Khó khăn lớn nhất của bạn khi bạn POD ecommerce là gì

Khởi đầu từ mô hình bán áo thun online, Print on demand [POD] đã trở thành một cách thức kiếm tiền online rất hot trên thế giới. Tại Việt Nam, hình thức kinh doanh này cũng đang là cây hái ra tiền trong những năm gần đây.

Nói đến kinh doanh áo thun, có thể bạn sẽ nghĩ là bán 1 cái áo lời vài chục ngàn sẽ không đủ hấp dẫn lắm trong khi vận hành kinh doanh phức tạp. Nhưng bạn sẽ phải suy nghĩ lại nếu biết hình thức Print on demand giúp bạn kinh doanh mà:

  • Chỉ cần 1 chiếc máy tính kết nối internet để làm việc.

  • Không cần trực điện thoại hỗ trợ khách hàng 24/7.

  • Không cần phải tự sản xuất ra áo thun.

  • Không cần ship áo tới khách hàng.

  • Lợi nhuận từ 200 - 500 nghìn trên mỗi sản phẩm.

Vậy Print on demand có thể giúp bạn kiếm được lợi nhuận như thế nào?

Hãy cùng A Freelance Doer tìm hiểu kĩ hơn về hình thức kinh doanh hái ra tiền này nhé.

Nguồn ảnh: Canva


1. Print on demand là gì?


Print on demand [POD] là hình thức kinh doanh các sản phẩm được in ấn theo yêu cầu. Đây là dạng mô hình kiếm tiền online giống như Dropshipping. Tại đó, bạn có thể bán sản phẩm cho khách hàng ở bất cứ đâu trên thế giới mà không phải lo vận chuyển hay lưu trữ hàng trong kho.


Tất cả chỉ đơn giản là đưa những thiết kế của bạn lên cửa hàng online. Khi có khách đặt hàng, hệ thống sẽ chuyển thông tin đến nhà in. Họ sẽ in thiết kế của bạn lên sản phẩm và xử lý việc vận chuyển.


Với mô hình POD, các sản phẩm chỉ được bắt đầu sản xuất sau khi có đơn hàng. Vì vậy, bạn không cần phải mua và lưu hàng trong kho, cũng không cần thanh toán trước bất kỳ khoản chi phí nào cho đến khi đơn hàng được sản xuất thành công.


Toàn bộ quá trình này diễn ra hoàn toàn tự động, ngay cả trong lúc bạn đang ngủ. Bạn chỉ cần dành thời gian thiết lập hệ thống một lần.


Mô hình POD không phải là mới, nó đã bắt đầu được phổ biến tại Việt Nam từ năm 2013. Cũng trong năm đó, Etsy ra mắt và tạo nên một thị trường kinh doanh đồ handmade dành cho mọi người từ khắp mọi nơi. Hiện tại, Etsy cũng là nền tảng hỗ trợ kinh doanh POD rất hiệu quả.


Với xu hướng thích cá nhân hóa và đề cao sự khác biệt, dịch vụ in ấn theo yêu cầu mở rộng trên nhiều loại sản phẩm khác nhau. Bắt đầu với phong trào in áo thun, giờ đây bạn có thể ngồi tại nhà và đặt hàng in ấn trên nhiều loại sản phẩm khác.




2. Vậy, Print on demand hoạt động như thế nào?


Mô hình này có 4 yếu tố chính:


  • Seller [bạn là người bán, tạo ra các hình ảnh thiết kế để in ấn]

  • Platform [nhà cung cấp dịch vụ, hỗ trợ liên hệ xưởng in, thanh toán…]

  • Supplier [xưởng nguyên liệu và là nơi in ấn sản phẩm POD, đối tác của platform]

  • Store [là nơi bạn trực tiếp đăng sản phẩm và quảng bá đến khách hàng]





Seller có thể là một người hoặc một nhóm người cùng nhau tạo nên các ý tưởng và thiết kế in ấn. Họ cũng là người thúc đẩy việc marketing các mẫu thiết kế tới đông đảo khách hàng hơn.


