Garmin 955 đánh giá

Khoảng 3 năm và 3 tháng trước, Garmin lần đầu giới thiệu mẫu đồng hồ Forerunner 945 và phiên bản này nhanh chóng được các triathlete sử dụng rộng rãi khi tập luyện và trong các cuộc thi đấu như Ironman và Ironman 70.3. Thông thường, cứ khoảng hai năm Garmin sẽ tung ra một phiên bản mới cho từng dòng đồng hồ. Tuy nhiên, phải tới tháng 6 năm 2022, các vận động viên mới được cầm trên tay phiên bản mới nhất và cao cấp nhất của dòng Forerunner: Forerunner 955. Garmin Forerunner 955 đi kèm với hai phiên bản: Solar (chức năng sử dụng năng lượng mặt trời) và Không Solar. Cả hai phiên bản đều có chức năng tải nhạc lên đồng hồ và phát nhạc qua bluetooth.

Tôi đã sử dụng Forerunner 945 trong suốt 3 năm qua, trải qua vài kỳ Ironman 70.3 Vietnam và một kỳ SEA Games năm 2019 ở Philippines. Vì vậy, tôi rất quan tâm tới phiên bản mới Forerunner 955 này. Do từng trải nghiệm mẫu fenix 7X nên tôi cũng xin Garmin cho mượn một đồng hồ mẫu để trải nghiệm trong 3 tuần. Sau đó tôi gửi chuyển phát nhanh trả lại Garmin Việt Nam (bằng tiền túi). Bài viết này hoàn toàn là trải nghiệm cá nhân và sẽ nói thẳng những điều tôi thích và không thích khi trải nghiệm sản phẩm này.

Tóm tắt nhanh cho những ai lười đọc: mặc dù Forerunner 955 Solar mang lại nhiều thay đổi ở phần cứng nhưng chính các tính năng và phần mềm của đồng hồ mới là những cải tiến mới mẻ và sâu rộng. Và đặc biệt, với mức giá rẻ hơn cả Forerunner 945 (phiên bản Non Solar)! Trong thời buổi mỗi chiếc iPhone mới ra đắt hơn phiên bản cũ vài triệu thì giá tiền của Forerunner 955 có gây…một chút sốc.

Phần cứng

Bề ngoài và trọng lượng

Mặt đồng hồ Garmin Forerunner 955 Solar có đường kính gần như tương đồng với Garmin Forerunner 945 (mặc dù được trang bị thêm chức năng Solar) và cảm biến nhịp tim thế hệ mới. Trọng lượng của Forerunner là 53 gram, cũng gần như tương tự cân nặng 49 gram đo được trên Forerunner 945. Để tiện so sánh, mẫu đồng hồ fenix 7S mới ra gần đây nặng 63 gram (fenix 7X mà tôi từng review cân được 88 gram với bàn cân mili của vợ). Nhưng tất nhiên fenix có thời lượng pin cao hơn.

Garmin 955 đánh giá

Theo chỉ số của hãng, Forerunner 955 có độ dày 14,4mm, dày hơn khoảng 0,7mm so với Forerunner 945. Mắt thường có thể không thấy rõ mức chênh lệch này (xem hình so sánh ở dưới). Vì vậy, với những ai đã dùng Forerunner 945, chuyển qua sử dụng 955 sẽ không thấy khác biệt lớn.

Garmin 955 đánh giá

Xem thêm: Fenix 7 Series – đánh giá và trải nghiệm

Màn hình và chức năng cảm ứng

Các phiên bản của Forerunner cũng được trang bị tính năng cảm ứng (touch screen) trên màn hình đồng hồ. Màn hình cảm ứng là tính năng tôi rất thích khi trải nghiệm fenix 7X và thật thú vị khi Forerunner cũng được trang bị tính năng này.

