh đẹp là thế. Mị sống lầm lũi như con rùa ở trong xó cửa, xó bếp. Mị sống như một cái bóng, cái xác vô hồn giữa địa ngục trần gian. Mị sống chẳng qua chỉ là kéo dài những ngày chưa chết được mà thôi. Những câu văn đầy tính tạo hình, Tô Hoài đã dựng lên những chân dung của Mị với sức sống tàn phai mai một ngay ở những dòng đầu tác phẩm: "Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô con gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước của, cạnh tàu ngực. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi".

Xem thêm:  Phân tích hình tượng Lorca trong bài thơ Đàn ghita của lorca

Tất cả những gì tưởng như đã chết rồi trong lòng Mị thì giờ đây lại hồi sinh – hồi sinh một cách chóng vánh khi mùa xuân đến. Có thể nói những trang văn viết về mùa xuân của Tô Hoài là những trang văn tuyệt bút. Ta bắt gặp một cây bút vốn viết văn hiện thực, giờ đây lại có những trang văn vô cùng lãng mạn. Có thể không quá lời khi khẳng định, những trang văn viết về mùa xuân của Tô Hoài là những bài thơ trữ tình viết bằng văn xuôi. "Vợ chồng A Phủ" là minh chứng cho lời nhận định của một nhà phê bình văn học: "Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 có sự kết hợp hài hoà giữa hai nhân tố hiện thực và lãng mạn". Nhưng điều chúng ta quan tâm là ngòi bút tâm lí của nhà văn Tô Hoài khi lách sâu vào tâm hồn Mị để phát hiện ở Mị có sức sống tiềm tàng bất diệt. Nhà văn tập trung vào những ngõ ngách động cơ, những tâm lí phức tập âm thầm bên trong tâm hồn Mị. Cùng với Nam Cao, Tô Hoài thực sự là một nhà văn hiện thức tâm lí.

Để sức sống của Mị trỗi dậy trong những ngày mùa xuân, đầu tiên nhà văn tập trung miêu tả những đổi thay bên ngoài. Năm ấy mùa xuân đến sớm. Tô Hoài miêu tả những làn gió đem mùa xuân vê trên khắp các bản làng. Tất cả không khí nơi đây đều cuốn vào không khí của ngày hội. Hồng Ngài năm ấy ăn Tết giữa lúc gió thổi và cỏ gianh vàng ủng. Trên những bản của người Mèo Đỏ, những nương thuốc phiện đã nở hoa sặc sỡ, rồi những chiếc váy hoa xòe ra trông như những cánh bướm khổng lồ. Mùa xuân – nơi hội tụ sức sống của các bản làng, chất thơ của xứ sở được tập trung vào mỗi đám hội. Ban ngày từng đám thanh niên đến đánh quay, ném pao, tung còn… Tất cả không khí này âm thầm dội vào tâm hồn Mị – một tâm hồn vốn khô cằn; và nó làm cho sức sống của Mị bắt đầu có sự vận động trở lại. Nó chẳng khác nào như những nốt nhạc đầu tiên của bản tình ca thay đổi lớn sắp diễn ra trong lòng người đàn bà đã và đang phải chịu quá nhiều đau khổ.

Kế đó nhà văn tập trung vào để miêu tả tiếng sáo đêm tình của mùa xuân. Nếu ban ngày từng đám thanh niên nô nức đến với đám hội thì cứ tối đến, trong không gian kia là tiếng sáo, tiếng hát; tiếng khèn lá, khèn môi của trai gái gọi bạn tình; réo rắt đi hết quả đồi này sang quả đồi khác. Những tiếng sáo, tiếng hát ấy đánh thức dậy trong lòng Mị những bài hát từ ngày xưa mà kể từ ngày bước chân vào nhà thống lí Pá Tra, Mị đành đào sâu chôn chặt. Mị bổi hổi bồi hồi nhẩm lại bài hát từ ngày xưa. Ngày xưa Mị thổi sáo thật tài, chỉ cần uốn chiếc lá trên môi, cô thổi hay như thổi sáo:

"Anh ném pao, em không bắt

Em không yêu, quả pao rơi rồi

Em yêu người nào, em bắt pao nào."

Hoặc:

"Mày có con trai con gái rồi

Mày đi làm nương

Ta không có con trai con gái

Ta đi tìm người yêu."

