Quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe là quyền con người

Về mặt luật pháp quốc tế, quyền con người là “những quyền tự nhiên, thuộc về tất cả mọi người, không phân biệt dân tộc, màu da, giới tính, quốc tịch, ngôn ngữ, tôn giáo, hay bất kỳ tình trạng nào khác và không thể bị tước bỏ bởi bất cứ ai hay chính thể nào. Về mặt Luật pháp Việt Nam, quyền con người được đề cập cụ thể trong Chương III, Hiến pháp sửa đổi và bổ sung năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Theo đó “1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Quyền con người ở Việt Nam, được hình thành dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quyền con người không chỉ tuân theo quy luật tự nhiên mà nó còn thay đổi theo tình hình phát triển chung của xã hội. Quyền con người phải luôn song hành cùng với chủ quyền lãnh thổ, để bảo đảm quyền con người thì cũng đồng nghĩa với việc xây dựng và bảo vệ tổ quốc của chính con người đó. Trải qua nhiều sóng gió, gian truân về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, thì vấn đề quyền con người luôn được bảo đảm khi chính chủ quyền lãnh thổ của chúng ta được bền vững. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi con người là vốn quý nhất, là mục tiêu, động lực, và là yếu tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Trong giai đoạn cách mạng, quyền con người cũng không bị quên lãng, quyền lợi của mọi tầng lớp trong xã hội từ những người nhỏ tuổi nhất đến người già tuổi nhất, hay từ những người có nghề nghiệp lao động chân tay đến lao động trí óc, tất cả đều được bảo đảm các quyền con người không có sự phân biệt đối xử.

Đảng ta nhấn mạnh nhân dân là trung tâm và coi người dân chính là cầu nối giữa các quyền tập thể. Nhà nước được thiết lập để mang lại những quyền cơ bản nhất cho con người của chính quốc gia đó. Vì vậy, bản chất của Nhà nước ta là nhà nước vì con người. Các kết quả đạt được trong việc xoá đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống của người dân, không ai bị bỏ lại phía sau được Đảng và Nhà nước ta có sự nỗ lực hết mình. Quyền của các những người yếu thế cũng được bảo đảm. Ðó là điều khiến mọi người dân Việt Nam đều tin tưởng và thấu hiểu "Tổ quốc không bao giờ bỏ rơi chúng ta" và "Lúc khó khăn có Tổ quốc bên cạnh". Có thể Đảng và Nhà nước luôn ưu tiên hàng đầu về bảo đảm nhân quyền trong toàn dân.

