Đánh giá bác hồ tự học ngoại ngữ

[TCTG]- Một trong những người Việt Nam đầu tiên biết và sử dụng thành thạo nhiều ngoại ngữ, đó là Bác Hồ – Người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất. Trong suốt 79 mùa xuân, đã có khoảng 30 năm Bác Hồ từng sống, làm việc và hoạt động ở nước ngoài. Để lao động kiếm sống, để học tập và hoạt động cách mạng, ở mỗi nơi Người đều xác định mục tiêu phải học, và sử dụng thành thạo ngoại ngữ để phục vụ cho mục đích "cứu nước, giải phóng dân tộc" mà Người từng ấp ủ.

Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng tại phố Hàng Than năm 1958.

Học và sử dụng ngoại ngữ để làm giàu tri thức

Vốn xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, tiếng Hán là ngoại ngữ đầu tiên Bác Hồ được học sau tiếng mẹ đẻ. Cha của Người, Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là người thầy dạy chữ Hán cho Người. Chăm học và học rất giỏi từ thuở thiếu thời, sau này Bác Hồ sử dụng thành thạo tiếng Hán trong giao tiếp. Đất nước Trung Quốc là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ hoạt động trong những năm 1924-1927, trong thời kỳ 1938-1941, không chỉ bị giam cầm trong nhà giam của Tưởng Giới Thạch 1942-1943, là nơi Người nhiều lần đến thăm, nghỉ dưỡng bệnh, nên vốn tiếng Hán của Người không chỉ giúp Người thuận lợi trong mọi sinh hoạt đời thường, trong hoạt động cách mạng, mà còn giúp nhà văn hóa Hồ Chí Minh viết báo, viết sách, làm thơ, dịch các tài liệu như “Phép dùng binh của Tôn Tử”, “Cách huấn luyện cán bộ quân sự của Khổng Minh”…để phục vụ cách mạng. Nhà thơ lỗi lạc nổi tiếng Trung Quốc- Quách Mạt Nhược khi nói về Ngục trung Nhật ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từng nhận định: “Có một số bài rất hay, nếu xếp chung vào một số bài thơ Đường, Tống e cũng không dễ gì nhận ra”.

Rời làng Sen, theo cha vào Huế, được học tiểu học ở trường Pháp - Việt Đông Ba, trường Quốc học Huế, Bác Hồ bắt đầu làm quen với tiếng Pháp. Học đều các môn và tiếng Pháp cũng là một môn học mà lúc đó Người rất yêu thích. Chỉ biết rằng khi tham gia cuộc biểu tình chống thuế ở Trung Kỳ năm 1908, Nguyễn Tất Thành đã từng làm phiên dịch giúp những người biểu tình đề đạt nguyện vọng, đấu tranh với viên khâm sứ Pháp. Sau đó, không thể ở lại kinh thành Huế, Người vào dạy học ở Trường Dục Thanh [Phan Thiết]. Dù thời gian dạy học ở đó không dài, song những bài ca yêu nước của thầy Thành giảng bằng tiếng Hán, tiếng Pháp thì vẫn còn lưu truyền mãi trong tâm trí những người học trò.

Ngày 5-6-1911, tàu Đô đốc Latutsơ Trevinlơ rời bến cảng Sài Gòn, và cùng đó, người thanh niên Việt Nam yêu nước [tên gọi Văn Ba] bắt đầu một hành trình dài bôn ba tìm đường cứu nước. Phải làm phụ bếp trên tàu, vẽ đồ giả cổ, làm nghề cào tuyết, thợ đốt lò… và rất nhiều công việc vất vả khác, để kiếm sống, song không vì thế mà Người lãng quên việc học ngoại ngữ. Người học ở khắp mọi nơi, mỗi khi được nghỉ, lúc trong thư viện, ở ngoài công viên… học từng từ một, học xong thực hành ngay. Có điều gì chưa rõ, Người không ngần ngại nhờ những người xung quanh giúp đỡ. Từng bước một, say mê và kiên quyết, chẳng bao lâu Người đã giao tiếp được bằng tiếng Anh và sử dụng thành thạo tiếng Pháp.

