Đánh giá việc thực thi các quy định về khám bệnh và chữa bệnh

Ngày 10-3, Đoàn khảo sát thuộc Ủy ban Xã hội của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Hoàng Mai làm trưởng đoàn đã khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và bảo hiểm y tế [BHYT] giai đoạn 2020-2022; công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội tại Thanh Hóa.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, phát biểu tại buổi làm việc.

Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Nguyễn Quang Hải, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đầu Thanh Tùng, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 13 bệnh viện tuyến tỉnh, 25 bệnh viện tuyến huyện, 559 trạm y tế xã, phường, thị trấn và 1.481 cơ sở hành nghề tư nhân.

Lãnh đạo Sở Y tế báo cáo thực hiện chính sách, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh BHYT; công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện Nghị quyết số 30.

Trong những năm qua, việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về khám, chữa bệnh và bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có những chuyển biến rõ rệt. Các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chính sách góp phần hạn chế, ngăn chặn hiện tượng lạm dụng hoặc trục lợi quỹ BHYT. Công tác phối hợp tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT được chú trọng; chính sách BHYT đã đi vào cuộc sống và khẳng định được vai trò là một trong những trụ cột chủ yếu của hệ thống chính sách an sinh xã hội.

Các cơ quan quản lý Nhà nước phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH ở địa phương quản lý tốt đối tượng đóng và tham gia BHYT từ cơ sở; củng cố và tăng cường quản lý quỹ BHYT, ngăn chặn tình trạng trục lợi, sử dụng quỹ BHYT sai mục đích.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các chế độ, chính sách BHYT, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia, tiến tới thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.

Nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT, nâng cao y đức trong ngành y tế, bảo đảm quyền lợi và đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của Nhân dân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHYT; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm chế độ, chính sách, đặc biệt là các hành vi gian lận để hưởng chế độ, trục lợi quỹ BHYT.

Thông qua hoạt động truyền thông, nhận thức của đội ngũ cán bộ y tế và người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh đã chấp hành tốt các quy định của Luật BHYT, các hiện tượng vi phạm có chiều hướng giảm dần. ​

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng phát biểu tại buổi làm việc.

Đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19, từ ngày 27-4-2021 đến nay tỉnh Thanh Hóa ghi nhận hơn 52.800 bệnh nhân mắc COVID-19 và có gần 48.000 bệnh nhân đã điều trị khỏi, ra viện. Tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội và các văn bản của Trung ương trong công tác phòng, chống dịch COVID -19.

Đến nay toàn tỉnh tiêm đủ mũi vắc xin phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt tỷ lệ 98,6%. Sở Y tế đã triển khai phương án thu dung điều trị người bệnh ở tất cả các tuyến theo mô hình tháp 3 tầng, nâng cao quy mô, năng lực điều trị COVID-19 ở các bệnh viện với hơn 7.400 gường bệnh.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đã kịp thời triển khai nhiều phương án đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận nêu lên những tồn tại, vướng mắc như việc thanh quyết toán BHYT cho các cơ sở khám, chữa bệnh chưa kịp thời; bất cập trong chính sách thông tuyến, dẫn đến người có thẻ BHYT lợi dụng để đi khám, chữa bệnh nhiều lần trong thời gian ngắn.

Các đại biểu cũng đề nghị Trung ương cần sớm có lộ trình xếp loại dịch COVID-19 ở nhóm bệnh truyền nhiễm phù hợp với từng giai đoạn theo Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ triển khai, phân bổ vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi; tăng cường, bổ sung cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả, bền vững các giải pháp nâng cao năng lực cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở...

