Hướng dẫn thành lập chi hội khuyến học Informational

Hôm nay, Hội Khuyến học TP Đà Nẵng tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập [26-10-1991- 26-10-2021]. Bằng tấm lòng đầy nhiệt huyết, luôn đau đáu vì sự nghiệp học hành của con em Quảng Nam- Đà Nẵng [QN-ĐN cũ], sau là Đà Nẵng, 30 năm qua, các hội viên Hội Khuyến học qua các thời kỳ đã kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội để trao hy vọng, cơ hội, nâng cánh cho hàng vạn học sinh, sinh viên [HS, SV] hiếu học có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục hành trình lĩnh hội tri thức, trở thành những công dân hữu ích cho xã hội.

Từ nhiều năm nay, thông qua sự kêu gọi của Hội Khuyến học TP, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tại Đà Nẵng phối hợp cùng Hội đã tổ chức trao nhiều đợt học bổng cho HS, SV vượt khó.

* Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội Khuyến học, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh có thư gửi đến Hội. Thư viết: “Hội Khuyến học QN-ĐN tự hào là Hội Khuyến học đầu tiên trong cả nước, 5 năm trước khi Hội Khuyến học Việt Nam ra đời. Được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, mặt trận và hội đoàn thể các cấp, đặc biệt là sự hưởng ứng của nhân dân, Hội Khuyến học đã nhanh chóng trở thành một tổ chức xã hội có đông đảo hội viên tham gia. Với các hoạt động phong phú, sáng tạo, Hội đã tạo nên một phong trào khuyến học sâu rộng trong toàn dân, trao hy vọng và cơ hội để nhiều em HS có hoàn cảnh khó khăn thay đổi cuộc đời và nâng cánh cho nhiều tài năng trẻ của TP, góp phần quan trọng phát triển sự nghiệp GD-ĐT của TP Đà Nẵng trở thành điểm sáng về khuyến học trong cả nước, được Trung ương Hội đánh giá “là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thành quả hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”.

Khắc ghi công ơn

Là một trong 3 HS, SV đầu tiên của TP được Hội Khuyến học Đà Nẵng giới thiệu và hỗ trợ chi phí vé máy bay để du học tại Nhật Bản vào năm 1998, cô Trần Thị Hương - nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, nay là chủ nhóm trẻ mầm non ASAKA [68/2 Chế Lan Viên] không giấu vẻ xúc động thổ lộ: “Năm 1998, tôi đỗ thủ khoa vào ngành điện tử viễn thông trường ĐH bách khoa- ĐH Đà Nẵng. Lúc đó, hoàn cảnh của gia đình tôi rất khó khăn. Nhờ Hội Khuyến học TP giới thiệu, tôi đã được tham gia chương trình du học tư phí của Trung tâm Nhật Ngữ Đông Du để du học tại Nhật Bản. Ngoài việc giới thiệu, Hội Khuyến học TP còn hỗ trợ chi phí vé máy bay qua Nhật.

Đến giờ, tôi không sao quên được hình ảnh các cô, chú, bác ở Hội vất vả, chạy ngược chạy xuôi cả tháng trời để lo các thủ tục có liên quan cho tôi. Ân tình Hội Khuyến học TP đã dành cho tôi cũng như nhiều bạn SV, HS có hoàn cảnh khó khăn khác, tôi mãi khắc ghi, không bao giờ quên”. Cũng theo cô Hương, để đáp lại ân tình đó, sau 12 năm học tập và làm việc tại Nhật, năm 2010 cô quyết định trở về quê hương, dạy học tại trường ĐH Bách khoa- ĐHĐN. Đến năm 2017, cô cùng một số người bạn mở nhóm lớp trẻ mầm non lấy tên ASAKA với mong muốn được đóng góp cho cộng đồng trên lĩnh vực giáo dục.

Là SV đang nhận được học bổng do mạnh thường quân tài trợ thông qua Hội Khuyến học TP, em Đặng Thị Thùy Trinh [trú Q.Thanh Khê]- SV năm 3 chuyên ngành Ngoại thương khoa Kinh doanh quốc tế - ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng, cho biết em không thể nào quên được cảm giác khi được Hội Khuyến học cơ sở báo tin được nhận học bổng do doanh nhân Nguyễn Thành Lân tài trợ suốt 4 năm học, mỗi năm 20 triệu đồng.

