Đánh giá về phong trào tây sơn năm 2024

Mặc dù chỉ tồn tại vỏn vẹn 31 năm - tính từ thời điểm dấy nghĩa năm 1771 đến khi Nguyễn Quang Toản sa vào tay Nguyễn Ánh năm 1802 - nhưng những đóng góp lớn lao của phong trào nông dân Tây Sơn và “Tây Sơn Tam Kiệt” vào lịch sử Việt Nam mãi là niềm tự hào của người Việt.

Nửa sau thế kỷ XVIII, đất nước loạn lạc, cuộc sống của nhân dân ngày càng cơ cực, dẫn tới nhiều cuộc khởi nghĩa liên tiếp bùng lên. Trong đó cuộc khởi nghĩa do ba anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ lãnh đạo vào cuối thế kỷ XVIII (1771) là vang dội hơn cả.

1. Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, thế kỷ XVIII là thời kỳ của chiến tranh nông dân với đỉnh cao là phong trào Tây Sơn. Dấy nghĩa từ Tây Sơn thượng đạo, quân Tây Sơn phát triển nhanh nhờ có được sự ủng hộ rất lớn của dân chúng quanh vùng, nhất là những người nông dân nghèo bị bần cùng hóa bởi tình trạng địa chủ chiếm đất và sưu cao thuế nặng của Chúa Nguyễn. Không những tranh thủ được sự ủng hộ của nông dân mà phong trào còn tranh thủ được các tầng lớp khác như hào trưởng có thế lực ở vùng Thuận Nghĩa. Đồng thời, với tài năng tuyệt đỉnh về chính sách “thượng vận”, thủ lĩnh Nguyễn Nhạc đã thu hút phần lớn cư dân miền núi, đồng bào các dân tộc thiểu số, những người rất có sức bền, giỏi cung kiếm, đặc biệt là rất trung thành ủng hộ mình. Quân ngũ Tây Sơn khi dựng nghiệp được chia thành 12 đơn vị, trong đó có tới 2 đơn vị gồm người dân tộc thiểu số.

Du khách thăm Bảo tàng Quang Trung dịp Lễ hội Ngọc Hồi - Đống Đa. Ảnh: THẢO KHUY

Nghĩa quân Tây Sơn tỏa về các làng xã, trừng trị bọn xã trưởng, quan thu thuế, đốt hết các giấy tờ sổ sách, tuyên bố bãi bỏ mọi thứ thuế, nghĩa quân đi đến đâu đều được nông dân hưởng ứng tham gia. Nghĩa quân đã từng nêu lên khẩu hiệu: “Lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo”, bảo vệ lợi ích kinh tế của nông dân - bộ phận đông nhất trong xã hội, chiếm ưu thế tuyệt đối về sức người, sức lao động. Giáo sĩ Tây Ban Nha là Diego de Jumilla ghi lại: “Ban ngày họ xuống các chợ, kẻ đeo gươm, người mang cung tên, có người mang súng. Họ không hề làm thiệt hại đến người và của. Trái lại họ tỏ ra muốn bình đẳng giữa mọi người Đàng Trong; họ vào nhà giàu, nếu đem nộp họ ít nhiều thì họ không gây tổn hại, nhưng nếu chống cự lại thì họ cướp lấy những của quý đem chia cho người nghèo; họ chỉ giữ gạo và lương thực cho họ mà thôi… Người ta gọi họ là bọn cướp đạo đức và nhân từ đối với quần chúng nghèo khổ...” (Les Espagnols dans l’Empire d’Annam. tr. 33).

Đến năm 1773, với việc hạ được thành Quy Nhơn, lần đầu tiên nghĩa quân Tây Sơn kiểm soát phần lớn phủ Quy Nhơn. Sau khi chiếm được thành Quy Nhơn, nghĩa quân nhanh chóng đánh và chiếm Quảng Ngãi. Đó là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của cuộc khởi nghĩa. Đến cuối năm 1773, vùng kiểm soát của Tây Sơn kéo dài từ phía nam Quảng Ngãi đến Khánh Hòa.

