Cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là gì năm 2024

Ngăn chặn việc lợi dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán cho các hoạt động bất hợp pháp

Thực tế, không ít người dân do hạn chế hiểu biết về pháp luật đã sẵn sàng cho thuê, mượn, sử dụng trái phép danh tính và các giấy tờ tùy thân. Từ đó, cho phép các đối tượng xấu dễ dàng mở tài khoản ví điện tử, tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử để thực hiện hành vi phạm tội, lẩn tránh các biện pháp xác minh, xác thực của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Theo quy định pháp luật, việc sử dụng ví điện tử để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác; thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử hoặc mua, bán thông tin ví điện tử… là những hành vi bị cấm và bị xử phạt.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), đến nay có 49 tổ chức trung gian thanh toán được cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang hoạt động trên thị trường, trong đó có 46 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử. Đến cuối năm 2022, số lượng ví điện tử đang hoạt động là khoảng 33,16 triệu ví.

Với rất nhiều tiện ích, giao dịch qua ví điện tử đang ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Các ví điện tử liên kết với ngân hàng sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn cho nền tảng thanh toán số và nâng cao trải nghiệm người dùng. Thực tế cho thấy, liên kết này không làm thay đổi mô hình kinh doanh của ngân hàng mà thay vào đó cùng với ngân hàng đưa ra một cách tiếp cận khách hàng mới. Mặt khác, ví điện tử sẽ trở thành “cánh tay nối dài” của ngân hàng, mang dịch vụ tài chính đến với người dân trên khắp mọi miền đất nước, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, thực tế đã có những đối tượng lợi dụng ví điện tử để thực hiện các hành vi bất hợp pháp như tổ chức đánh bạc, cá độ, thậm chí là rửa tiền... Thời gian gần đây, qua điều tra của cơ quan công an, có nhiều đối tượng tổ chức đánh bạc lợi dụng chức năng chuyển tiền miễn phí giữa các ví điện tử để tạo ra một dạng sòng bạc trực tuyến. Với số lượng người chơi lớn nên mỗi đường dây đánh bạc qua ví điện tử đều có lượng giao dịch khủng.

Cuối năm 2022, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Bắc Giang đã phát hiện một số trang web nghi vấn có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên đã tiến hành xác minh, điều tra và xác lập chuyên án đấu tranh. Ngày 20/12/2022, Ban chuyên án đã đồng loạt thực hiện lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với các đối tượng liên quan trong đường dây này tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang và Thành phố Hà Nội. Các đối tượng đã tự tạo lập, điều hành, quản trị một website riêng để đánh bạc, sử dụng hàng nghìn tài khoản ví điện tử khác nhau để phục vụ việc tổ chức đánh bạc trên website.

Trước đó, tháng 5/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) cũng đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Hà Tĩnh triệt phá chuyên án đánh bạc trực tuyến qua ví điện tử.

Phối hợp xử lí việc lợi dụng ví điện tử để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành (Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, NHNN…) luôn phối hợp chặt chẽ để xử lí tình trạng lợi dụng dịch vụ ví điện tử để cá độ, đánh bạc và cung cấp trò chơi điện tử trên mạng bất hợp pháp. Thời gian qua, Bộ Công an đã có văn bản cảnh báo về các phương thức, thủ đoạn, hành vi lừa đảo liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản cảnh báo về các website, ứng dụng tổ chức đánh bạc và/hoặc cung cấp trò chơi trực tuyến có tính chất cờ bạc trên không gian mạng. Trên cơ sở phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, cũng như rà soát thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, NHNN đã có các văn bản cảnh báo, yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán rà soát, tăng cường biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ lợi dụng dịch vụ trung gian thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, cá độ bất hợp pháp.

Đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tại Công văn số 4347/NHNN-TT ngày 17/6/2021 của NHNN về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn; phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến cờ bạc, cá độ bóng đá, NHNN cũng yêu cầu: Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, ngăn ngừa hành vi lợi dụng dịch vụ trung gian thanh toán cho các hoạt động bất hợp pháp; rà soát các tiêu chí giám sát, các hạn mức giao dịch...; tăng cường các biện pháp giám sát giao dịch ví điện tử; giám sát chặt chẽ các tài khoản ví điện tử có số lượng và doanh số giao dịch lớn, đặc biệt là các giao dịch trực tuyến để phát hiện các giao dịch đáng ngờ, bất thường và có biện pháp xử lí kịp thời, phù hợp với quy định của pháp luật; ngăn ngừa sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện các giao dịch chuyển tiền liên quan đến hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá và các mục đích bất hợp pháp.

