Lãi suất các ngân hàng tháng 2 2022

            Với việc tín dụng bứt tốc ngay trong tháng đầu tiên của năm mới và áp lực lạm phát ngày càng tăng, nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm của mình theo hướng tăng lên để hút tiền gửi từ thị trường.

Tổng hợp của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, lãi suất huy động trung bình tiếp tục có diễn biến tăng nhẹ trong tháng đầu tiên của năm 2022 đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Trung bình lãi suất huy động 6 tháng và 12 tháng tăng lần lượt lên mức 4,79% và 5,552% vào cuối tháng 1/2022.

            Lãi suất của nhóm ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng) và nhóm ngân hàng thương mại quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) có diễn biến trái chiều.

Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại quy mô nhỏ giảm 0,04 điểm phần trăm đối với kỳ hạn 6 tháng, xuống còn 4,44%/năm, trong khi tăng 0,003 điểm phần trăm với kỳ hạn 12 tháng, lên 6,058%.

Trái lại, ngân hàng thương mại quy mô lớn tăng 0,09 điểm phần trăm, lên 4,79%/năm với kỳ hạn 6 tháng nhưng giảm 0,002 điểm phần trăm xuống 5,307%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng.

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng bứt phá ngay từ những ngày đầu năm; tính đến ngày 28/1/2022, dư nợ tín dụng tăng khoảng 2,74% so cuối năm trước (tăng 16,32% so cùng kỳ năm trước; tháng 1/2021 chỉ tăng 0,53%). Điều này cho thấy dòng vốn đã khai thông.

Hiện tại, mặc dù chỉ số lạm phát CPI của Việt Nam đạt 1,94% tháng 1/2022, mức lạm phát tháng 1 thấp nhất kể từ năm 2017 tới nay (nếu ngoại trừ năm 2021), nhưng nhóm nghiên cứu tại BVSC cho rằng, áp lực lạm phát sẽ cao hơn khi giá nhiều loại nguyên vật liệu đã đang có xu hướng tăng mạnh,

"Triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế cũng khiến nhu cầu tín dụng tiếp tục cao. Các áp lực này có thể sẽ khiến nhiều ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất huy động", nhóm nghiên cứu BVSC nhận định.

Thực tế cũng cho thấy, bước sang đầu tháng 2/2022, hàng loạt ngân hàng đã điều chỉnh tăng biểu lãi suất huy động.

Điển hình, lãi suất tiết kiệm tại VPBank kỳ hạn từ 6 đến 9 tháng tăng khoảng 0,3 - 0,7 điểm phần trăm so với trước đây; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng khoảng 0,7 - 0,8 điểm phần trăm. Thậm chí, nếu gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng với sản phẩm Prime Savings, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất tháng đầu tiên lên đến 12,2-12,4%/năm, các tháng sau đó là 6,1-6,2%/năm.

Techcombank cũng tăng lãi suất từ 0,4-0,5 điểm phần trăm với hầu hết kỳ hạn từ ngày 7/2/2022. Hay tại BacABank, lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng cũng tăng 0,1 điểm phần trăm so với trước, lên mức 3,8%/năm cho các kỳ hạn từ 1-3 tháng; 6%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 6,1%/năm cho kỳ hạn 9 tháng.

Một số ngân hàng cũng tăng biểu lãi suất còn có SCB, SaigonBank, ACB, Sacombank, DongA Bank, OCB…

Tiếp đến là Techcombank với mức 7,1%/năm. Khách hàng muốn nhận được mức lãi suất này cần phải gửi khoản tiền từ 999 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 12 tháng.

Liền sau là ngân hàng MSB với mức ấn định 7%/năm và điều kiện số tiền gửi áp dụng từ 200 tỷ đồng trở lên tại hai kỳ hạn là 12 tháng và 13 tháng.

LienVietPostBank hiện đang xếp ở vị trí thứ tư với lãi suất là 6,99%/năm. Điều kiện để khách hàng nhận được mức lãi suất này là phải có khoản tiền gửi có kỳ hạn 13 tháng và 60 tháng, trong đó giá trị tiền gửi ở kỳ hạn 13 tháng phải từ 300 tỷ trở lên.