Điểm hay ở màn hình cảm ứng này là nó giúp tôi dễ dàng mở và xem thông tin, cũng như di chuyển từ màn hình này sang màn hình khác. Màn hình cảm ứng cũng đi kèm với Watch Face được thiết kế rất tiện lợi: khi ấn vào mặt đồng hồ, sẽ mở ra các thông số tương ứng, và bạn có thể bấm thêm để xem dữ liệu, hoặc vuốt lên/xuống để chuyển mặt đồng hồ. Ngoài ra, tính năng này cũng giúp việc xem map (bao gồm các động tác kéo, zoom) dễ dàng hơn nhiều so với việc dùng nút bấm. Tuy nhiên, có chi tiết nhỏ là firmware hiện tại của Forerunner 955 không có chức năng mở các shortcut trên mặt đồng hồ chính như fenix 7. Đây là điều khá đáng tiếc vì tôi rất thích tính năng tiện lợi này. Hy vọng Garmin sẽ có cải tiến phù hợp trong các lần update firmware sắp tới.

Có vài người bạn của tôi nghi ngờ khả năng “quẹt” màn hình này khi bị mồ hôi hoặc nước (ở các trạm tiếp nước) đổ lên. Đây cũng là một ý kiến chính đáng vì họ từng dùng qua dòng Garmin Forerunner 620-630 (phát hành năm 2013-2015), cũng có màn hình cảm ứng, nhưng bị hỏng loạn xạ và hoàn toàn không sử dụng được khi có nước trên bề mặt. Do đó tôi đã làm một thí nghiệm nhỏ là đổ nước lên màn hình: đồng hồ vẫn nhận cảm ứng từ tay kể cả khi có đọng nước trên mặt màn hình. Tất nhiên là bạn sẽ không thể quẹt khi nước đang đổ xối xả lên màn hình. Dù sao thì Forerunner 955 cũng cho phép chúng ta chọn bật hoặc tắt tính năng cảm ứng khi bơi, đạp hoặc chạy (mặc định là tắt).

GPS đa băng tần

GPS có lẽ là chức năng quan trọng nhất của một chiếc đồng hồ chạy bộ. Tôi cũng từng review đồng hồ và sự chính xác của GPS khá nhiều bằng cách review đồ thị GPS trên Garmin Connect sau các buổi chạy. Tuy nhiên, thành thật mà nói thì hiện nay độ chính xác của GPS của các hãng đồng hồ không chênh lệch đáng kể (trừ khi có sai sót trong thiết kế). Lý do là vì, theo tìm hiểu của tôi trên mạng thì nhiều khả năng Garmin sử dụng chip GPS AG3335M của hãng MediaTek/Airoha (Garmin không công bố thông tin này) cho toàn bộ các dòng đồng hồ mới của mình như fenix, epix, Forerunner 255, 955. Đây cũng là dòng chipset được nhiều hãng đồng hồ thể thao và smartwatch khác bắt đầu sử dụng. Do đó, để thêm đất review các tính năng khác nên tôi sẽ không bàn nhiều về độ chính xác của GPS trong bài viết này.

Cũng cần nói thêm rằng Forerunner 955 được trang bị GPS đa băng tần, còn gọi là GNSS multi band. Đây là công nghệ mới, giúp thiết bị có thể bắt cùng lúc 2 băng tần GPS (băng tần thấp và băng tần cao), giúp tăng độ chính xác của GPS ngay cả trong rừng. Nói nôm na thì thay vì bắt tín hiệu của 20 vệ tinh, GNSS đa băng tần giúp bắt tín hiệu và kiểm tra chéo tín hiệu của 60 vệ tinh.

  1. Chức năng Solar và thời lượng pin

Tính năng Solar là tính năng sạc pin bằng năng lượng mặt trời. Tính năng này bắt đầu xuất hiện trên dòng Fenix 6 Solar, Enduro và được thiết kế gần như đại trà trên các dòng đồng hồ mới hiện nay của Garmin như fenix 7 Series, epix, Forerunner 255, 955, Tactic Solar. Thậm chí, đồng hồ đạp xe Garmin Edge 1040 cũng được trang bị tính năng Solar (ở thời điểm viết bài này Garmin chưa mở bán Edge 1040 ở Việt Nam).

