Huyện Ứng Hòa Thành phố Hà Nội có bao nhiêu xã?

Huyện Ứng Hòa có điều kiện tự nhiên để phát triển nông nghiệp và có nền văn hóa dân tộc lâu đời thu hút nhiều khách du lịch đến khám phá. Du khách tới đây không chỉ tham quan các di tích lịch sử lâu đời mà còn có thể dạo chơi tới các làng nghề truyền thống đầy bản sắc văn hóa của người dân nơi đây. Hãy cùng Đức Anh Taxi tìm hiểu vùng đất giàu truyền thống này nhé!

Mục lục

1. Giới thiệu tổng quát về huyện Ứng Hòa 

Huyện Ứng Hòa nằm ở phía nam cách thủ đô Hà Nội. Huyện có diện tích khoảng 183,7 km2 và dân số vào năm 2017 là 204.800 người [ 2017] với mật độ dân số là 1.054 người/km². Huyện Ứng Hòa có vị trí tiếp giáp với các huyện và tỉnh thành khác như sau:

  • Phía Đông giáp với huyện Phú Xuyên
  • Phía Tây giáp với huyện Mỹ Đức
  • Phía Nam giáp với huyện Kim Bảng của tỉnh Hà Nam
  • Phía Bắc giáp với huyện Thanh Oai và Chương Mỹ

Huyện Ứng Hòa thuộc địa hình đồng bằng, khá bằng phẳng, cao dần từ Nam lên Bắc, từ Tây sang Đông. Ranh giới tự nhiên của phía Tây của huyện với các giao tuyến phân chia địa hình núi đá vôi và đồng bằng là Sông Đáy. Do nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng vì vậy huyện Ứng Hòa mang khí hậu đặc trưng của vùng nhiệt đới gió mùa, phân chia 2 mùa rõ rệt: mùa hạ nóng ẩm có mưa nhiều; mùa đông lạnh và khô ráo, chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc.

Huyện Ứng Hòa đang có những bước nhảy vọt trong việc phát triển kinh tế

Nhiệt độ trung bình tại huyện Ứng Hòa khoảng 23,3°C và có sự chênh lệch khá cao giữa các mùa. Mùa hè có nhiệt độ cao khoảng tầm 36 đến 37°C, còn mùa đông thì nhiệt độ giảm xuống chỉ còn 9 đến 10°C. Do có độ ẩm trung bình từ 75 đến 90% cùng với lượng mưa bình quân hàng năm khoảng 1.900mm nên huyện Ứng Hòa vô cùng thuận lợi cho việc phát triển nền nông nghiệp đa dạng cơ cấu cây trồng, vật nuôi,…

Với bản chất là huyện thuần nông, trong thời gian gần đây Ứng Hòa đã tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng cường hiệu quả kinh tế nông nghiệp kết hợp với khôi phục các ngành nghề truyền thống đi đôi với phát triển nghề mới.

Ứng Hòa đang tập trung nhân rộng các mô hình nông nghiệp giá trị kinh tế cao sử dụng tối đa giá trị sử dụng đất ở địa phương. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu vật nuôi và cây trồng theo các mô hình chuyên canh, đa canh, nuôi thủy sản,…

Giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp cũng đang trên đà phát triển. Trên địa bàn huyện có 02 cụm công nghiệp Xà Cầu, Cầu Bầu. Bên cạnh đó, Ứng Hòa cũng đã chú trọng phát triển các làng nghề truyền thống để tạo công ăn việc làm co người dân địa phương.

2 Sơ lược về lịch sử phát triển của huyện Ứng Hòa

Huyện Ứng Hòa là một huyện có lịch sử phát triển lâu dài với hàng trăm năm lịch sử với nhiều tên gọi khác nhau. Sau đây là một số nét phác thảo về lịch sử phát triển của huyện:

