Giồng trôm là ở đâu

Quá trình hình thành và phát triển

Nhìn trên bản đồ của tỉnh Bến Tre, huyện Giồng Trôm có dạng hình thang, nằm giữa cù lao Bảo, bắc giáp huyện Bình Đại, có ranh giới chung sông Ba Lai, giáp huyện Ba Tri, tây giáp thị xã Bến Tre và huyện Châu Thành, nam giáp huyện Mỏ Cày, có ranh giới chung là con sông Hàm Luông. So với các huyện khác trong tỉnh như Ba Tri, Mỏ Cày, Châu Thành, huyện Giồng Trôm ra đời muộn màng hơn, cùng thời với huyện Bình Đại. Tháng 6-1956, cùng với chủ trương đổi tên tỉnh Bến Tre thành tỉnh Kiến Hòa, chính quyền Sài Gòn chia lại địa giới quận và lập thêm một số quận mới, trong đó có quận Giồng Trôm. Về phía cách mạng, để tiện việc chỉ đạo, ứng phó kịp thời với chủ trương của địch, giữa năm 1959, Tỉnh ủy Bến Tre ra quyết định lập huyện Giồng Trôm.

Địa danh Giồng Trôm được cấu tạo theo cách: đặc điểm của đất cộng với tên thực vật – một con giồng có cây trôm mọc - giống như sự cấu tạo các địa danh Giồng Tre, Giồng Mít, Giồng Dứa. Như vậy cái tên Giồng Trôm xuất hiện trên đất Bến Tre đã từ lâu, nhưng với tư cách là một đơn vị hành chính cấp huyện thì phải kể từ năm 1956. Sau tháng 8-1945, chính quyền cách mạng đã tách một số xã của huyện Ba Tri và một số xã của huyện Châu Thành, lập một huyện mới lấy tên là huyện Tán Kế, lỵ sở đặt tại Giồng Trôm, lúc ấy đang còn là một thị tứ nằm ở đoạn giữa tỉnh lộ 26, nay là tỉnh lộ 885. Cho nên cũng có thể coi huyện Tán Kế là tiền thân của huyện Giồng Trôm sau này.

Ngày nay, huyện Giồng Trôm gồm có một thị trấn và 21 xã: Mỹ Thạnh, Phong Nẫm, Phong Mỹ, Châu Hòa, Châu Bình, Lương Quới, Lương Phú, Bình Thành, Bình Hòa, Tân Thanh, Tân Hào, Tân Lợi Thạnh, Long Mỹ, Thuận Điền, Thạnh Phú Đông, Phước Long, Sơn Phú, Hưng Long, Hưng Lễ, Hưng Nhượng, Lương Hòa.

Với diện tích tự nhiên 310 km2 [1999], Giồng Trôm là huyện có diện tích đất đai rộng hàng thứ năm trong bảy huyện của tỉnh, số dân 181.890 người [Tổng điều tra dân số 01-4-1999]. Đất canh tác nông nghiệp đạt xấp xỉ 25.000 ha. Nền đất được cấu tạo từ phù sa của hai con sông lớn Ba Lai và Hàm Luông, lại được tưới tắm bởi một mạng lưới sông rạch chằng chịt, Giồng Trôm có thế mạnh của một nền kinh tế nông nghiệp đa dạng.

Tuy nhiên, trước đây, mảnh đất trù phú này vẫn không nuôi nổi số dân cư ít hơn ngày nay gấp nhiều lần. Nông dân đa số sống rất khổ cực, nhiều người cơm không đủ no, áo không đủ mặc, nhà cửa lụp xụp, đa số thất học. Nguyên nhân một phần do chính sách áp bức, bóc lột của địa chủ, cường hào và các loại tay sai khác của bộ máy thống trị phong kiến và thực dân, nhưng những tiềm năng của đất đai, sông nước chưa được khai thác và tận dụng hợp lý. Sống trên mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi mà con người vẫn đói nghèo. Thế hệ nông dân ngày nay khoảng 60 tuổi trở lên, phần nhiều đã nếm trải những thủ đoạn cướp vườn, cướp đất, cho vay nặng lãi, hà hiếp đánh đập, vu khống và những hình thức bóc lột nông dân từ trắng trợn đến tinh vi của những địa chủ như bà Ba Ngỡi [Lê Thị Nghĩa], cai tổng Tường [Châu Văn Tường], huyện Muôn [Trần Văn Muôn], hội đồng Phẩm, hội đồng Cát v.v...