Tiếp đó, ngày 28/11/2022, NHNN đã có Công văn số 9362/NHNN-TT gửi các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn; phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ lợi dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, cá độ bất hợp pháp.

Theo đó, để tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ lợi dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán cho các hoạt động bất hợp pháp, NHNN đã yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện một số nội dung:

(i) Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, ngăn ngừa hành vi sử dụng, lợi dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, cá độ bất hợp pháp, nạp tiền, thanh toán cho các trò chơi điện tử không được cơ quan quản lí nhà nước cấp phép theo hướng dẫn của NHNN tại Công văn số 1080/NHNN-TT ngày 21/02/2020 và các văn bản hướng dẫn của NHNN về đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán, hoạt động trung gian thanh toán, về công tác phòng, chống rửa tiền. Chú trọng các biện pháp quản lí chặt chẽ việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán, ví điện tử; có biện pháp kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, xử lí triệt để các trường hợp: Mạo danh, sử dụng giấy tờ giả khi mở và sử dụng tài khoản thanh toán, ví điện tử; mua, bán, thuê, cho thuê; mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, ví điện tử; mua, bán, thuê, cho thuê thẻ ngân hàng hoặc thông tin thẻ ngân hàng, mở hộ thẻ ngân hàng.

(ii) Rà soát các tiêu chí giám sát, các hạn mức giao dịch, cập nhật các dấu hiệu đáng ngờ trong hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán... đảm bảo phù hợp với phân nhóm/phân loại tài khoản thanh toán, ví điện tử, phân nhóm/phân loại khách hàng/đơn vị chấp nhận thanh toán và phù hợp với quy mô hoạt động, ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh, nhằm tăng cường hiệu quả công tác giám sát, phát hiện các giao dịch đáng ngờ, bất thường và có biện pháp xử lí kịp thời, phù hợp với quy định của pháp luật.

(iii) Kịp thời cung cấp thông tin, báo cáo các giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan chức năng có liên quan trong việc ngăn ngừa, phát hiện, phòng, chống tội phạm theo quy định của pháp luật.

(iv) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán an toàn, tuân thủ quy định của pháp luật; đưa ra những khuyến cáo, cảnh báo để khách hàng không thực hiện các hành vi bị cấm như: Mua, bán, thuê, cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán, ví điện tử; mua, bán, thuê, cho thuê thẻ ngân hàng hoặc thông tin thẻ ngân hàng, mở hộ thẻ ngân hàng...; sử dụng hoặc tạo điều kiện cho các đối tượng sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử để thực hiện các giao dịch chuyển tiền liên quan đến hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá và các mục đích bất hợp pháp khác.

Về hành lang pháp lí, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 đã có các quy định liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống rửa tiền (bao gồm hành vi: Tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện, trợ giúp thực hiện hành vi rửa tiền; thiết lập, duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả); quy định về nhận biết khách hàng, thu thập, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng; quy định áp dụng các biện pháp tạm thời và xử lí vi phạm.

Đối với việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 02/2019/TT-NHNN ngày 28/02/2019, Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 04/12/2020), trong đó có quy định về hồ sơ, thủ tục mở tài khoản thanh toán, yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải áp dụng đầy đủ các biện pháp nhận biết và xác minh thông tin khách hàng mở tài khoản thanh toán, tuân thủ quy định về phòng, chống rửa tiền; đồng thời, đã có quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục mở tài khoản thanh toán; việc sử dụng tài khoản thanh toán.

Đối với dịch vụ trung gian thanh toán, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 23/2019/TT-NHNN ngày 22/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán (Thông tư số 23).

Thông tư số 23 với nhiều điểm mới tạo thuận lợi cho các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử, tăng cường an ninh, an toàn và bảo vệ quyền lợi khách hàng sử dụng ví điện tử. Quy định tại Thông tư cho phép khách hàng được kết nối ví điện tử đã xác minh danh tính với nhiều tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của khách hàng, cho phép khách hàng duy trì nhiều tài khoản ví điện tử... Để đảm bảo hoạt động ví điện tử an toàn, lành mạnh, phòng, chống rửa tiền, phòng ngừa gian lận và bảo vệ quyền lợi khách hàng, Thông tư đã có những quy định đối với tổ chức ví điện tử về mở và duy trì số dư tài khoản đảm bảo cho các ví điện tử tại các ngân hàng thương mại, về cung cấp công cụ để phục vụ việc giám sát của NHNN; các quy định về định danh khách hàng mở ví điện tử, những hành vi không được phép, bị cấm khi cung ứng, sử dụng dịch vụ ví điện tử, quy định mục đích sử dụng ví điện tử chỉ cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp, giới hạn phạm vi nạp, rút tiền vào/ra ví điện tử đã liên kết tài khoản…