Quyền con người thì thời điểm nào cũng được quan tâm, đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp, cấp bách thì quyền con người lại phải được tôn trọng hơn bao giờ hết. Tình trạng khẩn cấp là tình huống xảy ra khi thảm họa lớn do thiên nhiên, con người gây ra, khi dịch bệnh lây lan trên diện rộng vượt quá khả năng ứng phó của chính quyền, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tài sản của nhà nước và của tổ chức khác. Tình trạng khẩn cấp có thể diễn ra trên một hoặc nhiều địa phương hay trên phạm vi cả nước. Có thể chia các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp thành 3 nhóm sau: nhóm quy định về điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp; nhóm quy định về các quyền con người, quyền công dân bị hạn chế trong tình trạng khẩn cấp; nhóm quy định các biện pháp bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp.Covid-19 là một bệnh truyền nhiễm nhóm A, nghĩa là thuộc nhóm bệnh đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh có nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Với chủng mới, chưa có phương pháp điều trị, mọi quốc gia đang gặp khó khăn trong phòng chống dịch, và đây là một trong những thách thức lớn của các nước, đặc biệt là các nước có nền kinh tế đang phát triển. Dịch bệnh hay đại dịch là vấn đề đáng quan ngại ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, để bảo vệ được quyền này, mỗi quốc gia cần phải phân phối và có các hoạt động để ứng phó trên các phương diện của xã hội, không chỉ là phải hy sinh sự phát triển kinh tế mà còn vẫn phải đảm bảo về an sinh xã hội cho người dân. Đây là trách nhiệm của mỗi quốc gia, không nằm ngoài vòng quay này, Việt Nam đã và đang có những hành động thiết thực nhất trong việc nỗ lực phòng chống đại dịch COVID-19 của Đảng và Nhà nước Việt Nam và toàn thể người dân trong thời gian vừa qua. Ngày từ khi bùng phát dịch bệnh, việc chống dịch đã được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc với phương châm “Chống dịch như chống giặc”, bên cạnh đó còn nhấn mạnh dù có thiệt hại về kinh tế thì vẫn phải bảo đảm sức khỏe của người dân “không ai bị bỏ lại phía sau”. Đây là thử thách lớn đối với Đất nước nhỏ như Việt Nam, nằm ngay cạnh tâm điểm bùng phát dịch [Trung Quốc], là một phép toán, yêu cầu chúng ta phải giải quyết, phép toán này không chỉ nhắm đến hệ thống y tế của đất nước mà còn tác động rõ đến các chính sách, hệ tư tưởng đường lối của Đảng và Nhà nước. Đây là những biểu hiện rõ ràng nhất của việc nâng cao quyền con người ở Việt Nam. Lòng yêu nước kết hợp với sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch. Dù nhiều đợt dịch bùng phát, đặc biệt là đợt bùng phát dịch tại Đà Nẵng, tưởng chừng không kiểm soát được tình hình, nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban bí thư, cùng với sự chỉ đạo của các sở, ban ngành thực hiện giãn cách xã hội nhằm kiểm tra và ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Dù trong thời gian gần đây, đã có nhưng ca tử vong, tuy nhiên đều là các ca có bệnh nền nặng, phải kể đến những người được chữa khỏi.

1. Vai trò của Đảng và Nhà nước trong bảo vệ quyền con người trong đại dịch COVID 19

Bảo đảm quyền con người là một trong những việc đặt lên hàng đầu của Đảng và nhà nước ta, và đã được cả thế giới ghi nhận. Tuy nhiên, với COVID 19 thì công cuộc bảo vệ quyền con người lại được thể hiện rõ nét hơn, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xử lý với đại dịch viêm đường hô hấp cấp thành công nhất. Có thể thấy rằng, trong bối cảnh đại dịch bùng phát một cách phức tạp ở các quốc gia trên thế giới, Đảng, Nhà nước cùng toàn thể người dân đã có gắng hết mình về việc bảo đảm quyền con người, trong đó là quyền được sống của chính người dân đang sinh sống và học tập tại Việt Nam [bao hàm cả người nước ngoài], không chỉ vậy, những người Việt Nam đang làm việc và học tập tại nước ngoài cũng được Nhà nước ta đặc biệt quan tâm sâu sắc. Sự nỗ lực ở đây không chỉ là các bộ, ban ngành, mà còn là toàn thể nhân dân, với tinh thần đoàn kết với sự lãnh đạo của Đảng, việc nỗ lực của các cán bộ trong công tác phòng chống dịch, ngày đêm trăn trở để có thể chữa khỏi cho những bệnh nhân hay không mà còn cả một hệ thống ý thức của người dân trong công tác này.

Bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương vào cuộc, đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế là trái tim của cả nước. Các bộ ban ngành khác sẽ là hậu phương vững chắc trong việc quản lý mọi hoạt động xâm nhập của dịch bệnh; cung cấp lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm; luôn sẵn sàng đưa đồng bào về nước,... và luôn không quên sự phát triển kinh tế, cải thiện đời sống trong mùa dịch. Bên cạnh đó, phải vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, cũng như tuyên truyền dịch bệnh phải nhanh chóng, kịp thời; khuyến cáo những người đi từ vùng dịch về phải thực hiện khai báo y tế, cách ly, theo dõi sức khỏe, không tập trung đông người, đeo khẩu trang đúng quy định. Đồng thời, cũng đã tạm dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, xông hơi, massage; thống nhất tạm dừng hoạt động văn hóa thể thao, vui chơi giải trí; tạm đóng cửa các di tích lớn, các lễ hội ngày tết,... Trong đó, một biện pháp đảm bảo quyền con người đó là việc tạm dùng cấp thị thực cho tất cả khách nước ngoài, hủy bỏ các chuyến bay từ nước ngoài vào Việt Nam, đây là một trong những cách để tránh lây lan bởi lẽ sự bùng phát của đại dịch tại các nước trong khu vực và quốc tế đang có nguy cơ gia tăng, không có dấu hiệu dừng lại. Việt Nam sẵn sàng hy sinh lợi ích về kinh tế để phòng, chống dịch, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo đảm quyền con người trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Quyền con người được phát huy là yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của công cuộc đổi mới ở Việt Nam những năm qua.

Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước ta có những hành động hỗ trợ tích cực đối với bạn bè quốc tế bằng việc cung cấp nhiều thiết bị, vật tư y tế. Với vai trò của Chủ tịch ASEAN 2020, thúc đẩy tình đoàn kết, tương thân tương ái, Việt Nam đã tặng hai nước Lào, Campuchia các trang thiết bị y tế gồm quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, hệ thống xét nghiệm cùng bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2, trị giá hơn 7 tỷ đồng cho mỗi nước. Việt Nam tặng Indonesia 500 dụng cụ xét nghiệm; tặng Myanmar 50.000 USD để cùng chung sức phòng, chống COVID-19. Ngoài ra, trên tinh thần đối tác chiến lược, bạn bè truyền thống, hỗ trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn, Việt Nam đã dành một phần nguồn lực: khẩu trang vải kháng khuẩn, quần áo bảo hộ, lương thực thực phẩm, đồng thời cũng chia sẻ những kinh nghiệm, biện pháp đẩy lùi dịch bệnh đối với các quốc gia khác trên thế giới. Những việc này không chỉ thể hiện được tinh thần Đảng và Nhà nước ta đối với mối quan hệ ngoại giao mà còn thể hiện sự gắn bó và truyền thống tương trợ lẫn nhau, sự đoàn kết với các quốc gia khác trên thế giới.

Không phân biệt đối xử là một trong những nguyên tắc cốt lõi của luật nhân quyền quốc tế. Việc kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị bệnh, chẳng những không phòng, chống có hiệu quả dịch bệnh, mà còn có thể làm trầm trọng thêm bệnh, nhất là nguy cơ có thể lây lan ra cộng đồng, vì sự giấu bệnh của người mắc bệnh, do lo tiết lộ thông tin cá nhân của người nhiễm bệnh sẽ bị cộng đồng xa lánh, kỳ thị và bị phân đối xử. Bị mắc COVID-19 không có nghĩa là người đó bị hạ thấp giá trị hơn bất kỳ ai khác. Với chủ trương nhân đạo, Đảng và Nhà nước luôn có những chính sách hỗ trợ quan tâm đến người nước ngoài ở Việt Nam, dù có mắc bệnh hay không thì cũng được coi trọng như người dân sống tại Việt Nam được bảo đảm sinh hoạt bình thường, an toàn và giám sát, chăm sóc y tế, hoặc có những chuyến bay cho họ về Việt Nam và thực hiện cách ly theo quy định. Đối với khách du lịch nước ngoài tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương không phân biệt đối xử đối với khách du lịch và có biện pháp xử lý với trường hợp phân biệt đối xử, đồng thời thực hiện nghiêm công tác khai báo y tế tại các cơ sở lưu trú và cơ sở kinh doanh dịch vụ có người nước ngoài du lịch để bảo vệ sức khoẻ của người đó.