Điều đáng nói là tiếng sáo, tiếng hát ấy đã mang lại hai tiếng "ngày xưa" trở về với Mị. Nói cách khác, nhờ có tiếng sáo mà thời gian trở về với Mị. Từ ngày bước chân vào nhà thống lí Pá Tra, Mị sống một cuộc sống phi không gian, phi thời gian. Thế giới của Mị là một căn buồng tăm tối, nhìn ra bên ngoài qua ô cửa mờ mờ trăng trắng, không biết ngày hay đêm, sương hay nắng. Khi một người không nhận thức được ngày – đêm, sương – nắng nghĩa là họ không nhận thức được không gian – thời gian. Đó là phương thức tồn tại của một sự sống. Nói cách khác, sức sống của Mị đang tàn phai mai một. Hôm nay nhờ có tiếng sáo mà thời gian đã trở về. Thời gian ấy cho Mị thấy hiện tại là đau khổ, quá khứ ngày xưa mới là hạnh phúc. Thế là lòng Mị chỉ hướng về ngày trước, với những quãng đời thiếu nữ tự do, hạnh phúc trong mối tình đầu. Mị muốn quay trở về với quá khứ, muốn vớt vát quá khứ, muốn kéo dài quá khứ để bù đắp lại những cay đắng trong hiện tại.

Xem thêm:  Bình giảngđoạn đầu bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm

Khi Mị đang đứng trước đôi bờ thời gian thì sức sống của Mị lại được tiếp thêm bằng bữa cơm tất niên nhà thống lí Pá Tra. Hình ảnh những người ốp đồng, nhảy múa vui vẻ trong tiếng nhạc sênh tiền càng làm cho lòng Mị trở nên rộn ràng náo nức. Niềm rộn ràng náo nức ấy biến thành một nỗi thúc bách khi những người trong nhà thống lí mặc váy áo mới đi chơi. Niềm rộn ràng náo nức này cũng như nỗi thúc bách kia là gì nếu không phải đó là biểu hiện của sức sống tiềm tàng đang trỗi dậy trong lòng Mị. Nó trở thành nhiều đòi hỏi bên trong lòng Mị, nó muốn bật ra thành hành động cụ thể bên ngoài.

Hành động đầu tiên là Mị lén lấy hũ rượu rồi uống ực từng bát. Nếu ai đọc "Đồng bạc hoa xòe" của Ma Văn Kháng thì không xa lạ khi gặp hình ảnh người phụ nữ uống rượu. Ở đây, ta quan tâm đến cách thức uống rượu của Mị. Mị uống ực từng bát. Mị uống như để nuốt những tủi hờn cay đắng, quên đi hiện tại khổ đau. Rồi say, Mị "lịm mặt" ngồi đấy, nhìn mọi người nhảy đồng và múa hát. Nhưng lòng Mị không ở thực tại, Mị đang sống về ngày trước. Mị thấy văng vẳng bên tai mình tiếng sáo gọi bạn ở đầu làng. Mị thấy mình còn trẻ đẹp, có nhu cầu đi chơi hội. Mị nghĩ: "Biết bao nhiêu người đàn bà có chồng, họ cũng đi chơi hội; huống hồ Mị với A Sử chẳng có lòng với nhau." Thế là Mị cũng sửa soạn đi hội. Bước vào căn buồng tăm tối, việc đầu tiên Mị làm là xắn miếng mỡ để vào đĩa đèn, cho đèn sáng hơn. Đây là chi tiết có chiều sâu về nghệ thuật. Bởi trước đây không thiết sống, nên căn buồng của Mị tăm tối, hôi hám, luộm thuộm, ẩm thấp; Mị cũng chẳng bận lòng. Hôm nay thì khác, sức sống tiềm tàng trỗi dậy rất mạnh trong lòng Mị, Mị muốn cuộc đời mình phải sáng sủa hơn; có lẽ đây là bước ngoặt với những đổi thay của Mị.