Garmin 955 đánh giá
Dải cảm biến Solar màu tím nổi bật trên Forerunner 955

Nói là sạc pin bằng năng lượng mặt trời thực ra không chính xác lắm. Tôi đã làm thử nghiệm đặt đồng hồ dưới nắng một buổi chiều, ở mức pin 90%. Sau nửa ngày, mức pin vẫn giữ nguyên ở 90%. Nếu đặt đồng hồ trong nhà, ở trạng thái giống như vậy, pin sẽ bị hao hụt vài phần trăm. Như vậy cho thấy, Solar đủ giúp đồng hồ hoạt động lâu hơn, nhưng không phải cứ để ngoài trời là pin sẽ tự sạc đầy (ít ra với thí nghiệm cá nhân của tôi là như vậy).

Dưới đây là tóm tắt thời lượng pin của Forerunner 955 (dựa theo thông số của DC Rainmaker):

  • GPS-only: 42 giờ (49 giờ với chức năng Solar)
  • All Systems (sử dụng đồng thời hệ thống GPS của Mỹ, GLONASS của Nga, GALILEO của Châu Âu, BeiDou của Trung Quốc và QZSS của Nhật): 31 giờ (34 giờ với Solar)
  • All Systems + Đa băng tần: 20 giờ (22 giờ với Solar)
  • All Systems + Đa băng tần + Music: 8.5 giờ
  • UltraTrac: 80 giờ (110 giờ với Solar)
  • Smartwatch (tắt GPS): 15 ngày (20 ngày với Solar)

Phần mềm

Các mẫu fenix và epix đã có nhiều cải tiến lắm rồi, dùng mãi chưa hết. Thế Forerunner 955 có cải tiến gì hơn nữa không? Câu trả lời là: Có.

Ngoài các tính năng mới đã có trên fenix và epix như RealTime Stamina, một số tính năng chỉ mới có trên Forerunner 955 bao gồm:

  1. Training Readiness

Chức năng tôi đánh giá hay nhất trên Forerunner 955 có lẽ là Training Readiness (tạm dịch: Chỉ số sẵn sàng tập luyện).

Mỗi buổi sáng Forerunner 955 sẽ cung cấp cho người dùng thông tin về trạng thái cơ thể ngày hôm đấy và từ đó đưa ra lời khuyên về bài tập trong ngày. Nếu Training Readiness ở trạng thái High, Prime thì người dùng có thể bung sức với các bài tập nặng (interval, Tempo, Long Run, Long Ride..), còn nếu TR ở trạng thái Low, Poor, thì người dùng nên nghỉ ngơi hoàn toàn hoặc tập nhẹ với các bài recovery, stretching, yoga.

Chỉ số Training Readiness này sử dụng dữ liệu đầu vào từ thông số giấc ngủ (gần nhất hoặc trong cả quá trình vài tháng), thời gian nghỉ ngơi, HRV, khối lượng tập luyện và chỉ số Stress. Trước đây, chúng ta thường chỉ thấy Garmin đòi chúng ta nghỉ…48h sau một buổi tập nặng nề và thường quyết định…mặc kệ chỉ số này và tập tiếp. Hiện nay, với chỉ số Training Readiness, chúng ta có thể hình dung một cách cụ thể hơn cơ thể đang ở tình trạng nào và nếu tiếp tục tập luyện thì cường độ và khối lượng cần thay đổi ra sao.

Garmin 955 đánh giá
Training Readiness trên mặt đồng hồ

Lợi ích của việc sử dụng gộp nhiều chỉ số sức khoẻ để tính ra một chỉ số sẵn sàng tập luyện duy nhất là chỉ số Training Readiness này sẽ chính xác hơn nhiều so với việc chỉ xem một chỉ số như thời gian nghỉ ngơi. Lấy ví dụ, kể cả khi thời gian nghỉ ngơi cần thiết lên tới cả chục giờ, nhưng nếu có thời gian ngủ đủ, cơ thể không stress thì có thể chúng ta vẫn có thể luyện tập nhẹ nhàng, ở vùng zone 2 hiếu khí để cải thiện sức bền, với thời gian không quá dài, thay vì nghỉ hoàn toàn để xem Netflix, ăn bánh, ăn kem.

