Luật hóa vai trò nhân dân trong đảm bảo antt

Sáng 9/2 tại Hà Nội, Học viện Chính trị Công an Nhân dân [CAND] tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ: “Định hướng và giải pháp phát huy vai trò của quần chúng bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị CAND chủ trì hội thảo.

Tham dự Hội thảo có Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; các đồng chí tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, các giáo sư, nhà khoa học trong và ngoài ngành lực lượng CAND là những nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực nghiên cứu, các nhà hoạt động thực tiễn có liên quan đến việc tham gia bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở, liên quan đến việc tham mưu, hoạch định đường lối, chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự…

Thực hành và phát huy rộng rãi quyền làm chủ của nhân dân

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Giám đốc Học viện Chính trị Công an Nhân dân nêu rõ: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vai trò của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng, Người nhấn mạnh: “Nhân dân là chủ thể của lịch sử, là lực lượng của cách mạng”. Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, trong mọi thời kỳ, giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng phát huy vai trò của quần chúng nhân dân và xem đây là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của dân tộc.

Đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, thực tiễn đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của nhà nước, sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và vai trò nòng cốt của lực lượng CAND, quần chúng nhân dân được tập hợp vào các phong trào, đặc biệt là phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã phát huy vai trò tích cực và có những đóng góp hết sức to lớn, góp phần cùng lực lượng CAND giữ vững ổn định an ninh, trật tự phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong quá trình đó, quần chúng nhân dân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, giữ gìn bí mật nhà nước, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền; chủ động phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình”, lôi kéo, kích động, gây chia rẽ của các thế lực thù địch, phản động; đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Các diễn đàn: “Lắng nghe ý kiến nhân dân”; “Nhân dân tố giác tội phạm”; “Mặt trận lắng nghe dân nói”; “Nói cho dân nghe và lắng nghe dân nói”; “Ngày nghe dân nói”; “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”... đã thực sự trở thành nơi để nhân dân thể hiện vai trò làm chủ của mình đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và công tác bảo vệ an ninh, trật tự.

“Quán triệt, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những năm qua, lực lượng CAND đã tăng cường đưa công an chính quy về cơ sở, tích cực bám dân, bám địa bàn, hướng dẫn nhân dân tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự, cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội” - Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân nhấn mạnh.

Trên cả nước, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được triển khai đồng bộ, sáng tạo, với nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, tiêu biểu như: “Tổ Liên gia”, “Tổ Tự quản”, “Dòng họ an toàn”, mô hình “02 không, 01 có”, “3 tăng, 3 giảm”, “Xứ, họ đạo tiên tiến”, “Gia đình Công giáo gương mẫu”, mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, đi cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng trở về địa phương”... góp phần phát huy vai trò của nhân dân và trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong bảo vệ an ninh, trật tự.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, vai trò của quần chúng nhân dân trong bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở còn chưa thực sự phát huy hiệu quả tích cực; chất lượng xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở một số địa phương chưa đồng đều, có lúc, có nơi còn hình thức, chưa thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến thiếu sức lỗi cuốn, nội dung chậm đổi mới, chưa theo kịp sự thay đổi của tình hình. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, định hướng... làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự.

Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân khẳng định: Hội thảo được tổ trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị đang đẩy mạnh việc quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhằm “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”. Đồng thời, với tinh thần thực hành và phát huy rộng rãi quyền làm chủ của nhân dân và vai trò chủ thể của nhân dân đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; cũng như thực hiện có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật và nguồn lực to lớn của nhân dân trong quá trình hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.

Hội thảo góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ CAND, nhất là lực lượng ở cơ sở về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của quần chúng trong bảo đảm an ninh, trật tự, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong vận động quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự. Bên cạnh đó, hội thảo còn cung cấp thông tin phục vụ công tác tham mưu, tư vấn, lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, cũng như hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu trong các học viện, trường CAND...

Kết quả hội thảo khoa học góp phần cung cấp những luận cứ hữu ích phục vụ cho Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an báo cáo các cấp có thẩm quyền tham vấn trong quá trình xây dựng và ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.

Bảo đảm an ninh con người, an ninh xã hội

Gần 60 tham luận được trình bày và gửi tới hội thảo đã tập trung thảo luận về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của quần chúng nhân dân trong bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ Sở. Nhận diện, làm rõ thực tiễn việc vận động, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở thời gian qua. Đồng thời xác định yêu cầu đặt ra đối với việc phát huy vai trò của quần chúng tham giá bảo vệ an ninh, trật tự trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các đại biểu tập trung đề xuất định hướng, giải pháp phát huy vai trò của quần chúng bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Các đại biểu đều thống nhất về sự cần thiết xây dựng dự án luật và mong muốn Quốc hội thông qua, ban hành để sớm tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho việc tổ chức lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở, qua đó góp phần bảo đảm an ninh con người, an ninh xã hội, xây dựng xã hội trật tự an toàn kỷ cương để phát huy tốt hơn vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, thế trận bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ cơ sở.

TS Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, để đảm bảo an ninh trật tự ngay từ cơ sở phải đặt lên trên hai rường mối: Lòng dân và Quốc pháp, trên nền tảng văn hóa ở cơ sở một cách cầu thị và khôn khéo. Đó chính là văn hóa. Nhưng, xử lý vấn đề như thế nào lại là một nghệ thuật. Và trước hết tới sau cùng, mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND phải trở thành một nhân cách văn hóa. Lực lượng CAND, ở đây là lực lượng ở cơ sở phải tu luyện mình, chủ động nắm lấy và xử lý chúng một cách nghệ thuật, hiệu quả… Do đó, nhân tố văn hóa phải trở thành một trong những nhân tố căn bản để bảo đảm an ninh trật tự ngay từ cơ sở…

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh, nguyên Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an lưu ý, cùng với nhiệm vụ xây dựng, phát triển các lực lượng vũ trang chính quy, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm xây dựng, phát triển, phát huy vai trò của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự an ninh trật tự ở cơ sở, góp phần bảo đảm an ninh trật tự từ sớm, từ xa.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và khoa học, Bộ Công an đề xuất, Luật nên có tên mới là Luật về bảo vệ an ninh trật tự cơ sở; quy định rõ trách nhiệm vai trò cấp ủy đảng, chính quyền, công an, người dân… Muốn thế, Bộ Công an cần tổ chức hội thảo thu thập thêm ý kiến của các bí thư, chủ tịch, công an cấp xã ở ba khu vực gồm thành phố, đồng bằng và miền núi.

PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, dự án luật cần lưu ý vai trò tham gia của người dân trong bảo vệ đất nước từ xa, từ sớm; phát hiện dấu hiệu tội phạm, phá hoại môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm… Cần quy định rõ ràng nhiệm vụ của các lực lượng bảo vệ an ninh trật tự là ai, người dân tham gia bảo vệ như thế nào. Từ đó, nhân lên sức mạnh bảo vệ an ninh Tổ quốc, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch bên ngoài. Mỗi địa phương, làng xóm là một pháo đài về an ninh.../.

Chủ Đề