Quản lý nhà nước về cung cấp dịch vụ công

Chúng ta đều biết rằng, Nhà nước của bất kỳ chế độ nào cũng bao gồm hai chức năng cơ bản: chức năng quản lý và chức năng phục vụ. Hai chức năng này hỗ trợ cho nhau, trong đó chức năng phục vụ là chủ yếu, chức năng quản lý xét đến cùng cũng nhằm phục vụ. Với chức năng phục vụ, như đã phân tích ở các phần trên, Nhà nước có trách nhiệm cung ứng các dịch vụ công thiết yếu cho xã hội. Bên cạnh đó, với chức năng quản lý, Nhà nước phải thực hiện vai trò quản lý và điều tiết xã hội nói chung, trong đó có vấn đề dịch vụ công. Nhà nước bằng quyền lực của mình, thông qua các công cụ quản lý vĩ mô như pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, để quản lý và điều tiết hoạt động cung ứng dịch vụ công, qua đó làm tăng hiệu quả cung ứng dịch vụ công trong toàn xã hội.

– Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức tự quản của cộng đồng tham gia cung ứng dịch vụ công.

Vai trò này vượt ra khỏi phạm vi quản lý Nhà nước thuần túy, xuất phát từ việc xác định trách nhiệm cao nhất và đến cùng của Nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ công không có nghĩa là Nhà nước phải trực tiếp cung ứng toàn bộ các dịch vụ này. Thực hiện vai trò này, Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội của người dân tham gia cung ứng dịch vụ công. Cơ chế, chính sách ấy bao gồm: vạch rõ những lĩnh vực dịch vụ cần khuyến khích sự tham gia của khu vực phi Nhà nước, chính sách hỗ trợ tài chính, chính sách thuế, các điều kiện vật chất, các chính sách đào tạo, kiểm tra và kiểm soát,… Nhà nước cần tạo ra một môi trường pháp lý chung cho tất cả các đơn vị cung ứng dịch vụ công, đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho tất cả các nhà cung ứng dịch vụ công.

– Nhà nước quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở ngoài nhà nước cung ứng dịch vụ công.

Nhà nước là người chịu trách nhiệm cuối cùng trước xã hội về số lượng cũng như chất lượng dịch vụ công, kể cả các dịch vụ công được thực hiện bởi các công ty tư nhân hay các tổ chức kinh tế-xã hội. Trong khi đó, đối với các công ty tư nhân, các tổ chức, cá nhân đảm nhận các dịch vụ công, lợi ích của chính bản thân họ không phải bao giờ cũng thống nhất với lợi ích của Nhà nước, của xã hội. Vì vậy, Nhà nước phải tạo ra cơ chế để các tác nhân bên ngoài nhà nước khi đảm nhận các dịch vụ công thực hiện mục tiêu xã hội. Xây dựng hệ thống chỉ tiêu chất lượng dịch vụ công để đánh giá hoạt động của các đơn vị cung cấp, giám sát và kiểm tra hoạt động của các cơ sở này. Điều cốt lõi là Nhà nước phải cân nhắc, tính toán và giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa lợi ích của nhà nước, của xã hội với lợi ích của tổ chức và cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ công.


Các từ khóa trọng tâm hoặc các thuật ngữ liên quan đến bài viết trên:
  • chức năng điều tiết xã hội và chức năng cung cấp dịch vụ
  • Quan hệ Nhà nước - Tư nhân trong cung cấp dịch vụ công
  • quản lý cung ứng dịch vụ công
  • trách nhiệm của nhà nước trong việc cung ứng dịch vụ công
  • vai trò của nhà nước trong khuyến khích dịch vụ công
  • ,

    1. Dịch vụ hành chính công

    Một trong những chức năng cơ bản của Nhà nước giao cho nền hành chính đảm trách là cung ứng dịch vụ công. Nền hành chính ngày càng phát triển, vì vậy dịch vụ công được mở rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, đồng thời cần phối hợp và điều hòa các nguyện vọng cá nhân với lợi ích của cộng đồng, của đất nước, hướng tới các mục tiêu của một xã hội dân chủ. Nhiều hoạt động cung ứng dịch vụ công được chuyển giao dần cho các khu vực ngoài Nhà nước thực hiện. Tức là Nhà nước không tự mình giải quyết tất cả các vấn đề xã hội mà đẩy mạnh dân chủ hóa gắn với phân quyền, xã hội hóa nhằm tập trung thực hiện tốt vai trò “lái thuyền”. 

    Ở nước ta, chức năng cung cấp dịch vụ công là một hoạt động thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của bộ máy hành chính nhà nước đã được pháp luật quy định trong nhiều văn bản như Hiến pháp ngày 28 tháng 11 năm 2013; Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 06 năm 2015; Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước;… Các văn bản quy phạm pháp luật này đã có những tác động tích cực trong quản lý, điều hành đối với các cơ quan hành chính các cấp; vừa tăng cường kỷ cương hành chính, vừa từng bước tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quản lý hành chính nhà nước, cung cấp dịch vụ công.