  • Thời nhà Lê, Huyện Ứng Hòa nguyên là phủ Ứng Thiên
  • Năm 1814 phủ Ứng Thiên được đổi tên là phủ Ứng Hòa.
  • Năm 1831, tỉnh Hà Nội được thành lập, Ứng Hòa là một phủ thuộc Hà Nội. gồm các huyện Sơn Minh [Sơn Lãng] , Chương Đức [ Chương Mỹ], Thanh Oai và Hoài An
  • Năm 1888, tỉnh Hà Đông được thành lập, lúc này phủ Ứng Hòa thuộc tỉnh Hà Đông
  • Sau CMT8, , huyện Sơn Lãng đổi tên là huyện Ứng Hòa
Huyện Ứng Hòa có nhiều di tích lịch sử có niên đại hàng trăm năm
  • Năm 1965, tỉnh Hà Tây được thành lập, hợp nhất hai tỉnh Sơn Tây và Hà Đông. Lúc này, huyện Ứng Hòa thuộc tỉnh Hà Tây
  • Năm 1975, huyện Ứng Hòa trực thuộc tỉnh Hà Sơn Bình sau sự kiện Hà Tây và Hòa Bình sát nhập làm một.
  • Năm 1991, tỉnh Hà Sơn Bình thành hai tỉnh Hòa Bình và Hà Tây. Huyện Ứng Hòa lúc này thuộc tỉnh Hà Tây.
  • Năm 2008, giải thể tỉnh Hà Tây, huyện Ứng Hòa thuộc thành phố Hà Nội.

3. Huyện Ứng Hòa có bao nhiêu xã?

Sau nhiều cuộc điều chỉnh, đến nay huyện Ứng Hòa gồm 29 đơn vị hành chính gồm thị trấn Vân Đình [huyện lỵ] và 28 xã bao gồm Đại Hùng, Cao Thành,Trung Tú, Viên Nội, Đại Cường, Đội Bình, Đông Lỗ, Vạn Thái, Quảng Phú Cầu, Đồng Tiến, Phương Tú, Đồng Tân, Hoa Sơn, Hòa Lâm, Hòa Phú, Hồng Quang, Hòa Nam, Hòa Xá, Kim Đường, Liên Bạt, Lưu Hoàng, Minh Đức, Phù Lưu, Sơn Công, Tảo Dương Văn, Trầm Lộng, Trường Thịnh, Viên An.

Bản đồ Hành chính các xã và thị trấn trong huyện Ứng Hòa

Từng xã và thị trấn trong huyện Ứng Hòa đều có những nét văn hóa đặc trưng riêng đại diện cho lối sống con những của từng nơi trong huyện. Điều đó đã tạo nên một địa phương với sự đa dạng và phong phú về bản sắc văn hóa và con người.

4. Ứng Hòa cách Hà Nội bao nhiêu km? Các thức di chuyển đến đây

Ứng Hòa cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 41km và được đánh giá là huyện có hệ thống giao thông phân bố khá hợp lý, những con đường nhựa ngày càng hoàn thiện hơn tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại phục vụ đời sống người dân và phát triển kinh tế. Bạn có thể chọn một số tuyến đường sau đây để di chuyển từ trung tâm Hà Nội đến huyện Ứng Hòa

Tuyến 1: ĐL Chu Văn An ⇒ Nguyễn Lương Bằng ⇒ Cầu vượt Thái Hà Chùa Bộc ⇒ Cầu vượt Ngã Tư Sở ⇒ Nguyễn Trãi ⇒ Nguyễn Xiển ⇒ DT70A ⇒ Đường Trục Phía Nam ⇒ đi dọc theo QL21B ⇒ Đường 428 ⇒ Ứng Hòa

Tuyến 2: Giải Phóng ⇒ DCT Hà Nội-Ninh Bình ⇒ Thường Tín ⇒ Đường Trần Nhật Duật ⇒ QL1A -> ĐT.73 ⇒ CB-TA ⇒ Đường 428 ⇒ Ứng Hòa

Taxi Đức Anh với phương châm luôn đáp ứng tất cả nhu cầu của khách hàng, luôn đặt sự hài lòng của khách lên hàng đầu. tự hào hãng taxi giá rẻ, chất lượng cao tại Hà nội với đội ngũ tài xế chuyên nghiệp, luôn có xe phục vụ, đáp ứng nhu cầu đi đến bất cứ đâu. Dưới đây là bảng giá dịch vụ và những ưu đãi, quý khách hàng tham khảo và lựa chọn:

Bảng giá Taxi Ứng HòaTaxi Nội Bài Ứng HòaLiên hệTaxi Ứng Hòa Nội BàiLiên hệ

5. Một số địa điểm du lịch Ứng Hòa nổi tiếng gần xa 

Với khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp cùng nét văn hóa đặc trưng, Ứng Hòa có rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn và nổi tiếng đang chờ du khách thập phương đến khám phá.

