Người chết ở đâu

Ðạo lý luân hồi thường được người ta hiểu một cách nông cạn. Hầu hết mọi người khi nghe hai tiếng Luân Hồi đều nghĩ đến một sự tiếp nối sinh hoạt trong nhiều xác thân của một chiếc linh hồn cố định. Người ta nghĩ rằng khi chết, linh hồn sẽ rời khỏi xác thân để đi vất vơ vất vưởng trong hư không, đợi nhập vào một xác thân mới sinh, hoặc là xuống âm phủ chịu cực hình trước khi đi đầu thai làm thân người hay thân trâu ngựa …

Thực ra, đạo Phật chủ trương rằng sau khi con người chết, không có cái gì thoát ra ngoài xác thân để rồi nhập vào một xác thân khác cả. Như chúng ta đã thấy trong bài trước, đạo Phật dạy rằng sinh mạng là sự cấu hợp liên tục của ngũ uẩn, tức là những yếu tố sinh lý, tâm lý [sắc, thọ, tưởng, hành, thức]. Sắc uẩn là phần vật chất. Thọ uẩn [sensations], tưởng uẩn [perceptions], hành uẩn [formationss mentales] và thức uẩn [conscience] là phần tinh thần. Những tác dụng tinh thần nầy chỉ có thể “hiện hành” được khi có căn cứ phát sinh. Căn cứ phát sinh đó là phần thể xác, sinh lý; cũng vì thế mà thể xác được gọi là thân căn. Nếu thân căn thiêu hoại, các tác dụng tâm lý kia không hiện hành nữa mà trở lại thế tiềm phục, nghĩa là trở thành chủng tử.

Nếu căn thân là một cấu hợp của tứ đại chủng, luôn luôn chuyển biến, thì những tác dụng tinh thần kia cũng hợp thành một dòng liên tục biến động không ngừng. Con người của ta đổi mới từng giây phút; thân xác trong giờ phút trước. Dòng tâm lý kia cũng vậy, luôn luôn biến động. Mỗi phút, có những cảm giác mới, những tư tưởng mới, đến thay cho những cảm giác và những tư tưởng cũ đang phai dần, hoặc đang nép sâu vào ký ức - đang lùi về tiềm thế chủng tử – Vì luôn luôn biến chuyển, nên dòng tâm lý ấy không phải là một cá thể đồng nhất, vĩnh cữu, do đó, không thể gọi là một bản ngã được. Cái mà người ta cho là linh hồn phải là một bản ngã đồng nhất, bất biến, làm chủ thể cho sinh mạng. Ở đây, đạo Phật chủ trương không có bản ngã, nghĩa là không có linh hồn: những tác dụng tâm lý của con người vẫn chỉ là những tác dụng tâm lý. Chúng phát hiện và hoạt động khi có điều kiện [thân căn sinh hoạt] và trở về trạng thái chủng tử tiềm phục khi các điều kiện kia tan rã [thân căn tiêu hoại].

Nhiều người quả quyết rằng núp sau các hiện tượng sinh lý vật lý luôn luôn biến chuyển kia, phải có một yếu tố bất biến. Chính yếu tố đó là linh hồn, và chính linh hồn đó tự nhận mình là một bản ngã. Nếu không có linh hồn đó thì làm sao giải nghĩa được cái tính chất đồng nhất nó tồn tại qua mọi biến chuyển, tính chất đồng nhất mà mọi người đều cảm thấy ở tự thân mình hoặc ở bản thân một người khác.

Nhưng xét kỹ, tính chất đồng nhất ấy chẳng cần đòi hỏi sự hiện hữu của một bản ngã, một linh hồn nào cả.

Năm ngoái, tôi có mua một chiếc ghế gỗ để ngồi. Năm nay, cái ghế ấy đã cũ đi nhiều, đã thay đổi nhiều, vì nó đã gảy mất một cái chân và tróc mất lớp vảy ở ngoài. Tuy nhiên tôi vẫn biết rằng cái ghế ấy chính là cái ghế mà tôi mua năm ngoái. Vậy thì do đâu mà tôi nhận ra được tính chất đồng nhất của cái ghế trong “lịch trình biến chuyển” của nó? Phải chăng vì cái ghế kia có chứa đựng một “yếu tố bất biến”, một linh hồn? Nếu thế cái “yếu tố bất biến” ấy của cái ghế mới được gọi là gì? Chẳng lẽ gọi là linh hồn của cái ghế, hay là bản ngã của cái ghế ?