Nói đến lịch sử của Giồng Trôm cũng có nghĩa là nói đến lịch sử của Ba Tri và Châu Thành cộng lại, từ việc khai phá đất đai, lập ấp, lập làng đến phong trào chống xâm lược từ khi thực dân Pháp đặt chân lên đất Bến Tre [1867], cũng như trong Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sau này. Có thể có những sự kiện, những tình tiết khác nhau, nhưng về đại thể trên những nét lớn thì đều giống nhau qua những bước thăng trầm của lịch sử.

Ngay từ năm 1861, Giồng Trôm đã góp cho cuộc chiến đấu chống ngoại xâm buổi đầu người con ưu tú của mình Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng. Năm năm trời chiến đấu gian lao trong nghĩa quân Trương Định, cho đến phút hy sinh, ông đã tỏ ra là một người chỉ huy can trường, nhất quán lề lý tưởng yêu nước. Tên tuổi của Trương Tấn Chí gắn liền với trận đánh giáp lá cà ở Hương Điểm [xã Tân Hào] trong buổi đầu giặc chiếm đóng nơi đây, của Tán Kế gắn liền với cuộc khởi nghĩa ở vùng Ba Châu, Phong Mỹ, Phong Nẫm, năm 1875. Giồng Trôm cũng là quê hương của nhà thơ yêu nước nổi tiếng ở thế kỷ XIX Phan Văn Trị.

Do vị trí địa bàn tiếp giáp với thị xã – trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh - Giồng Trôm đón nhận sớm phong trào cách mạng khi vừa lan đến Bến Tre và là một trong những địa phương có tổ chức cơ sở Đảng sớm của tỉnh. Những sự kiện của cao trào những năm 1930 – 1931 – 1936 diễn ra ở Bình Chánh, Lương Quới, Lương Hòa, Tân Hào, Long Mỹ, Thuận Điền, Lương Phú, Tân Thanh, Phước Long, Bình Hòa, Bình Thành... như biểu tình, mít-tinh, chiếm nhà việc, đốt sổ sách, trừng trị một số tên tay sai gian ác cùng hàng loạt đảng viên, quần chúng yêu nước bị bắt, bị tù đày qua những đợt khủng bố của chính quyền thực dân, đã nói lên trình độ giác ngộ chính trị, ý thức cách mạng của nhân dân huyện Giồng Trôm.

Nhưng có lẽ phẩm chất của nhân dân Giồng Trôm bộc lộ đầy đủ nhất là trong hai cuộc Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trong vòng 30 năm vừa qua. Do vị trí đặc biệt của Giồng Trôm đối với chiến trường tỉnh Bến Tre, mà mảnh đất này đã hứng chịu gần như tất cả những hậu quả của cuộc thí nghiệm về chiến lược và chiến thuật, về âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, từ chính sách đàn áp, khủng bố tàn bạo đến chính sách bao vây, phong tỏa đến chiến tranh hủy diệt sự sống bằng pháo đài hay B.52 và chất độc hóa học.

Những cuôc thảm sát đẫm máu ở Cầu Hòa, Tân Hào Đông, Long Mỹ, Bình Hòa, Thạnh Phú Đông, Lương Hòa của thời Léon Leroy trong kháng chiến chống Pháp, cũng như việc lê máy chém đi khắp nơi trong các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” cùng những hành động tra khảo, giết chóc man rợ của đám “công an Ngô Quyền” thời Ngô Đình Diệm đã không làm cho người dân ở đây nhụt chí, xa rời cách mạng. Ngay trong những thời điểm gay go nhất, trước sức đánh phá khốc liệt, Giồng Trôm vẫn là nơi đặt căn cứ của tỉnh, của một số huyện bạn. Những địa danh như cù lao Lá [Châu Bình], cù lao Dung [Châu Hòa], Thuận Điền, Hiệp Hưng... đã đi vào lịch sử của huyện, của tỉnh, không những được nhiều người biết đến trong thời kỳ Kháng chiến chống Pháp 9 năm, mà còn là căn cứ địa vững chắc của thời chống Mỹ.

Hình ảnh chiến tranh nhân dân giàu sáng tạo ở đây còn được phản ánh qua những “vành đai diệt Mỹ” trên lộ 26, qua các đội săn tàu địch trên sông ở Lương Hòa, Lương Phú, những xưởng sản xuất vũ khí “tự tạo” nằm ngay dưới làn bom đạn địch, qua những đội giao liên dũng cảm đầy mưu trí nối liền mạch máu giao thông liên lạc của tỉnh, của khu qua đất Giồng Trôm trong mọi tình huống v.v...