“Cả nhà em suýt bật khóc khi nghe tin đó. Ba em mất cách đây 4 năm, mẹ em làm công nhân ngành thủy sản. Với đồng lương công nhân ít ỏi, lo cho em 4 năm học đại học và cho em nhỏ là quá sức mẹ. Nhờ Hội Khuyến học cơ sở giới thiệu, em đã làm đơn gửi lên Hội Khuyến học TP. Và rồi đơn em đã được Hội xét duyệt, giới thiệu mạnh thường quân hỗ trợ là bác Nguyễn Thành Lân. Với tấm lòng biết ơn, em tự nhủ phải cố gắng trau dồi kiến thức. Sau này khi ra đời, em sẽ cố gắng làm thật tốt để có tiền quay lại đồng hành cùng với Hội Khuyến học để giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh như em”, Thùy Trinh bộc bạch lòng biết ơn.

Nối dây cho những cánh diều

Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển Hội Khuyến học TP Đà Nẵng, càng trân quý biết bao những người có công trong việc thành lập Hội Khuyến học QN-ĐN [cũ], nay là Hội Khuyến học TP Đà Nẵng.

Qua ông Trần Đình Liễn- Chủ tịch Hội Khuyến học TP Đà Nẵng, được biết, năm 1990, đứng trước tình hình “hàng vạn em trong tuổi đi học chưa được đến trường hoặc phải thôi học nửa chừng” do tình hình kinh tế khó khăn, một số nhà giáo và nhân sĩ tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của tỉnh QN-ĐN đã bàn nhau thành lập tổ chức khuyến học với Ban trù bị gồm 6 người do nhà giáo vừa nghỉ hưu Phạm Đình Hảo, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh QN- ĐN làm Trưởng ban.

“Xét đề xuất của Ban Trù bị, ngày 26-10-1991, Chủ tịch UBND tỉnh QN-ĐN Trần Đình Đạm đã ký quyết định số 1730 thành lập Hội Khuyến học tỉnh. Ngay sau đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình An và Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Ngô Xuân Hạ có thư gửi các cơ quan, đơn vị, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, các tổ chức tôn giáo và nhân dân toàn tỉnh kêu gọi ủng hộ Hội Khuyến học… Sau hơn 5 năm thành lập, ngày 1-1-1997, tỉnh QN-ĐN được chia tách thành 2 đơn vị hành chính. Hội Khuyến học tỉnh QN-ĐN chia tách thành 2 Hội. Dù vậy, ngày 26-10-1991 vẫn được xem là ngày khai sinh Hội Khuyến học TP Đà Nẵng và Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam...”, ông Trần Đình Liễn xúc động nhớ lại…

Những ngày đầu thành lập, chỉ có 2 huyện, 4 xã của tỉnh QN- ĐN có tổ chức Hội với 200 hội viên. Qua 30 năm thành lập, đến nay, Hội Khuyến học TP có 7 Hội Khuyến học quận/huyện; 56 Hội Khuyến học xã/phường với 1.537 Chi Hội Khuyến học khu dân cư và 183 Ban Khuyến học, 194.729 hội viên. Từ con số chưa đến 4 triệu đồng kinh phí hoạt động của những ngày đầu thành lập, những năm qua, toàn TP có từ 30-40 tỉ đồng/năm do nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tâm huyết với sự nghiệp khuyến học, ủng hộ… Bằng uy tín và cái tâm của những người làm công tác khuyến học qua các thời kỳ, 30 năm qua, đã có hàng vạn HS, SV khó khăn đã được nhận học bổng, hàng nghìn HS bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn trở lại trường với tổng kinh phí 320 tỉ đồng. Ngoài 2 học bổng chính trên, Hội còn phối hợp Sở GD-ĐT và Thành Đoàn tổ chức các giải thưởng khuyến tài như giải thưởng khuyến tài Huỳnh Thúc Kháng, giải thưởng “HS xuất sắc toàn diện tiêu biểu”, giải thưởng “HS vượt khó học giỏi”, giải thưởng “HS là cán bộ Đoàn Đội 2 giỏi” và Giải thưởng “HS Cơ-tu vượt khó hiếu học” để vinh danh những HS xuất sắc tiêu biểu, khen thưởng HSG trở thành hoạt động thường niên.

Trong niềm xúc động kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội, những người làm công tác Hội Khuyến học TP không quên tri ân những tấm lòng tâm huyết với công tác khuyến học. “Đặc biệt, có những nguồn tài trợ học bổng từ tiền phúng điếu theo di chúc để lại của nhiều mạnh thường quân. Những tấm lòng ấy ngời sáng ý nghĩa, giá trị nhân văn sâu sắc, là nghĩa cử cao đẹp nâng tầm giá trị hoạt động khuyến học và truyền thống khuyến học, làm xúc động sâu sắc đội ngũ làm công tác khuyến học”, Chủ tịch Hội Khuyến học TP xúc động tri ân.

Chủ Đề