Chủ nhân của nền văn hóa Đồng Nai thuộc thời đại kim khí là ai

          Trong những thập kỷ gần đây, các công cuộc xây dựng mới phục vụ Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa và Đô thị hóa diễn ra rất khẩn trương ở Nam Bộ nói chung và ở Đồng Nai nói riêng, cải thiện đời sống quốc thái dân sinh từng ngày nhưng cũng đặt ra bài toán khó giải về  hiện trạng SOScần khoanh vùng bảo vệ khẩn cấp” những di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh hoặc cấp Quốc gia và cả những vật chứng gắn kết với các truyền thống văn hóa nguyên thủy và cổ sử, các nền tảng vật thể về nguồn cội và cả di duệ văn minh cổ xưa – những “chứng cứ không lời” mà vững chãi về các tiến trình chiếm cư và lao động sáng tạo văn hóa của các thế hệ tiền nhân chúng ta “Trên mảnh đất này”.

          Gìn giữ được chúng là phục vụ chính sự nghiệp mang tính thời sự cấp thiết: Quy hoạch để nhận biết và quản lý hữu hiệu di sản văn hóa Tiền sử – Cổ sử, thực thi Luật Di sản, nghiên cứu chuyên sâu & phát huy giá trị di sản trong Sự nghiệp Đổi mới đất nước bằng CNH, HĐH, Đô thị hóa ở chính Đồng Nai trước mắt và dài lâu. Bởi chúng chứa đựng hệ giá trị vĩnh hằng về kinh tế-văn hóa-mỹ thuật-tâm linh, ghi đậm dấu ấn lao động sáng tạo và đặc sắc của riêng các thế hệ nghệ nhân bản địa. Chúng “là những nguồn sử liệu trực tiếp cho ta những thông tin quan trọng để khôi phục các trang sử hùng tráng-và cũng có thể là bi tráng-của dân tộc. Đó là những bức thông điệp mà cha ông đã để lại cho các thế hệ chúng ta và mai sau, trong đó gửi gắm bao trầm tư về sự nghiệp xây đắp nước non này. Trong các di tích hữu hình này, ta thấy hiển hiện các sức mạnh vô hình. Và quanh các di tích văn hóa vật thể này đã và đang kết đọng các lớp văn hóa phi vật thể. Rõ ràng qua di tích lịch sử – văn hóa, chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về bản sắc văn hóa dân tộc. Khi mà đất nước đang bước vào thời kỳ Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa như hiện nay, cần thiết phải phát huy bản sắc tốt đẹp của văn hóa dân tộc, bên cạnh việc hấp thụ tinh hoa của văn hóa thế giới, để con người vững vàng hơn, mạnh mẽ hơn trên con đường tiến lên hiện đại” [Hà Văn Tấn, 2003].

          Chính trong bối cảnh này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai, Bảo tàng tỉnh Đồng Nai đã chủ động đề xuất và thực thi nhiều chương trình điền dã và nghiên cứu thực địa các khu vực dự kiến giải tỏa trắng phục vụ quy hoạch đô thị, chế xuất, xây dựng hồ chứa nước, đường cao tốc liên tỉnh và quốc gia, phi trường quốc tế .v.v… Với những kết quả cập nhật của các chương trình điều tra khảo sát và khai quật các di tích khảo cổ học thuộc thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành do Bảo tàng Đồng Nai chủ trì và phối hợp với các nhà khoa học thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh và Trung tâm Khảo cổ học [Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ], chúng ta đã có không ít cứ liệu vật thể minh định các thời điểm quan trọng ghi dấu những bước chân của con người nơi đây từ thuở hồng hoang nguyên thủy đến tận thời quần cư dầy đặc gần như trùm kín miền hạ lưu dòng sông huyết mạch Đồng Nai tử Biên Hòa xuống vùng cửa sông – cận biển thuộc Long Thành và Nhơn Trạch “cửa ngõ” của Biển Đông.

          Ngoại trừ các cuộc khai quật di sản văn hóa quý thời kỳ Trung đại và Cận đại như Thành cổ Biên Hòa [Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Chiến Thắng, 2013] và mộ cổ Cầu Xéo Long Thành [Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Hồng Ân, 2011], các thành tựu Tiền sử “sáng giá” nhất của những chương trình khảo cứu này, trong quan điểm của riêng tôi, là khối tư liệu đáng kể thu thập được về những di tồn có thể tin được là “thuộc thời đại Đá cũ” chung cho cả miền Đông Nam Bộ và các cổ tích thuộc phạm trù nghiên cứu của thời đại Kim khí vùng “Đất rừng Phương Nam” chứng kiến sự chuyển giao chất lượng sống Đồng Nai từ Sơ sử vào Cổ sử, thực sự tạo lập xã hội “Tiền lập quốc” [Pre-State] với Nhà nước sơ khai “kiểu Nam Bộ Việt Nam” của Phương Đông ở những thế kỷ đầu Công lịch.

          A. CÁC SƯU TẬP CÔNG CỤ THUỘC VĂN HÓA ĐÁ CŨ ĐỒNG NAI

          Hiện nay, ngoài các hiện vật lẻ khám phá trên sườn đồi Đại An [Tân An – Vĩnh Cửu] ven bờ tả ngạn sông Đồng Nai gần Rạch Bà Giá [tọa độ: N11º04’04” – E106º57’21”] với những tiêu bản còn lưu các vết ghè trên thân và rìa cạnh “gần giống với công cụ hình hạnh nhân được tìm thấy ở Cẩm Tiêm [Xuân Lộc], có khả năng thuộc hậu kỳ Đá cũ” [Lưu Văn Du, 1997] và “sưu tập hiện vật có dấu chế tác của con người với các thao tác kỹ thuật ghè đẽo rất quen thuộc của tiền nhân thời tiền Hòa Bình và Hòa Bình” ở Gò Cây Cuôi [H1] [Phạm Đức Mạnh, 1996]; các sưu tập đá ghè nguyên thủy điển hình hơn được các TS Phạm Quang Sơn và Nguyễn Văn Long phát hiện ở Phú Tân [Định Quán] và do chúng tôi khám phá trong địa tầng đất đỏ “Di tích đặc biệt cấp Quốc gia” – Mộ Cự thạch Hàng Gòn [Long Khánh] và ven bờ các dòng chảy Suối CảSuối Quýt thuộc vùng quy hoạch phi trường mới ở Long Thành.

          1. PHÚ TÂN: tại khu đồi cấu tạo đá bazan phun trào Phú Tân [N11º16’47,4”–E107º 2’34,1”], các TS Phạm Quang Sơn, Nguyễn Văn Long và Ban Quản lý Di tích-Danh thắng Đồng Nai kiểm chứng phát hiện của ông Võ Công Lượm ghi nhận cả sưu tập công cụ bazan ghè đẽo, bao gồm: 5 công cụ hình bàu dục [kích thước dao động từ 8,1 x 5 x 2cm – 13,4 x 10,1 x 2,3cm đến 14,3 x 6,4-9,4 x 5.4cm – 15,8 x 8,1 x 4cm]; 1 công cụ gần tròn [11,7 x 11,7 x 4cm]; 2 công cụ có một đầu bóp lại hình gần tam giác [11,2 x 6,6 x 3,4cm – 14,3 x 9,4 x 5,4cm]; 1 công cụ đá phiến bọt bazan tạo dánh gần chữ nhật [12,6 x 8,5 x 4,6cm] [H2]. Dù nhóm cuội ghè này phát hiện trên bề mặt cùng 5 rìu đá và mảnh rìu mài, gốm vỡ, TS Phạm Quang Sơn cho rằng: “Chúng đều chế tác bằng kỹ thuật ghè trực tiếp và tu chỉnh nhỏ ở rìa sử dụng, hình dáng ổn định bàu dục, hạnh nhân, hình đĩa, lưỡi tu chỉnh kỹ, thể hiện ý muốn chủ nhân tạo những công cụ đã hoàn chỉnh, không phải chỉ là các phác vật trước khi đem mài”. Chúng khá giống rìu tay Gia Tân [Dốc Mơ] và có thể “đại diện tiền thân của văn hóa Đồng Nai thuộc sơ kỳ Đá mới, có niên đại khoảng 7000-5000 BP” [Phạm Quang Sơn, 2011a-b].

