Em hiệu như thế nào về từ thiện nguyện

Những ngày gần đây, đồng bào ở các tỉnh miền trung đã phải trải qua nhiều thiên tai, thảm họa dồn dập. Bão chồng bão, mưa lớn gây lũ lụt, sạt lở đất... đã gây nên những tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản. Mất mát, đau thương là không thể đong đếm nhưng trong hoàn cảnh gian khó, bên cạnh sự chăm lo, trợ giúp kịp thời của Ðảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, sự đồng lòng, sẻ chia của người dân cả nước phần nào đã giúp đồng bào miền trung thêm ấm lòng, vững tâm vượt qua khó khăn, từng bước khôi phục cuộc sống. Thật cảm động khi chứng kiến những đoàn xe chở hàng cứu trợ nối dài, hối hả tiến về miền trung. Trên khắp cả nước, từ công sở, trường học, tổ dân phố, doanh nghiệp, tổ chức xã hội cho đến mạng xã hội... đều xuất hiện lời kêu gọi quyên góp, giúp đỡ đồng bào miền trung. Cùng với người dân cả nước, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cũng chung tay kêu gọi hỗ trợ, trực tiếp đi cứu trợ. Có nữ ca sĩ đã kêu gọi quyên góp được số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng. Nữ ca sĩ cũng đã đến tận những nơi là rốn lũ của Huế, Quảng Bình, Quảng Trị,… để chia quà, phát tiền mặt cho các cá nhân, hộ gia đình chịu nhiều thiệt hại từ thiên tai. Từ lúc đầu chỉ có một vài cá nhân tham gia, nhưng sau đó phong trào thiện nguyện nhanh chóng lan rộng trong giới nghệ sĩ. Bên cạnh việc quyên góp tiền, nhu yếu phẩm cần thiết, các nghệ sĩ còn hỗ trợ bằng cách tổ chức các buổi biểu diễn gây quỹ từ thiện hoặc về tận nơi xảy ra thiên tai để biểu diễn phục vụ miễn phí cho đồng bào.

Thực tế cho thấy việc người nổi tiếng tham gia các hoạt động từ thiện mang nhiều hiệu ứng tích cực, bởi ảnh hưởng của họ đến công chúng là rất lớn. Nhiều người hẳn vẫn còn nhớ hồi đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 lan rộng trên nhiều tỉnh, thành phố, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã có nhiều hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch, đứng lên kêu gọi, quyên góp hàng chục tỷ đồng cùng vật tư y tế thiết thực khác để hỗ trợ đội ngũ nhân viên y tế trong tuyến đầu chống dịch. Tiêu biểu có thể kể đến ca sĩ Hà Anh Tuấn và những người bạn đã quyên góp gần hai tỷ đồng lắp đặt ba phòng cách ly áp lực âm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Quảng Ninh. Ca sĩ, diễn viên Chi Pu cũng góp một tỷ đồng với một phòng cách ly áp lực âm tại Hà Nội và năm nghìn bộ trang phục bảo hộ. Tương tự tại Hà Nội, các ca sĩ Tùng Dương và Phạm Thùy Dung cùng nhau đóng góp hai nghìn bộ quần áo bảo hộ... Thể hiện trách nhiệm xã hội, tinh thần chia sẻ, tương thân tương ái của các nghệ sĩ nổi tiếng đã có tác động tích cực đến công chúng, góp phần làm cho phong trào thiện nguyện thêm lan tỏa rộng rãi, hiệu quả hơn.