Cho nên, không có yếu tố nào bất biến, nghĩa là không có linh hồn, không có bản ngã. Chỉ có những hiện tượng vật lý và tâm lý chuyển biến.

Vậy thì nhờ đâu mà ta cảm thấy tính chất đồng nhất của một vật? Theo Phật Học sở dĩ qua sự chuyển biến ta vẫn cảm thấy có một cái gì đồng nhất là vì ta có một vọng tưởng. Thứ vọng tưởng đó do giả tướng liên tục gây nên.

Các hiện tượng luôn luôn biến diệt và sinh thành, từ chủng tử trở nên hiện hành, từ hiện hành quay về chủng tử. Sự biến diệt sinh thành ấy xảy ra mau chóng quá đến nỗi ta không nhận thấy kịp và ta tưởng có một tính cách đồng nhất của cá vật qua thời gian biến chuyển. Cũng như khi ta quay một đốm lửa thành vòng tròn, ta thấy có một “vòng tròn lửa” tồn tại, kỳ thực vòng tròn ấy chỉ là một giả tướng liên tục, cấu hợp nên do những đốm lửa luôn luôn đổi mới.

Gọi là những đốm lửa luôn luôn đổi mới vì tạo nên vòng tròn đó không phải chỉ là một đốm lửa mà là vô số đốm lửa. Ðốm lửa sau vì cháy trên một chất củi khác nên đã không phải là đốm lửa trước nữa. Như thế đốm lửa ở phía trên vòng tròn đã không phải là đốm lửa phía dưới vòng tròn. Tuy vậy, đốm lửa sau cũng không phải là một đốm lửa khác hẳn đốm lửa trước. Vì nếu không có đốm lửa trước thì cũng sẽ không có đốm lửa sau. Ðốm lửa trước làm nhân cho đốm lửa sau. Dây liên tục đó đã gây cho ta vọng tưởng về tính cách đồng nhất. Ðể hiểu rõ, ta nên đọc đoạn nầy trong kinh “Di Lan Ðà vấn đạo” [les Questions du Milinda]:

  • Nầy Ðại Vương! Nếu có người thắp một ngọn đèn lên, ngọn đèn có thể cháy suốt đêm được không?

  • Bạch Ngài, ngọn đèn có thể cháy đến sáng.

  • Vậy ngọn lửa đèn lúc canh một có phải chính là ngọn lửa đèn lúc canh hai không?

  • Bạch Ngài, Không.

  • Ngọn lữa lúc canh hai với ngọn lữa lúc canh ba có phải là một không?

  • Bạch Ngài, cũng không phải.

  • Vậy thì canh một có một cây đèn, canh hai có một cây đèn khác, và canh ba có một cây đèn khác nữa chăng?

  • Bạch Ngài, không. Ánh sáng suốt đêm chỉ do một cây đèn mà tỏa ra thôi.

  • Ðại Vương! Sự liên tục của một người hay một vật cũng vậy. Con người của phút nầy sinh, thì con người của phút trước diệt, dòng liên tục không ngừng. Con người phút sau không phải là “một” với con người phút trước, nhưng cũng không phải là “khác” với con người phút trước. Như thế, con người liên tục mãi cho đến giai đoạn cuối cùng của ý thức bản ngã.

Ta có thể tạm ví xác thân ta với cây đèn, bấc, dầu; và tinh thần ta với ngọn lửa đèn, cả hai đều biến chuyển không dừng, không phải “đồng nhất” mà cũng không phải “sai dị” [phi nhất phi dị].

Bản thân ta [gồm cả tinh thần lẫn vật chất] không phải là một cá thể đồng nhất bất biến, mà là một dòng liên tục thường biến. Chính cái giả tướng "một dòng liên tục’ ấy đã gây cho ta ý niệm về tính cách đồng nhất của mọi vật và của chính bản thân ta.

Nếu không có một bản ngã bất biến, một linh hồn – thì cái gì đi luân hồi, cái gì đi đầu thai, cái gì làm chủ thể cho dòng sinh tử?

Câu hỏi ấy là một thắc mắc lớn lao cho nhiều người. Chúng ta thường thấy trong kinh Phật có những câu chuyện luân hồi nhân quả mà trong đó, một người chết ở thành Ba La Nại có thể đầu thai thành một con vật ở thành Ca Tỳ La…Vậy cái gì thoát khỏi xác thân người kia để đi đến thành Ca Tỳ La nhập vào xác con vật nọ? Làm sao cái chết của một sinh vật lại được nối tiếp với cái sanh của một sinh vật khác?