          2. HÀNG GÒN: Cuộc khai quật của chúng tôi tại Công xưởng chất tác Cự thạch thời sơ Sắt [niên đại C14: 2670 – 2220 40 BP] phát hiện nguyên trạng lớp đá phế liệu dầy tới 15-46cm nằm dưới các phiến đá lớn và các di vật đồng, gốm cổ. Tất cả có tới 4114 tiêu bản, nằm trọn trong địa tầng đất nâu đỏ tươi [bright reddish brown, màu chuẩn: 5YR 5/6 theo: Oyama, H.Takehara, 1967], với độ dầy trung bình 70-90cm, kết cấu tơi xốp khá thuần nhất, lẫn rất ít sỏi laterit. Trong đó có:

          – 394 mảnh cuội suối vỏ đen, xám nâu không bị phủ patine, xương đá xám, đen nhạt. Đây là loại đá sừng có kiến trúc biến tinh với cấu tạo khối của thạch anh, epidot có hocblen [vỏ đen]; hoặc đá basalt olivin có nguồn gốc magma hay quaczit có kiến trúc hạt vảy biến tinh của xericit, clorit [vỏ nâu]. Chính nhờ không chịu tác động của phong hóa nên vết tích kỹ thuật ghè đẽo và tu chỉnh nguyên thủy còn đẻ lại rất rõ ràng, từ các vết tích “ghè chấm” chuẩn bị trước điểm ghè kết tiếp, cho đến các công cụ hạch đá và số lớn là mảnh tước – mảnh tách có cả công cụ mảnh có gia công. Những vết tích của quá trình gia công ghè đẽo tạo nên toàn nhóm mảnh chủ yếu là ghè trực tiếp, một số có gia công lần hai còn mang cả vết ghè tu chỉnh gián tiếp, với 2 cỡ: kiểu rộng [344 tiêu bản = 87% toàn nhóm, có 8 tiêu bản dài 10-15cm và 336 tiêu bản nhỏ dưới 10cm] và kiểu hẹp [50 tiêu bản = 0,7%, chủ yếu nhỏ dưới 10cm].

          – 1449 mảnh cuội có lớp phủ patine sáng màu lục, vàng nhạt, vàng nghệ, xám trắng. Phân tích thạch học ghi nhận các mảnh nham thạch patine vàng đậm thường là đá magma phun trào trung tính á kiềm – trachit daxit porfir, hay garbro [garbronorit] có cấu tạo khối; Đá có lớp phong hóa mầu vàng nhạt là đá sừng có cấu tạo khối trạng với kiến trúc hạt biến tinh hoặc kiến trúc granofir, hay đá microdiorit có kiến trúc porfir nền vi hạt, đã bị biến đổi nhiệt dịch mạnh; Đá có vỏ mầu vàng ngả nâu sáng là fenzit porfir, có kiến trúc ban trạng, nền fenzit porfir [phun trào axit]; có vỏ nâu nhạt là daxit porfir có nguồn gốc magma [phun trào axit]. Các mảnh vỏ xanh lục ở các sắc độ sáng khác nhau thường là đá có cấu tạo khối với kiến trúc ban trạng [andezit porfirit – microdiorit porfirit bị biến đổi mạnh, tái kết tinh] hay kiến trúc porfir [tuf andezit biến đổi – andezit daxit [họng] hay microdiorit bị biến đổi nhiệt dịch tiếp xúc, giàu quặng]. Một số tiêu bản cát kết tuf giống như đá bọt có nguồn gốc trầm tích núi lửa với lớp vỏ phong hóa mầu xám trắng-trắng đục. Ở cả 2 kiểu của nhóm này [1259 tiêu bản kiểu rộng và 190 mảnh kiểu hẹp], chỉ có 34 mảnh dài 10-15cm, còn lại 1415 mảnh nhỏ dưới 10cm.

          – 2271 mảnh cuôi có lớp phủ patine sẫm màu [51,5%], với 2 kiểu [1990 tiêu bản kiểu rộng và 272 mảnh kiểu hẹp], chỉ có 29 mảnh dài 10-20cm, còn lại 2241 mảnh nhỏ dưới 10cm. Đá cuội có vỏ bột phấn dầy mầu nâu đậm hay xanh lục sẫm thuộc các dạng đá cát kết tuf có nguồn gốc núi lửa biến chất với xương đá xám xanh lục có nhiều chấm khoáng vật đen; hoặc các dạng đá basalt, basalt olivin, dolerit diabaz có cấu tạo khối hoặc hạnh nhân, kiến trúc porfir [ban trạng], nền dolezit.

          Căn cứ vào vết tích kỹ thuật còn bảo tồn của toàn nhóm có thể khẳng quyết rằng: phần rất lớn nững tiêu bản này là “cuội gia công” [gallets aménagées] được tạo ra từ bàn tay người thợ đá Hàng Gòn từ rất nguyên thủy; Chúng bị thải bỏ sau quy trình chế tác đá và được tạm định niên biểu thuộc hậu kỳ Đá cũ  – sơ kỳ Đá mới [?]; ngoại trừ một số tiêu bản mang khả năng là “công cụ chặt thô” và những chiếc nạo – công cụ cắt-khía gia công lần 2 từ mảnh tách-tước mang dấu tích cổ sơ hơn [H3-6] [Phạm Đức Mạnh, Lưu Văn Du, 1996; Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Giang Hải, Nguyễn Hồng Ân,2015].

          3. SUỐI QUÝT: trên sườn gò đất nâu đỏ lẫn nhiều sỏi cuội cách cầu Ông Ngữ khoảng 50-70m và cách bờ trái Suối Quít 15-65m về phía nam, đoàn điều tra của Bộ môn Khảo cổ học [ĐHKHXH&NV-ĐHQGTPHCM] và Bảo tàng Đồng Nai đầu năm 2004 đã phát hiện 32 tiêu bản cuội đen hay xám nhạt, hạt từ rất thô đến nhỏ mịn, bề mặt chịu phong hóa phủ dầy các mầu nâu đỏ, vàng đậm, xám và xám xanh; bao gồm: 9 công cụ chặt – nạo to thô làm từ hạch cuội hay mảnh tách lớn [9,5 x 8,7 x 5cm – 16,4 x 8,2 x 4,1cm, nặng 540-840gr.], với các cố gắng ghè đẽo tạo đầu hay rìa cạnh tác dụng gần nhọn hay vát mỏng, đầu hay rìa đốc thường dầy to; đa số không định hình, với mặt cắt ngang thân gần tam giác, tứ giác, thấu kính hay nửa bầu dục. 9 công cụ có lưỡi theo rìa dọc [11,3 x 5,7 x 5,5cm – 14 x 5,9 x 2,5cm, nặng 340-545gr.], làm từ hạch cuội xám-nâu sẫm, với những nhát ghè rộng mỏng tạo rìa theo rìa dọc, mặt cắt ngang thân gần thấu kính hay tam giác có 1 cạnh [đốc cầm] cong tròn. 5 công cụ gần hạnh nhân – bàu dục [7,8 x 5,6 x 3,2cm – 12,8 x 7,7 x 2,1cm, nặng 195-535gr.], làm từ hạch cuội hay mảnh tách lớn mầu xám, nâu-nâu vàng, mang dấu ghè đẽo tạo dáng từ 1-2 mặt, với mặt cắt ngang gần thấu kính hay nửa bầu dục. 9 công cụ mảnh tước-tách có kiểu dáng và quy mô khác nhau: từ 7,2 x 4,4 x 1,2cm đến 12,5 x 6,9 x 2,5cm, nặng 110-340gr [H7].