Platform là đơn vị cung cấp dịch vụ fulfillment gồm nhận đơn, sản xuất, đóng gói và vận chuyển hàng tới tay khách. Bạn có thể tham khảo dịch vụ hoàn tất đơn hàng của một số bên như Printbase, Printub, Printify hoặc Shopify,.. các đơn vị fulfillment đang được seller yêu thích và đánh giá cao hiện nay.


Supplier là các nhà in, nhà cung cấp nguyên vật liệu cho in ấn. Một số nhà in chuyên về áo thun, một số khác có thể in trên nhiều chất liệu và sản phẩm. Việc của bạn là lựa chọn nhà in và sản phẩm phù hợp. Thông thường, chúng ta không làm việc trực tiếp với các nhà in mà thông qua một nền tảng platform khác. Ở đây tập hợp các nhà in để chúng ta lựa chọn.


Store là cửa hàng online, nơi trưng bày các mẫu thiết kế để khách hàng tới đặt hàng. Đó có thể là website riêng của seller hoặc tạo một gian hàng trên chính nền tảng Platform.






Ưu điểm của mô hình Print on demand


  • Ít rủi ro. Vì thực tế bạn sẽ không cần nhập sản phẩm về trước, nếu chẳng may không ai mua sản phẩm, bạn sẽ không phải sợ bị tồn 1.000 cái áo.

  • Bắt đầu nhanh. Tất cả những gì bạn cần là có sẵn thiết kế để tạo ra một mặt hàng mới.

  • Không rườm rà. Nhà cung cấp dịch vụ pod của bạn sẽ in đơn đặt hàng [trong thế giới print on demand, điều này được gọi là hoàn thành đơn đặt hàng] và gửi cho khách hàng.

  • Chi phí rẻ hơn. Dịch vụ Print on demand thường có base cost [mức giá cơ bản của sản phẩm bao gồm chi phí sản xuất và mức chiết khấu] cạnh tranh. Nhờ hợp tác trực tiếp với nhiều suppliers [nhà cung cấp] uy tín, base cost của các Platform không mất thêm phụ phí với các bên trung gian. Khi có bất cứ phàn nàn nào của sellers về base cost, chất lượng in, phí ship, các Platform đều kịp thời làm việc lại với Suppliers để đảm bảo quyền lợi cho người bán.


Nhược điểm của print on demand là gì


  • Hạn chế trong việc tùy biến sản phẩm. Bạn không phải là người có thể quyết định chất liệu cho sản phẩm – các nhà cung cấp dịch vụ POD mới là người làm việc đó.

  • Sinh lời ít hơn. Vì bạn không mua số lượng lớn hàng nghìn chiếc áo thun từ một nhà sản xuất mà chỉ đặt hàng riêng lẻ khi có đơn đặt hàng đến, nên bạn sẽ không nhận được mức giá tốt nhất cho mỗi chiếc.

  • Bạn sẽ ít có quyền kiểm soát đối với việc vận chuyển. Hãy cẩn thận, nếu giá vận chuyển quá tốt so với thông thường, điều đó có thể đồng nghĩa với thời gian vận chuyển rất lâu.

  • Và nếu khách hàng phàn nàn với bạn về việc phải đợi đơn đặt hàng trong 5 tuần, bạn cũng không thể chấp nhận hoàn trả hàng, vì nó tùy thuộc vào đối tác print on demand pod.



Có 2 hình thức để triển khai POD


- Cách 1: Bạn tự xây dựng 1 website chứa thiết kế riêng của mình, thường là trên Wix hoặc Wordpress. Sau đó kết nối với nền tảng Platform cung cấp dịch vụ POD.

  • Lợi thế của cách này là bạn có thể thu thập được thông tin về khách hàng đến website, đo lường được mức độ hiệu quả. Có thể chạy remarketing tới đúng tệp khách hàng từng ghé thăm… Tóm lại bạn được quyền sở hữu thông tin khách hàng.

  • Nhược điểm là bạn cần tự làm marketing tốt cho cửa hàng của mình như quảng cáo, viết nội dung SEO, chăm chút cho thiết kế bắt mắt, tự tạo các chiến dịch ưu đãi và chương trình thu hút khách hàng.