Viết về khát vọng sống của những người nông dân, các bậc tao nhân thường mượn hình ảnh ngọn đèn. Cuộc đời của người nông dân tăm tối hiện lên trên cánh đồng lúa của ngày xưa. Đó là những bức chân dung thiếu ánh sáng của Đảng chiếu vào, được Ngô Tất Tố viết trong "Tắt đèn"; là ngọn đèn dầu của mẹ con chị Tí cũng bị phân chia thành hai vùng sáng tối trong "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam; là ngọn đèn dầu thắp sáng lên trong túp lều của bà cụ Tứ ngày Tràng nhặt được vợ và đưa vợ về xóm ngụ cư. Còn ở đây là ngọn đèn trong căn buồng của Mị. Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội. Trong từng tế bào ấy, có những thành viên biết thắp lên ngọn lửa sống, như Mị trong "Vợ chồng A Phủ", như Tràng trong "Vợ nhặt"… Đồng nghĩa cả một dân tộc lầm than đang:

"Rũ bùn đứng dậy sáng lòa"

["Đất nước" – Nguyễn Đình Thi]

Rồi Mị đi tìm một chiếc váy hoa vắt tít ở phía trong vách. Bởi Mị thấy mình con trẻ, đẹp, Mị cũng sắp đi chơi hội. Mị quấn lại tóc. Khi một người đàn bà cuộc đời sống đồng lõa trong bóng tối, sống lầm lũi như con rùa ở xó cửa, xó bếp; bỗng một hôm thấy mình trẻ ra, đẹp hơn, có nhu cầu ăn mặc đẹp; đó là "dấu hiệu của sự tái xuân" [nói như Chu Văn Sơn]. Đó là lúc sức sống tiềm tàng trong Mị trỗi dậy mạnh mẽ nhất. Đúng lúc ấy, A Sử xuất hiện. Lấy làm lạ khi thấy Mị sửa soạn đi hội, hắn hỏi: "Mày muốn đi chơi à?" Ngay lúc ấy, A Sử trói Mị vào cột nhà bằng cả thúng dây đay, từ chân đến đầu, chưa bao giờ Mị thấy đau đớn, nhục nhã như lúc này. Đọc truyện, người yêu văn nhận thấy, sợi đay đã trở thành phương tiện trói buộc Mị vào nhà thống lí Pá Tra bên cạnh tiền quyền và thần quyền. Bởi lúc nào trên tay Mị cũng có đay. Ở trang văn này Mị ngồi giặt đay, trang văn khác Mị lại ngồi xe sợi. Và giờ đây những sợi đay ấy lại trói buộc Mị vào nhà thống lí. Mị thấy mình không bằng con trâu, con ngựa trong nhà thống lí Pá Tra; bởi khi mỏi nó còn được đổi tàu, đứng gãi chân, nhai cỏ. Còn Mị giờ đây khóc không thể tự lau nước mắt. Cơ chừng sau lần ấy, sức sống của Mị đã chết hẳn.

Rõ ràng khi đọc tác phẩm "Vợ chồng A Phủ", đến đây, người yêu văn lại thấy phải chăng, nhà văn Tô Hoài, một nhà văn viết văn ở sau Cách mạng tháng Tám, chẳng nhẽ ông lại để cho nhân vật của mình chết rũ xương ở Hồng Ngài? Cuộc đời của Mị sẽ thế nào nếu như lại đi vào cái bước lặp của văn học hiện thực phê phán trước Cách mạng? Nhưng nhìn lại truyện "Vợ chồng A Phủ", ta vẫn thấy ở đó còn vài ba trang truyện mà thông thường trong truyện ngắn, nhà văn đẩy kịch tính lên đến cao trào ở phần cuối truyện, rồi cởi trói truyện cũng ở phần cuối tác phẩm, Đọc hết "Vợ chồng A Phủ", ta lại ngỡ ngàng nhận ra, nhà văn Tô Hoài đã để cho đứa con tinh thần của mình gặp được một người, không ngờ người ấy đã tiếp thêm cho Mị sức mạnh để giải thoát người cùng cảnh ngộ, giải thoát người cùng cảnh ngộ, giải thoát cuộc đời của mình, ấy chính là A Phủ. Do vậy, truyện có nhan đề "Vợ chồng A Phủ".