Nếu không có sự giác ngộ và lòng hy sinh cao cả vì sự nghiệp độc lập tự do của Tổ quốc thì làm sao con người có thể bám trụ được trên mảnh đất nóng bỏng lửa đạn này, nói chi đến việc tổ chức chiến đấu, bẻ gãy từng mưu đồ nham hiểm của kẻ thù. Bằng cái giá máu xương của cán bộ và nhân dân, người Giồng Trôm đã chứng minh một lần nữa truyền thống yêu nước, bất khuất của ông cha đã được thế hệ con cháu kế thừa một cách đáng tự hào.

Chỉ riêng hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, Giồng Trôm đã hiến dâng cho đất nước 6.319 liệt sĩ và 1.313 thương binh. Hơn 200 gia đình có từ 3 con trở lên, hoặc có một con duy nhất là liệt sĩ. Có những bà mẹ, ông cha đã hy sinh đứa con thứ năm của mình cho Tổ quốc. Mất mát to lớn ấy, sự cống hiến cao cả ấy lấy gì bì đắp lại được? Đồng bào, đồng chí và thế hệ mai sau, mãi mãi biết ơn mẹ Châu Văn Thiềm [ở Bình Hòa], mẹ Nguyễn Thị Thảnh [ở Lương Quới], cha Nguyễn Văn Ô [ở Thuận Điền] - những gia đình có 5 con là liệt sĩ – cùng hàng trăm bà mẹ, ông cha khác đã hy sinh những núm ruột thân yêu của mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước.

Trong bảng vàng truyền thống của quê hương, nhân dân Giồng Trôm tự hào về những danh hiệu anh hùng tập thể đã được Nhà nước phong tặng qua cuộc Tổng kết chiến tranh giữ nước, gồm: Lực lượng vũ trang huyện Giồng Trôm, Đội Trinh sát vũ trang huyện Giồng Trôm và lực lượng vũ trang các xã Thạnh Phú Đông, Phước Long, Long Mỹ, Bình Hòa, Thuận Điền, Lương Hòa, Châu Bình, Long Mỹ, Châu Hòa, Tân Hào, Mỹ Thạnh, Lương Quới, Lương Phú và hàng chục cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong số 14 vị tướng được Nhà nước phong tặng sau hai cuộc kháng chiến, riêng huyện Giồng Trôm đã có 8 vị.

Sau ngày 30-4-1975, quê hương sạch bóng giặc, người dân Giồng Trôm bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại cuộc sống. Cuộc chiến đấu lần này, không có tiếng ì ầm của bom đạn, tiếng gầm rít của máy bay phản lực, nhưng cũng không kém phần quyết liệt gian nan. Đứng trước một cơ ngơi đổ nát, bề bộn, bị tàn phá nặng nề, nhiều vùng hoang hóa, chi chít những hố bom đan, ba phần tư số vườn dừa và cây ăn quả bị bom B.52 và chất độc hóa học hủy diệt. Những thân dừa bị phạt mất ngọn, dập nát, nám đen khói thuốc súng như những cánh tay cụt vươn lên nền trời kêu gọi con người hãy cứu lấy chúng. Hàng chục ngàn người thiếu ăn và thiếu chỗ ở. Trước cảnh tượng bị tàn phá khốc liệt đó, không ít người dao động, ngán ngẫm.

Nhiều gia đình sơ tán ở các địa phương khác trong lúc chiến tranh ác liệt, nay lần lượt trở về quê cũ. Bài toán hóc búa đã đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân Giồng Trôm phải tập trung sức giải quyết, và phải giải quyết thắng lợi, cũng như ngày xưa đã từng đánh thắng Mỹ trên chiến trường trong một tương quan lực lượng rất chênh lệch.

Trên tinh thần tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính, Đảng bộ và chính quyền nhân dân huyện đã tập trung trí tuệ và sức lực, từng bước tháo gỡ khó khăn, ổn định đời sống của nhân dân tìm ra những bước và hướng đi thích hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Các nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ I, thứ II, nhất là lần thứ III đã tạo nên một bước chuyển biến có ý nghĩa về việc vận dụng đường lối chung của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của Giồng Trôm trong bước đi ban đầu xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Nông nghiệp vẫn là mặt trận hàng đầu của huyện, nhưng cây lúa không còn ở vị trí của cây độc canh trong sản xuất nông nghiệp của huyện như trước. Một hệ thống cây trồng mới thích nghi với đất đai trong huyện, mang lại lợi ích kinh tế cao đã được xác định. Ở Giồng Trôm, đất vườn chiếm 45% diện tích, trong đó cây dừa, từ lâu đời đã có một vị trí đặc biệt quan trọng. Sau cây dừa là cây mía và các loại cây ăn quả.