Trên thực tế, việc hỗ trợ, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn luôn là việc làm thường xuyên, thể hiện truyền thống tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách" của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, từ diễn biến gần đây, bên cạnh các cá nhân, đơn vị, tổ chức làm thiện nguyện xuất phát từ mục đích trong sáng, nhân văn, đã và đang xuất hiện một số đối tượng lợi dụng từ thiện để trục lợi, đánh bóng bản thân, làm từ thiện không đúng cách,... nên đã gây ra không ít hệ lụy. Thí dụ việc một số người nổi tiếng làm từ thiện theo kiểu tự phát, không có kế hoạch dẫn đến tranh cãi, khiếu nại không đáng có. Hay sự cố một trưởng xóm bị tố không đủ "tiêu chuẩn nghèo" để được nhận tiền cứu trợ, hoặc việc nhóm thiện nguyện dừng phát quà cho người đeo vàng, sơn móng tay,... cũng đã gây ra phản ứng trái chiều. Hệ lụy lớn nhất từ tình trạng này là người nhận cứu trợ phải gánh chịu những tổn thương rất lớn về tinh thần, tâm lý. Chưa kể đôi lúc, sau khi các đoàn thiện nguyện rút đi thì tại địa phương, tình làng nghĩa xóm có phần phai nhạt, nhiều giá trị cộng đồng cũng phần nào bị ảnh hưởng bởi những so đo, tính toán chuyện ai được nhận cứu trợ, mức cứu trợ nhiều hay ít. Một hệ lụy khác là một số trường hợp đã có hành động trục lợi, bớt xén tiền quyên góp hoặc mạo danh, lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng đang làm công tác từ thiện nhằm mục đích mưu lợi cho cá nhân. Thậm chí, việc ca sĩ P.T có phát ngôn chưa đúng mực, đã xúc phạm người nhận cứu trợ tại Quảng Ngãi khi cho rằng họ đã nổi lòng tham, chỉ "canh me" để nhận tiền [10 triệu đồng] mà vứt bỏ các nhu yếu phẩm. Phát ngôn của P.T bị phản đối gay gắt và cô đã phải làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh. Ðáng nói, còn có trường hợp bên ngoài cọc tiền từ thiện là những đồng tiền có mệnh giá 500.000 đồng nhưng bên trong lại là những đồng tiền 50.000 đồng, 100.000 đồng. Cũng phải kể đến hiện tượng do nhận thức chưa đúng về từ thiện nên có người mang quần áo, đồ dùng quá cũ, rách không còn dùng được, hoặc không phù hợp để cho người nghèo, nên đã vô tình làm tổn thương họ.

Tình trạng tuyên truyền, tung hô quá đà, thậm chí lạm dụng, hiểu và làm sai mục đích nhân văn trong hoạt động từ thiện của một số cá nhân, tổ chức đã là cái cớ để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để công kích Ðảng, chế độ, gây mất đoàn kết cộng đồng. Ðã có quan điểm xuyên tạc cho rằng, Ðảng, Nhà nước bỏ rơi người dân, người dân phải tự bơi, tự cứu lấy mình giữa dòng nước lũ, phó mặc việc cứu trợ dân cho các tổ chức, cá nhân làm từ thiện. Họ cố tình lờ đi sự hy sinh thầm lặng, ngày đêm nỗ lực hết mình cứu trợ cứu nạn của lực lượng bộ đội, công an, dân quân tự vệ,... ở những nơi khó khăn nhất, hiểm nguy nhất. Có cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh tính mạng để cứu dân. Các thế lực thù địch và một số cá nhân cực đoan còn cố tình làm ngơ, không đả động đến sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ cùng chính quyền các địa phương, các bộ, ngành liên quan trong việc đối phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Ðáng phê phán là nếu như ở Mỹ hoặc một nước phương Tây nào đó xảy ra tình trạng bão, lũ thì họ cho rằng đó là hậu quả của biến đổi khí hậu, do thiên tai. Nhưng cũng bão, lũ xảy ra tại Việt Nam thì họ lại lập tức bẻ queo để quy kết cho chế độ, cho Ðảng Cộng sản, Nhà nước. Tại một số diễn đàn trên mạng, còn xuất hiện ý kiến so sánh việc ca sĩ T.T nhanh chóng huy động được hơn 100 tỷ đồng với hoạt động từ thiện do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các hội, đoàn tiến hành, hướng dư luận vào sự hoài nghi, làm ảnh hưởng tới uy tín của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các hội, đoàn…