2. Quan điểm của Đảng và Nhà nước bảo đảm quyền về sức khoẻ cho người dân trong đại dịch COVID 19

Ứng phó với đại dịch là vấn đề quan ngại gây căng thẳng cho người dân. Sự sợ hãi và lo lắng về một căn bệnh mới và những diễn biến sẽ xảy ra như thế nào khi mắc căn bệnh này. Không chỉ dừng lại ở việc hậu quả của căn bệnh gây ra, người dân còn chịu nhiều sức ép từ việc cách lý giao tiếp xã hội, việc làm này có thể khiến mọi người cảm thấy bị cô lập, bị kỳ thị vì là bệnh nhân của Covid 19. Virus corona đã kéo theo nỗi sợ hãi, nhưng đó cũng chính là tác nhân mạnh mẽ thúc đẩy sự thay đổi về bảo vệ và nâng cao sức khỏe của chính bản thân của mỗi cá nhân, nhưng cũng là yếu tố giúp tăng thêm vai trò của Đảng và nhà nước trong công cuộc bảo vệ quyền con người trong giai đoạn này. Có thể thấy rằng, quyền con người trong đại dịch bị ảnh hưởng khá nhiều, tuy nhiên, quyền con người mà bị ảnh hưởng trực tiếp nhất là quyền về sức khỏe. Chính vì vậy, sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta là làm sao có thể bảo đảm được quyền sống, quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho con người, đặc biệt là người Việt Nam sống trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam. Điều đó đang được cộng đồng quốc tế công nhận; toàn thể nhân dân ủng hộ. Sự chăm lo sức khỏe của người dân được thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau từ cá nhân, gia đình đến cộng đồng, bởi chỉ khi bảo đảm quyền về sức khỏe thì con người mới thực hiện được các quyền cơ bản khác.

Việt Nam tham gia các Công ước, điều ước quốc tế về quyền con người, do đó Việt Nam cần phải tuân thủ các quy định để bảo vệ quyền con người. Việc vi phạm quyền con người trong sức khỏe cộng đồng, không chỉ góp phần làm trầm trọng thêm bệnh dịch mà đối với nhiều người còn bị xâm phạm trực tiếp các quyền cơ bản của con người khác. Do đó, đòi hỏi phải có những chính sách của Đảng và Nhà nước để thực hiện một cách công bằng. Vì vậy, việc áp dụng một số biện pháp ứng phó như cách ly xã hội, đóng cửa biên giới với các nước, kiểm soát, cách ly bắt buộc với người nhập cảnh, đóng cửa trường học, hạn chế đi lại, khai báo y tế, cách ly toàn xã hội, xử lý nguồn lây bệnh, ổ dịch, quản lý lây nhiễm chéo tại cơ sở y tế, quản lý nguy cơ lây nhiễm ở các nhóm nguy cơ cao và trường hợp cần cách ly, lên phác đồ điều trị do chưa có vắc xin phòng bệnh…là việc hết sức cần thiết, tuy có hạn chế một số quyền con người như quyền tự do đi lại, quyền về việc làm, quyền tự do kinh doanh,…Là một quốc gia đang phát triển, nền kinh tế không phải là thế mạnh, y tế chưa hoàn toàn hiện đại, nhưng với sự bảo vệ của Nhà nước đối với người dân có kế hoạch, chuẩn bị, tỉ mỉ thì việc phòng chống dịch trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Kết hợp cùng với đó là hành động của toàn dân trong việc phòng chống dịch. Với sự gồng mình hết sức của những người đứng đầu đất nước, các sở ban ngành, thì việc truyền bá tư tưởng, cách nhận thức cho người dân đã đạt được hiệu quả cao. Trong bối cảnh này, ở nhiều quốc gia trên thế giới bệnh nhân phải tự chi trả mọi chi phí điều trị Covid-19 thì việc ban hành văn bản chữa bệnh miễn phí được coi là một bước ngoặt trong quá trình bảo đảm sức khỏe của người dân mà không phải quốc gia nào cũng có thể thực hiện được.