          4. SUỐI CẢ: Trên sườn đồi 26 cách bờ Suối Cả khoảng 450-500m, trên độ dốc 15-25º, chúng tôi tìm thấy 33 đồ đá chế tác từ cuội hạch và mảnh tách-tước chịu phong hóa phủ dầy mầu xám –xám xanh, nâu-nâu vàng sẫm; bao gồm: 9 công cụ hình rìu ghè hai mặt [bifacial complex] [9,6 x 7,6 x 5,2cm – 13,8 x 9 x 4,5cm, nặng 435-660gr.], đều được ghè những nhát rộng mỏng từ rìa hướng tâm, tạo rìa lưỡi mỏng sắc ở 1 phần đầu và đốc dầy, có khi được tạo thành đốc phẳng, thường tạo hình bầu dục, hạnh nhân hay hơi lượn giống trái xoài, với mặt cắt ngang gần thấu kính, tam giác, bầu dục hay nửa bầu dục. 4 công cụ cụ có lưỡi theo rìa dọc [12 x 7,1 x 3,7cm – 15,8 x 7,8 x 3,2cm, nặng 340-680gr.], làm từ hạch cuội, với mặt cắt ngang thân gần thấu kính, to và thô hơn nhóm này ở Suối Quít. 7 công cụ chặt-nạo? [9,1 x 8,4 x 4,4cm – 14,8 x 9,6 x 3,5cm, nặng 425-990gr] và 5 phác vật [7,7 x 5,5 x 3,1cm – 13 x 8,9 x 5,7cm, nặng 180-800gr], làm từ hạch cuội-mảnh tách lớn, với phần đốc thường to thô và lưỡi không định hình, mặt cắt ngang thân gần tam giác, bầu dục hay nửa bầu dục. 8 công cụ mảnh tước-tách, có kiểu dáng và quy mô khác nhau: từ 8,1 x 5,8 x 1,8cm đến 15,5 x 10,6 x 1,9cm, nặng 120-640gr [Lê Công Tâm, Phạm Đức Mạnh, Phạm Ngọc Thảo, 2003; Phạm Đức Mạnh, 2005] [H8].

          B. CÁC SƯU TẬP CÔNG CỤ THUỘC THỜI ĐẠI KIM KHÍ ĐỒNG NAI

Cổ tích thuộc thời đại Kim khí ở Biên Hòa và Long Thành có rất nhiều, nhưng đa phần là đồ đá và đồ gốm liên quan đến dấu tích cư trú và lao động dài ngày của con người qua từng thời đoạn lịch sử. Đồ đồng rất hiếm mà chứng cớ rõ ràng nhất của nghề luyện kim màu đa phần ghi nhận qua sự hiện diện của các sưu tập khuôn đúc các loại hình và kích cở làm bằng sa thạch và cả sét chịu lửa ở Cái Vạn, Cái Lăng và muộn hơn, là tục “thổ táng” có rải gốm vỡ và chôn theo rìu đồng ở Gò Cây Me và có thể ở cả Suối Chồn, hoặc chôn theo tù và và tên đồng ở Hàng Gòn, cùng sự hiện diện cả kho tàng cất giấu vũ khí – vật phẩm nghệ thuật đồng thau ở Long Giao, chứa đồ tùy táng như rìu và qua đồng trong mộ chum Thái Hòa [Phú Túc] và Là Ngà dưới dáy hồ Trị An.

          Ngoại trừ các địa điểm có khuôn đúc đồng và vật phẩm đồng – sắt như Cù My, Cái Vạn, Cái Lăng, Dầu Giây, Suối Chồn, Phú Hòa, Suối Đá .v.v…, các di tích tiêu biểu vùng Biên Hòa có thể điểm danh như Lò Gạch, Núi Đất, Núi Gò Giấp, Tam Hiệp, An Hưng, Cù Lao Phố [Hiệp Hòa], Bình Đa [H9] và ở vùng Long Thành như Bàu Cạn, Bến Gỗ, Phước Long, Phước Mỹ, Phước Nguyên, Vũng Gấm – Phước An, Xã Hoàng, Phước Tân [H10]. Trong các địa điểm vừa phát hiện, ngoài các sưu tập đá đơn lẻ thu lượm ở vùng quy hoạch phi trường quốc tế Đồng Nai như cuốc, rìu, bôn, đục tứ giác và có vai, vòng đá ở ấp Đá Bàn giáp ranh Thừa Đức; sưu tập cuốc, rìu bôn, đục tứ giác và có vai xuôi ở Cẩm Đường, Bàu Cạn, Suối Trầu, Long An [Long Thành], đáng chú ý là các di tích từng được Bảo tàng Đồng Nai và các nhà khảo cổ điều tra và thám sát, khai quật kỹ hơn ở Gò Me, Tân Lại [thành phố Biên Hòa].

          1. GÒ ME: Di tích thuộc ấp 2, phường Thống Nhất, cách trung tâm thành phố Biên Hòa khoảng 1km về phía đông nam, có diện tích phân bố khoảng 3ha, do ông Trần Hiếu Thuận phát hiện từ cuối năm 1981, các nhà khảo cổ – bảo tàng học đào 4 hố thám sát = 8m² năm 1982, ghi nhận tầng văn hóa dày 20-60cm chứa nhiều gốm vỡ, đồ đá, 1 mảnh đàn đá và cả muôi rót đồng bằng đất ung, có niên đại giám định tương đương Dốc Chùa khoảng 3000-2500 năm BP [Nguyễn Thị Hậu, Phạm Quang Sơn, Lưu Ánh Tuyết, 1982]. Vào mùa điền dã 1983-1984, Phạm Đức Mạnh và Lê Công Tâm cùng sinh viên đao thám sát cách các hố trên khoảng 20m về phía nam sườn gò, cũng khám phá địa tầng dày 40-50cm, chứa nhiều di vật đá-gốm, 3 mảnh nồi nấu đồng đất nung còn dính xỉ đồng màu trắng xám đục [Phạm Quang Sơn, Phạm Đức Mạnh, CTV. 1984].

          Vào năm 2007, di chỉ Gò Me đã được các TS Phạm Quang Sơn và Nguyễn Văn Long phối hợp với Bảo tàng Đồng Nai đào thám sát thêm 2 hố = 8m², phát giác tầng văn hóa ở độ sâu 25-85cm, chứa 3 rìu tứ giác, 1 rìu có vai, 5 mảnh vỡ công cụ, 4 mảnh tước, 4 bàn mài, 1 dọi se sợi, 3 bi và các mảnh gốm mịn màu xám nâu, gốm thô đỏ và xám đen có văn chải, đập và khắc vạch, có cả loại gốm có viền đai quanh vai kiểu Bình Đa. Di chỉ được coi là dạng công xưởng chế tác đá, làm gốm và đúc đồng kiểu Bình Đa và Dốc Chùa, với niên đại khoảng 3000-2500 năm BP  [Phạm Quang Sơn, Nguyễn Tuyết Trinh, 2007]. 

          Di chỉ Gò Me sau đó đã được khai quật 1 hố = 40m² [8 x 5m], 1 hố = 50m² [10 x 5m]  và 1 hố thăm dò 3m², thu được trong tầng văn hóa dày 40-70cm cả sưu tập đá đa dạng gồm: 6 cuốc tứ giác, 2 rìu vai xuôi ngắn, 1 rìu tam giác, 23 rìu bôn tứ giác có thân ngắn và thân dài, 42 phác và phế vật công cụ, 1 đục vai xuôi lệch, 11 đục tứ giác, 2 mũi nhọn, 7 mảnh khuôn đúc còn in hình mũi nhọn giống đầu rìu, 33 bàn mài với 4 có vết mài lõm hình quả trám, 3 chì lưới bằng đá cát, 1 mảnh đàn đá, 10 mảnh vòng đeo tay có mặt cắt hình chữ D hay gần hình trứng, 2 lõi vòng, 1 mảnh khuyên tai bằng đá granite, 2 hạt chuỗi, 1 bàn dập gốm, 8 hòn ghè; 23 dọi se sợi bằng đất nung, 172 viên đạn gốm, 7 mảnh gốm ghè tròn, cùng 112.059 mảnh vỡ các loại đồ đựng nung không cao với nhiều màu như: 53.138 mảnh gốm xám, 46.080 mảnh gốm nâu, 6885 mảnh gốm vàng, 4774 mảnh gốm hồng, 1182 mảnh gốm đen xốp. Gốm Gò Me chủ yếu miệng loe bẻ gập ra ngoài [11699/18397 mảnh miệng = 63,6%], 2578 mảnh chân đế với 1859 đế cao, 579 đế thấp và 140 đáy bằng [đế đặc]. Chỉ có 7110/91084 mảnh thân có hoa văn chải, in thừng, miết bóng, đập, khắc vạch với họa tiết phổ biến hình răng sói, ô trám và hình sóng nằm trong khung đường kẻ song song. Có 871 mảnh văn đắp nổi thường tạo phía ngoài vành miệng hay chân đế, ít gặp ở phần thân hay vai kiểu Bình Đa.

