Chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng

[TBTCO] - Với tỷ lệ lớn người dân chưa tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, cùng chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, chương trình chuyển đổi số quốc gia và chính sách mở cửa lại nền kinh tế của Chính phủ…, rất nhiều điều kiện thuận lợi đã mở ra cho ngành Ngân hàng trong chuyển đổi số và phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ.

Liên quan đến phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ, ngày 25/3, tại TP. Hồ Chí Minh, Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam [IDG Vietnam] phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam [VNBA] tổ chức sự kiện Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2022 [Vietnam Retail Banking Forum]. Sự kiện có chủ đề: Hoạt động ngân hàng bán lẻ ‘‘bình thường mới’’ – Thích ứng, nhanh gọn, hiệu quả, tận dụng lợi thế số; đã thu hút khá nhiều chuyên gia đến từ các tổ chức tài chính, cơ quan quản lý nhà nước…

Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng: Phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ là chiến lược trọng tâm của các ngân hàng. Ảnh Đỗ Doãn

Đóng góp tích cực cho tăng trưởng ngành Ngân hàng

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký VNBA cho biết, từ những bước đi ban đầu cách đây 10 năm, cùng với xu thế hội nhập và phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đến nay phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ đã trở thành xu hướng chuyển dịch tất yếu và là chiến lược phát triển trọng tâm của các ngân hàng.

Theo thống kê, năm 2021 tín dụng ngân hàng đã có sự chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng cho vay bán lẻ của nhóm ngân hàng quy mô vừa và lớn chiếm 40% - 50%, đặc biệt có ngân hàng lên đến gần 90%. Cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đạt gần 200.000 tỷ đồng, tăng gần 6% so với năm 2020.

Các sản phẩm tiền gửi cũng đa dạng, linh hoạt hơn, qua đó có thể huy động nhanh và nhiều nhất nguồn vốn nhàn rỗi nhỏ lẻ từ khách hàng cá nhân. Các hình thức cho vay cá nhân ngày càng phát triển với thủ tục đơn giản, thuận tiện. Bên cạnh đó, các sản phẩm thẻ, chuyển tiền, ngân hàng điện tử, thanh toán hóa đơn, bảo hiểm,... cũng được các ngân hàng đưa ra nhiều chương trình, chính sách và khuyến mãi để thu hút người dùng.

Trong khi đó, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đạt mức tăng trưởng cao [qua kênh Internet tăng 48,8% về số lượng và 32,6% về giá trị, qua kênh điện thoại di động tăng 76,2% và 87,5%, thanh toán qua QRcode lên đến 200% so với năm 2020]; tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt qua ATM trên tổng các giao dịch xử lý qua hệ thống của NAPAS giảm mạnh từ 26% năm 2020 xuống còn 12%...

Khách tham quan tìm hiểu các giải pháp công nghệ tại Triển lãm Ngân hàng bán lẻ. Ảnh Đỗ Doãn

Nhờ đẩy mạnh dịch vụ bán lẻ, các ngân hàng đã giữ được tốc độ tăng trưởng, vượt qua ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đồng thời tạo ra những giá trị gia tăng, hỗ trợ khách hàng trong lúc khó khăn. Trong 2 năm qua [2020 và 2021] hệ thống ngân hàng đã miễn giảm hơn 37.500 tỷ đồng tiền lãi vay, miễn phí khoảng 80% số hượng giao dịch với số tiền 2.557 tỷ đồng.

‘‘Có thể nói, sự tăng trưởng của ngành Ngân hàng trong năm 2021 có đóng góp tích cực của dịch vụ bán lẻ, nó cũng là chìa khóa để ngành Ngân hàng thực hiện được nhiệm vụ giữ cho huyết mạch của nền kinh tế thông suốt trong mọi thời điểm, kể cả thời kỳ cao điểm của đại dịch’’ – ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Nắm bắt cơ hội phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ

Cũng tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia công nghệ đã chia sẻ về các mô hình, kinh nghiệm phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trong và sau dịch Covid -19 của các quốc gia phát triển; phân tích các thành tựu phát triển ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam; giới thiệu các giải pháp công nghệ nhằm giúp các ngân hàng xử lý nghiệp vụ một cách nhanh chóng, đưa ra các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo trên nền tảng công nghệ sẵn có của ngân hàng…

Bên cạnh chương trình hội thảo là chương trình triển lãm ngân hàng bán lẻ, với nội dung cập nhật các thành tựu công nghệ tiên tiến nhất phục vụ phát triển ngân hàng số như bảo mật, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và các giải pháp giúp phân tích nhu cầu khách hàng, gia tăng trải nghiệm khách hàng. Đặc biệt, Công ty CP Dịch vụ Dữ liệu công nghệ thông tin Việt Nam [VNG cloud] còn giới thiệu hàng loạt các giải pháp điện toán đám mây góp phần thúc đẩy hiệu quả hoạt động, vận hành ngân hàng số…

Có thể nói, đại dịch Covid-19 tuy đã chuyển sang giai đoạn mới song còn diễn biến phức tạp và vẫn tiếp tục lan rộng trên thế giới với nhiều biến chủng mới, vì vậy trạng thái “bình thường mới” sẽ luôn thay đổi. Tác động của đại dịch cùng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang hình thành các xu hướng định hình ngân hàng bán lẻ trong khu vực và trên thế giới.