Có thể thấy lâu nay phần lớn việc làm từ thiện của một số tổ chức, cá nhân còn có tính tự phát, mạnh ai nấy làm, nên đôi khi chưa phát huy hết được hiệu quả như mong muốn. Vì thế trong thời gian tới, các hoạt động thiện nguyện cần có sự chấn chỉnh sao cho đúng luật pháp, phù hợp với các quy tắc về văn hóa, đạo đức, có cơ chế giám sát chặt chẽ. Muốn vậy, người làm từ thiện cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương để rà soát, lập danh sách chính xác về trường hợp đủ tiêu chuẩn nhận cứu trợ, cũng như nội dung cần cứu trợ. Tránh việc làm tự phát, cảm tính, tạo nguy cơ gây mất đoàn kết và có thể thành cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng, công kích, xuyên tạc.

Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 64/2008/NÐ-CP ngày 14-5-2008 Về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, sao cho vừa huy động được nhiều nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tham gia, vừa bảo đảm việc quản lý, giám sát các hoạt động theo đúng quy định pháp luật, tránh việc lợi dụng vận động quyên góp, phân phối, cứu trợ để trục lợi hoặc thực hiện các mưu đồ, mục đích khác gây mất an ninh, trật tự ở địa phương. Ðồng thời, để giúp nâng cao hiệu quả, tăng tính minh bạch trong các hoạt động từ thiện, Chính phủ cũng từng bước đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động từ thiện. Ngày 1-10 vừa qua tại Hà Nội, chương trình "Kết nối triệu con tim" với mục đích phát động Chiến dịch thiện nguyện trên nền tảng số iNhandao và ra mắt các nền tảng số trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa đã được phát động. Hệ thống này cho phép huy động sự tham gia của cả cộng đồng, là đầu mối tiếp nhận, chia sẻ thông tin của các trường hợp cần giúp đỡ, huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân về vật chất, công sức cũng như thời gian, đồng thời thường xuyên giám sát các hoạt động, kết quả tài trợ. Ðại diện của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, hiện trên iNhandao đã cập nhật gần 20.000 địa chỉ nhân đạo để cung cấp thông tin trực tiếp cho người làm từ thiện. Trên nền tảng này, người làm từ thiện có thể kết nối trực tiếp với người nhận, và nếu cần thiết, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ đóng vai trò điều phối, giám sát.

Những việc làm trên cho thấy, Ðảng và Nhà nước luôn quan tâm, nỗ lực hết sức để hoạt động từ thiện ngày càng lan tỏa. Ðồng thời nỗ lực xây dựng các cơ chế, hành lang pháp lý để hoạt động từ thiện ngày càng phát huy giá trị, mang lại ý nghĩa thiết thực, cụ thể với người gặp khó khăn, cần giúp đỡ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, mỗi người dân trong xã hội cũng cần tự ý thức hoạt động từ thiện phải được tiến hành từ cái tâm trong sáng, không làm từ thiện để thực hiện ý đồ cá nhân, có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, địa phương liên quan,… Bởi chỉ như vậy mới thật sự phát huy được sức mạnh của cả cộng đồng trong hoạt động từ thiện, giúp việc làm thiện nguyện đến đúng đối tượng, phát huy hiệu quả.

AN MI

Từ thiện vốn được coi là một hành động đẹp, một việc làm tử tế, thể hiện truyền thống nhân ái “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. Hiện nay, từ thiện được thực hiện dưới nhiều hình thức, quy mô, ngày càng thu hút nhiều cá nhân, nhóm thiện nguyện và các tổ chức các cấp tham gia; đồng thời, mang lại những tác động tích cực cả về vật chất và tinh thần cho những đối tượng nhận hỗ trợ và cho cả cộng đồng xã hội.