Sau 25 năm nỗ lực phấn đấu, đặc biệt qua 10 năm đổi mới [1990 – 1999], đời sống của nhân dân có bước thay đổi đáng mừng. Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đạt bình quân xấp xỉ 6%, thu nhập bình quân đầu người đạt 3,5 triệu đồng/năm.

Diện tích cây lúa hàng năm tuy có giảm [còn 13.000 ha], nhưng nhờ thay đổi giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong các khâu sản xuất, nên năng suất tăng khá nhanh, đưa sản lượng lương thực của huyện ổn định ở mức 58.000 tấn/năm.

Diện tích vườn dừa so với trước đây có giảm nhẹ [còn 9.800 ha], do một số vườn dừa lão phải phá bỏ, chuyển sang trồng cây ăn quả; hơn 1/3 diện tích dừa khác được tỉa thưa đúng kỹ thuật để trồng xen cây ăn quả theo hướng thâm canh tổng hợp, tạo nguồn thu nhập cao hơn gấp 3 lần vườn cũ. Hiện nay, sản lượng dừa của huyện đạt từ 65 đến 70 triệu quả/năm.

Diện tích mía đạt mức 4.500 ha, năng suất bình quân từ 60 đến 70 tấn/ha. Do giá cả sụt giảm mạnh, nên diện tích có xu hướng giảm dần. Người nông dân bắt đầu trồng xen dừa và cây ăn trái trên đất trồng mía. Phong trào nuôi tôm càng xanh, nuôi cá ở các mương và ao trong vườn đạt hiệu quả khá, sản lượng đạt 650 tấn/năm.

Công nghiệp, nhất là thủ công nghiệp phát triển khá. Ngoài một số nghề truyền thống như nghề làm bánh tráng, bánh phồng nay đã phát triển thêm một số ngành nghề mới như làm chỉ xơ dừa, than thiêu kết từ gáo dừa, đan giỏ, dệt lưới, ép dầu, thêu, khảm... hàng năm giải quyết cho hơn 2.000 lao động có thêm công ăn việc làm.

Cơ cấu hạ tầng cũng có nhiều thay đổi đáng kể. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hiện nay đã đưa điện về 100% số xã trong huyện, với 80% hộ sử dụng điện. Mạng lưới giao thông nông thôn đã có bước thay đổi nhanh chóng. Có 50% cầu bê-tông thay cho cầu khỉ, số còn lại là cầu gỗ tạm. Xe 4 bánh có thể về đến trung tâm 20 xã, thị trấn, tạo điều kiện cho việc đi lại và giao lưu hàng hóa phát triển nhanh. Mạng lưới bưu điện phủ khắp các xã trong huyện gồm 8 bưu cục, 9 bưu điện văn hóa xã, báo chí đã về đến xã trong ngày. Toàn huyện có 2.706 máy điện thoại, bình quân 1,51 máy/100 dân.

Cùng với những kết quả và những chuyển biến đáng kể trên mặt trận kinh tế, huyện cũng đã đạt được những thành tựu về các mặt văn hóa, giáo dục, xã hội. Người dân Giồng Trôm hôm nay không còn phải bận tâm nhiều về việc thiếu đói, mà bàn đến việc học hành, việc hưởng thụ văn hóa, việc xây trường, làm nhà ở đẹp v.v... Ngành giáo dục của huyện trong nhiều năm liền đạt danh hiệu đơn vị tiên tiến. Đói nghèo, bệnh tật, thất học về cơ bản đã bị đẩy lùi một bước quan trọng. Nhiều công trình văn hóa, xã hội như trạm xá, trường học, nhà hát, nghĩa trang liệt sĩ đã được tôn tạo, xây dựng khang trang, tại thị trấn, các thị tứ và ở nơi trung tâm các cụm tiểu vùng. Nhà ngói mọc lên ngày một nhiều đã tạo nên một bộ mặt mới của nông thôn Giồng Trôm.

Sự đổi thịt thay da ấy chính là cơ sở hiện thực của niềm tin ở sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, là kết quả của một phương hướng phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn, có cơ sở khoa học. Để đạt được những thành tích đó, Đảng bộ và chính quyền huyện Giồng Trôm cũng đã từng trải qua những vấp váp, những ấu trĩ trong nhận thức, tư tưởng nóng vội, chạy theo hình thức, theo thành tích trong công tác cải tạo cũng như xây dựng.

Video liên quan

Chủ Đề