5.1 Chùa Tam Thôn 

Chùa Tam Thôn nằm ở xã Trường Thịnh, Ứng Hòa, Hà Nội [còn có tên chữ là Phổ Tế] người dân địa phương còn gọi với cái tên thân quen là chùa Ma. Đã từ xa xưa cho đến nay ngôi chùa chính là nơi cứu độ chúng sinh và trở thành điểm sinh hoạt tín ngưỡng nổi tiếng của người dân trong làng.

Tuy không to lớn nguy nga, nhưng hệ thống tượng Phật vẫn đầy đủ và trang trọng, đồ tế cổ kính được bài trí trang nghiêm. Trải qua bao mùa nắng mưa lịch sử, danh lam này khiêm nhường ẩn mình dưới cây lá xum xuê, thu hút nhiều khách du lịch đến thăm viếng.

Nét đẹp cổ kính của Chùa Tam Thôn

Ở ngay cửa tam quan có những tấm bia rêu phong bám đầy nét cổ kính. Tam quan có 3 cửa cao 3 tầng và có 1 gác chuông. Tiếp đến là khoảng khá sân rộng, hai bên sân có giếng to được xây mới với tường hoa bao quanh. Tam bảo quay về phía đông – nam và nhìn ra cánh đồng. Tiền đường được xây theo kiểu cổ diềm 8 mái, có 3 gian 2 dĩ và hàng hiên cột đá vây quanh.

Ở đây lưu giữ hai tấm bia cổ thời Tây Sơn, bên trong chùa chính trưng đầy đủ tượng Phật giáo Thích Ca Mâu Ni và nhiều tượng Phật, Bồ tát khác. Nơi đây lưu giữ nhiều nét đẹp truyền thống của người dân Ứng Hòa từ xưa cho đến nay. Nếu có dịp đặt chân tới đây, bạn hãy đến vãn cảnh chùa và thả hồn trong tiếng chuông linh thiêng, tìm về những giây phút yên bình.

5.2 Đền Đức Thánh Cả 

Đền Đức Thánh Cả còn được gọi là đền Thiên Vựng đã tồn tại 1500 năm. Đền Đức Thánh Cả được xây dựng theo kiểu chữ “Vương” và phía ngoài là chữ “Quốc”. Ở trong là hai dãy hành lang, nhà đại bái, nhà hậu cung và tòa ống muống. Nhà hậu cung có đặt 9 rồng chầu. Trong đền vẫn còn lưu giữ được toàn bộ hệ thống hoành phi, sơn mài khảm trai, câu đối sơn son thếp vàng rất có giá trị.

Cổng đền Đức Thánh Cả

Từ xưa, rất nhiều bậc đứng đầu các vương triều, anh hùng dân tộc đã về đây để làm lễ cầu nguyện bởi sự linh thiêng nơi đây: Vua Đinh Tiên Hoàng đến cầu nguyện theo báo mộng giúp ông dẹp loạn 12 sứ quân từ đó quân đánh đâu thắng đó rồi lập nên nhà Đinh. Vào Đời nhà Trần, Hưng Đạo Vương cũng đã vào đền làm lễ tế thần sau đó tiến đánh quân giặc giành đại thắng.

Tọa lạc trên mảnh đất linh thiên tả ngạn của dòng sông Đáy, tựa lưng sau dãy núi Hàm Long hùng vỹ. Đền Đức Thánh Cả đã được công nhận nhận là di tích lịch sử văn hóa, thu hút rất nhiều khách du lịch đến từ mọi miền Tổ quốc bởi khung cảnh thiên nhiên non nước say lòng người đi cùng nét đẹp văn hóa tâm linh.

