Huế được mệnh danh là gì

Chắc hẳn bạn đã từng nghe hay từng đi du lịch Huế và tấm tắc rằng Huế chẳng có gì đặc biệt  Nhưng tôi nghĩ bạn cần xem lại nhận định của mình sau khi đọc xong bài viết này . Bài viết tổng hợp 23 điều bất ngờ về du lịch Huế mà bạn chắc chắn chưa biết.

1. Huế là một thành Phố

 Nhiều bạn hay nói là đi du lịch Huế , đến Huế , đi qua Huế nhung sự thực thì sao Huế là tên một thành phố nằm trong tỉnh Thừa Thiên Huế, không phải tỉnh Huế . Điều này chắc chắn trên 50% du khách thường xuyên nhầm lẫn

2. Cung đình Huế là 1 di tích cổ được bảo tồn từ xưa

Huế là nơi bảo tồn các di tích cung đình toàn vẹn nhất Việt Nam, tuy đã bị tàn phá ít nhiều bởi thiên tai và chiến tranh. Đặc biệt, sau chiến dịch Tiêu thổ kháng chiến 1947 và Xuân Mậu Thân 1968, cố đô Huế đã mất phân nửa các kiến trúc, gần như tất cả cung điện chính trong Tử Cấm Thành bị xoá sổ đến 90%.Tuy nhiên so với các du tích khác cung đình huế vẫn được bảo tồn khá là toàn vẹn.


3. Huế chỉ có duy nhất cố đô

Nhiều du khách chưa đến Huế vẫn lầm tưởng Huế chỉ có 1 điểm thăm quan bảo tồn duy nhất đó là cố đố . Tuy nhiên , thực tế ,Hiện nay Huế còn bảo tồn được 7 lăng vua và 9 lăng chúa Nguyễn, trong đó lăng Dục Đức là nơi an nghỉ của 3 vị vua: Thành Thái, Dục Đức và Duy Tân.

4. Đại nội là điểm đến số 1 tại Huế

Đó là do thói quen của du khách mà thôi. Thực tế ,Ngoài Đại Nội, 3 lăng Minh Mạng, Tự Đức và Khải Định là các khu di sản được bảo tồn tốt nhất và cũng hút khách nhiều nhất. Quần thể di tích cố đô Huế đã được đưa ra khỏi danh sách di sản cần được theo dõi, khuyến cáo của UNESCO vào năm 2013.

5. Huế có 5 di sản văn hoá

Huế hay tỉnh Thừa Thiên Huế là tỉnh duy nhất ở Việt Nam có 5 di sản văn hoá được UNESCO công nhận: gồm Quần thể di tích cố đô Huế [1993], Nhã nhạc cung đình Huế [2003], Mộc bản triều Nguyễn [2009], Châu bản triều Nguyễn [2014] và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế [2016].đây là 1 điều đặc biệt mà không phải nhiều nơi có được.

6. Năm nào Huế cũng có Festival

Huế nổi tiếng với 2 Festival được tổ chức xen kẽ: Festival Huế vào các năm chẵn và Festival nghề truyền thống Huế vào các năm lẻ. Trong đó Festival Huế được tổ chức từ năm 2000 là Festival đương đại lớn nhất Việt Nam, cũng là khởi xướng cho nhiều Festival khác trên khắp cả nước.

7. Huế được chia thành 2 khu rõ rệt

Tổng thể thành phố Huế được chia làm hai phần rõ rệt: bờ Nam và bờ Bắc, ngăn cách bởi dòng sông Hương. Trong khi bờ Nam là nơi đặt các công trình hiện đại, sầm uất thì bờ Bắc là nơi đặt toàn bộ Kinh Thành Huế và nhiều di sản lâu đời nên rất tĩnh lặng, cổ kính.

8. Mọi thứ đều thấp hơn 17m

Mọi công trình bên trong kinh thành Huế như nhà dân, trường học,... đều được giới hạn về chiều cao và quy định phải thấp hơn chiều cao Hiển Lâm Các trong Đại Nội Huế [17m].

9. Đô thị  loại 1 đầu tiên của Việt Nam

Đây là đô thị loại I không TTTW đầu tiên của Việt Nam, được công nhận ngày 24/8/2005.