Bên cạnh đó, khách hàng có thể cân nhắc lựa chọn gửi tiền ở một số ngân hàng khác cũng có lãi suất tiết kiệm tương đối cạnh tranh như MBBank (6,9%/năm), Ngân hàng Việt Á (6,9%/năm), HDBank (6,85%/năm), BacABank (6,8%/năm)... Nhưng, các ngân hàng này đều có những tiêu chuẩn riêng để đạt được mức lãi suất như trên, chứ không cào bằng cho mọi khoản tiền gửi.

Đáng chú ý, VPBank đã thoát khỏi vị trí cuối bảng khi mức lãi suất cao nhất ở đây đã tăng lên mức 6,7%/năm cho khoản tiền lớn hơn 50 tỷ, kỳ hạn 36 tháng.

Tại nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV) trong tháng này chỉ Vietcombank là có điều chỉnh giảm lãi suất tại một số kỳ hạn ngắn. Tuy nhiên điều này không ảnh hưởng đến mức lãi suất cao nhất đang được huy động tại ngân hàng này. Trong đó, mức lãi suất ngân hàng cao nhất là 5,6%/năm tại VietinBank; ba ngân hàng còn lại có chung mức 5,5%/năm.

Tác giả: Đào Vũ

Nguồn: https://vneconomy.vn

Phòng TCKH huyện Vị Thủy

Hoạt động điều phối thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước có thể nhanh chóng làm lãi suất liên ngân hàng hạ xuống. Tuy nhiên, xu hướng tăng lãi suất của thị trường 1 ( ngân hàng và cư dân) lại không dễ dàng xoa dịu như vậy. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm lại được nâng lên một mức cao mới trong tháng 9/2022.

CUỘC “CHẠY ĐUA” LÃI SUẤT HUY ĐỘNG VẪN TIẾP TỤC

Căng thẳng thanh khoản càng ngày càng nổi bật trong hệ thống ngân hàng. Trong đó, việc đáo hạn các hợp đồng bán USD đã khiến một lượng VND tương ứng bị rút ra khỏi hệ thống, đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng lên cao.

Gần như ngay lập tức, nhà điều hành tiền tệ đã thực hiện 3 biện pháp hỗ trợ bao gồm: mua ngoại tệ kỳ hạn, hỗ trợ nguồn thông qua kênh cầm cố và dừng hút tiền trên kênh tín phiếu. Nhờ các hoạt động điều tiết nhịp nhàng, lãi suất liên ngân hàng đã giảm dần.

Trái với lãi suất liên ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng xoa dịu, cuộc đua tăng lãi suất trên thị trường 1 (dân cư và ngân hàng) thì lại không dễ dàng chấm dứt.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức bổ sung hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng thương mại với mức phân bổ rải đều từ 0,7% - 4%, tùy theo xếp hạng của từng ngân hàng và một số yếu tố khác theo định hướng của Chính phủ. Trong đợt điều chỉnh lần này, mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ước tính sẽ tăng thêm khoảng 2%,

Mặc dù mức điều chỉnh thấp hơn so với các kỳ vọng của thành viên trên thị trường, thế nhưng các ngân hàng vẫn rầm rộ tăng lãi suất huy động.

Điển hình, Sacombank tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ 0,1 - 0,55 điểm phần trăm so với kỳ điều chỉnh trước. Ngân hàng nâng mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng lên 3,9%/năm, kỳ hạn 6 tháng lên 5,4%/năm và 12 tháng lên 6%/năm.

Hay như BacABank tăng từ 0,1 - 0,15 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống tăng lên mức 4%/năm, kỳ hạn từ 6-9 tháng tăng lên mức 6,5%/năm, kỳ hạn 12 tháng tăng lên 6,9%/năm và trên 12 tháng tăng lên 7%/năm.

ABBank là ngân hàng có mức tăng lãi suất cao nhất. Theo đó, ngân hàng điều chỉnh tăng 0,7-0,9 điểm phần trăm lãi suất ở một số kỳ hạn. Ví dụ với khoản tiền gửi từ 10-300 triệu đồng, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tăng 0,8 điểm phần trăm lên 6,4%/năm, kỳ hạn 9 tháng tăng 0,9 điểm phần trăm lên 6,6%/năm và kỳ hạn trên 12 tháng tăng 0,7 điểm phần trăm lên 6,7%/năm.