Ta đã thấy rằng đạo Phật không công nhận linh hồn, và do đó không nhận rằng có linh hồn di chuyển. Ðạo Phật chỉ chủ trương nhân quả [Patica Samuppada]: một hậu quả nào phát sinh cũng phải có những nguyên do tiền hữu. Còn dục vọng, còn ham muốn thì vẫn còn sự sống. Trong thời gian dục vọng còn tồn tại, các chủng tử trong A Lại Gia phần nhiều còn là hữu lậu, nghĩa là còn khuynh hướng phát hiện sinh tử.

Nếu sau khi đời sống chấm đứt mà dục vọng đều đã tiêu diệt hết, vô minh không còn hiện hữu và các chủng tử đã trở thành vô lậu. A Lại Gia trở về thể nhập với bản thể sáng suốt, thì dòng sinh mạng không còn tiếp diễn nữa. Nhưng nếu dục vọng vẫn còn, thì A Lại Gia còn nằm trong trạng thái ô nhiễm, chưa có thể giải thoát luân hồi được. Do đó, dòng sinh mệnh phải được tiếp nối.

Trong cuốn “The Dhamma of Buddha”, Ðại Ðức Jagdish Kasyapa có viết một đoạn đại ý như sau về vấn đề luân hồi" Ai cũng biết trận giặc trăm năm [La guerre de Cent ans] giữa Pháp và Anh. Gọi là trận trăm năm, nghĩa là có nhiều trận giặc nối tiếp nhau trong vòng một trăm năm, chứ không phải chỉ là một trận kéo dài trong một trăm năm. Các trận giặc nhỏ kia xảy ra ở những thời gian khác nhau ở những địa điểm khác nhau, và với những chiến binh chiến cụ luôn luôn đổi mới. Nhưng sao tất cả các trận nhỏ ấy lại được gồm lại trong một ý niệm “trận giặc trăm năm”? Tại sao đánh một vài trận rồi người ta không thôi đi, để cứ tiếp tục đánh thêm nhiều trận khác? Có phải là vì do ý tưởng thù nghịch giữa hai nước đang còn không?

Vậy “ý tưởng thù nghịch” kia là nguyên do cho cuộc chiến tranh và cho sự tiếp nối liên tục của các trận đánh. Còn ý tưởng ấy thì các trận đánh vẫn còn tiếp diễn. Cũng như thế, còn dục vọng thì còn phải tiếp tục sinh tử, với một thân căn mới, một hoàn cảnh mới, một thế giới mới.

Một đợt sóng ở đây xuất hiện. Vì đâu? Vì một sức đẩy ở đàng kia. Ðợt sóng nầy lên rồi xuống, và khi xuống, tạo thành một sức đẩy mới. Do sức đẩy nầy mà đàng xa kia phát sinh một đợt sóng khác: chính đợt sóng khác ấy là kết quả của đợt sóng nầy, tiếp nối do đợt sóng nầy vậy. Giai đoạn sinh mệnh trước tạo nghiệp nhân mê lầm sinh tử cho giai đoạn sinh mệnh sau; giai đoạn sinh mệnh sau tạo nghiệp nhân cho giai đoạn sinh mệnh sau nữa, và cứ như thế mãi.

Tất cả những nghiệp nhân của ta về ngôn ngữ, ý nghĩ, hành vi, cùng tất cả những ảnh tượng, cảm giác đều trở về tiềm phục trong A Lại Gia của ta, không hề mất đi đâu cả. Chúng tạo thành một động lực, gọi là “nghiệp lực”, đẩy chúng ta vào một giai đoạn sinh mệnh mới, một kiếp sống mới.

Vấn đề luân hồi trong đạo Phật là một vấn đề sâu xa, cầu phải tìm hiểu lâu dài. Bài nầy chỉ có thể gợi được một vài ý niệm căn bản đủ để độc giả có thể phá bỏ những thành kiến từ xưa về luân hồi mà thôi vậy.

Sau khi trải qua tiến trình chết, ta tỉnh lại và thấy mình đang ở trạng thái trung gian của đời trước và đời sau. Vậy sau khi mất người chết đi về đâu? Đặc tính của linh hồn người chết là gì, quá trình chúng ta tái sanh như thế nào? Chúng ta có thể lựa chọn được kiếp sống sau hay không?