          Di tích được coi có tuổi tương đương Bình Đa và Dốc Chùa khoảng 3000 – 2500 năm [Lê Thị Hậu, 2008] và có niên đại C14 ở lớp 5 là 2470 ± 45 năm và 2590 ± 50 năm BP. – niên biểu tương đương với cả chiếc rìu đồng đặc trưng thời Kim khí Đồng Nai do Bảo tàng sưu tầm năm 2004 [[H11] [Phạm Quang Sơn, 2008; Phạm Quang Sơn, Lưu Văn Du, 2007].

          2. TÂN LẠI: Di tích được biết tới từ năm 1995 khi Bảo tàng Đồng Nai tiến hành khảo sát ghi nhận có 3 tấm đá phiến lớn hình chữ nhật màu xám đen, 2 tấm mỗi đầu có đục 2 lỗ tròn dùng làm mi cửa trong các kiến trúc cổ thời văn hóa Óc Eo và hậu Óc Eo. Di tích khảo sát lại năm 2006, đào 2 hố thám sát ở phía bắc và phía nam ngôi đình [mỗi hố quy mô 2 x 2m = 4m²]. đã thu được 2 rìu đá tứ giác và có vai, 1 chày nghiền, gốm cổ và cả ngói, kiến trúc đá ong thời cổ sử [Phạm Quang Sơn, Nguyễn Tuyết Trinh, 2007].

          Tháng 8 năm 2007, di chỉ được khai quật 10 x 5m = 50m², và mở rộng 3-7m, phát hiện tầng văn hóa dày 35-45cm trong lớp đất sét chứa nhiều sỏi màu nâu thẫm. Hiện vật tiều sử có 43 đồ đá gồm: 17 rìu tứ giác thân dài, 4 rìu thân ngắn, 9 rìu vai với 5 chiếc vai xuôi, 2 chiếc vai ngang và 2 chiếc vai lệch, 3 rìu tái chế từ công cụ vỡ, 2 phế rìu và 12 mảnh có gia công, 2 đục chế tác từ thân rìu vỡ, 6 bàn mài. Các nhà khai quật đã tiến hành so sánh di vật Tân Lại với Gò Me, xác nhận rìu vai phổ biến ở Tân Lại hơn Gò Me, kỹ nghệ làm gốm Tân Lại tiến bộ hơn Gò Me, niên biểu Tân Lại có thể khoảng 3000-2500 năm BP.

Ngoài ra, còn có các di vật thời cổ sử như 3 tấm mi cửa, 4 mảnh vỡ của 2 pho tượng thần, 2 hiện vật đồng đúc rỗng có thể là nắm cửa và 1 đồng tiền “Thiên Hy thông bảo” có lỗ vuông thời Bắc Tống 1017-1021; 5 đoạn chân đèn đất nung, 106 mảnh gốm Óc Eo muộn, 140 mảnh ngói âm dương, ngói ống, ngói dãy, ngói phẳng giống ngói Cầu Hang, Bến Gỗ thời hậu Óc Eo khoảng thế kỷ IX-X AD. và có thể di tích cổ sử Tân Lại còn gần với cả tuổi di tích ở chùa Bửu Sơn khoảng thế kỷ XV AD [Nguyễn Văn Long, 2008].

          C. ĐÔI ĐIỀU NHẬN THỨC

          1. Về di tồn Đá cũ Đồng Nai:

          Trong tình hình hiểu biết hiện nay, ngoại trừ các sưu tập mảnh “cuội gia công” Hàng Gòn còn bằng chứng địa tầng chuẩn xác nằm dưới Công xưởng Đá lớn [H12] [Phạm Đức Mạnh, 2002]; Các công cụ Phú Tân và Suối Quít, đặc biệt kiểu hình có lưỡi theo rìa dọc viên cuội dù cỡ nhỏ giống như là chế phẩm nạo hay cắt-khía, vẫn rất tương đồng với phương thức tạo tác gia công chế phẩm cuội đặc thù “kiểu Sơn Vi” [Sonvi Types] hay theo “Phong cách Sơn Vi” [Sonvi Style] thuộc hậu kỳ Đá cũ. Riêng sưu tập Suối Cả, đặc biệt nhóm công cụ hình rìu tạo hình rìu lưỡi từ hai mặt hạch cuội, chỉ cần những quan sát căn bản về loại hình – kỹ thuật học ngay từ kiểu dáng và lớp phủ phong hóa, cũng dễ dàng làm ta liên tưởng đến các tiêu bản cổ kính hơn rất nhiều – những chế phẩm “Tiền Sơn Vi” đậm đặc trưng của “Phức hệ rìu tay – công cụ hình rìu” [biface-handaxe-cleaver complex] trước hậu kỳ Đá cũ. Chúng thực sự vẫn là nguồn tư liệu quý, củng cố niềm tin của chúng ta khi định hướng kiếm tìm mới ở miền Đông Nam Bộ và ở cả các vùng – thềm cao hơn, ngược dòng cả hệ thống sông này cả đôi bờ tả và hữu ngạn, cả miền cao nguyên basalt cổ hơn vùng trung – thượng lưu Đồng Nai ở Nam Tây Nguyên.

          Chỉ với ý nghĩa có thể kết gắn chúng cùng loại hình và kỹ nghệ tạo tác dáng thân – rìa lưỡi, chất liệu và nguồn cội nham thạch với “Phức hợp rìu tay – công cụ hình rìu” từng có của Đồng Nai, chúng cũng đáng để ta lưu tâm nghiên cứu và tiếp tục tìm kiếm thêm “đồng loại” trên những “Miền đất hứa” này – Những công cụ Đông Nam Bộ “thực sự tạo ra bằng bàn tay con người và chúng không giống với các kỹ nghệ đã biết ở Đông Nam Á, từ hậu kỳ Đá cũ về sau” [Hà Văn Tấn, 1985].

          Kỹ nghệ Đá cũ Đồng Nai, với những chiếc rìu tay ghè đẽo cẩn thận từ hai mặt, như công cụ được E.Saurin gọi là “bifaces” ở Hàng Gòn 6, là “limande” ở Dầu Giây 2 và công cụ “hạnh nhân” ở Gia Tân, Bình Xuân, Phú Tân và ở Suối Cả, Suối Quít hàm chứa không ít đặc điểm hình loại – kích cỡ [dài trung bình 10-20cm; nặng cỡ 0,5-1kg] của cả nhóm công cụ “hạch đá đa chức năng” [multi-purpose stone core-tools] trong các kỹ nghệ Đá cũ gọi là “Bifacial Acheulian Industries] [Boriscovsky, P.I.1962; Darvill, T. 2003]. Các tiêu bản đặc trưng của Đồng Nai từng được Hà Văn Tấn [1973, 1984, 1985] so với các kỹ nghệ có rìu tay hiện biết ở Đông Nam Á và, theo ông, rìu tay Núi Đọ “quá ít và so với những chiếc rìu tay đã biết ở lưu vực sông Đồng Nai thì được chế tác thô sơ hơn”. Trong kỹ nghệ Bo Ploi ở Kanchanaburi – Thái Lan do các nhà khảo cổ người Thái Vidhya Intakosai và người Hà Lan W.J.van Liere nghiên cứu có các bifaces ghè hai mặt, nhưng “kích thước quá nhỏ”; chỉ có kỹ nghệ Patjitan ở Indonesia có đến 6,32% rìu tay trong sưu tập Von Koenigswald, có những rìu tay đẹp trong sưu tập của G.J.Bartstra [1978]. Theo H.L. Movius [1949], sự phát triển rìu tay Patjitan là độc lập và mang kỹ thuật chế tác rìu tay khác phương Tây – “kỹ thuật ghè đẽo dọc” [longitudian flaking technique]. Nhưng theo Van Heekeren, trong số rìu tay Patjitan vẫn có chiếc  được “ghè đẽo chéo” [criss-cross chipping] [Bartstra, G.J. 1976] – ý kiến này được Hà Văn Tấn ủng hộ khi xem xét một số rìu tay ở Bảo tàng Con Người ở Paris và đi đến giả định rằng: “Những chiếc rìu tay Patjitan…có nhiều nét gần gũi với những chiếc rìu tay vùng lưu vực Đồng Nai. Chúng đều được ghè đẽo cẩn thận hơn những chiếc rìu tay Núi Đọ. Phải chăng giữa chủ nhân đồ đá cũ vùng Đồng Nai và chủ nhân văn hóa Patjitan đã có mối liên hệ nào đó qua vùng Đông Nam Á Sunda khi cái cầu này còn tồn tại trong thế Pleistocène? Hiện nay, niên đại của văn hóa Patjitan đang được xem xét lại. Thềm cao nhất của sông Baksoko có di tích văn hóa này có thể thuộc hậu kỳ Pleistocène” [Hà Văn Tấn, 1984, 1985]. 