Thậm chí, một ngân hàng thương mại nhà nước là VietinBank cũng triển khai chương trình cộng thêm kai suất 0,5%/năm cho các khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm online kỳ hạn từ 1 đến 24 tháng trên VietinBank iPay.

Duy nhất trường hợp đi ngược thị trường đó là Nam A Bank. Đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, xu hướng chính của ngân hàng này là điều chỉnh giảm, mức giảm khoảng 0,1-0,4%/năm.

Trao đổi với VnEconomy, một chuyên gia kinh tế nhìn nhận, xu hướng tăng lãi suất huy động trong bối cảnh room tín dụng chưa được điều chỉnh như kỳ vọng là bởi 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, chênh lệch tăng trưởng tín dụng - tiền gửi hiện ở mức cao. Tính đến ngày 31/8, tín dụng tăng trưởng gần 10%, trong khi huy động vốn mới gần 4%.

Thứ hai, một số ngân hàng cũng sẽ có nhu cầu tăng vốn dài hạn. Bởi lẽ, mức trần tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn sẽ được điều chỉnh từ 37% xuống 34%. Đồng thời, cho vay dài hạn có thể là động lực tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm 2022.

Thứ ba, nhiều khách hàng không thể trả nợ đúng hạn. Do đó, vốn của nhiều ngân hàng đang kẹt trong nợ xấu và nợ cơ cấu. Nếu ngân hàng còn room muốn cho vay thêm thì buộc lòng phải huy động thêm vốn.

Nhìn chung, Công ty Chứng khoán SSI dự báo, lãi suất huy động có thể tăng thêm 0,5-0,7 điểm phần trăm sau khi nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Cả năm 2022, lãi suất huy động có thể tăng 1-1,5 điểm phần trăm.

LÃI SUẤT TIẾT KIỆM NGÂN HÀNG NÀO CAO NHẤT?

Với việc một số ngân hàng thay đổi biểu lãi suất nên bảng xếp hạng lãi suất tiền gửi cao nhất trong tháng 9/2022 cũng có sự xáo trộn so với tháng trước. Thậm chí, mức lãi suất 8,8%/năm đã xuất hiện.

Dẫn đầu danh sách là ABBank với mức lãi suất 8,8%/năm. Lãnh đạo ngân hàng cho biết, điều kiện để nhận lãi suất 8,8% là dành cho các khoản tiền gửi 1.500 tỷ đồng trở lên cho kỳ hạn 13 tháng và lĩnh lãi cuối kỳ.

Tiếp sau là ngân hàng SCB với mức lãi suất 7,6%/năm. Mức lãi suất niêm yết này đối với kỳ hạn 13 tháng và chỉ áp dụng cho món tiền gửi có số dư từ 500 tỷ đồng trở lên.

Đáng chú ý, mặc dù có lãi suất khá cao, lên tới 7,5%/năm cho kỳ hạn từ 13 tháng đến 60 tháng nhưng CBBank không có đính kèm bất cứ điều kiện nào về số tiền gửi tối thiểu. Tương tự, ngân hàng Đông Á cũng để mức lãi suất 7,4%/năm cho kỳ hạn 13 tháng mà không cần điều kiện về số tiền gửi.

Đứng thứ 5 và 6 là hai ngân hàng Kienlongbank và OceanBank. Trong đó, Kienlongbank áp dụng lãi suất 7,3%/năm cho kỳ hạn 36 tháng. Còn OceanBank áp dụng lãi suất 7,2%/năm cho kỳ hạn 18 tháng.

Ngoài ra, khách hàng có thể cân nhắc lựa chọn gửi tiền ở một số ngân hàng khác cũng có lãi suất tiết kiệm tương đối cạnh tranh như HDBank (7,15%/năm); Techcombank (7,1%/năm); BacABank (7,0%/năm); NCB (7%/năm); MSB (7%/năm); OCB (7%/năm); LienVietPostBank (6,99%/năm); MB (6,8%/năm)... Tuy nhiên, các ngân hàng này đều có những tiêu chuẩn riêng để đạt được mức lãi suất như trên, chứ không cào bằng cho mọi khoản tiền gửi.

Tại nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, cả 4 ngân hàng (VietinBank, BIDV, Agribank, Vietcombank) đều có mức lãi suất huy động cao nhất ở 5,6%/năm. Đây cũng là nhóm đứng cuối bảng xếp hạng tháng 9/2022.

Lãi suất các ngân hàng tháng 2 2022