Lại nói đến A Phủ, là một đứa trẻ mồ côi cha mẹ, sau một trận đậu mùa, người thân đã không còn. A Phủ là một con người sống bộc trực, thẳng thắn, khỏe mạnh; là người mà Hồng Ngài nhận định: "Có được A Phủ chẳng khác nào có được một con trâu tốt trong nhà." Nhưng vì sống bộc trực thẳng thắn nên A Phủ đã đánh lại con quan là A Sử, nhân một lần hắn gây lộn trong đám chơi xuân. Vì đánh phải con quan, A Phủ đã bị gia đình nhà thống lí Pá Tra bắt về để xử vả.

Đọc truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ", người yêu văn kinh hoàng trước cảnh tượng xử vả A Phủ. Những quan thống lí, thống phán và xéo phải ở đây ngất ngây trong cơn thuốc phiện, vừa đánh, vừa hút. Và kết cục cuộc đời của A Phủ, từ một con người tự do; nay đã trở thành kẻ trâu ngựa, nô lệ cho nhà thống lí Pá Tra với 100 đồng bạc trắng cùng tội trạng "đánh phải con quan". Người yêu văn nhận thấy, chỉ với 10 đồng bạc mà món nợ nhà Mị đã trở thành món nợ truyện kiếp, cuộc đời của Mị đã bị bắt cúng trình mà ở nơi địa ngục trần gian này; thì với số tiền gấp 10 lần ấy của A Phủ, rõ ràng đời đời kiếp kiếp con cháu A Phủ ở nợ cho nhà thống lí Pá Tra cũng không trả hết được. Cuối cùng, cuộc đời của A Phủ đã trở thành kẻ trâu ngựa, nô lệ cho nhà thống lí Pá Tra.

Xem thêm:  Nghị luận xã hội về sự nhường nhịn

Về chốn thiên la địa võng này, A Phủ có nhiệm vụ chăn thả bò ngựa, đi chăn bò tót và bẫy nhím. Một lần do mải bẫy nhím nên A Phủ đã để hổ vồ mất một con bò. Nhân sự kiện này, gia đình nhà thống lí Pá Tra đã đánh đập A Phủ, đánh trói A Phủ, bỏ đói hàng tuần lễ giữa những ngày mùa đông đầy sương muối ở vùng cao Tây Bắc.