5.3 Chùa Viên Đình

Chùa Viên Đình nằm trên trên khuôn viên rộng hơn 3ha, đích thân vua Lý chỉ định xây dựng sau khi ngắm nhìn địa thế núi sông hợp cảnh. Đây là ngôi chùa được các quốc gia [Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar Nepal, Sri Lanka,…] cúng dường ngọc xá lợi Phật nhiều nhất ở miền Bắc đặc biệt Hòa thượng Thích Huyền Diệu, Công chúa Thái Lan, và Tăng thống Phật giáo Myanmar cũng đã từng cúng dường ngọc xá lợi Phật.

Ở đây xá lợi có rất nhiều loại khác nhau: Từ xá lợi máu, xá lợi tóc, xá lợi xương… của các vị cao tăng Phật pháp. Mỗi hạt có một kích cỡ, hình khối và đặc tính khác biệt, mang màu sắc riêng, lung linh và rất kỳ ảo khi ngắm nhìn từ các phía khác nhau.

Khuôn viên chùa Viên Đình

Chùa Viên Đình được đánh giá là ngôi chùa cổ có kiến trúc độc đáo còn sót lại, là niềm tự hào văn hóa của người dân huyện Ứng Hòa. Trong chùa hiện còn lưu giữ nhiều kiến trúc của triều đại nhà Lý điển hình là quả chuông lớn bằng đồng nặng 2 tấn vẫn còn in dấu bài thơ cổ do chính vua nhà Lý cho khắc lên, kèm theo những họa tiết ẩn mình dưới màu thời gian của chiếc chuông đầu. Những báu vật hiếm có về lịch sử lẫn giá trị tâm linh đang được cất giữ và nâng niu trong ngôi chùa sẽ mang đến sự may mắn cho những ai có dịp đến đây vãn cảnh và chiêm bái.

5.4 Quần thể di tích cách mạng Khu Cháy 

Quần thể di tích cách mạng Khu Cháy nằm trong vùng đồng chiêm trũng của huyện Ứng Hòa, bao quanh bốn mặt là các tuyến đường 75, 60, tuyến đê Đáy và sông Nhuệ. Vào năm 1942, Xứ ủy Bắc Kỳ chọn khu Nam Ứng Hòa và Bắc Kim Bảng là An toàn khu để bảo vệ, trong đó Tảo Khê − Khu Cháy là những cơ sở trung tâm. Mặc dù không ít di tích bị tàn phá bởi chiến tranh nhưng nơi đây vẫn còn lưu giấu nhiều di tích cách mạng.

Tượng đài chiến thắng tại di tích cách mạng Khu Cháy

Trong đó có chùa Tảo Khê là một công trình cách mạng mang đậm ý nghĩa lịch sử văn hóa. Hậu cung chùa là nơi cán bộ thời tiền khởi nghĩa thường cất giấu vũ khí và tài liệu. Đặc biệt, đây là địa điểm tập kết và xuất kích lực lượng của quần chúng khu vực Nam Ứng Hòa − Nam Mỹ Đức trong ngày khởi nghĩa giành chính quyền phủ Ứng Hòa.

Tiếp đến là Trầm Lộng − cơ quan của Xứ ủy đóng ở khu vực này. Hiện nay đã có một số cứ điểm trở thành di tích cách mạng như đình Thượng ở thôn Lương Đa được xây dựng trên một khu đất rộng tới 6 sào, cây cối um tùm, tĩnh lặng rất an toàn cho việc họp hành và hội ý liên lạc của cán bộ thời kỳ hoạt động. Ngoài ra còn có, Hòa Đống Tự còn được gọi là chùa Rồng ở thôn Lương Đa là địa điểm nuôi giấu và bảo vệ cán bộ

5.5 Đình Hoàng Xá

Đình Hoàng Xá thuộc huyện Ứng Hòa, Hà Nội được xây dựng từ thế kỷ XVII. Chùa được xây theo kiểu chữ “Nhất”. Chỉ có một tòa hình chữ nhật với ba gian hai chái lớn, thờ vị thành hoàng làng quý danh là Quý Minh – một trong Tam vị Đức Thánh Tản [biểu tượng cho sự sinh sôi, hạnh phúc và phồn thịnh] . Vào thế kỷ XVII, đình Hoàng Xá được tu sửa và xây dựng thêm Trung cung, Hậu cung theo kiểu kiến trúc hình chữ “Công”.