Không chỉ với bảo đảm quyền con người đối với người dân trong nước, những người đang sinh sống và học tập tại nước ngoài cũng được nhà nước quan tâm. Do tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp ở nước ngoài, nên nhiều công dân vì nhiều lý do không thể trở về. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã có những biện pháp tác động, chuẩn bị các chuyến bay đón những công dân này về nước không chỉ bằng nhiệm vụ chính trị mà còn là trái tim của con người Việt Nam “Thương người như thể thương thân”. Việc làm này gặp rất nhiều thách thức lớn vì nhiều yếu tố khách quan, cũng không vì đó mà bỏ qua làm lơ, Đảng và nước luôn đáp ứng nhu cầu về nước của bà con và cũng là đáp ứng quyền con người của công dân Việt Nam ở nước ngoài. Hay chỉ là những người dân gốc Việt trước đó không có cái nhìn tốt đẹp về Đảng và Nhà nước ta thì nay họ đã nhìn nhận được thấu bên trong cái tình người của dân tộc Việt Nam chúng ta. Thêm vào đó, lòng nhân nghĩa, sự tận tâm, hết lòng của các bác sỹ đã lay động những bệnh nhân nước ngoài mắc Covid-19 được điều trị tại Việt Nam, với ví dụ điển hình là bệnh nhân số 91, phi công người Scotland, người đã nhiều lần được cứu khỏi tay tử thần hay là các bệnh nhân nước ngoài khác khi được phỏng vấn cũng bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới chính quyền ở Việt Nam. Qua đó, Việt Nam đã bảo đảm tính mạng, quyền được sống không chỉ của công dân Việt Nam, mà giúp đỡ các quốc gia khác thực hiện trách nhiệm tương tự với công dân của họ.

3. Quan điểm của Đảng và Nhà nước bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân trong đại dịch COVID 19

Tiếp cận thông tin là việc, đọc, xem, nghe, ghi chép, chụp thông tin. Trên thế giới, quyền tiếp cận thông tin được ghi nhận ở các văn kiện quốc tế, không nằm ngoài quy luật đó, Việt Nam đã pháp điển hóa quyền này thông qua Luật tiếp cận thông tin, bởi lẽ một đại dịch toàn cầu, tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận thông tin liên quan đến COVID 19 để có thể có những giải pháp và nghĩa vụ trong việc phòng chống dịch bệnh. Trong đó, việc cung cấp thông tin được công khai rộng rãi từ các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung, thông tin phổ biến hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hơn 60% người dân Việt Nam sử dụng internet, thời gian sử dụng internet lên tới 7 giờ/ngày. Hầu hết người sử dụng internet tại Việt Nam đều sử dụng mạng xã hội, khi có tới 60 triệu người dùng facebook, 40 triệu người dùng zalo. Đến nay, hơn 90% hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và hơn 80% số hộ được xem truyền hình. Các chương trình phát thanh, truyền hình bằng cả tiếng Việt và 26 thứ tiếng dân tộc được phát sóng mở rộng tới các bản làng xa xôi. Theo thống kê như vậy thì, việc tiếp cận thông tin của người dân Việt Nam càng ngày được nâng cao cả về số lượng cũng như chất lượng