Đêm nào cũng vậy, Mị vẫn dậy thổi than để hơ tay, Mị vẫn luôn nhìn thấy A Phủ, nhưng cô không động lòng thương nữa. Có lẽ cô đã sống quá lâu trong gia đình nhà thống lí Pá Tra, trong cái địa ngục trần gian ấy, nơi mà việc đánh đập con người nhiều hơn cơm bữa, nên lòng thương người của cô Mị nay đã bị chai sạn, bị chai lì. Hôm nay thì khác, chợt nghe thấy tiếng thở phì phì của A Phủ, Mị lén mắt nhìn sang, bất ngờ thấy một chàng trai to khỏe nhất bản, giờ đã bị hành xác đến tiều tụy: mặt xám lại, má hõm sâu, hai con mắt trũng sâu đầy bóng tối. Điều kị lạ là đúng lúc ấy, hai dòng nước mắt từ hai hố mắt của A Phủ, lặng lẽ bỏ xuống hõm má. Mị cảm thấy không đành lòng. Một niềm thương cảm chợt dâng lên trong lòng Mị. Mị nhớ đến mình ngày trước, cô cũng từng bị trói, bị đánh như thế. Mị thương mình, rồi lại thương người. Bỗng nhiên từ trong lòng Mị đã xuất hiện một lời độc thoại: "Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi… Người kia việc gì lại phải chết thế. A Phủ…" Khi một người đàn bà sống lầm lũi trong bóng tối, cam chịu, nhẫn nhục như con rùa ở xó cửa, xó bếp như cái bóng, cái xác vô hồn giữa địa ngục trần gian, sống như để kéo dài những ngày chưa chết được, bỗng một hôm ném ra câu hỏi như vậy trong bóng tối; thì đó là khởi đầu của sự nổi loạn trong tâm hồn. Chưa bao giờ Mị lại liều lĩnh như thế này. Và có lẽ chính hai dòng nước mắt của A Phủ đã chạm vào lòng thương của Mị. Nó khơi dậy một sức sống tiềm tàng ác liệt, trỗi dậy trong lòng Mị. Nghĩ đến cái chết, Mị không sợ nữa. Trong khoảnh khắc, Mị cầm dao cắt dây trói cho A Phủ, cho đến khi vòng dây cuối cùng được cắt đứt, A Phủ khuỵu người xuống rồi bật người đứng dậy, chạy băng băng vào trong bóng tối. Đến lúc này đây, Mị cũng chỉ nghĩ đến việc mình phải cứu A Phủ. Nhưng nhìn vào cái cọc bỏ không, Mị lại nghĩ tới nguy cơ mình sẽ bị trói thay, trói thế vào đó. Ý định tự cứu mình đến với Mị, Mị không thể chết một cách vô lí như vậy. Mị vọng thanh theo A Phủ: "A Phủ, cho tôi đi." Đó là câu nói của một lòng ham sống. Và thế là hai con người nô lệ đã giải thoát cho nhau, nương tựa vào nhau để trốn khỏi Hồng Ngài, đến Phiềng Sa. Hành động Mị giải thoát cho A Phủ trốn khỏi Hồng Ngài, đến Phiềng Sa cho đến nay vẫn là cái mốc thách thức của chính nhà văn Tô Hoài. Chính nhờ hành động này mà "Vợ chồng A Phủ" đã trở thành một tác phẩm bản lề, khép mở 2 thế giới. Nó khép lại cái thế giới tăm tối với những kiếp sống trâu ngựa, nô lệ ở Hồng Ngài; và mở ra một cuộc sống mới, tươi sáng hơn ở phía Phiềng Sa. Ngoài ra, chính hành động này đã gián tiếp khắc phục được cái hạn chế của dòng văn học hiện thực phê phán một thời. Đồng thời, nó còn mở ra hướng đi mới cho văn học thời kì giải phóng. Chính nhờ chi tiết này mà "Vợ chồng A Phủ" được trao giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật năm 1954 – 1955. Không phải ngẫu nhiên mà sau khi đọc xong "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố, cũng như sau khi đọc xong tác phẩm này, nhà văn Nguyễn Tuân đã nhận định: "Tôi nhớ như đã có lần nào tôi gặp chị Dậu trong một đám đông đi phá kho thóc Nhật, địch hậu o ép, chị tải lương và đậy nắp hầm cho cán bộ, bộ đội cơ sở trong những ngày huyện kì khởi nghĩa…" Rõ ràng trong truyện, chị Dâu không hề đi phá kho thóc Nhật. Nhưng chị là tiền thân của sức mạnh, là một con người chưa bao giờ đầu hàng trước hoàn cảnh. Vậy người mà Nguyễn Tuân nhầm tưởng là ai? Nếu không phải là vợ chồng A Phủ,…? Vì khi đến Phiềng Sa, Mị và A Phủ đã gặp được cán bộ cách mạng là A Châu. Vậy nên chúng ta có thể tin tưởng rằng, những người như Mị và A Phủ mới và sẽ trở thành những người chiến sĩ cách mạng kiên cường. Bởi nói như Tố Hữu:

"Đời cách mạng từ khi tôi mới hiểu

Dấn thân vô là phải chịu tù đày

Là gươm kề cổ, súng kề vai

Là thân sống chỉ còn một nửa."

Chỉ có những con người chịu nhiều khổ đau trong bóng tối thì mới có thể trở thành những chiến sĩ cách mạng, những con người coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.

Ta có thể kết luận rằng, "Vợ chồng A Phủ" là một bài ca mô tả quá trình bừng thức, bùng dậy của kiếp sống trâu ngựa, nô lệ và còn là bài ca, ca ngợi tự do, lòng yêu đời mang tính nhân bản của con người. Ngòi bút của Tô Hoài đã đạt đến trình độ nhân văn, sâu sắc, cao cả. Chính hành động Mị cởi trói cho A Phủ đã làm sáng rõ hơn chân lí của cuộc đời mà Nguyễn Khải đã gửi gắm qua truyện ngắn "Mùa lạc", nghĩa là mùa vui: "Sự sống nảy sinh ở trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những gian khổ, hi sinh." Không có con đường cùng, chỉ có ranh giới giữa sự sống và cái chết. Điều cốt yếu là phải chuẩn bị cho mình sức mạnh để vượt qua ranh giới vô hình ấy.

Nguồn: Tài liệu trực tuyến

Video liên quan

Chủ Đề