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao những kết quả tỉnh Thanh Hóa đạt được trong việc thực hiện chính sách khám bệnh, chữa bệnh và BHYT; đồng thời chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là ở tuyến cơ sở. Đồng chí cho biết những ý kiến đóng góp, kiến nghị của tỉnh sẽ làm cơ sở để Quốc hội điều chỉnh, xây dựng luật phù hợp trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn khảo sát Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh [sửa đối] tại Sở Y tế Thanh Hóa.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đóng góp nhiều ý kiến vào dự án luật, như cần bổ sung một số ngành mới được đào tạo nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề; bổ sung thêm các quy định về hành vị bị cấm đối với người bệnh và người nhà người bệnh; quy định cụ thể về ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh; cần điều chỉnh nội hàm của khái niệm khám bệnh, chữa bệnh; người hành nghề khám, chữa bệnh và người bệnh theo hướng mở rộng hơn…

Tô Hà

Toàn cảnh cuộc làm việc của Thường trực Ủy ban Xã hội với Bộ Y tế

Theo đại diện Bộ Y tế, Ngày 23/11/2009, Quốc hội đã thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh. Luật ra đời đã tạo hành lang pháp lý vô cùng quan trọng cho công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh; góp phần chuẩn hóa chất lượng của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người dân, bảo đảm người dân được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở đủ điều kiện; từng bước nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tạo hành lang pháp lý để y học Việt Nam đã tiếp cận được với các kỹ thuật mới, phương pháp mới, kỹ thuật y khoa tiên tiến…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, sau hơn 11 năm triển khai thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết.

Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 không quy định thời hạn giá trị của chứng chỉ hành nghề

Đối với nội dung về quản lý người hành nghề, Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định cấp chứng chỉ hành nghề theo đối tượng và văn bằng chuyên môn. Việc quy định cấp chứng chỉ hành nghề theo đối tượng và văn bằng chuyên môn gây khó khăn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình tổ chức thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và thanh quyết toán bảo hiểm y tế vì trên thực tế không có sự thống nhất giữa cách ghi ngành đào tạo trong văn bằng chuyên môn, một số văn bằng chuyên môn ghi ngành đào tạo không có trong đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật nhưng vẫn đang làm việc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và là đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề, ví dụ: cử nhân sinh học làm kỹ thuật viên xét nghiệm. Một số đối tượng, chức danh chuyên môn làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc làm công việc chuyên môn tham gia trực tiếp vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, ví dụ như cấp cứu viên ngoại viện, cử nhân tâm lý trị liệu. Một số đối tượng hiện nay có trình độ đào tạo không còn phù hợp trong hệ thống chức danh nghề nghiệp y tế như đối tượng y sỹ...

Về thời hạn giá trị của chứng chỉ hành nghề, Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 không quy định thời hạn giá trị của chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ hành nghề có giá trị vĩnh viễn. Việc quy định như trên gây khó khăn trong việc theo dõi, giám sát quản lý chất lượng hành nghề khi chuẩn hóa các điều kiện chuyên môn, cập nhật kiến thức y khoa liên tục và quá trình hành nghề của người hành nghề. Bên cạnh đó, quy định này cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế [các nước trên thế giới đều quy định giấy phép hành nghề có thời hạn] gây khó khăn cho việc hội nhập của y tế Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới về khám bệnh, chữa bệnh.

Về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề, Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề dựa trên văn bằng chuyên môn của người đề nghị cấp nên không đánh giá được thực chất năng lực người hành nghề, chất lượng đào tạo. Đa số các nước trên thế giới đều cấp giấy phép hành nghề dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề.

Việc sử dụng ngôn ngữ của người hành nghề là người nước ngoài trong đó cho phép người nước ngoài sử dụng phiên dịch còn nhiều bất cập như: Hạn chế trong việc khai thác tiền sử bệnh tật, tình trạng sức khỏe, các dấu hiệu lâm sàng, việc ghi chép hồ sơ bệnh án, kê đơn … do tình trạng người phiên dịch không đủ năng lực để thực hiện việc phiên dịch; tình trạng người phiên dịch không làm việc sau khi người nước ngoài đã được cấp chứng chỉ hành nghề; tình trạng người phiên dịch lợi dụng vị trí để hành nghề trái phép. Bên cạnh đó, việc sử dụng người hành nghề cũng tạo ra bất cập trong việc xác định trách nhiệm pháp lý khi xảy ra sự cố y khoa do khó có thể xác định nguyên nhân gây ra sự cố do chỉ định của người hành nghề hay lỗi tại người phiên dịch...

