Dư đinh mưc lương cơ ban năm 2023

Thông tin nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận kéo theo luồng ý kiến luận bàn.

Tăng lương đồng nghĩa với mức sống cơ bản của người lao động có cơ hội cải thiện, kinh tế gia đình có điều kiện dôi dư chút đỉnh để chu toàn hơn cho cuộc sống thường nhật.

Tuy nhiên, lương rục rịch tăng thì giá đã chạy trước từ lâu. Lương bổng luôn bị rớt lại trong cuộc đua với giá cả thị trường. Giá xăng tăng, phí dịch vụ tăng, giá thực phẩm tăng, phí đại học tăng… trong suốt 3 năm qua đổ dồn gánh nặng lên vai người lao động, chen chân vào từng bữa cơm của mỗi gia đình.

Đất nước đang trên đà hồi phục kinh tế sau 3 năm quay quắt chống dịch. Người dân thấu hiểu gánh nặng ngân sách không thể gồng gánh khoản kinh phí khổng lồ chi cho việc tăng lương hằng năm.

Đề xuất tăng lương lần này là một nỗ lực lớn lao của Chính phủ, khi ước tính để tăng thêm 20,8% mức lương cơ sở cũng như tăng phụ cấp với nhân viên y tế, khoản chi mà Chính phủ trình lên tới 60.000 tỉ đồng. Người dân trân trọng đề xuất tăng lương nhằm cải thiện đời sống của người lao động làm công ăn lương trong tương lai gần.

Nhưng giá như thời điểm tăng lương được đẩy lên sớm hơn, nên chăng thực hiện mức lương cơ bản 1,8 triệu đồng/tháng ngay từ ngày 1-1-2023? Để niềm vui, sự hứng khởi của người dân trọn vẹn hơn và để nhanh chóng bù đắp trượt giá trầm trọng của đồng lương eo hẹp bao lâu nay; cũng là để giữ chân công chức, viên chức vì nỗi lo cơm áo gạo tiền đang dự tính nhảy việc, bỏ việc…

“Nghe nói tăng lương cơ sở thì mừng lắm, nhưng nếu đến 1.7.2023 mới tăng thì quá lâu, rất nhiều người khó chờ đợi được, họ lại tiếp tục bỏ việc kiếm nghề khác thôi”.

Bạn đọc Huy Lục Quang sau khi đọc rất nhiều bài viết của Báo Lao Động về vấn đề tăng lương cơ sở đã gửi bình luận như trên. 

Bạn đọc này cho biết thêm, anh là cán bộ xã hơn 10 năm, nhưng lương chỉ có 4,2 triệu đồng/tháng, cuộc sống rất khó khăn, không đủ để trang trải cho gia đình. 

Cùng ý kiến về thời điểm tăng lương, bạn đọc Hùng Hứa cho rằng, tăng từ ngày 1.1.2023 mới thoả lòng mong đợi của của người dân. “Đã 3 năm không được tăng lương cơ sở; đồng lương hiện tại không đủ sống khi giá cả tăng” - bạn đọc này cảm thán. 

Bạn đọc Lâm Lê phân tích: Bao nhiêu năm nay, cán bộ, công chức, viên chức đã chia sẻ khó khăn cùng với Nhà nước, chịu cuộc sống khổ cực; giờ kinh tế phục hồi thì phải tăng lương ngay. 

“Từ giờ tới 1.7.2023, có biết bao nhiêu người phải nghỉ hưu. Nếu không tăng lương ngay thì sẽ ảnh hưởng tới mức thu nhập của họ khi về hưu” - bạn đọc bày tỏ.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, tổng hợp ý kiến từ 19 tổ thảo luận về ngân sách, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, một số ý kiến nhận thấy Chính phủ trình Quốc hội tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu [tăng khoảng 20%], thời điểm thực hiện từ ngày 1.7.2023, như vậy từ lúc tăng lương từ tháng 7.2019 đến tháng 7.2023 là 4 năm. 

Điều này dẫn đến người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành giáo dục, ngành y tế, cán bộ, công chức kể cả cấp xã.

Do vậy, theo tổng hợp của tổng thư ký Quốc hội từ 11 ý kiến của đại biểu, hiện nay mong muốn của người hưởng lương là kiến nghị Chính phủ cân đối nguồn để bảo đảm điều chỉnh tăng lương cơ sở sớm hơn, từ ngày 1.1.2023, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương. 

Ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật [Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam] cho biết, mức lương cơ sở theo Nghị định 66 được bắt đầu áp dụng từ 1.7.2013. Sau đó, định kỳ hàng năm, Chính phủ căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội, chỉ số giá tiêu dùng, các điều kiện khác để điều chỉnh. Hầu hết các Nghị định về lương cơ sở trước đây đều bắt đầu áp dụng từ 1.7.  

Ông Quảng cho rằng, trước đây, lương cơ sở được điều chỉnh định kỳ hàng năm, còn 3 năm qua chưa điều chỉnh lương cơ sở, nên lần tới cần điều chỉnh mức lương cơ sở như thông lệ đối với mức lương tối thiểu, tức vào thời điểm đầu năm. 

“Tôi nghĩ lần này nên điều chỉnh từ ngày 1.1.2023 thay vì từ 1.7.2023, điều chỉnh càng sớm càng tốt vì đời sống của cán bộ, công chức, viên chức đang gặp rất nhiều khó khăn. Họ đã chờ đợi quá lâu việc tăng lương” – ông Quảng phân tích.  

Theo Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật, hiện đã đủ điều kiện để điều chỉnh lương cơ sở từ đầu năm 2023. Ngoài ra, ông Quảng cho rằng, tăng lương cơ sở từ 1.1.2023 thì sẽ trở thành tiền lệ cho những năm sau, thuận lợi cho xây dựng kế hoạch về tài chính, ngân sách…  

Trình bày báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội [KTXH] năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, liên quan đến những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết công tác bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững còn nhiều thách thức. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn.

Tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn thấp; xuất hiện tình trạng một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Thống kê cho thấy, đã có tổng số cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc là 39.552 người, chiếm 1,94% số biên chế giao năm 2021.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội [KTXH] năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023

Trong dự kiến kế hoạch phát triển KTXH 2023, về giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, Thủ tướng nhấn mạnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

“Hoàn thiện và triển khai hiệu quả chính sách về lao động, tiền lương, trong đó thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2023”, Thủ tướng cho biết.

Cùng với đó là trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2023 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.

Cử tri và nhân dân bày tỏ sự lo lắng về việc học phí và các dịch vụ tăng cao

Cũng liên quan đến vấn đề tiền lương, trong báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết cử tri và nhân dân bày tỏ sự lo lắng về việc học phí và các dịch vụ tăng cao trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chưa tăng.

“Cử tri đề nghị Chính phủ thực hiện phù hợp hơn chính sách tiền lương sau khi Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định việc chưa thực hiện cải cách tiền lương nhưng thực hiện tăng lương cơ sở, phụ cấp ưu đãi nghề lĩnh vực y tế, lương hưu cho đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995”, báo cáo nêu.

Cùng với đó cử tri cũng đề nghị sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với tình hình phát triển của xã hội và tình hình tăng giá, tránh tình trạng việc rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng trong thời gian vừa qua.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân

Với thị trường lao động, trong báo cáo Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá sâu hơn thực trạng chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm về cả ngành nghề, địa bàn, không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế như: Tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời trong một số ngành, lĩnh vực; hiện tượng chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực khác đặc biệt là sau hơn 02 năm phòng, chống dịch COVID-19 như nhân lực trong ngành y tế, giáo dục….

“Có ý kiến cho rằng tiền lương và chế độ đãi ngộ đối với công chức, viên chức còn nhiều hạn chế. Tình trạng viên chức trong ngành y tế thôi việc hoặc bỏ việc làm ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc y tế, khám chữa bệnh khu vực công và gây lo ngại cho dư luận xã hội ngay sau thời gian dài chống dịch COVID-19”, báo cáo của Uỷ ban Kinh tế nêu.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2022, có tổng số 4.162 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc, gần tương đương với con số này của cả năm 2021, lũy kế từ đầu năm 2021 đến 30/6/2022 có 9.467 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc.

Uỷ ban Kinh tế đề nghị có đánh giá kỹ lưỡng về nguyên nhân công chức, viên chức không chỉ của ngành giáo dục, y tế bỏ việc hoặc thôi việc để làm căn cứ đưa ra giải pháp phù hợp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Chủ Đề