- Cách 2: Bạn tạo cửa hàng trên một sàn TMĐT chung và kết nối cửa hàng đó với nền tảng Platform cung cấp dịch vụ POD. Giống như trên các sàn Thương mại điện tử Shopee, Tiki… Cửa hàng của bạn cũng phụ thuộc vào sàn đã lựa chọn.

  • Lợi thế của bạn là có thời gian tập trung vào các thiết kế sao cho tốt nhất và lựa chọn ngách sản phẩm phù hợp. Còn sàn sẽ giúp bạn các công việc marketing, tạo chương trình thu hút khách và đẩy lượng người thăm quan vào shop bạn. Khi khách mua hàng, sàn tự động chuyển thông tin sang các đối tác để nhanh chóng hoàn tất in ấn và vận chuyển.

  • Nhược điểm lớn nhất của cách này là 100% khách hàng của bạn đều phụ thuộc vào sàn quản lý. Tài khoản và cửa hàng online của bạn có thể bị thổi bay bất cứ lúc nào nếu có nhiều đánh giá kém. Ngoài ra, rủi ro cũng đến từ việc không chủ động được phần marketing, khiến bạn khó giữ chân khách hàng trung thành hơn.


Vậy lựa chọn nào hợp lý hơn?


Điều này còn tùy thuộc vào mô hình kinh doanh mà bạn muốn hướng đến. Nếu bạn muốn xây dựng những thiết kế với thương hiệu cá nhân và kiểm soát khách hàng của mình thì dịch vụ fulfillment POD theo cách 1 là lựa chọn lý tưởng. Tuy nhiên, phương án này sẽ tốn nhiều công sức hơn vì bạn sẽ phải tự mình xây dựng cửa hàng online.

Bù lại, cách 2 đơn giản hơn vì bạn chỉ cần tập trung vào công việc thiết kế mẫu in ấn.



3. 7 bước đào mỏ vàng Print on Demand


Bạn hãy nghĩ đến chặng đường dài hơi, nơi đó Print on demand có thể trở thành một sự nghiệp kinh doanh cả đời của bạn chứ không chỉ là nghề tay trái nữa.

Nếu bạn là một nhà thiết kế tự do, đây chính là cơ hội để bạn tạo nên những thiết kế độc quyền của mình và bán trên khắp thế giới.

Bạn không cần bỏ vốn và có thể thoải mái thử nghiệm mọi thứ mà không mất gì cả.


1- Khởi động trước đã

  • Bạn cần lựa chọn địa điểm và thiết lập shop của mình. Nếu muốn tự xây dựng website có thể làm trên Wix, Wordpress. Hoặc bạn tạo một gian hàng trên các trang TMDT như Amazon, Etsy, eBay, RedBubble, Shopify…

  • Thiết lập hệ thống cổng thanh toán. Đơn hàng chủ yếu đến từ nước ngoài như Mỹ, Châu Âu… Cổng thanh toán được sử dụng nhiều nhất là PayPal, Payoneer, Stripe. Các thẻ thanh toán cho nước ngoài có thể dùng VISA, Mastercard.

  • Lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ fulfillment. Bạn sẽ cần tích hợp shop online của mình vào các Platform hỗ trợ hoàn thiện đơn hàng. Một số bên được ưa chuộng như Printify, Printub, Printbase… Bạn có thể tạo tài khoản trên các nền tảng này và so sánh giá cả in ấn cũng như số lượng các Supplier đang hợp tác.


2- Chọn ngách: Sản phẩm bạn muốn tập trung


Mặc dù Print on demand được biết đến đầu tiên là dịch vụ in áo thun nhưng giờ đây bạn có thể chọn in thiết kế trên nhiều loại sản phẩm. Từ cốc, mũ, áo, tranh ảnh, balo, gối…

Các sản phẩm được phân loại theo danh mục, bạn có thể tham khảo trên các Platform.