Toàn cảnh Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2022. Ảnh Đỗ Doãn

Với gần 50% dân số sử dụng thương mại điện tử, đặc biệt là thế hệ trẻ với hành vi tiêu dùng mới, với tỷ lệ lớn người dân chưa được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, thì tiềm năng thị trường cho ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam là rất lớn. Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và chính sách mở cửa lại nền kinh tế của Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng trong chuyển đổi số và phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trong thời gian tới.

‘‘Các ngân hàng vì thế cần nắm bắt thời cơ, tận dụng lợi thế số, chuyển đổi mô hình kinh doanh lấy bán lẻ làm trọng tâm, thích ứng với “bình thường mới”; đồng thời tăng cường hợp tác, phát triển mở rộng hệ sinh thái ngân hàng số nhằm mang đến cho khách hàng các sản phẩm, dịch vụ tài chính số đa dạng, phù hợp với thu nhập và đời sống của người Việt…’’ – ông Nguyễn Quốc Hùng khuyến nghị./.

Những vấn vấn đề pháp lý trong quá trình phát triển các sản phẩm, dịch vụ NH bán lẻ

Dự báo trong giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực NH tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó có phân khúc dịch vụ NH bán lẻ. Nhu cầu về các dịch vụ NH bản lẻ của doanh nghiệp [DN] và người dân ngày càng tăng cao, khiến định hướng tập trung phát triển dịch vụ NH bán lẻ đang trở thành xu hướng tất yếu. Đây được coi là chiến lược phát triển trọng tâm của nhiều NH nhằm đa dạng nguồn thu, giảm thiếu rủi ro hoạt động và đạt hiệu quả kinh doanh tối cao.

Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ NH bán lẻ cũng gặp nhiều thách thức. Chia sẻ tại phiên chuyên đề thứ nhất của Diễn đàn Ngân hàng Bán lẻ Việt Nam diễn ra chiều 25/3, ông Phạm Thanh Ngọc, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế - NH Nhà nước Việt Nam, cho biết có 4 vấn đề pháp lý cần quan tâm là: Xác thực khách hàng trong giao dịch điện tử [eKYC]; khai thác, kết nối cơ sở dữ liệu [CSDL] của hệ thống thông tin tín dụng [CIC]; phòng chống rửa tiền trong cung ứng dịch vụ bán lẻ và bảo mật thông tin trong hợp tác giữa NH và công ty fintech.

Cụ thể, theo ông Phạm Thanh Ngọc, hiện nay các dịch vụ NH số đã có đủ điều kiện kỹ thuật phát triển nhưng hệ thống phát luật chưa bắt kịp. Thứ nhất, Luật giao dịch điện tử 2005 sau gần 15 năm thực hiện đến nay đã bộc lộ những bất cập, nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế phát triển, không đáp ứng được nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như công cuộc chuyển đổi số [CĐS], xây dựng nền kinh tế số của Việt Nam trong giai đoạn tới. 

Nhiều quy định chung chung dẫn đến triển triển khai giao dịch trong lĩnh vực NH bị khó khăn, hạn chế. Thứ hai, pháp luật về việc xác thực khách hàng bằng phương tiện điện tử còn giới hạn, hiện nay mới chỉ áp dụng trong rửa tiền và mở tài khoản chứ chưa cho tất cả các dịch vụ khách hàng. Theo kế hoạch của NH Nhà nước, trong năm 2022 -2023 sẽ triển khai thử nghiệm các giải pháp xác thực khách hàng thông qua thẻ căn cước công dân [CCCD] gắn chíp, định danh khách hàng giao dịch tại ATM, thay thế ATM do NH phát hành, tự động nhập liệu các thông tin cá nhân cần thiết trong quá trình giao dịch.

Bên cạnh đó, việc khai thác dữ liệu quốc gia cho định danh khách hàng còn hạn chế. Hiện có rất nhiều hệ thống dữ liệu riêng biệt [CSDL về dân cư, dữ liệu dịch vụ công [điện, nước], tài chính [chứng khoán, bảo hiểm], dịch vụ viễn thông nhưng chưa được kết nối để tổ chức tín dụng [TCTD] tiếp cận, sử dụng. Mỗi NH tự xây dựng một CSDL riêng. 