Tại khoản 6 Điều 9 Thông tư số 23 hướng dẫn về sử dụng ví điện tử, cụ thể: Việc nạp tiền vào ví điện tử phải thực hiện từ: (i) Tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng (chủ ví điện tử) tại ngân hàng; (ii) Nhận tiền từ ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở.

Khách hàng được sử dụng ví điện tử để: (i) Thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp; (ii) Chuyển tiền cho ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở; (iii) Rút tiền ra khỏi ví điện tử về tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng (chủ ví điện tử) tại ngân hàng.

.JPG)

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Tổng hạn mức giao dịch qua các ví điện tử cá nhân của 01 khách hàng tại 01 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử (bao gồm giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp và giao dịch chuyển tiền từ ví điện tử cho ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở) tối đa là 100 triệu đồng trong một tháng (quy định này không áp dụng đối với ví điện tử cá nhân của người có kí hợp đồng/thỏa thuận làm đơn vị chấp nhận thanh toán với tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử).

Nghiêm cấm việc sử dụng ví điện tử để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác; nghiêm cấm việc thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử hoặc mua, bán thông tin ví điện tử. Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử không được phép cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng ví điện tử, trả lãi trên số dư ví điện tử hoặc bất kì hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên ví điện tử so với giá trị tiền khách hàng nạp vào ví điện tử.

Về việc xử lí vi phạm hành chính, Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 143/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021) có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đối với các vi phạm như: Cung cấp không trung thực thông tin có liên quan đến việc sử dụng dịch vụ thanh toán; thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán; mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh; lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin tài khoản thanh toán; thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử hoặc mua, bán thông tin ví điện tử; mở hoặc duy trì ví điện tử nặc danh, mạo danh; lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin ví điện tử; thuê, cho thuê, mua, bán thẻ hoặc thông tin thẻ, mở hộ thẻ; phát hành thẻ, thanh toán thẻ không đúng quy định của pháp luật…

Tại Nghị định số 143/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng, cụ thể:

Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: (i) Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; (ii) Làm giả chứng từ thanh toán khi cung ứng, sử dụng dịch vụ thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: (i) Mở tài khoản thanh toán cho khách hàng, cho phép khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán không đúng quy định của pháp luật trong quá trình cung ứng dịch vụ thanh toán; (ii) Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; (iii) Làm giả phương tiện thanh toán, lưu giữ, lưu hành, chuyển nhượng, sử dụng phương tiện thanh toán giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; (iv) Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; (v) Hoạt động không đúng nội dung chấp thuận của NHNN về việc cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng.

Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: (i) Xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, đánh cắp dữ liệu, phá hoại, làm thay đổi trái phép chương trình phần mềm, dữ liệu điện tử sử dụng trong thanh toán; lợi dụng lỗi hệ thống mạng máy tính để trục lợi mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; (ii) Mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh; (iii) Thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện thực hiện các hành vi: Sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán, phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gian lận, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác; (iv) Lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự...

Đồng bộ các giải pháp đảm bảo tuân thủ quy định về mở, sử dụng tài khoản thanh toán, ví điện tử

Thực tế, theo các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, việc loại bỏ tận gốc tình trạng lợi dụng ví điện tử để tổ chức các hoạt động cờ bạc, hành vi bất hợp pháp nói trên có nhiều khó khăn. Thời gian qua, một số ví điện tử (tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán) cũng tích cực hợp tác với các cơ quan quản lí để phòng, chống các hành vi vi phạm, lợi dụng các dịch vụ tài chính - ngân hàng mới để thực hiện hoạt động trái pháp luật, đảm bảo hoạt động kinh doanh lành mạnh, an toàn cho người dùng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, các ví điện tử chỉ có khả năng nhận diện những nghi vấn ban đầu để báo cáo cơ quan quản lí, không phải là đơn vị có thẩm quyền và nghiệp vụ xác minh, điều tra, xử lí vi phạm. Một số trường hợp doanh nghiệp áp dụng các biện pháp phòng ngừa quy mô lớn có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng, dẫn đến khiếu nại, kiện tụng phức tạp.