Cuối chiến tranh thế giới thứ nhất, từ Anh trở lại Pháp, Nguyễn Tất Thành đã có thể viết bài đăng báo, tạp chí và viết sách bằng tiếng Pháp. Những bài đăng trên báo Le Paria, trên tạp chí Đời sống công nhân, Thư tín quốc tế... và đặc biệt là tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp là những minh chứng cho thành công học tốt và sử dụng tốt vốn liếng tiếng Pháp của Người. Là một chiến sỹ cách mạng, kiên định với mục tiêu độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho Nhân dân, lại thấu hiểu sâu sắc lời Mác nói: "Biết thêm một ngoại ngữ là có thêm một vũ khí mầu nhiệm để cải tạo thế giới", với Nguyễn Ái Quốc học ngoại ngữ đã trở thành nhu cầu tự thân, để có thêm phương tiện sử dụng trong cuộc sống, trong hoạt động cách mạng.

Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô, đến đất nước của Lênin vĩ đại, được làm việc ở Bộ Phương Đông, học ở trường Quốc tế Lênin, nghiên cứu sinh ở Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, con đường học tập, nghiên cứu về Lênin, về mô hình tổ chức nhà nước Xôviết… bằng tiếng Nga của Hồ Chí Minh thật vất vả. Học tự mình, học ở bè bạn, học ở đồng chí, ở nơi hội họp, khi trao đổi công việc… và Người đã bước đầu thành công. Người đã sử dụng được nhiều thứ tiếng trong giao tiếp, trong khi viết bài đăng báo, tạp chí như “Đời sống công nhân Ba-kin-xki”, “Tiếng còi”, “Tạp chí đỏ”, “Thời mới”, “Sự thật”,v.v..và đặc biệt là hoàn thành chương trình học tập ở Quốc tế Lênin. Một đồng chí của Bác ở Matxcơva đã từng nhận xét: “Từ trước đến nay, những người nổi tiếng trên thế giới đến Liên Xô mà nói được tiếng Nga có đồng chí Môrít Tôrê [Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp], nhà nghệ sĩ da đen người Mỹ Pôn Rốpsơn và nay có đồng chí Hồ Chí Minh nữa là người thứ ba”.

Học ngoại ngữ là phải kiên trì và khổ luyện

Có thể nói rằng, học ngoại ngữ là một công việc rất được Bác Hồ lưu tâm và kiên trì khổ luyện. Người đã nói rằng, học ngoại ngữ là phải kiên trì, không được sốt ruột, vội vàng, phải rèn luyện và thực hành liên tục để xây dựng cho mình kỹ năng ngôn ngữ, mới mong sử dụng nó một cách sinh động và có hiệu quả. Kinh nghiệm học ngoại ngữ của Bác Hồ là phải bố trí giữa học và sử dụng để không lãng phí thời gian mà đạt hiệu quả cao. Về tiếng Pháp, Người từng kể lại rằng: cách học đơn giản mà hiệu quả là muốn biết một vật nào đó tiềng Pháp gọi là gì, thì Người chỉ vật ấy rồi hỏi người xung quanh, sau đó viết vào mảnh giấy, dán vào chỗ hay để ý nhất để vừa làm việc, vừa học được. Có khi Bác viết chữ vào cánh tay, để tối đi làm về, rửa tay xong rồi, Người lại viết các chữ mới khác để học. Học được chữ nào, Bác ghép câu và sử dụng ngay, để tránh quên từ. Dần dần vốn từ vựng được bổ sung và Bác đã bắt đầu học viết báo với sự giúp đỡ của đồng chí Giăng Lôngghê là chủ nhiệm báo “Dân chúng”- cơ quan của Đảng xã hội Pháp. Đầu tiên là những mẩu tin ngắn, tiếp đó, Bác đã tập viết những bài dài cả cột báo, hoặc dài hơn đến nửa trang báo. Dần dần Người đã viết được truyện ngắn và cả những vở kịch “Con Rồng tre” bằng tiếng Pháp,v.v.. Nhờ thông thạo tiếng Pháp, Người đã đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những vấn đề về dân tộc và thuộc địa” của Lênin đăng trên báo “Nhân đạo” [16-17/7/1920], để từ đó, Người quyết định đến với Quốc tế thứ III do Lênin sáng lập, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên tìm ra con đường cách mạng đúng đắn để giải phóng dân tộc mình.