​Thời trang

Phụ kiện

Vật dụng gia đình

Phụ kiện đồ công nghệ

Áo phông

Váy

Quần legging Chân váy

Quần short

Áo hoodie Sweatshirt

Áo thể thao

Áo khoác

Túi tote

Tất

Khẩu trang

Cốc sứ

Cốc giữ nhiệt Gối/vỏ gối

Chăn

Khăn tắm

Tranh canvas

Ốp điện thoại

Ốp macbook Miếng dán giữ điện thoại [popsocket]



Nhiều người đã nắm bắt được làn sóng POD từ những ngày đầu tiên và kiếm cho mình hàng trăm ngàn đô mỗi tháng. Hiện tại, xu hướng này vẫn không ngừng phát triển, thậm chí nhiều sản phẩm mới trở thành xu hướng như khẩu trang trong 2 năm gần đây.



[Nguồn ảnh: AlphaGraphics]


3- Tạo thiết kế độc đáo


Phần này bạn nên ưu tiên, vì đó là điều khiến khách hàng quyết định đặt hàng của bạn hay không. Một số ý tưởng về thiết kế như:


- Thiết kế độc quyền: Thiết kế có thể là họa tiết, hoặc nhân vật bạn tự tạo ra. Vừa tạo dựng thương hiệu, vừa tận dụng được ý tưởng để in trên các loại sản phẩm khác nhau.


Ví dụ: Thỏ Bảy Màu, Mickey, Doraemon là những nhân vật được thiết kế độc quyền.

Nhà thiết kế đã đưa lên tất cả các sản phẩm có thể in được, bạn thử nghĩ xem nếu là 1 fan trung thành của nhân vật đó thì họ có muốn sưu tập tất cả không.

Hoặc họa tiết độc quyền như Supreme, Gucci, LV.. họ đưa mẫu thiết kế lên tất cả các sản phẩm, và nhìn vào là ai cũng có thể nhận ra và đọc tên thương hiệu.



[Nguồn ảnh: Gucci]


- Thiết kế dạng bắt trend: Một số câu Quotes, hoặc hình ảnh từ các bộ phim bom tấn.


Vào năm 2019, mọi rạp chiếu phim đều rung chuyển với siêu phẩm phim bom tấn “Avengers: End game”. Rất nhiều hình ảnh, câu nói độc đáo có liên quan đến nhà Marvel được in trên mọi sản phẩm và được hàng triệu fan săn đón.


Hoặc bạn thiết kế một số những câu nói giúp truyền động lực, cảm hứng, mang tính hài hước dành cho một đối tượng khách hàng cụ thể cũng là một ngách hay ho để bạn triển khai.


- Thiết kế theo chủ đề: Đó có thể là thiết kế cần đầu tư nhiều hơn cho các ngày lễ, đồ đôi, cho cả gia đình, thiết kế hình ảnh đậm chất Rock, Rapper…


- Thiết kế hình ảnh 3D: Đây là loại thiết kế bán rất chạy trên thị trường, đương nhiên nó đòi hỏi bạn có kỹ năng thiết kế tốt. Nhưng bạn sẽ có lợi thế để cạnh tranh hơn so với những cửa hàng chỉ có thiết kế đơn giản.


Thiết kế là không giới hạn. Bạn chỉ cần lựa chọn cho mình hướng đi và tập trung vào nó.



4- Xây dựng bộ sưu tập thu hút bằng mockup


Mockup là những hình ảnh sản phẩm chưa có thiết kế. Bạn chỉ việc sử dụng phần mềm chỉnh sửa hoặc một số website miễn phí để thiết kế ra chúng.

Thay vì khách hàng phải cố tưởng tượng thiết kế của bạn trên áo thun trông sẽ ra sao, thì bây giờ họ có thể nhìn nó thật rõ ràng bằng hình ảnh trực quan.


Một số công cụ miễn phí giúp bạn đưa thiết kế vào sản phẩm:

  • Canva

  • Smartmockup.com

  • Placeit.com


Nguồn ảnh: Smartmockups




5- Đăng tải ảnh sản phẩm lên cửa hàng


Nếu tạo cửa hàng trên sàn, bạn có thể tham khảo Etsy, Redbubble, Shopify, Amazon….


Với Etsy và Redbubble, ở đây bạn sẽ có thêm lượng free traffic khá tốt. Bởi 2 nền tảng này trưng bày sản phẩm giống như một khu chợ vậy. Khách hàng vào tham quan sẽ được nhìn thấy thiết kế từ nhiều cửa hàng, trải dài vô biên.