10. Huế nhỏ nhưng mà đông

Tuy diện tích của thành phố Huế nhỏ [72 km2] nhưng lại có đến 455.230 dân với 27 phường, khá đông đúc.

11.Huế là kinh đô Phật Giáo

Ở Huế, bước ra đường là chùa. Nơi đây được mệnh danh là kinh đô Phật giáo Việt Nam, với hơn 300 ngôi chùa và niệm Phật đường lớn nhỏ. Do đó, mỗi mùa Phật Đản đường phố Huế được trang trí lộng lẫy với những lễ rước hoành tráng bậc nhất.


12. Huế là nơi có nhiều món ngon nhất

Trong một hội nghị về ẩm thực Huế đã ước tính được: trong 1700 món ăn Việt Nam thì cố đô Huế chiếm tới 1300 món, bao gồm 3 loại chính: ẩm thực cung đình, dân dã và chay. Đặc biệt món ăn ở đây ngoài ngon ra thì rất rẻ và khá cay [trung bình cơm Hến 7k, bún bò 25k, bánh Huế 10k 1 dĩa, chè 10k 1 cốc,...]

13.Cầu Trường Tiền chứ không phải cầu Tràng Tiền

Cây cầu nổi tiếng bậc nhất xứ Huế tên chính thức là cầu Trường Tiền, không phải Tràng Tiền như nhiều người đề cập, vì trước đây cây cầu nằm gần một công xưởng đúc tiền.

14.Cầu Trường Tiền đã bị sập nhiều lần

Cầu Trường Tiền được thiết kế bởi Gustave Eiffel - kiến trúc sư của công trình tháp Eiffel biểu tượng của Paris. Trong suốt hơn 120 năm tồn tại, cầu đã được đổi tên 5 lần và giật sập 3 lần bởi chiến tranh và thiên tai.

15.Chợ lâu đời nhất Việt Nam

Chợ Đông Ba là một trong những khu chợ nổi tiếng và lâu đời nhất cả nước với 120 năm tuổi đời. Nơi đây không chỉ bán những món đặc sản xứ Huế với giá đắt gấp 3 bình thường mà còn cho du khách cơ hội được chiêm ngưỡng lối sống bình dân xứ Huế qua cảnh tượng mấy bà bán hàng chửi nhau bằng giọng Huế, mùi của Huế qua hàng mắm tôm mắm ruốc,... và thỉnh thoảng còn có cướp giật.

16. Xích lô là số 1

Xích lô là phương tiện du lịch phổ biến nhất của Huế với ước tính hơn 5000 chiếc, rất được du khách ưa chuộng. Nếu loại đi yếu tố hay đi sai luật và chèo kéo khách, xích lô Huế nhìn chung khá thân thiện, đáng để trải nghiệm.

17. Thành phố xanh đầu tiên

Huế là thành phố xanh quốc gia đầu tiên của Việt Nam được quỹ bảo tồn Thiên nhiên Thế giới bầu chọn, với hơn 67000 cây xanh đường phố. Nhiều con đường đã đi vào huyền thoại cùng với loài cây trồng trên nó, như đường Phượng bay trong bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

18. Mưa dầm xứ Huế

Ngoài mè xửng nón lá, áo dài thì mưa dầm xứ Huế cũng là một thương hiệu nổi tiếng đất cố đô. Mưa không ào ạt, xối xả mà dầm dề, kéo dài từ tháng này sang tháng kia, có khi 43 ngày không dứt [2007]. Kết hợp với khí lạnh phương Bắc, mùa đông ở Huế lạnh, rét buốt dù nhiệt độ không thấp như ở Hà Nội. Khung cảnh mưa buồn trứ danh của Huế từ lâu đã được đề cập rất nhiều trong thi ca, văn học.

19.Giọng Huế không như bạn nghĩ

Giọng Huế từ lâu được xem là nét đặc biệt bậc nhất của người Huế với các từ ngữ rất xưa, cổ và âm điệu trầm. Người Huế thường hay đọc âm cuối n, t thành ng, c; đọc oi thành oai [muôn màu = muông màu, coi mắt = coai mắc], ong thành oong [con voi =coong voai],... và còn rất nhiều nữa. Tuy nhiên, phải lưu ý rằng giọng Huế không phải lúc nào cũng thêm dấu nặng vào mỗi từ như nhiều người lầm tưởng.