Thực tế từ việc kiên trì học ngoại ngữ của mình, Người từng nói nếu chúng ta mỗi ngày học 5 chữ [không yêu cầu nhiều hơn] thì trong 100 ngày chúng ta học được 500 chữ, 6 tháng học được 900 chữ. Biết được 900 chữ chúng ta có thể đọc được báo viết bằng thứ tiếng mà chúng ta học. Như vậy là ước mơ nắm được 3 - 4 ngoại ngữ của chúng ta không phải là khó đạt tới. Không dừng lại ở những ngoại ngữ đã biết, Bác Hồ còn nỗ lực và phấn đấu học thêm một số ngoại ngữ khác. Năm 1935, trong lý lịch tự khai bằng tiếng Nga, ký tên Lin, Người khai ở phần tự học các ngoại ngữ sau: Tiếng Pháp, Anh, Đông Dương, Ý, Quảng Đông, một ít tiếng Đức và tiếng Nga [Tài liệu lưu trữ tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng].

Hành trình đi tìm đường cứu nước đã đưa Người đi qua 29 quốc gia, và đi đến đâu, Bác cũng tranh thủ học một ít tiếng nước đó để tiện chủ động trong giao tiếp và công việc. Nhờ đức tính ham học hỏi, tự làm giàu vốn tri thức của mình, mà Bác Hồ đã có thể nói được nhiều ngoại ngữ khác nữa. Rất nhiều nhà báo nước ngoài với những quốc tịch khác nhau tham dự buổi chiêu đãi của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau chiến thắng Điện Biên Phủ đã ngỡ ngàng trước vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thể nói với họ bằng chính ngôn ngữ nước họ: “Ngồi nghe đồng chí phóng viên báo “Sự thật” [Liên Xô] nói chuyện. Đôi khi Bác trả lời lại bằng tiếng Nga. Thỉnh thoảng Người còn nói chuyện bằng tiếng Ý với phóng viên tạp chí “Đoàn kết” [Unita], cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Ý; bằng tiếng Anh với phóng viên báo “Công nhân”, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Mỹ. Tất cả mọi người có mặt hôm ấy đều tỏ vẻ ngạc nhiên, khâm phục. Dường như đoán được điều đó, Bác mỉm cười nói bằng tiếng Pháp….” [Sách Kể chuyện Bác Hồ - Tập 2, Nxb. Giáo dục, H, 2009].

Học, học nữa, học mãi để có được vốn ngoại ngữ như Bác Hồ thật không dễ. Nếu chúng ta biết được Bác Hồ đã từng đọc nguyên bản các tác phẩm về Kinh tế chính trị học, tác phẩm văn học của Xếchpia bằng tiếng Anh, các tác phẩm của các nhà tư tưởng, các nhà CNXH không tưởng của Pháp, tác phẩm văn học của Víchto Huygô bằng tiếng Pháp, Lỗ Tấn bằng tiếng Hán, những tác phẩm kinh điển của Lênin bằng tiếng Nga, thì hẳn sẽ không ngạc nhiên trước một Hồ Chí Minh vào những năm cuối đời vẫn dành mỗi tuần một tối để ôn luyện tiếng Nga.

Bác đã đi xa, song tấm gương học, học không biết mệt mỏi của Người thì vẫn còn sáng mãi.  Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tự học để có thể sử dụng tốt nhiều ngoại ngữ, góp phần đắc lực trong hành trình hoạt động cách mạng của Người. Học và làm theo tấm gương và những chỉ dẫn của Người, để có thể tự tin, có thêm điều kiện chủ động hội nhập cùng bạn bè quốc tế trong bối cảnh đất nước đang đổi mới, hội nhập đã không chỉ dừng lại ở mong muốn của mỗi người, mà trở thành một nhu cầu bức thiết. Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những huyền thoại về Người không chỉ hấp dẫn với thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay mà sẽ còn là tấm gương của muôn đời các thế hệ con cháu mai sau, vì rằng: “Người là nhà văn, nhà thơ tinh tế viết bằng nhiều thứ tiếng, là nhà báo có ngôn ngữ súc tích, mẫu mực; là người có trái tim bao la như vũ trụ, có lòng yêu thương vô hạn đối với trẻ em; là tấm gương về đức tính giản dị trong tất cả các mặt và chỉ tự coi mình là một “nhà hoạt động cách mạng”[1].

Ths. Vũ Thị Kim Yến

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch


[1] Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, tập III, Nxb. Sự Thật, H.1971, tr.150.

Chủ Đề