Nơi thờ tự Đình Hoàng Xá

Trải qua bao biến cố thời gian, đình Hoàng Xá hiện còn lưu giữ các tác phẩm điêu khắc đầy tính nghệ thuật như thân chồng rường, bẩy, kẻ, các bức cốn, ván bưng, các đầu dư… Đặc biệt là bức chạm rồng với đề tài Long Ly, Long Vân, Độc Long, Long Ổ. Hình rồng được tạo ở các tư thế khác nhau theo phong cách chạm lọng nghệ thuật thời Lê Trung Hưng. Đan xen với bức rồng là các bức chạm với nhiều đề tài sinh hoạt của người và thú như: nhạc công đánh trống, các tiên nữ múa hát, chèo thuyền, hát cửa đình, đấu vật, chọi gà…

Ngoài ra, trong đình Hoàng Xá hiện còn giữ được khám thờ, sập thờ lớn ngải vị, bàn thờ, bát bửu, cùng hoành phi câu đối, sắc phong, rồi kiệu có từ thời Vua Quang Trung, Khải Định. Tất cả đã tạo nên một đình Hoàng Xá mang một vẻ đẹp của chỉnh thể nghệ thuật rất đỗi hoàn mỹ.

6. Một số làng nghề nổi tiếng ở huyện Ứng Hòa

Trong thời đại đô thị hóa, công nghiệp hóa, nhiều làng nghề truyền thống hiện nay đang dần bị mai một, tuy nhiên có một vùng đất Ứng Hòa vẫn một lòng giữ gìn được các nghề truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Mời bạn đọc khám phá các làng nghề nổi tiếng nơi đây.

6.1 Làng nghề làm đàn Đào Xá 

Cách trung tâm Hà Nội chừng 50km có một ngôi làng làm đàn Đào Xá nho nhỏ nằm trên thửa đất của phố thị. Sản phẩm đàn của làng rất đa dạng từ cây đàn tam thập lục, đàn tam thập lục, đàn bầu, đàn đáy, đàn nguyệt, đàn tỳ bà… cho đến những cây đàn nhị, tiếu, cây hồ,… đều có thảy. Dưới bàn tay khéo léo và điêu luyện của dân làng đã thổi hồn vào những loại nhạc cụ mang đậm bản sắc dân tộc.

Các sản phẩm của làng nghề làm đàn Đào Xá có chất lượng rất cao

Nghề làm đàn rất công phu, người thợ phải thành thạo nghề mộc, chưa kể phải có đôi tai nhạy bén và cặp mắt tinh tế. Từ khâu chọn gỗ, ra gỗ, phơi gỗ cho đến công đoạn chắp, ghép, đánh bóng, trau chuốt, khảm trai và hoàn thành… tất cả đều được làm theo phương pháp thủ công tuân theo quy trình và kỹ thuật truyền thống của người xưa.

Để cho ra một chiếc đàn có âm thanh hay, trong trẻo, thợ phải biết căn chỉnh và thẩm âm để làm sao chiếc đàn đạt được đến chuẩn mực. Giữa một phố thị tấp nập xô bồ, ấy vậy mà vẫn còn những người “nghệ sĩ nông” miệt mài gửi tâm huyết vào những cây đàn giữ lấy tinh túy, hồn quê mà cha ông đã vun đắp cho họ.

6.2 Làng hương Quảng Phú Cầu

Đã đến Ứng Hòa thì không thể không ghé thăm Làng hương Quảng Phú Cầu. Đây là một địa điểm tham quan, check-in nổi tiếng ở ngoại ô thủ đô. Làng hương Quảng Phú Cầu hình thành từ hơn 100 năm, có thể nói đây là làng nghề Hà Nội chuyên về tăm hương duy nhất của huyện Ứng Hòa.

Làng hương Quảng Phú Cầu được rất nhiều bạn trẻ đến để check in

Dù đã tồn tại rất lâu nhưng đến hiện tại, làng hương Quảng Phú Cầu vẫn mang một nét đẹp đặc biệt khắc họa rõ nét chân dung văn hoá của làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Nếu có dịp dạo quanh khám phá làng hương, bạn sẽ được nghe người dân địa phương, kể về những công đoạn để tạo ra một bó hương hoàn chỉnh. Nguyên liệu dùng để làm hương phải được lựa chọn cẩn thận bởi không được qua loa, sơ sài, bởi nghề này mang yếu tố tâm linh cao.