Như đã nói trong những bài trước. Trừ khi ta đã tu và đắc quả giải thoát; hoặc niệm Phật phát nguyện vãng sanh và được vãng sanh về Tây Phương Tịnh Độ. Ngoài hai trường hợp ấy ra thì trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi. Trong đó: Người đã gieo nghiệp cực thiện sẽ hóa sanh làm Thiên Nhân nơi các cõi Trời, người cực ác hóa sanh ngay nơi Địa ngục. Còn thì đa phần sẽ trải qua trạng thái Thân trung ấm ngay sau khi mất!

*
Người chết đi về đâu sau khi mất

Trung Ấm tái sanh thường chỉ kéo dài 49 ngày. Do cứ sau 7 ngày trung ấm thân lại phải chết một lần. Do đó nếu không tìm thấy cha mẹ tương lai ta cứ liên tục phải trải qua trải nghiệm kinh khủng của cái chết. Thời gian tái sanh càng gần, ta càng thêm khát khao một thân xác làm chỗ nương. Ta lang thang khắp nơi đi tìm một chốn để tái sanh, để tìm một cái thân vật lý.

Những dấu hiệu bắt đầu hiện ra báo cho ta biết cái cảnh giới ta có thể tái sanh vào. Những ánh sáng đủ màu chiếu từ sáu nẻo luân hồi. Ta cảm thấy bị thu hút vào một cõi này hay khác. Tùy theo cảm xúc tiêu cực nào mạnh nhất trong tâm ta. Một khi ta đã bị lôi cuốn đến đấy, thì thật vô cùng khó mà trở lui.

Người chết đi về đâu

Rồi những hình ảnh sẽ khởi lên, liên hệ đến những cõi khác nhau. Càng quen thuộc với giáo lý, ta càng dễ nhận ra ý nghĩa thực của chúng. Những dấu hiệu thay đổi phần nào theo những giáo lý khác nhau.

  1. Nếu sanh vào cõi Trời người: Ta sẽ thấy mình đi vào một thiên cung có nhiều tầng lầu.
  2. Nếu tái sanh vào loài A Tu La: Ta sẽ thấy mình ở giữa những khí giới bằng lửa, hay sắp ra chiến trường.
  3. Nếu sanh vào Súc sanh: Ta sẽ thấy mình ở trong một hang lỗ dưới đất, hay một cái ổ rơm.
  4. Nếu sanh vào loài Ngạ quỷ: Ta sẽ thấy một gốc cây, một rừng sâu, hay một tấm vải dệt.
  5. Nếu sắp sanh vào cõi Địa ngục: Ta sẽ thấy mình đang bị dẫn vào một hố đen, xuống một con đường tối. Hoặc vào một cõi đất mờ mịt có nhà màu đỏ hoặc đen, hay về phía một thành phố bằng sắt.

Có dấu hiệu khác chứng tỏ cảnh giới ta đang hướng đến. Nếu sắp sửa sanh vào cõi trời hay người, thì cái nhìn của ta sẽ hướng lên trên. Nếu sanh vào cõi súc sinh, ta sẽ nhìn thẳng tới trước như chim. Nếu sanh vào địa ngục hay ngạ quỷ thì ta sẽ nhìn xuống, như thể là sắp nhào xuống. Nếu có dấu hiệu nào như thế, thì ta nên coi chừng đừng rơi vào một cõi tái sanh bất hạnh.

Người chết đi về đâu: Những cảnh báo về tái sinh

Khi đó ta sẽ có một khát khao mãnh liệt đối với một cảnh giới nào đó. Ta bị cuốn hút vào đó theo bản năng. Giáo lý về Trung Ấm dạy rằng vào thời điểm ấy, có nguy cơ lớn là: Do lòng nôn nóng thèm khát tái sanh, ta có thể xông tới bất cứ một nơi nào. Cho dù nó không có vẻ gì an ninh bảo đảm. Nếu ước muốn của ta bị bất mãn, sự giận dữ khởi lên sẽ đưa giai đoạn Trung Ấm đến một kết thúc. Vì ta sẽ bị đẩy vào cõi dữ bằng chính năng lực cảm xúc của mình.

Và như thế, ta có thể thấy tái sanh tương lai của ta được trực tiếp định đoạt bởi tham, sân và si. Hãy tưởng tượng ta đang chạy về phía một chỗ nấp, chỉ để tránh thoát kinh nghiệm đau khổ của Trung Ấm. Rồi vì sợ phải từ bỏ tất cả sự an toàn tạm bợ. Ta đâm ra ràng buộc với một tái sanh mới: Ta nhào vào bất kể ở đâu, miễn là được tái sanh. Khi ấy ta có thể đâm ra thác loạn và lầm lẫn tái sanh tốt với xấu, xấu với tốt. Ta có thể nghe tiếng gọi của những người thân yêu, hoặc giọng ca hấp dẫn…Ta cắm đầu chạy theo chúng, để cuối cùng bị dẫn dụ xuống những cõi thấp kém.