Năm 1776, Nguyễn Lữ đem quân đánh vào Gia Định, quân chúa Nguyễn phải bỏ thành Gia Định, chạy lên Trấn Biên. Năm 1777, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ tiến quân vào Gia Định lần thứ hai, quân Tây Sơn đánh bại và bắt giết chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Dương, riêng Nguyễn Phúc Ánh chạy thoát, chấm dứt sự thống trị của chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

2. Năm 1786, Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc, lật đổ tập đoàn chúa Trịnh, trao trả quyền lực cho vua Lê Hiển Tông. Vua Lê phong Nguyễn Huệ làm Uy quốc công và gả công chúa Ngọc Hân cho ông, cắt đất Nghệ An nhường cho Tây Sơn. Sau khi Tây Sơn trở vào Nam, tình hình Bắc hà trở nên rối loạn, Nguyễn Hữu Chỉnh lộng quyền, Nguyễn Huệ bèn cử Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân cùng Vũ Văn Nhậm diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, còn vua Lê Chiêu Thống chạy lên Kinh Bắc, rồi chạy sang Trung Quốc cầu cứu nhà Thanh, sự nghiệp thống trị của nhà Lê đến đây chấm dứt.

Sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục chép: Ngày 25 tháng 11, Huệ lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung ở Bân Sơn địa phận xã An Cựu, Hương Trà. Trong lúc tôn lên ngôi, Quang Trung cho hội binh thủy bộ sang đò ra Bắc. Lòng yêu nước được thăng hoa, trở thành đỉnh cao, là biểu tượng cho thời đại Tây Sơn khi nhân dân ta tập trung sức người, sức của chống quân xâm lược Mãn Thanh. Với chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vào tết Kỷ Dậu 1789, giải phóng Thăng Long, hoàn thành sứ mệnh giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập và thống nhất nước nhà.

3. Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, phong trào nông dân Tây Sơn là phong trào duy nhất có sự kết hợp giữa việc giải quyết vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc. Sự chuyển biến về quy mô và tính chất là một nét đặc sắc của phong trào nông dân Tây Sơn trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Từ căn cứ Tây Sơn thượng đạo ban đầu có tính chất địa phương, sau trở thành trung tâm thu hút mạnh mẽ quần chúng nhân dân tham gia và phát triển thành phong trào có phạm vi hoạt động rộng lớn trên phạm vi cả nước, có sự kết hợp giữa việc giải quyết vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc. Cũng chỉ có phong trào nông dân Tây Sơn đã đánh thắng được 2 thế lực phong kiến hùng mạnh trong khu vực bấy giờ là giặc ngoại xâm Xiêm La tại trận thắng lớn Rạch Gầm - Xoài Mút (1785), giặc ngoại xâm phương Bắc - Mãn Thanh tại võ công hiển hách Ngọc Hồi - Đống Đa (1789).

Phong trào Tây Sơn mang những nét đặc trưng riêng, được đánh giá là một trong những phong trào nông dân tiêu biểu và điển hình của phong trào nông dân trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Nhờ tinh thần đoàn kết, phong trào liên tiếp giành được những thắng lợi lớn, không ngừng phát triển về quy mô, giải quyết tốt vấn đề giai cấp - dân tộc. Thành quả lớn nhất của phong trào Tây Sơn là không những tiêu diệt các chính quyền phong kiến phản động Lê - Trịnh - Nguyễn, xóa bỏ tình trạng chia cắt đất nước mà đã vượt ra khỏi phạm trù đấu tranh giai cấp, vươn lên đảm nhiệm vai trò chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc.

Bên cạnh đó, việc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống văn hóa của dân tộc luôn là mục tiêu của Tây Sơn dù là đang chiến đấu cho sự nghiệp thống nhất tổ quốc hay ở thời kỳ hòa bình xây dựng, củng cố độc lập nền dân tộc. Những chính sách tiến bộ và hợp thời của Quang Trung và vương triều Tây Sơn giúp Đại Việt có những bước chuyển mình sau nhiều năm bị chia cắt và bước đầu đạt được một số thành tựu trên các lĩnh vực. Mặc dù không giữ được thành quả đấu tranh lâu dài, nhưng những đóng góp của phong trào nông dân Tây Sơn là không thể phủ nhận và “Tây Sơn Tam Kiệt” mãi là niềm tự hào của mỗi người dân Việt.