20. Có nhiều từ kỳ lạ

"Mô, tê, răng, rứa" là 4 từ phổ biến nhất trong cuộc sống thường ngày ở Huế, nghĩa là "đâu, kia, sao, thế".


21. Trai tài gái sắc

Thiên hạ đồn rằng Gái Huế xinh đẹp nết na, công dung ngôn hạnh [giờ là của hiếm] còn Trai Huế thường " Huế mộng Huế mơ, ai ngờ Huế đểu" và có cái tôi khá lớn.

22. Người Huế tính kênh kiệu

Người Huế chính gốc nổi tiếng với tính cách MỆ. Mệ là một từ cổ dùng để chỉ những ông hoàng bà chúa thời xưa, những người quyền quý xưng mệ khi chuyện trò để chứng minh mình thuộc dòng dõi quý tộc. Tính cách mệ cho thấy một lối hành xử vừa cao ngạo, vừa khoan dung, sẵn lòng ban ơn cho kẻ dưới, dẫu cho có lúc kẻ ấy là người giàu có của cải, tiền bạc hơn so với mệ.

23. Chỉ thích ăn bún bò Huế

Sinh viên Huế học tại trường Kinh tế đa số đều không thích ăn Mì Quảng trong 03 tháng đầu tiên. Lòng lúc nào cũng hướng về Bún bò Huế thần thánh và Cơm hến huyền thoại.

Trong 23 điều trên , điều nào khiến bạn bất ngờ nhất , hãy chia sẻ với chúng tôi nhé. Cảm ơn và chúc bạn có chuyến du lịch Huế vui vẻ và ý nghĩa .

Theo chân du khách

Cảm xúc về Huế thân thương

Huế – mảnh đất lãng mạn, mộng mơ, đậm chất thơ, một miền di sản có một không hai về vẻ đẹp rất riêng, rất ngọt ngào. Khi chưa đặt chân đến Huế, tôi không mường tượng được một cố đô đầy chất thơ sẽ ra sao giữa thời hiện đại. Nhìn cuộc sống sôi động, ồn ào, náo nhiệt không ngừng ở Thủ đô Hà Nội và tp Hồ Chí Minh, tôi bất chợt lo lắng cho thành phố nhỏ, thơ mộng ấy dường như chỉ xuất hiện trong thơ ca, nhạc họa và nhiếp ảnh...

Thế rồi, tôi cũng đến Huế. Huế đón chào tôi giống như khi tôi ngắm Huế qua những bức ảnh, thơ ca… Thật bình yên, thơ mộng đến lạ kỳ, Huế bình lặng từ cảnh vật đến con người. Từ nụ cười dịu dàng, kín đáo sau vành nón lá của các cô gái Huế đạp xe trên phố cho đến nét đôn hậu vô tư của bà chủ quán hàng ăn, tay thoăn thoắt xếp bánh bèo cho khách đang nôn nóng chờ đợi…


Huế thâm trầm mà sâu lắng


Huế có sông Hương hiền hòa thơ mộng, có núi Ngự thông reo vi vu giữa trời xanh. Huế có Kinh thành, nơi chứng kiến biết bao sự đổi thay quyền cai trị đất nước, lúc thịnh lúc suy. Huế có lăng tẩm đền đài lưu dấu ngàn thu của các bậc Vua chúa. Huế có Từ Đàm, ngôi Phạm Vũ đã chứng tri biết bao biến động thăng trầm hào hùng của lịch sử nước nhà. Huế có Thiên Mụ, ngôi cổ tự hùng thiêng trải qua bao thế hệ. Những hồi chuông Thiên Mụ còn mãi ngân vang từ ngàn xưa cho tới tận ngàn đời sau. Tháp Phước Duyên vời vợi giữa chốn Kinh kỳ, như thâu gọn hồn thiêng của Tổ quốc.