Ngay từ đầu Việt Nam luôn có chủ trương công khai toàn bộ tình hình dịch bệnh từ số ca nhiễm, số ca tử vong, số ca nghi nhiễm được cập nhật liên tục hàng giờ đến toàn thể người dân thông qua các phương tiện truyền thông [các văn bản giấy được phát ở các tổ dân phố, các báo mạng chính thống, mạng xã hội, mạng viễn thông thông qua hình thức tin nhắn], để có thể nắm được thông tin, tránh tình trạng giấu dịch dẫn đến hệ quả hết sức nghiêm trọng, Việt Nam cũng triển khai các kênh thông tin để tiếp nhận ý kiến và đưa ra các biện pháp để phòng ngừa dịch bệnh cho người dân. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu cơ quan nhà nước có thể phải cung cấp một số thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, quá trình di chuyển của những người bị lây nhiễm COVID 19 nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà không cần có sự đồng ý của người này. Việc cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch cũng thể hiện phần nào quyền con người đối với người dân trong nước. Bên cạnh đó, kể từ khi có thông tin dịch bệnh Covid - 19 xảy ra tại Trung Quốc, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân chẳng hạn như chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 79-CV/TW ngày 30/01/2020; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020 về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra; Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 31/01/2020 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra; Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 01/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch Covid - 19 trong đó có nêu tên dịch bệnh, thời gian xảy ra dịch; địa điểm và quy mô xảy ra dịch, nguyên nhân, tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch, đường lây, các biện pháp phòng, chống dịch, các cơ sở khám, chữa bệnh; Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới; Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid – 19, và rất nhiều các chỉ đạo của Bộ Y tế cũng như của các cơ quan liên quan ở trung ương và từng địa phương. Các văn bản đều được phổ biến rộng rãi đối với người dân, đặc biệt ở các trang báo chính thống của quốc gia cũng như các trang thông tin điện tử.

Ngoài ra, việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin còn được âm nhạc hóa để thể hiện tinh thần “Chống dịch” qua các bài hát “Ghen Cô Vy” và nhiều các bài hát được sáng tác, những câu chuyện về hy sinh bản thân để chống dịch đều được lan truyền đến khắp cả nước thậm chí là bạn bè quốc tế, thể hiện được tinh thần đoàn kết của cả dân tộc.

Mặt khác quyền tiếp cận thông tin càng trở lên phổ biến hơn thì càng có nhiều phương thức truyền bá thông tin, chính vì vậy có nhiều thông tin về dịch bệnh không chính xác, xuyên tạc, ảnh hưởng xấu đến quyền tiếp cận thông tin của công dân gây ra hoang mang cho dư luận. Chẳng hạn như: xuyên tạc về việc không đủ lương thực thực phẩm cung cấp, số người chết do nhiễm covid, có phương pháp tự điều trị tại nhà,… Chính vì những thông tin thất thiệt này đã dẫn đến việc người dân hoang mang lo lắng và thiếu hiểu biết lại đi cung cấp những thông tin sai lệch cho nhiều người khác. Trước tình hình này, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, đã có những biện pháp xử lý phù hợp nhằm góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Cùng với đó, các cơ quan thực thi pháp luật có những biện pháp tăng cường rà soát, xử lý nghiêm túc, cương quyết đối với những cá nhân cố tình phát tán thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang lo sợ cho người dân.

Phần trên bài viết đã phân tích, để bảo vệ sức khỏe của con người, việc công bố bí mật về sức khỏe cũng như quá trình di chuyển của người bệnh là đúng theo pháp luật, tuy nhiên nó lại xâm phạm quyền giữ bí mật thông tin sức khỏe của người bệnh gây ra nhiều hệ lụy, trước hết là cho người bệnh và sau là cho sức khỏe và môi trường sống của cộng đồng. Tuy nhiên, trước tình hình rất cấp bách vấn đề sức khỏe của tất cả mọi người đặt lên hàng đầu, việc giữ bí mật thông tin sức khỏe có phần bị ảnh hưởng. Có thể thấy rằng, nếu việc lộ thông tin một cách công khai thì có thể gây thiệt hại về kinh tế cho chính người mắc bệnh [về quá trình công tác, về quản lý đơn vị,…], hoặc tạo cho chính bản thân chính những người đó một tâm lý hoang mang, lo sợ, thậm chí bị trầm cảm và ảnh hưởng đến tiến trình điều trị bệnh. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua bệnh nhân số 17 là một ví dụ điển hình làm hoang mang dư luận và chính bệnh nhân này cũng phải gánh chịu những chỉ trích của cộng đồng người Việt Nam và chính bản thân nữ bệnh nhân này lại tố cáo ngược lại chính quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, những thông tin được đăng tải chỉ là những thông tin chưa chính thống, bắt nguồn từ những tài khoản cá nhân nặc danh. Vì vậy, để bảo đảm và hạn chế tối đa nhất về thông tin về sức khỏe của công dân, Đảng và Nhà nước có chỉ đạo cần phân biệt những thông tin công khai nào là cần thiết; có thể thấy thông tin của họ chỉ đưa ra những phạm vi di chuyển để có thể khoanh vùng tiếp xúc của dịch bệnh nhằm bảo đảm quyền con người.