Việc ngăn chặn hành vi đánh bạc qua ví điện tử gặp khó khăn bởi còn nhiều hạn chế khách quan, đó là tình trạng không ít người do hạn chế hiểu biết về pháp luật đã sẵn sàng cho thuê, mượn, sử dụng trái phép danh tính và các giấy tờ tùy thân. Từ đó, cho phép các đối tượng xấu dễ dàng mở tài khoản ví điện tử, tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử để thực hiện hành vi phạm tội, lẩn tránh các biện pháp xác minh, xác thực của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Mặc dù các ngân hàng, doanh nghiệp trung gian thanh toán đã tích cực tuyên truyền, thông tin đến khách hàng, nhưng hiện nay, việc người dân cho mượn tên, giấy tờ để mở tài khoản vẫn xảy ra. Bên cạnh đó, tội phạm công nghệ cũng ngày càng tinh vi, sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để tổ chức hoạt động cờ bạc và các hoạt động bất hợp pháp khác.

Thời gian tới, để ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tình trạng trên, NHNN cần tiếp tục tham mưu, trình cấp có thẩm quyền, cũng như chủ động nghiên cứu, ban hành các văn bản pháp lí có liên quan, nhằm nâng cao tính răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử như: Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, Thông tư hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản, thẻ ngân hàng, trung gian thanh toán (trong đó có dịch vụ ví điện tử)…

NHNN xem xét tổ chức các buổi tọa đàm/hội thảo trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ giữa NHNN và các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán để phổ biến, hướng dẫn việc triển khai, thực hiện các văn bản, quy phạm pháp luật có liên quan trong lĩnh vực thanh toán, trung gian thanh toán; nhất là sau khi Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt và các thông tư/văn bản hướng dẫn được ban hành với nhiều chính sách, quy định mới.

Đồng thời, NHNN có giải pháp hỗ trợ các ngân hàng, trung gian thanh toán những phương pháp và giải pháp công nghệ để phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân. Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tăng cường truyên truyền, hướng dẫn để khách hàng, người dùng hiểu rõ và tuân thủ quy định pháp luật, khuyến cáo, cảnh báo khách hàng không sử dụng hoặc tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như cho thuê, mượn tài khoản thanh toán, mua, bán cho thuê, mở hộ tài khoản và xử lí nghiêm một số trường hợp nhằm mục đích cảnh báo, răn đe.

Việc đấu tranh, ngăn chặn, xử lí các hành vi vi phạm pháp luật trong mở, sử dụng tài khoản thanh toán, lợi dụng ví điện tử nói trên cần sự phối hợp của các bộ, ngành. Theo đó, NHNN tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và phát hiện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thanh toán; nghiên cứu có biện pháp xử lí nghiêm, răn đe đối với các đơn vị vi phạm.

Bộ Công an và NHNN phối hợp đẩy mạnh triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 06), trong đó đề xuất và có quy định, hướng dẫn rõ đối với trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nhờ đó, tổ chức cung ứng ví điện tử có thể khai thác, xác thực thông tin khách hàng đăng kí mở ví điện tử (hiện nay tổ chức trung gian thanh toán phải thực hiện xác thực từng khách hàng mà không có cơ sở để đối chiếu, xác minh khách hàng; trường hợp 01 khách hàng đăng kí mở ví điện tử tại nhiều tổ chức trung gian thanh toán, khách hàng cũng phải thực hiện quy trình xác thực, cung cấp thông tin, hồ sơ mở ví điện tử nhiều lần tại các tổ chức trung gian thanh toán).

Về phía Bộ Công an, cần có những biện pháp mạnh, cụ thể để người dân hiểu được việc buôn bán danh tính, tiếp tay cho tội phạm mở tài khoản, mở ví điện tử chính là yếu tố vi phạm pháp luật, từ đó hạn chế việc tội phạm ẩn danh, hoạt động phi pháp dựa trên danh tính của người khác.

Về phía khách hàng, khi mở và sử dụng tài khoản ngân hàng cần lưu ý: Tuyệt đối không thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản ngân hàng, tài khoản thanh toán, tuyệt đối không mua, bán thông tin tài khoản ngân hàng. Đây là hành vi bất hợp pháp, sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Không sử dụng giấy tờ tùy thân của mình để mở hộ hoặc bán tài khoản thanh toán thẻ cho người khác. Việc cho mượn tên, giấy tờ để làm thẻ, mở tài khoản thanh toán, mở ví điện tử có thể là hình thức tiếp tay cho đối tượng lừa đảo.