Một số nội dung của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 chưa phù hợp với thực tiễn

Đối với nội dung quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, về hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định cụ thể một số hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa bao quát hết các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tồn tại trong thực tế hoặc mới phát sinh.

Về nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định cơ sở áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng nhưng không bắt buộc, việc đánh giá chất lượng được thực hiện bởi các cơ quan quản lý nên chưa bảo đảm tính độc lập, khách quan trong đánh giá, gây gánh nặng cho cơ quan quản lý nhà nước.

Đối với một số nội dung liên quan đến chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh như: khám bệnh, chữa bệnh từ xa; điều trị nội trú ban ngày; phục hồi chức năng; khám sức khỏe; chăm sóc người bệnh; dinh dưỡng lâm sàng; sử dụng sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng; phòng ngừa sự cố y khoa ... chưa được quy định trong Luật nên chưa có cơ sở pháp lý để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và tổ chức triển khai thực hiện.

Đối với nội dung các điều kiện bảo đảm cho công tác khám bệnh, chữa bệnh, về hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước có 04 tuyến gắn với tuyến hành chính và phân hạng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân. Tuy nhiên, Luật bảo hiểm y tế lại quy định phân tuyến dựa vào phân hạng bệnh viện để xác định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế…Vì vậy, trong quá trình hướng dẫn, tổ chức thực hiện đã phát sinh nhiều mâu thuẫn và bất cập.

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, pháp luật hiện hành quy định nhiều loại giá với thẩm quyền quyết định khác nhau. Các quy định này dẫn đến tình trạng cùng một dịch vụ kỹ thuật, cùng có chung cơ cấu giá nhưng lại có nhiều mức giá khác nhau, phát sinh thêm thủ tục phê duyệt giá ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do mức giá được phê duyệt có nhiều trường hợp không phản ánh đúng chi phí thực tế mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang thực hiện hoặc do theo quy định của pháp luật về giá thì khi phê duyệt giá phải dựa vào định mức kinh tế - kỹ thuật nhưng trên thực tế các đơn vị địa phương gần như không thể xây dựng được định mức này dù Bộ Y tế đã ban hành định mức của khung giá nên dẫn đến thủ tục phê duyệt giá bị kéo dài.

Về bảo đảm an ninh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Vấn đề an ninh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mới được tiếp cận dưới góc độ quy định các quyền và nghĩa vụ của người bệnh, quyền và nghĩa vụ của người hành nghề, quyền và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa có quy định cụ thể về các biện pháp bảo đảm an ninh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác như các biện pháp tổ chức bảo đảm an ninh chung, sự tham gia của lực lượng công an trong bảo đảm an ninh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hay vấn đề kinh phí bảo đảm cho hoạt động này. Mặc dù trong những năm qua ngành y tế đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh bệnh viện, bảo đảm an toàn cho người hành nghề như việc ký kết Quy chế phối hợp số 03/QC-BCA-BYT ngày 26/9/2013 giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế, Quy chế phối hợp giữa Cục Quản lý khám, chữa bệnh với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an ngày 23/01/2019 hay việc tổ chức các diễn đàn, chương trình truyền thông về bảo đảm an ninh bệnh viện vẫn chưa đạt hiệu quả cao.

Ngoài ra, một số quy định về thẩm quyền, thủ tục hành chính như các quy định liên quan đến cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, thủ tục cấp phép khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo... không còn phù hợp với thực tiễn.

Từ phân tích trên, Bộ Y tế nêu rõ, cần thiết xây dựng Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh [sửa đổi] nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý Nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh./.

Hồ Hương

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Video liên quan

Chủ Đề