Trong khi đó, CIC mới tập trung vào thông tin truyền thống [các thông tin tín dụng tại TCTD], vì vậy TCTD khi xét duyệt khoản vay của tổ chức/cá nhân lần đầu tiên vay vốn không có thông tin tín dụng của khách hàng để đối chiếu, xem xét nên hạn chế tiếp cận dịch vụ tín dụng của khách hàng. Do đó, hoàn thiện cơ sở pháp lý để mở rộng CSDL thông tin của CIC thông qua việc kết nối, khai thác các CSDL về dịch vụ công, tài chính khác là nhu cầu thiết yếu, giúp NH đa dạng hóa, cá nhân hóa sản phẩm, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của cá nhân.

Đồng thời, quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền trong cung ứng dịch vụ bán lẻ không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay, như các công ty fintech chưa được quản lý, chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo.

Về vấn đề bảo mật thông tin trong hợp tác giữa NH và công ty fintech, hiện còn thiếu quy định về nghĩa vụ bảo mật của bên thứ ba hợp tác với NH. Quy định để TCTD cung cấp dịch vụ NH bán lẻ chưa đầy đủ: có được cung cấp dịch vụ NH trên ứng dụng fintech? có được những dịch vụ, dữ liệu nào của NH mà fintech được sử dụng [chuyển tiền, thanh toán, sao kê, truy vấn số dư,...]?

Thúc đẩy số hóa các sản phẩm, dịch vụ NH bán lẻ

Theo đại diện NH Sacombank, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh hiện nay, các NH cần xây dựng sản phẩm dịch vụ theo cách làm mới. Theo đó trải nghiệm NH sẽ là sự tổng hợp của trải nghiệm khách hàng, trải nghiệm nhân viên và trải nghiệm của đối tác.

Cùng với xu hướng CĐS ngân hàng, trải nghiệm của khách hàng sẽ càng ngày càng được cải thiện trong khi vẫn đảm bảo an toàn và cung cấp các dịch vụ nhanh nhất.

Ông Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Khối NH bán lẻ, NH TMCP Phương Đông, cho biết NH Phương Đông đã phát triển NH mở để đa dạng hóa dịch vụ và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ông Hương cho biết NH mở đang trở hành xu hướng phát triển hiện nay cho các NH.

Theo nhận định của công ty McKinsey, nếu hoạt động NH mở tiếp tục được tăng tốc, nó có thể định hình lại hệ sinh thái dịch vụ tài chính toàn cầu, thay đổi ý tưởng về NH và gia tăng áp lực chuyển đổi cho các những người lãnh đạo hiện tại. NH mở giúp giải quyết nhiều điểm hạn chế của các dịch vụ NH truyền thống như: theo dõi mọi giao dịch với thông báo hiển thị tức thời, chuyển tiền giữa các NH nhanh chóng và tiện lợi; phân loại giao dịch theo từng danh mục,...

NH mở là một mô hình sáng tạo cho ngành tài chính, ngân hàng không chỉ từ góc độ cạnh tranh mà còn ở góc độ gắn kết khách hàng. Nó giúp khách hàng có những dịch vụ tốt, khách hàng quản lý các vấn đề tài chính của họ, đưa ra quyết định tốt hơn, tiết kiệm hơn. Sử dụng API, các NH có thể tích hợp với hệ thống nội bộ và các đối tác bên ngoài theo cách đơn giản hơn, an toàn và được kiểm soát.

Tuy nhiên, để NH mở tiếp tục phát triển thì còn nhiều vấn đề về kỹ thuật, pháp lý,... cần phải hoàn thiện. Ở Việt Nam hiện nay chưa có quy định và hướng dẫn riêng và đầy đủ về lĩnh vực NH mở, mà hiện mới chỉ có những chính sách chung về chuyển đổi số và một số quy định riêng lẻ liên quan tới một số khía cạnh của NH mở cả về pháp lý cũng như kỹ thuật. Đối với việc xây dựng, triển khai NH mở tại các NHTM tại Việt Nam, về khung pháp lý các NH đang chủ yếu dựa vào Thông tư 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán trong đó có các điều khoản cho phép NH được hợp tác với bên thứ 3 cung cấp dịch vụ tài chính. 

Do đó, hiện vẫn còn thiếu hành lang pháp lý riêng, đầy đủ, cụ thể để hỗ trợ thuận lợi cho các TCTD triển khai NH mở. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Hương khuyến nghị NH nhà nước cần sớm ban hành các quy định về NH mở tại Việt Nam.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng trải nghiệm khách hàng cho dù tại quầy hay online, theo Giám đốc Khối NH bán lẻ, NH TMCP Phương Đông, điều quan trọng là cần phải thấu hiểu khách hàng và mỗi "điểm chạm" của khách hàng đến NH đều phải được chuẩn hoá. Ngoài ra, các app NH cần được phân loại theo phân khúc khách hàng để cá nhân hóa sản phẩm sao cho phù hợp với các đối tượng khách hàng nhất định./.

Video liên quan

Chủ Đề