Tuy nhiên cũng cần nói thêm là tính năng Recovery Time (một phần của Training Readiness) không tính tới việc ngủ trưa (ngủ trong ngày) và active recovery. Ngủ trưa cũng được coi là một cách hỗ trợ hồi phục rất hiệu quả, mà điển hình là Eliud Kipchoge luôn ngủ trưa (đúng nghĩa là nghỉ ngơi) khoảng hai giờ mỗi ngày. Và với các VĐV đỉnh cao, active recovery (ví dụ như chạy thả lỏng recovery) cũng quan trọng, họ coi đó là việc thả lỏng cơ bắp và tăng thêm số km chạy trong tuần mà không sợ chấn thương. Tôi có thử chạy recovery 20 phút nhưng có vẻ không được tính vào thời gian recovery mà Garmin yêu cầu.

  1. Heart Rate Variability

Heart rate variability – HRV (Tạm dịch: biến thiên nhịp tim) là độ lệch giữa hai nhịp đập của tim. Lấy ví dụ đơn giản để hiểu thì: đồng hồ có thể cho bạn biết nhịp tim hiện nay của bạn là 60bpm (60 nhịp/phút). Tuy nhiên, tim bạn có thể đập 1 nhịp mỗi giây (tổng cộng là 60 nhịp) hoặc cũng có thể đập 60 nhịp trong 30 giây rồi dừng trong 30 giây tiếp theo (đương nhiên đây là điều không thể, nhưng cứ hình dung như vậy). Khi đó, HR của bạn vẫn được tính là 60bpm nhưng chắc chắn tim bạn không bình thường chút nào.

HRV thường được đo khi ngủ và là chỉ số quan trọng, cho chúng ta biết thể trạng hiện tại của cơ thể. Khi HRV ngủ cao hoặc tăng dần theo từng ngày, đây là dấu hiệu cho thấy hệ thần kinh đang hoạt động hiệu quả và cân bằng, cũng như thể trạng của chúng ta đang được sung mãn. Ngược lại, khi HRV thấp hoặc đi xuống, cơ thể đang hoạt động mạnh vì một lý do nào đó (có thể do mệt mỏi, stress hoặc cần hồi phục), và do đó khó để tập trung toàn sức vào các hoạt động thể thao.

Cho tới khi Forerunner 955 xuất hiện, tôi có thử nhiều cách để đo chỉ số HRV nhưng đều không thực sự hài lòng. Các đồng hồ thể thao thì bắt buộc phải sử dụng đai tim để đo HRV, khá vướng víu. Vì vậy khi có chức năng đo HRV qua cảm biến, mặc dù chỉ đo trong lúc ngủ, nhưng cực kỳ tiện lợi và thực ra HRV cũng nên được đo trong lúc ngủ để đảm bảo điều kiện đo giữa các ngày tương đương nhau từ đó theo dõi được chính xác chiều hướng của chỉ số

Sau 3 tuần sử dụng liên tục, 955 sẽ đưa ra thông số về HRV status, theo đó Nếu HRV liên tục nằm trong trạng thái Unbalanced, Low, Poor, thì Plan tập luyện có vẻ đang nặng quá và người dùng nên để cơ thể nghỉ ngơi. Còn nếu HRV status ở trạng thái Balance và Avg 7 ngày có xu hướng tăng thì việc tập luyện của người dùng đang đi đúng hướng.