          Trong bình diện tầm khu vực chung rộng ấy, những khám phá mới từ những chiếc rìu mài lưỡi “kiểu Bắc Sơn” điển hình dạng thân dài hay thân ngắn ở ngã ba Thanh Lương [Bình Long-Bình Phước] ở “miệt cao” đất đỏ bazan Đông Nam Bộ và các tiêu bản cuội ghè ở Tà Lieng – Lâm Hà [N11º53’32”–E108º14’30”], Đồi Giàng – Bảo Lộc và Lạc Xuân [Đơn Dương-Lâm Đồng] [N11º49’48”–E108º34’30”] [Phạm Đức Mạnh, 1996, 2005] và cả ở Eo Bồng [Phú Yên] [Trần Quốc Vượng, 2001] đặc trưng cho kỹ thuật chế tác “kiểu Sơn Vi” tạo lưỡi theo rìa dọc nguyên hay một phần viên cuội và ghè một mặt mảnh cuội “kiểu Hòa Bình” – “những dấu tích đầu tiên và xa nhất về phía Nam của kỹ nghệ chế tác đá tiền Hòa Bình – Hòa Bình ở Việt Nam vào hậu kỳ Cánh tân – hậu kỳ Đá cũ & sơ kỳ Đá mới và chính điều đó đã mở ra cho chúng ta tiềm năng phúc tra và khai quật di tích thuộc thời kỳ quan trọng này ở Nam Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ Việt Nam” [Phạm Đức Mạnh, 1995, 1997].

          Cùng với công cụ đá mũi  nhọn ở Doãn Văn [Dak Nông] [N12º 12’16”–E107º 27’50”] và sưu tập 19 đồ đá ghè đẽo [mũi nhọn, nạo rìa lưỡi dọc, chặt thô] của “cư dân hậu kỳ Đá cũ” cùng 81 mảnh tước, 165 cuội vỡ,115 cuội nguyên nằm dưới lớp đất bị laterite hóa sâu 1,2-1,4m – 1,6-2,2m ở Lung Leng [Kon Tum] “đủ chứng cớ khoa học để chứng minh rằng ở di chỉ Lung Leng thực sự tồn tại một văn hóa tiền sử mà chủ nhân là những người nguyên thủy sống trong thời đại Đá cũ” [Nguyễn Khắc Sử, Trần Qúy Thịnh, Nguyễn Xuân Hòa, 2000; Nguyễn Trường Đông, Nguyễn Trung Chiến, 2001; Trình Năng Chung, 2001]; các sưu tập lớn hơn 200 công cụ chặt-nạo do Ngô Tuấn Cường phát hiện ở Núi Đầu Voi [Đức Trọng – Lâm Đồng] “góp thêm khối tài liệu, hiện vật phong phú và đa dạng để nghiên cứu về thời đại Đá cũ ở miền cao nguyên đất đỏ Tây Nguyên” [Trần Văn Bảo, Ngô Tấn Tài, Ngô Tuần Cường, 2002; Võ Quý, Ngô Tuấn Cường, Phan Đức Hải, 2003] [H13]; “Miền Đất HứaTây Nguyên nơi bồn địa bồn địa thềm trũng Sông Ba [Gia Lai] lại khám phá các “bằng chứng thuyết phục nhất về thời Viễn cổ” trong  các “Di chỉ-xưởng” [Workshop-sites] thuộc Gò Đá [phường An Bình], Rộc Tưng 1-4 [xã Xuân An – An Khê] đặc trưng và hiếm có vì còn trầm tích văn hóa nguyên vẹn [in situ, in site] thời tối cổ dày tới 30-140cm ken dày 210 công cụ cuội ghè từ đá quartz, anderzit, quartzit bao gồm các loại hình: 4 Rìu tay [biface], công cụ hình rìu [cleaver] ghè hai mặt có lưỡi dọc-ngang, lõm hay nhiều lưỡi, 7 công cụ chặt thô ghè một mặt [chopper], 16 mũi nhọn [pick], 6 công cụ mảnh tước [tranchant], 11 nạo-cắt, 2 hòn ghè [outil de percussion], 25 hạch đá [nucléus], 16 mảnh tước [éclats], 16 đá có vết chế tác, chày [pilon], bàn nghiền [concasseur] – những “Sử liệu vật thật”  đưa từ lòng đất An Khê ra ánh sáng khoa học trên có ý nghĩa cực lớn, bởi đó chính là chứng tích của hoạt động sống, tìm kiếm, khai thác và chế tác công cụ từ nguyên liệu bằng cuội bản địa của “bầy người nguyên thủy” thời đại địa chất Cánh tân [Pleistocene] – thời đại “Nhân sinh” sơ kỳ và cũng chính là tổ hợp di vật nhân tạo khác và cổ hơn các kỹ nghệ Đá cũ hiện biệt ở Việt Nam [Nguyễn Khắc Sử, Nguyễn Gia Đối 2015]. Thú vị nhất là có cả sưu tập 102 mảnh thiên thạch [tektite framents] trong các trầm tích Gò Đá và Rộc Tưng mà theo giới địa chất mách bảo, tuổi 16 mẫu tektite Việt Nam và ở thềm cổ sông Ba vùng Cheo Reo tới 770.000 năm BP. Theo nhận định ban đầu của chuyên gia Việt – Nga, chúng có các nét cổ sơ hơn cả sưu tập đá cũ Bách Sắc [Trung Quốc] vốn được định niên đại khoảng 800.000 năm trước và “Giá trị lịch sử-văn hóa nổi bật từ kết quả khai quật lần này là khẳng định An Khê có mặt các di tích cổ xưa nhất của nhân loại”. Bởi thế, những di sản quý báu này “góp phần nghiên cứu, biên soạn lịch sử nước nhà và vị trí của chúng trong diễn trình hình thành và phát triển đầu tiên của nhân loại trên Tây Nguyên [Việt Nam] ngày nay” [Đoàn khai quật Việt-Nga, 2015; Phạm Đức Mạnh, 2016].

          Dưới ánh sáng mới từ phát hiện An Khê [Gia Lai-Tây Nguyên] và trong yêu cầu và ước vọng Sử học – Khảo cổ học – Nhân học lớn lao của cả Khu vực về những chế phẩm rõ ràng của người vượn đứng thẳng [Homo Erectus], minh định giai đoạn bình minh hiện biết là nguyên thủy nhất lịch sử mà hình hài của họ có thể hình dung qua người vượn Homo Erectus Java [Pithecanthropus] do bác sĩ người Dutch Eugène Dubois phát hiện 1890 và người vượn Homo Erectus Chu Khẩu Điếm [Sinanthropus] [niên đại chuỗi Uranium: 500.000 – 230.000 BP] do Franz Weidenreich phát hiện 1921 trong “Cây Phả hệ Người” [Man’s family Tree], Đá cũ ở miền Đông Nam Bộ [Việt Nam] và ở cả Việt Nam luôn là vấn đề mới, luôn cần minh chứng địa tầng – cổ sinh tương thích với những giải trình hình thái – kỹ thuật học cầu toàn nhất – “những bằng chứng quyết định” về sự có mặt chắc chắn của con người nơi đây từ viễn cổ, những vết tích còn sót sau biến thiên địa chất Đệ tứ kỷ và “bể dâu” Flandrian mà “Tương lai không gần sẽ trả lời câu hỏi đề ra về cuộc sống con người nơi đây ở thời phía nam nước ta liền dải với Đông Nam Á hải đảo, ít ra với bộ phận Sunda gần gũi đất liền ngày nay nhất” [Phạm Huy Thông, 1985].