    Theo như cách hiểu thông thường hiện nay thì hành chính công là hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quản lý hành chính nhà nước, sử dụng nguồn lực công để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao hoặc hoạt động của tổ chức, cá nhân được ủy quyền cung ứng dịch vụ công theo quy định của pháp luật. Dịch vụ công là những hoạt động thuộc về bản chất của bộ máy nhà nước. Là những hoạt động phục vụ các lợi ích chung, thiết yếu, các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức, do Nhà nước trực tiếp đảm nhận hay ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện nhằm bảo đảm trật tự, lợi ích chung và công bằng xã hội. Xét theo lĩnh vực cung ứng dịch vụ, dịch vụ công gồm 3 loại: dịch vụ công trong lĩnh vực sự nghiệp; dịch vụ công trong lĩnh vực công ích và dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính nhà nước hay còn gọi là dịch vụ hành chính công. Như vậy, dịch vụ hành chính công là một bộ phận cấu thành của dịch vụ công và được hiểu như sau:

    “Dịch vụ hành chính công là một loại hình dịch vụ công do các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện để phục vụ các quyền và nghĩa vụ cơ bản của các tổ chức và công dân. Nói cách khác, dịch vụ hành chính công là những hoạt động phục vụ các quyền và nghĩa vụ cơ bản của các tổ chức và công dân, do các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện dựa vào thẩm quyền hành chính - pháp lý của Nhà nước” [theo Nguyễn Ngọc Hiến [chủ biên], Hành chính công, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, năm 2006].

    Cũng theo Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ, “dịch vụ hành chính công là những dịch vụ liên quan đến hoạt động thực thi pháp luật, không nhằm mục tiêu lợi nhuận, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân dưới hình thức các loại giấy tờ có giá trị pháp lý trong các lĩnh vực mà cơ quan nhà nước đó quản lý. Mỗi dịch vụ hành chính công gắn liền với một thủ tục hành chính để giải quyết hoàn chỉnh một công việc cụ thể liên quan đến tổ chức, cá nhân”.

    2. Các loại hình và đặc điểm của dịch vụ hành chính công

    Dịch vụ hành chính công ở nước ta thường được thể hiện thông qua các loại hình cơ bản như sau:

    Một là, các hoạt động cấp các loại giấy phép. Giấy phép là một loại giấy tờ do các cơ quan hành chính nhà nước cấp cho các tổ chức và công dân để thừa nhận về mặt pháp lý, thể hiện quyền của các chủ thể này được tiến hành một hoạt động nào đó phù hợp với các quy định của pháp luật trong lĩnh vực được cấp phép.

    Hai là, các hoạt động cấp các loại giấy xác nhận, chứng thực, bao gồm: công chứng, cấp chứng minh thư nhân dân [căn cước công dân], cấp giấy khai sinh, khai tử, cấp giấy đăng ký kết hôn, cấp giấy phép lái xe, đăng ký ô tô, xe máy, tàu thuyền...

    Ba là, các hoạt động cấp giấy đăng ký kinh doanh và chứng chỉ hành nghề. Giấy đăng ký kinh doanh được cấp cho chủ thể kinh doanh khi chủ thể này thành lập doanh nghiệp hoặc cơ sở kinh doanh của mình. Giấy phép hành nghề là một loại giấy tờ chứng minh chủ thể này có đủ khả năng và điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật đối với một nghề nhất định nào đó, ví dụ: giấy phép hành nghề luật sư, hành nghề khám chữa bệnh…

    Bốn là, hoạt động thu các khoản đóng góp vào ngân sách và các quỹ của Nhà nước. Các hoạt động này gắn với nghĩa vụ mà Nhà nước yêu cầu các chủ thể trong xã hội phải thực hiện.

    Năm là, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và xử lý các vi phạm hành chính. Hoạt động này nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của công dân trong mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với công dân.

    Như vậy, có thể nói, dịch vụ hành chính công là loại dịch vụ công đặc biệt, chỉ do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện, luôn gắn liền với thẩm quyền mang tính quyền lực pháp lý, nhằm phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước và không vì mục tiêu lợi nhuận, mọi người dân có quyền ngang nhau trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hành chính công. Với tư cách là chủ thể chịu trách nhiệm cung ứng dịch vụ hành chính công, Nhà nước tham gia cung ứng dịch vụ hành chính công với tư cách trực tiếp để bảo đảm việc cung cấp đầy đủ các dịch vụ này thông qua các cơ quan, tổ chức của mình lập ra. Nhiều nước coi cải cách các dịch vụ do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện là nội dung quan trọng nhất của cải cách dịch vụ công. Bởi lẽ, sự quan tâm của người dân đang tập trung vào việc cải thiện mối quan hệ của Nhà nước đối với công dân thông qua dịch vụ công do các cơ quan hành chính nhà nước cung ứng. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, Nhà nước ta đang khuyến khích và thực hiện xã hội hóa các dịch vụ hành chính công. Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm huy động sự tham gia rộng rãi của Nhân dân và các tổ chức vào hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công để cải thiện hiệu quả cung ứng và giảm tải áp lực cho Nhà nước. Đồng thời, Nhà nước chỉ đảm trách vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở thực hiện cung ứng dịch vụ hành chính công./.

    htmlinh.snv

    Video liên quan

    Chủ Đề