Đến làng hương vào đúng ngày nắng đẹp bạn chỉ cần đi dạo quanh một vòng sẽ có ảnh đẹp chụp cùng những bó tăm hương đỏ tựa như những đóa hoa khổng lồ được phơi khắp sân nhà, sân đình hoặc cả các bãi đất trống, tất cả vẽ nên một bức tranh rực rỡ giữa nền trời trong xanh.

6.3 Làng nghề làm bún ở làng Bặt 

Làng Bặt xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội rất nổi tiếng với nghề làm bún [ thường gọi là bún Bặt]. Bún ở đây có sợi trắng, sóng, mềm và rất thơm. Tầm 2 giờ sáng, không khí trong làng Bặt đã rất rộn ràng bởi ai ai cũng hối hả làm bún để trời rạng kịp xuất đi cho các chợ trong vùng.

Để làm ra những sợi bún Bặt ngon nổi danh khắp vùng thì ngay từ khâu chọn lựa nguyên liệu đã phải rất khắt khe, tỉ mỉ lựa từng thứ gạo tẻ với tiêu chuẩn không được quá dẻo, gạo được vo và đãi thật sạch rồi mới ngâm nước. Sau đó đem đi xay lấy bột và vắt khuôn thành sợi rồi đưa vào luộc.

Bún làng Bặt rất nổi tiếng và có mặt ở nhiều nơi trên thị trường

Người thợ bún Bặt rất thành thạo trong việc đánh giá độ chín. Có thể nói đây là khâu quan trọng bởi độ săn chắc, chất lượng của sợi bún phụ thuộc vào thời gian luộc bột. Người dân nơi đây ngày ngày nỗ lực xây dựng và phát triển thương hiệu bún Bặt, góp phần làm nên tên tuổi của một món ăn không thể thiếu của người Việt Nam ta.

6.4 Làng nghề dệt màn Hòa Xá 

Nghề truyền thống trồng bông − dệt màn của Hòa Xá xuất hiện từ thế kỷ thứ 10, do chính vị tướng nhà Đinh là Nguyễn Đức Chính truyền dạy. Đến thời Pháp thuộc, thợ Hòa Xá được trau dồi thêm các kỹ thuật dệt vải màn của phương Tây, sau đó cải tiến và phát triển đưa nghề dệt ngày càng hưng thịnh. Người dân nơi đây tự hào đã giúp đỡ rất nhiều cho lực lượng dân quân trong kháng chiến chống Mỹ dùng để ngụy trang và chống muỗi.

Các thợ thủ công lành nghề tại làng nghề dệt màn Hòa Xá

Để hoàn thiện cần rất nhiều công đoạn, có tất cả 9 khâu, khâu quan trọng nhất chính là hồ màn và phơi màn. Màn phải được hồ qua rất nhiều lần, nếu không đủ bột và phèn thì màn sẽ bị xấu và bị mềm. Làng nghề dệt màn Hòa Xá có bề dày lịch sử, mang đậm giá trị cổ truyền cả về mẫu mã lẫn chất liệu. Tuy ngày nay không cạnh tranh nhiều như xưa, thế nhưng người dân và chính quyền địa phương nơi đây vẫn đang nỗ lực để nghề dệt sẽ phát triển hưng thịnh trở lại vào một ngày không xa.

6.5 Làng nghề may áo dài Trạch Xá 

Cách trung tâm thủ đô khoảng 60km, có một ngôi làng Trạch Xá, huyện Ứng Hòa rất nổi tiếng với nghề may áo dài truyền thống. Điều đặc biệt ở đây là các nghệ nhân đi trước chủ yếu truyền lại nghề cho đàn ông trong gia đình và truyền thống đó vẫn được lưu giữ đến tận hôm nay.