          2. Về dấu tích lao động và sáng tạo văn hóa Kim khí ở Biên Hòa và Long Thành:

          Qua các mùa điền dã thực thi các đề tài nghiên cứu khoa học cấp yỉnh của Bảo tàng Đồng Nai: “Điều tra, thám sát, khai quật khảo cổ học đáp ứng yêu cầu phát triển Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa tỉnh Đồng Nai” và các đề tài hợp tác giữa Bảo tàng Đồng Nai với giới khảo cổ học trong và ngoài nước, phục vụ trực tiếp cho các chương trình giải phóng mặt bằng về mặt văn hóa trong cương vực dự kiến xây dựng sân bay quốc tế tương lai gần, chúng ta đã có thêm hàng ngàn cổ vật bằng các loại chất liệu và kiểu dáng khác nhau. Những phát hiện này điểm tô thêm những dấu son mới lạ trên bản đồ khảo cổ học vốn đậm đặc bậc nhất khu vực Nam Bộ – “Atlas di sản văn hóa khảo cổ tiền sử Đồng Nai”.

          Những kết quả khai quật lớn ở Gò Me [Lê Thị Hậu, 2008] và Tân Lại [Biên Hòa] [Phạm Quang Sơn, Nguyễn Văn Long, 2008], hệ thống toàn bộ tư liệu hiện biết ở Long Thành xác thực rõ ràng hai cương vực cư trú và hoạt động kiếm sống dài ngày của chủ nhân Phức hệ di tích văn hóa Đồng Nai; trong đó khu vực mật tập dân cư dầy đặc nhất hiển nhiên là vùng BIÊN HÒA – trung tâm miền hạ lưu kết gắn với bên kia bờ hữu ngạn sông Đồng Nai thành cả khối “NÔNG NẠI THỜI KỲ TIỀN NHÀ NƯỚC” – miền đất từng được chúng tôi đánh giá là “MIỀN HỘI TỤ VĂN HÓA NỘI SINH – NGOẠI SINH THỜI THỰ SỬ” [Convergence Area of Historical Indigenous – Exogenous Culture], miền đất trung tâm điểm Đông Nam Bộ mà từ nhiều Thiên kỷ trước Công lịch đã chứng kiến sự mật tập đông đảo trên bề mặt nghiêng thoải của các phức hệ địa tầng xếp nếp thành 8 bậc từ cao nguyên xuống đồng bằng châu thổ và các bậc thềm Đồng Nai – Sài Gòn mang chất đan hòa phù sa cũ – mới, cùng các “trầm tích địa chất” cội nguồn sông – đầm lầy cận biển và các “trầm tích văn hóa” cơ tầng của chủ nhân truyền thống sáng tạo văn minh bản địa mệnh danh dòng chảy huyết mạch ĐỒNG NAI.

          Vùng Long Thành, với các kết quả điền dã khảo cổ hiện hữu từ vùng giáp ranh Biên Hòa vào sâu miệt rừng nguyên sinh xưa thuộc Long Khánh và Cẩm Mỹ, chính là vùng “tạm cư” ghi dấu các hoạt động kiếm sống, khai thác quặng đá, sắn bắn và hái lượm, phục vụ các nhu cầu nông nghiệp và thủ công cổ truyền, cùng các đời sống định cư – thông thương ở Biên Hòa – Nhơn Trạch và xa hơn. Đương nhiên, trong vùng Hồ Cầu Mới [tuyến V-VI] và quy hoạch sân bay quốc tế gần 6000 ha ở các xã Bình Sơn, Suối Trầu, Long An, Long Phước, Bàu Cạn và Cẩm Đường [Long Thành] và cả Thừa Đức [Long Khánh], các cổ tích thời tiền sử đáng chú ý nhất xác thực có các “di chỉ – xưởng” kiểu Suối Linh – Đại An vùng phù sa cổ ngã ba sông Bé – Đồng Nai [Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Đăng Hiệp Phố, 2001]. Tại các phân vùng này, cần chú ý đến các vỉa đá Bàu Cạn và các công cụ lao động đá dùng khai phá nương rẫy, chặt cây phá rừng vương vãi khắp địa bàn này. Về kỹ nghệ chế tác đá, các sưu tập công cụ Suối Trầu, Long An, Bàu Cạn [Long Thành] cung ứng thêm hiểu biết về giai đoạn hình thành truyền thống văn hóa tiền sử Đồng Nai rất gần gũi với sưu tập từng biết ở Phước Tân [Long Thành], Cái Vạn [Nhơn Trạch], Suối Rết [Trảng Bom], Cầu Sắt, Đồi Mít, Phú Lộc [Long Khánh – Xuân Lộc], Bình Đa – Gò Me [Biên Hòa] thuộc tỉnh Đồng Nai và Gò Đá, Dốc Chùa [Bình Dương]. Chúng ta dễ dàng nhận thấy sự giống nhau đến chi tiết về kiểu dáng và kích cỡ của các lưỡi cuốc tứ giác thân dài và lưỡi mai vai ngang, những lưỡi rìu, bôn, đục tam giác, tứ giác hay có vai xuôi và vai ngang kiểu thân dài hay thân ngắn của Suối Trầu, Long An, Bàu Cạn, Long Tân, Phước Lễ [Long Thành] có thể tìm thấy đồng kiểu ở Cầu Sắt, Suối Linh, Đồi Mít, Phú Lộc, Suối Nho, Phú Cường, Phước Tân, Cái Vạn, Gò Đá, Dốc Chùa, Bình Đa, Gò Me, Suối Rết và cả Hiệp Hòa [Cù Lao Phố], nằm chung trong khung tuổi 4000 – 2500 năm cách nay [Phạm Quang Sơn, Phạm Đức Mạnh và CTV, 1984; Phạm Đức Mạnh, 1994-1997; Đỗ Bá Nghiệp, Phạm Đức Mạnh, Phạm Quốc Quân, Vũ Quốc Hiền, 1979; Trần Quốc Vượng, Lâm Mỹ Dung, Phạm Đức Mạnh, 1994; Phạm Đức Mạnh, Trần Thị Diêm, Nguyễn Tuyết Hồng, Bùi Minh Trí, Nguyễn Hồng Ân, 1997; Phạm Đức Mạnh, Lê Công Tâm, Phạm Thị Ngọc Thảo, 2004].

          Các di tích Long Thành gợi lên tính chất “Di chỉ – xưởng” phân bố theo các dạng bậc thềm cao trình 100-200m và thấp hơn mang đặc điểm cả ba phức hệ địa lý – văn hóa cổ miền Đông Nam Bộ, có tuổi địa chất QII-IV, tập trung rìa đông Đồng Nai hiện nay. Trong địa bàn “chuyển tiếp” từ Biên Hòa về vùng cửa sông cận biển Nhơn Trạch – Cần Giờ, di chỉ Phước Tân với diện rộng và địa tầng mỏng 25-30cm rất có giá vì tính chất “bản lề” của dạng địa hình vùng cao đất đỏ basalt xuống miền thấp trũng đầm lầy ven biển, mà còn xác thực quá trình phân cư của các tập thể người cổ Đồng Nai từ thượng và trung lưu về miền hạ lưu thời Kim khí. Những điều kiện địa hình giàu nguyên liệu nham thạch hẳn được người Đồng Nai xưa khi thác chế tác công cụ sản xuất – vũ khí và cả đồ trang sức dung dị, làm thành đặc trưng lớn nhất của cả văn minh dòng sông này thời Tiền sử và Thự sử [Phạm Quang Sơn, 1978, 1984; Phạm Đức Mạnh, 2008]. Bên cạnh nghề thủ công cổ kính làm đá Đồng Nai, gốm nguyên thủy Biên Hòa và Long Thành đa phần chế tác bằng bàn xoay, với nhiều kiểu hình đồ đựng, đồ đun nấu và đồ ăn uống phong phú và đa dạng, song dễ dàng nhận thấy nét bình dị, thô sơ của chúng nếu so với hệ thống gốm Sa Huỳnh ở duyên hải Nam Trung Bộ và hệ gốm đồng đại thuộc văn minh Sông Hồng – Sông Mã miền Bắc Việt Nam [Phạm Đức Mạnh, 1996].