Không ít trường hợp không may mắn, thật sự khó khăn đã nhận được hỗ trợ đúng lúc, giúp cải thiện chất lượng sống. Nhiều lớp học, nhà tình thương được dựng lên. Nhiều trẻ em được trả lại nụ cười và người bệnh giữ lại được mạng sống… Bé Thiện Nhân bị bỏ rơi và được mẹ nuôi Mai Anh nhận về chăm dưỡng, cộng đồng xã hội tiếp sức để phẫu thuật giúp em có thể sinh hoạt, vui chơi bình thường như các bạn cùng tuổi là một câu chuyện cảm động tuyệt vời về tình người. Sức lay động từ trường hợp cụ thể này giờ đã phát triển thành Chương trình "Thiện Nhân và những người bạn" với sự trợ giúp của rất nhiều nhà hảo tâm để giúp đỡ những trẻ em bị khuyết tật cơ thể có hoàn cảnh khó khăn được phẫu thuật để có cuộc sống bình thường. Hoạt động của chương trình này đã tạo ra một hình mẫu hiệu quả trong hoạt động từ thiện...

Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, làm từ thiện không dễ, thậm chí nếu làm không đúng cách còn có thể kéo theo những hệ lụy không mong muốn. Chuyện về cậu bé Hào Anh [14 tuổi] bị chủ đầm tôm bạo hành dã man và nhận được gần 800 triệu đồng hỗ trợ từ các nhà hảo tâm là một điển hình. Với số tiền từ thiện lớn, nhưng thiếu được hướng dẫn quản lý, sử dụng đúng cách, chỉ sau bốn năm, Hào Anh đã tiêu hết số tiền này. Thậm chí, sau đó vì quen tiêu "xài", thiếu sinh kế ổn định và sự quan tâm, giáo dục cần thiết, cậu còn bị bắt do vi phạm pháp luật. Đáng nói là trường hợp sử dụng tiền từ thiện không đúng cách của Hào Anh không phải là duy nhất… Hoạt động từ thiện đang có những mặt trái cần được lưu tâm. Sở dĩ như vậy là do cách thức làm từ thiện nhiều khi đơn giản chỉ “cho con cá”, mà không chú trọng “tạo cần câu”, tạo điều kiện sinh kế lâu dài cho người nhận. Bên cạnh đó, có một số đối tượng sau khi nhận được hỗ trợ, nhất là tiền mặt, đã phát sinh tâm lý ỷ lại, có trường hợp còn chọn cách… chờ tiền từ thiện tiếp từ cộng đồng, thay vì nỗ lực tự vươn lên, vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Thậm chí, có không ít trường hợp tiền từ thiện bị thất thoát, sử dụng sai mục đích, không đúng đối tượng… Ngoài ra, một số hoạt động từ thiện còn bị lạm dụng hoặc biến tướng như một nhu cầu “đánh bóng” bản thân, quảng bá thương hiệu, để “lấy lòng” công chúng của cá nhân hay tổ chức nào đó, mà ít chú ý đến nhu cầu thiết thực, cụ thể của đối tượng cần hỗ trợ… Làm từ thiện là việc làm cần được khuyến khích. Tuy nhiên từ thiện cũng cần được thực hiện đúng cách, có tổ chức và hiệu quả trong cộng đồng; đặc biệt, cần xác định đúng đối tượng, đúng thời điểm và hình thức trợ giúp phù hợp [có thể bằng tiền, bằng dạy nghề, tạo việc làm, hoặc hỗ trợ tâm lý…]. Những quỹ từ thiện hoặc đợt vận động từ thiện có quy mô lớn, cần có sự quản lý chặt chẽ, minh bạch, bảo đảm sử dụng đúng mục đích, hướng đến đúng đối tượng, tránh thất thoát và lạm dụng dễ gây ra những hệ lụy không mong muốn, làm giảm hoặc mất ý nghĩa của hoạt động từ thiện… Từ thiện là một việc hoàn toàn tự nguyện, tùy tâm, không có tính vụ lợi, nhưng không phải là không có bất kỳ nguyên tắc nào. Hãy cho đúng cách và có lý trí, để không biến những người cần sự trợ giúp thành gánh nặng của chính họ và của xã hội…

KHÁNH MINH

Video liên quan

Chủ Đề