Áo dài Trạch Xá nổi tiếng gần xa và được nhiều người ưa chuộng

Chiếc áo dài truyền thống được làm từ bàn tay thợ Trạch Xá bao giờ cũng mềm mại, thướt tha, quyến rũ theo sắc riêng, rất được khách hàng trong và ngoài nước ưa thích. Dân làng Trạch Xá, dù có làm nghề hay không ai cũng sẽ thuộc nằm lòng kĩ thuật “Trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện” có nghĩa là khâu đường tà sao cho đường kim mũi chỉ tròn nhỏ xíu như trứng con nhện, thậm chí dùng chỉ trắng khâu đường tà cho áo màu đen cũng không được nhìn thấy.

Trước kia, tà áo dài của làng được làm thủ công hoàn toàn. Ngày nay kỹ thuật tiên tiến, có sự hỗ trợ của máy móc, tuy nhiên người thợ của làng vẫn chú tâm các bước thủ công trong việc gia công trau chuốt cho sản phẩm, các họa tiết đa số đều được tỉ mỉ thêu bằng tay. Bàn tay tài hoa của những người thợ Trạch Xá đã góp phần tôn vinh nét đẹp duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam

7. Các địa điểm ăn uống hấp dẫn ở huyện Ứng Hòa 

Nếu có duyên đến với vùng đất Ứng hòa, đừng quên thưởng thức những món ăn, đồ uống ngon ở đây nhé, nhất định sẽ không khiến bạn thất vọng.

7.1 Nhà Hàng Vịt Nghiêm Huyền

  • Địa chỉ: QL21B, Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Nội

Đến với Ứng Hòa thì không thể nào bỏ qua nhà hàng Vịt Nghiêm Huyền. Nơi đây nổi tiếng với đa dạng các món ăn được chế biến từ Vịt như vịt quay, vịt om sấu, vịt nấu canh măng,… Các món ăn của nhà hàng có hương vị ngây ngất và đặc biệt khiến những thực khách đã từng đến đây không thể nào cưỡng lại được. Không những thế, không gian quán còn rất rộng rãi và mát mẻ và rất phù hợp cho các đoàn khách lớn. Nhà hàng sẽ là lựa chọn lý tưởng cho bất cứ thực khách nào trong chuyến du lịch Ứng Hòa của mình.

Vịt quay thơm ngon tại nhà hàng Vịt Nghiêm Huyền

7.2 Nhà Hàng Cây Đa Quán

  • Địa chỉ: Cống Khê, Ứng Hòa, Hà Nội

Nhà hàng Cây Đa Quán là một trong những nhà hàng nổi tiếng tại huyện Ứng Hòa. Nơi đây có không gian thoáng mát và rộng rải với sân vườn rộng và các hồ nước trong xanh. Khách hàng có thể vừa thưởng thức ẩm thực ở đây và vừa có thể hưởng thụ không gian tươi mát trong lành. Các món ăn của quán đa dạng từ các món lẩu cho đến các món hấp với hương vị vô cùng hấp dẫn. Khi đến đây, khách hàng như lạc vào một thiên đường ẩm thực có một không hai với những lựa chọn phong phú.

Các món lẩu thơm ngon của nhà hàng Cây Đa Quán

7.3 Nhà Hàng Gà Tươi Mạnh Hoạch

  • Địa chỉ: Trung Tâm Thương Mại Thị Trấn Vân Đình, Đồng Tiến, Ứng Hòa, Hà Nội

Nhắc đến gà Mạnh Hoạch thì ai cũng biết nhưng quán gà Mạch Hoạch ở Ứng Hòa thì lại rất khác biệt. Nhà hàng có cách bố trí không gian vô cùng hợp lý và thông thoáng. Du khách có thể lựa chọn ăn tại những bàn ăn phổ thông hoặc nếu cần sự riêng tư thì có thể lựa chọn phòng VIP với giá cả không mắc hơn là bao nhiêu. Cũng tương tự như các nhà hàng Mạch Hoạch khác, quán có đầy đủ các món gà từ gà nướng, gà luộc, cho đến gà ủ muối thơm ngon. Hy vọng du khách sẽ tới đây trong chuyến du lịch của mình để cảm nhận sự khác biệt.

Trên đây là thông tin tổng quan huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có một trải nghiệm thật ý nghĩa ở vùng đất quê giàu văn hóa cổ này. Nếu bạn có điều gì thắc mắc thì vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số hotline hoặc Zalo của Taxi Đức Anh.

Chủ Đề