          Các nhà khảo cổ có thêm nhiều dẫn liệu khắc họa về nguồn cội và bản sắc văn minh Tiền sử Đồng Nai, với những điều kiện sống và sáng tạo văn hóa tương thích miền hạ lưu sông Đạ Đờn nhiều Thiên niên kỷ, mà đặc điểm lớn chung cả miền địa hình gò đồi basalte đá phiến và phù sa cổ dọc hệ thống sông này là đất đai màu mỡ, dồi dào nguồn nước suối sông, với nguồn lợi lâm – thủy sản đa dạng – những tiều đè quan trọng để người xưa định cư lâu niên và khai triển các hoạt động làm nông và thủ công phục vụ đời sống vật chất và tinh thần nội vùng và cả ngoại vùng. Cư dân Đồng Nai mật tập trong các “làng – xưởng”, “làng chài”, “làng nông – chài – thương” suốt từ trung về hạ lưu, đạt được không ít thành tựu kinh tế – văn hóa – kỹ thuật mang sắc thái của riêng mình và mang cả “dấu ấn thời đại” Kim khí, từ công cụ chủ lực bằng đá và thuật luyện kim màu trong điều kiện hiếm nguồn quặng, đến các tư liệu sản xuất phục dịch cho nhu cầu của “Văn minh Cây Lúa”, của thủ công nghiệp và kinh tế khai thác, xây dựng nhà cửa và đóng thuyền, dệt vải, đan lát, làm ra đồ dùng sinh hoạt thường nhật và để bán buôn gần xa .v.v… Cùng với hoạt động kinh tế nương rẫy truyền thống cung ứng lương thảo cho đời sống cộng đồng, những đội ngũ thợ thủ công trong các làng nghề nguyên thủy Đồng Nai ngày một định hình và chuyên nghiệp, làm nên nhiều “giá trị văn hóa nghệ thuật” của riêng mình – những “đặc sản Đồng Nai” kiểu thạch cầm thời đại Đồng, tù và đồng chứa các mũi tên ở gần mộ Cự thạch Hàng Gòn [H14] hay các phẩm vật luyện kim theo hình mẫu Đông Sơn và Hoa Hạ thời sơ Sắt kiểu qua đồng, tượng trút nặng tới 3,4kg ở Kho tàng Thủ lĩnh bản xứ Long Giao [H15] v.v…

          Cùng với các sưu tập “Di sản Đồng Nai” vô giá khác – những sưu tập “Qua” [Ko] bằng đồng thau tích lũy trong các kho tàng nguyên thủy ở Long Giao và cả trong mộ chum gốm Thái Hòa [Phú Túc], ở Là Ngà dưới đáy hồ Trị An mang hình mẫu ban đầu của thứ vũ khí đánh gần trong bộ “Bạch khí” Trung Hoa nhưng rõ ràng là sản phẩm biến cải của người thợ đúc xứ này theo “Phong cách Đồng Nai”, với chất lượng kim loại tương thích bộ đồ đồng bản địa từ Cầu Sắt, Cù Lao Phố đến Cái Vạn [H16] hằn dấu nhiều đặc trưng chưa từng có ở châu lục về kích cỡ nhưng hoa văn trang trí lại thấm đẫm “Phong cách Đông Sơn” Việt cổ [Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Hồng Ân, Lưu Văn Du, 2001; Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Giang Hải, Nguyễn Hồng Ân, 2015; Phạm Đức Mạnh, 2019]. Những thành tựu chế luyện kim loại màu nguyên sinh đặc sắc này được xác thực qua những bằng chứng “tại chỗ” [in situ; in site] như bộ khuôn đúc đồng và cả muôi hay nồi rót đồng trong trầm tích văn hóa Gò Me [Phạm Quang Sơn, Nguyễn Tuyết Trinh, 2007; Phạm Quang Sơn, 2008; Lê Thị Hậu, 2008].

          Những thanh – đoạn “thạch cầm tiền sử” [Lithophone préhistorique] ở Bình Đa [C14: 3180 ± 50 BP] [H17], Gò Me [C14: 2590 ± 50 BP; 2470 ± 45 BP], Rạch Lá [C14: 4325 ± 90 BP; 3790 ± 60 BP; 3100 ± 60 BP] [H18], Suối Linh [Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Khánh Trung Kiên, 2001; Nguyễn Quốc Mạnh, 2001], Phú Lợi [Lưu Văn Du, 2009] .v.v…, cũng góp thêm dòng nhạc đá Đồng Nai vô tiền khoáng hậu có tuổi “cổ nhất thế giới” [Schaeffner,A. 1951] và “có tiếng ngân vang trong trẻo tạo nên mỹ cảm âm nhạc” [Tô Vũ, 1994] – những giá trị di sản Tiền sử Nam Bộ “không giống bất cứ một nhạc cụ nào mà khoa học đã biết” [Sadorov, R.L. 1962], những “Bản sắc dân tộc và văn hóa Đồng Nai” [Huỳnh Tới, 1998] rất cần các thế hệ cháu con đất Việt trân quý và vĩnh hằng gìn giữ…

           “Cần phải giữ gìn cho được mọi giá trị văn hóa dân tộc dù cho nó chỉ còn là những mảnh vỡ nhỏ. Bởi vì, văn hóa của một dân tộc, một cộng đồng người, thậm chí của một cá thể, là những điều không thể thay thế được” [Tổng Giám đốc UNESCO Federico Mayor]

PGS.TS PHẠM ĐỨC MẠNH

TÀI LIỆU DẪN

Boriscovsky, P.I.1962. Cơ sở khảo cổ học, Hà Nội

Darvill, T. 2003. Consise Dictionary of Archaeology. Oxford University Press.

Đoàn khai quật Việt-Nga, 2015. Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di chỉ Gò Đá và khảo sát di tích Rộc Tưng năm 2015 – Tư liệu Viện Khảo cổ học.

Đỗ Bá Nghiệp, Phạm Đức Mạnh, Phạm Quốc Quân, Vũ Quốc Hiền, 1979.  Điều tra khảo cổ học vùng Xuân Lộc [Đồng Nai] – NPHMVKCH 1979:133-137.

Hà Văn Tấn, 1973. Núi Đọ với một số vấn đề về thời đại Đá cũ Việt Nam và Đông Nam Á – Những di tích của con người thời tối cổ trên đất Việt Nam:195-233; 1984. Nghiên cứu thời đại Đá cũ ở Đông Nam Á trong thập kỷ 70 – Thông báo khoa học Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, số 2:9; 1985. Miền Nam Việt Nam trong bối cảnh Tiền sử Đông Nam Á – KCH, số 3:5-10.

Huỳnh Tới, 1998. Bản sắc dân tộc và văn hóa Đồng Nai, Nxb Đồng Nai.

Lê Công Tâm, Phạm Đức Mạnh, Phạm Ngọc Thảo, 2004. Điều tra khảo sát khảo cổ học tại vùng lòng hồ thủy lợi Cầu Mới [Đồng Nai] – Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, những vấn đề Kinh tế-Văn hóa-Xã hội, Tp. Hồ Chí Minh:350-357.

Lê Thị Hậu, 2008. Hiện vật đá di tích khảo cổ học Gò Me [Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai] qua cuộc khai quật năm 2007 – Khóa luận tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Lưu Văn Du, 1997. Trở lại Đại An – NPHMVKCH 1997:76-78; 2009. Phát hiện đàn đá [Đồng Nai] – NPHMVKCH 2009:288-289.

Movius H.L. 1949.  The Lower Palaeolithic Cultures of Southern and Eastern Asia – Transactions of the American Philosophical Society, n.s., 38[4], Philadelphia.

Nguyễn Khắc Sử, Nguyễn Gia Đối 2015. Hệ thống di tích thời đại Đá cũ ở thượng lưu sông Ba – KCH, số 1:7-19.