Huế khiến ai đặt chân đến bỗng nhiên bước chầm chậm hẳn lại, nói năng trò chuyện nhỏ nhẹ hơn, ngắm nhìn và suy ngẫm nhiều hơn… Sông Hương, lặng lẽ, bao dung, hiền hòa êm ả là thế, cứ như một tiểu thư khuê các không vướng bụi trần. Và người dân xứ Huế cũng hiền hòa, cởi mở. Dưới ánh nắng rực rỡ, vàng óng như mật của những ngày vào Hè, tôi ngắm nhìn dòng sông từ những bậc đá của Chùa Thiên Mụ, sông Hương đẹp đến mê hồn bởi màu xanh trong như ngọc bích, bởi ôm trọn bóng của sự sống dọc hai bên bờ.

Huế nổi tiếng với vẻ đẹp đượm buồn và ấn tượng. Điều đó càng sâu lắng khi bạn đón hoàng hôn trên Phá Tam Giang, cách thành phố Huế khoảng 15 km. Cái cảm giác thật nhỏ bé, vui sướng khi ngồi thuyền dạo chơi giữa sóng nước mênh mông, thỉnh thoảng đón những cơn gió mát lạnh ào tới. Để rồi theo ánh nắng chiều buông dần phía chân trời, bạn sẽ choáng ngợp trước cảnh đầm phủ một màu tím xẫm. Chính màu tím chiều hoàng hôn hiếm hoi ấy đã khơi nguồn cảm hứng cho những sáng tác thơ, ca, nhạc, họa, nhiếp ảnh và để lại trong lòng du khách một nỗi nhớ da diết, khôn nguôi.

Kinh thành Huế ngày nay ngoài những nét đẹp nên thơ vẫn nổi bật với tiềm năng phát triển du lịch không hề thua kém bất cứ địa danh nổi tiếng nào khác. Tạo hóa đã ban tặng cho Thừa Thiên Huế một địa hình khá độc đáo: toàn tỉnh có kiến trúc giống như một công viên lớn, phong phú, đa dạng. Nơi đây hội tụ núi đồi và đồng bằng, là chỗ gặp nhau của sông, đầm phá và biển. Từ hệ thống đầm Phá Tam Giang – Cầu Hai đến sông Hương, núi Ngự, Vườn quốc gia Bạch Mã, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Ðiền, tất cả đều cho thấy đây là vùng đất của sự cộng sinh và hội tụ. Chính vì vậy, thế mạnh du lịch của Huế không chỉ là sức hấp dẫn của một cố đô cổ kính, lắng đọng mà còn nổi bật như một thành phố xanh của Việt Nam.

Giữa thành phố cổ kính, bạn vẫn bắt gặp những bãi cỏ xanh trải dài hai bên bờ sông Hương. Thói quen sống với môi trường tự nhiên, gắn bó với cỏ cây, sông nước, coi thiên nhiên là một phần của cuộc sống đã in sâu trong tâm thức người dân Huế cho đến tận ngày nay. Huế còn được mệnh danh là "Kinh đô vườn" chẳng hề sai. Đâu đâu cũng thấy một màu xanh êm đềm của cỏ cây, hoa lá, của đồi núi, sông hồ, mà nhà vườn là mảng xanh lớn nhất do con người tạo ra suốt hàng trăm năm nay. Những khu nhà vườn nổi tiếng, yên bình và quyến rũ của Huế nằm tập trung ở Long Hồ, Hương Long, Nguyệt Biểu, Lương Quán, Vĩ Dạ, Bao Vinh,... Nhà vườn Huế như một cây cầu nối giữa con người với thiên nhiên.

Nói đến Huế, ít ai không nhắc đến sông An Cựu. Tách ra từ sông Hương, nhưng An Cựu lại có dòng chảy độc lập của chính mình. Được nghe những người dân nơi đây kể, tôi như trôi theo câu chuyện ngược trở về 200 năm trước. Khi Vua Gia Long lên ngôi, ông cho xây dựng Kinh thành và lập kế hoạch phát triển vùng ven Huế. Chiểu theo ý nguyện thần dân, Nhà Vua cho đào sông An Cựu. Tương truyền, An Cựu trong khi khơi dòng đã đào vào hang động của Thuồng Luồng khổng lồ. Từ rất lâu đời rồi Thuồng Luồng khổng lồ đã là thủy quái trấn giữ cả khúc sông sâu. Cửa sông An Cựu được khai mở khiến hang động của Thuồng Luồng khổng lồ bị lộ thiên. Mỗi khi trời nắng nóng, oi bức, Thuồng Luồng khổng lồ khó chịu, vẫy vùng, làm cả dòng sông An Cựu đục ngàu bùn đen. Mưa xuống, tiết trời mát mẻ, dễ chịu, Thuồng Luồng khổng lồ ngủ yên, dòng sông phẳng lặng, êm ả trôi. Những lúc như vậy, nước sông An Cựu trở lại trong xanh. Dòng An Cựu vẫn nắng đục mưa trong ấy, gắn liền với dấu tích lịch sử, những câu chuyện đời, chuyện người tích tụ theo dòng chảy cùng năm tháng.