Bởi vậy, phải cẩn thận đừng mù quáng đi vào những cõi vô phúc ấy. Ðiều kỳ diệu là, ngay lúc ta ý thức được cái gì xảy đến cho ta, thì ta có thể bắt đầu tác động. Chính điều ấy ảnh hưởng đến số phận của ta.

Người chết đi về đâu: Nhìn thấy cha mẹ tương lai

Bị đẩy tới bởi ngọn gió nghiệp, linh hồn người chết đi đến một nơi ở đấy cha mẹ đang giao hợp. Khi thấy họ, nó bị kéo vào trong cảm xúc ấy. Do nghiệp quá khứ, nó tự nhiên cảm thấy rất thương hoặc rất ghét:

  1. Sự quyến luyến người mẹ, thù ghét và ganh tị với người cha: Nó sẽ nhập thai và sinh thành con trai
  2. Sự quyến luyến người cha, thù ghét và ganh tị với người mẹ: Nó sẽ nhập thai và sinh làm con gái.
  3. Nhưng nếu linh hồn ngã quỵ trước những cảm xúc rất mạnh thì nó có thể sanh vào một cảnh giới hèn hạ.[ Ái nam ái nữ hoặc dị dạng] 

Có cách nào để linh hồn của ta có thể làm bây giờ, để tránh bị tái sanh hoặc hướng dẫn sự tái sanh kế tiếp của ta không ? Giáo lý về Trung Ấm đưa ra hai chỉ dẫn đặc biệt: Phương pháp ngăn ngừa tái sanh, và nếu không ngăn được, thì chọn một tái sanh tốt. Ðầu tiên là những chỉ dẫn để đóng cửa ngõ đi vào một đời sống khác:

Người chết đi về đâu: Cách ngăn ngừa tái sanh

Phương pháp tốt nhất là từ bỏ những cảm xúc như tham dục, giận dữ, hay ganh tỵ. Nếu bạn có thể nhận chân điều ấy, rồi để tâm an trú trong bản chất chân không của nó. Điều này sẽ ngăn ngừa tái sanh.

Tử Thư Tây Tạng báo cho chúng ta biết: Than ôi! Cha và mẹ, cơn bão lớn, luồng gió xoáy, sấm sét, những cảnh tượng kinh hoàng. Tất cả những gì hiện ra đấy, bản chất đều huyễn ảo. Dù có hiện tướng gì đi nữa, thì cũng không thực. Mọi chất liệu đều giả dối, trống rỗng. Chúng như ảo ảnh, không trường tồn bất biến. Tham ái mà làm chi? Sợ hãi mà làm chi? Như vậy là xem cái không thành cái có.

Tử Thư lại khuyến cáo tiếp: “Tất cả đều do tâm tôi biến ra, và tâm ấy vốn là chân không, vô sanh, không bị chướng ngại”. Khi nghĩ vậy, hãy để tâm ngươi tự nhiên trong bản chất của nó. Như nước đổ vào nước, cứ như nó là, thong thả, phóng khoáng và thư giãn. Khi để nó an trú tự nhiên và thong thả, ngươi có thể bảo đảm ngõ vào mọi lối tái sanh chắc chắn bị đóng lại.

Phương pháp hay nhất kế tiếp để ngăn ngừa tái sanh là nhìn những người có thể làm cha mẹ bạn như là Phật, hay thầy, hay thần hộ mạng của bạn. Ít nhất, bạn hãy cố phát sinh một cảm giác từ bỏ, không bị lôi kéo vào những cảm xúc tham dục. Hãy nghĩ đến những cõi Phật thanh tịnh. Ðiều này sẽ ngăn ngừa tái sanh và khiến bạn được sanh vào một trong những cõi Phật.

Người chết đi về đâu: Ta có thể lựa chọn hình thức tái sanh

Nếu bạn không thể an trú tâm đủ vững vàng để làm như vậy. Bạn hãy gắng chọn lựa một tái sanh. Hãy liên hệ đến những điểm mốc và những tướng các cảnh giới khác nhau. Nếu bạn nhất định phải tái sanh, hay cố ý muốn tái sanh để theo đuổi con đường tu tập và làm lợi ích người khác. Hãy bằng mọi cách tái sinh về cõi người. Bởi chỉ có ở đấy các điều kiện mới thuận lợi cho sự tiến tu đạo nghiệp.