Nguyễn Khắc Sử, Trần Qúy Thịnh, Nguyễn Xuân Hòa, 2000. Khai quật di chỉ Lung Leng [Kon Tum] những vấn đề đặt ra – NPHMVKCH 2000:91-93.

Nguyễn Quốc Mạnh, 2001. Cụm di tích khảo cổ học thời tiền sử vùng ngã ba sông Bé – sông Đồng Nai – Khóa luận tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyễn Thị Hậu, Phạm Quang Sơn, Lưu Ánh Tuyết, 1982. Điều tra và đào thám sát di chì khảo cổ học Gò Me [Đồng Nai] – NPHMVKCH 1982:153-155.

Nguyễn Trường Đông, Nguyễn Trung Chiến, 2001. Về sưu tập đá ở lớp laterite di chỉ Lung Leng [Kon Tum]-Hố B1-C1 – NPHMVKCH 2001:157-161.

Nguyễn Văn Long, 2008. Báo cáo khai quật di chỉ Tân Lại [Biên Hòa – Đồng Nai]. Tư liệu Bảo tàng Đồng Nai.

Phạm Đức Mạnh, 1994. Tiền sử Đông Nam Bộ – một thế kỷ khám phá và thành quả – Nghiên cứu Lịch sử, số 6:12-20; 1995.  Những công cụ cuội ghè đẽo đầu tiên thuộc Hậu kỳ Đá cũi ở Nam Tây Nguyên – KCH, số 4:15-25; 1996. Hoạt động của Trung tâm nghiên cứu Khảo cổ học trong mùa điền dã 1995-1996 – NPHMVKCH 1996:13-16; 1997. The Bung Bac archaeological Site, Southern Vietnam – Journal of Southeast Asia Archaeology, Tokyo, Japan, 7:60-71; 2002.  Quần thể kiến trúc Cự thạch miền Đông Nam Bộ: Tư liệu và đôi điềi nhận thức – KCH, số 2:42-60; 2003. Tân Uyên – Nông Nại, miền hội tụ văn hóa nội sinh-ngoại sinh thời thự sử – KCH, số 5: 16-36; 2005.  Kỹ nghệ Đá cũ miền Đông Nam Bộ [Việt Nam] – hiện tượng Tiền sử “Kiểu Sơn Vi – tiền Sơn Vi” & xưa hơn – KCH, số 4:3-26; 2007. Các sưu tập công cụ và vũ khí bằng đồng vừa phát hiện ở Đồng Nai – KCH, số 1:30-43; 2016. Những vết tích nguyên thủy của con người trên đất Tây Nguyên – Xã hội Nhân văn – ĐHKHXH&NV-ĐHQG-HCM, số 5516-18; 2019. Đến với lịch sử văn hóa Biên Hùng – Đồng Nai, Nxb Đồng Nai.

Phạm Đức Mạnh, Lê Công Tâm, Phạm Thị Ngọc Thảo, 2004. Điều tra – thám sát di tích lịch sử văn hóa vùng Hồ Cầu Mới [Đồng Nai] – Tư liệu Bảo tàng Đồng Nai,

Phạm Đức Mạnh, Lưu Văn Du, 1996. Khai quật di tích Cự thạch II ở Hàng Gòn [Long Khánh-Đồng Nai] – NPHMVKCH 1996:234-236.

Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Chiến Thắng, 2013. Thành cổ Biên Hòa, tư liệu và nhận thức mới – KCH, số 4:57-85.

Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Đăng Hiệp Phố, 2001.  Đồng Nai thời Tiền sử và Sơ sử – Địa chí Đồng Nai, tập III. Lịch sử, Nxb Đồng Nai:6-57.

Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Giang Hải, Nguyễn Hồng Ân, 2015. Hàng Gòn kỳ quan Cự thạch Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội.

Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Hồng Ân, 2011.  Mộ hợp chất Cầu Xéo [Long Thành – Đồng Nai] – KCH, số 6:44-62.

Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Hồng Ân, Lưu Văn Du, 2001. Phát hiện khảo cổ học mới ở Thái Hòa [Phú Túc, Định Quán, Đồng Nai] – NPHMVKCH 2001:208-209.

Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Khánh Trung Kiên, 2001. Về sưu tập đá lạ ở Suối Linh [Đồng Nai] – NPHMVKCH 2001:344-346.

Phạm Đức Mạnh, Trần Quang Toại, Nguyễn Hồng Ân, 2006. Các sưu tập công cụ và vũ khí bằng đồng vừa phát hiện ở Đồng Nai – Bảo tàng Đồng Nai, Thông tin khoa học, 11:12-20.

Phạm Đức Mạnh, Trần Thị Diêm, Nguyễn Tuyết Hồng, Bùi Minh Trí, Nguyễn Hồng Ân, 1997. Điều tra và khai quật lần thứ hai di chỉ Bình Đa [Đồng Nai] – Một số vấn đề khảo cổ học ở miền Nam Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội:135-150.

Phạm Huy Thông, 1985. Khảo cổ học ở các tỉnh phía Nam mười năm sau ngày giải phóng – KCH, số 3:1-4.

Phạm Quang Sơn, 1978. Bước đầu tìm hiểu sự phát triển văn hóa hậu kỳ Đá mới – sơ kỳ Kim khí ở lưu vực sông Đồng Nai – KCH, số 1:35-40; 2006. Điều tra, đào thám sát di tích mộ Cự thạch Hàng Gòn năm 2006 – Bảo tàng Đồng Nai, Thông tin khoa học, 43-47; 2008. Đồ gốm di tích Gò Me, Thành phố Biên Hòa đợt khai quật năm 2007 – NPHMVKCH 2008:281-284; 2011a. Một sưu tập công cụ đá đáng chú ý –Thông tin khoa học Bảo tàng Đồng Nai, 11/2011:70-72; 2011b. Một sưu tập công cụ đá đáng chú ý  mới phát hiện ở Định Quán [Đồng Nai] – NPHMVKCH 2011: 79-81.

Phạm Quang Sơn, Lưu Văn Du, 2007. Khai quật di tích Gò Me [Đồng Nai] – NPHMVKCH 2007: 139-141.

Phạm Quang Sơn, Nguyễn Tuyết Trinh, 2007. Điều tra khảo cổ học Thành phố Biên Hòa [Đồng Nai] – NPHMVKCH 2007: .

Phạm Quang Sơn, Phạm Đức Mạnh và CTV, 1984. Những phát hiện khảo cổ học mới ở Đồng Nai trong những năm 1983-1984 – NPHMVKCH 1984:120-129.

Sadorov, R.L. 1962. Nhạc cụ bằng đá tối cổ của Việt Nam [chữ Nga] – Dân tộc học Soviet, 3 [5-6/1982]:189-192.

Schaeffner,A. 1951. Une importance découverte archéologique, le Lithophone préhistorique du Ndut Lieng Krak [Vietnam] – Revue de musicologie, 33-année, Juillet, nouvelle série [97-98]:1-19.

Tô Vũ, 1994. Phục chế và chế tác đàn đá – Khoa học Xã hội, số 21:128-133.

Trần Quốc Vượng, 2001. Những phát hiện mới của khảo cổ học ở Phú Yên – Xưa & Nay, số 106:21-22.

Trần Quốc Vượng, Lâm Mỹ Dung, Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Giang Hải, Lưu Văn Du, Nguyễn Đăng Hiệp Phố, 1996.  Trở lại Cái Vạn [Long Thành – Đồng Nai] – NPHMVKCH 1996:228-229.

Trần Văn Bảo, Ngô Tấn Tài, Ngô Tuần Cường, 2002. Kết quả điều tra khảo cổ học tại địa điểm Núi Voi [Lâm Đồng] – NPHMVKCH 2002:154-157.

Trình Năng Chung, 2001.  Về những công cụ Đá cũ ở di chỉ Lung Leng [Kon Tum] 2001 – NPHMVKCH 2001:154-157.

Võ Quý, Ngô Tuấn Cường, Phan Đức Hải, 2003. Khảo cổ học Lâm Đồng những phát hiện mới – KCH, số 2:33-47.

CHỮ VIẾT TẮT

KCH: Khảo cổ học, Hà Nội

NPHMVKCH: Những phát hiện mới về khảo cổ học, Hà Nội

Video liên quan

Chủ Đề