Tuy không ồn ào, náo nhiệt như Thủ đô Hà Nội hay tp Hồ Chí Minh nhưng Huế vẫn đang dần khẳng định sự phát triển của một thành phố năng động, giàu tiềm năng du lịch. Theo đà phát triển của xã hội, Huế vẫn lung linh, huyền ảo nhưng đã có phần nhộn nhịp hơn xưa. Những tòa nhà hiện đại mọc lên ngày càng nhiều với những ánh đèn rực rỡ sắc màu trong đêm. Các tuyến phố lớn như Hùng Vương, Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ, Bến Nghé… đang trở thành những địa điểm vui chơi, giải trí, mua sắm của người dân Huế và du khách sau bữa tối. Giờ đây, nếu bạn đến Huế và dạo chơi ngoài đường vào ban đêm, bạn sẽ thấy thành phố sôi động hơn rất nhiều, không còn tĩnh lặng, êm đềm như những năm 1980 trở về trước. Tối đến, hàng trăm cụ già, thanh thiếu nhi đến vui chơi, giải trí, tập thể dục trước cổng Đại nội. Những ngọn đèn vàng chiếu sáng mặt đường xen lẫn ánh đèn từ các phương tiện đi lại, hối hả ngược xuôi. Chẳng mấy ai còn để ý đến những lời thủ thỉ tâm tình của thành quách rêu phong cổ kính.

Đêm ở Huế yên tĩnh và bình lặng đến lạ kỳ. Chúng tôi ngồi trên xích lô chạy lòng vòng qua các đường phố rợp bóng cây xanh. Gần cầu Tràng Tiền, gặp những đôi trai gái ngồi bên bờ sông Hương nhâm nhi tách cà phê, cốc nước ngọt trò chuyện rôm rả; nhóm khác ăn chè thập cẩm, cười nói vui vẻ, rất thoải mái, an nhàn tự tại. Vài đôi trai gái đứng ngắm nhìn dòng sông Hương lung linh, vời vợi, huyền ảo. Tất cả cảnh trí đó tạo nên một bức tranh sống động, nhộn nhịp, sao mà đẹp mà nên thơ đến thế! Đêm ở Huế trôi đi chậm chạp khiến tôi thấy lòng mình thanh thản, thư thái….

Đến với Huế, lòng bâng khuâng xao xuyến khi nghe ca Huế trên dòng sông Hương. Những lời ca tao nhã vang vọng, nửa như muốn ôm trọn cố đô mộng mơ, nửa như níu kéo ta chẳng muốn rời xa Huế. Sao nỡ xa Huế cho được… Tôi còn chưa được đi hết khu di tích Tử cấm thành, chưa được tận mắt ngắm nhìn những lầu son gác tía trong Đại nội, chưa được nghe hết những lịch sử huyền bí, chưa được ngắm hết những lăng tẩm, đền đài vốn có một thời xa hoa lộng lẫy, chưa hiểu hết những tài hoa khéo tay của người dân đất Huế… Đúng vậy, Huế thanh bình, yên ả, không vội vã mà sâu lắng đi vào lòng người. Chia tay với Huế, lòng tôi tự nhủ và ước ao: nhất định sẽ có ngày tôi trở lại Huế thân yêu – một nơi bình yên, quyến rũ, đẹp như mộng như mơ.