Có thể nói, minh bạch thông tin là một điểm cộng tích cực mà Chính phủ Việt Nam đã thành công trong giai đoạn vừa qua, thông qua đó giúp tạo dựng niềm tin và huy động sự đồng lòng của toàn dân trong ứng phó với đại dịch này.

4. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về bảo đảm quyền an sinh xã hội trong đại dịch COVID 19

An sinh xã hội là một quyền của con người được công nhận trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013. An sinh xã hội, bao gồm bảo vệ sức khỏe xã hội, vừa là mục tiêu cuối cùng vừa là công cụ để tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội bền vững của nước ta. Vì vậy, để phát triển được kinh tế thì phải bảo đảm được vấn đề an sinh xã hội cho người dân. Trong bối cảnh chống dịch, thực hiện cam kết “không ai bị bỏ lại phía sau”, an sinh xã hội được nhà nước quan tâm, nên ngày 10/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, với gói hỗ trợ chống dịch 62 nghìn tỷ đồng, và liệt kê các nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ: người nghèo, cận nghèo, người có công, lao động có hợp đồng bị nghỉ việc không lương, lao động tự do, không có việc làm… Vì vậy, chính sách đặt con người ở vị trí cao nhất trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam đang được coi trọng.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg đã quy định điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục hỗ trợ 6 nhóm đối tượng: người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hộ kinh doanh; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; người sử dụng lao động được hỗ trợ vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động. Thực hiện Quyết định của thủ tướng, Bộ lao động và thương binh xã hội cũng khẳng định việc hỗ trợ hướng tới bảo đảm đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất, không để chậm trễ và việc hỗ trợ phải được công khai, minh bạch. Cùng với việc dành mọi nguồn lực để chống dịch, Chính phủ ngay lập tức đẩy mạnh đầu tư công nhằm xây dựng những công trình thiết yếu phát triển kinh tế, tạo việc làm; giảm mạnh lãi suất điều hành, giãn, hoãn thuế để “tiếp máu” cho doanh nghiệp… Chính phủ cũng triển khai gói an sinh xã hội, nhằm hỗ trợ người yếu thế, doanh nghiệp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra; không để người dân nào thiếu đói. Chính sách này cũng góp phần dưỡng sức, tái sản xuất sức lao động, là động lực tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Mặc dù tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đã được ổn định, tuy nhiên Đại dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, Đảng, Nhà nước nhấn mạnh người dân là trung tâm, mọi quyền lợi của người dân được bảo đảm, không một ai bị bỏ lại phía sau. Việc áp dụng các biện pháp chống dịch lúc này là rất cần thiết, không được lơ là chủ quan kèm theo đó là nỗ lực phát triển kinh tế để người dân được đầy đủ, ấm no, không ai rơi vào tình trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất. Qua đó, phải nhìn nhận rằng, Đảng và Nhà nước đã và đang nâng cao tinh thần của Công ước quốc tế về quyền con người và lấy đó làm mục tiêu chính cho quá trình duy trì sự bền vững của toàn dân tộc.

                                                             Nguyễn Khánh – VKSND Đầm Hà

Video liên quan

Chủ Đề