Garmin 955 đánh giá

Đọc thêm bài viết về chỉ số Heart Rate Variability

  1. Morning Report

Heart rate variability là một phần trong tính năng Morning Report (báo cáo buổi sáng) của Forerunner 955. Đối với vận động viên chuyên nghiệp lẫn phong trào, việc nghỉ ngơi để đảm bảo cơ thể hồi phục trước các bài tập mới đặc biệt quan trọng. Và tính năng Morning Report giúp chúng ta theo dõi sự nghỉ ngơi đó bằng những chỉ số cụ thể, rõ ràng, giúp chúng ta đong đếm được “cơ thể chúng ta nghỉ ngơi tốt chưa”.

Chức năng này bắt đầu chạy khi chúng ta lên giường đi ngủ. Garmin sẽ tự động phát hiện thời điểm chúng ta chìm vào giấc ngủ. Lấy ví dụ: tôi lên giường lúc 9 giờ nhưng theo Garmin, tôi chỉ thực sự chìm vào giấc ngủ khoảng 15 phút sau đó. Vì vậy tôi đánh giá chỉ số này khá chính xác. Tới sáng khi thức dậy, Forerunner 955 sẽ báo hiệu kết thúc thời gian đo giấc ngủ và tự động lên báo cáo về giấc ngủ. Báo cáo này gồm các chỉ số sau:

  • Các thông số về giấc ngủ: thời gian ngủ (bao gồm ngủ sâu, ngủ nông và thời gian thức) cùng điểm số đánh giá giấc ngủ
  • HRV
  • Thời gian cần thiết để nghỉ ngơi (dựa vào thể trạng sau các bài tập và sự hồi phục từ giấc ngủ)
  • Training status: đánh giá mức độ hiệu quả tập luyện gần đây

Kết

Dưới góc độ của người dùng, thì Forerunner 955 thực sự là một công cụ hữu ích giúp đỡ cho việc tập luyện. Khi dùng các sản phẩm như Forerunner 935, 945, người dùng sẽ được Garmin đánh giá trạng thái cơ thể rồi đưa ra gợi ý một vài bài tập phù hợp với thể trạng hôm đó. Tuy nhiên cái thiếu là Garmin không đưa ra lời giải thích vì sao hôm nay người dùng nên tập nhẹ mà không phải tập nặng. Do đó, trên thực tế, phần lớn người dùng thường sẽ không theo các gợi ý này của Garmin. Trên Forerunner 955, các chỉ số đầy đủ hơn nhiều, các lời khuyên cũng đầy đủ hơn (bao gồm phân tích về HRV, giấc ngủ, stress, training readiness, training load…) giúp chúng ta hiểu rõ cơ thể hơn và có cơ sở để tập luyện khoa học hơn.

Cuối cùng, tôi đánh giá Forerunner 955 phiên bản Non Solar cũng đủ dùng. Phiên bản Solar chỉ mang lại một số lợi ích về pin nhưng không nhiều, thời lượng pin của Forerunner 955 thừa dùng với runner và triathlete. Đặc biệt, phiên bản Non Solar chỉ có giá 12.690.000 VNĐ, rẻ hơn khoảng 2.600.000 VNĐ so với bản Solar và dòng Forerunner 945 cũ.

Garmin 955 đánh giá
Garmin 955 đánh giá
Garmin 955 đánh giá
Garmin 955 đánh giá
Garmin 955 đánh giá

  • Về tác giả
  • Bài mới nhất

Garmin 955 đánh giá

Cao Ngọc Hà là VĐV nghiệp dư hàng đầu ở Việt Nam. Một số các thành tích của Hà bao gồm: Hạng Nhất nhóm vđv người việt giải Techcombank Ironman 70.3 Vietnam, Hạng Nhất 70km giải Vietnam Jungle Marathon 2017, Hạng Nhì 100km giải Vietnam Mountain Marathon 2016, Hạng Ba Vietnam Mountain Marathon 2017, Top 10 bảng xếp hạng Asia Trail Master Ranking 2017.

PRs: Ironman 70.3 – 4:45:0, 100km trail – 15:36, 70km trail – 8:22, Marathon – 2:55, Half marathon – 1:19, 10K – 00:36.