Quả thật, ai đã từng đến Huế, đều đọng lại trong tim vẻ đẹp trầm mặc của Huế, giọng nói sâu lắng đến lạ kỳ của người dân Huế. Huế nhẹ nhàng, duyên dáng nên thơ, không ồn ào xô bồ, vội vã tấp nập như những nơi tôi đã từng được đi qua. Huế đối với tôi luôn luôn huyền bí, hấp dẫn và cuốn hút… Biết bao thi nhân đã miêu tả Huế bằng ngòi bút ngọc ngà và những lời văn yêu kiều, diễm lệ… Tôi không phải nhà thơ mà cũng chẳng phải nhà văn. Tôi chỉ muốn nói lên cảm xúc của lòng mình về Huế, nơi tôi có nhiều tình cảm sâu lắng, yêu thương.

Trở đi trở lại Huế đã nhiều lần, tôi không còn nỗi háo hức của buổi ban đầu. Mỗi chuyến đi, tôi càng thấy Huế thân yêu hơn, gắn bó hơn. Lần này, tôi trở lại Huế đúng độ Thu về. Có lẽ Thu là mùa đẹp nhất trong năm, không có cái nắng rát bỏng của mùa Hạ, không có nỗi man mát buồn, ngao ngán, của những cơn mưa dài, dai dẳng, rả rích không ngớt của Huế, cũng không có buốt giá của mùa Đông… Phố xá như rộn ràng hơn, tưng bưng hơn, náo nhiệt hơn cùng dấu mốc son kỷ niệm 69 năm Quốc khánh 2/9/1945 – 2/9/2014.

Tôi đến Huế không chỉ để tham dự lễ khai mạc Liên hoan Giao lưu ảnh nghệ thuật 3 thành phố: Hà Nội – Huế – tp Hồ Chí Minh mà còn được Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế tổ chức cho đi sáng tác một ngày ở Thừa Thiên Huế cùng các nghệ sĩ nhiếp ảnh của 3 thành phố. Lần đầu tôi được đi sáng tác tại tỉnh Thừa Thiên Huế, một cảm giác thật khó tả, rạo rực trong tôi khi tận mắt chiêm ngưỡng cảnh và người dân Huế dễ thương, gần gũi, nhiệt tình. Rất đúng là Huế mộng Huế mơ trong tâm trí tôi từ thuở nào…

Chúng tôi bấm máy liên hồi mà không muốn ngừng. Ông mặt trời đã lên giữa đỉnh đầu mà tiếng bấm máy vẫn nổ ròn như rang ngô. Thế rồi, NSNA Xuân Lê – Ủy viên BCH Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế, trưởng đoàn yêu cầu chúng tôi dừng tay máy, đi ăn trưa để chiều còn tiếp tục chụp tại bãi biển Vinh Thanh. Chúng tôi lên đường mà vẫn còn lưu luyến chưa muốn dời. Chỉ một ngày thôi, chị Xuân Lê đã đưa chúng tôi đi chụp ảnh khá nhiều nơi như: Đầm Cồn Tộ – Phá Tam Giang, Làng nghề Mây tre đan Bao La, Lăng Tự Đức, bãi biển Vinh Thanh… Một ngày làm việc cật lực, vất vả, song ai nấy đều vui mừng, hoan hỉ. Vâng, một chuyến đi đầy ý nghĩa và hiệu quả. Xin chân thành cảm ơn BCH Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế, cảm ơn toàn thể anh chị em hội viên Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế, cảm ơn nhân dân Huế, đặc biệt cảm ơn NSNA Phạm Văn Tý – Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế và NSNA Xuân Lê đã tiếp đón chúng tôi rất nhiệt tình, nồng hậu và thân mật.

Trở về Hà Nội, tôi thầm mong sẽ sớm trở lại Huế một lần nữa để đi đến tận cùng dòng nắng đục mưa trong... Hơn nữa, sức cuốn hút của Huế vẫn luôn huyền bí và quyến rũ, như một cuốn sách hay còn dang dở... khiến Huế vừa quen vừa mới lạ. Huế dù phảng phất buồn nhưng luôn thân thiện, cởi mở để yêu thương, để say đắm lòng người. Xin tạm biệt Huế thân thương, đầy hấp dẫn./.

NSNA Tuyết Minh

www.vanhien.vn

[Bản in]

Video liên quan

Chủ Đề