Nếu dựng website riêng, hãy cài đặt phần ecommerce và chọn giao diện giống một cửa hàng chuyên nghiệp để trưng bày các thiết kế sao cho đẹp mắt.



Nguồn ảnh: Wordpress




6- Tích hợp Store và Platform


Có rất nhiều nền tảng để bạn lựa chọn như: Printful, Printify, Printbase,Teechip,…

Mỗi platform sẽ mang đến cho bạn những quyền lợi khác nhau.

Ví như Printify có 3 gói đăng ký dành cho Member, bạn sẽ có quyền lợi khác nhau tùy theo từng gói và luôn được in với giá rẻ hơn thay vì in lẻ từng chiếc.


Các nền tảng này hợp tác với nhiều nhà in khác nhau trên khắp thế giới. Việc của bạn là cần sáng suốt trong việc lựa chọn nhà in nào. Giá cả in cũng khác nhau tùy thuộc chất liệu sản phẩm, chất lượng in ấn.

Một số điểm nên lưu ý khi lựa chọn Supplier:

  • Ưu tiên lượt đánh giá 5 sao

  • Số ngày hoàn thành giao hàng.

  • Chất liệu sản phẩm.

  • Chi phí in ấn.


Kiểm tra cổng thanh toán: Đảm bảo hoạt động bình thường và nên có ít nhất 2 cổng thanh toán. Với thị trường quốc tế có thể dùng PayPal, Stripe, Payoneer, ShopBase.



7- Có một chiến lược marketing nội dung mạnh mẽ.


Dù được Platform hỗ trợ quảng cáo hay không, việc bạn cần làm vẫn là đầu tư thời gian để tiếp thị cho cửa hàng online của mình để có lợi nhuận bền vững.


- Viết các bài đăng blog về thị trường ngách của bạn và tối ưu hóa cho các công cụ tìm kiếm trên Google, Youtube. Sẽ cần có thời gian để nội dung thu hút khách hàng nhưng marketing nội dung có thể mang lại kết quả vượt trội mà chi phí bỏ ra lại khá rẻ.


- Quảng cáo trên Google, Facebook, Instagram… Cách này đòi hỏi một khoản tiền đầu tư trước, nhưng các cửa hàng in tốt nhất đều đã làm điều đó – đừng để bị bỏ lại phía sau.


- Xây dựng sự hiện diện trên mạng xã hội. Tương tự như marketing nội dung, bạn có thể thu hút luồng traffic từ các mạng xã hội. Tận dụng video marketing trên TikTok, Reels hay bất cứ điều gì bạn có thể.

Cho dù bạn chọn cách tiếp cận nào, hãy luôn duy trì nó khi bạn bán sản phẩm online.


Làm gì để tạo lợi thế cạnh tranh?



Theo nghiên cứu của Brain & Company, có tới 22% lượng người tiêu dùng mua sắm thường xuyên hơn tại những store cung cấp các sản phẩm cá nhân hoá.


Ngoài ra, nghiên cứu của Deloitte cũng đã chỉ ra rằng lý do khiến người tiêu dùng hiện nay tìm kiếm sự cá nhân hóa vì họ thích tạo nên những món quà mang phong cách riêng.


Không chỉ vậy, 34% trong số họ cho rằng lý do vì các sản phẩm đại trà trông không mấy hấp dẫn đối với họ.


Khi sản phẩm phù hợp với nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng thì đó sẽ là chiến lược giữ chân khách hàng hiệu quả nhất.

Đây chính là “vũ khí cạnh tranh” cần thiết mà bạn cần chú trọng.




Cơ hội tiềm năng cho người biết nắm bắt



Các sản phẩm in theo yêu cầu chiếm một phần rất lớn trong cuộc sống của chúng ta. Đó là cách mọi người thể hiện bản thân, nói với thế giới về sự độc đáo của họ. Các sản phẩm POD đã đi được một chặng đường dài và vẫn còn nhiều cơ hội để tiến về phía trước. Hãy có tầm nhìn xa và nghiêm túc khi lựa chọn công việc kinh doanh này.

Chủ Đề