Giáo lý về Trung Ấm cho biết: Nếu bạn sắp sửa sanh vào một hoàn cảnh tốt trong cõi người, bạn sẽ cảm thấy mình đang đi vào một ngôi nhà sang trọng đẹp đẽ. Hoặc vào một đô thị, hay ở giữa một đám đông. Hoặc bạn sẽ thấy những người đang giao hợp.

Ngoài những cách ấy ra, thông thường chúng ta không có chọn lựa nào. Chúng ta bị lôi kéo về chỗ thọ sanh của ta: “Như con chim bị sa lưới, như cỏ khô bắt lửa, hay súc vật sa đầm lầy”. Tử Thư nói: “Này hỡi thiện nam/nữ, dù ngươi không muốn đi, ngươi cũng không có năng lực tự chủ, ngươi bị bắt buộc phải đi”.

Tuy nhiên, như giáo lý luôn luôn nhắc ta: Vẫn còn có hy vọng, bây giờ là lúc nên cầu nguyện. Nhờ tha thiết mong mỏi và tập trung mãnh liệt. Ngay trong lúc này, bạn vẫn còn có thể tái sanh vào một cõi Phật. Hoặc bạn có thể phát nguyện sâu xa tái sanh vào một gia đình loài người. Ở đấy bạn có thể gặp đường lối tu tập và tiếp tục tiến đến giải thoát.

Hãy gắng tĩnh tâm và cầu nguyện ngay cả khi đã nhập thai

Nếu bạn có một nghiệp nặng buộc bạn rơi vào một cảnh giới đặc biệt nào, thì có thể bạn hết phương chọn lựa. Tuy nhiên, lời nguyện quá khứ và sự mong cầu của bạn có thể giúp bạn chuyển số phận. Bạn có thể tái sanh vào một đời sống mà một ngày nào đó sẽ đưa bạn đến giải thoát.

Ngay cả khi bạn đã nhập thai, cũng có thể cầu nguyện cho điều này xảy ra. Ngay cả khi ấy, bạn có thể quán tưởng mình như một chúng sanh giác ngộ. Bạn có thể làm cho cái thai cung mà bạn đang vào biến thành một môi trường thiêng liêng, “một cung trời”. Ở đấy bạn tiếp tục tu luyện.

Bây giờ, khi Trung Ấm tái sanh hiện ra. Tôi sẽ tập trung nhất tâm thiền quán và cố kéo dài những hậu quả của nghiệp tốt. Ðóng cửa ngõ tái sanh, cố đừng sanh trở lại. Ðây là lúc cần tinh tấn và nhận thức thuần tịnh. Hãy từ bỏ cảm xúc tiêu cực, và quán tưởng bậc đạo sư. Cuối cùng, chính sự thúc giục của tự tâm muốn trú trong một cõi nào đó, đã buộc ta tiến về tái sanh. Chính khuynh hướng chấp thủ của tự tâm đã tìm sự thể hiện thành thân xác tái sanh. Ðây là giai đoạn kế trong tiến trình xuất hiện mà ta đã thấy xảy ra trong các cảnh Trung Ấm.

Người chết đi về đâu: Vào thai mẹ và tái sinh trong kiếp sống mới

Nếu bạn thành công trong sự hướng dẫn tâm về phía một sự sanh làm người, thì tức là bạn đã đi trọn chu kỳ. Bạn sẽ được sanh vào trong Trung Ấm tự nhiên của đời này.

Khi trông thấy cha mẹ bạn đang giao hợp, tâm bạn bị thu hút và bạn vào thai. Ðiều này báo hiệu sự kết thúc của Trung Ấm tái sanh. Khi tâm bạn một lần nữa kinh qua rất nhanh chóng những tướng của các giai đoạn tan rã và sự xuất hiện của Ánh sáng Căn bản. Rồi kinh nghiệm tối đen của sự “thành tựu” lại khởi lên và đồng thời sự liên lạc với bào thai mới bắt đầu. Như vậy đời sống khởi đầu cũng như kết thúc bằng Ánh sáng căn bản.

[Người chết đi về đâu – Theo Tạng thư sống chết]

Tuệ Tâm 2020.

Video liên quan

Chủ Đề